+ Trả lời chủ đề
Trang 8/8 ĐầuĐầu ... 6 7 8
Hiện kết quả từ 71 tới 76 của 76

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3

  1. #71
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    68 - PHÉP ÚNG XỬ CỦA TRẦN NGUYÊN ĐÁN

    Từ đời Trần Duệ Tông (1372 - 1377), nhờ khôn khéo, lại cùng nhờ có chút tài, Hồ Quý Ly được thăng quan tiến chức rất nhanh. Khoảng cuối đời Trần Phế Đế (1377 - 1388), Hồ Quý Ly thực sự là một quyền thần, thao túng mọi hoạt động của triều chính. Trước, hai bà cô ruột của Hồ Quý Ly (cũng là hai chị em ruột) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Qúy Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Đó là chưa nói bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Công chúa Huy Ninh là con gái của vua Trần Nghệ Tông ....
    Dựa vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này. Hồ Quý Ly từng bước củng cố địa vị của mình, quý tộc và quan lại đương thời, ai cũng lấy đó làm mối lo hàng đầu, nhưng không sao trừ diệt được.
    Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông nội của Trần Nguyên Hãn và cũng là ông ngoại của Nguyễn Trãi) thấy nguy cơ họ Trần mất ngôi là điều không thể tránh khỏi, bèn tính kế giữ thân. Năm Ất Sửu (1385), nghĩa là năm vừa tròn sáu chục tuổi, Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn (Hải Dương). Trước khi xa lánh chính trường, Trần Nguyên Đán đem các con là Mộng Dữ, Thúc Giao và Thúc Quỳnh gởi gắm cho Hồ Quý Ly. Đáp lại, Hồ Quý Ly cũng đem Công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ và cho Mộng Dữ làm chức Đông cung phán thủ, các em của Mộng Dữ là Thúc Giao và Thúc Quỳnh đều được làm Tướng quân. Công chúa Hoàng Trung vốn là con của cố tôn thất Trần Nhân Vinh và Công chúa Huy Ninh. Khi Nhân Vinh mất, vua Trần Nghệ Tông đem Huy Ninh gả cho Hồ Quý Ly. Bởi vậy, với Công chúa Hoàng Trung, Hồ Quý Ly là bố dượng, còn đối với Trần Nguyên Đán, Hồ Quý Ly là chỗ thông gia. Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đê ( 1398 - 1400) nhường ngôi cho mình. Nhà Trần dứt và nhà Hồ được dựng lên kể từ đấy. Thiếu Đế vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết, song, tôn thất họ Trần thì mắc họa kể cũng nhiều. Tư đồ Trần Nguyên Đán cùng gia quyến của ông tất nhiên là vẫn được yên ổn.

    Lời bàn :

    Hai mươi ba năm trước lúc về hưu, Trần Nguyên Đán viết bài Nhâm Dần niên lục nguyệt tác (thơ viết tháng sáu năm Nhâm Dân - 1362), trong đó có câu :

    Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
    Bạch đầu không phụ ái dân tâm.

    Nghĩa là :
    Đọc ba vạn quyển sách vẫn chẳng có nơi dùng đến,
    Đầu bạc đành phụ lòng thương dân.

    Xem thế cũng đủ biết Trần Nguyên Đán thất vọng ngay từ hồi còn trẻ. Thói thường, kẻ thất vọng chán chường dễ mất chí tiến thủ. Trần Nguyên Đán thì khác, ông rút lui mà không gây xung đột, náu ở chốn điền viên mà vẫn giữ được nét thanh tao viết để lại cho đời bộ Bách thế thông khảo (sách khảo về thiên văn và lịch pháp) cùng nhiều tác phẩm có giá trị khác. Tài đức của ông đủ để các bác danh nho như Nguyên Phi Khanh, Nguyễn Hán Anh lấy làm hân hạnh khi được làm nghĩa tế, mô phạm đủ để dạy dỗ cháu nội và cháu ngoại thành bậc kì tài của thiên hạ. Như ông ai dám nói hưu là nghỉ !

  2. #72
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    69 - CHUYỆN HAI NGƯỜI CON GÁI CỦA QUAN TƯ ĐỒ TRẦN NGUYÊN ĐÁN

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 8b) chép chuyện này như sau :

    "Nguyên Đán có hai người con gái, trưởng là Thái, thứ là Thai, sai nho sinh đem văn chương dạy cho cả hai người, Nguyễn Ứng Long dạy Thái, Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Ứng Long nhân gần gũi lả lơi, làm thơ ca bằng chữ Nôm khêu gợi Thái, thông dâm với Thái. Hán Anh cũng bắt chước Ứng Long mà làm thơ tặng Thai. Rồi Thái có thai, Ứng Long sợ mà bỏ trốn. Đến ngày Thái sinh nở, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu. Người nhà trả lời rằng Ứng Long vì sợ mà đã trốn đi rồi. Nguyên Đán nói :
    - Vận nước sắp hết (ý nói nhà Trần sắp đổ - ND) việc này biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc ?
    Nói rồi, bèn cho người gọi Ứng Long và Hán Anh đến bảo rằng:
    - Người xưa cũng đã có chuyện này, các ngươi không biết chuyện nàng Văn Quân với Tương Như đó hay sao? Nếu các người làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta.
    Hai chàng cám ơn sâu nặng mà chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ (Thái học sinh, tức Tiến sĩ - ND). Thượng hoàng (đây chỉ Trần Nghệ Tông - ND) nói :
    - Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng.
    (Triều đình nghe vậy) bèn bỏ không dùng. Sau, Hán Anh làm quan (cho nhà Hồ) đến chức chuyển vận sứ, Ứng Long cũng được nhà Hồ cất nhắc sử dụng, đổi tên là Nguyễn Phi Khanh".
    Người kể chuyện xin có mấy chú thích nhỏ. Một là về thời gian, chuyện này xảy ra trước ngày Trần Nguyên Đán về Côn Sơn (Hải Dương) trí sĩ, tức là trước năm Ất Sửu (1385). Hai là trong chuyện, Trần Nguyên Đán có nhắc đến Tương Như và Văn Quân. Tương Như ở đây là Tư Mã Tương Như, người Trung Quốc đời Hán Cảnh Đế, làm quan vũ kị thường thị, hay dùng tiếng đàn để mê hoặc người thiếu phụ góa bụa là nàng Trác Văn Quân (con gái yêu của Trác Vương Tôn). Sau, hai người lấy nhau. Tương Như nhờ Trác Vương Tôn giúp đỡ mà trở nên giàu có, được làm quan tới chức hiếu văn viên lệnh, rất nổi tiếng về tài văn chương. Ba là, người con của Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái, chính là Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, người được xếp vào hàng danh nhân văn hóa của nhân loại, được cả thế giới long trọng kỉ niệm 600 năm ngày sinh vào năm 1980.

  3. #73
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    70 - SỰ MẪN CẢM CỦA GIA TỪ HOÀNG HẬU

    Gia Từ Hoàng hậu vốn người họ Lê, là em họ của Hồ Quý Ly. Năm Quý Sửu (1373), bà được vua Trần Duệ Tông sách phong làm Hoàng hậu. Đến năm Đinh Tị (1377), Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, thua trận, chết trong đám loạn quân. Được tin này, bà Gia Từ Hoàng hậu liền cắt tóc đi tu, còn Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì quyết định lập con trưởng của Duệ Tông là Thái tử Hiện lên ngôi Hoàng đế. Đó là vua Trần Phế Đế ( 1377 - 1388). Thái tử Hiện lúc này mới được 16 tuổi, tài chưa đủ để cứu vãn cơ nghiệp đế vương họ Trần đang trên đà sụp đổ. Biết rõ điều đó, bà Gia Từ liền hết lời can ngăn, than khóc van xin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đừng đưa con bà lên ngôi, nhưng Thượng hoàng không nghe. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 13 a) chép rằng :

    "Hậu từ chối không được, bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng, con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nó đến phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm nữa".
    Lời tiên đoán của bà quả không sai. Hai năm sau khi bà mất, chính Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì nghe lời xúi giục của Hồ Quý Ly mà bắt giam Trần Phế Đế, giáng làm Linh Đức Công, sau lại còn ép phải thắt cổ tự tử chết một cách thê thảm.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : "Linh Đức được lập nên là do Nghệ hoàng, bị phế bỏ cũng do Nghệ hoàng. Trước, (Nghệ hoàng) bất chấp lời can của Hoàng hậu Lê thị (tức bà Gia Từ) là vì nghĩa, sau nghe lời gièm của Quý Ly là vì tư tình. Thế thì trước lập nên sao mà sáng suốt, sau phế bỏ sao mà ngu tối thế. Lại còn ép thắt cổ Linh Đức thì quá lắm".

    Lời bàn :

    Có bao nhiêu người bước vào hoạn lộ thì cũng gần như có bấy nhiêu người khát khao được thăng quan tiến chức. Có bao nhiêu người được thăng quan tiến chức thì cũng gần như có bấy nhiêu người hả dạ mừng vui. Thái tử Hiện được lên ngôi chí tôn mà mẹ đẻ là bà Gia Từ buồn rầu khóc lóc, chuyện ấy quả rất lạ. Bậc thông tuệ không bao giờ dám nhận những chức mà xét không đủ sức làm. Biết có thể mang họa vào thân mà vẫn nhận, kẻ háo danh xin hãy lấy sự mẫn cảm của Gia Từ Hoàng hậu để tự cảnh tỉnh mình.

  4. #74
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    71 - HAI LẦN NỔI DANH CỦA HỒ TÔNG THỐC

    Hồ Tông Thốc người Diễn Châu, Nghệ An, sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết dưới triều Trần Phế Đế (1377 - 1388), ông làm quan đến chức Hàn lâm Học sĩ phụng chỉ và thọ đến hơn 80 tuổi Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 9b) có ghi lại hai mẩu chuyện, phản ánh hai lần nổi tiếng khác nhau trong cuộc đời của Hồ Tông Thốc.

    Chuyện thứ nhất kể rằng, tuổi trẻ, Hồ Tông Thốc đỗ cao song tiếng tăm chưa lớn lắm. Một hôm nhân tiết Nguyên Tiêu, có vị đạo nhân ở kinh sư tên là Lê Pháp Quan treo đèn đặt tiệc, mời khách văn chương đến dự rất đông vui. Có rượu ắt phải có thơ, được chủ mời, Hồ Tông Thốc nhận thiếp xin đề thơ, làm xong cả trăm bài thơ trong bữa tiệc. Khách dự tiệc xúm lại xem, ai cũng thán phục. Từ ấy, tiếng tăm Hồ Tông Thốc vang dậy cả kinh sư, được người đời kính trọng.

    Chuyện thứ hai kể rằng, khi Hồ Tông Thốc còn làm chức An phủ sứ, có bòn rút của dân, việc bị phát giác. Vua Trần Nghệ Tông lấy làm lạ, thân hỏi việc này, Hồ Tông Thốc lạy tạ thưa rằng :
    - Một người được ơn vua, cả nhà ăn lộc trời !
    Nghệ Tông chẳng những tha tội mà sau đó còn cho thăng chức nhiều lần, Hồ Tông Thốc nhờ vậy mà làm chức đến Hàn lâm Học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ.

    Lời bàn :

    Lần thứ nhất, Hồ Tông Thốc nổi danh nhờ có thực tài. Lần thứ hai, Hồ Tông Thốc nổi danh bởi lòng tham. Sử cũ công bằng, mỗi lần nổi danh một cách nhưng đã là nổi danh thì đều phải ghi lại. Ở đây, chỉ có một người không hề công bằng, đó là vua Trần Nghệ Tông. Mới hay, giữ đức thanh liêm và giữ được sự minh bạch công bằng, quả là khó lắm. Cũng vì khó quá mà cả đến Hoàng đế cũng không giữ được chăng?

  5. #75
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    NIÊN BIỂU TRIỀU TRẦN

    Triều Trần chiếm giữ vũ đài chính trị của nước nhà tổng cộng 175 năm. Trong khoảng thời gian 175 năm đó, có mười hai vua người chính gốc họ Trấn và một vua tiếm ngôi (người khác họ) đã nối nhau trị vì. Đặc điểm của triều Trần là phần lớn các vua chỉ ở ngôi một thời gian, sau đó, nhường lại cho con hoặc em để lên làm Thượng hoàng, chứ không phải là vua trước mất, vua sau lên kế vị như hầu hết các triều đại khác.
    Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua, thời gian làm Thượng hoàng (nếu có) và tuổi thọ của từng Hoàng đế. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày tháng âm lịch. Riêng năm, ngoài việc kê tên theo can chi, chúng tôi còn ghi chú ngay trong ngoặc đơn bên cạnh, thứ tự của năm tính theo dương lịch.

    1 - TRẦN THÁI TÔNG (1225 - 1258) : tên thật là Trần Cảnh, cha là Trần Thừa, mẹ đẻ người họ Lê (không rõ tên). Vua sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218). Ngày 12 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), được vợ là vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Vua ở ngôi 33 năm, nhường ngôi để làm Thượng hoàng 19 năm (1258 - 1277), mất ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), thọ 59 tuổi.
    2 - TRẦN THÁNH TÔNG (1258 - 1278) : tên thật là Hoảng, con thứ hai của Trần Thái Tông (em Trần Quốc Khang), mẹ đẻ là Thuận Thiên Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tí (1240), lên ngôi năm Mậu Ngọ (1258), ở ngôi 20 năm, nhường ngôi để làm Thượng hoàng 12 năm (1278 - 1290), mất vào tháng 5 năm Canh Dần (1290), thọ 50 tuổi.

    3- TRẦN NHÂN TÔNG (1278 - 1293) : tên thật là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ đẻ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258), lên ngôi năm Mậu Dần ( 1278). Ở ngôi 15 năm, nhường ngôi để làm Thượng hoàng 6 năm (1293 - 1299), đi tu 9 năm (là người sáng lập ra phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tứ), mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ 50 tuổi.

    4 - TRẦN ANH TÔNG (1293 - 1314) : tên thật là Thuyên, con trưởng của Nhân Tông, mẹ dẻ là Bảo Thánh Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), lên ngôi năm Quý Tị (1293), ở ngôi 21 năm, nhường ngôi để lên làm Thượng hoàng 6 năm (1314 1320), mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi.

    5- TRẦN MINH TÔNG (1314 - 1329) : tên thật là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đẻ là Chiêu Hiến Hoàng thái hậu (con gái của Trần Bình Trọng). Vua sinh năm Canh Tí (1300), lên ngôi năm Giáp Dần (1314), ở ngôi 15 năm, nhường ngôi để lên làm Thượng hoàng 28 năm (1329 - 1357), mất ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 57 tuổi.

    6 - TRẦN HIẾN TÔNG (1329 - 1341) : tên thật là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ đẻ là Minh Từ Hoàng thái phi. Vua sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319), lên ngôi năm Kỉ Tị (1329), ở ngôi 12 năm, chưa kịp lên làm Thượng hoàng thì đã mất vào ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), thọ 22 tuổi.

    7 - TRẦN DỤ TÔNG (1341 - 1369) : tên thật là Hạo, con thứ 10 của Minh Tông, (em của Hiến Tông), mẹ đẻ là Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tí (1336), lên ngôi năm Tân Tị (1341), ở ngôi 28 năm, chưa làm Thượng hoàng thì đã mất vào ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ 33 tuổi.

    8 - DƯƠNG NHẬT LỄ (1369 - 1370) : con của người kép hát tên là Dương Khương. Vợ Dương Khương lấy Cung Túc Vương Dục (là con thứ của Minh Tông) lúc đang có thai với Dương Khương. Sau, bà sinh ra Nhật Lễ và Nhật Lễ được Cung Túc Vương Dục nhận làm con. Ngày 15 tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), bấy giờ, Cung Túc Vương Dục đã mất, Nhật Lễ được bà Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu đưa lên ngôi. Nhật Lễ nhân đó muốn phế bỏ nhà Trần, bèn lấy lại họ Dương rồi bức hại Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng thái hậu cùng nhiều tôn thất họ Trần. Ngày 21 tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Nhật Lễ bị Trần Nghệ Tông cùng triều thần giết chết. Không rõ năm ấy Nhật Lễ bao nhiêu tuổi.
    9 - TRẦN NGHỆ TÔNG (1370 - 1372) : tên thật là Phủ, con thứ ba của Minh Tông, mẹ đẻ là Minh Từ Hoàng thái phi (em ruột của Đôn Từ Hoàng thái phi). Vua sinh tháng 12 năm Tân Dậu (1321), lên ngôi năm Canh Tuất (1370), ở ngôi 2 năm, nhường ngôi để làm Thượng hoàng 22 năm (1372 - 1394), mất ngày 15 tháng 12 năm Giáp Tuất (1394), thọ 73 tuổi.

    10- TRẦN DUỆ TÔNG (1372 - 1377) : tên thật là Kính, con thứ 11 của Trần Minh Tông, mẹ đẻ là Đôn Tử Hoàng thái phi. Vua sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1337), lên ngôi năm Nhâm Tí (1372). Ở ngôi 5 năm, mất ngày 24 tháng 1 năm Đinh Tị (1377) trong khi đi đánh Chiêm Thành, thọ 40 tuổi.

    11 - TRẦN PHẾ ĐẾ (1377 - 1388) : tên thật là Hiện, con trưởng của Duệ Tông, mẹ đẻ là Gia Từ Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu (1361), lên ngôi năm Đinh Tị (1377), ở ngôi 11 năm, bị Thượng hoàng Nghệ Tông bức tử ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn ( 1388), thọ 27 tuổi.

    12 - TRẦN THUẬN TÔNG (1388 - 1398) : tên thật là Ngung, con út của Trần Nghệ Tông, mẹ đẻ là Hoàng hậu người họ Lê (không rõ tên, hiệu). Vua sinh năm Mậu Ngọ (1378), lên ngôi năm Mậu Thìn (1388), ở ngôi 10 năm, đi tu đạo Phật 1 năm, sau bị Hồ Quý Ly giết hại vào tháng 4 năm Mậu Dần (1398), thọ 21 tuổi.
    13 - TRẦN THIẾU ĐẾ (1398 - 1400) : tên thật là An, con trưởng của Thuận Tông, mẹ đẻ là Khâm Thánh Hoàng thái hậu. Vua sinh năm Bính Tí ( 1396 ), lên ngôi năm Mậu Dần ( 1398), ở ngôi 2 năm, đến năm Canh Thìn (1400) bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, giáng làm Bảo Ninh Đại vương. Thiếu Đế vì vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không bị giết hại, nhưng không rõ sau sống chết thế nào ?

    *

    Nhà Trần đến đây là dứt. Trong số các vua nhà Trần nói trên, có :

    - Sáu vua chỉ làm vua một thời gian, sau nhường ngôi để làm Thượng hoàng. Đó là : Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Nghệ Tông.
    - Vua thọ nhất là Trần Nghệ Tông (73 tuổi), vua mất sớm nhất là Trần Thuận Tông (lúc 21 tuổi).
    - Vua ở ngôi lâu nhất là Trần Thái Tông (33 năm), vua ở ngôi ít nhất là Trần Thiếu Đế (2 năm) và Trần Nghệ Tông (hơn 2 năm).
    - Vua lên ngôi sớm nhất là Trần Thiếu Đế (lúc 2 tuổi), vua lên ngôi muộn nhất là Nghệ Tông (lúc 49 tuổi).

  6. #76
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    LỜI CHÚ CUỐI SÁCH

    Sách này sử dụng khá nhiều từ ngữ và khái niệm mà nay không dùng hoặc rất ít dùng. Đó chẳng qua cũng chỉ là điều không thể tránh được mà thôi. Để giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ, có thể nắm được một cách giản lược về ý nghĩa của các từ ngữ và các khái niệm ấy chúng tôi viết thêm Lời chú cuối sách này.
    Cũng với mục đích tránh rườm rà, những từ ngữ và những khái niệm nào đã giải thích ở tập trước mà vẫn còn đúng với tập này, thì chúng tôi không giải thích lại. Cuối cùng, xin được lưu ý bạn đọc rằng, hầu hết những lời chú thích dưới đây chỉ đúng với triều Trần mà thôi.



    AN PHỦ SỨ (32) : Chức quan đứng đầu một lộ. Thời Trần, cả nước có 12 lộ. Đó là : Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu. Ngoài ra, còn có một số phủ và châu trực thuộc nữa.
    AN PHỦ THIÊN TRƯỜNG (34) : Chức quan đứng đầu phủ Thiên Trường. Phủ này là vùng trung tâm chính trị của lộ Thiên Trường, nay là đất Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
    ẤP THANG MỘC (6) : Thang mộc nguyên nghĩa là tắm rửa. Ấp thang mộc bấy giờ có nghĩa là nơi nghỉ ngơi, an hưởng. Quý tộc nào cũng được cấp đất làm ấp thang mộc như thế.
    ÂN CHÚA (12) : Vị chúa mà mình mang ân. Đây là tiếng tôn xưng đối với Trần Nhật Duật.
    BÀ LIỆT (1) : Vốn là tên thôn. Thôn này nay thuộc huyện Nam Trực tỉnh Nam Định. Nhà Trần thường phân phong ruộng đất (và cả dân cư sinh sống trên đất đó) cho quý tộc để họ lập thái ấp và phủ đệ. Tên đất ấy thường được lấy làm hiệu cho quý tộc. Người con trai này của Trần Thừa tuy được Trần Thừa nhìn nhận, song không được phong tước hiệu gì. Tuy nhiên, người đương thời vẫn theo tục của nhà Trần, lấy bản quán anh ta làm hiệu, rồi sau quen dần, biến hiệu thành tên. Tên thật của người con trai này hiện chưa rõ.
    BẠ THƯ CHI HẬU (54) : Chức quan lo giữ sổ sách giấy tờ trong cung cấm.
    BẢO UY VƯƠNG (55) : Người có tước Vương, hiệu là Bảo Uy. Ông tên là Trần Hiến, cũng có sách phiên âm là Trần Hoàn, có lẽ do Hiến và Hoàn có mặt chữ Hán gần giống nhau nên nhầm mà ra. Lí lịch Trần Hiến chưa rõ, chỉ biết ông là người trong tôn tộc, rất gần gũi với nhà vua đương thời.
    CUNG TĨNH VUƠNG (58) : Người có tước Vương, hiệu là Cung Tĩnh. Đây chỉ Trần Nguyên Trác, con thứ của vua Trần Minh Tông, nay chưa rõ ông sinh và mất năm nào.
    CƯƠNG MỤC (12) : Tên viết tắt của bộ Khâm định Việt sử thong giám cương mục, là bộ chính sử do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn. Sách gồm 53 quyển.
    CHIM HỒNG HỘC (18) : Theo cố học giả Đào Duy Anh thì Hồng là con ngỗng trời, Hộc là con ngan trời. (Con ngan, người Nam gọi là con vịt Xiêm). Hai loài chim này bay vừa cao vừa xa. Tuy nhiên, văn học cổ vẫn có lúc gọi chung là chim Hồng Hộc, với ý nghĩa là biểu tượng của người có chí lớn.
    CHÂU KHÂM, CHÂU LIÊM, CHÂU TRƯỜNG SA (27) : Tên đất, nay thuộc Trung Quốc.
    CHỨC PHÁN THỦ (13) : Chức đứng đầu các quan giúp việc cho Thái tử hoặc là chức đứng đầu của một trong sáu Tự của triều đình. Tự là cơ quan vừa giúp việc, vừa giám sát hoạt động của các bộ.
    ĐẠI HÀNH KHIỂN (16) : Chức Hành khiển cũng gần như chức Tể tướng là chức quan đầu triều. Nhưng, do chỗ thời Trần cũng có khi gọi các quan đứng đầu các lộ quan trọng là Hành khiển, nên để phân biệt, người ta gọi quan Hành khiển làm việc ở triều đình là Đại hành khiển, còn quan đứng đầu những lộ quan trọng thì chi gọi là Hành khiển thôi.
    ĐẠI TÔN THẤT (22) : Người trong hoàng tộc, có vai vế họ hàng lớn so với nhà vua. Đây chỉ Trần ích Tắc, em của Thượng hoàng Trần Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông.
    ĐOẢN BINH (27) : Thuật ngữ thông dụng của binh pháp cổ, rất khó dịch, đại để là dùng binh có vũ khí đánh tầm gần như giáo, mác. Hiểu theo nghĩa rộng, thuật ngữ này cũng có nghĩa là dùng lực lượng gọn, nhẹ, ứng phó một cách linh hoạt.
    ĐÔNG CUNG PHÁN THỦ (68) : Chức đứng đầu các quan lo giúp việc cho Thái tử.
    ĐÔNG GIÁM TU QUỐC SỬ BÍ THƯ GIÁM (66) : Một trong những chức quan tham gia biên soạn lịch sử của nước nhà, kiêm việc trông coi lưu giữ sách vở ở Quốc Sử Viện.
    ĐIỆN SÚY THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (10) : Chức võ quan, hàm Thượng tướng trông coi cấm quân của triều đình.
    HẢI ĐÔNG (17) . Tên đất, nay là vùng An Bang, Hải Phòng.
    HÀN LÂM HỌC SĨ PHỤNG CHỈ (71) : Quan có hàm Học sĩ, làm việc ở Viện Hàn Lâm, trực tiếp nhận mọi sắc chỉ của vua. Chức này thường kiêm quản Nội Mật Viện.
    HÀN TÍN BÌNH NƯỚC YÊN (30) : Hàn Tín là một danh tướng của nhà Hán (Trung Quốc). Thời Hán-Sở tranh hùng, nước Triệu và nước Yên cũng là hai nước mạnh. Nhưng Hàn Tín phá được nước Triệu, nhờ đó mà danh tiếng trở nên lừng lẫy. Nhân đà này, Hàn Tín đem quân đến đóng ở nơi sát với địa đầu của nước Yên và sai người đưa thư dụ hàng nước Yên. Nước Yên sợ mà phải hàng phục. Đây ý của Trần Khắc Chung là tại sao Ô Mã Nhi không cho quân đem thư sang báo cho biết trước lẽ thiệt hơn mà lại vội đánh như thế.
    HÌNH BỘ LANG TRUNG (34) : Người đứng đầu bộ Hình thời Trần. Chức này, về sau đổi là chức Thượng thư. HỌ MAI (22) : Chúng tôi chỉ thấy sử chép việc nhà Trần bắt phạt một số quý tộc hèn nhát phải đổi thành họ Mai, còn vì sao lại đổi thành họ Mai chứ không phải họ khác thì chưa rõ.
    HOÀNG PHI (36 ; 68) : Hàng thứ hai của vợ vua và vợ chính của Thái tử.
    HỘI NGHỊ BÌNH THAN (13) : Hội nghị tổ chức tại bến Bình Than. Bến Bình Than nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là hội nghị của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp, do triều Trần tổ chức vào năm 1282. Hội nghị nhằm giải quyết hai vấn đề. Một là tư tưởng chiến lược chỉ dạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên. Hai là thành lập bộ chỉ huy chống xâm lăng. Chính ở hội nghị lịch sử này, Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công tiết chế.
    HỘI QUÁN ĐỈNH (42) : tức là hội thọ giới. Nhà Phật quy định, tất cả những người khi mới xuất gia để vào chùa tu, đều được nhà sư lấy nước sạch dội lên đầu để làm phép thọ giới, cũng gọi là quán đỉnh.
    KHAI QUỐC CÔNG (16) : Người có tước Quốc công, hiệu là Khai. Theo lệ phong tước xưa, triều đình bao giờ cũng phong cả tước lẫn hiệu. Trong cùng một hàng tước, thì hiệu nào càng ít chữ, địa vị của người được phong càng lớn hơn. Trong trường hợp này, người ta gọi là tước Quốc công hiệu một chữ. Khai Quốc công là tước hiệu của Hưng Nghiễn Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Trần Hưng Đạo. Trong hoàng tộc, ông có tước Vương, còn khi vào triều, ông được phong tước Quốc công. Trước đó, Trần Hưng Đạo cũng được phong tước Quốc công như vậy.
    KHÂU ÔN (19) : Tên đất, nay thuộc Lạng Sơn, vùng sát biên giới với Trung Quốc.
    KIỂM PHÁP (35) : Chức quan chuyên trông coi về án kiện, xét xử và ngục tụng của triều đình.
    KIỆT, TRỤ (46) : Tên hai vua khét tiếng tàn bạo của Trung Quốc. Kiệt tức Lý Quý, vua thứ 17 cũng là vua cuối cùng của nhà Hạ. Vua Kiệt tham tàn lại say đắm nhan sắc của Muội Hỹ, làm cho nhà Hạ đổ nát, sau bị vua Thành Thang giết. Thành Thang là vua khai sáng ra nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân). Trụ tức Tân Trụ, vua thứ 30 cũng là vua cuối cùng của nhà Thương. Vua Trụ tàn bạo và hoang dâm, lại bị mê muội bởi sắc đẹp cua Đát Kỷ, sau bị quân các nước chư hầu nổi lên đánh, sợ mà tự thiêu rồi chết. Trong văn học cổ, hai chữ Kiệt, Trụ thường dùng để chỉ chung những tên hôn quân bạo chúa.
    LIÊU THUỘC (19) : cũng như nói thuộc quan hay thuộc viên, chỉ những người có chức nhưng ở dưới mình và thông thuộc về mình.
    LƯU THỦ THIÊN TRƯỜNG (24) : Lưu thủ là chức quan được nhà vua ủy thác việc trông coi kinh sư khi vua có việc phải xuất hành. Thiên Trường không phải là kinh sư nhưng lại là bản quán của vua Trần, vì vậy, nhà Trần cũng cho đặt ở đây một người làm chức Lưu thủ.
    MAI LĨNH (27) : Tên đất. Đất này nằm tiếp giáp giữa hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông và Giang Tây. Thực ra, đó là khu núi non trùng điệp, có tên là núi Đại Dũ, nhưng vì núi ấy có rất nhiều cây mai nên người Trung Quốc mới nhân đó mà gọi là Mai Lĩnh.
    MÁN BÀ- LA (15) : Nay chưa rõ ở đâu.
    NỘI NHÂN VĂN CỤC (41) : Tên một cơ quan trong cung đình nhà Trần.
    NỘI THƯ CHÁNH CHƯỞNG (36) . Chức của hoạn quan, chuyên lo việc giấy tờ thường ngày cho vua hoặc Thượng hoàng.
    NỘI THƯ GIA (53) : Chức của hoạn quan, dưới quyền sai khiến của Nội thư chánh chưởng.
    NGỰ SỬ ĐẠI PHU (8) : chức quan xếp hàng thứ 5 trong số 6 quan làm việc ở Ngự Sử Đài của triều đình.
    NGỰ SỬ ĐẠI PHU, ĐÌNH ÚY TỰ KHANH, TRUNG ĐÔ PHỦ TỔNG QUẢN (61) : Trong triều đình nhà Trần có cơ quan Ngự Sử Đài, chuyên coi việc giữ gìn phong hóa, pháp độ và can gián. Ngự Sử Đài gồm 6 vị quan : Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Ngự sử trung tán, Ngử sử trung thừa, Ngự sử đại phu và Chủ thư thị ngư sử. Như vậy : Ngự sử đại phu là quan đứng hàng thứ 5 trong số 6 vị quan của Ngự Sử Đài. Đình úy tự khanh là chức quan lớn, coi việc xét xử những án kiện còn tình nghi. Trung Đô phủ Tổng quản là chức quan coi việc phòng giữ ở phủ Trung Đô. Ở đây, Trương Đỗ cũng như các quan đương thời, thường kiêm giữ nhiều chức việc khác nhau.
    NGỮ SỬ TRUNG TÁN (26) : Chức quan xếp hàng thứ 3 trong số sáu vị quan ở Ngự Sử Đài của triều Trần.
    NGỰA KÌ, NGỰA KÍ (30) : Tên hai loài ngựa quý, có sức chạy nhanh và chạy xa. Đấy ngụ ý chỉ người có tài kiệt xuất.
    NGƯỜI PHIÊN LẠC (52) : Người sinh ở chốn Phiên thuộc phiêu dạt đến. Người Trung Quốc gọi các nước ở ngoài cõi của họ là Phiên. Thời Trần, triều đình nhà Trần nhiều khi cũng tự nhận mình là Trung Quốc và coi các nước chung quanh mình là Phiên. Đây Trần Nhân Tông muốn nói, kiếp trước, ắt Trần Nhật Duật phải là sinh dân của một nước Phiên thuộc nào đấy, nên bây giờ mới giỏi tiếng các nước Phiên thuộc như vậy.
    NGHIÊU (30) : Tức Đường Nghiêu, tên một vị vua, cũng là tên một triều đại trong huyền sử của Trung Quốc, rất được Nho gia đề cao.
    NHẬP NỘI HÀNH KHIỂN HỮU TI, LANG TRUNG, ĐỒNG TRỊ TẢ TI SỰ (44) : Trong triều Trần, bên cạnh nơi làm việc của vua (gọi là Quan Triều Cung), còn có nơi làm việc của Thượng hoàng (gọi là Thánh Từ Cung). Cả hai nơi đều có chức Hành khiển. Riêng ở nơi Thượng hoàng làm việc, có đến hai chức Hành khiển là Tả và Hữu. Nhập nội hành khiển Hữu ti là chức quan Hành khiển ở Hữu ti, thuộc Thánh Từ Cung. Lang trung cũng là một chức lớn, sau đổi gọi là Thượng thư, nhưng chức này thường do quan Hành khiển kiêm giữ. Đồng tri tả ti sự là chức kiêm coi công việc của Tả ti trong triều đình. Đây chỉ là chức truy tặng, trong thực tế, khi sống, Lê Cư Nhân không hề dược giữ nhiều chức tước như thế.
    NHẬP NỘI HÀNH KHIỂN, THƯỢNG THƯ TẢ BỘC XẠ (32) : Quan Hành khiển, làm việc ở triều đình thì gọi là Nhập nội Hành khiển. Thượng thư là chức đứng đầu một bộ, còn Bộc xạ (Tả và Hữu) là chức vụ Á tướng, đứng sau chức Tướng quốc.
    PHI LIÊM, ÁC LAI (46) : Tên hai kẻ gian thần, xu nịnh và dâm loạn của Trung Quốc thời Hạ và thời Thương.
    PHIÊU KỊ ĐẠI TƯỚNG QUÂN (13) : Chức chỉ dành để phong cho các vị Hoàng tử. Trong hoàng tộc, chỉ những ai được đặc biệt ưu ái mới được phong chức tước này. Phiêu kị Đại tướng quân cũng là chức coi việc quân, nhưng là quân riêng của hoàng gia.
    QUÁCH TỬ NGHI (21) : Danh tướng của Trung Quốc đời Đường, làm quan trải thờ hai vua là Đường Túc Tông và Đường Đại Tông, từng lập nhiều công lớn, được phong làm Phần Dương Vương. Quách Tử Nghi sống phóng khoáng, thích âm nhạc, trong nhà luôn có tiếng đàn hát. Ông thọ 88 tuổi.
    QUAN NỘI HẦU (16) : Chức hoạn quan nhỏ, lo việc hầu hạ trong cung cấm.
    QUAN TÔNG CHÍNH ĐẠI KHANH (37) : Chức quan lớn trông coi việc ghi chép gia phả của hoàng tộc. Chức này, bắt đầu đặt ra từ đời Trần Thái Tông và buổi đầu chỉ giao cho trong hoàng tộc nắm giữ, nhưng vào khoảng từ giữa đời Trần trở đi, chức này chỉ còn là hư hàm dùng để phong cả cho người ngoài hoàng tộc.
    QUAN TRUNG ÚY (44) : Hàm võ quan cao cấp, dưới Thiếu úy. Xin lưu ý rằng thời này, Đại tướng thấp hơn Thượng tướng, còn Trung úy lại thấp hơn Thiếu úy.
    QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ (10) : Người có tước Quốc công, chức Tiết chế. Thời Trần có hai loại tước cùng song hành, một là tước để phân biệt thế thứ thân sơ trong hoàng tộc, và hai là tước để phân biệt cao thấp trong triều đình. Trong hoàng tộc, Trần Hưng Đạo có tước Vương, còn khi vào triều, Trần Hưng Đạo lại có tước Quốc công. Tiết chế là chức chỉ bắt đầu có từ đời vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293), theo đó thì chức này chịu trách nhiệm cao nhất về mọi hoạt động của lực lượng vũ trang trong cả nước.
    RƯỢU XƯƠNG BỒ (26) : Xương bồ là một loại cây làm thuốc, Đông y rất hay dùng. Người ta thường lấy cây xương bồ ngâm rượu. Rượu ấy gọi là rượu xương bồ.
    SINH TỪ (28) : Đền thờ người đang sống. Người đang sống mà có công đức lớn với dân, với nước, thì được nhân dân hoặc triều đình lập đền thờ, đền ấy gọi là sinh từ. Trần Hưng Đạo là một trong những người lãnh đạo và tổ chức nên mọi thắng lợi của quân dân ta trong sự nghiệp chống quân xâm lược ở thế kỉ XIII. Bởi công đức lớn lao đó, ông được triều Trần cho lập sinh từ.
    TẮC, KHIẾT, QUỲ, LONG (46) : Tắc là Hậu Tắc, tên thật là Khí, người đã có công dạy dân trồng các thứ lúa cho hợp thời vụ. Khiết hay Tiết là người chuyên dạy dân về luân thường, đạo lí. Quỳ là người chuyên lo dạy dân việc tế lễ và âm nhạc. Long là người chuyên lo tiếp nhận và truyền đạt mệnh lệnh của vua. Cả bốn ông đều được coi là người có công giúp rập vua Nghiêu và rất được Nho gia tán tụng. TẤN PHONG (16) : Được cất nhắc, phong cho chức cao hơn.
    TIẾT NGUYÊN TIÊU (71) : Tiết rằm tháng giêng.
    TIỂU TƯ XÃ (17) : Người đứng dầu một xã nhỏ.
    TĨNH QUỐC ĐẠI VƯƠNG (19) : Người có tước Đại vương, hiệu là Tĩnh Quốc. Đây chỉ Trần Quốc Khang.
    TOÀN THƯ (12) : Tên viết tắt của bộ Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử của nước ta. Đây là công trình đại tập thành của nhiều thế hệ sử gia, từ Lê Văn Hưu (thế kỉ XIII) đến Lê Hy (thế kỉ XVII). Sách gồm hai phần. Phần đầu là Ngoại kỉ chép từ họ Hồng Bàng đến loạn 12 sứ quân. Phần thứ hai là Bản kỉ, chép từ Đinh Tiên Hoàng đến năm 1675.
    TỬ PHỤC THƯỢNG VỊ HẦU (13) : Người có tước Hầu, ở vào bậc Thượng vị và được quyền mặc áo có sắc đỏ tía.
    TƯỚNG QUỐC THÁI ÚY (9) : Chức Thái úy, quyền Tướng quốc. Tướng quốc cũng gần như Tể tướng, nhưng chức Tể tướng thì chỉ có một người giữ, còn chức Tướng quốc thì có đến hai người cùng đồng thời nắm giữ, một người gọi là Tả tướng quốc, một người gọi là Hữu tướng quốc.
    THÁI BÁ (58) : Bác của vua. Lẽ ra, Dương Nhật Lễ phải gọi Cung Túc Vương Dục là thân phụ (cha đẻ) hoặc tệ hơn, cũng phải gọi là nghĩa phụ (cha nuôi), nhưng vì Dương Nhật Lễ quyết chí gạt họ Trần để cướp ngôi, nên bỏ họ Trần mà lấy lại họ Dương, đồng thời, gọi Cung Túc Vương Dục là Thái bá.
    THÁI HOÀNG THÁI HÂU (56) : Bà nội của vua.
    THÁI HỌC SINH (43) : Học vị thi cử Nho học, được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1232 và được sử dụng liên tục cho đến đầu đời Lê. Năm 1442, học vị này được đổi gọi là Tiến sĩ.
    THÁI TỂ (63) : Tiếng tôn xưng đối với quan đầu triều (như Hành khiển, Tướng quốc, Tể tướng).
    THÁM HOA (66) : Học vị thi cử Nho học, được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1247. Người đã đỗ thi Hội, được học vị Thái học sinh (hay Tiến sĩ), vào dự thêm một khoa thi phụ, gọi là Đình thí hay Điện thí. Ba người đỗ cao nhất trong kì thi phụ này được mang ba học vị khác nhau, đỗ đầu là Trạng nguyên, đỗ thứ hai là Bảng nhãn và đỗ thứ ba là Thám hoa.
    THẨM HÌNH VIỆN SỨ (71) : Chức đứng đầu Thẩm Hình Viện là cơ quan trông coi việc án kiện, xét xử và ngục tụng.
    THỆ TỪ (12) : Bản văn ghi lời thề ước.
    THỀM CẤM (2) : Thềm ở gần nơi vua làm việc. Đến đó, ai cũng phải giữ phép rất nghiêm, ai không có phận sự, quyết không được vào.
    THIÊN TRƯỜNG (11) : Tên lộ. Nhà Trần chia cả nước làm 12 lộ và Thiên Trường là một trong số 12 lộ đó. Đây nói lính Thiên Trường là lính quê ở lộ Thiên Trường (quê hương của họ Trần) được nhà Trần tin cẩn trao việc bảo vệ hoàng cung.
    THIỀN TÔNG TRÚC LÂM YÊN TỬ (42) : Tên một phái Thiền Tông do Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi tu mà sáng lập ra tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh).
    THIẾU BẢO (41) : Trong triều đình xưa, Tam thái và Tam thiếu là hai hàng quan cao nhất. Tam thái gồm : Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Tam thiếu gồm : Thiếu sư, Thiếu phó và Thiếu bảo. Như vậy, Thiếu bảo là quan thuộc hàm thứ hai, chức vị thứ sáu trong triều đình.
    THỔ TÙ ĐÀ GIANG (12) : Người đứng đầu các sắc dân ít người ở Đà Giang. Thời Trần, Đà Giang là tên của một đạo, đất đai đạo này nay là vùng Hưng Hóa (Vĩnh Phúc, Tuyên Quang).
    THƠ NGỤ CHẾ (46) : Thơ do vua hoặc Thượng hoàng làm ra.
    THƯỢNG VỊ CHƯƠNG HIẾN HẦU (19) : Người có tước Hầu, hiệu Chương Hiến, bậc Thượng vị. Đáy chi Trần Kiện, con của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang. Xét về thế thứ trong hoàng tộc, Trần Kiện ở vai cháu của vua Trần Thái Tông (gọi Trần Thái Tông là chú ruột), anh con bác của vua Trần Thánh Tông và hàng bác họ của Trần Nhân Tông.
    THƯỢNG PHẨM (17) : Hư hàm nhà nước dùng để ban thưởng cho các chức tạp lưu, nằm ngoài và thấp hơn 9 bậc chính thức. Đây Trần Lai được hư hàm là Thượng phẩm, còn thực quyền là xã trưởng một xã nhỏ.
    TRẦN BANG CẨN (28) : Đại thần nhà Trần, dưới thời Trần Minh Tông (1314 - 1329), giữ chức Đại hành khiển, Thượng thư, Tả bộc xạ ông là người nổi tiếng giản dị, mực thước, điềm tĩnh và sống rất thanh đạm.
    TRI KHU MẬT VIỆN CHÁNH CHƯỞNG (67) : Đại để cũng như là chánh văn phòng của cơ quan Khu Mật Viện (là cơ quan thường trực của triều đình).
    TRIỆU VÕ (27) : Miếu hiệu của Triệu Đà. Triệu Đà nguyên là tướng của nhà Tần. Năm 208 trước công nguyên, nhân Tần Thủy Hoàng mất và nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà chiếm cứ vùng Lĩnh Nam, lập ra nước Nam Việt, và làm vua nước này từ đó cho đến năm 136 trước công nguyên. Trong thời gian trị vì, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân sang đánh nước Âu Lạc. Nhưng nhân dân Âu Lạc, dưới sự chỉ huy của An Dương Vương, đã đẩy lùi tất cả những cuộc tấn công xâm lược đó. Sau, Triệu Đà liền cho con là Trọng Thủy, kết hôn với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu, dùng quan hệ hôn nhân để làm cho An Dương Vương mơ hồ, mất cảnh giác. Năm 179 trước công nguyên, Triệu Đà bất ngờ cho quân sang xâm lược, và lần này, An Dương bị đại bại. Đất nước bị Triệu Đà chiếm kể từ đó. Tuy nhiên, do lập trường chính trị ngày xưa có khác, cho nên, trong nhiều tác phẩm sử học cũ, Triệu Đà được coi như là vua chính thức của nước ta. Trần Hưng Đạo là người theo quan điểm xưa này.
    TRUNG THƯ THỊ LANG, KIÊM TRI THẨM HÌNH VIỆN SỰ (66) : Trung thư thị lang sau đổi là Thượng thư. Kiêm Tri thẩm hình viện sự là kiêm coi công việc của Thẩm Hình Viện (cơ quan chuyên lo xét xử, án kiện và ngục tụng của triều đình).
    TRƯỜNG TRẬN (27) : Thuật ngữ của binh pháp cổ, rất khó dịch. Đại để trường trận là dùng quân có vũ khí và phương tiện đánh tầm xa như cung tên, ngựa ... v.v. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa rộng, trường trận cũng có nghĩa là dùng lực lượng lớn, đánh theo lối chính quy, trận địa chiến.
    XUÂN THU (28) : Chặng đầu của thời Đông Chu (Trung Quốc), gồm từ cuối thế kỉ thứ VIII đến đầu thế kỉ V trước công nguyên. Khổng Tử có soạn một bộ sử của nước Lỗ (một trong những nước chư hầu của nhà Chu), từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công, tức là khoảng thời gian tương ứng với chặng đầu của nhà Đông Chu. Bộ sử ấy được đặt tên là Xuân Thu (sau được coi là một trong Ngũ kinh của Nho gia), nên người đời cũng nhân đó để gọi toàn bộ chặng đầu của nhà Đông Chu là thời Xuân Thu.
    VŨ HẦU (10) : Tức Chư Cát Lượng mà ta quen đọc là Gia Cát Lượng, quân sư lỗi lạc của Lưu Bị (vua nước Thục của Trung Quốc thời Tam Quốc). Ông là biểu tượng điển hình của những người dốc lòng phò vua giúp nước, được nho sĩ xưa hết sức ca ngợi.


    Hết tập 3

  7. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 8/8 ĐầuĐầu ... 6 7 8

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình