+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 55

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 1

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    07 - TÔI KỂ, NGÀY XƯA ... CHUYỆN MỴ CHÂU

    Xin được mượn một câu thơ của Tố Hữu làm tiêu đề cho giai thoại này - giai thoại gắn liền với tên tuổi của một nhân vật đặc biệt : Mỵ Châu!
    Mỵ Châu là con gái của An Dương Vương. Khi cô lớn lên cũng là khi Triệu Đà (vua của nước Nam Việt, một vương quốc nằm sát biên giới phía Bắc nước ta) đang ráo riết thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam. Quân của Triệu Đà đã bao phen tiến đánh đến tận Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh), uy hiếp mạnh mẽ đối với cả kinh thành Cổ Loa, nhưng, tất cả những cuộc tấn công ấy đều bị đẩy lùi.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1 từ tờ 9a đến tờ 10-b) chép rằng :
    “(Triệu) Đà biết Nhà vua có nỏ thần, không thể nào địch nổi, bèn cho quân lui giữ Vũ Ninh (tỉnh Bắc Ninh ngày nay - NKT) rồi sai sứ đến xin giảng hòa.
    Nhà vua mừng lắm, bèn chia đất từ Bình Giang, tức là vùng sông Thiên Đức, huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh - NKT) trở lên phía Bắc thì giao cho (Triệu) Đà cai quản, từ đó trở về Nam thì do Nhà vua cai quản. (Triệu) Đà sai con trai của mình là Trọng Thủy, vào hầu cận Nhà vua, rồi xin cưới con gái của Nhà vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy nhân đó dỗ dành Mỵ Châu, xin xem trộm nỏ thần (của Nhà vua). Hắn ngầm bẻ gẫy lẫy nỏ, làm cái lẫy giả thay vào, xong, lấy cớ về Bắc thăm nhà (để mật báo mọi sự).
    Trước khi đi (Trọng Thủy) nói với Mỵ Châu rằng :
    - Ơn nghĩa vợ chồng chẳng thể nào quên, sau này nếu chẳng may hai nước bất hòa, Nam Bắc cách biệt, mà ta lại tới đây thì làm sao có thể tìm thấy nàng?
    Mỵ Châu nói :
    - Thiếp có cái áo kết bằng lông ngỗng, đi đâu cũng thường mang theo mình. Vậy, thiếp sẽ rút lông ngỗng rắc xuống đường để làm dấu.
    Trọng Thủy về mật báo cho Triệu Đà hay".
    Ngay sau đó, Triệu Đà đem quân đánh An Dương Vương.
    Sách trên chép tiếp : “(Triệu) Đà đem quân đến đánh Nhà vua. Vua không biết là lẫy nỏ đã mất, cho nên, cứ vừa ngồi đánh cờ, vừa cười mà nói rằng :
    - (Triệu) Đà không sợ nỏ thần của ta hay sao ?
    Khi quân của Triệu Đà tiến sát đến nơi. Nhà vua mới giương nỏ bắn và bấy giờ mới hay là lẫy nỏ đã gẫy rồi. Nhà vua thua chạy, cho Mỵ Châu cùng ngồi chung ngựa mà đi mãi về phía Nam. Trọng Thủy cứ theo dấu lông ngỗng đuổi theo.
    Nhà vua chạy đến biển, hết đường mà thuyền chẳng có, liền cất tiếng gọi thần Kim Quy :
    - Hãy mau đến cứu ta !
    Thần Kim Quy nổi lên mặt nước, mắng rằng :
    - Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết ngay đi !
    Nhà vua rút gươm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu liền khấn vái rằng:
    - Ta trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin được hóa thành ngọc châu để rửa mối nhục này.
    Nhà vua chém Mỵ Châu, máu chảy loang khắp mặt nước, loài trai dưới biển nuốt vào bụng, máu ấy hóa thành hạt minh châu. Nhà vua cầm sừng tê văn dài bảy tấc mà đi xuống biển, đại để cũng như nói cầm sừng tê đi xuống nước.
    Tục truyền rằng, núi Dạ Sơn, xã Cao Xá ở Diễn Châu (nay thuộc tỉnh Nghệ An - NKT) chính là nơi Nhà vua giết My Châu rồi đi xuống biển. Trọng Thủy đuổi đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc hồi lâu rồi đem xác về chôn ở Loa Thành.
    Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại nơi Mỵ Châu trước kia thường hay trang điểm rồi nhảy xuống giếng mà chết. Người đời sau hễ được hạt minh châu ở ngoài biển Đông, nếu đem đến lấy nước giếng ấy mà rửa, thì sắc ngọc sẽ sáng hơn".

    Lời bàn :

    Trong mọi lỗi lầm, nhẹ dạ cả tin là lỗi lầm cần được tha thứ hơn cả. Bạn có quyền trách An Dương Vương, trách Mỵ Châu, rằng sao mà nỡ nhẹ dạ cả tin đến thế. Nhưng bạn hỡi, nếu một nhà mà cha chẳng tin con, vợ chẳng tin chồng, tất cả sẽ rẻ rúng làm sao! Sau lỗi lầm của An Dương Vương, tổ tiên ta phải trả giá bằng cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ và quyết liệt hơn một ngàn năm, nhưng trong mọi trái tim nhân hậu, An Dương Vương- người có công dựng nên quốc gia Âu Lạc, dựng nên kinh thành Cổ Loa - vẫn mãi mãi được tôn kính. Ngàn năm còn đó, những đền thờ An Dương Vương. Ban nghĩ gì về Mỵ Châu ? Phận làm con và làm dân, nàng không trọn đạo, và cái chết đã nói thay nàng. Nhưng, phận làm vợ giữ đức thủy chung thì tiết hạnh của nàng quả là sáng như hạt minh châu dưới biển. Bất giác nghĩ về nàng. có bao giờ bạn bỗng nhớ tới những vần thơ sau đây của Tố Hữu không :

    Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
    Trái tim lầm lỡ để trên đầu.
    Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
    Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

  2. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Bài này đã chuyển về topic “Thơ Lịch sử”, nhờ BĐH xóa giúp
    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 03-09-2016 lúc 08:37 AM

  4. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Bài này đã chuyển về topic “Thơ Lịch sử”, nhờ BĐH xóa giúp
    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 03-09-2016 lúc 08:39 AM

  6. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    08 -TRIỆU ĐÀ LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ?

    Nhân cơ hội sụp đổ của nhà Tần, Triệu Đà đã nhanh chóng tạo lập ra quốc gia Nam Việt, quyết hùng cứ một phương. Sau, nhân sự mơ hồ và mất cảnh giác của An Dương Vương, Triệu Đà đã đánh chiếm được Âu Lạc. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi năm (từ năm 206 tr.CN đến năm 179 tr.CN), Triệu Đà trở thành kẻ đứng đầu một quốc gia khá lớn, vui thênh thang với một cõi của mình. Nhưng, chừng đó chưa đủ để có thể nhận diện chính xác về Triệu Đà. Suốt một đời, nỗi bận tâm lớn nhất của Triệu Đà chính là sự hùng mạnh không ngừng của nhà Tây Hán hay còn gọi là nhà Tiền Hán ở đất trung nguyên Trung Quốc. Với nhà Tây Hán, Triệu Đà là người như thế nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, tờ 2a và 2b) chép rằng : “Bấy giờ, nhà Hán đã định được thiên hạ, nghe tin Nhà vua (chỉ Triệu Đà - NKT) cũng xưng vương ở nước Việt, bèn sai Lục Giả sang phong Vua làm Nam Việt Vương, trao cho Vua quả ấn và dây thao, lại trao cho cả cái phẫu phù bổ đôi làm tin, khuyên Vua nên thông sứ với nhau và bảo Vua hãy giữ yên đất Bách Việt, chớ có cướp phá.
    Lục Giả đến, Nhà vua cứ ngồi chồm hổm mà tiếp.
    (Lục) Giả nói :
    - Vương vốn là người Hán, họ hàng thân thuộc và mồ mả hiện đều ở nhà Hán, thế mà nay lại làm trái với tục của nước mình, muốn chiếm đất này để đối nghịch với nhà Hán, há chẳng phải là lầm lẫn hay sao? Vả chăng, nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ thi nhau đuổi, chỉ riêng Hán Đế khoan nhân, cho nên, ai cũng vui theo, khởi binh từ đất Bái, đất Phong mà vào Quan Trung để gấp chiếm Hàm Dương, dẹp trừ quân hung bạo. Chỉ trong khoảng năm năm mà loạn lạc đều yên, bốn biển được yên lặng, sức người nhất quyết không thể làm nổi, ấy là nhờ trời đó thôi. Nay Hán Đế nghe tin Vương làm vua ở đất này, lòng đã từng muốn quyết đánh một phen cho rõ được thua, nhưng vì dân vừa trải cơn lao khổ nên đành phải tạm thôi. Giờ đây, Hán Đế sai sứ sang trao ấn và dây thao cho Vương, lẽ ra, Vương phải ra tận ngoài thành nghênh đón, bái yết để tỏ lòng tôn kính (Hán Đế), thế mà Vương đã không làm, vậy, chỉ còn cách sửa lễ để tiếp sứ giả, cớ gì cậy dân Bách Việt đông để coi thường sứ giả của Thiên tử ? Nếu Thiên tử mà biết được, khởi binh sang đánh thì Vương sẽ tính sao?
    Vua làm ra vẻ sợ hãi, đứng dậy nói :
    - Tôi ở đất này lâu ngày, thành ra quên hết cả lễ nghĩa.
    Nhân đó, Vua hỏi Lục Giả rằng :
    - Tôi với Tiêu Hà và Tào Tham, ai hơn ?
    Lục Giả đáp :
    - Vương hơn chứ.
    Vua hỏi tiếp :
    - Thế tôi với Hán Đế, ai hơn ?
    Lục Giả nói :
    - Hán Đế nối nghiệp của Tam Hoàng và Ngũ Đế, thống trị dân Hán có đến cả ức vạn người, đất rộng hàng muôn dặm, của nhiều, người đông, thế mà quyền bính chỉ nằm trong tay một nhà, từ khi trời đất mở mang đến nay chưa từng có. Nay, dân của Vương chẳng qua mươi vạn ở xen giữa núi và biển, bất quá cũng chỉ như một quận của nhà Hán. Vương ví với Hán thế nào được?
    Nhà vua cười và nói rằng :
    - Tôi lấy làm giận là đã không được dấy lên ở phía ấy, biết đâu tôi lại chẳng như nhà Hán bây giờ?
    Lục Giả ngồi im lặng, mặt có vẻ rất buồn. Nhà vua bèn giữ Lục Giả lại đến vài tháng.
    Vua nói :
    - Ở đất Việt này, không ai ngang tài để tôi có thể nói chuyện được. Nay ông đến đây, hàng ngày tôi được nghe những điều chưa từng nghe. Nhà vua cho Lục Giả các thứ châu báu đáng giá ngàn vàng để làm của riêng, đến khi Lục Giả về, lại còn cho thêm nghìn vàng nữa".

    Lời bàn :

    Mới dựng được bờ cõi riêng, lúc đầu, hẳn nhiên là Triệu Đà nghênh ngang tự đắc, tự cho mình quyền... ngồi chồm hổm mà tiếp sứ, tự ví mình với Tiêu Hà, Tào Tham và cả Hán Đế nữa. Nhưng, cũng vì mới tạo dựng được bờ cõi riêng. Triệu Đà luôn phải canh cánh nỗi lo gìn giữ cơ nghiệp của mình. Lời của Triệu Đà và cử chỉ của Triệu Đà đã tỏ rõ như vậy.
    Tiếc thay, Lục Giả hình như chỉ thuộc được mấy câu nằm lòng, không đủ tài để ứng phó trước sự thay đổi thái độ của Triệu Đà. Mới hay, chọn sứ giả không dễ một chút nào. Việc Lục Giả ngồi im lặng, mặt có vẻ rất buồn đã khiến cho Triệu Đà khôn ngoan nhún nhường, cố giữ và cố tìm cách khai thác mọi nguồn tin từ Lục Giả. Và Triệu Đà quả đã nghe được những điều chưa từng nghe. Cho nên, Triệu Đà hậu hĩ với Lục Giả mà có lỗ lã gì đâu.
    Ôi, khiếp thay, Triệu Đà !

  7. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    09 - NHÀ HÁN VÀ NGÓN ĐÒN CUỐI ĐỐI VỚI TRIỆU ĐÀ

    Năm 206 tr.CN, ở vùng trung nguyên của Trung Quốc, Lưu Bang lập ra nhà Tiền Hán và xưng đế, đó là Hán Cao Tố. Hán Cao Tổ ở ngôi được 12 năm thì qua đời, con là Thái tử Lưu Dinh được lên nối ngôi, đó là Hán Huệ Đế. Hán Huệ Đế là vua nhu nhược, bởi vậy, mọi quyền bính của triều đình đều nằm trong tay bà Lữ Hậu. Bảy năm sau, Hán Huệ Đế mất, bà Lữ Hậu đưa Thiếu Đế lên ngôi. Nhưng, Hán Thiếu Đế cũng chỉ ngồi trên ngai vàng được bốn năm thì bị bà Lữ Hậu phế truất để đưa Lưu Hoằng lên ngôi. Tóm lại, nội bộ triều đình nhà Hán liên tục khủng hoảng và xung đột.
    Năm 180 tr.CN, Lữ Hậu mất, cuộc khủng hoảng và xung đột trong nội bộ triều đình nhà Hán mới tạm dứt. Bấy giờ, Lưu Hoằng được đưa lên ngôi Hoàng đế, đó là Hán Văn Đế. Hán Văn Đế vừa lên ngôi đã lo sửa sang chính sự, trong thì lo cố kết nhân tâm, ngoài thì lo trấn áp lân bang. Một trong những mối bận tâm của Hán Văn Đế chính là Triệu Đà.
    Tuy nhiên, vì lúc này Triệu Đà đã già, khí lực và ý chí chẳng còn mạnh mẽ như xưa nữa, bởi vậy, Hán Văn Đế quyết định dùng ngón đòn tinh thần hiểm hóc của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 4a đến tờ 6a) chép như sau : "Hoàng đế của nhà Hán nhân thấy mồ mả tổ tiên của Nhà vua (chỉ Triệu Đà - NKT) đều ở Chân Định, bèn đặt ra chức Thủ ấp và sai trông coi, hàng năm lo cúng tế, lại cho gọi các anh em của Nhà vua ra cho làm quan to, ban cho các thứ rất hậu. Xong, Hoàng đế nhà Hán hỏi Tể tướng Trần Bình rằng có thể cử ai đi sứ sang Nam Việt được.
    Trần Bình nói :
    - Thời Tiên Đế (chỉ thời Hán Cao Tổ - NKT), Lục Giả từng đi sứ sang Nam Việt.
    Hoàng đế nhà Hán gọi (Lục) Giả đến, cho làm Thái trung Đại phu, lại chọn một người nữa cho làm Phó sứ, gọi là Yết Giả, đem thư sang cho Vua.

    Thư ấy nói rằng : Kính thăm người lao tâm khổ tứ là Nam Việt Vương. Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế (tức Hán Cao Tổ - NKT), từng bị đuổi ra ngoài làm phiên vương ở đất Đại vì đường sá xa xôi, lại cũng vì kiến thức hẹp hòi, quê kệch, cho nên chưa từng viết thư. Khi Cao Đế phải lìa bỏ bầy tôi, rồi Huệ Đế cũng qua đời, Cao Hậu (tức Lữ Hậu - NKT) tự mình trông coi việc nước nhưng cũng không may mà mang bệnh nên người họ Lữ đã làm việc chuyên quyền sai trái. Bởi một mình không thể chống đỡ, Lữ Hậu đã lấy người khác họ lên nối nghiệp Huệ Đế. May nhờ anh linh tông miếu tổ tiên và sức lực của quần thần, tất cả bọn ấy đều đã bị giết hết. Trẫm vì các bậc vương hầu và quan lại không cho chối từ nên không thể không nhận (lên ngôi Hoàng đế). Nay, mọi việc đã xong xuôi. Mới rồi, nghe tin Vương có gửi thư cho tướng Lâm Lư Hầu, tỏ ý muốn tìm anh em thân thích và xin bãi chức hai tướng ở Trường Sa. Theo đó, trẫm đã bãi chức của tướng Dương Bác Hầu, còn như người thân của Vương ở Chân Định thì trẫm đã sai người đến thăm hỏi, đồng thời, sai sửa sang phần mộ của tổ tiên Vương. Trước đây, trẫm nghe tin Vương đem quân đi đánh ở biên giới, cướp phá mãi. Việc ấy khiến cho dân Trường Sa mà đặc biệt là dân Nam Quận rất cực khổ, như thế, liệu dân nước của Vương có thể yên hưởng lợi riêng được chăng ? Vương làm như thế, tất nhiên sẽ khiến cho nhiều quân lính bị chết, nhiều tướng giỏi bị hại, bao kẻ vợ góa con côi, bao nhà mất con, lợi một mà hại mười, trẫm thấy thật không nỡ. Nay, trẫm muốn chia đất phong cấp xen kẽ để các chư hầu chế ngự lẫn nhau, bèn đem việc ra hỏi thì các quan đều nói : Cao Đế sở dĩ lấy Trường Sa làm địa giới, vì sau Trường Sa là đất của Vương, không nên tự ý thay đổi. Nếu trẫm có lấy thêm được đất của Vương thì nước cũng không vì thế mà lớn, lấy được của cải của Vương thì nước cũng chẳng nhờ đó mà giàu, cho nên, cõi đất từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, Vương cứ việc cai trị. Nhưng, Vương xưng Đế thì nếu có hai Đế mà không thông hiếu, tất sẽ tranh nhau. Tranh mà không biết nhường thì bậc nhân đức quyết không làm. Trẫm nguyện cùng Vương xóa bỏ hiềm thù để cùng nhau thông hiếu, bởi vậy, sai Lục Giả đưa tờ dụ sang để nói rõ ý riêng của trẫm. Vương nên nghe theo, chớ làm việc cướp phá nữa. Nhân đây, trẫm gởi biếu Vương 50 chiếc áo bông thượng hạng, 30 chiếc áo bông trung hạng, 20 chiếc áo bông hạ hạng. Mong Vương hãy nghe nhạc giải buồn mà thăm hỏi nước láng giềng.

    Khi Lục Giả đến, Nhà vua tạ lỗi, nói rằng :
    - Xin kính vâng theo chiếu chỉ, làm phiên vương, giữ mãi lệ đi nạp cống phẩm.
    Sau đó, Vua hạ chiếu nói rằng : Trẫm nghe, hai người hùng không đứng cạnh nhau, hai người hiền không sống cùng đời. Hoàng đế nhà Hán là đấng Thiên tử hiền tài, cho nên, từ nay ta tự hủy bỏ hết các thứ xe mui vàng và cờ tả đạo vốn là những nghi lễ chỉ dành riêng cho Hoàng đế mà thôi.
    Rồi nhân đó, Nhà vua gửi thư (cho Hoàng đế nhà Hán) nói rằng : Man di Đại trưởng lão phu, bề tôi là (Triệu) Đà, tội đáng phải chết, lạy hai lạy, mạo muội dâng thư lên Hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là quan lại cũ ở đất Việt. Cao Đế từng ban cho Lão phu quả ấn và dây thao, lại phong cho làm Nam Việt Vương. Huệ Đế lên ngôi, vì nghĩa mà không nỡ tuyệt giao nên cũng ban cho Lão phu các thứ rất hậu. Cao Hậu coi việc nước, có ý phân biệt Hoa - Di, ra lệnh không bán cho Nam Việt những công cụ làm ruộng bằng sắt và bằng đồng, các loài ngựa, trâu và dê cũng chỉ bán cho con đực, không bán con cái. Lão phu ở nơi hẻo lánh, các loài ngựa, trâu và dê đều đã già. Thiết nghĩ, nếu không sắm sửa lễ vật cúng tế thì tội thật đáng chết, cho nên, (Lão phu) đã sai quan Nội sử là Phan, quan Trung úy là Cao, quan Ngự sử là Bình, cả ba cùng dâng thư tạ lỗi, nhưng không được hồi đáp. Đã thế lại nghe đồn rằng, phần mộ cha mẹ của Lão phu thì bị đập phá, thân nhân của Lão phu thì đều bị giết, cho nên, bọn lại thuộc của thần mới bàn nhau rằng : bên trong chẳng có gì để xử với nhà Hán, bên ngoài chẳng có gì để cao ngạo với nhà Ngô, bèn đổi hiệu xưng đế, đó chẳng qua cũng chỉ là để làm Hoàng đế của chính nước mình, không hề có ý làm hại thiên hạ. Lúc ấy, Cao Hậu nghe tin thì cả giận, tước bỏ hết sổ sách của Nam Việt, khiến cho không được thông sứ với nhau. Lão phu trộm ngờ rằng, vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên mới đem quân đến biên giới để đánh. Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, nay đã đến tuổi được ẵm cháu, nhưng vẫn phải thức khuya dậy sớm, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không màng trống chiêng, tất cả chỉ vì không được làm tôi nhà Hán đó thôi. Nay bệ hạ có lòng thương đến, cho Lão phu được dùng hiệu cũ, hai bên thông sứ như xưa, thì Lão phu dẫu chết, xương cũng không nát được. Vậy, (Lão phu) xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa, đồng thời, kính cẩn sai sứ giả dâng lên Hoàng đế : một đôi ngọc bích màu trắng, một ngàn bộ lông chim trả, mười sừng tê, năm trăm vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, bốn chục đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Lão phu mạo muội liều chết, lạy hai lạy, xin dâng lên Hoàng đế bệ hạ".

    Lời bàn
    :

    Con ngựa già đến đây đã chồn chân. Một dũng tướng Triệu Đà dày dạn kinh nghiệm trận mạc và mưu lược hơn người, đến đây không còn nữa. Một Hoàng đế Triệu Đà đầy tham vọng hùng cứ một phương, đến đây cũng không còn nữa. Hán Văn Đế thừa thông minh để hiểu rằng, lúc ấy, mọi biện pháp khác dẫu thành công thì hiệu quả cũng chẳng cao bằng mấy lời nửa răn đe, nửa dịu ngọt như đã kể ở trên. Cũng là Triệu Đà, cũng là Lục Giả, hai con người cũ trong cuộc tương kiến này lại khác hẳn. Lục Giả lão luyện hơn hẳn trước hay sao ? Thật khó có thể nói như vây, nhưng, chuyện vua Nam Việt là Triệu Đà đã tỏ ra quá mệt mỏi thì khỏi bàn cũng rõ. Một khi Triệu Đà không còn đáng sợ nữa, thì việc nhà Hán thôn tính Nam Việt nào có khó gì ? Vấn đề còn lại chỉ là thời gian nữa mà thôi. Kẻ quỷ quyệt không bao giờ chỉ quỷ quyệt có một lần. Và sau những lần quỷ quyệt ấy là muôn lần khốn khổ của dân.

  8. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    10 - CÙ THỊ LÀ CÙ THỊ ƠI !

    Cù Thị (nghĩa là người con gái họ Cù) vốn quê ở Hàm Đan (Trung Quốc). Khi chưa lấy chồng, Cù Thị đã từng thông dâm với một viên quan nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý.
    Thời Triệu Văn Vương (vua thứ hai của Nam Việt, húy là Hồ, cháu của Triệu Đà), để tiếp nối việc gìn giữ hòa khí với nhà Hán, Triệu Văn Vương đã cho con là thái tử Anh Tề sang làm con tin, nhân đó, Triệu Anh Tề đã kết hôn với Cù Thị.
    Triệu Văn Vương mất, Anh Tề được về nối ngôi, đó là Triệu Minh Vương. Cù Thị hiển nhiên trở thành Hoàng hậu của Nam Việt. Triệu Minh Vương ở ngôi được 12 năm thì mất, con là Triệu Hưng được đưa lên ngôi, đó là Triệu Ai Vương. Cù Thị là Thái hậu của vua Nam Việt.
    Nhận thấy cơ hội thôn tính Nam Việt xuất hiện ngày một rõ ràng, nhà Hán lập tức cử sứ giả sang. Và, sứ giả lần này lại chính là An Quốc Thiếu Quý, tình nhân cũ của Cù thái hậu, người mà xuân sắc xem ra vẫn còn khá mặn mòi. Phái bộ sứ giả do An Quốc Thiếu Quý cầm đầu khá đông, ngoài ra lại còn có cả một đạo quân lớn do quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đóng ở Quế Dương để yểm trợ từ xa.
    Hành vi của An Quốc Thiếu Quý và Cù Thị đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 2, từ tờ 13-a đến tờ 15-b) chép lại như sau:
    “Xưa kia, khi chưa lấy Minh Vương, thái hậu (chỉ Cù Thị) đã từng thông dâm với một người quê ở Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. An Quốc là họ, Thiếu Quý là tên. Đến đây nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Thái hậu vào chầu, tương tự như các chư hầu trong nội hạt của nhà Hán. Nhà Hán lại sai bọn biện sĩ, Gián nghị đại phu là Chung Quân đi tuyên dụ, bọn dũng sĩ là Ngụy Thần theo giúp việc. Ngoài ra, còn cho quan Vệ úy là Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.
    Bấy giờ, vua còn nhỏ tuổi mà Cù Thái hậu là người Hán, cho nên, An Quốc Thiếu Quý lại thông dâm. Người trong nước biết được, phần lớn không ai chịu theo Thái hậu. Thái hậu sợ có biến loạn, bèn dựa uy của nhà Hán, nhiều lần xin vua và các quan xin nội thuộc vào nhà Hán. Thế rồi, Thái hậu nhờ sứ giả dâng thư, xin được theo lệ như các chư hầu nội hạt, cứ ba năm một lần vào chầu, triệt bỏ canh phòng ở các cửa ải (với nhà Hán). Nhà Hán bằng lòng, ban cho Vua và Thừa tướng Lữ Gia cái ấn bằng bạc và các ấn khác dùng trong triều, lại cho được quyền tự đặt các chức quan như Trung úy, Thái phó. Các hình phạt như cắt mũi, thích chữ vào mặt... đều bãi bỏ. Nước dùng luật nhà Hán như các chư hầu nội hạt. Nhà Hán cũng sai các sứ giả ở lại để lo việc vỗ về”.
    … “Vua và Thái hậu đã sửa sang lễ vật quý giá cùng các thứ hành trang để vào chầu.
    Bấy giờ, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, giữ chức này trải đã ba triều, họ hàng thân thuộc làm trưởng lại có đến hơn bảy chục người, con trai thì lấy con gái của vua, con gái thì gả cho con em của vua và người tôn thất, đã thế lại còn thông gia với Tần Vương ở Thương Ngô, được lòng dân trong nước còn hơn cả Vua.
    (Lữ) Gia nhiều lần dâng thư can vua nhưng vua không nghe, vì đó, có ý chống lại, thường cáo bệnh không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến (Lữ) Gia nhưng thế chưa thể giết được. Nhà vua và Thái Hậu cũng có ý lo sợ phe Lữ Gia khởi sự trước nên muôn nhờ sứ giả nhà Hán lập mưu giết Lữ Gia. Nhà vua bèn mở tiệc rượu mời sứ giả cùng các đại thần đến dự. Lúc ấy, em của Lữ Gia làm tướng, đem quân đến đóng ở phía ngoài cung.
    Khi tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu nói với Lữ Gia rằng:
    - Nam Việt xin nội thuộc là việc có ích cho nước nhà, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện.
    Lời ấy cốt để chọc tức cả (Lữ Gia lẫn sứ giả). Sứ giả còn đang hồ nghi, do dự chưa dám làm gì thì Lữ Gia nhân thấy sắc mặt mọi người có vẻ hơi khác thường, liền đứng dậy bỏ ra ngoài. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm (Lữ) Gia nhưng nhà vua ngăn lại. (Lữ) Gia ra chia lấy quân lính của em, về nhà cáo bệnh, không chịu gặp vua và sứ giả nữa.
    Từ đó, (Lữ Gia) cùng các đại thần ngầm tính chuyện làm loạn. Nhà vua vốn không có ý giết (Lữ) Gia và (Lữ) Gia cũng biết thế, cho nên, đến cả mấy tháng mà hai bên vẫn không động tĩnh gì. Thái hậu muốn tự mình giết (Lữ) Gia nhưng sức lại không đương nổi.
    Hoàng đế nhà Hán được tin (Lữ) Gia không tuân mệnh còn nhà vua và Thái hậu thì bị cô lập, yếu ớt đến độ không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát, không quyết đoán được việc gì, nhưng dẫu sao thì ý xin nội phụ của vua và thái hậu đã rõ, phe (Lữ) Gia chưa đáng phải dùng binh mã đến để hỏi tội, bèn định dùng Trang Sâm đem hai ngàn quân sang sứ tiếp.
    Trang Sâm nói rằng:
    - Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ, còn như lấy vũ lược mà sang thì hai ngàn người cũng chẳng làm được gì.
    Nói rồi, (Trang) Sâm từ chối không chịu nhận mệnh. Hoàng đế nhà Hán bèn bãi chức của (Trang) Sâm. Có viên tướng coi giữ vùng phía Bắc trước đây là Hàn Thiên Thu hăng hái nói:
    - Một nước Việt cỏn con, trong thì đã có Vương và Thái hậu làm nội ứng, nay nếu cần trừng trị thừa tướng Lữ Gia thì tôi đây chỉ xin cấp cho ba trăm dũng sĩ, thế nào cũng sẽ chém được đầu (Lữ) Gia đem về.
    Nhà Hán bèn sai (Hàn) Thiên Thu cùng với em của Cù thái hậu là Cù Lạc, đem hai ngàn quân tiến vào đất Việt.
    Lữ Gia bèn hạ lệnh cho cả nước rằng:
    - Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán nay lại cùng với sứ giả nhà Hán làm chuyện dâm loạn, quyết đưa nước nhà nội phụ vào nhà Hán, đem hết mọi thứ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, bắt nhiều người đến Trường An (kinh đô của nhà Hán) để bán cho người ta làm đầy tớ, tóm lại, chỉ nghĩ đến mối lợi riêng, không chút xót thương gì đến xã tắc của họ Triệu, chẳng hề lo đến kế lâu dài.
    Xong, (Lữ Gia) cùng với em đem quân đến đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người báo cho Tần Vương ở Thương Ngô cùng hết thảy các quận, các ấp. (Lữ) Gia lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Kiến Đức lên làm vua”.

    Lời bàn :

    Tư thông với An Quốc Thiếu Quý khi chưa lập gia thất, lỗi ấy của Cù Thị quả thật khó tha, nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là chuyện tư đức, hậu thế đọc sử nhiều lắm cũng đến lắc đầu là cùng. Người ba đấng, của ba loài, trách chi mà làm gì.
    Tư thông với An Quốc Thiếu Quý lần thứ hai, việc làm của Cù Thị không đơn giản chỉ làm đồi bại tư đức của mình nữa. Nghĩa lớn đối với nước, tình sâu đối với quần thần, trách nhiệm đối với nhân dân... tất cả đều bị coi thường đến độ rẻ rúng.
    Lữ Gia há không biết giết vua và thái hậu là điều vạn bất đắc dĩ, nhưng chẳng qua là thế chẳng đặng đừng đó thôi. Không có Cù Thị thì nhà Hán cũng tìm cách khác để thực hiện cho bằng được ý đồ của mình đối với Nam Việt, nhưng có Cù Thị, ý đồ đó được phủ đầy những hành vi chẳng tốt đẹp một chút nào.
    Cù Thị là Cù Thị ơi, ở nơi chín suối, bà có biết rằng hậu sinh oán giận những người làm hoen ố sử sách như bà. Đành rằng bà là người Hán, cũng đành rằng những chuyện bà làm xét ra đều ở phía Bắc biên giới hiện nay, nhưng chừng đó cũng đủ hậu sinh quay mặt với bà.
    Thương thay, nắm đất cố hương của bà!

  9. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    11 - LUỢC TRUYỆN TRƯNG NỮ VƯƠNG

    Tất cả sử sách của nước nhà, bất kể là cũ hay mới, bất luận là viết ở đâu, hễ có giới thiệu về thời Bắc thuộc là thế nào cũng dành những lời trang trọng để nói về Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng đã quả cảm phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước ta, vùng lên đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán và lập nên nền độc lập, tự chủ trong vòng gần ba năm.
    Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của cả dân tộc. Nay, xin theo những đoạn ghi chép tản mạn của sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 1-b đến tờ 4a) mà dựng lại lược truyện về Hai Bà Trưng như sau:
    “Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng chính sự tham lam tàn bạo. Trưng Nữ Vương dấy binh để đánh” (tờ 1-b).
    “Mùa xuân, tháng hai (năm Canh Tí 40), vua khổ vì thái thú Tô Định dùng pháp luật hà khắc để trói buộc, lại thêm thù Tô Định đã giết chết chồng của mình là Thi Sách, bèn cùng với em là Trưng Nhị nổi binh, đánh vào trị sở của châu. Tô Định chạy về nước. Các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng, (Trưng Nữ Vương) lấy được sáu mươi lăm thành ở Lĩnh Nam rồi tự lập làm vua” (tờ 2a và tờ 2b).
    “Nhà Hán thấy họ Trưng xưng vương lại dấy quân đánh vào các vùng biên thùy, bèn hạ lệnh cho các nơi như Trường Sa, Hợp Phố và cả Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu cống, khai thông khe núi và tích chứa lương thực, đồng thời, phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, phong cho Phù Lạc Hầu là Lưu Long làm phó tướng, đem quân sang xâm lược” (tờ 2b).
    “Mùa xuân, tháng giêng (năm Nhâm Dần 42), Mã Viện đi men theo ven biển mà tiến vào nước ta, san núi làm đường đến hơn một ngàn dặm, đánh nhau với vua (chỉ Trưng Nữ Vương) ở Lãng Bạc (phía Tây của La Thành gọi là Lãng Bạc). Vua thấy thế giặc mạnh, tự thấy quân mình ô hợp, khó có thể chống nổi, bèn lui về giữ Cấm Khê (cũng có sách chép là Kim Khê). Quân sĩ cho vua là đàn bà, chẳng thể cầm cự được, bèn bỏ chạy. Quốc thống từ đó lại đứt” (tờ 2b).

    Lời bàn:


    Về Hai Bà Trưng, xin được mượn hai lời bàn của hai sử gia tiền bối lỗi lạc là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên thay cho lời bàn của tác giả. Cả hai lời bàn này đều có trong sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỷ, quyển 3).

    - Lời của Lê Văn Hưu như sau: “Trưng Trắc và Trưng Nhị là đàn bà, vậy mà hô một tiếng, các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, xem thế cũng đủ biết hình thế nước Việt ta có thể dựng nghiệp bá vương được. Tiếc thay, trong khoảng hơn ngàn năm, từ sau họ Triệu (chỉ Triệu Thị Trinh) đến trước họ Ngô (chỉ Ngô Quyền), bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu khoanh tay làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng là xấu hổ với hai chị em đàn bà người họ Trưng hay sao? Ôi, như thế cũng có thể nói là tự vất bỏ mình rồi vậy” (tờ 3a).

    - Lời của Ngô Sĩ Liên như sau: “Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, liền vung tay hô một tiếng mà khiến cho quốc thống của nước nhà có cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng đâu phải chỉ khi sống thì dựng nước xưng vương, mà còn cả ở khi chết còn có thể ngăn chặn tai họa. Phàm gặp những tai ương hạn lụt, cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả đến Trưng Nhị cũng vậy. Ấy là vì đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, cho nên, khí hùng dũng ở trong khoảng trời đất chẳng vì thân đã chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy khí phách cương trực và chính đại đó hay sao?” (tờ 4a). Bạn nghĩ gì về hai lời bàn này?

  10. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    12 – LỜI TÂU CỦA LÝ TIẾN, LÝ CẦM VÀ TRƯƠNG TRỌNG

    Năm Canh Thìn (200), một sự kiện khác đặc biệt đã xảy ra ở ngay giữa triều đình nhà Hán. Sự kiện này gắn liền với tên tuổi của hai người. Một là Lý Tiến và hai là Lý Cầm.
    Lý Tiến là quan văn, được cử giữ chức Thứ sử là chức trông coi toàn bộ các địa phương của nước ta lúc bấy giờ. Lý Cầm là quan võ bậc thấp, lúc ấy đang làm Túc vệ là chức bảo vệ thường trực ở triều đình nhà Hán.
    Hai người hoàn toàn khác nhau nhưng lại cùng họ Lý, và quan trọng hơn, cùng gắn với một sự kiện được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 3, từ tờ 8b đến tờ 9b) chép lại như sau:
    “Thứ sử là Lý Tiến, dâng lời tâu lên hoàng đế nhà Hán, đại lược nói rằng: Quan lại trong khắp thiên hạ, ai chẳng là bề tôi của nhà vua. Vậy mà ngày nay, kẻ làm quan ở triều đình đều là sĩ phu trung châu, triều đình chưa từng khuyến khích người nào ở xa cả. Lời tâu của Lý Tiến viết rất cảm động, đã thế lại còn viện dẫn rất nhiều bằng chứng xác đáng. Hoàng đế nhà Hán bèn xuống chiếu, cho phép mọi người trong châu ta, hễ ai đỗ Hiếu liêm (tức đỗ Hương cống, Cống sĩ hay Cử nhân) hoặc đỗ Mậu tài (tức đỗ Sinh đồ hay Tú tài) thì được bổ làm trưởng lại trong châu (tức là làm quan ở một địa phương nào đó thuộc phạm vi của nước ta cũ) chứ không được bổ nhiệm ở vùng trung châu.
    Lý Tiến lại dâng sớ nói rằng:
    - Người đỗ Hiếu liêm xin đề nghị được đối xử tương tự như Bác sĩ (tức tiến sĩ) của mười hai châu khác, tùy tài mà dùng. Các quan ở Hữu ti sợ rằng người phương xa không thật thà, hay bắt bẻ, chê bai triều đình nên không chấp thuận.
    Bấy giờ, có Lý Cầm là người Việt ta, làm túc vệ ở đấy, biết chuyện, bèn rủ bọn đồng hương là Bốc Long, cả thảy năm sáu người, nhân ngày đầu năm có lễ triều hội tiến đến quỳ lạy ở giữa sân điện mà tâu rằng:
    - Ơn huệ của hoàng đế ban ra không đều.
    Các quan ở Hữu ti hỏi:
    - Tại sao dám nói vậy?
    Đáp:
    - Đất Việt ở xa, chẳng được trời che đất chở, mưa ngọt không thấm đến, gió mát không thổi vào.
    Lời của họ có vẻ khẩn thiết, đau đớn lắm. Hoàng đế nhà Hán xuống chiếu an ủi, cho lấy một người đỗ Mậu tài của nước ta làm huyện lệnh ở Hạ Dương, một người đỗ Hiếu liêm của nước ta làm huyện lệnh ở Lục Hợp. Sau, Lý Cầm cũng được làm quan tới chức Tư lệ hiệu úy. Sau nữa, có Trương Trọng được làm chức thái thú ở Kim Thành.
    Thế là nhân tài nước Việt ta được tuyển dụng tương tự như người Hán, bắt đầu từ Lý Tiến, Lý Cầm vậy. Trương Trọng người quận Nhật Nam, có lần đến Lạc Dương đúng hội Tết Nguyên Đán là hội lớn của dân ở đây, gặp hoàng đế nhà Tấn là Tấn Minh Đế.
    Tấn Minh Đế hỏi:
    - Nhật Nam là quận hướng về phương Bắc để trông mặt trời có phải không?
    Trương Trọng đáp rằng :
    - Nay trong số các quận, có quận Vân Trung nhưng đâu có phải là ở trong mây, có quận Kim Thành mà nào có phải là thành vàng. Tên gọi ấy có phải là đúng với sự thật ấy đâu. Còn như có phong khí ấm áp, có mặt trời soi bóng trên đầu thì tất có sinh dân, Nhật Nam xưa nay vẫn vậy.

    Lời bàn :


    Một sự việc, hai lời tâu, tương đồng là đó mà dị biệt cũng là đó. Lý Tiến là quan văn, chức hàm khá cao, bởi thế, ông tâu theo kiểu tâu của quan văn, cũng chứa chan tâm huyết, cũng thẳng thắn rạch ròi, nhưng quả là rất chừng mực, cả trong nội dung lẫn cung cách trình bày. Lý Cầm là con nhà võ, lại là võ bậc thấp, nghĩ sao nói vậy, không câu nệ chữ nghĩa, cũng bất chấp lễ nghi, cốt sao nói được tiếng nói của mình. Nhà Hán hẳn nhiên chẳng vì lời tâu của Lý Tiến và Lý Cầm mà thay đổi cách tuyển dụng người, nhưng dẫu sao thì cũng đã phải buộc lòng ghi nhận. Nếu thiếu dũng khí, chẳng thể nói được những lời như Lý Tiến và Lý Cầm đã nói đâu.
    Sử cũ chép chuyện Trương Trọng ngay sau chuyện Lý Tiến và Lý Cầm, dẫu biết rõ Trương Trọng sống sau hai nhân vật họ Lý này đến hơn 100 năm, ấy là muốn chép cho liền mạch dũng khí mà trước đó Lý Tiến và Lý Cầm đã tạo ra đó thôi.
    Phàm là người ở giữa cõi cao xanh, thiếu gì thì thiếu chớ thiếu dũng khí thì kể như thiếu hẳn một cái gì lớn lao vô cùng. Câu hỏi của Tấn Minh Đế chứa chất sự cao ngạo một cách vô lối. Nhưng, đáng đời thay, trả lời cho câu hỏi của Tấn Minh Đế lại là một người Việt vừa rất giàu dũng khí lại cũng vừa rất thông minh.
    Hóa ra, không biết mà chân thành đi hỏi người biết thì ta bao giờ cũng an lòng về ta. Ngược lại, không phải không biết mà vẫn cứ cố đặt câu hỏi để hỏi người biết, thì tai họa của câu trả lời chưa dễ lường trước được đâu.


  11. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    13 - CHUYỆN MAN NƯƠNG

    Sách Lĩnh Nam chích quái có chép chuyện Man Nương, nay xin theo đó mà giới thiệu lại và nhường lời bàn cho bạn đọc gần xa: “Dưới thời trị vì của vua Hán Hiến Đế (hoàng đế của nhà Đông Hán, Trung Quốc, ở ngôi từ năm 190 đến năm 220) có quan thái thú là Sĩ Nhiếp (người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô, Trung Quốc) xây thành ở phía Nam sông Bình Giang (sông này, xưa cũng gọi là sông Thiên Đức, nay là sông Đuống). Phía Nam của thành này có ngôi chùa thờ Phật, gọi là chùa Phúc Nghiêm. Một vị sư tên là Già La Đồ Lê đến trụ trì tại chùa này. Nhà sư có phép lạ, có thể đứng một chân, cho nên, già trẻ gái trai trong vùng đều kính thờ, gọi là Tôn sư và cùng đến để xin nghe giảng về đạo Phật. Bấy giờ ở vùng này, có người con gái tên là Man Nương, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà rất nghèo khổ nhưng cũng quyết đến xin học đạo. Song, cô nói năng vụng về, không thể cùng mọi người tụng kinh được. Cô thường hái củi, giã gạo, lo nấu nướng thức ăn cho sư sãi trong chùa cùng khách thập phương tới học đạo. Một lần, vào khoảng tháng năm, ngày dài đêm ngắn, Man Nương nấu nướng các thức đã xong mà sư sãi tụng kinh vẫn chưa dứt, không rỗi để ăn. Man Nương ngồi trông chừng, chẳng dè, ngủ gật ngay nơi bậc cửa, rồi chẳng ngờ, ngủ say quên cả đói. Khi sư sãi tụng kinh xong, ai về phòng nấy, Man Nương vẫn nằm ngay bậc cửa một mình, sư Già La Đồ Lê không ngờ nên lỡ bước chân qua, vì thế, Man Nương bỗng thụ thai. Được chừng ba bốn tháng sau, Man Nương xấu hổ bỏ về, còn sư Già La Đồ Lê cũng thẹn mà bỏ đi. Man Nương về tới một ngôi chùa tại ngã ba sông thì ở lại, mãn hạn khai hoa, sinh hạ được một người con gái. Man Nương bèn tìm sư Già La Đồ Lê để trả. Bữa ấy đang đêm, vào khoảng canh ba, sư Già La Đồ Lê đem đứa con gái đến cạnh gốc cây ở ngã ba sông, đặt vào đấy và nói:
    - Ta gửi đứa con của Phật cho ngươi, ngươi hãy giữ lấy, thế nào ngươi cũng thành danh trong đạo.
    Xong, sư Già La Đồ Lê và Man Nương từ giã nhau đi. Sư Già La Đồ Lê cho Man Nương một chiếc gậy và nói:
    - Cho nàng vật này, khi trở về, nếu thấy thời tiết đại hạn thì nàng hãy lấy gậy này đâm xuống đất, đất sẽ cho nước cứu dân sinh.
    Man Nương cung kính nhận lấy gậy mang về. Nàng trở lại ở chùa cũ. Mỗi khi có hạn hán, nàng thường lấy gậy đâm xuống đất, mạch nước tự nhiên chảy ra, dân được nhờ cậy rất nhiều. Khi Man Nương đã ngoài tám mươi tuổi thì cái cây (nơi Già La Đồ Lê để đứa con vào) cũng tự nhiên bị đổ xuống bến sông trước chùa, nhưng cứ quanh quẩn ở đấy, không chịu trôi đi. Dân tranh nhau đến chặt làm củi, nhưng hễ chặt là rìu búa đều sứt mẻ hết. Họ rủ nhau hơn ba trăm người cùng kéo cây vào mà vẫn không sao lay chuyển.
    Bấy giờ, Man Nương xuống bến nước rửa tay, thử lay động chơi, thì bỗng dưng cây lại di chuyển. Mọi người đều kinh ngạc, nhân đó, nhờ Man Nương kéo cây lên bờ. Sư sãi cùng Man Nương gọi thợ đến chặt cây để tạc bốn pho tượng Phật. Chặt đến đoạn thứ ba, đoạn đặt đứa con gái lúc này đã hoá thành một tảng đá rất rắn, thì tất cả rìu búa của thợ đều mẻ hết. Họ đem vất tảng đá xuống vực sâu, thì tảng đá bỗng tự phát ra những tia sáng rực rỡ, một lúc sau mới chịu chìm.
    Lúc đó, cả bọn thợ đều lăn ra chết. Dân ở đấy vội mời Man Nương đến khấn vái rồi nhờ dân chài lặn xuống nước vớt tảng đá lên, rước vào mạ vàng, đặt ở điện thờ Phật để thờ. Sư Già La Đồ Lê đặt tên cho bốn pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Người bốn phương tới cầu mưa, không lần nào lại không ứng nghiệm. Người ta gọi Man Nương là Phật Mẫu.
    Đến ngày mồng tám tháng tư, Man Nương tự nhiên mà viên tịch; xá lị được gói lại và chôn trong chùa. Dân lấy ngày đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ tới ngày đó, già trẻ gái trai khắp tứ xứ đều tụ tập về đó để vui chơi, diễn đủ các trò vui hát múa, mãi mà thành tục lệ nay vẫn còn, gọi là hội tắm Phật”.

  12. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    14 – BỆNH MÊ ĐỌC SÁCH CỦA PHÒNG PHÁP THẶNG

    Ở đời cái gì cũng phải có chừng mức, vượt khỏi chừng mức cho phép, thì đó thực sự là bệnh. Đọc sách là một thú tao nhã và bổ ích, nhưng ham đọc sách quá, cũng có thể ví như mắc bệnh vậy. Năm Canh Ngọ (490), ở nước ta, có quan đô hộ của nhà Tề tên là Phòng Pháp Thặng đã mắc phải chứng bệnh này. Bệnh của Phòng Pháp Thặng được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 13-b) chép lại như sau:
    “Mùa đông, tháng 10 (năm Canh Ngọ 490), quan Thứ sử là Phòng Pháp Thặng được cử sang thay quan Thứ sử cũ là Lưu Khải. Phòng Pháp Thặng chỉ mê đọc sách, thường vờ cáo bệnh, không chịu ra làm việc. Quan Trưởng sử là Phục Đăng Chi, nhân đó tìm cách chuyên quyền, hắn thay đổi cả quan tướng trong phủ mà Phòng Pháp Thặng cũng không hề hay. Quan Lục sự là Phòng Tú Văn đem chuyện nói cho (Phòng) Pháp Thặng biết, Phòng Pháp Thặng cả giận, bắt (Phục) Đăng Chi giam vào ngục đến hơn mười ngày. (Phục) Đăng Chi đem của cải hối lộ thật nhiều cho em rể của Phòng Pháp Thặng là Thôi Cảnh Thúc, vì thế, lại được thả ra. (Phục Đăng Chi) đem quân đánh úp phủ trị, bắt được (Phòng) Pháp Thặng.
    Hắn nói với Phòng Pháp Thặng rằng:
    - Sứ quân đã có bệnh thì không nên khó nhọc với công việc làm gì nữa.
    Xong, đem (Phòng Pháp Thặng) quản thúc riêng ở một nơi.
    Thế rồi Phòng Pháp Thặng vì chẳng biết làm việc gì nên lại xin Phục Đăng Chi cho được đọc sách. (Phục) Đăng Chi nói:
    - Sứ quân nghĩ không còn sợ phát bệnh, lại đòi đọc sách.
    Và (Phục Đăng Chi) nhất quyết không cho. Sau, hắn tâu với vua nhà Tề rằng (Phòng) Pháp Thặng bị bệnh động tim không thể nào làm việc gì được. Tháng 11, ngày Ất Mão, vua Tề cho Phục Đăng Chi làm Thứ sử thay cho Phòng Pháp Thặng. Phòng Pháp Thặng về quê, đến Ngũ Lĩnh thì mất”.

    Lời bàn:

    Sách thường chỉ cho người những điều hay để học, những điều dở để tránh, cho nên, nếu chỉ chăm chú học điều hay hoặc giả là chỉ chăm chú để tâm tránh chỗ dở, tức là mới tiếp nhận được nhiều lắm cũng độ một nửa giá trị của sách mà thôi.
    Như Phòng Pháp Thặng, chẳng biết là ông mê đọc sách hay mê xem nét chữ trong sách, bởi vì phàm là người đọc sách nghiêm chỉnh, ai mà chẳng ít nhiều biết được rằng, mỗi cuốn sách chỉnh là một tấm gương nho nhỏ, phản chiếu một phần nhân tình thế thái của ngàn xưa. Lẽ đâu, trang giấy mỏng của những trang sách lại che khuất hết tất cả thói đen bạc đảo điên quanh ông lúc bấy giờ? Học cái hay của đấng quân tử trượng phu với tránh cái ác của lũ tiểu nhân thất đức, chẳng biết là cái nào khó hơn cái nào. Bởi khó cho nên kẻ sĩ vẫn cố đọc sách để biết thêm kinh nghiệm trong thiên cổ.
    Nhưng, chừng nào còn lũ tiểu nhân thất đức ở bên cạnh, chừng đó còn cần phải nhớ rằng, mê đọc sách mấy thì mê, thỉnh thoảng cũng phải ngoái cố lại một chút, nếu không, chúng sẽ tròng dây vào cổ ta. Phòng Pháp Thặng hình như không phải mất vì bệnh dọc đường trở lại cố hương. Hình như là thế. Không tin, cứ đọc kĩ lại đoạn sử này mà xem.


+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình