+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 54

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 2

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    10 - CHUYỆN VUA LÝ THÁI TÔNG ĐI CÀY

    Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) là người rất chăm lo đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc hoạch định những chính sách rất tích cực và tiến bộ đối với nông nghiệp, Lý Thái Tông còn nhiều lần tự mình đi làm ruộng, lấy đó làm hành động thiết thực cổ vũ cho nghề nông. Sử cũ đã ghi rõ, ngày 14 tháng 10 năm Canh Ngọ (1030), Vua thân ra ruộng ở Điểu Lộ xem gặt; ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân (1032) Vua đi cày tịch điền ở Đỗ Động Giang, hôm ấy, có nhà nông dâng Vua một cây lúa 9 bông; tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1042), Vua đi cày ruộng tịch điền ở Khả Lãm... v.v. Nhà vua mà còn đi cày, lẽ đâu các quan lại không ngó ngàng gì tới việc đồng áng. Một số ít quan lại vì thế mà chẳng ưa gì việc nhà vua đi làm ruộng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 25-b) có chép lại một mẩu chuyện rất đáng suy nghĩ như sau:

    “Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038) Vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. (Vua) sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng:
    - Đó là việc của nông phu, Bệ hạ cần gì làm thế ?
    Vua nói:
    - Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo?
    Nói xong, Vua đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, Vua về kinh sư.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay !

    Lời bàn:

    Nước nông nghiệp, vua không chăm lo đến nghề nông thì còn chăm lo đến nghề gì nữa. Nhưng, nói nhiều mà làm gì? Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ. Thời ấy, nước Đại Việt ta là một trong những quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á. Một trong những cội nguồn của sức mạnh Đại Việt là ở đây chăng?


  2. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    11 - VUA LÝ THÁI TÔNG VỚI VIỆC CHỐNG HÀNG NGOẠI

    Bệnh sính dùng hàng ngoại ở nước ta, kể ra cũng đã có từ rất lâu. Những mặt hàng ta chưa sản xuất được nên phải mua về thì đã đành, nhưng những mặt hàng ta đã sản xuất được, thậm chí là sản xuất với chất lượng cao hơn mà vẫn bị những kẻ có đầu óc sùng ngoại thái quá tìm cách nhập vào, quả là đã gây nguy hại cho quốc kế dân sinh không ít. Thời Lý, chuyện này đã từng xảy ra và vua Lý Thái Tông từng xử lí rất khôn khéo. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 28-b) chép như sau :

    “Tháng 2 (năm Canh Thìn- 1040) Vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, (Vua) xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. (Các quan) từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. (Nhà vua) làm vậy để tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa.( Vua) không quí vật lạ, (ấy là) muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới”.

    Các sử thần thời Nguyễn, tác giả của bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 3, tờ 1) thì phê ngay một chữ rất gọn : Được !

    Lời bàn :

    Muốn dân chăm nghề canh cửi, trước quí tộc phải làm gương. Cung nữ mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt vải là thấp hèn. Muốn khắp thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương. Đấng chí tôn mà còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó là mặt hàng chả ra gì.
    Vua Lý Thái Tông ít nói, ít để chí ở sự lập ngôn, chỉ lo lòng làm gương cho thiên hạ. Xem ra, gương ấy không phải chỉ sáng một đời cho quan dân một thời, nay đọc lại sử, thấy cũng đáng suy ngẫm lắm thay !

  3. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    12 - NỬA SAU ĐỜI HOÀNG ĐẾ LÝ THÁI TÔNG

    Trải 26 năm làm vua (1028 - 1054), Lý Thái Tông đã có nhiều cống hiến lớn, được sử sách trân trọng ghi lại. Trong nửa sau của thời gian trị vì, vua Lý Thái Tông đã làm được ba việc trọng đại. Một là vào năm Nhâm Ngọ (1042) Thái Tông đã tổ chức biên soạn xong bộ Hình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của nước nhà, lịch sử pháp quyền nước ta bước vào một thời kì hoàn toàn mới. Hai là, vào năm Giáp Thân (1044), nhân thấy được mùa lớn, Thái Tông tuyên bố: “Nếu trăm họ đã no đủ, trẫm lo gì không no đủ”. Nói xong liền hạ lệnh xá một nửa tiền thuế cho cả nước. Đó là việc làm điển hình của sự khoan sức dân và niềm tin ở dân. Ba là, vào tháng 10 năm Kỉ Sửu (1049), Thái Tông cho dựng chùa Một Cột ở Thăng Long. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 37-a) chép rằng:

    “Trước đây, Vua chiêm bao thấy Phật Quan âm ngồi trên tòa sen và dắt Vua lên tòa. Tỉnh dậy, Vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Có người cho là điềm chẳng lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa ao, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt lên trên cột như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu cho vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc, tức kéo dài tuổi thọ)”.

    Lời bàn:

    Soạn được Hình thư, Thái Tông đã tạo được khuôn phép cho cả một thời, lối cai trị theo tập tục tùy tiện đến đấy kể như cáo chung, nước có luật bắt đầu từ đó.
    Từng nghe triều đình xưa miễn giảm thuế cho dân mỗi khi có thiên tai địch họa hay mất mùa đói kém, chứ chưa từng nghe nhà nước miễn thuế cho dân vì thấy được mùa lớn bao giờ. Thái Tông quả là đã để đức lớn cho con cháu và dân trăm họ vậy.
    Dựng chùa Một Cột, Thái Tông đã in dấu ấn ngàn năm cho kinh thành Thăng Long. Muôn đời sau, nói đến Thăng Long là nói đến chùa Một Cột, và hễ nói đến chùa Một Cột là nói đến sự tinh tế tuyệt vời của Lý Thái Tông.
    Cổ kim dễ đã có mấy ai làm được như vậy. Một trong những người sống mãi với non sông là Lý Thái Tông đó thôi.

  4. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    13 - ĐỨC ĐỘ CỦA VUA LÝ THÁNH TÔNG

    Lý Thánh Tông (1054 - 1072) tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Thái Tông, mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai. Năm Thiên Thành thứ 1 (1028) Nhật Tôn được sách phong Đông cung thái tử, Thái Tông băng, bèn lên ngôi báu. Ông là vị vua rất mộ đạo, giàu đức từ bi và từng cho xây cất rất nhiều chùa chiền. Lòng lành của Lý Thánh Tông tỏa đến cả tù nhân trong ngục tối. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 1-b) có chép một mẩu chuyện xẩy ra vào năm Ất Mùi (1055) như sau:

    “Mùa Đông, tháng 10, trời giá rét lắm. Vua bảo các quan tả hữu rằng: Trẫm ở trong cung cấm, nào lò sưởi ngự, nào áo hồ cầu (áo lông cáo) mà còn rét như thế này, huống chi là tù nhân trong ngục, thân khổ vì gông cùm, gian ngay chưa rõ, vậy mà cơm ăn không no bụng, mặc áo không kín thân, khốn khổ vì gió rét, có kẻ chết không đáng tội... Trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy, lệnh cho hữu ti phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

    Sau khi chép lại sự kiện này, các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã thẳng thắn phê ngay một câu rằng: “Còn dân lành thì sao ?”.

    Lời bàn:

    Đại Việt sử kí toàn thư chép thiếu, có lẽ sách Khâm định Việt sử giám cương mục cứ theo sự không đầy đủ ấy mà chép lại nên mới ngỡ là vua Lý Thánh Tông chỉ mới nghĩ đến tù nhân, chưa nghĩ đến dân lành. Xem sách Đại Việt sử lược (tác phẩm khuyết danh, viết vào đầu thế kỉ XIII, quyển 2 tờ 10-b) thì thấy còn có một câu ở ngay cuối đoạn văn trên. Câu ấy như sau: ”Vua ban cho dân trong cả nước một nửa số tiền thuế năm đó”.

    Thế là đã rõ.

    Hiển nhiên, Lý Thánh Tông hay bất cứ ông vua nào thuở xưa, dù nhân đức bao nhiêu thì cũng là người bóc lột. Song, điều đáng nói ở đây là người bóc lột ấy đã biết chăm lo đến đối tượng bóc lột của mình, ấy là dân. Mà dân muôn đời chắc cũng mong được như vậy.

  5. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    14 - CHUYỆN CON KỲ LÂN

    Sách Đại Việt sử lược (quyển 2, tờ 10-b) cho biết là vào năm Đinh Dậu (1057), vua Lý Thánh Tông nhân bắt được hai con thú lạ, bèn sai viên ngoại lang là Mai Nguyên Thanh đem sang biếu nhà Tống, nói đại rằng đó là hai con kì lân. Sự kiện này được sách Đại Việt sử kí toàn thư và sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại và bổ sung thêm nhiều chi tiết khá độc đáo. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 3, tờ 22) viết như sau:

    “Đem con thú lạ sang tặng nhà Tống, nói gạt là con lân. Khu mật sứ của nhà Tống là Điền Huống nói rằng:
    - Đó chỉ là con thú lạ, chứ không phải con lân.
    Tư Mã Quang nói:
    - Nếu quả là con lân thực mà xuất hiện không đúng lúc cũng không phải là điềm lành. Nếu là con lân giả thì chỉ tổ làm cho người phương xa cười thôi.
    Thế rồi nhà Tống tặng quà và đưa tiễn rất ưu hậu, bảo sứ giả về”.

    Lời bàn:

    Không biết là con thú gì mà cũng nói đại là con lân, lại còn cả gan đem sang biếu thiên triều, các quan nhà Lý lúc ấy quả là liều lĩnh có một không hai. May thay, người lòa lại gặp người mù. Quan nhà Tống là Điền Huống khẳng định rằng đó chỉ là con thú lạ, không phải con lân, thì cũng là liều không kém. Còn như Tư Mã Quang, khôn khéo có thừa mà tri thức cũng chẳng hơn ai, đừng tưởng nói không mất lòng ai là được việc. Mới hay, Mai Nguyên Thanh, Điền Huống, Tư Mã Quang cùng triều thần hai bên gặp nhau ở đây là phải lắm.
    Chuyện kì lân lại hóa thành chuyện kì cục. Kẻ hay đàm đạo những điều mà mình không biết, hãy nên lấy đó làm gương.

  6. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    15 - SỰ TÍCH ĐỒNG BÔNG Ở TỪ LIÊM (HÀ NỘI)

    Mãi đến năm 40 tuổi mà vua Lý Thánh Tông vẫn chưa có con trai nên lòng những lo lắng vì không biết rồi sẽ để ngai vàng lại cho ai. Nhà vua vốn đã mộ đạo, nhân vì chuyện này lại càng chăm đi cầu tự khắp mọi chùa chiền. Duyên kì ngộ bởi vậy đã đến với nhà vua. Sách Khâm định việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 3, tờ 26) viết rằng :

    “Khi đến làng Thổ Lỗi (tức làng Siêu Loại, Bắc Ninh - ND), có người con gái hái dâu đang tựa vào khóm cỏ lan, Nhà vua thấy lạ, cho vời vào cung, lập làm Ỷ Lan Phu nhân".
    Nhưng Ỷ Lan vào cung một thời gian khá lâu mà vẫn chưa sinh hạ Hoàng tử. Lý Thánh Tông lại tiếp tục đi cầu tự. Có lúc Nhà vua đích thân đi, nhưng cũng có lúc Vua ủy cho quan lại đi thay mình. Năm Quý Mão (1064), Chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông được sai đi làm việc này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 3-a) viết :
    “Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa (chết và cho hồn đầu thai ngay vào kiếp người khác - ND), Bông nghe theo. Việc ấy bị phát giác, Vua sai chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa (Thánh Chúa) ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía Tây trước cửa chùa, nay hãy còn".

    Lời bàn :

    Nguyễn Bông đã tận tụy làm những gì chức phận phải làm, cũng có thể gọi là trung. Vua Lý Thánh Tông một đời nhân đức, sao mà lúc này lại đang tâm giết chết Nguyễn Bông, cũng có thể gọi là tàn bạo. Thuật đầu thai thác hóa mà nhà sư chùa Thánh Chúa truyền dạy cho Nguyễn Bông quả là thuật .. bợm. Nguyễn Bông chết trong oan uổng và mãi đến hai năm sau, Ỷ Lan mới sinh hạ Hoàng tử là Càn Đức, chẳng lẽ linh hồn Nguyễn Bông gian nan vất vưởng lâu đến thế hay sao ?
    Cái tên Đồng Bông còn đó với thiên thu, hễ ai trong hậu thế mà tập nhiễm sự thèm khát con trai kiểu Lý Thánh Tông, sự bịp bợm kiểu nhà sư ở chùa Thánh Chúa hay sự trung thành mê muội có pha chút tham vọng của Nguyễn Bông, xin hãy đọc kĩ chuyên này.

  7. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    16 - CHÚT SĨ DIỆN ĐÁNG YÊU CỦA VUA LÝ THÁNH TÔNG

    Đầu nửa sau của thế kỉ XI, quan hệ bang giao giữa Đại Việt với nhà Tống trở nên rất căng thẳng. Bấy giờ, nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lăng nước ta. Để góp phần thực hiện kế hoạch nguy hiểm này, chúng đã tung sứ giả đến nhiều lân bang, xúi giục họ phối hợp tấn công, quấy phá Đại Việt. Chiêm Thành là nước đã nghe theo lời xúi giục này. Hai gọng kềm quân sự to lớn đã xuất hiện, một ở phía Bắc là nhà Tống và một ở phía Nam là Chiêm Thành, cả hai đã sẵn sàng để bóp nát Đại Việt. Trước tình hình ấy, triều Lý chủ trương lần lượt bẻ gẫy từng gọng kìm để rồi cuối cùng, đập tan toàn bộ mưu đồ xâm lăng của nhà Tống. Mục tiêu đầu tiên của Đại Việt là gọng kìm phía Nam. Đầu năm Kỉ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân vào Nam. Khi đi, Thánh Tông giao quyền điều khiển chính cho Ỷ Lan (lúc này đã được sách phong là Nguyên phi, tức người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua, sau Hoàng hậu). Chiêm Thành tuy không lớn nhưng có địa thế hiểm trở, thắng được cũng không phải là dễ dàng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 4-b và tờ 5-a) chép sự kiện này như sau:

    “Trận này, Vua đánh Chiêm Thành mãi không được, bèn rút quân về. Đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa, hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi bà là Quan Âm. Vua nói: “Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa. Thắng được”.

    Lời bàn:

    Năm ấy, vua Lý Thánh Tông đã 46 tuổi. Cứ chữ mà suy thì thiên tử nghĩa là con trời, song, các bậc thiên tử ở độ tuổi này thường rất hay coi trời bằng vung. Vậy mà rốt cuộc, cũng đã có lúc ông trời con là Lý Thánh Tông chợt thấy mình thua kém. Thua kém ai còn được, thua vợ mình thì còn ra thể thống gì nữa. Thánh Tông vì sĩ diện mà quyết đánh đến cùng. Chiêm Thành thua, gọng kìm phía Nam tan nát và sau đó đến lượt nhà Tống cũng đại bại. Chút sĩ diện ấy đáng yêu biết ngần nào. Câu sau cùng này có lẽ xin dành riêng để tâm sự với các đấng mày râu, rằng ở đời, ta có thể thua bà hàng xóm hay một người phụ nữ nào đấy, nhưng chớ để thua kém vợ mình. Mỗi đấng mày râu cố một chút, nhất định xã hội sẽ được nhờ, các bà cũng nhân đó mà được nhờ hơn nữa. Thử mà xem.

  8. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    17 - DƯƠNG THÁI HẬU VÀ 76 THỊ NỮ BỊ GIẾT HẠI

    Tháng 1 năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức bấy giờ mới 6 tuổi lên nối ngôi, đó là vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Thái tử Càn Đức là con đẻ của Ỷ Lan Nguyên phi, nay Càn Đức lên ngôi, Ỷ Lan được tôn phong là Linh Nhân Thái phi, còn Hoàng hậu họ Dương thì được tôn phong là Dương Thái hậu. Lễ xưa quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền buông mành giữa triều đình để ngồi ở phía sau mành mà nghe quần thần tâu bày chính sự, ấy gọi là thùy liêm. Chỉ thái hậu mới được quyền buông mành nhưng Dương Thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó khiến Linh Nhân Thái phi căm tức. Năm Quý Sửu (1073), một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra mà nạn nhân chính là Dương Thái hậu cùng 76 thị nữ (cũng có sách nói chỉ có 72 thị nữ mà thôi). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 7-a) chép rằng:

    “Linh Nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác hưởng, vậy con để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông”.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với Vua. Bấy giờ, Vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to…”.

    Lời bàn:

    Dương Thái hậu buông mành điều khiển chính sự, ấy là bởi quy định của điển lễ xưa, âu cũng là bổn phận phải làm vậy. Linh Nhân Thái phi buồn vì sự đời bất như ý, từ đó đâm ra ghen tức, ấy cũng là sự thường của người lòng dạ hẹp hòi, đàn ông đàn bà gì cũng thế mà thôi. Một đời Linh Nhân có biết bao cống hiến, sử sách ghi đầy đủ, nhưng một lần Linh Nhân tàn sát hơn bảy chục người, sử sách cũng không quên. Bởi việc tàn sát này mà nhân tâm li tán, kẻ thù lợi dụng, thử hỏi lúc đó nếu không có Lý Thường Kiệt thì vận mệnh nước nhà sẽ ra sao?

  9. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - LÝ THƯỜNG KIỆT VỚI BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ”

    Cuối năm Bính Thìn (1076), nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, tuy đã chủ động chuẩn bị đối phó từ trước, vẫn chống cự một cách rất khó khăn. Giặc tràn xuống bờ Bắc sông Cầu và đội quân tiên phong của chúng đã bước đầu chọc thủng được chiến tuyến Như Nguyệt. Chiến tuyến vỡ, một mảng quan trọng trong niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của quân sĩ ta cũng theo đó mà tan vỡ. Muốn giành lại được thế chủ động, trước phải đập tan đội quân tiên phong của giặc, mà muốn đập tan đội quân tiên phong này, trước phải tìm cách lấy lại và kích động mạnh mẽ tinh thần của quân sĩ. Nhận rõ điều đó, Lý Thường Kiệt đã bí mật đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hát ở ngay bên bờ sông Cầu, đọc to bài thơ không đề sau đây:

    Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

    (Sông núi nước Nam, vua Nam ở
    Rành rành ghi rõ ở sách trời.
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).


    Binh sĩ nghe lời thơ, tinh thần phấn chấn hẳn lên, ai ai cũng cố sức đánh giặc. Đội quân tiên phong của nhà Tống bị đập tan, chiến tuyến sông Cầu cũng mau chóng được hàn lại. Giặc từ đó bị giam chân ở bờ Bắc sông Cầu, tiến thoái lưỡng nan. Đến đầu năm Đinh Tị (1077), chúng bị Lý Thường Kiệt mở trận quyết chiến chiến lược ở Như Nguyệt, đánh cho tan tành.

    Ấy là bài thơ không đề, nhưng vì câu mở đầu phiên âm Hán - Việt là Nam quốc sơn hà Nam đế cư nên người đời thường gọi đó là bài Nam quốc sơn hà, lại cũng vì bài ấy được đọc lên lần đầu tiên ở trong đền thờ Trương Hát nên người đời cũng gọi đó là bài thơ thần.

    Lời bàn:

    Giữa lúc trận mạc hiểm nguy, sống chết cận kề mà vị tổng chỉ huy là Lý Thường Kiệt vẫn ung dung làm được bài thơ tuyệt vời này thì quả là vô cùng đặc biệt. Thơ đã tuyệt mà cách phổ biến thơ lại còn tuyệt hơn. Binh sĩ một lòng tin chắc rằng thần linh sông núi đang đứng về phía họ, sách trời cũng minh chứng cho đại nghĩa của họ, bảo họ không phấn khích làm sao được. Cơ trời huyền diệu, chỉ có thần nhân mới biết được, vậy thì thơ ấy, đọc ở thời điểm ấy, đọc ngay trong đền thờ ấy… tất cả đều hợp lẽ vô cùng. Hậu thế coi đó là bài thơ có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà, kể cũng phải lắm thay.

  10. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19 - VỤ ÁN LÊ VĂN THỊNH

    Năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở ngay thủ đô Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà kể từ đó. Đến năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta. Đó là khoa minh kinh bác học, người có vinh dự đỗ đầu kì thi này là Lê Văn Thịnh.
    Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào giảng học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên đến chức thái sư của triều đình, quyền uy một thời lừng lẫy thiên hạ. Nhưng đến tháng 3 năm Bính Tý (1096), Lê Văn Thịnh phạm tội, bị bắt đi đày (có sách nói là ở Phú Thọ nhưng cũng có sách nói là ở Thanh Hóa ngày nay). Vụ án này thoạt nghe cứ như là chuyện đùa nhưng lại là một vụ án có thật, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 1 và 2) ghi lại như sau:
    “Trước, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc ngày nay). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó, Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác. Bấy giờ, nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên hồ nổi sương mù, rồi có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy lao tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo phóng tới thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy thì té ra lại là thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao nên không nỡ giết, chỉ bắt đi an trí ở trại Thao Giang (vùng Phú Thọ). Vua thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp.

    Lời bàn:

    Tháng 3 ở Hồ Tây, sương mù bỗng chốc xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Nay hiện tượng này vẫn có huống chi là ngót ngàn năm trước, quanh hồ cây cối còn hoang vu. Giữa đám mây mù, vua quan nhìn gà hoá cuốc, Văn Thịnh bởi thế mà mang tội trong chỗ không ngờ chăng?
    Dân gian kể rằng ông biết hóa hổ từ hồi còn là học trò và đã có lần mẹ ông chết ngất khi thấy ông hóa hổ ở ngay trong phòng học. Lê Văn Thịnh khác người ở chỗ giỏi hơn người, vì thế mà ông mang tội cũng phải khác người chăng? Không thấy sử chép là ông đã nói gì khi bị bắt, nhưng chắc là khó nói, bởi ý vua đã quyết, có nói cũng bằng thừa thôi.

+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình