+ Trả lời chủ đề
Trang 3/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 55

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 1

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Bài này đã chuyển về topic “Thơ Lịch sử”, nhờ BĐH xóa giúp
    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 03-09-2016 lúc 08:41 AM

  2. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    15 - TRẬN KỊCH CHIẾN Ở HỒ ĐIỂN TRIỆT

    Mùa xuân năm 542, Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp và lãnh đạo nhân dân cả nước quét sạch quân đô hộ nhà Lương ra khỏi bờ cõi. Hai năm sau (năm 544), ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân và niên hiệu là Thiên Đức (cũng có sách viết là Đại Đức).
    Từ đây, một chính quyền độc lập và tự chủ được thiết lập, nhưng cũng từ đây, sau cơn hốt hoảng nhất thời, nhà Lương đã liên tiếp tổ chức những cuộc đàn áp có quy mô lớn.
    Một trong những viên tướng khét tiếng tàn bạo nhất của nhà Lương là Trần Bá Tiên được giao nhiệm vụ chỉ huy các cuộc đàn áp này. Bên cạnh Trần Bá Tiên là một loạt những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc như Dương Phiêu, Tiêu Bột... Bởi cuộc tấn công ồ ạt của Trần Bá Tiên, nghĩa quân Lý Bí bị thua hai trận lớn ở Chu Diên (đất này nay thuộc Hà Tây) và ở cửa sông Tô Lịch. Lý Bí rút về Gia Ninh (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).
    Trần Bá Tiên cho quân vây đánh Gia Ninh, Lý Bí lại phải rút về Điển Triệt (nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Vùng Điển Triệt có hồ Điển Triệt rất rộng. Nay hồ này vẫn còn. Cũng có người gọi là hồ Tứ Yên vì ngày nay, hồ nằm ở khu vực xã Tứ Yên. Năm Bính Dần (546), trận kịch chiến giữa lực lượng của Lý Bí với quân đội nhà Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy đã diễn ra tại hồ Điển Triệt.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng: “Mùa xuân, tháng giêng (năm 546), bọn Trần Bá Tiên đã chiếm được thành Gia Ninh, Nhà vua (chỉ Lý Nam Đế) đành phải chạy vào đất của người Lão (từ chỉ chung đồng bào các dân tộc ít người) ở Tân Xương. Quân nhà Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Mùa thu, tháng tám, nhà vua đem hai vạn quân từ đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, thuyền bè nhiều đến nỗi chật cả mặt hồ. Quân nhà Lương trông thấy thì sợ, không dám tiến vào, cứ đóng ở khu vực gần với cửa hồ mà thôi.
    Trần Bá Tiên nói với các tướng rằng:
    - Quân ta ở đây đã lâu, thế cô, không được tiếp viện, tướng sĩ thì mỏi mệt. Một khi đã tiến sâu vào nước người mà thua trận thì đừng mong sống sót. Nay, nhân lúc họ bại trận mấy phen liền, dân Di Lão lại ô hợp, đánh họ thật không khó, cho nên, đây chính là lúc phải ra tay liều chết để đánh bằng được, bởi vì nếu vô cớ mà dừng lại thì lỡ hết cả thời cơ.
    Các tướng (dưới trướng Trần Bá Tiên) đều im lặng, không ai tỏ vẻ hưởng ứng. Đêm hôm ấy, nước sông lên mạnh, dâng cao đến bảy thước, ồ ạt tràn vào hồ. (Trần) Bá Tiên đem quân bản bộ của mình, theo dòng nước mà tiến vào trước. Quân nhà Lương đánh trống reo hò theo sau. Nhà vua vốn không lo phòng bị nên quân bị tan vỡ nhanh chóng, buộc phải lui vào động Khuất Lão (đất này nay thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ) để chỉnh đốn quân ngũ. Sau, vua ủy quyền cho tướng là Triệu Quang Phục trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân của (Trần) Bá Tiên”.

    Lời bàn :


    Lý Bí là bậc có chí cả hơn người, vung gươm diệt giặc để tạo nền thái bình cho xã tắc, công đức thật là lớn lao. Tiếc thay, khi sự nghiệp lớn chưa thành, ông đã sớm mất cảnh giác và thiếu sự triệt để.
    Quân nhà Lương thắng không phải bởi cái tài của chúng mà là ở chỗ dở của ông đó thôi. Về sự đại bại của Lý Bí, hai cây đại bút của sử học nước nhà thời Trần và thời Lê là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đều có lời bàn. Xin được giới thiệu hai lời bàn đó như sau:

    - Lời của Lê Văn Hưu: “Binh pháp cổ có câu rằng, nếu có ba vạn quân sức lực đồng đều, cả thiên hạ không ai địch nổi. Nay Lý Bí có năm vạn quân mà vẫn không giữ được nước, ấy là bởi Lý Bí không có tài làm tướng, hoặc giả là bởi quân lính mới họp lại, chưa quen trận mạc chăng? Không, Lý Bí cũng là bậc tương đối có tài, ra trận cũng có thể chế ngự được đối phương để giành phần thắng, nhưng không may là gặp phải Trần Bá Tiên có tài cầm quân đó thôi”.

    - Lời của Ngô Sĩ Liên: “Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, rất thuận với đạo lớn của trời, vậy mà cuối cùng lại bị bại, ấy là vì trời chưa muốn cho nước nhà được trị bình chăng? Than ôi, nhà vua không chỉ vì gặp phải Trần Bá Tiên là kẻ có tài cầm quân, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng cao trợ sức cho giặc nữa. Đó há chẳng phải tại trời hay sao?”.

  3. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    16 - SỰ TÍCH ĐẦM DẠ TRẠCH

    Ở huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay, có khu đầm lầy rất rộng, với nhiều tên gọi khác nhau như: đầm Dạ Trạch, Nhất Dạ Trạch (cái đầm hình thành sau một đêm), Mạn Trù Châu (bãi Giăng Màn), Tự Nhiên Châu (bãi Tự Nhiên), v.v.
    Tuy nhiên, tên gọi phổ biến và quen thuộc nhất vẫn là đầm Dạ Trạch. Sự tích đầm Dạ Trạch khá li kì. Nay, xin được trích từ sách Lĩnh Nam chích quái để giới thiệu về đầm Dạ Trạch, còn lời bàn về câu chuyện li kì này, xin kính nhường bạn đọc.
    “Vua Hùng Vương thứ ba sinh hạ được một người con gái, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung lên mười tám tuổi, dáng người xinh đẹp, chỉ thích ngao du thiên hạ, không muốn lấy chồng. Nhà vua yêu chiều nên cũng để nàng thỏa thích. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng hai hoặc tháng ba, Tiên Dung sắm sửa thuyền bè, chu du ra tận ngoài biển, có khi mải vui quên cả ngày về.
    Bấy giờ ở làng Chử Xá, có hai cha con rất hiền từ và hiếu thảo là Chử Vi Vân và Chử Đồng Tử. Chẳng may nhà họ gặp hỏa hoạn, của cải cháy hết, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố bằng vải, ra vào phải thay nhau mà mặc.
    Đến lúc cha già lâm bệnh, gọi con là Chử Đồng Tử tới, nói rằng:
    - Cha chết cứ để trần truồng mà chôn, con hãy giữ khố lại, có thế mới mong khỏi xấu hổ.
    Nhưng khi cha mất, Chử Đồng Tử cứ chôn khố theo cho cha, còn mình thì chịu cảnh đói rét trần truồng, rất khổ sở. Chử Đồng Tử thường ra sông câu cá, hễ thấy có thuyền buôn đi qua thì đứng ngâm mình dưới nước mà xin ăn.
    Thế rồi hôm đó, không ngờ thuyền của Tiên Dung tới. Nghe có tiếng chiêng trống, sáo kèn náo nhiệt và thấy nghi trượng cờ quạt, Chử Đồng Tử hoảng sợ lắm. Nhân thấy trên bãi cát ven sông có mấy khóm lau lơ thơ vài ba gốc, Chử Đồng Tử bèn vào moi cát vùi thân, nấp ở đó. Phút chốc, thuyền của Tiên Dung tới. Nàng dừng lại và lên bờ dạo chơi rồi hạ lệnh cho quây màn chung quanh khóm lau làm nơi tắm gội. Tiên Dung vào màn cởi áo tắm rửa, dội nước khiến cho cát trôi, lộ ra thân hình của Chử Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, nhìn một lúc lâu, biết đó là người con trai, liền nói:
    - Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người con trai này trần truồng trong chỗ tắm gội này, ắt là do trời xui như thế. Thôi, chàng hãy mau dậy cùng tắm rửa đi.
    Tiên Dung ban cho Chử Đồng Tử áo quần rồi bảo xuống thuyền, cùng dự tiệc vui vẻ. Người trong thuyền, ai ai cũng cho là cuộc kì ngộ xưa nay chưa từng có. Chử Đồng Tử nói rõ vì sao mình lại làm như thế. Tiên Dung bùi ngùi than thở, bảo chàng cùng kết duyên vợ chồng. Chử Đồng Tử cố từ chối nhưng Tiên Dung nói:
    - Sự thể gặp nhau là do trời xui ra thế, xin đừng chối từ làm gì nữa.
    Những kẻ theo hầu về tâu với Hùng Vương.
    Hùng Vương giận dữ, nói rằng:
    - Tiên Dung không hề biết tiếc danh tiết là gì. Nó đã không hề biết tiếc của cải của ta, rong chơi khắp chốn, lại còn hạ mình lấy kẻ nghèo hèn, thế thì còn mặt mũi nào mà nhìn ta nữa. Từ nay cứ mặc nó, muốn làm gì thì làm, không được trở về nữa.
    Tiên Dung nghe được tin ấy, sợ không dám về, bèn cùng Chử Đồng Tử mở phố xá, lập quán chợ để mua bán với dân, tạo ra chợ lớn, tức chợ Thám bây giờ (chợ Thám thuộc Văn Giang, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Con buôn nước ngoài tới lui buôn bán, ai ai cũng kính thờ Tiên Dung, tôn Tiên Dung và Chử Đồng Tử làm chúa.
    Một hôm, có con buôn đến nói với Tiên Dung rằng:
    - Nếu quý nhân bỏ ra một dật vàng (mỗi dật tương đương với 24 lạng) cùng con buôn ra ngoài buôn bán, thì sang năm sẽ sinh lợi đến mười dật.
    Tiên Dung nghe vậy, lấy làm mừng, bèn nói với Chử Đồng Tử:
    - Duyên vợ chồng là do trời định, còn như cái ăn cái mặc của ta là do ta tự làm. Nay thử mang một dật vàng theo bọn con buôn ra ngoài mua vật quý về sống xem sao.
    Chử Đồng Tử bèn theo người khách buôn ấy đi buôn bán, xuôi ngược khắp cả xứ người. Một hôm qua núi Quỳnh Vi (tên một quả núi chỉ có trong thần thoại), nhân khi khách buôn ghé vào lấy nước, Chử Đồng Tử bèn lên núi dạo chơi, thấy trên đó có một cái am nhỏ, trong am có một vị sư tên là Phật Quang. Phật Quang truyền phép cho Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử bèn đưa tiền cho người khách buôn đi mua hàng, còn mình thì ở lại học phép thuật.
    Sau, khách buôn trở lại am đón Chử Đồng Tử cùng về. Sư Phật Quang tặng cho Chử Đồng Tử một cái gậy, một chiếc nón lá và dặn:
    - Tất cả các phép thần thông linh ứng đều đã ở cả đây.
    Chử Đồng Tử về, đem chuyện học đạo kể hết cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bỏ cả quán chợ và nghề buôn, cùng Chử Đồng Tử đi chu du tìm thầy học đạo.
    Có hôm đi xa, tối đến vẫn chưa kịp về nhà, đành nghỉ tạm dọc đường, dựng gậy rồi úp nón lên để làm chỗ che thân, chẳng dè vào đến canh ba thì các thứ lầu vàng gác tía, thành quách, lâu đài, kho tàng, miếu mạo cùng vô số vàng bạc châu báu, giường chiếu trướng màn, tôi tớ nam nữ và thị vệ... hiện ra la liệt trước mắt. Sáng hôm sau, ai ai trông thấy cũng đều kinh ngạc, bèn đem hoa quả cùng các thức ăn ngon tới dâng, xin làm bề tôi.
    Từ đó, (Chử Đồng Tử và Tiên Dung) có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng. Hùng Vương nghe tin ấy, cho là con gái có ý làm loạn, bèn đem quân đi đánh. Quân của Hùng Vương sắp tới nơi, quần thần xin đem binh lính ra chống cự.
    Tiên Dung cười nói:
    - Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho (quân của vua cha) chém giết.
    Lúc ấy, những dân mới theo đều sợ mà chạy tứ tán, chỉ có dân cũ ở lại cùng Tiên Dung. Quân của Hùng Vương đến, vì trời đã tối nên dựng dinh trại ở bãi Tự Nhiên, phía bên kia bờ sông. Đêm ấy, trời nổi gió to, cây bật gốc, cát bay mù mịt, quân của Hùng Vương rối loạn. Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử và bộ hạ phút chốc bay lên trời.
    Chỗ nền đất cũ bỗng sụt xuống thành một cái đầm rất lớn.
    Sáng sớm hôm sau, người ta chẳng thấy lâu đài thành quách đâu nữa, cho đó là điều linh dị, bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế. Người ta nhân đó gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch, bãi cát ấy là bãi Tự Nhiên hoặc bãi Màn Trù và chợ ấy là Hà Thị”.

  4. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    17- TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ ĐÁNH GIẶC NHƯ THẾ NÀO?

    Triệu Việt Vương húy là Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc, người đất Chu Diên. Đất Chu Diên thời Lương, nay là một phần của tỉnh Hải Dương. Nhiều người cho rằng, quê của Triệu Quang Phục, nay có lẽ là vùng huyện Phả Lại (tỉnh Hải Dương).
    Năm 542, Triệu Quang Phục cùng với cha là Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động và lãnh đạo.
    Năm 544,khi Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được phong làm tướng cầm quân.
    Năm 546, khi Lý Nam Đế đại bại ở trận Điển Triệt, Triệu Quang Phục được ủy thác quyền trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân xâm lược nhà Lương. Triệu Quang Phục là người cầm quân rất linh hoạt. Chính ông là người đã có công quét sạch quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự của tổ tiên.
    Về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục, sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 17a-b) chép như sau :
    ‘Triệu Quang Phục chống nhau với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại, nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang phục liệu thế không chống nổi, bèn rút về đầm Dạ Trạch (đầm này cũng gọi là đầm Nhất Dạ Trạch hay bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên - NKT - Xem giai thoại 16). Đầm này Ở huyện Chu Diên, chu vi rộng lớn không biết bao nhiêu là dặm, trong cỏ cây um tùm, bụi rậm kín mít. Ở giữa đầm có khu đất cao có thể ở được, nhưng bùn đất lầy lội, người ngựa khó đi chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt cỏ mới di chuyển được. Vào đó, nếu không thông thuộc đường lối thì lạc, chẳng biết sẽ về đâu, đã thế, nếu lỡ rơi xuống nước thì sẽ bị rắn độc cắn chết.
    Triệu Quang Phục thuộc hết mọi lối, đem hơn hai vạn quân vào đóng ở khu đất nổi trong đầm, ban ngày thì tuyệt đối không để lộ khói lửa, ban đêm dùng thuyền độc mộc đưa quân ra đánh phá doanh trại của quân Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lấy được không ít lương thực để có thể cầm cự lâu dài. (Trần) Bá Tiên cố theo dấu tìm đánh nhưng không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương.
    "Nhà vua (chỉ Triệu Quang Phục - NKT) ở trong đầm, thấy quân nhà Lương không chịu rút lui, bên đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất quỷ thần. Thế rồi điềm lành hiển hiện, vua được mũ đâu mâu có móng rồng dùng để đi đánh giặc. Thế quân từ đó ngày một mạnh mẽ, không ai địch nổi.
    Tục truyền : Thần nhân trong đầm chính là Chử Đồng Tử. Lúc ấy, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, trút móng rồng trao cho Nhà vua, bảo Vua đem cài lên mũ đâu mâu mà đi đánh giặc". …Trần Bá Tiên mưu tính cấm cự lâu ngày, khiến cho quân của Nhà vua hết lương thì có thể phá được. Nào ngờ lúc ấy nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, phải gọi Trần Bá Tiên về. Trần Bá Tiên ủy thác cho Dương Sàn đánh nhau với Nhà vua. (Dương) Sàn chống cự không nổi, bị giết, quân nhà Lương tan vỡ, tháo chạy về Bắc. Nước nhà lại được yên. Nhà vua vào thành Long Biên ở".

    Lời bàn :

    Binh pháp cổ thường nhấn mạnh đến yếu tố địa lợi, coi đó như một trong những nguyên nhân quan trọng của thắng lợi cuối cùng. Triệu Quang Phục bám lây đầm Dạ Trạch, tức là đã bám lấy được yếu tố địa lợi rồi vậy. Đó chưa phải là tất cả địa lợi của nước ta đương thời, nhưng đó rõ ràng là tất cả những gì thuộc về địa lợi mà nghĩa quân của ông có thể bám được và biến được thành sức mạnh của chính mình.
    Ở đời, mọi sự hay không phải chỉ ở chỗ nó thực sự hay, mà còn ở chỗ, sự ấy ta hoàn toàn có thể làm được, hoàn toàn trong tầm tay của ta. Trần Bá Tiên đem quân đi đánh đất người, vậy mà tính kế cầm cự lâu ngày, tức là đã cố làm điều không thể làm vậy. Ngược lại, đội quân của Triệu Quang Phục kiên quyết bám đầm Dạ Trạch để chờ thời, tức là làm điều hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, quân Triệu Quang Phục thắng lợi, chuyện có gì là lạ đâu. Đầm Dạ Trạch có thần chăng ?
    Sử cũ dành cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung những lời thật trang trọng. Ngàn năm vật đổi sao dời, nhưng phàm đã là thần nhân sông núi, có đâu lại không phù hộ chí lớn của những người quả cảm cứu nước, cứu dân. Người xưa tin là có thần, một lòng thành kính thờ thần, cho nên, dân bao giờ cũng muốn và cũng tin là thánh thần luôn ở bên cạnh các vị hào kiệt của họ, bên cạnh việc đại nghĩa của họ.
    Triệu Quang Phục dũng cảm và bền chí bám đầm Dạ Trạch đến cùng để đánh giặc. Việc làm phi thường ấy, hẳn nhiên phải được diễn đạt bằng những lời phi thường. Biết làm sao hơn được, xưa mà !

  5. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ CHẾT NHƯ THẾ NÀO?

    Năm 546, sau trận thua ở hồ Điển Triệt, Lý Bí đánh vào động Khuất Lão, ủy quyền trông coi việc nước và chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân nhà Lương xâm lược cho Triệu Quang Phục.
    Nhận sự ủy thác ấy, Triệu Quang Phục đem lực lượng về bám đầm Dạ Trạch, tổ chức chiến đấu lâu dài và cuối cùng, đã giành được thắng lợi.
    Tuy nhiên, cũng ngay khi Lý Bí lánh vào động Khuất Lão, một vị tướng khác của Lý Bí là Lý Thiên Bảo, đem một bộ phận binh sĩ, gồm đến ba vạn người, chạy vào Cửu Chân (tức là vùng Thanh Hóa ngày nay). Tại đây, Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Lý Thiên Bảo đã chạy sang động Dã Năng. Đất này thuộc lãnh thổ của Lào. Dã Năng là một vùng khá trù phú, Lý Thiên Bảo bèn cho xây thành để ở, tính kế cư ngụ lâu dài. Ông xưng là Đào Lang Vương, lấy tên động Dã Năng làm tên nước! Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp.
    Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên. Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh… Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b đến tờ 21-b) chép lại như sau:
    “Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, (Lý) Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy).
    Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể'' Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân.
    Sách trên (tờ 20-a) khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau: “Nhã Lang nói với vợ rằng:
    - Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?
    Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem.
    Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng:
    - Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ. Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương'' . …”
    Nhà vua (đây chỉ Lý Phật Tử) phụ lời thề ước, đem quân đánh úp Triệu Việt Vương.
    Lúc đầu, Triệu Việt Vương chưa rõ cơ sự, vội đem quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của Nhà vua ào ạt tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết yếu thế không sao chống cự nổi, bèn đem con gái chạy về phía Nam, tính tìm đất hiểm để có thể ẩn náu mà mưu sự lâu dài. Nhưng, chạy tới đâu cũng bị quân của Nhà vua đuổi theo sát gót. Triệu Việt Vương phi ngựa về cửa biển Đại Nha (nay là cửa Liêu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Khi thấy biển chắn trước mặt, Triệu Việt Vương than rằng:
    - Ta hết đường chạy rồi! Nói xong thì nhảy xuống biển tự tử. Nhà vua đuổi đến nơi, thấy trước mặt chỉ có biển mênh mông, không rõ Triệu Việt Vương chạy đường nào, bèn quay trở lại. Họ Triệu đến đó thì mất nước. Người đời sau thấy có nhiều chuyện linh thiêng dị thường, bèn lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha''.

    Lời bàn :

    Kế cũ của Triệu Đà, đến đây được Lý Phật Tử lặp lại, lạ lùng chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, bậc đa mưu túc trí như Triệu Việt Vương vẫn cứ bị trúng kế một cách thảm hại đó thôi. Hẳn nhiên là Triệu Việt Vương cũng có chỗ khiếm khuyết của mình, nhưng trách ông thì quả là chẳng thể. Một đời ông canh cánh nỗi lo cảnh giác với kẻ thù, thế là đã quá đủ, lẽ đâu bắt ông còn phải thường xuyên cảnh giác với thông gia, với con rể của mình?
    Có những thứ lỗi rất khó khắc phục, và quả là cũng chẳng muốn khắc phục, đại để như lỗi cả tin của Triệu Việt Vương. Ngẫm mà xem! Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này.
    Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước.
    Cả hai lời nghiêm phê này đều được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4) ghi lại.
    - Lời thứ nhất : “Con gái lấy chồng thì gọi là quy, vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong” (Tờ 20-b).
    - Lời thứ hai : “Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà (Lý Phật Tử) lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu''.
    Hai lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên, đúng sai tùy đời thẩm định, nhưng đáng sợ thay, nếu có ai đó đồng cảm và đồng tình với việc làm phản trắc của Nhã Lang và của Lý Phật Tử. Buồn thay, tên người và hành vi của người chẳng chút giống nhau.



  6. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19 – NỖI LÒNG KHƯƠNG CÔNG PHỤ

    Khương Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hoá). Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) và làm quan cho nhà Đường, tức là người của cuối thế kỉ thứ VIII đầu thế kỉ thứ IX.
    Em của Khương Công Phụ là Khương Công Phục, cũng đỗ Tiến sĩ, làm quan cho nhà Đường, được phong tới chức Lang Trung bộ lễ. Như vậy, họ Khương là dòng họ đại khoa bảng rất hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc.
    Tuy cũng là đỗ Tiến sĩ như mọi người, nhưng sử cũ cho biết, vì bài chế sách của ông viết rất xuất sắc, cho nên, ông được vua Đường là Đường Đức Tông đặc cách, cho làm tới chức Hữu thập di Hàn lâm Học sĩ, kiêm Kinh triệu Hộ Tào tham quân.
    Sinh thời, Khương Công Phụ là người cương trực và trí lực rất mạnh mẽ.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 5a-b) chép về ông như sau:
    “(Khương Công Phụ) từng xin vua Đường giết Chu Thử nhưng vua Đường không nghe. Chẳng bao lâu sau đó thì kinh sư của nhà Đường có biến loạn, vua nhà Đường theo cửa Thượng Uyển để lánh ra ngoài, (Khương) Công Phụ giữ ngựa lại, can rằng:
    - Chu Thử từng làm tướng ở đất kinh sư, rất được lòng binh sĩ. Vừa rồi, vì Chu Thao làm phản nên (Chu Thử) mới bị Nhà vua thu hết binh quyền. Thường ngày, hắn vẫn lấy đó làm điều uất ức. Vậy, nay xin bắt hắn đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón mất.
    Vua Đường đang lúc vội vã, không kịp nghe. Dọc đường đi, Nhà vua lại muốn dừng ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật.
    (Khương) Công Phụ can rằng:
    - (Trương) Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy nhưng là quan văn, vả lại, quân mã do ông ta quản lĩnh vốn là tay chân cũ của Chu Thử ở kinh sư. Nếu Chu Thử làm loạn ở kinh sư thì kế này chẳng vẹn toàn được.
    Vua nhà Đường vì thế mà chạy sang Phụng Thiên. Bấy giờ, có người báo tin (Chu) Thử làm phản, xin Vua hãy phòng bị. Vua nhà Đường nghe lời của Lư Kỷ, xuống chiếu cho quân các đạo hãy đóng cách xa thành khoảng một xá (mỗi xá 30 dặm, tức là tương đương với khoảng 15km), có ý đợi (Chu) Thử tới đón.
    Khương Công Phụ nói:
    - Bậc vương giả không nghiêm giữ võ bị thì làm sao có thể khiến cho người ta trọng oai linh của mình? Nay, cấm binh đã quá ít mà lại xuống chiếu cho quân mã đóng cách xa ở ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm.
    Vua nhà Đường khen là phải, bèn cho triệu hết quân sĩ phía ngoài vào thành. Sau, quân của (Chu) Thử quả nhiên kéo đến, y như lời dự đoán của Khương Công Phụ. Vua nhà Đường bèn thăng cho Khương Công Phụ chức Gián nghị Đại phu, Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Về sau, Khương Công Phụ vì can Vua tổ chức an táng cho Đường An Công Chúa quá hậu, dẫu đã được đồng liêu là Lục Chí tâu xin gỡ tội cho, vẫn bị vua Đường tức giận biếm chức”.

    Lời bàn:

    Thời ấy, học và đỗ đạt đến mức ấy, làm quan được thăng đến chức ấy... Khương Công Phụ không phải là trường hợp duy nhất nhưng quả đúng là trường hợp rất hiếm hoi. Sử trân trọng chép về ông là chí phải.
    Lần thứ nhất ông can ngăn, bảo là vua nhà Đường đang lúc vội vã nên không kịp nghe cũng được, mà bảo là Nhà vua chưa thấy hết số phận bi thảm của mình nên vẫn coi thường những người đại loại như ông cũng được.
    Lần thứ hai ông can ngăn, bảo là Nhà vua nghe theo ông vì thấy ý kiến của ông đúng cũng được, mà bảo là lúc ấy, Nhà vua mất cả hồn vía, chỉ đâu chạy đó cũng được.
    Đến lần thứ ba, Nhà vua giật mình thấy rằng, kẻ một lòng trung thành đi theo Nhà vua là ông, mà lời khuyên của ông, ít ra cũng có hai lần đúng, cho nên Nhà vua đã vui vẻ nghe theo. Lời khen của Nhà vua còn thiếu một cái gì đó thuộc về chiều sâu của trí tuệ phân tích. Xưa nay vẫn thế, có khi được khen mà lòng ta tê tái buồn, có khi bị chê mà lòng ta sung sướng, bởi vì điều quan trọng không phải là khen chê, mà là ai khen, ai chê và lời khen chê ấy như thế nào.
    Lần thứ ba, vua nhà Đường khen Khương Công Phụ, bởi vì lúc đó không thể không khen, sau, chỉ một việc cỏn con mà vua Đường vẫn cứ biếm chức của Khương Công Phụ, bởi vì vua Đường là… vua. Quan thì không phải lúc nào cũng là quan, song, vua thì bao giờ cũng là vua, quên điều đó cũng có nghĩa là chẳng nhớ gì cả. Điều này chỉ có trong sách đời, chẳng có trong sách vở cử nghiệp, có đọc đến thiên kinh vạn quyển của sách cử nghiệp cũng chẳng thấy đâu.

  7. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ

    Đền Bạch Mã nằm ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (nay thuộc Hà Nội). Đền này được lập ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX.
    Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 13) khi giới thiệu về đền miếu của Hà Nội, đã dẫn sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, viết rằng:
    “Vào đời Đường Hàm Thông, (quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền) đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. (Cao) Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm.
    Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng:
    - Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?
    (Cao) Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa (trấn yểm) đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần là Long Đỗ.
    Đến đời Lý Thái Tổ (húy là Lý Công Uẩn, vua đầu tiên của nhà Lý, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi (Đại La) là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt, (người) cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành tại đó, và cuối cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.

    Lời bàn:

    Thời Bắc thuộc, Cao Biền được coi là một trong những nhân vật rất có máu mặt: quan cai trị có tài cũng là Cao Biền mà đạo sĩ có nhiều phép thuật lạ cũng là Cao Biền. Triều đình nhà Đường trên bước đường sụp đổ, muốn tạo dựng cho Cao Biền một lý lịch khác thường để có thể vực dậy một chính quyền đô hộ cũng đang có nguy cơ tan rã.
    Cho nên trong sử, Cao Biền bỗng có thêm nhiều thứ mà thực sự Cao Biền chưa hề có bao giờ. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhân dân ta cũng có cách đấu tranh thông minh theo kiểu riêng của nhân dân ta, lúc bấy giờ. Việc Bạch Mã thần coi thường mọi phép thuật của Cao Biền, lại còn làm cho mọi thứ trù yểm của Cao Biền phút chốc biến thành cát bụi, có khác nào một lời nhắc nhở âm thầm mà mạnh mẽ rằng: hãy vững tin, chúng ta nhất định thắng vì thần linh sông núi luôn ở bên cạnh chúng ta!
    Trông lại ngày xưa, suy ngẫm việc thờ thần của cổ nhân mới rõ, đền miếu và hương khói, tượng thờ và bài vị... tất cả chỉ là hình thức, một hình thức huyền ảo mà dễ nhận, cốt để chuyển tải đến muôn đời sự tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thế tục đó thôi.

  8. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Bài này đã chuyển về topic “Thơ Lịch sử”, nhờ BĐH xóa giúp
    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 03-09-2016 lúc 08:43 AM

  9. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Bài này đã chuyển về topic “Thơ Lịch sử”, nhờ BĐH xóa giúp
    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 03-09-2016 lúc 08:44 AM

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

    Phùng Hưng quê ở Đường Lâm. Đất quê ông nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Phùng Hưng sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết ông mất vì bệnh vào năm Kỷ Tỵ (789).
    Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rất lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài. Trong Việt điện u linh tập, Lý Tế Xuyên đã dựa vào ghi chép của Triệu Vương Giao Châu kí mà chép chuyện về Phùng Hưng như sau:
    “Vương họ Phùng, huý là Hưng, ông và cha của Vương đều nối đời làm tù trưởng của đất Đường Lâm. Chức tù trưởng bấy giờ gọi là Quan Lang. Tục gọi như thế, hiện nay ở mạn ngược vẫn còn. Vương con nhà giàu nhưng hay giúp đỡ kẻ nghèo, đã thế, Vương lại khoẻ mạnh, có thể đánh được hổ, vật được trâu. Em Vương là (Phùng) Hãi cũng có sức mang nổi ngàn cân, cõng được thuyền chứa ngàn hộc mà đi luôn mười dặm. Gần xa nghe tiếng đều lấy làm sợ.
    Thời niên hiệu Đại Lịch của nhà Đường, nước ta rối loạn, Vương cùng em đem binh đi chinh phục khắp các vùng ở lân cận. Vương đổi tên là Cự Lão và xưng là Đô quân, còn em Vương thì đổi tên là Cự Lực và xưng là Đô bảo, anh em cùng nhau làm theo kế sách của một người cùng làng, tên là Đỗ Anh Luân, đem đại binh đi tuần thú khắp các châu Đường Lâm và Trường Phong, uy danh lừng lẫy, khiến ai cũng phải theo phục. Vương cho phao tin rằng sẽ đánh phủ đô hộ. Quan đô hộ của nhà Đường là Cao Chính Bình đem quân đi đánh, bị thua, sợ quá phát bệnh mà chết.
    Vương vào phủ đô hộ, nắm quyền trị dân được bảy năm thì mất. Bấy giờ, nhiều người muốn lập em của Vương là Phùng Hãi lên thay, nhưng quan Đầu Mục có sức khoẻ lạ thường là Bồ Phá Cần lại quyết chí không cho, bắt phải lập con Vương là Phùng An. Phùng An lên nối ngôi, bèn đem quân đánh Phùng Hãi. Phùng Hãi sợ Bồ Phá Cần nên lánh vào động Chu Nham, sau không biết là đi về đâu. Phùng An tôn Vương làm Bố Cái Đại Vương. Nước ta gọi cha là bố, gọi mẹ là cái nên Phùng An mới tôn Vương làm Bố Cái Đại Vương như vậy.
    Hai năm sau đó, vua Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang làm đô hộ nước ta. Triệu Xương tới nơi, trước hết, cho sứ giả mang lễ vật đến dụ dỗ Phùng An. Phùng An xin hàng phục. Từ đó, họ Phùng tản mác mỗi người một nơi.
    Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa.
    Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía tây của phủ đô hộ. Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt.
    Khi Ngô Tiên Chủ (chỉ Ngô Quyền) dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng:
    - Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức nhà vua, xin nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả.
    Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng. Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ, liền sai sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Xong, Ngô Tiên Chủ thân đem các thứ lễ vật cùng cờ quạt chiêng trống đến để tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ.
    Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua sắc phong là Phù Hựu Đại vương. Năm Trùng Hưng thứ tư lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20 (tức năm 1312) vua (Trần Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa”.

    Lời bàn:

    Một nhà, anh em, cha con cùng dốc chí dựng nền tự chủ nhưng rốt cuộc, người có tên tuổi bất diệt với ngàn đời thì chỉ là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng mà thôi.
    Phùng Hãi có gan đi theo kẻ mạnh để chống kẻ mạnh mà chưa có gan tự mình chống lại kẻ mạnh. Bóng ông mờ nhạt trong sử sách, ấy cũng là lẽ tự nhiên. Bồ Phá Cần xử sự quả là xa lạ với lẽ thường. Gạt Phùng Hãi đã có chút từng trải để đưa Phùng An còn non nớt lên thay, bản tâm của Bồ Phá Cần phải chăng là mong mỏi kẻ ở ngôi cao phải yếu kém để mình dễ bề thao túng? Việc làm ấy, nếp nghĩ ấy, lợi cho riêng mình một đời nhưng lại hại cho xã tắc một thuở, giận thay!
    Phùng An cùng Bồ Phá Cần đi đánh Phùng Hãi, cái thu được chẳng đủ bù cho cái mất đi, mà cái mất đi nào phải chỉ có con người và của cải? Xót xa hơn cả vẫn là thế nước mà cha đã dựng lên, là đạo lý mà tổ tiên để lại, mất hai thứ đó cũng có nghĩa là mất tất cả đó thôi.
    Hẳn nhiên, không ai quyết rằng Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng là nhờ oai linh của Bố Cái Đại Vương giúp sức, nhưng, Ngô Quyền cũng như bao vị dũng tướng ngàn xưa ra trận, vẫn luôn tin rằng thần linh sông núi luôn luôn sát cánh với mình, và ai dám bảo rằng, niềm tin ấy không phải là một phần rất quan trọng của sức mạnh?
    Phùng Hưng, sinh vi tướng, tử vi thần, dẫu bạn hoàn toàn là người vô thần,cũng xin bạn hãy thành kính thắp nén hương để tưởng nhớ, bởi vì chính nhờ có những con người phi thường ấy, chính nhờ niềm tin vào linh khí của những con người ấy, bạn mới có thể thanh thản mà nói một cách tự nhiên rằng: ta là người vô thần.

  12. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 3/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình