+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 2 của 2

Chủ đề: Đọc bài thơ "Ngôi sao sáng" của Nguyễn Thanh Lan

  1. #1
    Avatar của Nắng Xuân
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    Nắng Xuân đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013
    Đến từ : Đại học Cần Thơ

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 2.093
    Thanks
    18.668
    Thanked 17.521 Times in 2.104 Posts

    Đọc bài thơ "Ngôi sao sáng" của Nguyễn Thanh Lan


    ĐỌC BÀI THƠ “NGÔI SAO SÁNG” CỦA NGUYỄN THANH LAN


    Nhiều năm loay hoay với cơm áo gạo tiền giữa thời kỳ bao cấp, nên mãi tới 2003 tôi mới có điều kiện quay trở lại LÀNG VĂN. Khi tôi gia nhập CLB Thơ Ca Ninh Kiều (năm 2005) thì chị Nguyễn Thanh Lan đang là Phó Chủ nhiệm và cũng là một trong những cây viết sung sức và giàu nhiệt huyết nhất mà tôi thầm ngưỡng mộ. Đặc biệt chị xông xáo thể nghiệm rất nhiều thể loại và tỏ ra không hề nao núng trước bất kỳ một sân chơi khắt khe nào. Chị cũng là một trong hai người khởi xướng thành lập Chi nhánh Thơ Đường luật Cần Thơ hưởng ứng vận động của CLB UNESCO thơ Đường Luật Việt Nam. Chủ tịch CLB khi ấy, ông Hoài Yên cũng là người quan tâm tới việc khôi phục các thể thơ truyền thống trong đó có Hát nói. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, tôi và chị NTL có viết mấy bài theo thể này để tham gia Tuyển tập do ông Hoài Yên làm Chủ biên.

    “Lối văn Hát nói này, xưa và nay đều có, mối bài chỉ có 11 câu mà thôi. Sách Ca điệu lược ký (AB. 456), viết về “phép tắc” của hát nói như sau: Câu 1 và 2 là tổng mạo (LÁ ĐẦU). Câu 3 và 4 là thừa đề (XUYÊN THƯA). Câu 5 và 6 là THƠ, thường dùng thất ngôn hoặc ngũ ngôn, hoặc cổ thi, hoặc quốc âm, là câu nằm treo giữa bài hát, để nói hết cái đại ý của bài hát. Đến các câu 7, 8 gọi là XUYÊN MAU; câu 9 gọi là DỒN, câu 10 gọi là XẾP thì cũng nối theo cái ý của câu 5, 6, để làm rõ ý nghĩa. Câu 11 tổng kết ý nghĩa cả bài, mà cũng là một câu kết thúc, gọi là câu KEO… Cũng có khi đến đây, lại thêm hai câu hoặc 4 câu Mưỡu nữa gọi là Mưỡu hậu, liền sau đó nói dông dài thêm cái dư ý của bài thơ, ấy là muốn dẫn cho dài thêm. Hát nói về sau, rất hay dùng 4 câu hát mưỡu nữa ở đầu bài gọi là Mưỡu đầu. Đôi khi có thể thêm những câu dôi khổ (không ghi trong lý thuyết nên tùy ý tác giả cứ bám theo luật thơ thất ngôn mà làm). Như vậy, ngoài 11 câu bắt buộc và Mưỡu (không bắt buộc) thì còn lại là những câu Dôi khổ. Nguyễn Công Trứ chính là ông hoàng của thể thơ này. Cũng có thể kể thêm các tên tuổi khác trên văn đàn như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Tản Đà…v.v…

    Căn cứ vào đoạn lược trích tài liệu tham khảo ở trên, có thể thấy bài thơ của chị Nguyễn Thanh Lan là viết theo kiểu mới có sự kế thừa và sáng tạo chứ hoàn toàn không tuân thủ theo lý thuyết truyền thống: 4 câu mưỡu đầu; 2 câu lá đầu, 2 câu xuyên thưa; 2 câu treo; 2 câu xuyên mau; 1 câu dồn; 1 câu xếp; 6 câu mưỡu hậu; và 01 câu keo. Chúng ta sẽ có dịp bàn thêm về điều này kỹ hơn trong từng đoạn thơ.

    Bốn câu Mưỡu đầu cho ta thấy cảnh tượng gần gũi, thân thương đến cảm động của tình mẹ-con: “Những đêm sao sáng đầy trời/ Má thường bên cạnh con ngồi trông sao/ Nhìn lên con những ước ao/ Ước gì hái được ngôi sao sáng ngời”. Thật tự hào, thật thi vị và sung sướng biết bao khi đứa con trẻ được bao bọc trong vòng tay trìu mến của mẹ hiền. Trong thơ, Mẹ không chỉ là người mang nặng, đẻ đau, bao bọc, chở che mà còn là người bạn. Ước mơ “hái sao trên trời” đã có nhiều trong văn học và thành ngữ để chỉ sự lãng mạn, bay bổng, có phần viển vông, nhưng lại là ước mơ thường nhật, nói đến tấm lòng thương con vô hạn của mỗi người mẹ Việt Nam. Quả thật, nếu có thể hái sao cho con của mình được sống mãi trong sung sướng hạnh phúc thì người mẹ có thể vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, thậm chí đánh đổi với bất cứ giá nào. Chị NTL đã tìm được đề tài hay cho bài thơ của mình nếu chọn “HÁI SAO” làm chủ đề. Đây cũng là đoạn thơ mà tôi tâm đắc nhất. Có rất nhiều vần thơ viết về mẹ mà chúng ta có thể lược trích. Nữ sỹ Xuân Quỳnh đã viết về mẹ chồng: “Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong/ Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau/ Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen” (MẸ CỦA ANH). Trong bài thơ “Quan Âm”, thần đồng Đỗ Nhật Nam (cậu bé Việt Nam 13 tuổi, hai lần được trao kỷ lục Việt Nam với danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Nam giành được giải cao trong các kỳ thi tiếng Anh, hùng biện, nhiều lần đứng trên sân khấu hội thảo quốc tế và là đại diện cho châu Á tham dự hội nghị chủ đề "Khoa học Giáo dục với Trẻ em" tại Mỹ 2014, với tư cách diễn giả) đã dùng hình ảnh Quan Âm để hình tượng hóa bố mẹ, ông bà của mình với tình yêu thương vô hạn, luôn che chở cho đứa con bé bỏng của mình, là chỗ dựa cho con cái những lúc mệt mỏi và khó khăn: “Bà như “Quan Âm tóc rối”/ Chỉ cho mẹ con những lối vào đời/ Nắm tay mẹ mãi mãi không rời/ Mẹ dù lớn vẫn như còn thơ ấu./ Đến lượt mẹ làm “Quan Âm tóc rối”/ “Quan Âm”hiền, “Quan Âm” khóc tỉ ti/ “Quan Âm” chịu thương, “Quan Âm” lành lẽ /“Quan Âm” buồn khi con đã vắng xa.”

    Nếu ở 4 câu Mưỡu đầu chi là giới thiệu ước mơ chung (của nhiều đứa trẻ và những người mẹ) thì các câu Lá đầu và Xuyên thưa là thực tại của gia đình chị và cũng là của khá nhiều gia đình Việt Nam thời chiến: “Cha vương lao lý/ Vì đấu tranh chống Mỹ ngụy, giữ quê huơng/ Má đẹp tươi như một đóa hải đường/ Đang xuân sắc vẫn sáng ngời gương hiền phụ”. Cha là một nhà trí thức yêu nước nên vướng vòng tù tội; má ở nhà tần tảo nuôi con, chung thủy đợi chồng. Liên hệ lại các bài thơ cổ viết theo thể này thì 4 câu của chị NTL viết tự do, không câu nệ câu chữ, nhưng vẫn giữ vững nhịp điệu và cách gieo vần truyền thống với thể thơ thất ngôn (lý-ngụy; hương-đường-gương).

    Hai câu TREO chính là cái đinh của bài hát nói. Đây là hai câu đối ngẫu, thất ngôn hoặc ngũ ngôn và thường viết theo Hán-Việt, nhưng chị NTL đã mạnh dạn kết hợp cổ kim để bài thơ gần hơn với người đọc: “Làm ngơ tiếng bướm ong trăng gió/ Giữ vững lòng son sắt đá vàng”. Nếu xét theo phương diện “luật thơ” thì hai câu này không gieo vần được. “Lòng sắt son đá vàng soi tỏ/ Chuyện bướm ong, trăng gió gạt ngang” là đề xuất của tôi. Sự chung thủy chờ chồng, nuôi con cũng đã từng xuất hiện trên văn đàn rất nhiều. Xin lấy một ví dụ: “Mấy phần chờ đợi mỏi mòn/ Mẹ em đã nhận lúc còn tuổi xanh/ Người xưa nào có phụ tình/ Mà sao mẹ chịu một mình khổ đau” (TRÁI TIM SINH NỞ_ Lâm Thị Mỹ Dạ).

    Người mẹ không chỉ bền bỉ vượt qua những khó khăn về vật chất để nuôi con, bà còn phải vượt qua những trở ngại về tinh thần ở cuộc sống vò võ cô đơn và ngoại cảnh không mong muốn như cám dỗ, bướm ong, trăng gió… nữa: “Dẫu tương rau quyết gìn nghĩa tào khang/ Nuôi con dại vượt muôn ngàn cám dỗ”. Vẫn bám sát chủ đề ca ngợi tấm gương chung thủy của người mẹ, t/g dẫn độc giả tới một cái kết có hậu về ngày đoàn tụ, người cha trở về, rạng rỡ, hân hoan vì thấu hiểu tấm lòng hiền phụ: “Ngày cha về, nét môi cười rạng rỡ/ Thương vợ hiền gian khổ vẫn vui lòng”. Thực tiễn còn có biết bao bà mẹ sau khi nhận tin đau lòng nhưng vẫn âm thầm chờ đợi trong vô vọng. Bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Mikhailovich Simonov (1917-1979), hay bài “Em vẫn đợi anh về” của nhà thơ Lê Giang đã được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc là những minh chứng hùng hồn về niềm tin và lòng chung thủy.

    Sáu câu Mưỡu hậu là một khúc ca xúc động tác giả dành tặng người mẹ: “Má ơi con đã hiểu thông/ Những ngày vất vả nuôi chồng nuôi con/ Miệt mài nước chảy đá mòn/ Tấm lòng của má sắt son tuyệt vời/ Chẳng cần trèo hái sao trời/ Má là sao sáng rạng ngời lòng con”. Từ tuổi ấu thơ, sống trong vòng tay yêu thương vô hạn của mẹ mình, lớn lên là nhà giáo, nhà thơ, tác giả đã trải nghiệm làm mẹ, làm bà nên có thể nói hiểu tường tận hơn ai hết về cảnh vò võ nuôi con, chờ chồng cả trong văn học và thực tiễn.

    Không chỉ đối với chị NTL, mà đối với nhiều người khác, tấm gương người mẹ là ngôi sao sáng, sáng hơn tất cả những vì sao trên thế gian này. Chính vì vậy, chị đã dành tất cả lòng kính yêu, trang trọng nhất để viết nên câu KEO: “Ánh sao tô điểm nước non”. Sẽ có một số người khắt khe, không đồng tình khi đọc câu này, vì cho rằng câu kết quá phóng đại: Chỉ ở tấm gương thủy chung son sắt, chờ chồng, nuôi con chưa đủ tầm tỏa sáng hay tô điểm nước non? Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh tiếng nói của người con có hiếu với mẹ đẻ của mình thì không một sự ca ngợi nào là quá đáng, không có sự so sánh vật chất nào tương xứng với giá trị tinh thần và cả vật chất mà một đời mẹ đã hy sinh chờ chồng, nuôi con…! Không có hình tượng nào hay một hình bóng nào có thể thay thế mẹ trong mỗi người con. Cách minh họa thiết thực nhất là lược trích thơ của Phạm Thị Vĩnh Hà: “Mẹ đừng buồn mỗi hoàng hôn mỗi ban mai/ Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ/ Con chỉ là một cơn gió nhẹ/ Mẹ là bến bờ thương nhớ của đời anh” (NGƯỜI THỨ HAI).

    Nhìn chung, bài thơ liền lạc, nội dung đắt, xúc động tuy t/g chỉ khai thác ở khía cạnh hẹp, nhưng sự thể nghiệm cho đề tài mới, thể thơ ít người viết có thể xem là thành công đối với chị NTL. Mỗi bài thơ của chị luôn có tiếng nói riêng. Mong chị vẫn đủ lửa để tiếp tục là lá cờ đầu xông xáo thử nghiệm ở những lĩnh vực khác cho các bạn yêu thơ trong CLB nói riêng và trên văn đàn nói chung càng có nhiều cơ hội đổi trao học hỏi.

    Cần Thơ, ngày 30 tháng 5 năm 2015
    NGUYỄN THANH TOÀN
    Lần sửa cuối bởi Nắng Xuân; 28-08-2016 lúc 08:38 AM
    Em cười nón lá chao nghiêng
    Nghiêng sông nghiêng bến nghiêng thuyền nghiêng anh.


    Nắng Xuân


  2. 8 Thành viên dưới đây cảm ơn Nắng Xuân vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của Nắng Xuân
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    Nắng Xuân đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013
    Đến từ : Đại học Cần Thơ

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 2.093
    Thanks
    18.668
    Thanked 17.521 Times in 2.104 Posts
    NGÔI SAO SÁNG

    Những đêm sao sáng đầy trời
    Má thường bên cạnh con ngồi trông sao
    Nhìn lên con những ước ao
    Ước gì hái được ngôi sao sáng ngời


    Cha vương lao lý
    Vì đấu tranh chống Mỹ ngụy, giữ quê huơng
    Má đẹp tươi như một đóa hải đường
    Đang xuân sắc vẫn sáng ngời gương hiền phụ

    Làm ngơ tiếng bướm ong trăng gió
    Giữ vững lòng son sắt đá vàng


    Dẫu tương rau quyết gìn nghĩa tào khang
    Nuôi con dại vượt muôn ngàn cám dỗ
    Ngày cha về, nét môi cười rạng rỡ
    Thương vợ hiền gian khổ vẫn vui lòng

    Má ơi con đã hiểu thông
    Những ngày vất vả nuôi chồng nuôi con
    Miệt mài nước chảy đá mòn
    Tấm lòng của má sắt son tuyệt vời
    Chẳng cần trèo hái sao trời
    Má là sao sáng rạng ngời lòng con


    Ánh sao tô điểm nước non./.

    Nguyễn Thanh Lan


    Em cười nón lá chao nghiêng
    Nghiêng sông nghiêng bến nghiêng thuyền nghiêng anh.


    Nắng Xuân


  4. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Nắng Xuân vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình