+ Trả lời chủ đề
Trang 4/8 ĐầuĐầu ... 2 3 4 5 6 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 31 tới 40 của 76

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3

  1. #31
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    28 - CHÂN DUNG TRẦN QUỐC TUẤN

    Trong các bộ sử cũ, phần viết về triều Trần, ngoài các hoàng đế ra, nhân vật được nhắc đến nhiều hơn cả có lẽ là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trước đã có mấy mẩu chuyện nhỏ nói về ông, nay xin theo sách Khâm định Việt sứ thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 32 và 33) mà kể tiếp như sau :

    “Lúc Quốc Tuấn mới sinh, có người xem tướng trông thấy, nói rằng :
    - Người này mai sau có thể kinh bang tế thế được.
    Quốc Tuấn lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, xem rộng các sách, tài kiêm văn võ. Thân phụ Quốc Tuấn là An Sinh Vương vốn có hiềm khích riêng với vua Trần Thái Tông (ý muốn chỉ việc Thái Tông lấy vợ của anh là Thuận Thiên Công chúa - ND) đem lòng oán giận, bèn đi tìm khắp những người tài nghệ cao cường để dạy bảo Quốc Tuấn. Khi sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng :
    - Con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được.
    Trong lòng Quốc Tuấn vẫn không cho lời ấy là phải. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, Quốc Tuấn một mình nắm giữ binh quyền. Có lần, Quốc Tuấn đem lời trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai người can ngăn mà nói :
    - Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang một thời mà tiếng xấu để đến ngàn đời không hết. Đại vương bây giờ chẳng đã là giàu sang rồi đó sao? Chúng tôi tình nguyện làm kẻ nô bộc đến già mà chết (trong thanh thản) chớ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan. Chúng tôi mong được như người mổ dê tên là Duyệt (tên một người chuyên nghề mổ dê ở Trung Quốc thời Xuân Thu, giàu lòng trung nghĩa, từng theo phò Chiêu Vương nước Sở nhưng sau không nhận ban thưởng gì chỉ vui trở về với nghề mổ dê - ND).
    Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động mà ứa nước mắt, vừa không ngớt khen ngợi. Có lần Quốc Tuấn (cũng đem chuyện này) vờ hỏi ý con là Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn :
    - Cổ nhân giàu có cả thiên hạ để truyền cho con cháu về sau. Việc này ý con thế nào ?
    Quốc Nghiễn thưa rằng :
    - Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ.
    Quốc Tuấn rất lấy làm phải.
    Sau, ông lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến thẳng đến nói rằng :
    - Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ.
    Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng :
    - Bọn bề tôi phản loạn đều chính là do nhưng đứa con bất hiếu mà ra.
    Nói rồi có ý giết đi. Quốc Nghiễn vội chạy ra van khóc, xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiễn rằng :
    - Khi ta mất, đậy nắp quan tài đâu đó xong xuôi rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng khóc.
    Vào khoảng cuối niên hiệu Thiệu Bảo (niên hiệu của vua Trần Nhân Tông, từ năm 1279 đến năm 1285. Từ năm 1285 đến 1293 Trần Nhân Tông lấy niên hiệu là Trùng Hưng. Đây chỉ cuộc kháng chiến lần thứ hai - ND), quân Nguyên rầm rộ kéo sang, khí thế rất là hung hãn. Nhân Tông nói rằng :
    - Thế giặc mạnh như vậy, có lẽ ta hãy tạm xin hàng.
    Quốc Tuấn nói :
    - Bệ hạ muốn hàng, trước hãy chém đầu thần đi đã.
    Xem những việc trên thì rõ Quốc Tuấn là người hết lòng với nhà Trần, trung nghĩa rõ ràng như thế, cho nên dẹp tan được giặc Nguyên, dựng nên công nghiệp phi thường, tiếng vang đến Trung Quốc. Người Nguyên thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi rõ tên. (Vua Trần) Thánh Tông có làm bài văn bia ở sinh từ, sánh Quốc Tuấn với Thượng Phủ (tức Khương Thượng, một công thần của nhà Chu, Trung Quốc - ND). Vì có công to, ông được gia phong là Thượng quốc công, được quyền tự ban thưởng cho người khác, nhưng Quốc Tuấn chưa hề tự ban thưởng cho một ai cả, ông cẩn trọng giữ gìn như thế đấy. Ông lại thường tiến cử người hiền tài cho đất nước, các ông Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão đều là môn khách của Quốc Tuấn cả".

    Lời bàn :

    Quốc Tuấn nghiêm giữ gia phong, canh cánh nuôi lòng trung nghĩa, lại biết tiến cử người hiền tài, sống một đời mà tiếng thơm để đến muôn đời là ông vậy. Năm 1324, vua Trần Minh Tông có làm bài thơ tặng Trần Bang Cẩn, trong đó có câu : “Phong lưu nhất đoạn hôn miêu tận. Tâm lý nan miêu cảnh cảnh đan” nghĩa là : Mọi nét phong lưu đều có thể vẽ rõ hết, nhưng không sao có thể vẽ được lòng trung nghĩa.
    Vẽ chân dung Trần Quốc Tuấn có lẽ còn khó hơn thế nhiều.

  2. #32
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    29 - PHẠM NGŨ LÃO VÀ MINH HIẾN VƯƠNG

    Tháng 5 năm Nhâm Tí (1312) vua Trần Anh Tông cất quân đi đánh Chiêm Thành. Cùng đi có tướng quân Phạm Ngũ Lão và Minh Hiến Vương (húy là Uất, con út của Trần Thái Tông). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 28 b) có ghi lại một mẩu chuyện về mối quan hệ giữa Phạm Ngũ Lão với Minh Hiến Vương trong chuyến xuất chinh này như sau :
    “Ngày Vua đóng ở Câu Chiêm, Minh Hiến Vương Uất ở trong doanh trại bàn tán, làm mê hoặc lòng quân lính, Vua giận, đuổi ra khỏi dinh lại còn lệnh cho các dinh không được thu nhận. Minh Hiến Vương bèn cùng vài chục gia đồng ra ngủ ở ngoài đồng nội. Phạm Ngũ Lão nghe tin ấy, vội mời vào trong quân và nói với mọi người rằng, Thánh thượng vừa quở trách ân chúa và đuổi ra ngoài, lỡ ra bị giặc bắt được thì chúng rêu rao là bắt được Hoàng tử chứ có biết đâu là (Hoàng tử) bị Vua quở trách (và đuổi đi). Ngũ Lão này thà chịu tội trái lệnh chứ không nỡ làm lợi cho giặc. Vua nghe biết cũng không nỡ trách ông.
    Minh Hiến với Ngũ Lão, tình nghĩa thì rất sâu nhưng lễ ý thì sơ sài. Minh Hiến đến nhà Ngũ Lão, thường cùng ngồi với nhau một chiếu, khi về, (Ngũ Lão) lại đem biếu vàng bạc, (Minh Hiến) cần gì, Ngũ Lão cũng không hề tiếc nuối dè xẻn, cho nên, Minh Hiến thích chơi với ông.
    Vua có lần trách Ngũ Lão rằng, Minh Hiến là Hoàng tử, sao mà ngươi lại khinh suất thế. Sau, Minh Hiến lại đến nhà, Ngũ Lão vẫn cùng ngồi như xưa, chỉ nói rằng, ân chúa chớ đến nhà tôi nữa, kẻo Thánh thượng lại trách tôi. Nhưng Minh Hiến vẫn lui tới thường xuyên mà Ngũ Lão cũng không đổi nết cũ. Ấy là vì một người thì cậy của mà giữ lễ tiết sơ sài, một người thì ham của mà quên mất cả phận trên dưới".

    Lời bàn :

    Cứu Minh Hiến Vương ở Câu Chiêm, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ một tầm nhìn có lẽ còn sâu sắc hơn cả vua Trần. Nhưng, mối thâm giao giữa Phạm Ngũ Lão với Minh Hiến Vương tốt xấu ra sao, thiết nghĩ, lời bàn của sử cũ xác đáng lắm rồi. Hóa ra, giữ lễ với khách xa lạ vậy mà dễ, giữ lễ với người thân cận lại khó vô cùng. Đấy là thói thường, nhưng đấy cũng là điều đáng suy gẫm lắm thay!

  3. #33
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    30 - TRÍ VÀ DŨNG CỦA KHẮC CHUNG

    Khắc Chung vốn người họ Đỗ, nhờ có công giúp rập nhà Trần nên được mang quốc tính, đổi gọi là Trần Khắc Chung. Nhà Trần rất ít khi ban quốc tính cho ai, nhất là ở buổi đầu của thời kì dựng nghiệp, vậy ắt hẳn là Khắc Chung trí dũng hơn người ? Xin trích dịch một đoạn sau đây trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 45 b và 46 a) và nhường lời phẩm bình về Khắc Chung cho người đọc :

    “Giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn (vùng ngoại ô Hà Nội và Bắc Ninh ngày nay - ND), bắt được quân ta, thấy người nào cũng thích hai chữ Sát Thát bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Sau, chúng tiến đến Đông Bộ Đầu (nay là khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội - ND), dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người đi do thám mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng : "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi". Vua mừng mà nói : "Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kì, ngựa kí như thế ". Nói xong liền sai Khắc Chung đem thư xin giảng hòa. Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung rằng : "Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy lớn lắm". Khắc Chung đáp "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không khắc". Nói rồi, giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói : "Đại quân từ xa tới, nước người sao không quay giáo lại hội kiến, còn dám chống lệnh ? Càng bọ ngựa cản bánh xe thì sẽ ra sao ?". Khắc Chung nói: "Hiền tướng sao không theo cách Hàn Tín bình nước Yên, cứ đóng quân ở biên giới, đưa thư báo trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Giờ bức hại nhau. Người ta nói, thú cùng thì cắn lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người ?".

    Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi nói với các tướng rằng : "Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ vẫn tự nhiên, không hạ chủ nó là chích (tức bọn trộm cướp - ND), không nịnh mà tâng bốc ta là Nghiêu (tức Đường Nghiêu - ND), hắn chỉ nói chó nhà cắn người, thật giỏi ứng đối, quả là không làm nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ gì mưu tính được". (Nói rồi), sai quân đuổi theo để bắt Khắc Chung, nhưng không kịp nữa.

  4. #34
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    31 - MẠC ĐĨNH CHI ĐI SỨ

    Mạc Đĩnh Chi quê ở Chí Linh (Hải Dương), đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304). Ngay sau khi đỗ đạt, ông được sung chức Nội thư gia và bốn năm sau (năm Mậu Thân, 1308), ông được cử cầm đầu phái bộ sứ giả sang nhà Nguyên, mừng việc Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Có một mẩu chuyện thú vị đã xẩy ra trong chuyến đi sứ này của ông, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 24 a và b) ghi lại như sau :

    “Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu (thô bỉ, quê mùa ). (Bất thình lình), Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng, tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của Tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".

    Lời bàn :

    Đĩnh Chi người thấp bé mà tài cao, đi sứ không làm nhục mênh Vua, một lòng canh cánh lo gìn giữ quốc thể, thật đáng kính lắm thay. Những kẻ ngạo mạn cười ồ khi Đĩnh Chi giả vờ bắt chim sẻ sau khi nghe Đĩnh Chi cắt nghĩa việc làm cua mình chẳng hay họ có biết chính họ đã bị Đĩnh Chi mắng xéo là lũ tiểu nhân hay không. Xé bức trướng xong lạị nói vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân, hẳn Đĩnh Chi muốn ngầm bảo rằng, sao mà thánh triều lắm tiểu nhân đến vậy.

  5. #35
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    32 - TRẦN KHẮC CHUNG MẤT HẾT DŨNG KHÍ

    Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa trước đó của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem công chúa Huyền Trân gả cho vua Chiêm Thành lúc ấy là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân cũng đã đem đất hai châu Ô và Lý (vùng tương ứng với phần phía Nam tỉnh Quảng Trị cộng với toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay) dâng cho Đại Việt làm sính lễ.
    Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), nghĩa là chỉ mới được mười một tháng kể từ khi Huyền Trân Công chúa về Chiêm Quốc thì Chế Mân mất. Hay tin này, Trần Anh Tông vội sai quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ là Trần Khắc Chung, cùng với An phủ sứ Đặng Văn vào Chiêm Thành để tìm cách cứu Huyền Trân Công Chúa. Sách
    Đại Việt sử ký toàn thư(bản kỉ, quyển 6, tờ 22 b và 23 a) viết rằng : "Theo tục lệ Chiêm Thành, hễ Vua mất thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ Công chúa bị hại, bèn sai bọn Khắc Chung mượn cớ sang viếng tang, rồi nói, nếu hỏa táng Công chúa trước thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng trước ra bờ biển chiêu hồn ở chốn ven trời, đón linh hồn (Chế Mân) cùng về rồi hãy lên giàn hỏa thiêu. Người Chiêm nghe theo. (Ra biển), Khắc Chung dùng thuyền nhẹ, cướp lấy Công chúa đem về, rồi tư thông với Công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Hưng Nhượng Đại vương (tức Trần Quốc Tảng, con thứ của Trần Hưng Đạo) ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu rằng, thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước, họ tên nó là Trần Khắc Chung ( ba chữ này cũng có nghĩa là nhà Trần sắp mất đến nơi - ND), thì nhà Trần lại mất về nó chăng ? Khắc Chung thường sợ hãi né tránh".
    Lời bàn :

    Trước đó hơn hai chục năm. khi đất nước đang cơn binh lửa, chính Trần Khắc Chung đã dũng cảm nhận mệnh vua Trần, hiên ngang đi vào sào huyệt nguy hiểm của giặc, khiến cho tướng giặc là Ô Mã Nhi phải kính nể. Đến đây, giang sơn thái bình, họa binh đao không còn nữa. Hưng Nhượng Đại vương dù sao cũng không thể đem ví với Ô Mã Nhi, vậy mà sao Trần Khắc Chung phải sợ hãi mà né tránh. Dũng khí của Trần Khắc Chung mất hết rồi chăng ? Ắt chẳng phải vậy. Kẻ tâm bất chính bao giờ cũng sợ lời ngay, mà đã là lời ngay thì chẳng cứ gì phát ra từ Hưng Nhượng Đại vương, từ bất cứ một ai, kẻ tâm bất chính cũng phải sợ vậy.

  6. #36
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    33 - LÒNG CHUNG THỦY CỦA UY TÚC CÔNG VÀ VĂN HUỆ CÔNG

    Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 25b) có chép hai mẩu chuyện về lòng chung thủy của Uy Túc Công và Văn Huệ Công. Xin tóm lược như sau :

    Uy Túc Công (tên thật là Trần Văn Bích, con trai Trần Đạo Tái, cháu nội của Trần Quang Khải) có vợ là Công chúa Thiên Trân. Công chúa Thiên Trân chẳng may mất sớm, vua Trần Anh Tông thương xót lắm, thân đến đưa tang. Uy Túc Công lăn ra đất, khóc lóc rất thảm thiết, Vua đến cũng không dậy nổi, phải hai người dìu mới ra tiếp được. Bấy giờ, phần vì thấy Uy Túc Công có vẻ thương vợ quá, phần vì thời ấy có lệ định rằng, những ai lấy Công chúa, nếu Công chúa mất trước hoặc giả là bỏ nhau thì không được lấy vợ khác, nên ai cũng tin là Uy Túc Công nhất định sẽ ở vậy đến hết đời. Ấy vậy mà sau đó chẳng bao lâu, Uy Túc Công lại lấy Công chúa Huy Thánh.
    Văn Huệ Công (tên thật là Trần Quang Triều, con của Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Hưng Đạo) có vợ là Công chúa Thượng Trân. Công chúa Thượng Trân cũng chẳng may mà mất sớm, vua Trần Minh Tông cũng thân đến đưa tang như trước đó vua cha đã đến đưa tang Công chúa Thiên Trân vậy. Khi Vua đến, Văn Huệ Công ra đón tiếp, tâu bày mọi việc rành mạch, xem bề ngoài như chẳng hề có đau buồn gì. Mọi người thấy vậy ai cũng cho là chẳng bao lâu nữa, Văn Huệ Công sẽ lấy vợ khác, nào ngờ, về sau Văn Huệ Công lại đi tu suốt đời.

    Lời bàn :

    Uy Túc Công đi lấy vợ khác, đó cũng là sự thường, chẳng thể coi là lỗi. Văn Huệ Công đi tu, ấy cũng chẳng phải là điều hay, vì xét ra, chùa chiền đâu chỉ để riêng đón những người góa vợ tới tu hành. Cái đáng bàn là ở đời, chớ nhìn sự việc một cách hời hợt để rồi đoán già đoán non. Lỗi có chăng chính là ở những kẻ vô công rồi nghề, chuyên đàm tiếu những điều mà chính họ cũng không hay biết gì cả.

  7. #37
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    34 - PHÍ TRỰC XỬ ÁN

    Năm 1317, quan Hình bộ Lang trung của triều Trần, tên là Phí Trực, được Thượng hoàng Trần Anh Tông cho kiêm giữ chức An phủ Thiên Trường. Phí Trực là người nổi tiếng thông minh và làm việc rất cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án. Phí Trực thường xem đi xét lại rất kĩ, thà mang tiếng là chậm, chớ quyết không chịu xử sai. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 34b) có chép lại một trong những vụ án do Phí Trực xử như sau :
    “Bấy giờ, trộm cướp bắt đầu nổi lên, có tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó chính là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ, án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời rằng, mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết. Không bao lâu sau, Thượng hoàng lại hỏi, Trực lại trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận mà bảo rằng, nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa. Trực tâu, nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ. Một tháng sau. Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực có tài".

    Lời bàn :

    Thời Phí Trực, khi quý tộc chết, người ta có thể đem hàng loạt gia nô chôn sống theo chủ mà vẫn không bị cho là phạm tội. Xem thế cũng đủ biết mạng người lúc ấy chẳng đáng là gì. Giữa thời sinh linh bị rẻ rúng ấy. Phí Trực dám nói mạng người rất trọng thì quả là lạ lắm Hẳn ông cũng biết rõ rằng tâu bày như vậy với Thượng hoàng, ông rất có thể bị mang họa vào thân. Mới hay, làm quan toà cũng cần có dũng khí, bởi thiếu dũng khí thì chẳng bao giờ bảo vệ được công lí. Một khi quan tòa chỉ biết trước là lo làm vừa lòng đấng chí tôn, sau là lo giữ thân mình, cuối cùng mới tính sự đúng sai, thì công lí đành phải ngả nón mà chào bái biệt. Tấm gương cẩn trọng của Phí Trực thật đáng suy gẫm lắm thay !

  8. #38
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    35 - QUAN KIỂM PHÁP TRẦN KIẾN

    Tháng tư năm Đinh Dậu (1297) vua Trần Anh Tông (1293- 1314) đã bổ dụng Trần Kiến làm Đại an phủ sứ ở kinh sư, lại cho kiêm luôn chức Kiểm pháp của triều đình. Lí do việc bổ dụng này đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên: quyển 8, tờ 25) ghi lại như sau :

    “Trần Kiến là người cương trực, từng làm quan An phủ sứ ở Thiên Trường. (Hồi ấy) có người mang thức ăn đến biếu, Trần Kiến hỏi :
    - Có việc gì mà biếu ?
    Người ấy trả lời :
    - Vì ở gần sở lị.
    Mấy hôm sau, người ấy đem việc đến cầu giúp, Trần Kiến giận lắm, lấy tay móc họng cho ói ra.
    Đến đây, (Trần Kiến) được cất nhắc lên làm quan Kiểm pháp, xét xử công bằng, thỏa đáng, mọi người đều nói Trần Kiến có thể quyết đoán hình ngục được".

    Lời bàn :

    Thường ngày chung sống mà sẵn lòng chia xẻ vui buồn với nhau, ấy là việc nghĩa, đời nào cũng nên giữ. Giao hảo mật thiết lâu ngày mà tặng nhau chút quà mọn, ấy là chân tình, chối từ là không phải lễ.
    Trong chỗ không ngờ, Trán Kiến xuýt nữa thì bị mua chuộc. Ông giận là phải, móc họng cho ói ra cũng phải. Cổ nhân vẫn nói ăn quen bén mùi, mùi món ăn hối lộ hễ ăn là dễ ghiền lắm. Than ôi, chức sắc ra đường được thiên hạ xởi lởi mời chào, có biết là trong muôn lời xởi lởi mời chào ấy, có những lời chứa đựng cả mưu toan !

  9. #39
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    36 - SỰ NGHIÊM CẨN CỦA THƯỢNG HOÀNG TRẦN ANH TÔNG

    Thượng hoàng Trần Anh Tông húy là Thuyên, con của Trần Nhân Tông và Bảo Thánh Hoàng thái hậu, sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276), được Nhân Tông truyền ngôi năm Quý Tị (1293), làm vua 21 năm (1293 - 1314), rồi nhường ngôi để làm Thái thượng hoàng 6 năm (1314 - 1320), mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi. Bình sinh, Anh Tông là người nghiêm cẩn, xin theo sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 36 a- b và tờ 37 a- b) mà thuật lại mấy mẩu chuyện về Anh Tông như sau :

    “Lúc còn trẻ, Anh Tông thích uống rượu, bị Nhân Tông răn bảo, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều, Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng, sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế. Từ đó, Anh Tông càng thận trọng khi ban chức tước".

    “Huy Tư được phong làm Hoàng phi, khi đi theo hầu (thì tước ấy) chưa được phép ngồi kiệu. Bảo Từ Thái hậu lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà, Anh Tông trách rằng, Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi thì theo điển chế cũ không thể cho được".

    “Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long (tức niên hiệu của Anh Tông, có từ năm 1293 đến năm 1314), khuyết chức Hành khiển. Khi Anh Tông chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông nói rằng Quốc Phụ được đấy. Anh Tông thưa, nếu lấy ngôi thứ mà bàn thì được, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi. Nhân Tông im lặng, rồi Anh Tông cũng không cất nhắc, Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết".

    Lời bàn :

    Biết vâng mệnh vua cha mà bỏ hẳn rượu chè, ấy là hiếu. Sợ dùng kẻ rượu chè bê tha mà làm hỏng quốc gia đại sự, ấy là minh. Không dễ dãi với cả hoàng phi của mình, ấy là nghiêm. Gồm đủ cả hiếu, minh và nghiêm, xưa quả là hiếm có vua chúa như vậy. Ai đó vô tâm, ngày ngày chỉ lo vun quén, quyết hưởng cả những cái danh phận mình chưa được hưởng, ắt phải thấy hổ thầm nếu có một lần nào đấy trót dại chê bai vua chúa thuở xưa.

  10. #40
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    37 - TRƯƠNG HÁN SIÊU BỊ PHẠT

    Trương Hán Siêu sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông mất năm 1354. Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, từng lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Bình sinh, Trương Hán Siêu là bậc văn tài lỗi lạc, tác giả của bài Bạch Đằng giang phú bất diệt và nhiều kiệt tác khác. Vua Trần vẫn thường gọi ông là thầy, không gọi bằng tên như các quan lại khác. Ông mất, triều Trần cho thờ ông ở Văn Miếu, sánh ngang với Chu Văn An và các bậc tiên nho xuất chúng.

    Tuy có biệt tài văn chương, nhưng trong chính trị, ông lại là người bất cẩn. Bậc đồng liêu là quan Tông chính đại khanh Lê Cư Nhân vẫn gọi mỉa ông là chân đá cầu nhà quê, ý rằng ông xét việc cũng như người nhà quê đá cầu, ít khi nào trúng. Xin kể ra đây một chuyện về ông, khi ông còn giữ chức Hành khiển (vào năm Bính Dần, 1326, thời vua Trần Minh Tông), được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 44 b) ghi lại như sau :
    "Một hôm, Siêu nói trong triều rằng Hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra. Hán Siêu bèn nói kín với người khác rằng, tôi làm việc ở chính phủ, được Chúa thượng tin dùng cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này. Vua nghe vậy liền nói, Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả, sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện? Đến khi tra xét, Hán Siêu đuối lí, phải phạt 300 quan tiền".

    Lời bàn :

    Phát ngôn bừa bãi đã là tội lớn, lợi dụng sự tin cẩn để phát ngôn bừa bãi rồi đang không vu hãm người thì tội tại càng lớn hơn. Lê Cư Nhân gọi ông là chân đá cầu nhà quê, ắt có chỗ lầm lẫn, bởi trong việc này. Hán Siêu không đá cầu mà đá vào chân người đang đá cầu vậy. Ôi, sự dại dột này đâu phải chỉ trả giá bằng ba trăm quan tiền ? Chừng như danh thơm một đời ông dày công tạo lập cũng đã bị mất bớt đi một phần rất đáng kể rồi . Tiếc thay !

+ Trả lời chủ đề
Trang 4/8 ĐầuĐầu ... 2 3 4 5 6 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình