+ Trả lời chủ đề
Trang 3/8 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 76

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - YẾT KIÊU VÀ DÃ TƯỢNG

    Thời Trần, tất cả quý tộc và quan lại đều có gia nô, thậm chí, có quý tộc gia nô đông đến hàng ngàn người. Đã là gia nô thì phải suốt đời phục dịch cho chủ, và trong xã hội, không ai có địa vị thấp hèn như họ cả. Thường thì họ bị chủ khắc dấu vào thân thể, kể như vật sở hữu riêng. Khi chủ chết, có khi họ còn bị đem đi hỏa thiêu hoặc chôn sống theo chủ.
    Thân phận tuy khổ nhục như vậy, nhưng khi vận nước lâm nguy, chính họ lại có những cống hiến rất xuất sắc. Thời ấy, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô... là những đại biểu nổi bật nhất của họ.
    Năm 1285, quân Nguyên ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai . Trong trận Bãi Tân (một địa điểm trên sông Lục Nam) có một mẩu chuyện về họ rất cảm động. Số là khi đến chỉ huy trận đánh này, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dùng thuyền, có hai gia nô của ông là Yết Kiêu và Dã Tượng cùng đi. Đến Bãi Tân, Trần Quốc Tuấn giao cho Yết Kiêu ở lại giữ thuyền, còn Dã Tượng thì theo hộ vệ. Quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không sao cản nổi bước tiến vũ bão của giặc, trở lại đường cũ thì có phần nguy hiểm nên Trần Quốc Tuấn định theo đường núi mà rút lui. Dã Tượng thấy vậy liền thưa : "Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền". Trần Quốc Tuấn trở lại Bãi Tân, quả thấy Yết Kiêu đang cắm thuyền đợi, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến. Vừa mừng vừa cảm động, Trần Quốc Tuấn nói : "Chim hồng hộc muốn bay cao tất phải nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường mà thôi". Nói xong, liền lên thuyền mà đi, giặc không sao đuổi kịp.

    Lời bàn :

    Chó ngắn mõm thì gọi là Yết Kiêu, voi rừng thì gọi là Dã Tượng. Lấy tên thú đặt cho gia nô, không bàn cũng đủ biết thân phận gia nô thấp hèn như thế nào; Song, tận trung vì đại nghĩa cứu nước, ai dám bảo Yết Kiêu và Dã Tượng không thể sánh ngang hàng với các bậc hào kiệt khác. Đúng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói, sở dĩ có được các bậc anh hùng cái thế như chính Trần Quốc Tuấn, tất nước phải có được sự trợ thủ đắc lực của những người như Dã Tượng, Yết Kiêu.

  2. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN KIỆN

    Vua Lý Huệ Tông (1210 - 1224) chỉ có hai người con gái, một là Công chúa Thuận Thiên, đã gả cho Trần Liễu, và hai là Công chúa Chiêu Thánh. Lý Huệ Tông không có con trai nên Chiêu Thánh được lập làm vua lúc mới bảy tuổi, đó là Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), vua cuối cùng của triều Lý (1010 - 1225). Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh (em ruột Trần Liễu, sau là vua Trần Thái Tông). Năm Đinh Dậu (1237), Trần Thủ Độ và vợ là bà Trần Thị Dung (vốn là Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông) lập mưu cho Trần Thái Tông lấy vợ của anh là Công chúa Thuận Thiên về lập làm Hoàng hậu, dù lúc này Thuận Thiên đã có thai được ba tháng. Người con mà Thuận Thiên mang thai trước khi trở thành Hoàng hậu của Trần Thái Tông, sau được phong tước Tĩnh Quốc Đại vương, tên là Trần Quốc Khang. Như vậy, xét về danh, Trần Quốc Khang là con đầu của Trần Thái Tông, nhưng thực thì Quốc Khang là cháu gọi Trần Thái Tông bằng chú ruột.
    Quốc Khang tuy chẳng có gì xuất chúng, nhưng hiền lành, chất phác, cư xử với các bậc vương công trong quý tộc rất nhún nhường. Tiếc rằng con thứ của Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang là Thượng vị Chương Hiến Hầu Trần Kiện lại không được như cha, để tiếng xấu đến ngàn năm chưa dễ hết.
    Trong hoàng tộc, Trần Kiện là cháu ruột của vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278), với Hoàng tử Tá Thiên Vương Trấn Đức Việp (con của Trần Thánh Tông) là chỗ anh em con chú con bác, nhưng bất chấp tình ruột thịt, bất chấp quyết tâm xây dựng khối đoàn kết của quý tộc họ Trần, Trấn Kiện cứ khư khư giữ mối thù oán đối với Trần Đức Việp. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), cả nước bừng bừng khí thế đánh giặc, riêng Trần Kiện thì thân làm tướng, cầm trong tay cả một vạn quân, nhưng lại bất mãn nằm dài ở làng Tức Mặc (Nam Định), nói thác là đang bận học đạo Lão Trang. Tháng 3-1285, Trần Kiện đem gia quyến và bọn liêu thuộc chạy sang đầu hàng quân Nguyên. Tướng giặc là Toa Đô mừng lắm, vội cho quân hộ tống Trấn Kiện về Yên Kinh. Nhưng, Trần Kiện vừa đến vùng Lạng Sơn ngày nay thì lập tức bị thổ hào đất này là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh cho dân binh bao vây và tập kích dữ dội. Trong trận này, gia nô của Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô đã bắn chết Trần Kiện. Liêu thuộc của Trần Kiện là Lê Trắc cướp được xác chủ, cột lên ngựa, nhân đêm tối lẻn chạy về Khâu Ôn và chôn Trần Kiện ở đấy. Sau, Lê Trắc sống lưu vong trên đất giặc, nhục nhã trăm bề.

  4. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - AN TƯ VÌ NƯỚC QUÊN THÂN

    Tháng chạp năm Ất Dậu (tháng 1 - 1285), hơn nửa triệu quân Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Lần này, thế giặc rất mạnh, quân ta phải tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, tìm cơ hội phản công sau. Giặc áp sát kinh thành Thăng Long, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Đúng lúc ấy, Trần Kiện lại đem toàn bộ gia quyến và liêu thuộc đi đầu hàng, cánh quân một vạn người do y chỉ huy lâm vào thế khủng hoảng nghiêm trọng. Vua Trần Nhân Tông một mặt sai Đỗ Khắc Chung vào thẳng sào huyệt giặc, mượn cớ đi thương thuyết để do thám, mặt khác lại đưa Công chúa An Tư vào hiến cho Thoát Hoan, nhằm khéo léo cản bước tiến của tên tướng hung hãn này. Công chúa An Tư là con gái út của vua Trần Thái Tông ( 1225 - 1258), em của Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Người con gái ấy vì nước mà ra đi, đem tấm thân ngàn vàng để góp phần cứu nguy cho xã tắc.

    Tháng 3 - 1285, An Tư vào dinh Thoát Hoan (ở bờ Bắc sông Hồng). Cơn đam mê đã khiến Thoát Hoan chậm trễ tấn công vào Thăng Long, và đó là cơ hội quý giá để triều Trần có thể rút lui một cách an toàn khỏi thủ đô. Về sự kiện này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47 a) chép một cách gọn gang rằng "sai người đem Công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, ấy là muốn làm thư giãn nạn nước vậy".

    Lời bàn :

    Phàm là nữ nhi, ai chẳng muốn có một tấm chống để hưởng hạnh phúc và để nương thân. Thứ dân còn có quyền khao khát như vậy, huống chi là bậc tôn quý như Công chúa An Tư. Song, giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. An Tư đã đánh theo cách đánh của mình. Lẫm liệt thay!

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 - LÒNG THÀNH CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO

    Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên lần thứ hai (1285), để tránh thế giặc đang hăng, nhà Trần đã chủ động tổ chức lui quân, nhằm bảo toàn lực lượng để tìm cơ hội phản công. Bởi chủ trương đó, hàng loạt các cuộc nghi binh cực kì tài giỏi đã được thực hiện. Giặc không sao tìm được chủ lực của ta, không sao tìm được đầu não của cuộc kháng chiến lúc ấy là triều đình nhà Trần. Trong giai đoạn ấy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải bôn tẩu đó đây, chịu đựng cực nhọc và hiểm nguy chẳng phải là ít. Trần Hưng Đạo thường theo xa giá đi hầu cận. Bấy giờ, Ông đã là bậc lão thần, đi đâu cũng chống gậy, một chiếc gậy ở đầu có bịt sắt nhọn.
    Trước đó, thân sinh của Trần Hưng Đạo là An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với vua Trần Thái Tông và trước khi chết, An Sinh Vương Trần Liễu lại còn có lời trăn trối với Trần Hưng Đạo rằng: "Con phải trả thù cho cha, rồi nhân đó, đoạt luôn ngôi báu thì cha mới có thể thanh thản yên nghỉ dưới suối vàng". Bởi thế, nhiều người không khỏi nghi kị Trần Hưng Đạo. Biết ý, Trần Hưng Đạo vội vứt bỏ đầu sắt nhọn, chỉ chống gậy gỗ không mà thôi. Bấy giờ, mọi người mới thực sự an tâm.
    Về chuyện này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b) có ghi lại lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau : "Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử như hào cửu tứ của quẻ Tùy (nghĩa là phải thành thực, phải đạo, sáng suốt xử trí - ND) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp, nếu không sẽ mang tai vạ. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy".
    Hóa ra, người chống gậy không để tâm ở gậy, nhưng người nhìn người chống gậy chừng như lại thấy gậy ấy có chứa cái tâm. Miếng sắt bịt gậy nặng chẳng đáng là bao, vậy mà vứt nó đi, ai cũng thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Mới hay, lòng thành phải được thể hiện một cách nghiêm cẩn qua từng chi tiết nhỏ, thì lòng thành ấy mới được người đời xác nhận vậy.

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    22 - CÁI CHẾT CỦA TRẦN ÍCH TẮC

    Trần Ích Tắc là con thứ của Trần Thái Tông (1225 - 1258), em ruột của Trần Thánh Tông (1258 - 1278) và là chú ruột của Trần Nhân Tông (1278 - 1293). Ngay lúc còn nhỏ, Trần Ích Tắc đã nổi tiếng thông minh tài trí, năm 1267 lại được phong Vương, danh tiếng và quyền uy lừng lẫy một thời.
    Nhưng, khác hẳn với cha, anh và cháu ruột của mình, Trần Ích Tắc thuộc làu kinh sử mà chẳng biết gì về thời thế, uyên bác mà hẹp hòi, ích kỉ đến độ quên hết giang sơn, xã tắc. Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Ích Tắc đã cùng bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long... đem gia quyến đi đầu hàng Thoát Hoan. Về hành động nhục nhã này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b và 48a) chép : "Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh, Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống, nói với Thái Tông rằng, thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại sẽ về phương Bắc. Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có cái vết lờ mờ như hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mơ. Đến năm 15 tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi đích trưởng. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống Nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc".

    Lời bàn :

    Từng nghe nói đến chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, hoặc giả là chết vì uất ức, đến đây lại có thêm cái chết vì hổ thẹn. Sử chép chuyện nằm mơ của Trần Thái Tông, có lẽ cũng chỉ cốt để bào chữa khéo cho Trần Ích Tắc đó thôi. Song, bàn tay nhỏ chẳng thể che hết được nắng trời, năm 1289, Trần Ích Tắc và bọn phản bội bị triều Trần đem ra xử tội vắng mặt. Trần Ích Tắc vì là bậc đại tôn thất nên không bị đổi thành họ Mai (như Trần Kiện bị đổi là Mai Kiện), nhưng lại bị gọi là Ả Trần, ý nói nhát gan như đàn bà vậy. Than ôi, sử thần xưa đã nương tay không phải chỗ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc, để lại biết bao gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trấn Ích Tắc đâu !

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    23 - TÀI VÀ ĐỨC CỦA TRẦN KHÁNH DƯ

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 52 b, 53 a và 53 b) có đoạn chép về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư như sau :
    “Khi ấy (1288 - ND), thủy quân Nguyên đánh vào Vân Đồn, Hưng Đạo Vương giao hết công việc biên thùy cho Phó tướng Vân Đồn là Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi, Thượng hoàng hay tin liền sai Trung sứ đến xiềng Khánh Dư giải về kinh. Khánh Dư nói với Trung sứ rằng : "Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất vài ba ngày để tôi mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn". Trung sứ theo lời xin đó. Khánh Dư đoán biết thủy quân giặc đã qua, thuyền vận tải lương tất theo sau, nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu, thuyền vận tải quả nhiên đến, Khánh Dư đánh bại chúng, bắt được quân lương, khí giới nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Khánh Dư vội sai lính chạy ngựa về báo ngay. Thượng hoàng tha cho tội cũ và nói : "Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chăng". Nói rồi bèn thả tù binh về doanh trại quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên rút lui, cho nên, vết thương của dân không thảm thê như những năm trước. Khánh Dư có phần công lao trong đó.Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, mọi thức ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên, quần áo, đồ dùng đều theo tục của người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang và ra lệnh rằng, quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt. Vậy, phải đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt. Nhưng, Khánh Dư đã ngầm sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, thuyền chở nón đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ban ra, Khánh Dư lại ngầm sai người phao tin trong trang rằng, hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đến đậu. Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón. Ban đầu, mua không tới một tiền, sau giá đắt một chiếc nón đổi một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc có câu : "Vân Đồn gà chó hết thảy đều kinh sợ", là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư, mà thực là châm biếm ngầm ông ta".

    Lời bàn :

    Nhờ tài cao mà lập được công lớn, nhưng cũng bởi đức mỏng mà để tiếng xấu với đời. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư quả có lí lịch khác thường vậy. Sau, Trần Khánh Dư còn nói : "Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ".
    Sợ thay ! Hóa ra, kẻ cầm quyền mà tham lam cũng kể như là giặc trong chỗ tưởng như không có giặc vậy.

  12. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    24 - LÊ TÒNG GIÁO VÀ ĐINH CỦNG VIÊN

    Trong triều đình nhà Trần có hai cơ quan khá đặc biệt. Cơ quan thứ nhất là Hàn lâm viện, chuyên lo soạn thảo ý vua thành văn bản hẳn hòi. Cơ quan thứ hai là Ti Hành khiển, chuyên nhận bản thảo của Hàn lâm viện để tuyên đọc cho đình thần nghe. Quan Hành khiển muốn đọc lưu loát, cắt nghĩa rạch ròi thì phải có bản thảo trước mấy hôm để xem qua. Năm 1288, quan coi Hàn lâm viện là Đinh Củng Viên và quan coi Ti Hành khiển là Lê Tòng Giáo lại có chuyện xích mích với nhau. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 55a và 55b) chép rằng : "Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được. Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, âm nghĩa không rõ nên phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đàng sau nhắc bảo âm nghĩa, Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi, trong triều chỉ còn nghe tiếng của Củng Viên mà thôi. Vua về trong cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo rằng Củng Viên là sĩ nhân, người là trung quan (tức quan hoạn - ND), sao lại bất hòa đến thế ? Ngươi là Lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi, quả quýt làm quà đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì ? Từ đó, Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau rất gắn bó".
    Về chuyện này, sử thần Ngô Sĩ Liên có một lời bàn khá dài, xin được trích một đoạn như sau :"Vua bảo bề tôi giao hảo với nhau là để cùng nhau làm tốt việc của nhà vua. Nhà Trần trung hậu như thế nào, kể cũng đã đủ rõ. Nhưng, lấy hoạn quan không biết chữ làm Hành khiển cũng không phải".
    Chép chuyện này vào bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 10) các sử gia trong Quốc sử quán triều Nguyễn cũng có một lời phê rất ngắn gọn, nguyên văn như sau : "ông vua này có thể gọi là thiên tử hòa giải".
    Tiếp lời các sử thần lỗi lạc xưa, người kể chuyện cũng xin có thêm lời bàn mạo muội như sau : Lê Tòng Giáo quả không tự biết mình, chữ nghĩa kém cỏi mà dám nhận chức vị cao, bị Đinh Củng Viên chơi khăm cũng dễ hiểu. Tòng Giáo tuy bị mất mặt trước bá quan văn võ, nhưng, chính nhờ đó mà các quan nối chức sau Tòng Giáo phải lo học hành sao cho xứng với chức vị của mình. Kể ra nếu vua Trần Nhân Tông bắt Tòng Giáo học hành nghiêm chỉnh thì có lẽ hay hơn việc chỉ cho Tòng Giáo đi tặng quà cho Củng Viên.

  14. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    25 – TRẦN NHÂN TÔNG VỚI PHÉP NƯỚC

    Thời Trần Nhân Tông làm vua (1278 - 1293) là thời đất nước có nhiều biến cố trọng đại, trong đó, nổi bật hơn cả là hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên (1285 và 1288). Trước những biến cố trọng đại của lịch sử, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau và chính sự nhìn nhận đó đã dẫn họ đến với những vị trí cũng rất khác nhau trong lịch sử. Thời ấy có rất nhiều bậc anh hùng cái thế, để lại danh thơm muôn thuở, nhưng thời ấy cũng có không ít kẻ hèn nhát và phản bội. Có công thì thưởng, có tội thì trị, ấy là lẽ công bằng. Trần Nhân Tông giữ phép nước rất nghiêm, nhưng Trần Nhân Tông cũng là người rất nhân hậu, luôn tìm cách mở lối cho kẻ phạm tội nhẹ có thể hối cải. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 57b và 58a) có chép một đoạn nói về cách xử sự của vua Trần Nhân Tông năm 1289 như sau :
    "Trước kia, người Nguyên vào cướp, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng và Vua sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc, chỉ có kẻ nào đầu hàng từ trước (ý nói trước và trong cuộc kháng chiến lần thứ hai - ND) thì dẫu bản thân ở triều đình giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản sung công, tước bỏ quốc tính".

    Lời bàn :

    Hoàng đế mở lượng hải hà, không thèm chấp nhất lỗi của bọn tiểu thân bạc nhược. Song, kẻ bạc nhược lẽ đâu lại quên được lầm lỗi của mình. Vua không dùng hình pháp để nghiêm tri mà thực là đã nghiêm trị rồi đó vậy.

  15. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  16. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    26 - THƯỢNG HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG DẠY VUA

    Trần Nhân Tông húy là Khâm, được vua cha là Trần Thánh Tông truyền ngôi cho từ năm 1278, làm vua đến năm 1293 thì nhường ngôi cho con là Thái tử Thuyên, tức vua Trần Anh Tông. Từ đó, Trần Nhân Tông là Thượng hoàng. Anh Tông thích rượu chè, bởi vậy mới có chuyện Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy vua Trần Anh Tông vào năm Kỉ hợi (1299) được sử cũ ghi lại. Nay theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 27 và 28) mà thuật lại như sau :
    "Lúc ấy, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh, các quan trong triều không ai hay biết. Vua uống rượu xương bồ, say ngủ đánh thức mãi không được. Thượng hoàng thong thả đi xem hết các cung điện một hồi lâu, đến khi Nội hầu dâng cơm, Thượng hoàng không thấy Vua, lấy làm lạ, bèn hỏi. Biết chuyện (Vua say rượu) Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan nội ngày mai phải đến tề tựu (ở Thiên Trường) để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa (hôm sau) Nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, Nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cung, khi về qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài. Vua hỏi, Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là học trò đi học. Vua cho theo vào cung, bảo rằng :
    - Mới đây, trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà ngươi hãy thảo giúp ta tờ biểu ấy.
    Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay. Nhà vua liền dùng thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm thì tới Thiên Trường. Sớm hôm sau (Vua) sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên. Thượng hoàng hỏi :
    - Người dâng biểu là người nào ?
    Người hầu cận thưa rằng :
    - Đấy là người của Quan gia (chỉ vua Trần - ND) sai dâng biểu tạ tội.
    Thượng hoàng không nói gì cả. Trời xẩm tối, gió mưa ầm ĩ mà Nhữ Hài vẫn quỳ gối không nhúc nhích, Thượng hoàng bèn cho lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ thiết tha thành khẩn, mới cho triệu Nhà vua vào và dạy rằng :
    - Ta không có người con nào nữa để nối ngôi hay sao ? Nay ta còn sống mà đã thế, sau này sẽ ra sao ?
    Nhà vua cúi đầu tạ tội.
    Thượng hoàng hỏi :
    - Ai soạn tờ biểu này ?
    Nhà vua tâu :
    - Tên học trò là Đoàn Nhữ Hài.
    Thượng hoàng lại cho triệu Đoàn Nhữ Hài vào, dụ bảo rằng :
    - Tờ biểu nhà ngươi soạn thực hợp ý ta.
    Sau đó, Thượng hoàng cho Nhà vua lại được làm vua như cũ, trăm quan lại trở về triều như trước. Ở phủ Thiên Trường về, Vua cho Nhữ Hài làm Ngự sử Trung tán. Bấy giờ, Nhữ Hài mới có hai mươi tuổi, có kẻ ghen ghét, cho là mới ít tuổi đã làm quan, làm thơ nói mỉa ông là miệng còn hơi sữa".

    Lời bàn :

    Sử cũ cho biết, sau lần bị Thượng hoàng trách phạt này, Anh Tông không bao giờ uống rượu nữa. Những kẻ thích uống rượu cũng không bao giờ được Anh Tông cất nhắc. Mới hay, có nghiêm phụ lại có cả hiếu tử, gia giáo tốt đẹp biết ngần nào. Kẻ ghen ghét cho Nhữ Hài miệng còn hơi sữa, có biết đâu tài chẳng đợi tuổi bao giờ. Họ cười Nhữ Hài nhưng người đời lại cười họ, bởi lẽ, Nhữ Hài quả là bậc trung thần túc trí, càng về sau càng lắm công lao. Con mắt của người biết thành khẩn nhận lỗi như vua Trần Anh Tông chẳng phải là sáng suốt lắm đó sao.

  17. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    27 – LỜI VÀNG NGỌC CUỐI CÙNG CỦA HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

    Tháng 8 năm Canh Tí (1300), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời, hưởng thọ 70 tuổi. Ông là nhà chính trị xuất sắc, nhà quân sự thiên tài và là nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi sáng ngời với sử sách. Trước phút lâm chung, ông còn để lại cho hậu thế những lời vàng ngọc, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụctrân trọng ghi lại như sau :
    “Trước đây, Quốc Tuấn bị bệnh, Nhà vua (đây chỉ Trần Anh Tông - ND) thân đến nhà riêng thăm viếng và hỏi rằng :
    - Nếu có sự không lành xảy ra (ý nói lỡ Trần Quốc Tuấn qua đời- ND) mà quân Nguyên lại sang xâm lấn thì chống cự bằng cách gì ?
    Quốc Tuấn thưa :
    - Ngày trước Triệu Võ (chỉ Triệu Đà - ND) dựng nước, Vua nhà Hán sai quân sang đánh, bấy giờ, dân thì phá hết hoa màu ở đồng nội, quân thì kéo sang, dùng đoản binh tập hậu mà đánh phá châu Khâm, châu Liêm và châu Trường Sa. Đó là một thời kì. Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng li tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại cũng là một thời kì. Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn. Lúc ấy, dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều phen đánh đến tận Mai Lĩnh, ấy là có thế lực mạnh. Vừa rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây. Lúc ấy, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên giặc phải chịu bó tay. Đấy là lòng trời xui khiến.
    Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy ở đoản binh, đem đoản binh chống trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải cân nhắc cho kĩ, giá thử quân giặc tràn sang như gió như lửa thì có thể chống cự được, nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay thì mình phải dùng tướng giỏi, xem tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà thì mới có thể chiến thắng được. Vả lại, phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được.
    Vua phục lời trình bày của Quốc Tuấn là đúng".

    Lời bàn :

    Người xưa cho rằng, đã là bậc tài cao đức dày thì ắt là phải sinh vi tướng, tử vi thần, sống được người đời kính trọng, mất được thế gian tôn thờ, tên tuổi phải đời đời sáng rỡ trong sử sách. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân lập đền thờ ở khắp Bắc, Trung, Nam, ấy cũng bởi ông là bậc đại công đức.
    Đến phút cuối đời vẫn canh cánh nỗi lòng yêu nước, thương dân thì con người ấy phải là con người của mọi thời. Đất nước này, dân tộc này sẽ mãi mãi khắc ghi ơn sâu nghĩa nặng. Kính thay!

+ Trả lời chủ đề
Trang 3/8 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình