+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Đọc bài thơ HOA ĐẤT của Nguyên Xuân

  1. #1
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1

    Đọc bài thơ HOA ĐẤT của Nguyên Xuân


    HOA ĐẤT

    Dẫu biết đời hoa nở lại tàn
    Hương tình lắng đọng giữa trần gian
    Hòa mây tỏa nhị dâng đài kết
    Vẫy gió nhìn sao thả mộng tràn
    Búp trải hồn son trời lộng lẫy
    Xuân lồng vẻ ngọc nắng miên man
    Trao dòng sữa quý yêu nguồn mạch
    Đất trổ mùa say trỗi nhịp đàn.

    Nguyên Xuân
    5/6/2013

    LỜI BÌNH CỦA HOÀNG GIAO

    Tác giả Nguyên Xuân làm thơ nhiều tâm trạng. Các chủ đề bao gồm mọi mặt vấn đề cuộc sống: biển đảo, người lính, người phụ nữ, nhân tình thế thái, thân phận, quê hương, đất nước.
    Thơ Nguyên Xuân có một hơi thở khát khao sự sống, tràn đầy sức lực. Như dòng máu nóng chảy dồi dào trong cơ thể.
    Hoa Đất là một trong những bài thơ hay của tác giả Nguyên Xuân.
    Hoa Đất là một cái tựa đề ấn tượng khơi sâu tâm thức. Hoa là hoa trái, là hương thơm cuộc đời, là cái đẹp cuộc sống. Đất là nơi mầm sống sinh sôi nảy nở, đất là nguồn cội, đất là mạch suối nguồn, đất cũng là đất nước thân yêu. Hoa Đất là hoa của đất, hoa mang ý nghĩa vạn năng của đất.

    Lấy cái nhan đề Hoa Đất là một sự chọn lọc độc đáo của tác giả.

    Viết bài thơ này có lẽ tác giả cũng muốn nói đến những bông hoa là các anh hùng liệt sĩ đã công hiến cho Tổ quốc đem đến cuộc sống ngày nay cho chúng ta.


    Hai câu ĐỀ mượn đời hoa để giới thiệu chủ đề nhân tình thế thái và cũng như sự hy sinh lớn lao của con người trong chiến tranh:
    “Dẫu biết đời hoa nở lại tàn
    Hương tình lắng đọng giữa trần gian”
    Ở câu 1, bằng phương pháp khẳng định “dẫu biết” mà thoạt nhiên cữ ngỡ là một câu hỏi tu từ đã nêu bật được thân phận của hoa theo nghĩa đen “nở lại tàn”, theo nghĩa bóng là cuộc sống của con người luôn có thăng và cũng có trầm, như “sông có khúc người có lúc” vậy. Thành công, thất bại, lên voi xuống ngựa là chuyện của đời.
    Ở câu 2, dẫu biết cuộc đời mưa nắng thất thường thì giữa trần gian, những “hương tình” vẫn “lắng đọng” không bao giờ lạt phai.

    Nhưng cũng có một ý nghĩa nữa như: mượn hình ảnh “nở lại tàn” và “hương tình lắng đọng” để nói về giá trị của những anh hùng liệt sĩ hi sinh cho dân tộc luôn sống mãi với thời gian:

    Ở hai câu đề này cách mở đề khá hấp dẫn, làm nổi bật được chủ đề bài thơ.
    Không chỉ nêu bật được thân phận của hoa mà còn là quy luật tự nhiên “hoa nở lại tàn”, "sinh ra từ đất rồi lại trở về với đất"
    Tác giả muốn nói về quy luật của tạo hóa, sinh nở và lụi tàn là tất yếu, con người cũng biết rõ điều đó. Cũng như đời hoa, con người rồi sẽ xa rời cõi thế, đời người chỉ sống một lần.


    Đọc hai câu đề này tôi lại liên tưởng đến hai câu thơ trong Tiếng Hát Con Tàu của nhà thơ Chế Lan Viên:
    “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn »

    “Hương tình” chính là mạch suối nguồn của đất. Mà đời hoa là mỗi thực thể con người đang sống giữa đất. Cho nên hoa và đất luôn cần có nhau. Nhờ đất mà hoa muôn màu rực rỡ. Đất cũng là đất nước, hoa chính là con người, vạn vật xanh tươi. Đất và nước là nguồn dinh dưỡng cho cây lớn lên đơm hoa kết trái. Nhưng cũng có khi đất trở nên khô cằn vì nắng cháy cho nên hoa phải lụi tàn. Nắng cháy lụi tàn theo tôi có thể là những khó khăn, những thất bại, sự nản chí của con người…là những hy sinh mất mát tàn phá thương đau do chiến tranh. Nhưng may thay không phải vì vậy mà con người ngừng khát khao sự sống, may thay còn có đất mang trong mình sức lực tiềm tàng của nó: mạch suối ngầm luôn chảy trong lòng đất chỉ chờ có dịp là trào sôi. Đó chính là “hương tình” “lắng đọng”.
    Hình ảnh đất nước đã từng thể hiện rõ nét trong thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi...và nhiều nhà thơ khác.
    Không có đất thì không có hoa và không có gì cả…

    Để minh chứng số phận của HOA ra sao tác giả viết tiếp hai câu THỰC nói về sự tỏa hương hy sinh dâng hết mình của hoa cho đời với mục đích cuối cùng là đơm hoa kết trái, thỏa niềm mong đợi khát khao, hai câu này diễn tả bằng chi tiết tả thực:
    “Hòa mây tỏa nhị dâng đài kết
    Vẫy gió nhìn sao thả mộng tràn”
    .

    Hoa đã hy sinh hết mình, lãng quên mình để tỏa hương sắc cho nhân gian “Hòa mây tỏa nhị dâng đài kết”. Cũng như con người trước những thăng trầm lên voi xuống ngựa vẫn luôn gồng mình sống đẹp, mang hết tâm lực phục vụ cho đời. Đời hoa vẫn tràn lộng gió, vẫn lấp lánh những vì sao và không một phút giây ngừng khát vọng“Vẫy gió nhìn sao thả mộng tràn”. Đó chính là phương pháp mượn vạn vật để nhân cách hóa con người. Ở đây tác giả dùng hình ảnh tượng hình và phương pháp so sánh ví von để diễn tả ý thơ.

    Từ ngàn đời nay HOA là biết bao tấm gương quên mình vì nước, hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc, những anh hùng liệt sĩ đã ghi danh trong sử sách, mà người cách mạng vĩ đại nhất trong đó chính là Bác Hồ Chí Minh của chúng ta, của dân tộc Việt Nam. Cả một đời sắt son hiến dâng thân mình cho hạnh phúc của đất nước bằng một tâm hồn lộng gió và quên mình hết thảy. Hình ảnh của những con người đó luôn luôn làm tan chảy trái tim ta và đã trở thành máu thịt.

    Ở câu 3 và 4 này phương pháp đối là sự kết hợp hài hòa lối đối tương phản ý nghĩa giữa các sự vật:

    “Hòa mây”/ “vẫy gió” - Một bên là hòa mình vào không gian trời đất / Một bên là vẫy gọi đồng minh thổi vào luồng không khí mới (hình ảnh ẩn dụ “mây” “gió”)
    “Tỏa nhị”/ “nhìn sao” – Một bên là tỏa hương sắc tinh hoa/ một bên là quan sát vũ trụ bao la ( hình ảnh ẩn dụ “nhị” và “sao”
    “Dâng đài”/ “thả mộng” - một bên là sự hy sinh dấn thân/ một bên là đắm chìm vào mộng mơ khát vọng.
    “Kết” lại/ “tràn” trề– Một bên gắn kết tạo khối , một bên mở rộng chân trời.

    Để lý giải vấn đề này, tác giả mở rộng tầm nhìn ở hai câu LUẬN:
    “Búp trải hồn son trời lộng lẫy
    Xuân lồng vẻ ngọc nắng miên man”
    Dù cuộc đời thế nào, con người cũng vẫn cứ lớn lên tràn trề nhựa sống, xinh đẹp, như những bông hoa giữa bão giông vẫn vươn mình đua nở bằng một tấm lòng son tạo nên « trời lộng lẫy ». Để những búp hoa mùa xuân « lồng » « vẻ ngọc » trắng ngà miên man trước nắng ấm cho những màu hoa và mạch đất sống mãi thiên thu. Cũng là một phương pháp dùng sự vật để nhân cách hóa.
    Tác giả đã kết hợp hài hòa sự sống giữa HOA và ĐẤT, giữa thiên nhiên và con người, giữa sự tỏa hương và cống hiến.
    Ở đây tác giả dùng phương pháp ẩn dụ để diễn đạt ý thơ.

    Ở câu 5 và 6 này phương pháp chọn lối đối đồng thuận ý: “Búp”/ “Xuân”, “trải”/ “lồng”, “hồn son”/ “vẻ ngọc”, “trời lộng lẫy/ “nắng miên man”
    Đây cũng chính là sự kết hợp giữa vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp tinh thần, vẻ đẹp nội dung và vẻ đẹp hình thức của những sự vật đã được nhân hóa lên thành những cái gọi là HOA và ĐẤT.
    Đọc đến đây, tôi lại liên tưởng đến những tấm gương quên mình vì nước, như những bông hoa nở rực rỡ muôn sắc tô thắm đỏ màu máu đào hy sinh trong những trận đánh khốc liệt mang lại hòa bình ngàn năm cho dân tộc Việt Nam mà nổi bật lên hai hình ảnh quật cường ai cũng biết đó là Liệt sĩ bác sĩ ĐẶNG THÙY TRÂM, liệt sĩ NGUYỄN VĂN THẠC. Và còn hàng ngàn hàng vạn tấm gương khác, những liệt sĩ vô danh đã ngã xuống về với ĐẤT.
    HOA không đơn giản chỉ là VẺ ĐẸP mà chính là TẤM LÒNG của đất, là TINH HOA, là lời nói, việc làm, cử chỉ đẹp. ĐẤT là MẸ là QUÊ HƯƠNG, là CỘNG ĐỒNG là NƠI sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta.
    Tôi cũng liên tưởng đến hai câu thơ trong trích đoạn ĐẤT NƯỚC trong Trường ca MẶT ĐƯỜNG KHÁT VỌNG của Nguyễn Khoa Điềm:
    "Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
    Những cuộc đời đã hóa núi sống ta"

    Tình đất, tình người, mối quan hệ của người với đất, tình cảm của con người với đất đã trở thành máu thịt.


    Bằng hai câu KẾT tác giả nói lên ý nghĩa của hoa và đất trong đời sống:
    “Trao dòng sữa quý yêu nguồn mạch
    Đất trổ mùa say trỗi nhịp đàn”
    Hoa là dòng sữa quý sinh ra từ nguồn mạch đất. Đất trổ bao mùa hoa trái cho cuộc sống sinh sôi hòa lên điệu nhạc cung đàn đắm say luôn sẵn vút dây tơ. Đất nuôi cây nuôi hoa. Đất tạo dòng sữa nuôi sức sống con người, tạo nên những bông HOA ĐẤT mang giá trị vinh quang của người và giá trị phồn vinh của đất.
    HOA ĐẤT, nhân tình thế thái, mầm xanh giữa đời, tâm hồn vàng ngọc, tinh thần vươn dậy, thiên nhiên và người. HOA ĐẤT là trái tim của đất, là những hy sinh to lớn của con người để cải tạo đất, giữ gìn đất, bảo vệ đất, nuôi sống đất, mà ĐẤT ở đây chính là mầm sống, là con người, là Tổ Quốc, là non sông đất nước thân yêu.

    "Người ta là hoa đất" là một câu tục ngữ nói tới giá trị cao quý của con người. "Hoa đất" là những gì đep đẽ, cao quý được kết tinh từ đất.
    Con người được ví như hoa đất có nghĩa con người mang trong mình những giá trị đẹp đẽ, cao quý nhất của mẹ đất. Nếu hoa được coi là sự tinh túy của đất thì con người được coi là sự tinh túy của tạo hóa. Chính con người đã làm rạng ngời cho đất, đem lại sức sống và vẻ đẹp lộng lẫy cho đất

    Con người chính là mạch sống, nhựa sống của đất trời. Con người là một sinh vật hoàn hảo của vũ trụ. Trí tuệ và tâm hồn của con người đã tô đẹp trái đất này...
    Kết cấu của bài thơ liền mạch, hoàn toàn tự nhiên theo logic của đời HOA và đời NGƯỜI giữa ĐẤT.

    Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa cuộc sống và tình yêu nhân loại, sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên, đất nước và con người, kết hợp hài hòa giữa tiềm thức con người với sức sống thiên nhiên
    Bài thơ có nhịp điệu dạt dào, âm thanh rộn ràng, không gian thơ thanh bình. Hình ảnh tượng hình, tượng thanh. Từ ngữ chắt lọc, bài thơ có hồn. Tác giả lấy câu chữ thả hồn vào cỏ cây hoa lá, vào đất trời vạn vật. Tứ thơ hay, ý thơ sâu và ý nghĩa.
    Bài thơ giúp ta thêm yêu quý giá trị của con người và cảm thấy càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa để khẳng định giá trị bản thân.

    Bài thơ Hoa Đất thể hiện bằng thể thơ đường luật thất ngôn bát cú luật trắc vần bằng dung dị, chân chất, niêm luật chặt chẽ, bằng phương pháp đối tương phản ý và đồng thuận ý. Bằng nghệ thuật mượn hình ảnh ẩn dụ Hoa và Đất, mượn thiên nhiên để nhân cách hóa cuộc sống nhân sinh. Ngoài ra, tác giả còn dùng phương pháp dùng hình ảnh tượng hình, lối ví von so sánh để diễn đạt ý thơ.


    Qua bài thơ HOA ĐẦT, bằng cách tạo niềm tin chấp nhận cuộc sống muôn màu với nhiều cung bậc, với cả thăng trầm, cho ta thấy giá trị to lớn của hoa và đất cũng như một giá trị tinh thần của con người giữa đất. Bài thơ ngọt ngào men say cuộc sống giữa vạn vật HOA ĐỜI mưa nắng bão giông vẫn luôn dồi dào nguồn sống mang hơi thở sinh tồn mạnh mẽ của suối nguồn từ ĐẤT.
    Trong đó hoa là hoa đời là tình cảm là hương tình. Hoa là những cái thuộc về chân thiện mỹ (cái đẹp, điều thiện, tấm lòng chân), là hương hoa sắc màu cuộc sống, là những vinh quang và những thành công đã được đơm hoa kết trái. Hoa cũng chính là ta vẻ đẹp tâm hồn, là nghĩa cử.
    Còn đất là mầm sống, cơ nghiệp, sự an cư. Đất là nơi ta đứng, vững chãi, đất cũng là đất nước, là đất ở, đất là mạch nguồn sự sống.
    Vạn vật sinh ra từ đất. Con người ta lớn lên từ đất, khi trăm tuổi cũng trở về với đất. Đất nuôi ta lớn lên, làm chỗ đứng vững chãi dưới đôi chân ta. Đất như nguồn sống tiếp cho ta bao sức lực. Đất cho ta những cây đời và hoa trái làm nên những hạt giống gieo trồng tiếp bước những mùa sau. Chủ đề HOA ĐẤT vô cùng rộng lớn mà vòng tay, tầm nhìn, kiến thức của ta không thể bao hàm hết được.
    Cảm ơn tác giả Nguyên Xuân đã trao cây HOA ĐẤT mang vẻ đẹp muôn màu cho đời…
    HOÀNG GIAO
    17/11/2014



    Lần sửa cuối bởi hoanggiao; 14-12-2014 lúc 12:39 PM
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116


  2. #2
    Avatar của nguyenxuan
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    nguyenxuan đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013

    Tuổi: 65
    Bài gửi : 3.287
    Thanks
    30.846
    Thanked 24.155 Times in 3.311 Posts
    Blog Entries
    114
    Chân thành cảm ơn Hoàng Giao rất nhiều. Bài viết của bạn thật sâu sắc và công phu, chắc bạn đã suy nghĩ trăn trở rất nhiều với bài thơ. Nguyên Xuân vô cùng cảm động. Chúc bạn vui khỏe, hạnh phúc và thành công.
    Nguyên Xuân


  3. #3
    Avatar của Khắc Hiền
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    Khắc Hiền đang ẩn
    Tham gia ngày : Aug 2011

    Bài gửi : 2.801
    Thanks
    20.421
    Thanked 15.558 Times in 2.834 Posts
    Blog Entries
    1
    Rất chân thành cảm ơn bài bình của Hoàng Giao. Bạn bình bài thơ rất sâu sắc và chặt chẽ .Nêu lên sự nỗi bât về nghệ thuật của bài thơ ,tính ẩn dụ trong bài HOA ĐÂT,lbiết bao nhiêu thi sỹ đã nói về chủ đề HOA, ĐẤT, NƯỚC và con người .Nhưng khi đọc bài bình cua Hoàng Giao bài thơ tăng giá trị lên rất nhiều lần.
    “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
    Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn » thơ Chế Lan Viên cũng lầ chủ đề về ĐẤT
    Đất đã hóa tâm hồn trong tâm thức của nhà thơ Nguyên Xuân nhà thơ lấy chủ HOA ĐẤT để nói lên nội tâm và tầm nhìn của mình.Trong vũ Trụ vạn vật sinh sôi nẩy nở đều từ Đất.Đất là Chỗ đứng của muôn loài nếu con người ta không có Đất ắt hẳn chúng ta không thể ngồi đây mà bình bài thơ HOA ĐẤT được .Khi viết bài thơ này chắc nhà thơ Nguyên Xuân suy nghĩ và ấp ủ tong tâm hồn mình để cho ra đời đứa con TINH THẦN tinh tú như vây
    Cảm ơn Nguyên Xuân cho tôi đoc và thưởng thức bài thơ rất hay và rất sâu sắc lắng đông và có rất nhiều cảm xúc
    Cảm ơn lời bình của nhà thơ Hoàng Giao
    Thân ái
    Khắc Hiền

  4. 9 Thành viên dưới đây cảm ơn Khắc Hiền vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình