+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4
Hiện kết quả từ 31 tới 39 của 39

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 4

  1. #31
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    30 - KHÍ PHÁCH NGUYỄN BIỂU

    Nguyễn Biểu sinh năm nào không rõ, chỉ biết nguyên quán của ông là đất Bình Hồ, La Sơn, Nghệ An (nay là đất Đức Thọ, Hà Tĩnh). Năm Kỉ Sửu (1409), khi các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương ... cùng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng đế để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Biểu cũng ứng nghĩa mà theo về, được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cho giữ chức Đài quan. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 12, tờ 37 và 38) chép rằng :
    "Trước đây, đế Quý Khoáng thấy mình bị thua luôn, lương thực không được tiếp tế đầy đủ, mới cho bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung theo đường biển ra tuần tiễu ở Hải Đông, Vân Đồn và các vùng biển khác để kiếm lương ăn và chặn đánh bọn lính nhà Minh đóng rải rác ở những nơi này. (Đánh xong) lại kéo về Nghệ An, quân chỉ còn lại độ ba bốn phần mười.
    Đến nay (tháng 4 năm Quý Tị, 1413 - ND), Trương Phụ lại đem quân đến đánh, (Vua) bèn chạy đến Hóa Châu (vùng Bình - Trị - Thiên cũ - ND) rồi sai bầy tôi là Nguyễn Biểu sung làm sứ cầu phong. Khi (Nguyễn Biểu) đem phẩm vật đến Nghệ An, (Nguyễn) Biểu bị (Trương) Phụ giữ lại (Nguyễn) Biểu giận, mắng (Trương) Phụ rằng :
    - Trong bụng thì toan tính việc đánh chiếm nước người ta mà bề ngoài thì lại lớn tiếng là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược.
    (Trương) Phụ giận, sai giết (Nguyễn Biểu)".
    Bởi kính trọng nghĩa khí quật cường ấy, nhân dân Nghệ - Tĩnh đã lập đền thờ ông, tôn ông là Nghĩa vương. Trong Nghĩa sĩ truyện, Hoàng Trừng (người thế kỉ XVI và là cháu chắt bên ngoại của Nguyễn Biểu) có kể rằng, khi thấy Nguyễn Biểu đến doanh trại, chủ tướng giặc là Trương Phụ đã thử khí phách của Nguyễn Biểu bằng cách mời ông ăn cỗ đầu người. Nguyễn Biểu vừa ăn vừa làm bài thơ bằng chữ Nôm Ăn cỗ đầu người rất được người đời truyền tụng. Nguyên văn bài thơ chữ Nôm này như sau :
    Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
    Gia hào thêm có cỗ đầu người.
    Nem công chả phượng còn thua béo,
    Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
    Ca lối Lộc Minh so cũng một,
    Vật bày thỏ thủ bội hơn mười.
    Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn,
    Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.

    Cũng trong sách trên, Hoàng Trừng còn ghi lại cả một bài văn tế của Trùng Quang Đế, đế là Tế Nguyễn Biểu; nguyên văn bằng chữ Nôm như sau :
    Than rằng :
    Sinh sinh hóa hóa, cơ huyền tạo mờ mờ,
    Sắc sắc không không, bụi hồng trần phơi phới.
    Bất cộng thù, thiên địa chứng cho,
    Vô cùng hận, quỷ thần thề với.
    Nhớ thuở tiên sinh giơ cao mũ trãi,
    Chăm chắm ở nơi đài gián, dành làm cột đá để ngăn dòng.
    Tới khi tiên sinh xa gác vó câu, hăm hăm chỉ,
    Cán cờ mao, bỗng trở gió vàng bèn nên nỗi.
    Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn hăm,
    Gan thiết thạch Tô công dễ đổi.
    Quan Vân Trường gặp Lữ Mông dễ sa cơ ấy,
    Mảng thấy chữ phệ tề hà cập dạ những bùi ngùi.
    Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn, mong trả thù này,
    Nghĩ đến câu thường đảm bất vong lòng thêm dọi dọi.
    Sầu kia không lấp cạn dòng,
    Thảm nọ dễ xây nên núi.
    Lấy chi báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ,
    Vơi vơi mượn chuốc ba tuần.
    Lấy chi ủy thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu,
    Thăm thẳm ngõ thông chín suối.

    BàiTế Nguyễn Biểu tuy chưa phải là bài hay, càng chưa phải là đã viết đúng theo những quy cách vốn rất chặt chẽ của văn tế, song, cái tình của Trùng Quang Đế đối với Nguyễn Biểu thì ai cũng có thể nhận thấy được.

  2. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #32
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    31 - ĐÁNG ĐỜI PHAN LIÊU

    Tháng tư năm Quý Tị (1413), quân Minh đánh chiếm được Nghệ An, lực lượng của Trùng Quang Đế chỉ còn giữ được vùng Hóa Châu nữa mà thôi. Hóa Châu tuy địa thế hiểm trở nhưng đất hẹp, dân thưa, không thể làm căn cứ vững chắc cho lực lượng của Trùng Quang Đế.
    Hai tháng sau khi chiếm được Nghệ An, Trương Phụ và Mộc Thạnh họp các tướng để chuẩn bị đánh trận quyết định với Trùng Quang Đế. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 22-a) cho biết : “Tháng 6, Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh họp các tướng bàn kế đánh chiếm (Hóa Châu). Thạnh nói :
    - Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ lấy được.
    Phụ nói :
    - Tôi sống được cũng là nhờ Hóa Châu, có làm ma thì cũng làm ma Hóa Châu. Hóa Châu mà chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào nhìn Chúa thượng nữa.
    Xong, bèn đem thủy quân đi, mất 21 ngày (thì đến và) đánh vào thành của châu Thuận Hóa".
    Trận này, Trùng Quang Đế đại bại, phải chạy sang Lão Qua (đất Lào ngày nay), nhưng rồi cũng bị quân Minh đuổi theo, lùng bắt được và giải về Trung Quốc. Dọc đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống cửa sông tự tử.
    Vì sao Trương Phụ dám đánh nhanh và kết quả là đã thắng thật nhanh ở Hóa Châu như vậy. Có một điều bí mật mà có lẽ cả đến Mộc Thạnh cũng không hay. Cũng sách trên (tờ 23-b và tờ 24-a) ghi rõ :
    “Trước đây, nhà hậu Trần (thỉ chung Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng - ND) dấy binh mưu việc phục hưng, có viên Trấn thủ cũ là Phan Quý Hựu góp công tính mưu giúp sức nên (Quý Hựu) được thăng dần đến Thiếu bảo. Khi Trương Phụ vào đánh cướp Nghệ An, Vua (chỉ Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng - ND) ngự tới Hóa Châu, Quý Hựu liền hàng giặc. Phụ mừng lắm. Nhưng, được mươi hôm thì Quý Hựu vì bệnh mà chết. Phụ cho con (của Quý Hựu) là Liêu làm Tri châu Nghệ An và hậu thưởng cho gia thuộc của Quý Hựu. Liêu đem tình trạng hay dở của các tướng văn võ, số lượng quân đội và hình thế núi sông (ở Hóa Châu) nói cho Phụ biết. Bấy giờ, Phụ mới quyết chí đánh Hóa Châu”.
    Song le, kẻ phản bội làm sao thoát nổi lưới trời, Phan Liêu về sau cũng chết bởi sự trừng trị đích đáng của Lê Lợi. Xin mượn lời bàn của Ngô Sĩ Liên (trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 24 a-b) thay cho phần kết của mẩu chuyện về tên phản quốc Phan Liêu :
    "Trùng Quang Đế dấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước đang trong cơn loạn lạc chia lìa, kể cũng như lấy một cây gỗ nhỏ để chống giữ ngôi nhà lớn đang đổ, có đâu lại không biết rằng sự thể đã đến lúc không sao cứu vãn được nữa ? Dẫu vậy, cứ làm hết bổn phận phải làm để mong có thể thay đổi được mệnh trời. Còn như khi bị giặc bắt đem về, (Vua) giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống sông mà chết, cùng mất với nước như thế, thực đúng là vua của nước, chết vì đất nước. Các bề tôi của Ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội của giặc rồi chết... đều là những người tiêu biểu đáng ca ngợi cả.
    Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh Vua đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước mà báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng đế ta (chỉ Lê Lợi - ND) giết chết.
    Than ôi, kẻ làm tôi trung với nước, chết vì nghĩa, danh thơm mãi còn, bọn bất trung phản quốc, không thể tránh khỏi cái chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm. Quả đúng vậy !"

  4. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #33
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    32 – TIẾT THÁO CỦA TRÙNG QUANG ĐẾ, ĐẶNG DUNG, NGUYỄN CẢNH DỊ VÀ NGUYỄN SÚY

    Tháng chạp năm Quý Tị (1413) quân Minh đập tan hoàn toàn lực lượng của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Toàn bộ các lãnh tụ của phong trào yêu nước này đều bị giặc bắt và tất cả đều đã anh dũng hi sinh. SáchKhâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 40) chép rằng :
    “Từ khi quân của Hoàng đế Quý Khoáng thất trận, phải ẩn náu trong rừng, tàn quân không sao tập hợp lại được nữa. Cảnh Dị và Đặng Dung muốn chạy sang Tiêm La (tức Thái Lan ngày nay - ND) nhưng (Trương) Phụ đuổi theo, bắt được. Cảnh Dị mắng chửi Phụ rằng :
    - Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt !
    (Cảnh Dị) mắng chửi mãi không nghỉ miệng, (Trương) Phụ bèn đem giết rồi lấy gan ăn. Đế Quý Khoáng chạy sang Lão Qua (đất Lào ngày nay - ND), Nguyễn Súy chạy đến Minh Linh (Quảng Bình - ND) cũng đều bị quân Minh bắt".
    Tháng tư năm Giáp Ngọ (1414), Trương Phụ giải Trùng Quang Đế Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc. Cũng sách trên (tờ 41) đã chép lại việc áp giải vua tôi Trùng Quang Đế, kèm theo lời phê của các sử gia trong quốc sử quán triều Nguyễn như sau :
    “Trương Phụ bắt được Hoàng đế Quý Khoáng cùng (các bề tôi là) (Đặng) Dung, (Nguyễn) Súy, bèn dẫn quân về Đông Quan (tức Hà Nội - ND) rồi sai người đưa vua tôi Quý Khoáng về Yên Kinh (Trung Quốc - ND). Dọc đường, Hoàng đế Quý Khoáng nhảy xuống sông mà chết, (Đặng) Dung cũng nhảy theo, duy chỉ (Nguyễn) Súy bị người lính canh bắt lại. Súy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người lính canh, rồi cũng nhảy xuống sông mà chết.

    Lời phê :

    Lúc đầu, đời Trấn may mà gặp Thoát Hoan nhà Nguyên; lúc cuối, đời Trần không may mà gặp Trương Phụ nhà Minh, sự được thua hưng suy vừa do ở trời vừa do ở người. Nhưng, vua tôi biết chết theo xả tắc, làm sảng tỏ đến ngàn đời”. (Câu này ý nói Thoát Hoan kém cỏi còn Trương Phụ thì có tài. Lời phê này chưa thật thỏa đáng, tuy nhiên tôn trọng nguyên bản chúng tôi xin dịch như vậy - ND).

    Lời bàn :

    Trùng Quang Đế cùng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy và nhiều bậc tướng tài giàu lòng trung nghĩa khác, đã sống một cuộc đời quả cảm, ngang dọc tung hoành, tỏ cho quân Minh biết thế nào là hào kiệt nước Nam.
    Đến khi thế cùng lực kiệt, họ cam chịu nỗi đau của người bại trận và trút bỏ xác phàm để bước vào thế giới vĩnh cửu của sự tôn nghiêm mà hậu thế muôn đời trân trọng dành cho họ.
    Ngọn đèn sắp tắt bao giờ cũng lóe sáng lên một lần cuối cùng, nhà Trần như ngọn đèn cạn dầu tàn bấc từ cuối thế kỉ XIV, đến đây, hoạt động của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế kể cũng như là lần lóe sáng cuối cùng vậy.

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #34
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    33 - CHUYỆN LỘ VĂN LUẬT

    Lộ Văn Luật người huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết khi quân Minh xâm lược nước ta, ông đầu hàng và được quân Minh cho phò tá một tên tướng cao cấp của giặc là Lý Bân.
    Tháng 7 năm Kỉ Hợi (1419), khi Lý Bân đi đàn áp ở Nghệ An, Lộ Văn Luật là tướng tiên phong. Song, do chỗ Lý Bân dùng mà không tin nên năm ấy, Lộ Văn Luật lo sợ và bỏ trốn. Lý Bân tức giận, cho bắt giết cả mẹ già lẫn anh em trong gia thuộc của Lộ Văn Luật. Có lẽ cũng vì mối hận này mà đến tháng 4 năm Canh Tí (1420), Lộ Văn Luật quay trở về quê nhà là vùng Thạch Thất, phát động nhân dân ở đây nổi dậy chống quân Minh. Lý Bân lập tức cho quân đến đàn áp. Nhân dân địa phương hoảng sợ, đem nhau chạy vào hang Phật Tích (tức hang Sài Sơn hay hang Núi Thầy) và hang An Sầm. Lý Bân sai lính dỡ nhà dân làm củi để hun lửa vào hang, giết chết dân trong cả hai hang nói trên. Lộ Văn Luật thoát ra được và chạy sang Ai Lao (đất Lào ngày nay), được Quốc vương Ai Lao dung dưỡng.
    Bấy giờ, Lê Lợi đã khởi binh, ngoài chỗ dựa lợi hại là căn cứ Lam Sơn hiểm trở ở phía Tây Thanh Hóa, Lê Lợi còn được sự hỗ trợ đắc lực của Ai Lao. Quân Minh vì thế mà không thể đè bẹp được phong trào Lam Sơn.
    Đến Ai Lao, lẽ ra Lộ Văn Luật phải nuôi mối thâm thù với quân Minh và tập hợp hào kiệt để chờ ngày rửa hận, song, ông đã làm ngược lại. Do có dịp gần gũi với Quốc vương Ai Lao, Lộ Văn Luật đã tìm cách li gián Quốc vương Ai Lao với Lê Lợi. Kết quả là vào tháng 11 năm Tân Sửu (1421), khi Lê Lợi vừa thắng quân Minh hai trận ở Kình Lộng và Đèo Ống (Thanh Hóa), thì Quốc vương Ai Lao bất thình lình cho quân đánh úp Lê Lợi từ phía sau. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 8 a-b) mô tả trận này như sau:
    "Vua (chỉ Lê Lợi - ND) ngầm phục kích ở Đèo Ống (tả ngạn sông Mã - Thanh Hóa - ND) để đợi giặc. Đến trưa thì quả nhiên (Trần) Trí đem quân theo đường núi mà đến. Quân mai phục hai bên (của Lê Lợi) xông ra đánh tan giặc. Quân (Trần) Trí phải rút lui. Nhưng, đúng lúc ấy, Ai Lao đem 3 vạn (có sách chép là 5 vạn - ND) quân và 100 thớt voi thình lình đến doanh trại của Vua, giả dạng cùng hợp sức với Vua để đánh giặc. Vua tin lời của họ nên không phòng bị gì. Đến nửa đêm thì (Vua) bị họ đánh úp. Vua phải đích thân đốc chiến, đánh suốt từ giờ tí đến giờ mão (tức là từ 23 giờ đêm hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau - ND) mới phá tan được quân Ai Lao, chém hơn một vạn thủ cấp, bắt được 14 thớt voi và (lại còn) thừa thắng, truy kích bốn ngày đêm liền, đuổi (quân Ai Lao) đến tận sào huyệt của chúng rồi mới về".
    Cũng sách trên (tờ 9-a) viết tiếp :
    "Trước đây, Vua vốn thân thiện với Ai Lao, chưa từng có sự hiềm khích gì. Hồi Vua còn cầm cự với giặc ở Lư Sơn (Thanh Hóa - ND), Ai Lao từng cho quân đến giúp sức. Nay vì tên nguy quan là Lộ Văn Luật trốn giặc chạy sang Ai Lao, sợ uy danh của Vua, bèn thêu dệt gây sự xích mích, nên mới ra nông nỗi này”.

    Lời bàn :

    Giặc vừa đến đã đầu hàng rồi làm tay sai cho chúng, lỗi ấy thật không nhỏ, nhưng dẫu sao thì Lộ Văn Luật cũng đã tự nhận ra tâm địa của quân Minh nên đã bỏ trốn. Nếu tất cả chỉ dừng ở đó, hậu thế vẫn có thể rộng lượng mà bỏ qua cho ông.
    Cầm đầu cuộc nổi dậy ở Thạch Thất, việc lớn tuy không thành nhưng dẫu sao thì Lộ Văn Luật cũng đã tỏ ra là có chút chí khí.
    Tiếc thay, chút nghĩa khí quật cường trong ông quá ít ỏi. Từ khi chạy sang Ai Lao, Lộ Văn Luật là một con người hoàn toàn khác. Tầm nhìn thiển lậu, tâm địa nhỏ nhen, chẳng còn biết đâu là anh hung, đâu là phản bội... thực chất con người của Lộ Văn Luật là đấy chăng !

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #35
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    34 – CHUYỆN LÊ NGÃ VÀ TRẦN THIÊN LẠI

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 5-b) viết :
    “Người làng Chàng Kênh, huyện Thủy Đường (nay thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - ND) là Lê Ngã, đổi cả họ lẫn tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên. (Lê) Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, từng đi khắp tứ xứ, tới đâu cũng được mọi người chu cấp".
    Chuyện đi khắp tứ xứ của Lê Ngã, thực ra chỉ là chuyện đi lo tập hợp lực lượng để nổi dậy chống quân Minh, làm việc đại nghĩa mà lúc ấy không phải ai cũng dám làm. Cũng sách trên (tờ 6-a) cho biết :
    "Ngã nói với những người quen biết rằng :
    - Các người có muốn giàu sang không ? Ai muốn thì hãy theo ta.
    Khi đến huyện Đơn Ba, Lạng Sơn (nay là huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - ND), Ngã mạo nhận là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông (người làm vua từ năm 1372 đến năm 1377 - ND), từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đơn Ba (người đứng đầu huyện Đơn Ba - ND) là Bế Thuần đem con gái gả cho và lập làm vua, chẳng bao lâu (Lê Ngã) đã có đến vài vạn quân".

    Khoảng giữa năm Canh Tí (1420), các cuộc nổi dậy của Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện v.v... lần lượt bị thất bại, tàn quân của họ đều theo về với Lê Ngã, thành ra lực lượng của Lê Ngã lên tời mấy vạn người.
    Quân Minh đang bối rối vì phải lo đối phó với nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó có Lê Ngã, thì bỗng dưng chúng có được một lực lượng đồng minh tình nguyện giúp sức đánh Lê Ngã. Thủ lĩnh của lực lượng đồng minh này là Trần Thiên Lại, một quý tộc cũ của họ Trần trước đó đã hèn nhát đầu hàng quân Minh. Trần Thiên Lại vào tận bản doanh của Lê Ngã và xác nhận Lê Ngã chính là một trong những gia nô cũ của hắn. Thiên Lại tuyên bố:
    - Hắn là gia nô cũ của ta, việc gì ta phải sợ mà lạy nó !
    Thiên Lại về rồi, Lê Ngã xét thấy không nên dung tha tên phản quốc nguy hiểm này, bèn cho quân đuổi theo nhưng không kịp. Sau đó, cũng sách trên (tờ 6-b) cho biết :
    “Thiên Lại gửi hịch cho các huyện gần đó, tự xưng là Hưng Vận Quốc thượng hầu, đem quân đi đánh nhau với Lê Ngã, bị Ngã giết chết. Lý Bân (lúc ấy mới) đem quân thủy bộ đến đánh. (Lê) Ngã và (Bế) Thuần đang đêm bỏ trốn cả, không biết là đi đâu”.
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 13, tờ 11) còn ghi thêm một chi tiết thật thảm hại cho Trần Thiên Lại như sau :
    "Lý Bân nhà Minh nói :
    - Thiên Lại và Lê Ngã cũng chỉ như hai con thú mà thôi. (Bởi vậy) chờ cho (Lê Ngã) thắng rồi, Lý Bân mới xuất quân ra đánh".
    Thế là rõ ! Trần Thiên Lại tình nguyện đánh Lê Ngã, nhưng, với tướng giặc là Lý Bân thì Trần Thiên Lại chẳng qua cũng chỉ là đồ thí bỏ, sống chết chẳng có gì đáng bàn.

    Lời bàn :

    Đầu hàng quân Minh là một lần phạm tội. Tình nguyện đem quân đi đánh nghĩa binh Lê Ngã là thêm một lần phạm tội nữa.
    Trần Thiên Lại bị giết bởi lưỡi gươm của Lê Ngã là phải lắm. Trần Thiên Lại khinh Lê Ngã, cho Lê Ngã chỉ là gia nô của hắn xưa kia nên không lạy, lại còn cất quân đi đánh, có biết đâu chính Trần Thiên Lại mới thực là gia nô, mà lại là gia nô của quân cướp nước tàn bạo. Nhục thay !
    Thế mới biết ở đời, vẫn có kẻ chẳng biết đâu là vinh, đâu là nhục, mà như thế thì còn đáng gọi là người được nữa chăng ?

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #36
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    35 - NỖI OAN KHUẤT CỦA PHẠM LUẬN

    Cuối năm Canh Tí ( 1420), Lý Bân đập tan được cuộc khởi nghĩa Lê Ngã. Lê Ngã cùng Bế Thuần trốn thoát được nhưng rồi sau đó họ đi đâu không ai rõ. Trong lúc đó, nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến vua Minh lo lắng hạ chiếu buộc bọn quan lại đô hộ ở nước ta phải bắt cho bằng được vị thủ lĩnh kiệt hiệt là Lê Ngã. Chiếu lệnh quá gắt gao, bọn quan lại đô hộ sợ bị phạt tội nên tính kế tìm kẻ thế mạng cho Lê Ngã. Người chẳng may chịu tai vạ khủng khiếp này là Phạm Luận và gia thuộc của ông. SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 7-b) chép rằng :
    “Tổng binh Lý Bân và Nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên người huyện Giáp Sơn (thuộc Hải Dương) và buộc Luận phải nhận mình là Dương Cung (tức Lê Ngã, vì Lê Ngã đã tự đổi họ tên thành Dương Cung - ND) cốt để làm cho qua chuyện thi hành chiếu lệnh lùng bắt (Dương Cung). (Chúng) còn bắt cả gia thuộc (của Phạm Luận) là bọn Phạm Xã rồi giải về Yên Kinh.
    (Có viên) Tri huyện tên là Đặc Khiêm nhận thực rằng đó không phải là tên (Dương) Cung. (Lý) Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng (bao đựng tấu thư gửi về triều - ND) dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. (Lý) Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng :
    - Mọi người đều cho là đúng, chỉ mình ông bảo không đúng là làm sao ?
    Khiêm nói :
    - Ai ra ngoài mà chẳng phải qua cửa ngõ (ý muốn nói tất cả mọi người đều cùng phe đảng của Hoàng Phúc - ND).
    (Lý) Bân bèn cho giải cả (Đặc) Khiêm lẫn (Phạm) Luận về Yên Kinh, giao cho pháp ti xét hỏi. Khiêm xuýt nữa bị hành tội, may có người anh đánh trống đăng văn (đánh vào cái trống ở triều đình kêu oan để được cứu xét - ND) kêu oan nên được miễn tội. Sau, (Đặc Khiêm) được thăng đến chức Hữu bố chính ở nước ta, còn gia thuộc Phạm Luận cuối cùng bị chết trong ngục".

    Lời bàn :

    Sách Lễ kí của Trung Quốc có chép chuyện Hà chính mãnh ư hổ (chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn cả cọp). Cứ ngỡ đó chỉ là chuyện riêng của Trung Quốc thời ông Khổng Tử, dè đâu lại có ở nước ta vào thời thuộc Minh. Nỗi oan khuất của Phạm Luận dẫu đến ngàn đời cũng chưa tan nổi.
    Đặc Khiêm được miễn tội, hẳn nhiên là có chút nhờ cậy ở tiếng trống đăng văn, nhưng lí do miễn tội chính yếu, chẳng qua chỉ vì Đặc Khiêm là người Trung Quốc, chả gì cũng là đồng hương của quân xâm lăng. Còn như Phạm Luận, dẫu có cả đến trăm người cùng đánh trống đăng văn thì rơi đầu vẫn cứ là bị rơi đầu vì lưỡi gươm oan nghiệt. Lí do chính yếu chẳng qua chỉ vì Phạm Luận là người nước ta, là đồng hương của Dương Cung (tức Lê Ngã).
    Bọn Lý Bân, Lý Lượng và Hoàng Phúc, trên thì sợ triều đình, nhưng dưới thì lại ra mặt tác oai tác phúc với dân. Thế mới biết là ở đời, đáng sợ nhất xưa nay vẫn là lũ đội trên đạp dưới. Ngẫm mà xem !

  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #37
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    36 – CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở TRANG PHAO

    Ghi chép những sự kiện xảy ra vào năm Bính Ngọ (1426), sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 19 a-b) đã dành một đoạn khá dài để nới về người đàn bà ở trang Phao, huyện Đáy Giang (nay thuộc Hà Tây). Chuyện đại lược như sau :
    "Mùa hạ, tháng sáu, có người đàn bà nghèo khổ ở trang Phao, huyện Đáy Giang bị mắc bệnh hủi, lại bị chồng ruồng bỏ (nên phải lang thang đó đây). Bỗng một hôm, mụ gặp một cụ già ở dọc đường đi. (Cụ già) cho mụ một hòn đá to bằng quả trứng gà, bảo cứ lấy mà mài rồi đem nước mài ấy bôi vào chỗ loét thì khỏi ngay. Mụ làm theo như vậy thì quả nhiên khỏi bệnh. Xa gần nghe tin, nhiều người đem tiền, lụa đến xin chữa bệnh. Mụ ứng tiếp không xuể mà cũng chỉ lấy hòn đá mài nước đem cho, gọi là nước bồ tát. Người ta hỏi nhau, tìm đường đến xin cho được nước đó để về chữa. Việc ấy bị (quân Minh) phát giác, cả người và đá đều bị bắt đưa về giam ở Tam ti. Không bao lâu quan quân (của Lê Lợi) tới, người đàn bà ấy mới được đưa về. Kẻ có học cho rằng, đó là điềm Lê Thái Tổ lấy được nước".

    Lời bàn :

    Đã nghèo hèn lại mắc bệnh hủi, đó là một lần đại rủi ro. Đã mắc bệnh hủi lại còn bị chồng ruồng bỏ, đó là thêm một lẩn đại rủi ro nữa. Phận đàn bà mà mắc phải hai lần đại rủi ro ấy thì lẽ thường là cả thể xác lẫn tâm hồn đều tan nát, có sống cũng chỉ là sống thừa.
    Song, tất cả những người bị bệnh hủi chẳng ai tình cờ có được hòn đá huyền diệu như người đàn bà trang Phao. Nhờ nó mà bà tự chữa được căn bệnh thuộc hàng tứ chứng nan y, thế là một lần được hưởng đại phước đức. Lại cũng nhờ hòn đá huyền diệu ấy mà người đàn bà trang Phao chưa từng một ngày học kê đơn bốc thuốc bỗng dưng có tiếng tăm lừng lẫy như một bậc đại danh y, khiến cho thiên hạ phải chen nhau tìm đến, thế cũng có thể nói là bà được thêm một lần hưởng đại phước đức nữa.
    Hai lần mắc đại rủi ro, hai lần được hưởng đại phước đức, bù qua đắp lại, kể như huề. Song, đất nước điêu linh, kẻ thứ dân hèn mọn mà được dân lành tín phục, quân Minh đô hộ tất phải hoảng sợ mà coi đó là mối lo hàng đầu. Chúng bắt người đàn bà trang Phao là cốt để ngừa cái rủi cho chúng vậy. Bấy giờ, hễ cái gì có lợi cho quân Minh thì tất phải có hại cho nhân dân ta. Đội quân “điếu dân khử bạo” của Lam Sơn đến, trong sự quyết chí cứu nguy cho thiên hạ, có cả sự cứu nguy riêng cho người đàn bà ở trang Phao. Kẻ có học thuở xưa nói rằng đó là điềm Lê Thái Tổ lấy được nước, chẳng qua chỉ cốt cổ vũ cho thuyết “bĩ cực thái lai” đó thôi.
    Ở đời, chẳng có ai suốt đời chỉ gặp may, cũng chẳng có ai suốt đời chỉ gặp rủi, khác nhau chỉ là may nhiều hay rủi nhiều và dạng thức cụ thể của sự may rủi mà thôi. Trong tất cả những sự rủi ro, thì cái đáng sợ nhất chính là không bình tâm tìm ra lối thoát một cách sáng suốt.

  14. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  15. #38
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    LỜI CHÚ CUỐI SÁCH

    Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu, chúng lôi cố gắng viết thêm lời chú ở cuối sách này. Với lời chú cuối sách, chúng tôi giải nghĩa một số khái niệm cũ, nhất là các khái niệm và thế thứ hoàng tộc và hệ thống học vị, quan chức. . . Xin được lưu ý bạn đọc ba điểm sau đây :
    - Tất cả lời chú đều được sắp theo thứ tự chữ cái của tiếng Việt. Sau mỗi khái niệm là số thứ tự của giai thoại, được đặt trong dấu ngoặc đơn.
    - Lời chú của sách này chỉ có giá trị trong sách này mà thôi. Sở dĩ nói như vậy là vì mỗi thời có những quy định khác nhau, trường hợp giống nhau thường không nhiều.
    - Riêng bài văn Nôm của Trùng Quang Đế viết để tế Nguyễn Biểu (in ở giai thoại số 30), chúng tôi chú thích ở cuối cùng, không sắp theo thứ tự chữ cái tiếng Việt.


    AN PHỦ SỨ (14) : Chức quan đứng đầu một phủ. Chức này đầu thời Trần rất lớn, nhưng sang thời Hồ và thời thuộc Minh, tuy cũng thuộc hàng quan lại cao cấp của triều đình, nhưng không lớn như thời Trần nữa.
    BĨ CỰC THÁI LAI (36) : Vận bĩ cùng cực thì vận thái đến, Quan niệm này có nguồn gốc từ Kinh Dịch. Trong Kinh Dịch có quẻ bĩ, tượng trưng cho sự bế tắc và quẻ thái tượng trưng cho sự hanh thông. Bế tắc đến cùng cực thì hanh thông lại đến. Suy rộng ra, hết rủi là đến may, hết xấu là đến tốt... sự thế chuyển vận không ngừng.
    CA LỐI LỘC MINH (30) : chữ lấy trong Kinh Thi (Trung Quốc), tả việc vua đãi yến các sứ giả. Đây ý nói ngon như bữa yến tiệc của vua ban cũng thật khó mà sánh.
    CÁC HẠ (29) : Nguyên nghĩa là kẻ ở dưới gác. Quan chức trong triều đều được gọi là các hạ. Vì lẽ này, các hạ cũng là tiếng tôn xưng người quan chức.
    CỔ LÂU (19) : Tên đất. Nguyên đất này thuộc lãnh thổ của ta. Tháng 2 năm Ất Dậu , nhà Hồ sai Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ (người lo việc cắt đất). Hoàng Hối Khanh đã cắt đất này cho nhà Minh. Trên bản đồ hiện nay, đất Cổ Lâu xưa, giờ là đất hai huyện, vùng Điền Nam của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
    CÔNG CHÚA NGUYỆT ĐÍCH (Lời dẫn chuyện) : Chưa rõ là Công chúa con của vua nhà Lý nào. Các bản đều chép : "Có người lấy Công chúa Nguyệt Đích, sinh ra Công chúa Nguyệt Đoan". Đoạn văn ngắn này rất khó hiểu, vì người lấy Công chúa là Phò mã thì con của họ không thể được phong là Công chúa. Chúng tôi chỉ xin dịch đúng nguyên văn, chờ khảo cứu sau.
    CÔNG CHÚA NGUYỆT ĐOAN (Lời dẫn chuyện) : Xin xem Công chúa Nguyệt Đích đã chú ở trên.
    CÔNG SƠN (7) : Tích lấy trong thiên Dương hóa của sách Luận ngữ, theo đó thì Công Sơn tức Công Sơn Phất Nhiễu, nguyên là quan tể (chức đứng dầu) của họ Quý, nhưng rồi khi giữ đất Phí, Công Sơn Phất Nhiễu đã làm phản.
    CỰ TỘC (Lời dẫn chuyện) : Dòng họ có thế lực lớn.
    CHÁNH SỨ (28) : Đây không phải là chức tước của người đứng đầu một phái bộ sứ giả, mà là chức nhà Minh ban cho Hồ Hán Thương. Năm 1405, vua Minh đã ban chức này cho Hồ Hán Thương. Bản thân chức vị này cũng đã đủ để tỏ rõ rằng, nhà Minh đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, coi nước ta chỉ là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc.
    CHI HẬU TỨ CỤC CHÁNH CHƯỜNG (Lời dẫn chuyện) : Tên quan chức. Thời Trần, chức này rất lớn, thường chỉ do các bậc thân vương nắm giữ. Đến cuối thời Trần, chức này có thể giao cho người ngoại tộc và vị trí không còn lớn như trước nữa. Về thứ bậc, chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng đứng sau các quan làm việc trong Khu mật viện, là cơ quan được quyền bàn đến những vấn đề quan trọng của triều đình.
    CHỈ HUY HẬU NỘI NHÂN (2) : Chức quan trông coi các vị hoạn quan ở trong triều. Chức này thường kiêm luôn chức Trung sứ (lo việc truyền đạt và kiểm soát việc thực hiện mệnh vua).
    CHỈNH HÌNH VIỆN (19) : Chức quan lo việc xét xử và án kiện của triều đình. Những quan nào có hàm Đại phu trở lên đều có thể được trao chức này. Đây chỉ chức của Hoàng Hối Khanh.
    CHỨC HÀNH QUÂN (20) : Chức việc đặc biệt trao cho sứ giả. Đây chỉ Lý Kỳ là sứ giả của nhà Minh sang nước ta vào năm 1404. Việc đặc biệt mà Lý Kỳ thực hiện là bắt nhà Hồ phải cắt đất 59 thôn dâng cho nhà Minh. Việc này được tiến hành vào năm 1405.
    ĐẠI PHU (19) : Hàm của quan lại. Hàm này chỉ được ban cho quan lớn trong triều. Quan được ban hàm này có thể được tham gia bàn luận những việc quan trọng của nhà nước.
    ĐẠI TRI CHÂU (25) : Chức quan đứng đầu một châu lớn. Đây chỉ Đặng Tất là người giữ chức Đại tri châu ở Hóa Châu (vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay).
    ĐẦU NGŨ (5) : Là chức võ quan cấp thấp (mỗi ngũ có 10 người, người chỉ huy gọi là Đầu ngũ).
    ĐỒNG TRI KHU MẬT VIỆN, THAM MƯU QUÂN SỰ (25) :Chức quan lớn thứ hai trong cơ quan Khu mật viện, kiêm giữ chức Tham mưu quân sự. Đây chỉ chức tước của Nguyễn Cảnh Chân là một trong những vị tướng xuất sắc nhất của Giản Định Đế Trần Ngỗi trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
    GIA HÀO (30) : Thức ăn ngon, đồ nhắm, rượu hảo hạng.
    GIAO CHỈ BỐ CHÁNH SỨ (28) : Quan giữ chức Bố chánh (là chức đứng đầu) ở đất Giao Chỉ. Giao Chỉ ở đây là tên lãnh thổ nước ta. Nhà Minh không thừa nhận nước ta là một nước độc lập, có chủ quyền, mà chỉ coi nước ta là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc. Từ cách nhìn đó, vua Minh đã ban cho vua nhà Hồ là Hồ Hán Thương chức Giao Chỉ Bố chánh sứ.
    GƯƠM LONG TUYỀN (26) : Tên một thanh gươm quý. Tương truyền, có người Trung Quốc tên là Lôi Hoán đã tìm được trong nhà ngục ở Phong Thành một cái hòm. Trong hòm có hai thanh gươm, một thanh gươm tên Long Tuyền và một thanh gươm tên là Thái An. Văn học cổ thường gọi gươm quý là gươm Long Tuyền, tuy nhiên, gươm quý không phải chỉ là gươm tốt mà còn là gươm dùng vào việc đại nghĩa.
    HẢI TÂY ĐÔ THỐNG CHẾ (Lời dẫn chuyện) : Người cầm đầu lực lượng quân sự ở Hải Tây. Hải Tây là tên đất. Từ thời Lê Thái Tổ, Hải Tây là đạo. Đạo này gồm vùng đất từ Thanh Hóa trở vào. Trước thời Lê Thái Tổ, đạo Hải Tây chưa lập. Chúng tôi ngờ rằng, đây là tên gọi dùng để chỉ chung miền duyên hải Đông Bắc nước ta.
    HÁN CAO TỔ THẤY ĐẦU HẠNG VŨ (5) : Hán Cao Tổ tức Lưu Bang, người lập ra nhà Tây Hán (hay Tiễn Hán) của Trung Quốc. Hạng Vu tức Hạng Tịch, một danh tướng của Trung Quốc, xưng là Tây Sở Bình Vương. Thuở nhỏ, Hạng Vũ được chú là Hạng Lương dạy cho biết binh pháp. Sau chín trận đánh thắng quân Tần, uy danh của Hạng Vũ trở nên lừng lẫy.
    Bấy giờ, Lưu Bang liên minh với Hàn Tín và Bành Việt đánh Hạng Vũ, giành quyền thống trị toàn thiên hạ. Hạng Vũ thua ở trận Cai Hạ, phải nhờ một người giữ chức Đình trưởng đưa qua sông Ô Giang để trốn về Giang Đông. Nhưng rồi vì quá hổ thẹn bởi sự bại trận, Hạng Vũ tự đâm cổ mà chết, không thèm qua Giang Đông nữa.
    Là hai kẻ quyết không đội trời chung, nhưng trong thâm tâm, Hán Cao Tổ vẫn luôn bày tỏ sự kính phục tài cầm quân của Hạng Vũ. Đây nhà Trần coi Chế Bồng Nga cũng như Hạng Vũ, tự ví mình là Hán Cao Tổ.
    HÀO KIỆT TRUNG CHÂU (25) : Hào kiệt nghĩa là kẻ tài trí hơn người. Theo sách Hoài Nam Tử thì tài trí hơn vạn người gọi là anh, tài trí hơn ngàn người thì gọi là tuấn, tài trí hơn trăm người thì gọi là hào, tài trí hơn mười người thì gọi là kiệt. Còn trung châu là từ chỉ chung vùng đất trung tâm Đại Việt, tức vùng đồng bằng Bắc Bộ nước ta ngày nay.
    HỮU BỐ CHÍNH (35) : Một trong hai chức đứng đầu cơ quan hành chính ở nước ta. Nhà Minh coi nước ta là một bộ phận lãnh thổ của họ và đặt chức Bố chính để trông coi. Khi còn nhà Hồ, chức này được phong cho vua Hồ Hán Thương, và chỉ có một mình Hồ Hán Thương giữ chức này. Sau, nhà Minh thiết lập hai bộ máy cai trị ở nước ta : Bộ máy quân sự và bộ máy dân sự. Cao nhất trong bộ máy dân sự là hai chức Tả và Hữu bố chính. Thời thuộc Minh, chức này chỉ trao cho người Trung Quốc mà thôi.
    KIỆT HIỆT (35) : Hùng mạnh và thông tuệ hơn cả.
    KÌ LÃO (29) : Người già cả.
    KHÂM ĐỨC HƯNG LIỆT ĐẠI VƯƠNG (10) : Tước Đại vương, hiệu là Khâm Đức Hưng Liệt. Theo quan chế xưa, trong cùng một hàm tước tên hiệu nào càng dài thì vị trí càng thấp hơn. Đây là tước Đại vương hiệu bốn chữ, thuộc loại không dài cũng không ngắn.
    KHU MẬT CHỦ SỰ (9) : Chức quan làm công việc đại để như Chánh văn phòng của Khu mật viện. Chức này dưới quyến của quan Khu mật viện chánh sứ, Khu mật viện phó sứ và các quan khác trong Khu mật viện như Tri viện sự, Đồng tri và Thiên tri viện sự.
    KHU MẬT VIỆN ĐẠI SỨ (Lời dẫn chuyện) : Cũng tương tự như chức Khu mật viện chánh sứ, tức là chức đứng đầu cơ quan Khu mật viện. Cơ quan này được quyền bàn thảo công việc của triều đình.
    LẠI BỘ THƯỢNG THƯ (9) : Chức quan đứng đầu bộ Lại là bộ trông coi về tổ chức của các cơ quan nhà nước. Triều đình xưa thường có sáu bộ (bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công), trong đó, bộ Lại thường là một trong những bộ lớn nhất, quan Thượng thư bộ Lại có quyền uy hơn hẳn quan Thượng thư bộ Công.
    LẶC THUẬN HẦU (12) : Người có tước Hầu, hiệu hai chữ (là Lặc Thuận).
    LONG TIỆP (5) : Tên đơn vị quân đội.
    LÝ TỬ TẤN (26) : Người làng Triều Liệt, huyện Thượng Phúc (nay thuộc huyện Thường Tín, ngoại ô Hà Nội), không rõ sinh và mất năm nào. Lý Tử Tấn đậu Thái học sinh (tức Tiến sĩ) năm 1400 (cùng khoa với Nguyễn Trãi) nhưng không ra làm quan cho nhà Hồ. Thời Lê, Lý Tử Tấn ra làm quan, từng được vua Lê Nhân Tông trao chức Hàn lâm Học sĩ. Ông là nhà yêu nước, cũng là một trong những tác gia nổi tiếng của nước ta thời Lê. Tác phẩm của ông để lại, ngoài bộ tập chú cho sách Ức Trai dư địa chí của Nguyễn Trãi, còn có Chu yết Am thi tập và 5 bài phú nổi tiếng : Chí Linh sơn phú, Hạ Hiến Thiên Thánh tiết phú, Xương Giang phú, Dưỡng Chuyết phú, Du tiên đô phú, tất cả đều được chép trong Hoàng Việt văn tuyển.
    MẶT NHÌN HƯỚNG TÂY (7) : Nho gia tôn Khổng Tử làm Thánh tổ, nhưng Hồ Quý Ly chỉ cho Khổng Tử là Tiên sư, cho Chu Công mới xứng là Tiên thánh. Vì cách lập luận này, Hồ Quý Ly xin đặt tượng của Chu Công ở giữa, mặt nhìn về hướng Nam là hướng tượng trưng cho ngôi vị của Thiên tử. Vị trí này, hướng nhìn này, nguyên trước ở Văn Miếu chỉ dành cho Khổng Tử mà thôi. Cũng vì coi Khổng Tử chỉ là Tiên sư chứ không phải Tiên thánh nên Hồ Quý Ly xin đặt tượng Khổng Tử bên cạnh mặt nhìn về hướng Tây. Vị trí này, hướng nhìn này là của người thuộc hàng Tôn sư, tức là thấp hơn Tôn thánh.
    MỘT LỮ (31) : Tên một đơn vị quân đội. Theo binh chế nước ta thời Đinh thì lữ là đơn vị mà trên lí thuyết có đến 10.000 quân. Tuy nhiên, chưa bao giờ các lữ gồm đủ đến 10.000 quân cả, thậm chí là còn xa mới đạt đến tổng số này. Thời Tiền Lê, thời Lý rồi thời Trần và thời Hồ, binh chế luôn luôn thay đổi, cả về tên gọi đơn vị, tổ chức chỉ huy lẫn con số cụ thể. Ở đây, lữ là đơn vị ước lệ, ý nói quân đội không bao nhiêu.
    NỘI TẨM HỌC SINH (11) : Kẻ hầu phòng ngủ cho vua chưa có chức ngạch gì. Chức này thường dùng cho hoạn quan mới tuyển.
    NINH VỆ (6) : Là tên đơn vị quân đội.
    NƯỚC TRẦN (7) : Tên một nước chư hầu thời Xuân Thu ở Trung Quốc.
    NHIẾP THÁI PHÓ (Lời dẫn chuyện) : Thái phó là một trong Tam Thái, gồm : Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Trong hàng quan lại, Tam Thái là lớn hơn cả. Nhiếp thái phó là chức của Hồ Quý Ly năm 1399. Chức ấy có nghĩa là Hồ Quý Ly nắm quyền nhiếp chính hàm Thái phó.
    NGỌC THIỆN TRÂN TU (30) : Món ăn vừa quý vừa ngon. Lời chỉ các món ăn vương giả.
    NGUYÊN NHUNG (Lời dẫn chuyện) : Chức đứng đầu một đơn vị quân đội lớn dưới thời Trần. Đây chỉ chức của Hồ Quý Ly năm 1380, khi ông làm Hải Tây Đô thống chế.
    PHẬT HẤT (7) : Quan tể của ấp Trung Mâu, xuất thân là gia thần của quan Đại phu Triệu Giám Tử (người nước Tấn, Trung Quốc thời Xuân Thu).
    PHỤ CHÍNH THÁI SƯ NHIÊP CHÍNH, KHÂM ĐỨC HƯNG LIỆT ĐẠI VƯƠNG, QUỐC TỔ CHƯƠNG HOÀNG (Lời dẫn chuyện) : Quan thay vua nắm quyền nhiếp chính, tước Đại vương, hiệu là Khâm Đức Hưng Liệt, lại cũng là ông của vua. Đây chỉ Hồ Quý Ly, vì Hồ Quý Ly là ông ngoại của Trấn Thiếu Đế nên xưng là Quốc tổ chương hoàng.
    PHƯƠNG THUẬT (15) : Phép thuật thần tiên. Đây chỉ phép của đạo sĩ và thầy pháp.
    QUAN PHỤC HẦU (12) : Tước hầu, hiệu là Quan Phục.
    QUAN SÁT SỨ (12) : Chức quan nhỏ thời Trần, chưa rõ làm việc cụ thể gì.
    QUAN TUYÊN ÚY (Lời dẫn chuyện) : Chức quan tương đương với chức Tri huyện sau này.
    Quân THÁNH DỰC (4) : Tên một trong những đơn vị quân đội chủ lực của triều đình, do triều đình trực tiếp quản lí và tổ chức chỉ huy. Thời Trần trở về trước, quân đội thường gồm 4 bộ phận. Bộ phận thứ nhất do triều đình trực tiếp quản lí, kể cũng như quân chủ lực ngày nay. Lính của bộ phận này thường được gọi là Thiên tử quân hay Cấm vệ quân. Bộ phận thứ hai do các địa phương quản lí, thường gọi là Quân các lộ (lộ là đơn vị hành chánh địa phương), kể cũng tương tự như quân địa phương của ta ngày nay. Bộ phận thứ ba là lực lượng bán vũ trang do nhân dân các làng xã tự tổ chức, kể cũng như dân quân du kích của ta ngày nay. Ngoài ra, còn có một bộ phận nữa, đó là quân đội tư nhân của các bậc vương hầu. Tuy là quân đội tư nhân, do tư nhân trực tiếp quản lí và chỉ huy, nhưng khi cần, nhà nước vẫn có thể huy động. Như vậy, quân Thánh Dực là quân thuộc bộ phận thứ nhất. Nhà Hồ tiến hành nhiều cải cách quân đội, nhưng về mặt này, chính sách của nhà Hồ không có gì khác trước lắm.
    QUỐC CÔNG (25) : Tên tước vị. Xưa, tước vị gồm : Vương, Công, Hầu, Bá, Tử và Nam. Tước Vương thường chỉ ban cho người trong hoàng tộc, rất ít khi ban cho người ngoài hoàng tộc, cho nên, nói là sáu bậc, song trong thực tế chỉ có năm bậc mà thôi. Trong mỗi tước vị, lại còn phải chia làm nhiều bậc, như tước Công thì có Quốc công, Quận công, hay tước Hầu thì có Quận hầu, Huyện hầu v.v... Trong mỗi bậc, khoảng cách hơn kém còn phụ thuộc ở số chữ trong tên hiệu. Số chữ càng nhiều, tước càng thấp. Đây chỉ tước của Đặng Tất. Theo chữ mà suy thì Đặng Tất được phong tới bậc cao nhất của tước công.
    QUỐC TỬ TRỢ GIÁO (7) : Chức quan ở Quốc Tử Giám, thuộc quyền cai quản của các quan như Tri giám, Tế tửu, Tư nghiệp... chuyên lo giúp việc giảng tập tại cơ quan giáo dục này của triều đình.
    SINH VIÊN (35) : Học trò lớn tuổi đã học khá cao. Xưa, học trò mới nhập trường cho đến khoảng 14 hay 15 tuổi thì gọi là tiểu tử, từ 14 hay 15 tuổi trở lên, được học Tứ Thư, Ngữ Kinh và Bắc Sử thì gọi là đại nhân. Một số người trong hàng đại nhân được gọi là sinh viên.
    SỔ PHỤNG ĐẠO (10) : Sổ ghi tên những người tình nguyện theo đạo. Ở đây, đạo là đạo giáo
    TÁC OAI TÁC PHÚC (35) : Làm oai làm phúc, chỉ việc hay dùng quyền uy để dọa nạt thiên hạ.
    TIÊM LA (32) : Tên nước, cũng đọc là Xiêm La (tức Thái Lan ngày nay).
    TIÊN SƯ (7) : Người khởi xướng ra một học thuyết hay người có công tạo ra một nghề mới đều gọi là Tiên sư. Xưa, học trò gọi người thầy của mình đã mất cũng là Tiên sư. Đây chỉ Khổng Tử. Nho gia tôn Khổng Tử là Tiên thánh hay Thánh tổ, nhưng Hồ Quý Ly chỉ cho Khổng Tử là Tiên sư mà thôi.
    TIÊN THÁNH (7) : Vị thánh đầu tiên và cao nhất. Đây theo Hồ Quý Ly thì Tiên thánh là Chu Công Đán chứ không phải là Khổng Tử.
    TIẾN PHONG ĐỒNG BÌNH CHƯƠNG SỰ (Lời dẫn chuyện) : Được tiến phong làm Đồng bình chương sự. Đồng bình chương sự là chức rất lớn, chỉ ở sau quan Phụ chính mà thôi. Người giữ chức này thường được tự ý quyết đoán các việc, sau mới tâu vua.
    TIỂU TƯ KHÔNG (Lời dẫn chuyện) : Từ thời Trần, quan chế có thêm Tam tư là Tư đồ, Tư mã, Tư không, trong mỗi Tư lại có Đại và Tiểu tư. Như vậy, Tiểu tự không là người ở hàng thứ hai của Tư không. Chức này về sau tương đương với Thượng thư bộ Công (bộ nhỏ nhất trong số 6 bộ của triều đình).
    TÔN THẤT (12) : Họ của nhà vua.
    TUYÊN TRUNG VỆ QUỐC ĐẠI VƯƠNG (Lời dẫn chuyện) : Cũng có thể viết là Trung Tuyên vệ quốc Đại vương, tuy nhiên, nghĩa không đổi : tước Đại vương, hiệu là Trung Tuyên vệ quốc.
    THẠCH THẤT (33) : Tên đất thuộc tỉnh Hà Tây.
    TOÁT THÔNG VƯƠNG (12) : Là người được phong tước Vương, hiệu Toát Thông (tước Vương hai chữ) nhưng đây là tước Vương phong cho các vị tù trưởng thiểu số, chỉ là hư hàm mà thôi.
    THÁI SỬ LỆNH (9) : Chức việc quan trọng, chỉ giao cho quan lại cỡ lớn làm trong nhất thời. Đây chỉ việc quan Thượng thư bộ Lại là Đỗ Tỉnh được vua Trần giao việc đi đo đạc ruộng đất.
    THÁI TỬ THÁI PHÓ (22) : Trong quan lại, cao nhất là hàng Tam thái : Thái sư, Thái phó và Thái bảo. Hai chữ Thái tử ở đây là gia hàm, ban thêm cho người được phong hàm Thái phó. Xin lưu ý thêm rằng, hệ thống quan chức của Trung Quốc thời Minh có khác với hệ thống quan chức của nước ta thời Hồ. Thái tử Thái phó nói ở đây là Thái tử Thái phó Chu Năng (tướng chỉ huy của quân Minh).
    THÁI THƯỢNG NGUYÊN QUÂN HOÀNG ĐẾ (10) : Danh xưng của vua Trần Thuận Tông sau khi bị Hồ Quý Ly ép phải nhường ngôi cho con là Trần Thiếu Đế. Nhường ngôi xong, Trần Thuận Tông buộc phải đi tu theo Đạo giáo nên mới có danh xưng này.
    THÁI ÚY (3) : Hàm võ quan, nhưng thời Trần và thời Hồ chỉ dùng để gia hàm cho các vị tôn thất khi họ được kiêm làm Tể tướng (hoặc Tướng quốc).
    THAM MƯU QUÂN Sự (Lời dẫn chuyện) : Chức lo việc giúp vua bàn tính chuyện quân sự. Đây chỉ chức của Hồ Quý Ly năm 1375.
    THAM NGHỊ (24) : Chức được tham gia bàn việc. Đây chỉ chức của Bùi Bá Kỳ khi Bùi Bá Kỳ theo quân Minh về nước ta. Trong quan chế thời này, Tham nghị chỉ là hư hàm, nằm ở ngoại ngạch, chỉ ban cho Bùi Bá Kỳ như một sự an ủi mà thôi.
    THÀNH QUỐC CÔNG (22) : Tước Quốc công, hiệu là Thành. Đây chỉ tước của tướng nhà Minh là Chu Năng.
    THIẾT LIÊM, THIẾT SANG (2) : Tên đơn vị quân đội.
    TRANG (6) : Tên đơn vị hành chánh địa phương, ở dưới cấp lộ, tương đương với huyện hoặc châu. Đây chỉ trang Nam Định là một trang trong phủ Nam Định lúc bấy giờ.
    TRÁNG SĨ NHƯ PHÀN (30) : Tráng sĩ như Phàn Khoái. Phàn Khoái là võ tướng của Hán Cao Tổ. Trong bữa tiệc ở Hồng Môn, Hạng Vũ muốn tìm cách giết Hán Cao Tổ. Phàn Khoái biết, liền xông vào mà nói rằng : Nay có tiệc rượu thì xin được uống rượu. Nói rồi lừ mắt nhìn Hạng Vũ, khiến Hạng Vũ phải đổi ý mà lấy rượu thịt mời Phàn Khoái ăn. Phàn Khoái vừa uống vừa ăn gọn cả một vai heo ! Hạng Vũ khen Phàn Khoái là tráng sĩ. Đây Nguyễn Biểu ví mình cũng như Phàn Khoái, ung dung ăn để giữ tư thế sứ giả của vua khởi nghĩa là Trùng Quang Đế.
    TRUNG THƯ HOÀNG MÔN THỊ LANG KIÊM TRI ÁI CHÂU THÔNG PHÁN (7) : Quan có hàm ngang với Thượng thư, làm việc ở dinh thự có tên là Hoàng Môn, kiêm đứng đầu các việc ở châu Ái. Châu Ái nay thuộc Thanh Hóa và Bắc Nghệ An.
    TRI PHỦ (26) : Chức quan đứng đầu một phủ, cũng có khi gọi là An phủ sứ.
    TRI THẨM HÌNH VIỆN (3) : Chức quan Cao cấp trong cơ quan Thẩm hình viện của nhà nước. Cơ quan này chuyên lo việc xét xử, án kiện, ngục tụng v.v...
    TRUNG THỊ LANG ĐỒNG TRI THẨM HÌNH VIỆN SỰ (7) : Người có chức dưới Thượng thư, kiêm coi các việc với các quan trong cơ quan Thẩm hình viện.
    TRUNG THƯ, THƯỢNG THƯ SẢNH, PHỤNG NHIẾP CHÍNH, CAI GIÁO HOÀNG ĐẾ THÁNH CHỈ (10) : Tờ thánh chỉ của người coi việc dạy dỗ Hoàng đế nhỏ tuổi, cũng là người đang giữ quyền nhiếp chính, ban ra từ nơi làm việc của các quan Thượng thư trong triều. Đây chỉ các tờ văn kiện do Hồ Quý Ly ban ra.
    TRUNG TUYÊN QUỐC THƯỢNG HẦU (Lời dẫn chuyện) : Người có tước Quốc thượng hầu, hiệu là Trung Tuyên. Đây là tước của Hồ Quý Ly năm 1371.
    TRỤ QUỐC (12) : Tên hiệu của Nhật Đôn.
    VẬT BÀY THỎ THỦ (30) : Thức ăn có món đầu thỏ. Chữ lấy trong thơ Biểu diệp của Kinh Thi : "Hữu thố tư thủ” (có món đầu thỏ ấy). Ý chỉ yến tiệc ngon.
    VỆ CẨM Y (29) : Tên một đơn vị quân đội thường trực của triều đình. Đơn vị này thường được giao việc bắt giam những người phạm tội và cai quản phạm nhân.
    VỆ LINH CÔNG (7) : Tên một nhân vật người Trung Quốc thời Xuân Thu. Vệ Linh Công là chồng của nàng Nam Tử, nổi tiếng xinh đẹp nhưng cũng nổi tiếng dâm dật.
    XA KỊ VỆ THƯỢNG TƯỚNG QUÂN (11) : võ quan hàm Thượng tướng, cai quản vệ quân có tên gọi là Xa Kị (Các vệ quân có cuối thời Trần và thời Hồ là : Kim Ngô, Long Tiệp, Phụng Thần, Xa Kị, Thần Sách và Kiêu Kị). Theo binh chế xưa, Thượng tướng là hàm võ quan cao cấp.

  16. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  17. #39
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    CHÚ THÍCH BÀI VĂN TẾ NGUYỄN BIỂU, VIẾT BẰNG CHỮ NÔM CỦA TRÙNG QUANG ĐẾ

    Câu 1 : Sinh rồi lại mất, luân chuyển không cùng, máy tạo hóa thật là mầu nhiệm mà khó thấy.
    Câu 2 : Có đó rồi không cũng đó, bụi cõi đời rõ thay.
    Câu 3 : Thù không đội trời chung, trời đất chứng giám.
    Câu 4 : Hận đến vô cùng, thề để quỷ thần rõ.
    Câu 5 : Nhớ thời tiên sinh giơ cao chiếc mũ có hình con giải trãi, (giải trãi là con vật mà tương truyền, tự nó có thể biết được ai chính ai tà. Vì lẽ đó, các quan Ngự sử thường đội mũ giải trãi. Mũ giải trãi tượng trưng cho khí tiết ngay thẳng, không thiên vị bất cứ ai).
    Câu 6 : Vững lòng nơi làm việc can gián, cam làm cột đá để ngăn dòng nước chảy sai chiều (ý chỉ ngăn việc sai trái).
    Câu 7 : Cho đến lúc tiên sinh lên ngựa đi xa, hăm hở mà chỉ,
    Câu 8 : Cán cờ của sứ giả bỗng gặp gió thu cản trở mà nên nỗi.
    Câu 9 : Giặc Hồ hôi tanh chỉ hòng làm hại.
    Câu 10 : Gan như sắt đá ; Tô Vũ (thời Hán bên Trung Quốc) cũng chẳng dễ sánh.
    Câu 11 : Quan Vân Trường vì gặp Lữ Mông (tướng của nhà Đông Ngô) nên mới sa cơ.
    Câu 12 : Thoáng thấy chữ phệ tề hà cập (ăn năn sao kịp) mà lòng dạ bùi ngùi.
    Câu 13 : Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn, mong trả thù này,
    Câu 14 : Nghĩ đến câu thường đảm bất vong (nếm mật đắng cho khỏi quên) lòng thêm dọi dọi.
    Câu 15 : Sấu kia không lấp cạn dòng (ý nói nỗi sầu rất lớn, khó có thể quên, nhưng vẫn không ngăn được chí lớn),
    Câu 16 : Thảm nọ dễ xây nên núi (ý nói nỗi thảm quá lớn, nhưng vẫn không che được hướng đã chọn).
    Câu 17 : Lấy chi để báo đáp đức dày, rượu kim tương (rượu quý) này một lọ.
    Câu 18 : Vơi vơi xin chuốc ba tuần (ba lần rót rượu quý để tê)
    Câu 19 : Lấy chi để vỗ về hồn thơm, văn dụ tế mấy câu,
    Câu 20 : Thăm thẳm thông xuống tận nơi chín suối. (Bài văn tế viết bằng chữ Nôm nói trên, vừa có nhiều điển tích, lại vừa có một số khái niệm rất khó giải thích cho tường tận, nhất là chỉ trong vài ba hàng.

    Chúng tôi chỉ lược chữ như trên để bạn đọc dễ theo dõi mà thôi).

  18. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình