+ Trả lời chủ đề
Trang 3/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 54

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 2

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - CHUYỆN GIÁC HOÀNG

    Ở thời thịnh trị, muôn vạn binh hùng tướng mạnh của ngoại bang ồ ạt tràn đến, triều chính chưa dễ đã lung lay nhưng ở thời chính sự suy vi, có khi chỉ một đứa bé cỏn con cũng đủ sức để làm cho ngai vàng nghiêng ngửa. Chuyện cậu bé Giác Hoàng xảy ra vào đầu năm Nhâm Thìn (1112) được sách Đại Việt sử lược (quyển 2, tờ 21 a-b) ghi lại sau đây, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu:
    “Tháng 2 (năm 1112), người ở Thanh Hoá nói rằng, ven biển nơi ấy có đứa bé lạ, mới ba tuổi mà ai nói gì cũng hiểu, tự xưng là con vua, hiệu Giác Hoàng (nghĩa là Phật, người đã giác ngộ hoàn toàn). Phàm Vua làm gì, nó cũng đều biết trước. Vua sai quan trung sứ đến hỏi, thấy những điều nó nói đều đúng, bèn đón về, cho ở tại chùa Báo Thiên (Hà Nội). Vua thấy nó linh dị nên yêu quý lắm. Bấy giờ, Vua không có con trai, định lập nó làm thái tử, nhưng quần thần cho là không nên, bèn thôi. Vua sai bày trai đàn ở trong cấm đình, muốn sai Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Có vị sư tên là Từ Lộ (hiệu là) Đạo Hạnh ở núi Phật Tích nghe tin đó, không bằng lòng, bèn bảo với người chị là Từ thị đi dự hội. Đạo Hạnh ngầm đưa vài hạt châu đã làm phép, nói với chị rằng, khi tới cuộc hội, nhớ đem giắt vào mái nhà, đừng để cho ai biết. Từ thị làm đúng lời dặn. Giác Hoàng bỗng nhiên mắc bệnh sốt, nói với mọi người rằng, hắn thấy khắp trong nước đều có chăng lưới sắt, không còn đường để vào thác sinh ở trong cung. Vua sai tìm kiếm khắp nơi thì bắt được mấy hạt châu của Từ thị giấu. (Vua) sai bắt Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, toan xử tử. (Bấy giờ) Sùng Hiền Hầu (em Vua) vào chầu. Lộ kêu than rằng, xin Hiền Hầu cứu bần tăng, nếu may mà bần tăng thoát chết thì (sau sẽ) xin làm con của (Hiền) Hầu để báo đền ơn đức. (Hiền) Hầu nhận lời. Vào chầu vua để cứu Lộ, Hầu nói, Giác Hoàng nếu thực sự có sức thần mà bị Lộ làm phép yểm được, thì Lộ rõ ràng là giỏi hơn Giác Hoàng. Thần cho rằng, chi bằng hãy cho ngay Từ Lộ thác sinh. Vua bèn tha tội Lộ.
    Giác Hoàng bị bệnh rất nguy, trăng trối lại rằng, sau khi chết, hãy dựng tháp ở núi Tiên Du mà thờ y”.

    Lời bàn:

    Bậc xuất chúng có tài bẩm sinh, thời nào cũng có. Giác Hoàng cũng chỉ là một trong số những người ấy. Song, hành trạng Giác Hoàng thực hư lẫn lộn, trăm sự chẳng qua cũng bởi sự sùng Phật thái quá của người đương thời. Thiên tài phải một phen hú vía vì vua bắt đầu thai thác hóa, phát sốt mà thành bệnh nguy kịch cũng phải.
    Từ Đạo Hạnh là bậc tu hành, tự nói có pháp thuật cao cường, song thói tục đời thường xem ra vẫn còn nặng lắm. Từ Đạo Hạnh dùng bùa phép để hãm hại Giác Hoàng là bậc đồng đạo, ấy là thói ghen ghét vẫn còn chất chứa. Từ Đạo Hạnh lại muốn chính mình được đầu thai thác hóa để kiếp sau được làm vua, ấy là hòng tham quyền thế còn rất nặng nề. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3 tờ 16-a) chép rằng, về sau, Từ Đạo Hạnh thác hóa làm con của Sùng Hiến Hầu (em vua Lý Nhân Tông), ấy là Lý Dương Hoán. Nhân Tông không có con trai nên truyền ngôi cho Lý Dương Hoán, đó là Lý Thần Tông (1128 - 1138).

  2. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 - LƯỢC TRUYỆN VỀ Ỷ LAN

    Ỷ Lan nghĩa là dựa vào cây lan, đó là hình ảnh hết sức độc đáo của cô thôn nữ vùng Thổ Lỗi (Bắc Ninh) mà vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên bắt gặp khi đi cầu tự ở vùng này.
    Sử cũ chép rằng, bấy giờ, Vua xuân thu đã bốn chục nhưng chưa có vị hàng tử nào, lòng lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Nghe tin Vua đến, dân làng Thổ Lỗi nô nức ra đường đón xem, duy chỉ có cô thôn nữ đặc biệt này lại ngồi dựa vào đám cỏ lan mà hát. Vua thấy lạ, liền đón về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau sách phong dần lên đến Nguyên phi (người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhà vua lấy ngay hình ảnh của kỉ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho Nguyên phi, người đương thời cũng như người bao thế kỉ qua nhân đó mà gọi là Ỷ Lan Nguyên phi. Sự kiện này có lẽ xẩy ra trước hoặc sau năm 1063 chút ít.
    Đến năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông, 1072 - 1127). Địa vị của Ỷ Lan trong hoàng tộc trở nên vững vàng. Nhà vua vì đặc biệt yêu quý Ỷ Lan Nguyên phi mà vào năm 1068 đã cho đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (nghĩa là vượt lên trên đồng loại).
    Hoàng đế Lý Thánh Tông quả đúng là người có con mắt nhìn người rất tinh tường. Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã giành cho vua Lý Thánh Tông những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả có lẽ là sự kiện năm Kỉ Dậu (1069). Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành.
    Trước khi đi, Nhà vua vì tin cẩn mà trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan Nguyên phi, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân về, nào ngờ dọc đường về, Nhà vua nghe quan lại và nhân dân ca ngợi rằng nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói: “Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao ?”. Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh nữa, và lần ấy Nhà vua giành đại thắng !
    Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức lên ngôi, đó là Lý Nhân Tông, Ỷ Lan Nguyên phi được tôn phong làm Ỷ Lan Thái phi... Một năm sau sự kiện này, nội bộ cung đình có sự tàn sát lẫn nhau. Ỷ Lan Thái phi đã bức hại Dương Thái hậu cùng 76 thị nữ khác. Đấy là lỗi lớn của Thái phi, sử không thể bỏ qua và chính Ỷ Lan cũng nhiều phen tự lấy làm tiếc… Dương Thái hậu mất rồi, Ỷ Lan hiển nhiên là Thái hậu với tên hiệu mới là Linh Nhân, nhưng người đời vẫn quen gọi bà là Ỷ Lan.
    Ở địa vị tột đỉnh của hiển vinh nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn, những người đã và đang sống những cuộc đời còn thua kém cả thuở hàn vi của bà. Họ có khi còn không được quyền nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Sử cũ chép rằng, vào năm Quý Mùi (1103), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy”.
    Nhờ có thời son trẻ sống chân lấm tay bùn ở nơi thôn dã, bà hiểu rõ rằng nông dân cần gì, nông nghiệp cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp. Canh cánh nỗi lo ấy đã theo bà cho đến phút chót của cuộc đời. Sách Đại Việt sử kí toàn thưa (bản kỉ, quyển 3, tờ 17 a-b) có ghi lại một sự kiện xẩy ra vào mùa xuân năm Đinh Dậu (1117), tức là chỉ mấy tháng trước khi bà qua đời, như sau:
    “Hoàng Thái hậu nói: “gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc trộm cắp trâu bò làm nghề sinh nhai, trăm họ cùng quẫn, đến nỗi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm, vậy mà nay giết trâu bò lại còn nhiều hơn”. Bấy giờ Vua mới xuống chiếu rằng, kẻ nào mổ trộm trâu bò thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (tức là làm kẻ phục dịch trong quân), vợ của kẻ đó bị xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ (tức là phục dịch ở nơi chăn tằm) và bồi thường trâu bò. Láng giềng nào biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng”.
    Bà là người sùng Phật. Tính đến năm 1115, Bà đã cho xây cất trên 150 cái tháp. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương Thái hậu và 76 thị nữ nên mới làm như vậy. Thực ra, trước khi sùng Phật, Bà đã cho mời nhiều bậc cao tăng vào Hoàng cung để hỏi cho ra lẽ, rằng Phật là gì, Phật từ đâu tới, giáo lí của nhà Phật ra sao… v.v. Chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh (nghĩa là anh tú vườn Thiền) rất có giá trị sau này.
    Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117), bà qua đời, có lẽ thọ vào khoảng ngoài 70 tuổi. Bà quả là một phụ nữ sáng danh của lịch sử nước nhà vậy.

  3. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    22 - DI CHIẾU CỦA LÝ NHÂN TÔNG

    Lý Nhân Tông (1072 - 1127), húy là Càn Đức, con trưởng của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), mẹ đẻ là Ỷ Lan Thái phi. Vua sinh vào tháng 1 năm Bính Ngọ (1066). Càn Đức chào đời hôm trước thì ngay ngày hôm sau được phong làm Thái tử và đến năm lên 6 tuổi (Nhâm Tí - 1072) thì được lên nối ngôi. Chân dung vua Lý Nhân Tông được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 6-b) miêu tả đại lược như sau :
    “Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp, người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý".
    Lý Nhân Tông ở ngôi 56 năm, thọ 62 tuổi, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng, Lý Nhân Tông bất diệt không phải là chỗ trị vì lâu dài, mà là ở lời di chiếu chứa chan lòng yêu nước, thương dân. Cũng sách trên (tờ 25-b và 26-b) đã trang trọng ghi lại lời di chiếu ấy. Xin trích hai đoạn. sau đây :
    “...Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế nhưng người đời chẳng ai không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho thế là phải. Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế... làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào ? Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì ?"
    “…Việc tang thì chỉ ba ngày là bỏ áo trở, nên thôi thương khóc. Việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng, từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, bày tỏ cho hết trong ngoài"...

    Lời bàn:

    Thói thường, lời vĩnh quyết cũng có thể là lời vô nghĩa nhất mà cũng có thể là lời minh tuệ nhất. Lời Lý Nhân Tông thuộc loại thứ hai. Nhưng, lời ấy không phải là lời bất chợt của phút chót cuộc đời mà là lời phản ánh một đời nặng lo gánh vác trọng trách trước sơn hà xã tắc. Lý Nhân Tông là nhân vật gắn liền với ba sự kiện lớn ở nửa sau của thế kỉ XI. Một là đã mở khoa thi Nho học đầu tiên vào năm Ất Mão (1075). Từ đây, phương thức tuyển lựa quan lại bằng thi cử được thiết lập. Cũng từ đây, đội ngũ quan lại chính quy dần dần thay thế đổi ngũ qúy tộc thế tập. Hai là đã lập ra Quốc Tử Giám vào năm Bính Thìn (1076). Từ đây, nền đại học của nước nhà được khai sinh. Cũng từ đây, trước khi tham chính, quý tộc phải trải qua một giai đoạn đào tạo hẳn hoi. Ba là đã chỉ huy quân dân cả nước đập tan cuộc xâm lăng của nhà Tống vào năm Đinh Tị (1077), làm cho “nước lớn sợ”, làm cho uy danh của nước Đại Việt trở nên lừng lẫy.
    Con người có nhiều cống hiến lớn lao ấy lại không muốn xây lăng mộ riêng, cho dẫu trước sau ông vẫn là đại diện cao nhất của giai cấp quý tộc đương thời. Ngày nay, khi dền với Thăng Long cổ kính, ai cũng biết và cũng muốn đến với khu Quốc Tử Giám nổi tiếng ngàn năm, nhưng hầu như chẳng ai biết và cũng ít ai muốn về thăm nấm mồ bình dị của ông. Ông đã hóa thân thành lịch sử và chính ông cũng là một phần của lịch sử nước nhà vậy.

  4. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    23 - LÝ LỘC VÀ LÝ TỬ KHẮC ĐUỢC THĂNG TƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

    Lý Lộc và Lý Tử Khắc đều là thân vương của triều Lý, nhưng sau đến triều Trần, do triều đình có lệ bắt những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên đôi khi, hai người này cũng được sử cũ chép là Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc.
    Thời Lý, cả hai cùng sinh ra trên nhung lụa, cùng làm quan dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, cùng có cuộc đời quý tộc rất trưởng giả và cùng có cơ may được thăng tước trong năm Kỉ Dậu (1129), là năm thứ hai trong đời trị vì của vua Lý Thần Tông (1128- 1138). Lý Lộc gặp may vào tháng 2 còn Lý Tử Khắc gặp may vào tháng 3. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3 tờ 33 a - b và tờ 34 a) đã chép về sự may mắn của họ, kèm theo lời bình của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu như sau :

    “Thân vương Lý Lộc tâu rằng, ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, bèn cho Lộc tước Đại liêu ban".

    “Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng lời tâu rằng, rừng ở Giang Để (có lẽ là vùng Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay) có hươu trắng. Vua sai Thái uý Lưu Khánh Đàm đi bắt được, bèn thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu”.

    Lê Văn Hưu nói : "Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Còn như chim quý thú lạ thì không nên nuôi ở kinh đô, ấy cũng là lời răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng, cho vật ấy là điềm lành, Tặng Lộc tước Đại liêu ban và Tử Khắc tước minh tự, thì cả người tặng thưởng và người nhận thưởng đều là sai cả. Vì sao ? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước thế là lạm thưởng, Lộc và Khắc không có công lao mà dám nhận thưởng, thế là dối vua".

    Lời bàn :

    Ai bảo chuyện hươu chuyện vượn là chuyện tào lao, còn đây, chuyện hươu lại thực là chuyện làm nên danh vọng. Những kẻ vào sống ra chết để giữ gìn xã tắc, những người cúc cung tận tụy để dân giàu nước mạnh… dễ gì đã được thiên tử đoái hoài cất nhắc. Điềm lành đâu chẳng thấy, chỉ thấy từ đó đất nước bắt đầu lâm nguy.

  5. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    24 - VÌ SAO TRẦN NGỌC KHÁNH ĐƯỢC ĐỔI GỌI LÀ TRẦN THIỆN GIÁN ?


    Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 25) có dẫn sách Danh tiết lục của Trần Kỳ Đằng để chép một chuyện xảy ra vào năm Kỉ Dậu (1129) như sau :

    “Từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa. Nhà vua ( Lý Thần Tông) thân đi cầu mưa mà không ứng nghiệm, nhân đó nói với các quan hầu cận rằng :

    - Trẫm là người ít đức, can phạm đến trời để làm mất hòa khí. Mùa xuân năm ngoái thì mưa dầm, mùa xuân năm nay lại đại hạn. Trẫm lấy làm lo lắng lắm. Các khanh nên nghĩ xem, nếu thấy trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho trẫm.

    Viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh tiến lên nói rằng :
    - Ba tháng mùa xuân là dịp sinh nở của muôn vật. Trời không mưa thì sinh sống của các loài sẽ ra sao ? Hoặc giả là hình ngục có sự oan uổng, sai trái, làm hại đến hòa khí chăng? Kinh Thi có câu rằng, chính lệnh của Vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc thì điềm dữ sẽ đến, ấy là nắng nhiều. Vậy xin Bệ hạ nghĩ lại.

    Nhà vua cho là phải, bèn xuống chiếu tha các tội nhân trong nước. Tháng 4 trời mưa. Người ta gọi Trần Ngọc Khánh là Trần Thiện Gián (nghĩa là ông người họ Trần giỏi can gián)".

    Lời bàn :

    Vua Lý Thần Tông lên ngôi lúc chỉ mới 12 tuổi. Vua trẻ người non dạ lại rất mê tín dị đoan. Trong triều, bọn gian thần cơ hội và xu nịnh thì nhiều, người liêm chính và trung quân ái quốc lại quá ít. Vua cầu mưa không ứng nghiệm, lòng vì lo sợ mà cho các quan nói lời bổ cứu, chớ thực tình, Nhà vua nào có muốn nghe ý kiến của triều đình về quốc kế dân sinh. Lời của viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh chỉ là lời nói cho có, làm sao mà gọi được là lời can gián Nhà vua ? Các quan đương thời cùng nương theo sự tin dị đoan của Nhà vua mà nịnh khéo Vua bằng cách gọi Trần Ngọc Khánh là Tràn Thiên Gián đó thôi.

  6. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    25 - NHÂN CÁCH CỦA LÝ THẦN TÔNG

    Vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) nổi tiếng hơn người ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Ở đời, cha nào con nấy, thân phụ của Vua là Sùng Hiền Hầu (em ruột vua Lý Nhân Tông) cũng rất nổi tiếng là người tin dị đoan, từng nói rằng vua Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hóa đầu thai mà có. Vua tin dị đoan thì thiên hạ cũng vì thế mà có thêm lắm kẻ tin dị đoan. Tin thật cùng có mà giả vờ tin cũng có. Điềm lành dở, vật khác thường và chuyện kinh dị ... cứ thế phủ đầy những trang sử của đời vua Lý Thần Tông. Có một mẩu chuyện đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 28) ghi lại sau đây :

    “Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng ... đều đem dâng Vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng. (Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng : "Cá là loài nhỏ mọn mà Bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì Bệ hạ sẽ làm sao ?" . Bởi lời ấy, việc này mới thôi.

    Bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế nghĩa là : sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân (đây chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm".

    Lời bàn :

    Ở đời, có những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, và họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn. Vua Lý Thần Tông có lẽ cũng tạm xếp vào loại này được. Lời cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng là lời thẳng thắn, tiếc là Vua vẫn chứng nào tật nấy. Biết sao hơn được, bởi nhân cách Nhà vua đã định hình quá sớm mất rồi.
    Hậu thế cũng khéo khen cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ, xu nịnh một người làm hư hại phong hóa một thời, mưu chút lợi nhỏ cho riêng thân để muôn người chê bai.

  7. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    26 - TỪ VĂN THÔNG ĂN HỐI LỘ

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 41-b và tờ 42-a) có chép một mẩu chuyện xẩy ra vào tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), khi vua Lý Thần Tông đang hấp hối như sau :

    “Trước kia, Vua đã lập Thiên Lộc làm con nối ngôi. Đến đây Vua đau nặng, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập Thái tử khác, mới sai người đem của đút cho tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng có vâng mệnh để thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi Vua đau nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh Vua nhưng nhớ lời của ba phu nhân nên cứ cầm bút mà không viết. Lát sau, ba phu nhân đến, khóc lóc thảm thiết thà nói rằng :
    - Bọn thiếp nghe rằng, đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao cho khỏi nạn.
    Vua vì thế xuống chiếu rằng :
    - Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương".

    Lời bàn :

    Phàm người quang minh chính đại, hễ thấy điều gì hợp với đạo nghĩa là làm, không quỵ lụy van xin bất cứ ai. Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh đem vàng hối lộ Từ Văn Thông, ắt hẳn là muốn dùng vàng để che khuất chỗ bất chính của họ. Nước mắt của ba phu nhân là nước mắt thương xót người sắp lìa đời chăng? Tất không phải. Chẳng qua, đó chỉ là chút đưa đẩy cuối cùng, cốt lung lạc cho bằng được Nhà vua đang lúc hấp hối mà thôi. Từ Văn Thông sao lại phải chần chờ? Của đút đã làm vỡ nghiên cong bút mất rồi, bảo viết ngay làm sao được. Cả đời Thần Tông hầu như chẳng quyết đoán được việc gì, huống chi là lúc sức tàn lực kiệt.
    Ôi, vua nhu nhược ấy, bề tôi gian tà ấy, hoàng tộc chia bè kết cánh ấy…gặp nhau là phải lắm. Rốt cuộc là tất cả họ, nào có ai mất gì, chỉ có nước nhà là mất thời thịnh trị mà thôi.

  8. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    27 - LÝ CÔNG BÌNH MẤT CÔNG TRẠNG

    Đầu năm Mậu Thân (1128), nghĩa là ngay khi vua Lý Thần Tông vừa mới lên ngôi, nước ta bị Chân Lạp, đem quân đến quấy phá. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 30 a-b) cho biết rằng, ngày Giáp Dần (tức ngày 29 tháng 1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến vào đánh phá ở bến Ba Đầu của châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan Nhập nội Thái phó là Lý Công Bình cầm quân di đánh giặc. Ngày Quý Hợi (tức ngày 3 tháng 2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được cả chủ tướng của chúng và rất nhiều quân lính. Thắng trận xong, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về triều báo tin. Cũng sách nói trên (tờ 31-a) chép rằng :

    “Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (tức ngày 15 tháng 2 - ND), Vua ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành để làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp cho Công Bình đánh được người Chân Lạp.

    Lê Văn Hưu nói : "Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thể không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ".

    Lời bàn :

    Lý Công Bình vui nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng. Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người. Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép Nhà vua thưởng gì cho ông, Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ 22 tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính Nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.

  9. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    28 – VỤ ÁN ĐỖ ANH VŨ

    Đỗ Anh Vũ là quan thái úy phụ chính thời Lý Anh Tông. Vua Anh Tông lên ngôi năm 1138, lúc chỉ mới được hai tuổi, chính sự trong nước vì thế mà gần như đều do Đỗ Anh Vũ quyết đoán cả. Phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới 22 tuổi, bởi thế, các hoàng hậu và phi tần phải chịu cảnh góa bụa lúc còn quá trẻ. Đỗ Anh Vũ muốn nhân cơ hội đó tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình. Vì việc này mà một vụ án lớn đã xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150). Năm ấy, vua Lý Anh Tông 14 tuổi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 7 a-b) đã chép về vụ án này như sau:

    “Trước đó, Vua còn trẻ thơ, mọi việc chính sự lớn nhỏ đều ủy thác cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, nhân đó mà tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của AnhTông), và vì thế mà càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người liếc nhau chứ không ai dám nói. Quan Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ (Cát) Đái, chức Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, chức Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh... cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to lên rằng:
    - Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau.
    (Vua) bèn xuống chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ, trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh và giao cho đình úy xét việc. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào đồ đựng thức ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:
    - Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai họa về sau.
    Nói rồi, cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng (Thánh) là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, nói ngăn rằng:
    - Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết nhưng còn phải đợi mệnh vua, không nên tự tiện.
    (Nguyễn) Dương giận, chửi rằng:
    - Điện tiền Vũ Cứt Đái chứ chẳng phải Vũ Cát Đái (hai chữ Cát Đái đọc theo âm chữ Nôm là Cứt Đái). Hắn sao mà tham của đút đến quên cả mạng mình!
    Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.

    Bấy giờ, Vua xử án Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tức là đày đi là người cày ruộng cho nhà nước ở vùng Cảo Xã, nay thuộc đất Từ Liêm, Hà Nội). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ, bèn mở hội lớn nhiều lần để Vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại giữ chức thái úy như cũ, càng được yêu dùng hơn, do vậy càng làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng lộ rõ ra ngoài. (Hắn) còn sợ bọn lính đi bắt bớ thi hành lệnh không được như ý, mới dâng vua hơn một trăm thủ hạ, lập làm đô Phụng Quốc Vệ, hễ ai phạm tội cũng giao cho lính ở đô Phụng Quốc Vệ đi bắt. Anh Vũ tâu Vua rằng:
    - Trước kia bọn Vũ (Cát) Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được.
    Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu. Anh Vũ sai đô Phụng Quốc Vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. (Vua) xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Ninh Hầu làm tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm Phụng chức, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ (Cát) Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp ... quả y như lời nói của (Nguyễn) Dương”.

    Lời bàn:

    Vũ Cát Đái và những người đồng mưu bắt Đỗ Anh Vũ chẳng qua chỉ vì muốn giành những gì béo bở mà địa vị của Đỗ Anh Vũ có thôi. Có thế họ mới thản nhiên ăn của đút, bất chấp cả sự giận dữ của Nguyễn Dương. Ôi, vua nhỏ tuổi, thái hậu dâm loạn, quyền thần gian tà thi nhau lũng đoạn, phép nước chẳng còn ai lưu tâm tới nữa... nước chẳng có giặc mà thực là như đang có giặc, nguy lắm thay!

  10. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    29 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN QUỐC DĨ

    Nguyễn Quốc Dĩ (cũng có sách chép là Nguyễn Quốc) vốn người có tài, từng nhận mệnh vua Lý Anh Tông đi sứ sang nhà Tống. Tuy nhiên, con người vốn có tài ấy lại chết một cách tức tưởi vào năm Mậu Dần (1158). Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 6-a) chép rằng:
    “Viên tạ ti Nguyễn Quốc Dĩ đi sứ nhà Tống về. (Ông) tâu vua:
    - Thần đến nước Tống, thấy ở giữa sân (triều đình) có cái hòm bằng đồng để thu nạp những tờ sớ của bốn phương. Thần xin bệ hạ phỏng theo cách đó (mà làm) để thấu rõ được dân tình.
    Vua lấy làm phải, sai làm hòm để ở trước triều đình và lệnh rằng;
    - Ai muốn nói việc gì thì làm giấy bỏ vào hòm đó.
    Khoảng chừng một tháng, các thư sớ đã đầy hòm, trong đó có một tờ sớ nặc danh, bỏ trộm vào hòm, viết rằng: “Thái úy Đỗ Anh Vũ định đem binh vào cung làm loạn”. Kẻ nhận thư bèn đưa cho Anh Vũ. Anh Vũ nói:
    - Ông hãy vì ta mà tâu vua xin xét việc đó.
    Đến khá lâu sau vẫn không tìm ra kẻ viết thư, Anh Vũ bèn tâu vua rằng:
    - Thư ấy tất do người đề xướng việc làm hòm viết ra.
    Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em gái là Nghi giao cho quan xét xử, bày đặt buộc tội cho Quốc Dĩ rồi đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa. Được ít lâu, vua tính triệu Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ và nói:
    - Uống thuốc này thì có thể tránh được chướng khí. Quốc Dĩ biết rằng không thể thoát được, bèn uống thuốc độc mà chết”.

    Lời bàn:

    Nguyễn Quốc Dĩ muốn bắt chước thiên triều nên mới tâu xin vua đặt cái hòm bằng đồng ở giữa sân rồng. Nhưng ở thời quyền thần lũng đoạn và vu hãm lẫn nhau, vua thì bạc nhược và u mê, thử hỏi cái hòm kia phỏng có ích gì? Xót thay, cái hòm ấy chỉ để chôn Nguyễn Quốc Dĩ với những ý định tốt đẹp của ông mà thôi!

  11. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 3/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình