+ Trả lời chủ đề
Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 11

Chủ đề: Việt nam quê hương non nước thanh bình

  1. #1
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2

    Việt Nam Quê Hương Non Nước Thanh Bình

    Việt nam
    Quê Hương Non Nước Thanh Bình

    Quý vị thành viên Việt Nam Thi Hữu thân mến!

    Việt Nam QUÊ HƯƠNG NON NƯỚC THANH BÌNH hay ký sự QUA NHỮNG MIỀN YÊU là tập hợp các bài sáng tác theo tháng năm trên những bước đường và địa danh mà Quang Vinh đã đi qua.

    Mỗi nơi một dấu ấn, mỗi nơi một kỷ niệm và mỗi nơi một cảm nhận được khắc ghi qua từng trang viết. Mấy năm về trước những bài viết như thế này thường khi Quang Vinh hay gửi đăng báo hoặc giới thiệu trên các tờ tạp chí. Nay cũng chỉ là vui theo cái thú vui rong ruổi mà mỗi chúng ta ai cũng có lúc thích thú khám phá hay tìm hiểu.

    Quang Vinh mời quý bạn bè thân hữu và bạn bạn đọc xa gần dạo bước đó đây thăm các miền quê Việt Nam yêu dấu nhé!

    ---
    Nguyễn Quang Vinh

    Chùa Một Cột- Hà Nội (Photo by Quang Vinh


    Cầu Trên Sông Hàn- Đà Nẵng (Photo by Quang Vinh)



    (Đền tưởng niệm Vua Hùng ở công viên Tao Đàn- TP HCM. Photo by Quang Vinh)


    (Miếu bà Chúa Xứ- An Giang- Photo by Quang Vinh)
    Lần sửa cuối bởi QUANG VINH; 19-07-2015 lúc 10:01 AM

  2. 13 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2
    SÔNG NƯỚC CỔ CHIÊN
    -----000----


    Một chiều cuối thu, trên chuyến hành trình về miền Tây sông nước lấy tư liệu cho tập ký sự Việt Nam quê hương non nước Thanh Bình, tôi có dịp ngang qua bến phà Cổ Chiên nơi địa danh tiếp giáp giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

    Xe vừa xuống bến cũng là lúc chiều hoàng hôn sớm phủ lên sông nước Cổ Chiên một màu vàng ánh nhuộm khắp mặt sông. Thong thả xuôi chiều cất bước cái khung cảnh trời nước bao la của một miền quê sông nước nên thơ đã đưa tôi vào với những khát khao khám phá và tìm hiểu đến đắm say lạ thường. Hay chăng Cổ Chiên là tên gọi từ đâu và và tại sao người đời lại đặt tên cho dòng sông thơ mộng này một cái tên mang nét hoài phong cổ dị đến vậy. Lần giở lại những trang tư liệu trong hồi ức năm nào đã đọc mới biết rằng Cổ Chiên vốn là một phân lưu của dòng Cửu Long ngang Vĩnh Long- Trà Vinh và Bến Tre. Tổng chiều dài từ phía thượng lưu đổ xuống chừng khoảng trên 80 cây số. Xuống phía hạ lưu sông chia làm 2 cửa Cung Hầu (Phía Trà Vinh) và Cổ Chiên (Phía Bến Tre) rồi đổ ra Biển Đông. Các tư liệu xưa còn lại cho đến ngày nay hầu hết không có tả chi tiết dòng sông Cổ Chiên mà chỉ ghi đại lược về cửa biển Cổ Chiên. Điển hình như sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép cách nay 2 thế kỷ rằng:

    - Cửa sông rộng 11 dặm rưỡi nước lên sâu 32 thước nước ròng sâu 18 thước, cách phía nam trấn 43 dặm rưỡi. Hai bên có nhiều sông và lạch nhỏ đều sinh nhiều cây dừa nước, dân ở đây cắt lá bện thành phiến cao rộng hơn các xứ khác rồi chở bè đem đi bán được lợi rất nhiều. Trong sông có cù lao Cổ Chiên, đầu cù lao song đôi với sông Tâm Vu đuôi cù lao chạm sông Long Toàn.Xung quanh có cư dân của 3 thôn Phước Hòa, Phú Thạnh và Phước Long, sở Thủ Ngự đóng ở phía nam…… …..Nơi đây có gò đất tốt phía nam có cù lao Ba Động dài 4 dặm có cư dân ở đó đều trồng thuốc, khoai lang và cây cối xanh tốt….

    Như vậy từ thủa sơ khai của miền đất phương nam thì tên gọi Cổ Chiên cũng đã có rồi và cũng có nhiều truyền thuyết nói về tên dòng sông cổ kính này. Trích một đoạn trong Nam kỳ thực lục như sau:

    - Trên sông vào những đêm vắng lặng thường hay xuất hiện bóng dáng ma quỷ có hình thù kỳ dị quấy nhiễu cư dân và thuyền bè qua lại. Nên hàng năm hay có những dịp cúng lễ cầu siêu và cầu an cầu lành. Có điều lạ là mỗi lần làm lễ cầu xong thì thường nghe tiếng trống chiêng khua dưới mặt sông vọng lại giống như ma quỷ âm binh cố soái ăn mừng.

    Từ đó tên gọi Cổ Chiên theo thói quen mà hình thành. Lại cũng có một truyền thuyết liên qua đến vua quan nhà Nguyễn như sau:

    -Vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) sau trận thua Rạch Gầm- Xoài Mút tàn quân chạy ra cửa bể đến đây do quân Tây Sơn đuổi riết quá nên toàn bộ chiêng trống chỉ huy trận mạc đều rơi hết xuống lòng sông. Cũng nhờ đó mà trong đêm tối trốn chạy không phát ra tiếng động nên mới thoát nạn truy diệt của nhà Tây Sơn. Tên gọi Cổ Chiên có ý nói là dòng sông có nhiều trống nhiều trống chiêng (Cổ tiếng hán là trống còn Chinh là Chiêng ví dụ Cổ lại là người đánh trống)

    Trở lại với dòng sông Cổ Chiên của thực tại một chiều cuối thu, hòa dòng người lên phà từ phía bờ Bến Tre tôi đứng tựa mạn phà mắt nhìn ra mọi phía. Xa xa nơi thượng lưu là màu xanh của xứ cù lao Long Thạnh , cù lao Linh, cù lao Đất, cù lao Dài (Thuộc Bến Tre và Vĩnh Long) hiện lên trong cái nắng nhạt của mùa thu gần hết. Mấy đám mây vần vũ của lúc chiều tà như soi bóng mặt sông hồng lên màu rực đỏ của chất phù xa nặng hạt. Phía bên bờ Vĩnh Long – Trà Vinh thấp thoáng những cột khói của một hai nhà máy chế biến thức ăn gia súc hay xay sát gì đó cuộn lên nhè nhẹ. Những cột khói mõng la đà lỡn vỡn không muốn chía xa cái màu xanh ngút ngàn của cỏ cây hoa lá mọc kín ven sông. Trên mặt sông từng con sóng nhỏ mấp mô kéo theo những đám lục bình trôi dập dờ xuôn theo mạn nước chiều tà. Ánh mặt trời xế mé soi bóng hoàng hôn sớm tạo ra muôn ngàn kim sa nhủ xuyến lấp lánh trên mặt sông đem đến cho ta cái cảm giác như đang đứng trước một bức tranh sông nước chiều quê đẹp đến mê hồn. Dõi mắt nhìn xuống phía hạ lưu hiện lên màu xanh tím của cù lao Long Trị, cồn Châu, cồn Nghêu, cồn Phụng (Thuộc tỉnh Trà Vinh). Mặt sông bao la, hơi nước trong lành thổi từ cửa biển tới mang theo vị chát mặn phả vào tai, mắt mũi và tay chân nghe lạnh lạnh. Cài chiếc áo khoác che kín vùng ngực thu tầm mắt nhìn xuống mặt sông mà cảm nhận thấy tiếng gió rít qua, tiếng con nước vỗ vào mạn phà nghe ì oạp…ì oạp xen lẫn tiếng động cơ vang trên bến sông mà ngỡ như hàng trăm hàng vạn quân binh đang nhất lượt khua chèo. Phía cuối phà khuất bên hông chiếc xe đò chở khách rộn lên tiếng cười đùa của một cặp tình nhân có lẽ đi xa lâu ngày trở về thăm quê. Lời nói ngọt ngào của cô gái Nam Bộ và giọng trầm trầm của chàng trai miền xa tới như cuốn tôi vào những kỷ niệm yêu đương mà một thưở đi trên những con đò xưa cũ. Không tò mò lắm nhưng cũng đủ biết họ đang trao nhau những lời nồng cháy nơi nơi bến sông thơ mà mấy khi có dịp ngang qua. Phà gần cập bến hành khách ai nấy lo chuẩn bị lên bờ mà quên không để ý rằng phía sau lưng mình có đôi trai gái đang say nhau, họ trao nhau những nụ hôn đắm đuối mà trên sông nước mênh mang giữa bến phà xuôi ngược chỉ có ngọn gió Nam bất chợt ùa về mới thấy được. Một ý thơ trong đầu xuất hiện kịp ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu trên chuyến hành trình về Miền Tây sông nước ngang qua bến phà Cổ Chiên hôm ấy:

    Trên bến nước Cổ Chiên
    Anh trao nụ hôn nồng
    Mênh mông của dòng sông
    Cũng ấp e ngượng nghịu.

    Kìa ngọn gió liu riu
    Đang cười đôi mình đó
    Anh vẫy tay hỏi gió
    Gió có hiểu tình anh

    Trong nụ hôn ngọt lành
    Trao em nơi sông nước
    Có duyên từ kiếp trước
    Nên gió chỉ cười thôi

    Ngọt đắm ở bờ môi
    Bên dòng sông hò hẹn
    Là tình ta trọn vẹn
    Như con nước ngàn năm

    Phà vừa cập bến bên bờ Trà Vinh kết thúc một chặng đường thả hồn theo sông nước, tôi chưa hết ngỡ ngàng bởi trong lòng còn vấn vương niềm xúc cảm mênh mang. Bao đời nay bến phà Cổ Chiên theo con nước lớn nước ròng thăng trầm gắn bó với hành khách qua sông. Mai ngày dự án cầu Cổ Chiên xây dựng xong cũng là lúc như bao bến phà đi trước sẽ phải dần quên vào dĩ vãng. Trong trăm ngàn lượt khách qua sông có ai còn nhớ còn vương những kỷ niệm một thời ta đã có trên sông nước trời mây nơi Cổ Chiên một độ như tôi hay không?


    ---
    Thượng tuần tháng 9 năm Qúy Tỵ 2013- Nguyễn Quang Vinh.
    Lần sửa cuối bởi QUANG VINH; 20-08-2016 lúc 08:07 AM


  4. #3
    Avatar của Lê Đức Mẫn
    Điều Hành Viên-P.Ban Đại Diện KVMB
    Hiện Đang :    Lê Đức Mẫn đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2012

    Tuổi: 82
    Bài gửi : 974
    Thanks
    17.062
    Thanked 11.437 Times in 974 Posts

  5. 9 Thành viên dưới đây cảm ơn Lê Đức Mẫn vì bài viết hữu ích này


  6. #4
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2

    Vàm cỏ đông dòng sông huyền thoại

    VÀM CỎ ĐÔNG DÒNG SÔNG HUYỀN THOẠI


    Bắt nguồn từ phía bắc tỉnh Svay Rieng của nước bạn Cambodia, sông Vàm Cỏ Đông có tên Khmer là Prek Kampong Spean. Khi qua biên giới Việt Nam sông có tên gọi theo tiếng bản địa là sông Cái Cay. Tổng chiều dài của sông hơn 280 km trong đó phía Việt Nam là 180 km chảy dài. Sông chảy uốn khúc quanh co qua nhiều làng mạc trù phú của cả nước Việt- Cam và hàng năm đem lại rất nhiều huê lợi cho cư dân ven bờ.
    Lữ khách ai đó một chiều ngang bến sông thơ, con sông đã mang nhiều huyền thoại và sử tích lưu danh truyền đời mà dừng chân ngắm trời non nước mới thấy cái thú tiêu dao của kẻ phong hồ quả cũng là không uổng. Về đây cảm nhận và khám phá con sông huyền thoại rồi lần theo dấu vết thăng trầm lịch sử của dòng sông Vàm Cỏ Đông từ cách nay mấy trăm năm ta thấy quả nhiên dòng sông này chất chứa trong mình nhiều điều rất ư thầm kín. Người xưa gọi là sông Quang Hóa hay Khê Lăng. Có lẽ thế nên trong phần giới thiệu về thổ nhưỡng sông núi của trấn Phiên An- Nam Việt thì sách Gia Định Thành Thông Chí của Trình Hoài Đức thời nhà Nguyễn chép rằng:
    “Ở thượng lưu sông Thuận An cách phía tây trấn 160 dặm rưỡi. Phủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn có người Trung Hoa và Cao Miên ở chung lẫn lộn làm ăn, có tuần ty coi thâu thuế lệ cước đồn và phòng giữ biên cảnh. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi có cửa sông Khê Lăng, 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp địa giới Cao Miên. đây là con đường mà sứ thần Cao Miên sang cống hiến phải đi ngang qua. Dọc theo sông ruộng đất mới khẩn còn nhiều rừng rú. Lên hướng Tây nước chia làm 2 nhánh. Nhánh phía Bắc tục danh là Cái Bát đi thẳng ra Bắc 100 dặm chỗ cùng tuyền về đằng Bắc 100 dặm nữa là rừng Quang Hóa. Nhánh phía Nam tục gọi là sông Cái Cay đi lên hướng Tây hơn 100 dặm cũng cùng tuyền. Tới đây đều là đất rừng Quang Hóa liên tiếp nối dài…”
    Nếu nói như vậy sông sông Quang Hóa ngày xưa và Vàm Cỏ ngày nay tính từ hợp lưu ở Tân Trụ đổ lên thì Vàm Cỏ Tây gọi là Cái Bát, Vàm Cỏ Đông gọi là Cái Cay. Tên gọi Cái Cay ấy nghe bằng âm Hán tự cổ có nghĩa gần giống như suối tóc hay tóc dài của người nữ phụ. Nếu quan sát sông Vàm Cỏ Đông của ngày hôm nay mà lấy cầu Gò Dầu làm trung tâm chia đôi nữa Thượng- Hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông rồi phóng tầm mắt nhìn bao qua ra xa mới thấy bốn bề rộng mở với ngút ngàn màu xanh của đồng lúa và cây cối ven bờ. Chính cây cầu Gò Dầu bắc qua sông Vàm Cỏ này theo cư dân địa phương thì còn một cái tên gọi nữa nghe hơi huyền hoặc chút là cầu “Xóa Nợ”. Dân gian nói rằng mỗi năm có rất nhiều con bạc từ Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Cách có mấy cây số) bên đất Cambodia chơi trò đen đỏ. Kẻ được thì ít người thua thì nhiều, có người thua quá cùng đường nghỉ quẩn khi về ngang qua sông Vàm Cỏ Đông trầm mình xuống đó để xóa đi món nợ khốn cùng. Trần gian có những điều bất công là thế, dòng sông vốn hiền hòa bốn mùa nước chảy xuôi dòng nuôi sống biết bao thế hệ, một ngày bỗng dưng thành nơi ai oán tương phùng cho âm dương cách biệt.Tháng sáu về những cơn mưa giữa mùa thường hay xuất hiện lúc sang chiều mang đến cái mát trong lành cho thời tiết khu vực. Từ cầu “Xóa Nợ” nhìn xuôi về hạ lưu là vùng đất giáp ranh của hai tỉnh Long An- Tây Ninh sông Vàm Cỏ như một dải lụa mềm ôm lấy hai triền bờ cỏ cây xanh mướt. Lâu lâu nước chảy xuôi dòng bị cản lại bởi các cầu cảng mọc ngay mép nước làm nơi trú ngụ cho tàu thuyền cập bến, những con thuyền xuôi ngược ngày đêm rẽ đôi sóng nước Vàm Cỏ là phương tiện trao đổi hàng hóa giao thương giữa các miền. Nhìn lên thượng lưu con sông bị thu hẹp tầm mắt bởi núi Bà Đen án ngữ, người ta nói thế núi và sông này giống như Long chầu Hổ phục mà tạo nên một vùng đất có nhiều huyền tích về địa linh nhân kiệt nhiều đời. Bình thường trời sáng trong mặt sông lững lờ xuôi nước và những đám Lục Bình theo thuyền rẽ sóng lên xuống. Gặp khi trời nhiều mây mù cộng với gió nam từ biển thổi vào, hơi nước dưới mặt sông bốc lên tạo thành những đám vũ tích lững lờ lãng đãng như sương như khơi trước khi lên cao và vướng vào các sườn núi khu vực Bà Đen là thế. Có một thời những văn nhân theo bước phong hồ mà thường khi vẫn đắm mình vào con nước chiều lên xuống lúc hoàng hôn buông nắng để tạo ra những thi khúc sống mãi với thời gian về dòng sông huyền thoại này là có thực. Bài hát Lên Ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt và bài ca Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục cũng bắt nguồn từ đây.
    Trở lại sông Vàm Cỏ Đông một chiều sương giăng mờ phủ, đứng trên cầu ‘Xóa Nợ” lặng im nhìn nước chảy xuôi chiều mà nghe âm vang tiếng mái chèo khua nhịp, tiếng hò lữ thứ của người khách qua sông dạo ấy, khi chính nơi đây cũng là một bến sông thơ tấp nập ghe thuyền ngược xuôi. Ngày nay qua nhiều thăng trầm biến động của thời gian và con vần kiến tạo dòng Quang Hóa xưa cũng thay đổi đi nhiều. Các cây cầu mọc lên, bến sông thơ không còn nữa, hai bên bờ sông mọc lên các tiểu khu công nghiệp và làng mạc, phố xá người xe tấp nập nhưng dòng sông ấy vẫn còn giữ trong mình những tháng năm huyền thoại mà cư dân hai bên bờ vẫn kể cho hậu thế nhân sinh nghe lại. Thời gian là minh chứng, sông Vàm Cỏ Đông trải qua các cuộc dựng xây và giữ gìn đất nước cũng đóng góp không ít chiến công vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Từ giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên tạo này, nếu có một ngày các hãng lữ hành quốc tế và trong nước khám phá ra để triển khai được các dự án du lịch ngược xuôi sông Vàm Cỏ cho du khách từ khắp nơi về thưởng lãm nét đẹp hoang sơ quyến rũ của dòng sông lịch sử mang sắc màu huyền thoại này thì hay biết mấy!

    ----
    Tây Ninh một chiều tháng 6 năm 2015
    Nguyễn Quang Vinh

    (Tư liệu minh họa là sông Vàm Cỏ Đông- Núi Bà Đen và Thánh Thất Trảng Bàng- Tây Ninh cùng sách Gia Định Thành thông Chí- Photo by Quang Vinh. Cơ quan hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế ITCI)










  7. 12 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  8. #5
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2

    Em có về lúc biển tinh sương

    EM CÓ VỀ LÚC BIỂN TINH SƯƠNG
    (Tản bút cho biển Vũng Tàu lúc sương mai)


    Biển muôn đời vẫn vậy, huyền diệu và liêu trai như những câu chuyện tình trên thế gian vẫn kể. Câu chuyện tình ấy có đôi khi là mịn màng của giao thoa lúc con sóng trải bờ trong bình minh sương sớm. Rồi bình minh sớm trên biển lại là miên khúc vọng trường mà thượng đế ban tặng cho cuộc sống quanh ta.
    Em có về với biển hãy một lần nhẹ bước chân ru trên cát mịn lúc bình minh đang đến. Lúc ấy khoảng trời không bao la dần như mở ra trước tầm mắt để những chuyển thể của âm dương giao hòa thu vào tiềm thức mà được ngỡ như mình đang lạc bước nơi tiên cảnh ở Đông Lai Hải Hồ xa tít. Ánh hào quang mang màu hổ phách trộn lẫn với sương mây nơi ẩn sơn trầm mình sẽ tạo ra một bức tranh siêu siêu thực thực của vạn ngàn nét bút tương đồng cọ quét trên thảm lam rộng lớn. Bóng mây in chiếu tương hồ, huyền nhung láng mịn như tơ và những sợi màu trong suốt xuyên qua lõng thể của bọt sóng vỗ bờ làm nên những kỳ si của đất trời mà chỉ lúc bình minh mới có. Vạn ngàn con sóng từ đại dương mênh mông đang lăn nhẹ trên bờ cát mịn trải điệu vàng mơ cũng tạo nên những bản tình ca muôn thưở. Bản tình ca muôn thưở ấy là tiếng rì rào của xa khơi hợp âm với nhịp thở của trời đất chuyển mình sẽ tạo ra bản hợp tấu biến khúc qua giai âm tầng la thứ mà tinh lắm ai đó mới có thể nghe được.
    Biển là thế và biển của em lúc bình minh sương sớm cũng là thế. Hãy từ từ nhẹ thật nhẹ mà nhón gót chân ngọc bước đi khe khẻ cho từng con sóng ôm lấy chân em và níu bước em về. Nếu lỡ một mai không còn người ngồi nơi phía bờ xa ngắm em và biển lúc bình minh sương sớm thì cũng đừng buồn em nhé. Bởi trời đất còn có khi không trọn vẹn, vầng trăng kia còn có lúc tròn lúc khuyết huống hồ trái tim anh người tình si muôn thưở đã biết bao ngày đắm đuối vì em và biển.
    ----
    (Vũng Tàu ngày 16/07/2015. Biển lúc bình minh. Photo by Quang Vinh)
    Nguyễn Quang Vinh



    [IMG]https://fbcdn-sphotos-c-
    a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpf1/v/t1.0-9/1912390_1213938661964870_642101801631230540_n.jpg? oh=5733e68a848532853f54a6439da48496&oe=5620EB85&__ gda__=1444070980_d4e4a6f0387cf1286654d039ab4a68f8[/IMG]





  9. 9 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  10. #6
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2
    LONG SƠN VẪN ĐỢI NGÀY VỀ

    .
    Nằm giữa bốn bề mây nước, Long Sơn là một đảo xã thuộc thành phố Vũng Tàu. Đảo có diện tích gần ngót trăm km2 với hai phần ba là núi và đất nổi còn lại là vùng ngập mặn và đầm nước với nhiều loại thủy hải sản sống chen lẫn thảm thực vật xanh hoang sơ.

    Một ngày nắng đẹp, đoàn du khách theo chân nhà báo Long Sơn về với vùng đất hoang sơ mà cách nay hơn trăm năm người họ Lê (Lê Văn Mưu) từ Hà Tiên về đây lập nghiệp khai khẩn. Vốn là những người am hiểu về địa thế sông nước cũng như khéo léo tổ chức cộng đồng nên chưa đầy mấy chục năm sau Long Sơn từ miền đất hoang vu chưa có dấu chân người ở đã trở thành khu vực dân cư đông đúc và phát triển. Như đã có duyên với Long Sơn, với tiền nhân gây dựng đất này nên đoàn du khách vừa đặt chân đến khu vực nhà lớn Long Sơn thì đã được có cô chú anh chị trong ban quản lý khu di tích đón tiếp niềm nở và hướng dẫn tham quan sau trước ngang đọc, các dãy tiền điện hậu chánh và thượng tiên lầu, nghinh phong lầu, các khu vực đặt bài vị thờ tự cũng như hành lễ đều được dẫn qua thưởng lãm. Hệ thống nhà cửa và các khu tiền hậu sảnh đều được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc cổ quả là tuyệt tác của nhân gian còn lại. Những cây gỗ lớn được xẻ ra làm nhà vách hay dựng cột, những thiết mộc lâm được chế tác thành những đồ thờ tự hoành phi, câu đối, hương án, song liễn, trường kỷ, chiếu sập, bàn ghế, gỗ lót lối đi, gỗ phân khu biệt lập, gỗ dựng cầu thang, gỗ làm trang trí kỳ nghệ tinh sảo... Có thể nói thời nay hiếm có nơi nào còn giữ được nguyên trạng những khu kiến trúc cổ độc đáo nguyên vẹn như nhà lớn Long Sơn như vậy.

    Vọng tiếng hồn xưa vẫn đâu đây
    Trăm năm tuế nguyệt cứ đong đầy
    Long Sơn từ thưở trao ân nghĩa
    Giữ nước gầy non dưỡng đạo xây!

    Sau khi tham quan toàn bộ khu di tích, đoàn du khách có dịp ngồi lại sảnh đường uống trà nghe kể chuyện và trao đổi những thông tin muốn tìm hiểu. Thì ra đặc tính văn hóa Nam Bộ ở nơi đây còn giữ rất thuần khiết, đa số người dân Long Sơn xưa đều theo một đạo giáo mà người đời quen gọi là đạo Ông Trần. Đạo Ông Trần theo tìm hiểu thì là những nguyên tắc và dẫn bước do cụ tiền nhân Lê Văn Mưu sáng lập ra. Ông lấy tứ ân hiếu nghĩa trong phật giáo kết hợp với nhân nghĩa lễ trí tín và trung hiếu trong nho giáo mà phát triển và truyền đời và răn dạy hậu thế về cương thường đạo gia nghĩa lễ. Hai chữ Ông Trần nguyên do chính là tên gọi của cư dân quanh vùng dành cho cụ Lê Văn Mưu bởi ngoài việc tổ chức cộng đồng làm ăn sinh sống thì bản thân cụ cũng là người làm việc rất giỏi siêng năng. Bởi vậy sách xưa viết về cụ như sau: " Vừa cảm phục, vừa thấy ông Mưu thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân không gọi tên thật mà gọi ông là Ông Trần.."

    Mặt trời đứng bóng đoàn du khách tạm biệt nhà lớn Long Sơn đi tham quan khu bà con cư dân trên đảo nuôi trồng thủy hải sản. Sóng nước dập dờn, thuyền ghe xuôi chạy, những trang trại nuôi trồng hải sản trên nước mặn hiện ra trong thích thú ngỡ ngàng. Chiếc xuồng nhỏ đưa mọi người ra nhà nổi, đứng giữa bao la trời nước mới thấy cái kỳ thú của thiên tạo dung hòa. Nơi đây trước mặt là nước mênh mông, sau lưng là núi xanh rờn cây cỏ, trên đầu là mây vân vũ nhẹ bay và dưới chân là bè nuôi trồng cơ man nào là sản vật từ lòng biển mẹ trao cho. Từng ô ngăn cách, từng dãy phân kỳ từng khoảng biệt lập là những thiết kế riêng cho các khu vực nuôi trồng khác nhau. Biển cả có gì nơi đây có thứ ấy, cá tôm các loại, lưỡng thể, giáp xác các loài nhiều vô kể. Chủ trang trại là con trai nhà báo Long Sơn tiếp đón đoàn du khách tham quan niềm nở, sự ân cần và chân thiện của một người làm nghề ngư phủ hiện lên trong ánh mắt, cử chỉ và việc làm đã để lại rất nhiều cảm mến cho những vị khách đến từ phương xa. Những món ăn ngon nhất, tươi nhất từ lòng biển vớt lên cộng thêm sự hiếu khách thân tình của gia chủ đã làm bữa trưa thêm nhiều thú vị.

    Sóng dập dờn mênh mang
    Gió hiu hiu thổi nhịp đàn xa khơi
    Long Sơn xứ mây trời
    Níu hồn lữ khách một thời chân qua.

    Tạm biệt Long Sơn trở ra thành phố biển Vũng Tàu trong gió chiều thổi lộng, đứng trước mũi xuồng hít thở luồng không khí có hơi men lẫn vị chát mặn của biển đem về mà lòng còn bâng khuâng khó tả. Trời đất giao hòa mây nước giao thoa và con người giao hảo. Những thứ ấy đã làm nên một Long Sơn đang dần dần thay da đổi thịt để phát triển không ngừng. Cái phát triễn không ngừng ấy chính là sự nỗ lực của con người biết tận dụng thế phát trời cho mà làm nên một Long Sơn ngày càng có nhiều cảm mến trong lòng du khách thập phương. Rồi một ngày Long Sơn sẽ cựa mình thức giấc và con rồng trên núi ấy sẽ quẫy mình vươn cánh ra xa ngang tầm với những thiên đường du lịch, kinh tế chính trị và văn hóa trong khu vực.

    -----
    Trung tuần tháng 7 năm 2015- Photo và viết lời by: Nguyễn Quang Vinh
    (Cơ quan báo chí hợp tác và truyền thông quốc tế ITCI)























  11. 8 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  12. #7
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    Lương Lương Hòa đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Tuổi: 57
    Bài gửi : 1.638
    Thanks
    12.245
    Thanked 8.713 Times in 1.606 Posts
    Cám ơn Quang Vinh về những bài viết rất hay, bố cục rõ ràng, lời văn dễ hiểu và hình ảnh đẹp.
    Những bài viết có sức mạnh quảng bá ngành du lịch và đưa chúng ta đến với những giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc.
    LLH

  13. 10 Thành viên dưới đây cảm ơn Lương Lương Hòa vì bài viết hữu ích này


  14. #8
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2
    Quang Vinh rất cảm ơn quý vị và thân hữu cùng thi sĩ Lương Lương Hòa đã vào cho lời nhận xét. Quang Vinh sẽ cố gắng nhiều nữa ạ!
    Mến chúc diễn đàn phát triển và đoàn kết chung tay cho sự nghiệp thơ văn nước nhà.



  15. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  16. #9
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2
    Á NAM VĂN UYỂN VÀ
    “DUYÊN NỢ PHÙ SINH” TRÊN CÕI THƯ CHIỀU







    Có một bờ mây trải bước chân quen, có một lối mòn theo gió dẫn đến điểm hẹn tương phùng của văn hoa và nghĩa chữ đó chính là biệt khu Á Nam Văn Uyển hay còn gọi là Á Nam Lưu Niệm Đường. Tọa lạc tại một con hẻm lớn, đường số 27 đại lộ Phạm Văn Đồng quận thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh. Á Nam Văn Uyển là văn đàn xưa được lập ra để làm nơi khói hương và lưu giữ chân thư hiện thời và chân bút thư truyền của nhà văn hóa, nhà thơ yêu nước Trần Tuấn Khải.




    Trần Tuấn Khải tiên sinh sinh ngày 4/11/1895 từng được lớp văn nhân xưa ví như chân thi danh mệnh. Tiên sinh là một nhà văn hóa, nhà thơ với các bút danh thường dùng Á Nam- Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ. Sinh thời Á Nam tiên sinh là một kho tư liệu sống về chân nguyên và khí khái của phong cách Á Đông, tiên lượng ra thời cuộc, nhìn thấu được vận môn và hoài sinh cho tư tưởng tiến bộ thượng thời. Năm 26 tuổi (1921- 1922) xuất bản tập thơ đầu tay Duyên nợ Phù Sinh 1 và 2, nhiều học giả đương thời nhận xét đánh giá rất cao về tính nghệ thuật và nhân sinh quan tiến bộ trong Duyên Nợ Phù Sinh. Cuối năm 1922 Á Nam tiên sinh được chủ bút tờ Khai Hóa (Hà Nội) mời về phụ trách ban biên tập và quản lý trang báo phát hành ở toàn khu Bắc Kỳ. Tập thơ thứ 2 Bút Quan Hoài ra đời 2 năm sau đó mang nội dung và tư tưởng của độc lập dân sinh và bài trừ ngoại chế. Tư tưởng này trái chiều với quan điểm và đường lối của người Pháp thời bấy giờ nên vừa ra mắt Bút Quan Hoài đã bị chính quyền đương thời cấm và thu hồi (1927). Những chặng đường kế tiếp là khúc khuỷu gập ghềnh cho một sự nghiệp tiến thân bằng con đường văn bút và định hướng khai sinh cho lối rẽ cuộc đời. Thập niên 30, Á Nam tiên sinh đã là một người nổi tiếng, một nhóm các danh sĩ có hệ tư tưởng tiến bộ đương thời như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Tich Chu, Nguyễn Tường Tam và Á Nam tiên sinh thường liên hệ và đối thoại mật thiết với nhau. Cũng thời gian này tập thơ Chơi Xuân được phát hành qua hệ thống nhà sách Nam Ký và cũng bị nhà chức trách đương thời ra lệnh cấm và thu hồi vì nội dung có vấn đề trong quan điểm đối lập chính trị. Một chặng đường thư bút đi qua đi qua, vẫn theo vòng quay của bánh xe lịch sử, các tuyệt bút Hồn tự lập- Với sơn hà 1,2- Gương bể dâu- Hồn Hoa- Thiên thai lão hiệp… được Á Nam tiên sinh lần lượt cho ra đời. Mỗi tác phẩm một nét văn phong, mỗi bài sáng tác một cách thể hiện nhưng cái đích cuối cùng mà văn chương Á Nam muốn hướng tới đó chính là hệ tư tưởng tiến bộ tân thời của các nhà cải cách tư duy văn hóa.


    [IMG][/IMG]

    Dòng đời có nhiều ngã rẽ để qua số phận con người theo khuynh đảo của kỳ loạn thế nhân sinh. Nhưng Á Nam tiên sinh vẫn theo lối mòn cốt cách mà đưa cái ước mong của một dân tộc thịnh trị vào tư tưởng khai hóa dân sinh tiến bộ. Bút văn của Á Nam tiên sinh thổi được cái hồn dân tộc vào ngọn lửa bùng sôi cách mạng tân thời mà một số nhà chí sĩ lúc bấy giờ đang khai phóng. Bên cạnh cốt cách thanh nho thư học của Á Nam tiên sinh thì dòng hào khí Đông A chân truyền sẳn có trong người cũng đã phối hợp làm nên những kỳ tích cho văn bút một đời của tiên sinh để lại. Xa rời chân bước theo con đường Nam tiến (1954), Á Nam tiên sinh mang theo ái nữ Lan Hinh (Người duy nhất đang gầy dựng và duy trì Á Nam lưu niệm đường hôm nay) vào Sài Gòn lập nghiệp. Bộn bề những khó khăn nơi đất khách, cũng từng làm lũ khắp chốn như ai. Á Nam tiên sinh tham gia làng viết phía Nam qua các công việc như chuyên viên Hán học cho thư viện quốc gia, nha văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, phục trách các chuyên mục cho báo Đuốc Nhà Nam- Văn hóa nguyệt san…Chân thư để lại nhiều vô kể, chân bút tồn tại mãi không phai. Sau năm 1975 người ta biết đến danh vị của Á Nam tiên sinh là một nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà thơ yêu nước chân chính. Những đóng góp của Á Nam tiên sinh cho con đường khai sáng sự học trải dài từ Bắc chí Nam. Sách Việt Nam Thi Nhân tiền chiến có đoạn viết về văn chương Á Nam tiên sinh như sau:

    “Thơ Trần Tuấn Khải không chứa đựng triết lý bí hiểm, tư tưởng cao siêu, nó giản dị như một chân tình, nó rỡ ràng như sự phơi bày trọn vẹn cả tấc lòng. Người đọc dễ dàng đạt ý và rung động qua trực cảm, vì Á Nam đã cấu tạo thơ mình bằng nhạc điệu quen thuộc của dân tộc, cho nên sức truyền cảm rất bén nhạy. Khảo sát thơ ông, chúng tôi bắt gặp đó đây những tư tưởng đã thành châm ngôn và cũng không ngoài việc gieo vào lòng người một ý chí bất khuất, một hùng khí ngùn ngụt, một nghĩa vụ thiết yếu của con người đúng với danh nghĩa "làm người" của nó…”




    Quả là như thế! Nếu gom lại cả một gia tài đồ sộ về văn bút lưu danh của Á Nam tiên sinh đang để lại cho đời mà lập riêng một tàng thư cho hậu thế cũng có thể chưa xứng hết với danh thơm và sự học của người. Dẫu biết rằng thế gian vạn vật đến từ hư không, hào quang lắm cũng trở về cũng hư không. Nhưng ở đời, phàm những người làm được việc lớn cho cái sự học vô bờ như Á Nam tiên sinh là hiếm hoi là nhỏ giọt tựa phong biếc tàn đông, tựa ráng hồng trong cơn mưa bão. Nhìn thấy thế hậu nhân phải thán phục lắm lắm thay!









    Trở lại với Á Nam Văn Uyển một sáng lúc thu tàn đông ghé muộn. Bên lối mòn của vườn trước say hoa là hương thơm thoảng gió của hàng Bạch Sứ trổ bông biêng biếc. Mấy chậu hoa Hàm Tiếu nở vàng trên cánh lụa mong manh đang khoe sắc trước nắng thơm dịu ngọt. Hoa Hồng Lựu cũng đong đưa gọi gió khi thấp thoáng tàng ong chia nhau lây mật. Chân bước nhẹ lâng, bên lối cỏ trở mình với mảnh mai của sương thu còn đọng. Á Nam Văn Uyển ẩn mờ trong sương mây màu rêu phủ nhạt một thời lưu dấu gót bước thu phong của lớp lớp tao nhân mặc khách viếng thăm. Chia làm 2 khu riêng biệt, ngôi nhà gỗ phía trước khoác áo màu cổ tích với gian chánh giữa đặt bài vị và di ảnh Á Nam tiên sinh cùng các kỷ vật hiện sinh hiện thời. Những bút văn nổi tiếng của người được các thư pháp gia, họa pháp gia và văn nhân chính khách sưu tầm về đặt trang trọng vào nơi lưu thế. Hai bên tả hữu với chánh môn thị gia là sách bút, thư văn, là ngọc pháp thư ngôn là hồn sông núi ẩn mình trầm mặc qua lớp lớp tịch thư cổ bút phong họa để. Chưa trở thành một thư viện cổ pháp, nhưng nhìn những cuốn sách đã nhuốm màu thời gian năm im ắng trên kệ trên bàn, trong tủ mà ai đó mới nhận ra rằng mình đang lạc bước chân như vào chốn tịch liêu nơi tàng kinh các của văn nhân xưa hay để lại. Một nén nhang thơm dâng lên bậc tiền bối với lời kính cẩn ngàn thu an tịnh. Khói mỏng nhẹ bay xuyên qua khe cửa, ngoài xa nơi âm vọng của đất trời có luồng khí quang chiếu tới. Có phải chăng hậu nhân hữu duyên hữu lượng một lần đến trăm lần quyến luyến mà tiền nhân hiển linh chỉ hào quang sáng lên như điềm lành khai quang khai nhãn. Tâm tịnh thanh nhàn, cõi lòng mông lung, khách đến cảm nhẹ mênh mang một niềm ưu vô ưu hạn như lĩnh hội duyên trần mà tự nhiên có.

    Trở dọc ra phía sau là khu hậu đường với mấy gian nhà gỗ dựng cột thưng vách chung quanh. Nơi đây ái nữ Trần thị Lan của Á Nam tiên sinh là nhà thơ Lan Hinh tuổi cũng đã thất thập ngoại bát tuần đang lưu trú. Nữ sĩ Lan Hinh người một đời thay cha tận tụy với bút nghiên, người hàng ngày nhang khói, chăm chút và giữ hồn cho Á Nam Văn Uyển thư lạc bốn mùa. Dáng người mảnh mai như thân trúc sau hè, đôi mắt sáng nhưng hơi vương chút u buồn trên khóe lệ, giọng nói lúc nhanh lúc chậm của mênh mông tuổi đời chìm nổi nhưng cũng không mất đi cốt cách nhẹ nhàng của văn phong thư bút truyền gia. Nữ sĩ Lan Hinh từng được người đời biết đến như một kỳ thư văn bút của tự hào dòng dõi Trần gia. Hai tác phẩm Bến Nào và Đạo Thường do tác giả chủ biên và giữ bản quyền đã ra mắt bạn đọc từ nhiều năm trước và đã được nhiều học giả cũng như bạn đọc đánh giá rất cao. Vẫn giọng nói nhè nhẹ nhưng thanh thoát lạc giữa dòng đời phải nhiều gạn đục mới khơi được trong. Nữ sĩ Lan Hinh tâm sự:

    “Cha tôi một đời gắn với nghiệp bút, lưu lạc từ Bắc vào Nam giữa lúc biến loạn vô thường. Thanh danh của một đạo nghiệp kỳ môn ông vẫn giữ. Sống không hổ với danh tiếng của một văn nhân thanh khiết, thác không phiền với thế sự còn lắm nhiễu nhương mà buồn lòng tủi hận. Gia tài ông để lại ngoài độ sộ thư bút văn án là cái lẽ cương thường trong đạo lý với dân tộc, với quốc thể, với tổ tiên con cháu. Một mực sáng trong đó là tính cách và con người của Á Nam cho hậu thế…”

    Ong vẫn về lúc hoa vừa mới nở, gió vẫn reo lúc cánh lá rơi vàng. Á Nam Văn Uyển vẫn khoác màu sương khơi của mực bút thư chiều khi một lần khách đến. Tương sinh trong cõi nợ phù sinh, tương phùng trong duyên bút tao phùng đó là chân nguyên trong thư tịch mà Á Nam tiên sinh đã dạy. Trời chiều chuyển giấc, ánh dương chạm tầng không mây để lại người về muôn vàn quyến luyến lúc đến với cõi Phù Sinh một thưở. Vạn vật nơi đây sẽ tồn tại mãi mãi cùng sương mây dù cho dòng đời có đổi nhưng sao chắc hẳn không dời. Á Nam Văn Uyển đang cần một sự khởi sắc trong kế hoạch trùng tu tôn tạo và tái thiết hoàn thiện thêm cho cơ sở vật chất đang bị mai một với thời gian. Hình bóng của tịch liêu sẽ còn đổ dài trên lối cỏ, người đến, người đi sẽ còn mãi nhớ về ký ức những lần ngang qua. Á Nam Văn Uyển hay Á Nam Lưu Niệm Đường sẽ ở lại trong lòng người như thế!



    Sài Gòn lúc tiết Đông sang- Nhà báo Nguyễn Quang Vinh
    (Organization Of Journal Cooperation & Internationnal Communication- Phnom Penh- Combodia)
    Lần sửa cuối bởi QUANG VINH; 19-12-2015 lúc 07:48 AM

  17. 7 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


  18. #10
    Avatar của QUANG VINH
    Bạn Thân
    Hiện Đang :    QUANG VINH đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2013

    Tuổi: 53
    Bài gửi : 57
    Thanks
    489
    Thanked 753 Times in 57 Posts
    Blog Entries
    2

    BÊN MỘ HÀN
    NHỚ NGƯỜI XỨ THANH
    (Trích trong GIÓ BỤI CAN QUA tập tiểu thuyết và ký sự dài kỳ của Nguyễn Quang Vinh)



    .
    "Bác ấy là một tiểu thư đài các nhưng duyên mệnh đặt vào nghiệp bút mà đa đoan, sinh năm 1917 ở Nông Cống, thập niên ba mươi bác ấy đã vào Nam. Cụ Tham Kỳ (Bố vợ trước của nhà thơ Hữu Loan) gần nhà bác ấy hay lên nhà mà bảo rằng: Con gái của quan tùy bộ làm việc ở tòa sứ Phan Thiết, tiếng Pháp rất giỏi đã đẹp người lại khéo về nữ công nên người đến dạm hỏi nhiều lắm..."

    Người con gái xứ Thanh mà nhà giáo Nguyễn Đạt sinh thời nhắc đến chính là Mai Đình nữ sĩ, người bạn tình thơ chung thủy cũng là người yêu cuối cùng của Hàn thi sĩ lúc ở dương trần. Sinh ra ở Nông Cống tỉnh Thanh, nhà của Mai Đình nữ sĩ gần với nhà ông Tham Kỳ (Làm việc ở bộ canh nông Đông Dương). Giữa thập niên 30 thế kỷ trước Mai Đình là một khuê các, lại sinh trong gia đình quyền quý, tiếng thơm đồn đến kinh kỳ và khắp xứ Bắc Hà, nhiều gia đình khoa bảng thời ấy muốn hỏi cưới cho các công tử thuộc hàng gia môn. Số nhà 60 phố Bà Triệu thành phố Hà Nội bây giờ là nơi tiểu thơ Mai Đình từng ở lúc ra học trường Pháp. Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lãng Giang một dòng sông mang nhiều huyền tích liêu trai gắn liền với tên tuổi của nhiều thi nữ tài hoa xứ Thanh. Khởi nguồn từ miền núi tỉnh Thanh, dòng Lãng Giang cùng với Hoàng Giang (Sông Nhà Lê) là hai con sông tự nhiên nhỏ nhưng lại có mặt lâu đời trong nhiều câu chuyện kể liên quan đến nhiều sự tích xưa là thế. Đoạn chảy qua Nông Cống lòng sông rộng uốn khúc quanh co, do hợp lưu với sông Mực chảy từ Như Xuân ra nên sông Lãng Giang lớn hơn ở trung và thượng lưu rất nhiều. Trước khi đổ ra biển Đông sông Lãng Giang được gọi cửa Lạch hay sông Cầu Ghép cũng là một. Dân gian xứ Thanh lưu truyền rằng “Bên bờ Lãng Giang nếu nhà thờ họ tộc nào ngoảnh mặt ra Bắc sẽ sản sinh anh hùng, còn ngoảnh mặt về Nam sẽ sinh văn nhân”. Đem lời này hỏi những người lớn tuổi am hiểu về địa lý phong thủy thì đa phần đều nói rằng là đúng. Bởi theo dòng lịch sử còn ghi xứ Thanh- Nghệ là rường cột quốc gia nên trời sinh Văn nhân và Tướng quốc để bảo vệ giang sơn là cái lẽ tự nhiên vốn có. Trở lại với những dòng họ quê Nông Cống thuở ấy, nhiều quan bộ phủ xuất thân từ đôi bờ Lãng Giang là minh chứng cho một miền quê có nhiều công lao với giang sơn tổ quốc. Thân phụ của Mai Đình là quan chánh trực, mặc dù làm việc cho chính phủ dưới thời Pháp thuộc nhưng cụ cùng với cụ Tham Kỳ (Người sinh ra nhân vật nữ trong bài thơ Màu tím hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan) sau độc lập (1945) được Bác Hồ và chính phủ mới mời ra cộng tác trong công cuộc xây dựng chính quyền non trẻ. Từ dòng dõi thanh nho ấy, những năm giữa thập niên Ba mươi của thế kỷ trước Mai Đình dạy học ở Sài Gòn, nàng làm thơ, đăng báo và gửi các văn đàn. Tiếng thơm đồn xa, văn nhân thời ấy mến một Mai Đình nhi nữ mà chính thức dành thêm cho chữ “Đình” ngay sau chữ Mai là tên gọi thông thường. Năm 1936 Hàn Mặc tử nổi tiếng với hàng loạt bản tình thơ lay động cả bóng trăng tà và sương mai trước ngõ. Mai Đình lúc ấy cũng là một độc giả trung thành với lối viết rất “Tình” của Hàn Mặc Tử mà cảm lòng mến mộ, một mình lặn lội ra Quy Nhơn thăm người tài hoa thảo bút giữa đời. Cũng từ cái ngày gặp gỡ định mệnh với Hàn Mặc tử ở Quy Nhơn ấy thiên phận của một tiểu thư đài các rẽ sang một hướng chiều có chữ “Buồn” nơi khóe mắt. Sinh năm 1917 năm 1936 Mai Đình tròn 20 tuổi (Tuổi âm lịch) Mai Đình đẹp như vầng trăng lúc “Đụn địn” nghiêng giữa thềm đông đã làm say cây bút trên tay Hàn Mặc Tử mà uốn lượn ngày ngày thảo ra những dòng tuyệt bút cho hậu thế nhân sinh.

    Là người tài hoa lại đa cảm và biết chữ tài hay đi liền chữ mệnh, Mai Đình đã thổi linh hồn của sự sống vào thơ Hàn Mặc Tử những lúc cuối đời. Tuyển tập thơ Đôi Hồn mà người viết bài này nhắc đến chính là bản hợp tấu song tình còn lại giữa chốn bụi hồng của cặp đôi Hàn Mặc Tử- Mai Đình ghi lại những khoảnh khắc chữ yêu được ví bởi nồng say mà biến thành cao thượng. Một đời đi qua chữ tình nhân thế, bóng trăng tựa khói tựa sương, giai nhân tựa mây tựa nước, Hàn Mặc Tử có rất nhiều mối tình thơ chìm đắm cuồng si và cả thơ mộng. Những Hoàng Cúc- Mộng Cầm- Thương Thương- Lệ Kiều đều đã đi qua. Trăng mây bàng bạc, khói rẽ lam chiều, người nơi trần thế quằn quại bởi chữ yêu mà “Chết ở trong lòng một ít” rồi trở về ngàn thu sầu lắng. Hàn Mặc Tử có thể nói đã lấy thơ gột rữa bụi trần mà làm chất xúc tác để Mai Đình trở thành huyền thoại thơ khi viết bài Ghen Trăng. Ghen Trăng là bài thơ có thể nói là tuyệt tác mà Mai Đình để dành cho hậu thế, ghen trăng cũng là bài thơ giữ lửa cho tập thơ Đôi Hồn bao gồm 28 bài song bút tồn tại suốt gần thế kỷ mà không cho in ấn. “Hãi hùng em sợ trăng thanh/ Vắng em, anh lại tự tình cùng trăng..”…

    Trở lại với người con gái xứ Thanh năm ấy, sau những ngày bên quãng đời còn lại của Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Theo lời kể của Quách Tấn thì “Mai Đình thương lắm, gần bên mà chẳng được lời. Thư qua song cửa chứa đời sầu bi..”. Đời sầu bi ấy là câu chuyện tình đẹp nhất trong chốn văn chương mà đời nay hiếm có. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, những năm tháng về sau Mai Đình cất kỹ tập thơ Đôi Hồn như một báu vật. Tập thơ viết tay bao gồm 28 bài khởi phát từ bài “Biết anh” lúc Mai Đình từ Sài Gòn ra Quy Nhơn. Sau đó Hàn Mặc Từ viết bài “Lưu luyến” mạch thơ cứ thế chảy cùng nằm tháng cho tới khi Hàn Mặc Tử kiệt sức và qua đời cũng là lúc bài thơ “Ghen Trăng” đi vào huyền thoại một đời nhi nữ tài hoa. Một câu chuyện thú vị cũng theo Quách Tấn kể: “Mỗi lần đối mặt với Mai Đình, biết mình bạo bệnh nên Hàn thường nhắc đến Mộng Cầm nhằm ý để Mai Đình tránh ra. Mai Đình biết ý ấy mà vờ như không chú ý cứ làm thơ yêu thương để Hàn vơi đi sầu muộn. Cuối cùng chính sự cao thượng của chữ tình đã làm nên một chữ ghen lạ kỳ giữa đời là Ghen Trăng. Có lẽ với Mai Đình thì chỉ có Trăng mới đủ nét đẹp diễm kiều để Hàn mê mà lơ đãng với mình. Thế thôi!”

    Vòng quay nhân thế, con người ta tao phùng được là bởi chữ duyên nơi Phật pháp hướng sinh. Năm 1997 trong một lần vào tới Sài Gòn, nhà giáo Nguyễn Đạt tới thăm nữ sĩ Mai Đình lúc ấy đang ở cùng con cháu tại nhà riêng trong một con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh. Nghe nói người đồng hương lại có mối thâm giao cùng gia đình cụ Tham Kỳ ở Nông Cống. Nữ sĩ Mai Đình mừng lắm, người cảm thương cho số phận nghiệt ngã của cô Lê Đỗ Thị Ninh (Người con gái trong bài thơ Màu tím hoa sim). Người không nhắc chuyện xưa mà chỉ lần hồi trong ký ức tuổi thơ về một miền quê non ước có trăng nghiêng bàng bạc nơi bến đò ngang của dòng Lãng Giang thuở ấy. Tập thơ Đôi Hồn được đem ra từ trong ngăn tủ. Người viết bài này lúc ấy chứng kiến từng trang giấy qua nét chữ nhạt nhòa của thời gian vàng úa. Do lúc ấy tuổi còn nông mà không nghĩ rằng gần 20 năm sau cuộc tái ngộ âm dương nơi đồi Thi Nhân bên bờ Ghềnh Ráng một chiều thu đã lôi về miền ký ức một thời hữu duyên gặp được.
    Xứ Thanh vào mùa gió heo may về những hàng cây kè xòe cánh chạy dài dọc theo cánh đồng Vạn Hòa tít tắp ghi dấu bước thu phong của một thời sản sản sinh bóng dáng văn nhân lưu bước. Từ miền quê này Mai Đình nữ sĩ đã khoác áo thi nhân mà ra đi, một đời qua duyên mệnh, chữ tình nhân thế đã thổi hồn cho những vần thơ đi vào dòng chảy văn học sử Việt Nam mà làm nên vóc dáng những giai thoại khó quên. Trăng vàng lại nghiêng theo cánh lá trên đồi Thi Nhân, sóng lại rì rào lúc chiều sang nơi biển Ghềnh Ráng vỗ bờ như ấp ôm thương nhớ ngàn năm. Bâng khuâng trong hoài cảm một màu thu, màu thu ấy vương nhẹ tiếng trần ai của lời thơ xưa nghe hoang hoải giữa dòng đời. Xin mượn lại mấy câu trong tập thơ Đôi Hồn để kết thúc cho bài viết của một người gần 20 năm trước theo cha đến gặp Mai Đình nữ sĩ, lúc ấy nữ sĩ từng nói: "Sẽ canh giữ cho Đôi Hồn sống mãi".

    “Rồi buổi chiều kia em tới thăm
    Thăm người thi sĩ chốn xa xăm
    Mà vần "thơ mới" làm rung động
    Xa gọi hồn em mau tới gần”.

    (Trích bài Biết Anh- Mai Đình)

    “Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
    Hồn anh theo dõi bóng em đi
    Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
    Lưu luyến bên em chẳng nói gì”.

    (Trích bài Lưu Luyến- Hàn Mặc Tử)

    Quy Nhơn tiết sang thu Bính Thân 2016
    Nguyễn Quang Vinh
    (Ảnh tư liệu tác giả cùng người thân tại dốc Mộng Cầm- mộ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân và biển Ghềnh Ráng- Quy Nhơn)










    Lần sửa cuối bởi QUANG VINH; 16-08-2016 lúc 06:00 PM

  19. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn QUANG VINH vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 1/2 1 2 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình