+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: TẢN MẠN VỀ THƠ ĐƯỜNG VÀ PHONG TRÀO THƠ LUẬT ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

  1. #1
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    huyba đang ẩn
    Tham gia ngày : Jun 2015

    Bài gửi : 378
    Thanks
    171
    Thanked 2.109 Times in 366 Posts
    Blog Entries
    113

    TẢN MẠN VỀ THƠ ĐƯỜNG VÀ PHONG TRÀO THƠ LUẬT ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

    TẢN MẠN VỀ THƠ ĐƯỜNG VÀ PHONG TRÀO THƠ LUẬT ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
    NGUYỄN GIA NÙNG
    http://vanvn.net/news/0/6394-tan-man...-hien-nay.html

    [Trích]
    Một câu hỏi được đặt ra:
    - Vì sao những năm gần đây, phong trào sáng tác thơ Đường luật ở Việt Nam lại được phát triển mạnh mẽ chưa từng có, đến mức hình thành nhiều Câu lạc bộ thơ Đường thuộc Hiệp hội UNESCO thơ Đường Việt Nam, hoạt động khá sôi nổi từ Bắc chí Nam, từ trung ương đến nhiều địa phương trong cả nước, trong khi ngay ở Trung Quốc, quê hương của thơ Đường lại dường như im ắng, không được hưởng ứng và tôn vinh như vậy? Thật khó lý giải điều này nếu không xuất phát từ việc xem xét nguồn gốc thơ Đường Việt Nam với nét đặc sắc riêng cùng sức sống của nó trong dòng chảy thơ ca truyền thống Việt Nam. Nhật Bản đâu phải là quê hương xa xưa nhất của trà, nhưng chỉ ở Nhật mới hình thành "Trà đạo" mà ở những quốc gia có truyền thống sản xuất trà lâu đời nhất như Trung Quốc, Ấn Độ lại không có được. Người Nhật đã thổi hồn dân tộc mình vào trà, nâng việc uống trà lên thành một nghệ thuật thiêng liêng và tự hào về nó. Thơ Đường ở Việt Nam có lẽ cũng nằm trong trường hợp tương tự. Việc phục hồi, sáng tác và phát triển phong trào thơ Đường trong cả nước hiện nay, sau một thời gian dài dường như bị lãng quên, nằm trong ý thức và sự đòi hỏi chính đáng cần quan tâm gìn giữ phát huy những tinh hoa của văn hóa dân tộc do cha ông để lại, đặc biệt là khi đời sống vật chất đã ổn định, từng bước được nâng cao và trong tiến trình hội nhập quốc tế. Phục hồi thơ Đường với chúng ta hôm nay chính là phục hồi cái hồn Việt xưa trong thơ Đường, sức sống Việt Nam trong thơ Đường, ngọn lửa truyền thống văn hóa Việt Nam rất đáng tự hào trong thơ Đường, chớ đâu phải đơn giản là phục hồi thể loại thơ Đường với hình thức, niêm luật đã được đóng khung của nó. Lực lượng nòng cốt trong các Câu lạc bộ thơ Đường hiện nay chủ yếu là cán bộ, bộ đội, những nhà hoạt động văn hóa, trí thức đã nghỉ hưu, coi việc làm thơ nói chung, thơ Đường nói riêng như một nhu cầu thiết yếu để di dưỡng tinh thần, vừa để nói lên được tình cảm, nghĩ suy, cảm xúc của mình với cách mạng, với quê hương đất nước, với người thân và cho riêng mình, vừa góp phần gìn giữ phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc của cha ông để lại. Nếu người làm thơ Đường ngày trước chỉ là những nho sĩ, vua quan, những người được coi là tầng lớp trí thức, quan chức của xã hội, trong khi đại bộ phận dân chúng mù chữ, đặc biệt là chữ Nho thì nay tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Mấy năm trước trong một lần về xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, một địa phương đi đầu trong phong trào phát triển nuôi tôm hùm lồng của tỉnh và cả nước ở thời điểm ấy, tôi đã rất ngỡ ngàng, thích thú khi đi thuyền đêm trên biển đến với những lồng nuôi tôm hùm, nghe ông chủ tỷ phú tôm hùm tức cảnh sinh tình ngâm nga bài thơ Đường bất hủ "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế: "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".
    Hỏi ra mới biết ông tỷ phú tôm hùm Thiều Quang Khoa này vốn chỉ là một người dân bình thường ở làng chài từ lâu đã rất mê thơ Đường. Anh cũng đã viết được hàng trăm bài thơ trong đó có thơ Đường. Điều lý thú là trong ngày hội thơ Đường ở Nha Trang vừa qua, tôi gặp lại anh từ Vạn Ninh vào, cũng trong ngày này anh được trao quyết định của CLB thơ Đường kết nạp anh là hội viên. Vậy là thơ Đường ngày nay đã được đại chúng hóa, quần chúng hóa rất rộng rãi, cả về người làm thơ lẫn đề tài được đề cập đến trong thơ. Dường như bất kỳ ai có tìm hiểu, nắm được niêm luật đều có thể làm được thơ Đường. Chẳng cần quan tâm đến mình thuộc "Dòng thơ biên tái" hay "Dòng thơ điền viên", người viết tha hồ lựa chọn, dường như không hề có đề tài nào là "cấm địa" với thơ Đường hiện nay. Nhưng nếu có ai đó nghĩ rằng mình mới làm được dăm bảy bài thơ theo đúng luật bằng bằng, trắc trắc và những quy tắc đã được đóng khung khác của thơ Đường đã vội nghĩ rằng mình là nhà thơ và xã hội phải tôn vinh, vì đây là thơ Đường thì thật là sai lầm thảm hại. Thơ thật sự là thơ thì ở thể loại nào, thời nào và ở đâu cũng luôn là quý hiếm, còn những thứ giống thơ nhưng không phải thơ luôn đầy rẫy. Cái hộp bề ngoài dù dán nhãn mác gì nhưng bên trong là hàng nhái, hàng dỏm thì không bao giờ có được giá trị thực, được tôn trọng.
    Cần đổi mới thơ Đường Việt Nam hôm nay như thế nào là vấn đề lớn, mang tính sống còn mà các CLB thơ Đường hôm nay nên đặc biệt quan tâm nếu muốn phong trào sáng tác thơ Đường ngày càng được duy trì, phát triển, đi sâu vào cuộc sống đương đại. Muốn "trẻ hóa" được đội ngũ những người làm thơ Đường luật, trước hết cũng phải giải mã được vấn đề này. Nếu chỉ ở mức là thứ thơ chủ yếu do những người cao tuổi viết rồi thù tạc như một thú tiêu khiển trong cảnh điền viên, tuy cũng có ích đôi chút nhưng tương lai trước mắt sẽ bị tàn lụi, khi lớp người này không còn, là điều chắc chắn. Đổi mới thơ Việt nói chung hiện nay đã là chuyện vô cùng khó. Rất nhiều cuộc hội thảo, hàng năm bài nghiên cứu tranh luận, tốn nhiều thời gian, giấy mực mà đáp án dường như vẫn mù mịt đâu đó. Nhiều người làm thơ muốn đổi mới, bứt phá đã lâm vào bế tắc, đẻ ra những "quái thai thơ" vừa mới sinh đã chết yểu. Đổi mới thơ Đường Việt Nam hôm nay càng khó gấp bội. Có điều thời gian qua, chúng ta mới chỉ quan tâm chủ yếu đến phong trào theo chiều rộng mà ít chăm sóc chiều sâu, quan tâm đến số lượng hơn là chọn lấy chất lượng, quan tâm đến hướng dẫn cách làm thơ Đường theo những bài bản đã có sẵn mà ít quan tâm đến việc làm thế nào để có thể thổi nguồn sinh khí mới vào thể loại thơ truyền thống rất đáng được trân trọng này. Thơ, bất kỳ thể loại nào, muốn hay được, điều quan trọng đầu tiên và cuối cùng tất nhiên phải là tài năng, tu dưỡng, gắn liền với mục đích, tâm huyết của người làm thơ. Nếu mục đích người làm thơ hướng tới chỉ là danh lợi tầm thường, nhỏ nhen thì làm sao thơ có thể cất cánh tới trái tim người đọc? Tài năng, tâm huyết càng lớn thì cái riêng càng được bộc rõ. Thơ rất kỵ sự bắt chước, tự đánh mất mình để lẽo đẽo làm cái bóng của người khác. Người làm thơ phải luôn tự khẳng định mình một cách trung thực, hết mình. Là cây tùng, cây bách giữa rừng hay cây liễu ven hồ, thậm chí là cỏ dưới chân đi đều có thể mang lại vẻ đẹp, có ích cho đời. Bài học về đổi mới thơ Đường và khẳng định cái riêng "mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen", không cần tìm đâu xa. Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời, có thể rút từ đây bao nhiêu điều bổ ích, lý thú và rất hiện đại cho những người làm thơ Đường hôm nay.

  2. 11 Thành viên dưới đây cảm ơn huyba vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Từ khóa (Tag) của chủ đề này

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình