+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Vô cùng thương tiếc ngài lý quang diệu - bài học dạy con

  1. #1
    Avatar của TRẦN THỊ THANH LIÊM
    Điều Hành Viên Chính - Tr.Ban Đại Diện KVMB
    Hiện Đang :    TRẦN THỊ THANH LIÊM đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011
    Đến từ : Đại học Đại Nam Hà Nội

    Tuổi: 73
    Bài gửi : 3.829
    Thanks
    63.207
    Thanked 39.157 Times in 3.821 Posts
    Blog Entries
    6

    Vô cùng thương tiếc ngài lý quang diệu - bài học dạy con

    VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NGÀI LÝ QUANG DIỆU
    BÀI HỌC DẠY CON TỪ NGÀI LÝ QUANG DIỆU


    Ông Lý Quang Diệu và phu nhân Kha Ngọc Chi sinh hạ được hai con trai và một con gái. Cả ba người con của ông đều rất tài năng và thành đạt.
    Người con cả trai Lý Hiển Long, 63 tuổi, đã quá nổi tiếng, từng nắm các chức bộ trưởng thương mại, bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng trước khi trở thành thủ tướng Singapore từ năm 2004.
    Con trai thứ hai của ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Dương, 58 tuổi, từng giữ chức chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn truyền thông khổng lồ Sing Tel trước khi trở thành chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS).
    Cô con gái Lý Vỹ Linh, 60 tuổi, không đi theo con đường chính trị hay kinh doanh như anh em trai, mà là một nhà khoa học nổi tiếng. Bà hiện là giám đốc Viện Khoa học thần kinh Singapore.
    Người cha nghiêm khắc
    Bài học đầu tiên mà ông Lý Quang Diệu truyền cho ba người con là sự tự hào về nguồn gốc. Ông Lý Quang Diệu có cái tên nửa Tây nửa Tàu là Henry Lý Quang Diệu, xuất phát từ việc Singapore từng là thuộc địa của Anh..“Tôi luôn cảm thấy khó chịu khi người ta gọi tôi là Henry Lý” - ông Lý Quang Diệu cho biết. Vì vậy ông không hề đặt tên tiếng Anh cho con cái mình để quyết rũ bỏ cái quá khứ thuộc địa. Và ông Lý Hiển Long và Lý Hiển Dương cũng không hề đặt tên tây cho con cái.
    Trong hồi ký của mình, ông Lý Quang Diệu kể cha của ông là một người cực kỳ nghiêm khắc và khó tính, thỉnh thoảng vẫn dùng đòn roi để dạy dỗ con cái.
    Khi ông Lý Quang Diệu mới bốn tuổi, ông làm vỡ một chiếc bình quý của cha. Nổi giận đùng đùng, cha ông lôi con ra ngoài, kéo tai cậu bé trước một miệng giếng. “Đó là hồi ức đầu đời của tôi. Không hiểu sao cái tai của tôi khỏe thế, nó không bị đứt ra khiến tôi rơi xuống giếng?” - ông Lý Quang Diệu kể.
    Đòn roi của người cha có ảnh hưởng rất lớn đối với Lý Quang Diệu. Từ trải nghiệm của bản thân, ông chủ trương không dùng roi vọt để dạy con. Khi ba người con không nghe lời, ông Lý Quang Diệu chỉ dùng một biện pháp là mắng con. Nhưng ông cũng là một người cha cực kỳ nghiêm khắc.
    Trong cuốn hồi ký của mình, bà Ouyang Huan Yan, người giúp việc nhà ông Lý Quang Diệu, cho biết ngay từ khi còn nhỏ, ba người con của ông đều rất nghe lời cha mẹ, ngoan ngoãn, khiêm tốn chứ không kiêu căng như con cái các gia đình quyền quý khác.
    Khi con cái mắc sai lầm hoặc ương bướng, ông Lý Quang Diệu gọi con vào phòng riêng để “kỷ luật”. Không ai dám vào can thiệp, kể cả phu nhân Kha Ngọc Chi. Và cả ba người con đều không dám cãi một lời.
    Bà Huan Yan nhớ có lần cậu bé Lý Hiển Long chỉ đạt điểm số đủ để đứng thứ ba trong lớp học. Ông Lý Quang Diệu không hài lòng và gọi cậu con trai vào phòng, xạc cho một trận. Khi đó, cậu bé sợ phát khiếp.
    Ông Lý Quang Diệu yêu cầu cậu con cả phải đứng nhất lớp và sau đó Lý Hiển Long đã đạt được kết quả này. Ông Lý Quang Diệu cũng nghiêm khắc và đòi hỏi cao tương tự với cô con gái Lý Vỹ Linh.
    Ông cấm người giúp việc đưa con ông đến trường. Khi học lớp ba, cậu bé Lý Hiển Long phải đến trường bằng xe buýt thay vì có người lái xe đưa đến trường.
    Tôn trọng sự độc lập

    Bà Huan Yan kể khi làm việc cho gia đình ông Lý Quang Diệu, bà và các người giúp việc khác không bao giờ phải gọi ông và phu nhân Kha Ngọc Chi là “ông chủ, bà chủ”, mà chỉ gọi đơn giản là “ông Lý, bà Lý”.
    Kể cả khi ông Lý Quang Diệu lên làm thủ tướng thì điều này vẫn không thay đổi. Các người giúp việc cũng gọi ba người con ông Lý bằng tên riêng chứ không phải là “cậu chủ, cô chủ” như trong các gia đình quyền quý ở Singapore.
    Vì vậy, cả ba người con của ông Lý Quang Diệu đều rất thân thiện và gần gũi với người giúp việc trong nhà chứ không tỏ ra kênh kiệu và hống hách.
    Vợ chồng ông Lý Quang Diệu yêu cầu cả ba con phải biết sống độc lập, không dựa dẫm vào cha mẹ. Khi cả ba lớn lên, bà Kha Ngọc Chi muốn các con phải tự kiếm tiền để mua đồ dùng cho bản thân chứ không phải xin tiền cha mẹ.
    "Điều quan trọng nhất mà cha tôi dạy tôi là không bao giờ lùi bước hay đầu hàng dù tình hình có khó khăn đến mấy"
    Thủ tướng Lý Hiển Long kể.
    Năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long kể cha của ông “luôn ở bên cạnh hỗ trợ con cái”. “Kể cả khi tôi đã trưởng thành thì cha tôi vẫn luôn dạy cho tôi những bài học quý giá. Điều quan trọng nhất mà ông dạy tôi là không bao giờ lùi bước hay đầu hàng dù tình hình có khó khăn đến mấy. Ông ấy nói với tôi rằng nếu con tư duy quyết liệt thì sẽ tìm ra cách xử lý mọi vấn đề. Và đừng bao giờ quên nguồn gốc của mình” - ông Lý Hiển Long khẳng định.
    Thủ tướng Singapore cho biết cha ông để cho con cái chọn con đường riêng của chính mình chứ không can thiệp. Bà Lý Vỹ Linh cũng kể ông Lý Quang Diệu luôn tôn trọng các quyết định cá nhân của con cái, cho dù có thể ông không đồng ý với những quyết định đó.
    Khi bà Lý Vỹ Linh đã lớn tuổi mà vẫn không chịu lấy chồng, ông Lý Quang Diệu nói với con gái rằng ông hiểu và tôn trọng con và chỉ đưa ra một lời cảnh báo: “Con sẽ cô đơn đấy”.
    Với những gì mà ba người con của ông đã làm được, Lý Quang Diệu hoàn toàn có quyền tự hào.




    TTTL (Theo GS Nguyễn Lân Dũng)


  2. #2
    Avatar của TRẦN THỊ THANH LIÊM
    Điều Hành Viên Chính - Tr.Ban Đại Diện KVMB
    Hiện Đang :    TRẦN THỊ THANH LIÊM đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011
    Đến từ : Đại học Đại Nam Hà Nội

    Tuổi: 73
    Bài gửi : 3.829
    Thanks
    63.207
    Thanked 39.157 Times in 3.821 Posts
    Blog Entries
    6

    Tình yêu của Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu


    TÌNH YÊU CỦA NGÀI LÝ QUANG DIỆU
    Lời chào cuối cùng gửi vợ tôi”, sự hồi tưởng dành cho tình yêu đẹp của vị Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Singapore:
    Từ thời xa xưa, con người ta đã khơi nguồn và gìn giữ những tục lệ để bạn bè và người thân của người đã khuất cùng nhau chia sẻ nỗi đau mất mát.
    Thay vì ghê sợ trước cái chết, họ cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước vong linh người đã bước sang thế giới bên kia, và đem đến sự bình yên cho những người ở lại.
    Tôi còn nhớ khi bà ngoại tôi qua đời khoảng 75 năm trước. Lúc bấy giờ, suốt 5 đêm liền gia đình tôi quây quần bên nhau ca tụng cuộc đời bà, khóc thương bà, và tưởng nhớ bà, tất cả được thực hiện dưới sự dẫn dắt của một người chuyên khóc thuê.
    Giờ đây, những tục lệ như vậy không còn nữa. Nỗi buồn hôm nay xin được thể hiện qua những câu chuyện về cuộc đời người vợ, người mẹ, và người bà của chúng tôi.
    Tháng 10/2003, khi bà trải qua cơn đột quỵ đầu tiên, đối với chúng tôi dường như đó là một lời cảnh báo về ranh giới giữa sự sống và cái chết đã cận kề.
    Tôi và bà đã ở bên nhau từ năm 1947, hơn ba-phần-tư đời người tôi có bà, và bà có tôi. Sự ra đi của bà đã để lại trong tôi một nỗi đau không thể diễn tả thành lời.
    Nhưng hôm nay, khi nhìn lại chặng đường chúng tôi đã đi cùng nhau trong suốt bao năm tháng qua, tôi muốn ca tụng cuộc đời bà.
    Khi ấy, tôi là một chàng trai trẻ bỏ dở đại học, không có công ăn việc làm ổn định. Bố mẹ bà bấy giờ cũng không thấy triển vọng gì ở chàng rể tương lai của họ.
    Nhưng bà luôn tin vào tôi.
    Tôi và bà nguyện sẽ cố gắng vì nhau. Tôi quyết định đến Anh vào tháng 9/1946 để học luật, còn bà quay lại trường Raffles, với quyết tâm giành cho bằng được suất học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm cho sinh viên Singapore.
    Chúng tôi biết chỉ một người trong cả nước có được vinh dự này. Tôi đã có điều kiện được sang Anh trước, và hi vọng chúng tôi có thể hội ngộ nếu bà giành được suất học bổng quý giá ấy. Nếu không, chúng tôi sẽ phải xa nhau trong 3 năm.
    Tháng 6/1947, bà đã giành được suất học bổng ấy. Kể từ đó, chúng tôi không bao giờ xa nhau.
    Tôi và bà làm đám cưới vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon, khi đó chỉ có hai chúng tôi với nhau. Tại Đại học Cambridge, chúng tôi dồn hết tâm sức vào việc học luật.
    Khi trở lại Singapore, chúng tôi cùng được nhận vào làm tại văn phòng luật Laycock & Ong, với vai trò hỗ trợ pháp lý. Không lâu sau, tôi và bà làm đám cưới chính thức, thể theo nguyện vọng của bạn bè và người thân.
    Tháng 2/1952, đứa con trai đầu lòng của chúng tôi, Hiển Long, chào đời. Bà xin nghỉ một năm để chăm sóc con.
    Cùng lúc đó, tôi được giao vụ kiện của Hội Liên hiệp các Nhân viên Bưu chính Viễn thông. Họ muốn có những điều khoản và điều kiện dịch vụ tốt hơn từ phía chính phủ. Sau hai tuần thương lượng, hai bên đã thỏa hiệp thành công.
    Dù đang phải chăm sóc đứa con đầu lòng, bà vẫn tỉ mỉ đọc và chỉnh sửa bản thảo báo cáo của tôi, khiến nó trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn.
    Dần dần, bà đã thay đổi cách hành văn của tôi. Giờ tôi viết câu cú ngắn gọn, ở dạng chủ động. Sống cùng nhau lâu năm, chúng tôi thay đổi thói quen của nhau, cũng như tự thay đổi bản thân để hợp với tính cách người còn lại.
    Tôi và bà đều hiểu rằng chúng tôi không thể cứ mãi là một đôi tình nhân mơ mộng được. Cuộc sống là một thử thách đằng đẵng với đầy rẫy những vấn đề cần giải quyết.
    Chúng tôi có thêm hai đứa con, Vỹ Linh (1955) và Hiển Dương (1957). Bà đã nuôi dưỡng chúng trở thành những con người lịch sự, biết cư xử và để tâm đến người khác.
    Nhờ có bà, không bao giờ các con ra đường với tâm thế cậu ấm, cô chiêu của Thủ tướng.
    Thu nhập từ nghề luật sư của bà đủ để khiến tôi không phải lo lắng gì về tương lai của các con.
    Bà đã chứng kiến cái giá tôi phải trả vì không học tiếng Trung khi còn nhỏ. Do đó, chúng tôi quyết định gửi các con đi học tại các trường lớp sử dụng tiếng Trung từ mẫu giáo. Bà cũng đảm bảo việc các con học tiếng Anh và tiếng Malay ở nhà.
    Công dưỡng dục của bà đã cho các con một hành trang vững chắc cho cuộc sống tương lai tại một quốc gia đa ngôn ngữ.
    Tôi và bà chưa bao giờ phải tranh cãi về cách nuôi dạy con cái hay về tài chính. Thu nhập và tài sản của chúng tôi đều đứng tên cả hai người. Chúng tôi luôn tin tưởng nhau tuyệt đối.
    Bà luôn để ý đến những gì diễn ra xung quanh. Có lần, bà nhận thấy một số loài chim trong vườn Istana, nơi chúng tôi thường đi dạo mỗi tối, dần biến mất. Thay vào đó là chim mynah và lũ quạ.
    Sau đó, cũng chính bà phát hiện ra rằng người quản lý khu vườn đã cho cắt cỏ dại và phun sương chống muỗi, tước đi nguồn thức ăn của những loài chim này. Bà cho dừng việc cắt cỏ và phun sương, và lũ chim lập tức trở lại.
    Bà nắm rõ tên của từng loại hoa, kể cả tên khoa học của chúng. Bà sở hữu một vốn từ vựng khổng lồ. Bà từng theo học chuyên ngành Anh văn tại Đại học Raffles và là một người rất chăm đọc sách.
    Jane Austen, J.R.R. Tolkien, Chiến tranh Hy Lạp cổ đại của Thucydides, tập thơ Aeneid bằng tiếng Latin của Virgil, Bách khoa toàn thư đồ ăn Oxford, Hải sản Đông Nam Á, Các loài cây bên vệ đường Malaya, hay Các loài Chim ở Singapore, sách gì bà cũng đọc.
    Chính bà cũng giúp tôi soạn thảo Hiến pháp của đảng Nhân dân Hành động (PAP). Trong buổi họp chính thức đầu tiên của đảng vào ngày 4/11/1954, bà đã tập hợp phu nhân các thành viên sáng lập đảng để thêu nút thắt hoa hồng cho những người lên sân khấu.
    Trong cuộc bầu cử đầu tiên tôi tham gia tại quận Tanjong Pagar, chính bà đã biến căn nhà của chúng tôi tại đường Oxley trở thành nơi tập kết ô tô đưa những người ủng hộ tôi ở quận này tới điểm bỏ phiếu.
    Bà cũng từng cảnh báo rằng tôi không thể tin tưởng những thành viên liên hiệp giao thương cánh tả do Lim Chin Siong cầm đầu (ông Lim sau này đã châm ngòi cho nhiều cuộc bạo động tại Singapore và từng bị PAP bắt giữ - PV).
    Bà có biệt tài đọc tính cách người khác. Bà vẫn nhắc tôi phải cẩn trọng với một số người nhất định; và quan sát của bà về những người này thường chính xác.
    Khi Singapore chuẩn bị sáp nhập với Malaysia, chính bà đã nói với tôi rằng bước đi này sẽ không đem lại thành công vì các lãnh đạo Malaysia có một cách tiếp cận khác, nền chính trị của họ đề cao tính tập thể và nhất quán trong chủng tộc và tôn giáo.
    Tôi đáp lại rằng chúng tôi phải làm như vậy vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng bà đã đúng. Chỉ chưa đầy hai năm sau khi sáp nhập, Singapore đã bị đề nghị phải tách khỏi Malaysia.
    Năm 1965, khi ly khai chỉ còn là vấn đề thời gian, Bộ trưởng Tư pháp Eddie Barker đã soạn thảo sẵn một bộ luật. Nhưng trong đó ông không hề nhắc đến cam kết của Chính phủ về việc đảm bảo tiến hành thỏa thuận cung cấp nước kí với đại diện bang Johor (Malaysia).
    Tôi lập tức nhờ bà bổ sung chi tiết trên. Chính bà đã soạn thảo cam kết này cũng như thay đổi chi tiết liên quan trong Hiến pháp Nhà nước Malaysia, trước khi trình lên Liên Hiệp Quốc.
    Bà đã hết sức chỉn chu trong cách dùng từ. Thư kí Khối Thịnh vượng chung Anh quốc khi đó là Arthur Bottomley đã phải nói rằng, nếu sau này các nước nào có ý định tách rời, ông mong họ có thể thực hiện điều đó một cách chuyên nghiệp như Singapore và Malaysia.
    Sau này, mỗi khi các nhà lãnh đạo Malaysia đe dọa cắt nguồn cung cấp nước, tôi luôn yên tâm rằng bản cam kết mạch lạc do bà soạn thảo sẽ giúp Singapore có được một phán quyết có lợi từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
    Sau cơn đột quỵ đầu tiên, bà mất đi một nửa thị giác, gây ảnh hưởng tới việc đọc sách của bà. Nhưng bà lập tức học cách thích nghi, với sự trợ giúp của một chiếc thước kẻ. Bà vẫn đi công du cùng tôi, vẫn bơi đều đặn mỗi tối, và vẫn giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.
    Bà vẫn nghe những bản nhạc giao hưởng và những ca khúc bất hủ do bà sưu tập. Bà vẫn nói đùa rằng cuộc đời bà có thể được chia làm hai giai đoạn, trước và sau đột quỵ, như trước và sau công nguyên vậy.
    Nhưng cơn đột quỵ thứ hai của bà, vào ngày 12/5/2008, nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi cố gắng động viên bà, cùng với sự trợ giúp của các y bác sĩ và nhân viên trị liệu xuất sắc.
    Đội ngũ y tá và nhân viên phục vụ đều yêu quý bà vì bà luôn quan tâm đến họ.
    Khi ho, bà vội vớ lấy chiếc gối nhỏ trên giường để che miệng, vì bà không muốn lây bệnh sang cho họ.
    Khi tôi hôn lên má bà, bà đều nhắc tôi đừng đến quá gần vì sợ tôi sẽ lây bệnh viêm phổi của bà.
    Khi được tặng một bịch đào, bà dặn dò người phục vụ mang một quả về để tôi ăn tráng miệng sau bữa trưa.
    Kể cả khi bệnh tật, bà vẫn xem tôi là tâm điểm cuộc sống của bà.
    Vào cái ngày 24/6/2008 ấy, kết quả chụp CT phát hiện bà đã bị tai biến mạch máu ở cả vùng não bên phải. Không còn thuốc men hay phẫu thuật gì có thể cải thiện được tình hình nữa. Tôi đưa bà về nhà hôm 3/7/2008.
    Các bác sĩ nói rằng chúng tôi chỉ còn vài tuần. Nhưng bà đã ở bên tôi thêm 2 năm, 3 tháng nữa, đến ngày 2/10/2010.
    Trong những ngày tháng cuối đời, bà vẫn minh mẫn. Quãng thời gian này đã giúp tôi và các con dần chấp nhận được thực tế phũ phàng không thể tránh khỏi.
    Hai năm cuối của cuộc đời bà thật khó nhọc. Bà không thể nói được nhưng vẫn có khả năng nhận thức những gì diễn ra xung quanh.
    Bà không thể rời khỏi giường vì những cơn đột quỵ liên tiếp. Bà không thể nói được nhưng vẫn hiểu chuyện gì đang diễn ra. Hàng đêm, bà luôn đợi tôi đến ngồi bên bà, kể lại cho bà biết những việc tôi đã làm trong ngày, và đọc cho bà nghe những bài thơ bà yêu thích.
    Rồi bà thiếp đi.
    Trước khi ra đi, bà đã chia sẻ với tôi ước nguyện cuối cùng của cuộc đời, bà nhờ tôi dặn các con đặt hộp tro của chúng tôi bên cạnh nhau, cũng như tôi và bà đã ở bên nhau suốt cả đời này vậy.
    Tôi đã lưu giữ biết bao kỉ niệm quý giá trong suốt 63 năm tôi và bà bên nhau. Nếu không có bà, tôi đã là một người hoàn toàn khác, với một cuộc sống hoàn toàn khác. Bà đã dành trọn cuộc đời cho tôi, và cho các con.
    Bà luôn ở bên tôi khi tôi cần đến bà. Bà đã sống một cuộc sống tràn hơi ấm tình thương và đầy ý nghĩa.
    Có lẽ tôi nên cảm thấy được an ủi vì những gì bà đã làm được trong 90 năm cuộc đời.
    Nhưng lúc này đây, khi tôi và bà nói lời từ biệt lần cuối, trái tim tôi lại nặng trĩu nỗi buồn...

  3. 11 Thành viên dưới đây cảm ơn TRẦN THỊ THANH LIÊM vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình