+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 39

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 4

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    10 - HỒ QUÝ LY ĐÃ THỰC HIỆN LỜI THỀ VỚI THƯỢNG HOÀNG TRẦN NGHỆ TÔNG NHƯ THẾ NÀO ?

    Sách Đại Việt Sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 31-b và tờ 32 a-b) chép rằng :

    “Mùa xuân (năm Mậu Dần, 1398 - ND) tháng ba, ngày 15, Lê Quý Ly bức Vua phải nhường ngôi cho Hoàng tử An. Quý Ly vốn có ý cướp ngôi, nhưng vì đã trót thề với Nghệ hoàng, nên sợ trái lời, bèn ngầm sai một người đạo sĩ (tên là) Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục Vua rằng :
    - Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần. Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên (ý nói là chưa tu theo Đạo giáo - ND). Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ (tức ngôi vua - ND) nhưng (ở ngôi ấy thì) muôn việc khó nhọc, chi bằng hãy truyền ngôi cho Đông cung (tức Thái tử - ND) để giữ khí hư hòa.
    Vua nghe lời. Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo đến cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh Ở phía tây nam núi Đại Lại (tên một quả núi ở Thanh Hóa, gần Tây Đô - ND) rồi mời Vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho Hoàng thái tử. Tờ chiếu nhường ngôi đại khái nói rằng : "Trẫm sớm mộ huyền phong (từ của Đạo gia, chỉ sự thanh tao của phong cách - ND), không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc (xe riêng của thiên tử - ND). (Trẫm) đức kém mà lạm giữ ngôi cao, thực khó lòng kham nổi. Huống chi, tâm bệnh (của trẫm) thường hay phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Trước có lời thề, trời đất quỷ thần đều đã nghe, nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn. Hoàng thái tử An hãy lên ngôi Hoàng đế. Phụ chính thái sư Quý Ly hãy lấy danh nghĩa Quốc tổ (Quý Ly là ông ngoại của Thái tử An nên mới được gọi như thế - ND) mà giữ quyền nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái thượng nguyên quân Hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa ý nguyện từ trước".
    Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất, đại xá thiên hạ. (Vua) tôn Khâm Thánh Hoàng hậu làm Hoàng thái hậu.
    Khi ấy, Thái tử mới lên ba tuổi (tính theo tuổi ta, thực ra chỉ mới hai tuổi - ND), nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai Thái hậu lạy trước cho Thái tử lạy theo. Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương, bản văn thì đề là Trung thư, Thượng thư Sảnh phụng nhiếp chính, Cai giáo Hoàng đế thánh chỉ v.v...
    Ngày hôm ấy, (Vua) lên ngự điện ở kinh đô mới. Lễ mừng xong, ban yến tiệc cho các quan từ ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai, con gái dạo xem ở cửa nam thành cả ngày lẫn đêm".

    Lời bàn :

    Mùa hè năm Giáp Tuất (1394) Hồ Quý Ly có thể với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông là sẽ giúp họ Trần truyền ngôi đến con cháu. Năm ấy, vua Trần là Trần Thuận Tông mới 16 tuổi, chưa có con nối dõi. Nếu bắt phải chờ cho đến hết đời Trần Thuận Tông rồi lại chờ tiếp cho đến hết đời con của Trần Thuận Tông để cho đủ gọi là .. truyền đến con cháu họ Trần, thì Hồ Quý Ly chẳng thể làm được, bởi lẽ lúc ấy Hồ Quý Ly đã già, mà chẳng già thì chờ đợi lâu năm, đối với Hồ Quý Ly cũng là sự vô lí không thể chấp nhận được. Thôi thì trước hãy làm cho con cháu họ Trần rời ngôi vị sớm, sau sẽ làm cho con cháu họ Trần mãn kiếp sớm hơn. Hồ Quý Ly nhân nhượng để cho vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Quý Ly) ở ngôi 10 năm (1388 - 1398), lại để cho vua Trần Thiếu Đế (tức Thái tử An trước kia, cũng là cháu ngoại của Quý Ly) ở ngôi 2 năm (1398 - 1400), thế cũng đã là đúng nghĩa...truyền đến con cháu rồi. Ai dám bảo là Hồ Quý Ly sai lời thề ước với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ? Ôi, cái đúng này mới chua chát và cay độc làm sao.
    Nên chăng, hậu thế hãy nói : "Giữ đúng lời thề như Hồ Quý Ly" !

  2. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    11 - THƠ HỒ QUÝ LY TẶNG VUA TRẦN THUẬN TÔNG

    Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con là Thái tử An, để rồi ngay sau đó đã tạm bố thí cho Thuận Tông một tước hiệu thật hài hước là Thái thượng nguyên quân Hoàng đế ! Song, để tiện trong giao tiếp thường ngày, Quý Ly cứ gọi tắt là Nguyên Quân. Năm ấy, Trần Thuận Tông mới 20 tuổi. Đến tháng 4 năm sau (Kỉ Mão, 1399), Hồ Quý Ly lại cưỡng bức Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật của Đạo giáo. Chuyến đi Quảng Ninh năm ấy cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ tuổi này. Hành trang mang theo dáng kể nhất của Thuận Tông, chỉ có bài thơ của Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 33-b) viết:

    "Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cưỡng bức Vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh - ND), (lại còn) mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi. Vua hỏi rằng : "Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng ?". Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng : "Nguyên Quân (chỉ Nhà vua - ND) không chết thì nhà ngươi phải chết". (Quý Ly) lại làm bài thơ đưa cho Nguyên Quân như sau :

    Phiên âm

    Tiền hữu dung ám quân,
    Hôn Đức cập Linh Đức,
    Hà bất tảo an bài,
    Đồ sử lao nhân lực.


    Dịch nghĩa

    Trước có vua tầm thường, ngu tối,
    Như Hôn Đức (tức Dương Nhật Lễ và Linh Đức (tức vua Trần Phế Đế),
    Sao không sớm sắp đặt đi,
    Để cho người nhọc sức.


    (Nguyễn) Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà Vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kị vệ thượng tướng quân là Phạm Khá Vĩnh thắt cổ cho chết".

    Lời bàn :

    Nguyễn Cẩn dâng thuốc độc cho Vua, lại bất Vua nhịn đói, nhưng, đó chẳng qua là sự chẳng đặng đừng. Hồ Quý Ly đã có lời đe dọa trước rồi. Nguyễn Cẩn không nghe cũng chẳng được. Song, thuốc độc của Nguyễn Cẩn xem ra cũng chẳng độc bằng bài thơ của Hồ Quý Ly. Cổ nhân dạy rằng, văn dĩ tải đạo. Có đọc bài thơ này mới hiểu được đại đạo của Hồ Quý Ly. Lần này, cũng là ném đá giấu tay, nhưng bàn tay tội lỗi của Hồ Quý Ly lớn quá, không thể nào giấu hết nổi. Phần bàn tay thấy được ấy mới đáng sợ làm sao.

  3. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    12 – VỤ TRU DI LỚN NHẤT THẾ KỈ XIV

    Trần Thuận Tông bị giết rồi, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người từng có mối quan hệ chí thiết với Hồ Quý Ly. Bởi sự căm ghét đó, họ đã cùng nhau bàn mưu tính kế để giết Hồ Quý Ly. Tiếc thay, mưu lớn không thành, để đến nỗi tất cả đều phải chết một cách thê thảm trong vụ tru di diễn ra vào năm Kỉ Mão (1399). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 34 a-b) đã ghi lại sự kiện này cùng với lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau :

    “Bọn Thái bảo Trần Hãng, Thượng tướng quân Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly không thành, lại bị giết hại.
    Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn (một ngọn núi ở xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây là hội thề đền núi Đồng Cổ nhưng lại được tổ chức ở kinh đô mới - ND). Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem (hội thề), cứ y như lệ thiên tử ngự đến các miếu, chùa. Cháu của (Phạm) Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên. Khát Chân trừng mắt ngăn lại nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ (đưa Quý Ly) xuống lầu. Ngưu Tất vất gươm xuống đất, nói rằng :
    - Chết uổng cả lũ thôi.
    Sự việc bị phát giác. Bọn tôn thất (Trần) Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản. (Con cái họ), gái bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. (Quý Ly) sai lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường xin ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng để cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lí và lí do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.
    Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND), ba đời làm tướng quân. Người đời truyền rằng, Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày mà sắc mặt vần như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau, nếu có hạn hán, cầu mưa là được ứng nghiệm ngay.
    Nguyên Bưu người Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung, từng làm Toát Thông Vương, kiêm Phụ đạo dưới thời Lý. Các con (của Thế Sung) là Văn, Hiến và Quế đều được phong Hầu. (Thời Trần), con của Quế là Hiếu Bão vì có công đánh (tướng giặc Nguyên) là Toa-đô, được phong tước Quan Phục hầu. Hiếu Bão sinh ra Thế Tắc, được phong là Lặc Thuận Hầu. Thế Tắc sinh ra Cúc Tôn, làm Quan sát sứ. Cúc Tôn sinh ra Nguyên Bưu.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Đến đây, tội ác của Quý Ly đã chất đầy rồi. Trần Hãng đã đi lại, trước đã hẹn ước với các tướng văn võ, nếu biết thừa cơ quyết đoán, vạch rõ tội giết vua của Quý Ly, hiệp sức với Khả Vĩnh mà giết nó, thì chẳng những danh chính ngôn thuận mà việc cũng xong rồi. Đáng tiếc lại do dự sợ sệt, đến nỗi chuốc lấy bại vong.

  4. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    13 - HỒ HÁN THƯƠNG LÊN NGÔI THÁI TỬ

    Thái tử hay Thế tử nguyên nghĩa là con trai đích trưởng của nhà vua, nhưng cũng còn là tên của một tước vị, dành để chỉ người sẽ được chính thức nối ngôi, nên Thái tử hay Thế tử là những từ không phải lúc nào cũng dùng để chỉ con trai đích trưởng của nhà vua. Xin nêu vài thí dụ :
    - Có khi Thái tử là con gái, thậm chí là con gái thứ, như trường hợp Lý Chiêu Thánh (tức vua Lý Chiêu Hoàng), là con gái của vua Lý Huệ Tông.
    - Có khi Thái tử không phải là con vua mà là em vua, như trường hợp của Trần Kính (tức vua Trần Duệ Tông) là em của vua Trần Nghệ Tông.
    - Có khi Thái tử lại là cháu vua, như trường hợp của Trần Hiện (tức vua Trấn Phế Đê), là cháu của vua Trần Nghệ Tông.
    - v.v…

    Riêng trường hợp của Hồ Hán Thương thì chẳng giống ai cả. Hồ Hán Thương được lập làm Thái tử vào tháng 1 năm Canh Thìn (1400) lúc ấy, cha của Hồ Hán Thương chưa phải là vua. Người có hư vị Hoàng đế lúc ấy là Trần Thiếu Đế thì mới được 4 tuổi và là vai cháu của Hồ Hán Thương. Hồ Hán Thương là người khác họ đã đành, lại còn là con thứ nữa. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 36-b) chép về việc Hồ Hán Thương được lập làm Thái tử như sau :

    “Mùa xuân, tháng giêng, Lê Quý Ly lập con là Hán Thương làm Thái tử. Trước đó, Quý Ly đã định lập Hán Thương, nhưng ý còn chưa quyết, bèn mượn cái nghiên bằng đá mà ra câu đối rằng:

    Thử nhất quyển kì thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân.
    (Nghĩa là : Hòn đá lạ bằng nấm tay này, có lúc làm mây làm mưa để nhuần thấm sinh dân).

    Xong, sai con trưởng là (Hồ Nguyên) Trừng đối lại để qua đó mà biết xem ý hướng thế nào.
    (Hồ Nguyên) Trừng đối lại rằng :

    - Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc.
    (Nghĩa là : Cây thông nhỏ chỉ ba tấc kia, ngày khác làm rường làm cột để chống nâng xã tắc).

    Bấy giờ (thấy Nguyên Trừng chỉ có chí làm rường cột, tức làm quan chứ không phải làm vua nên Hồ Quý Ly) ý mới quyết định.

    Tháng 2, ngày 28, Quý Ly bức vua (đây chỉ Trần Thiếu Đế - ND) phải nhường ngôi và buộc tôn thất cùng các quan phải ba lần dâng biểu khuyên (Hồ Quý Ly) lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối, nói rằng :
    - Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa.
    Rồi (Quý Ly) tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu và đổi (từ họ Lê) thành họ Hồ".

    Lời bàn :

    Hiển nhiên, triều Trần tàn tạ đã đến lúc cần phải được loại bỏ khỏi vũ đài chính trị của nước nhà, song, cướp ngôi thế nào cho xứng kẻ cướp ngôi, chuyện ấy cũng chưa dễ mấy ai làm được. Hán Thương không đối câu đối của cha nên chẳng rõ chí hướng Hán Thương thế nào, chỉ biết lúc ấy, im lặng đúng là vàng, ngôi Thế tử về tay mà chẳng nhọc công suy tìm chữ nghĩa.
    Quý Ly nhận mình là người “sắp xuống lỗ” cũng phải lắm. Song le, chẳng phải Quý Ly sắp xuống lỗ vì năm ấy Quý Ly đã 64 tuổi mà vì ngai vàng của họ Hồ sau đó chẳng bao lâu thì bị quân xâm lược nhà Minh đập nát tan tành. Cái “lỗ” mà Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương phải chui xuống lại ở trên đất Trung Quốc. Thôi thì âu cũng là giúp cha con Hồ Quý Ly khỏi phải xấu hổ vì “còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế (của họ Trần) ở dưới đất (Đại Việt) nữa !”. Kể thì họ Hồ đến chết vẫn còn gặp may.

  5. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    14 - HỒ QUÝ LY VỚI LỜI PHÊ VÀO THƯ CỦA NGUYỄN CẢNH CHÂN

    Cuối năm Canh Thìn (1400), nghĩa là chỉ mới được mấy tháng sau khi cướp ngôi họ Trần, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương để lên làm Thượng hoàng. Bấy giờ, mối lo hàng đầu của cha con Hồ Quý Ly là làm sao để đè bẹp được Chiêm Thành và mở rộng được biên cương vào phía Nam. Các tướng như Đỗ Mãn, Trần Vấn, Trần Tùng (tức Hồ Tùng), Đỗ Nguyên Thác, Nguyễn Vị, Nguyễn Bằng Cử, Đinh Đại Trung... đều được sai cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Tháng 7 năm Nhâm Ngọ ( 1402), quân đội nhà Hồ đã giành được đại thắng, chiếm hết đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành, rồi chia đất ấy làm bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (nay là vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi), giao cho an phủ sứ lộ Thăng Hoa trực tiếp trông coi.

    An phủ sứ đầu tiên của lộ Thăng Hoa là Nguyễn Cảnh Chân. Trước đó, ông là An phủ sứ lộ Thuận Hóa, có tiếng là người giàu kinh nghiệm phủ dụ dân ở biên ải phía Nam. Nhận chức, ông liền dâng thư về triều, trình bày phép trị dân mà ông tiếp nhận được từ sử sách của Trung Quốc, nay định áp dụng ở lộ Thăng Hoa. Thư ấy được Thượng hoàng Hồ Quý Ly xem và hạ bút phê những lời rất khinh mạn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 41-a) chép rằng :
    “Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa là Nguyễn Cảnh Chân vào làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Cảnh Chân dâng thư nói rằng, xin hãy theo việc cũ của nhà Hán, nhà Đường mà mộ người nộp thóc để (tích trữ mà lo) việc phòng bị biên cương cho đầy đủ. Ai nộp thóc thì ban tước cho họ hoặc miễn tội tùy theo mức độ khác nhau. Quý Ly phê (vào thư) rằng : "Biết được mấy chữ mà dám nói việc Hán, Đường ? Thực là thằng ngọng hay nói, chỉ chuốc lấy tiếng cười mà thôi".

    Lời bàn :

    Lời thư của Nguyễn Cảnh Chân hay dở thế nào, xin để tùy người đời phán xét, chỉ biết đó là lời thành thật, mà ở đời, lời hay đã ít mà lời thành thật lại càng ít hơn. Trong số rất ít ỏi những lời thành thật ấy, may mắn lắm mới có một lời bay vào hoàng cung, vì vào thời suy vi, ở hoàng cung luôn chật ních những lời xu nịnh, lời thành thật chen vào không nổi.
    Tiếp nhận lời thành thật ấy, Hồ Quý Ly chẳng biết đó là cơ may lại còn phỉ báng một cách trịch thượng. Hồ Quý Ly nói là Nguyễn Cảnh Chân “chỉ chuốc lấy tiếng cười”, nào có biết đâu, hậu thế lại cười Hồ Quý Ly. Mới hay, nghe bằng tai là chỉ mới nghe được âm thanh phát ra từ đâu đó, nghe bằng tất cả tấm lòng trân trọng người nói thì mới có thể nghe được những gì chứa trong mỗi tiếng phát ra.

  6. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    15 - CHUYỆN NGUYỄN BẨM VÀ TRẦN ĐỨC HUY BỊ HÀNH QUYẾT

    Năm Nhâm Ngọ (1402) là năm có hai vụ hành quyết rất thảm khốc. Vụ thứ nhất là vụ Nguyễn Bẩm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 42 a-b) chép rằng :
    “Sĩ nhân là Nguyễn Bẩm, dâng thư nói rằng, tiền Hồ (tức Hồ Quý Ly - ND) nên nhường ngôi (Thượng hoàng) để lui về Kim Âu (tức là núi Đại Lại ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - ND), hậu Hồ (chỉ Hồ Hán Thương - ND) thì nên tôn là Thượng hoàng, Thái tử Nhuế nên lên ngôi quan gia (tức lên ngôi vua - ND). Quý Ly giận lắm, cho là (Nguyễn) Bẩm chỉ trích nhà vua, sự tình nghiêm trọng, sai đem chém".
    Vụ thứ hai là vụ Trần Đức Huy. Cũng sách trên (tờ 43-a) chép như sau : "Hán Thương sai giết người phương thuật là Trần Đức Huy. Đức Huy hồi trẻ miệng rộng đút vừa nắm tay, tay dài quá gối, có người (thấy vậy) bảo rằng (Đức Huy) ngày sau tất quý hiển. Đến khi lớn lên (Đức Huy) học nghề phương thuật, thường ban đêm đánh mõ làm phép kì binh, như có muôn nghìn người đang reo hò đánh nhau. (Đức Huy) lại đi khắp các xã, lấy trộm tên những người đi tuần rồi kê biên vào sổ quân (của Đức Huy). Việc bị phát giác, (triều đình) thu được một quyển sách phương thuật, một con dấu giả, một thanh gươm nhỏ, một chiếc mõ đồng. (Đức Huy) bị xử tội lăng trì, sổ quân thì ném xuống nước hoặc đốt đi, không hỏi đến".


    Lời bàn :

    Trước, An phủ sứ Nguyễn Cảnh Chân có dâng thư tâu bày về phép trị dân ở biên ải nhưng bị Hồ Quý Ly chê là “thằng ngọng”, ấy có lẽ cũng vì Hồ Quý Ly còn chút nể mặt quan lớn của triều đình nên chỉ phê lời phê trịch thượng chứ chưa đem ra hành hình. Nguyễn Bẩm chỉ là sĩ nhân mà dám thắp đèn soi đường cho mặt trời mọc, Hồ Quý Ly nể gì mà chẳng phanh thây ? Ôi, miệt mài sôi kinh nấu sử mãi để được coi là kẻ sĩ đã khó, mà sau làm sao để đem được sở học của kẻ sĩ dâng hiến trọn vẹn cho đời lại còn khó hơn.
    Còn như Trần Đức Huy mà bị xử lăng trì thì quá lắm. Phép thuật của ông không cứu nổi mạng ông, làm sao mà dám bảo cứu được xã tắc đang hồi nghiêng ngửa. Trần Đức Huy chết, âm phủ thêm một hồn ma oan khuất, dương gian thêm một tội ác sát nhân của họ Hồ, còn dân tình khốn khổ trước sau vẫn hoàn toàn khốn khổ. Thương thay !

  7. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    16- VỤ THẢM SÁT THÂN THUỘC CỦA NHỮNG HOẠN QUAN

    SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 45-a) chép :
    “Mùa đông, tháng 10, Hán Thương giết thân thuộc của bọn Nguyễn Toán là Nội quan ở Bắc (tức nhà Minh, Trung Quốc - ND).
    Trước đây, Minh Thái Tổ từng đòi người bị thiến, tăng nhân và đàn bà làm xoa bóp, ta đều chiều ý đưa cho, được vài năm, tha các tăng nhân và tú nữ về nước, chỉ giữ bọn bị thiến, sung làm nội quan. Đến khi (Minh) Thái Tông lên ngôi, có ý muốn xâm lược phương Nam (chỉ nước ta - ND) bèn sai bọn Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín đi sứ sang nước ta, nhân đó, đi thăm hỏi thân thuộc và bí mật dặn rằng, sau, nếu có quân phương Bắc tới thì cứ dựng cờ vàng, ghi là thân thuộc của viên nội quan tên họ là ... tất sẽ không bị giết hại. Việc ấy bị phát giác, (triều đình cho) bắt hết thân thuộc của những tên ấy đem giết đi".

    Lời bàn :

    Nhà Hồ ở trong thì lo dân nổi dậy. Ở ngoài thì lo giặc ngoại xâm tràn vào, quả là chưa một ngày được yên vui hưởng lạc. Bởi lòng dạ bất an mà phản ửng thiếu cân nhắc, sự ấy, cổ kim đông tây chẳng thiếu gì. Song, không trị được kẻ phản quốc là bọn người đã bị thiến mà giết hết thân thuộc của họ, cách ấy nào có khác gì xây thêm bức tường ngăn cách giữa nhà nước với nhà dân. Quân xâm lược nhà Minh cũng chỉ mong được như vậy mà thôi. Ở đời nhân vô thập toàn, cứ hễ được cái này thì mất cái nọ. Song, bọn người bị thiến ở đây nào phải chỉ mất có một chút thịt da, chúng đã mất tất cả, chỉ còn lại trần trụi một tấm thân vong bản đáng khinh.
    Vậy, xin có thơ tặng rằng :

    Nào vẻ vang gì chức nội quan.
    Bị thiến mà sao vẫn to gan,
    Phản quốc, tấm thân đời khinh rẻ,
    Vong bản, họ hàng bị giết oan.
    Da thịt đã đành cắt bỏ bớt,
    Đạo nghĩa lẽ đâu cũng thiến tràn.
    Trên mồ, hậu thế nheo mắt hỏi,
    Nào vẻ vang gì chức nội quan.

  8. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    17 - VINH VÀ NHỤC CỦA HỒ TÙNG

    Hồ Tùng tức Trần Tùng, vì trước đó, ông từng một lòng một dạ lo giúp rập Hồ Quý Ly, lại từng lập được nhiều công lao trong các cuộc giao tranh với Chiêm Thành nên ông được mang quốc tính, đổi làm họ Hồ. Ở thời ông, như thế cũng có thể gọi là vinh. Bạn đồng liêu với ông, chưa dễ mấy ai có được.
    Tiếc thay, vinh chẳng lớn bằng nhục. Người ban quốc tính cho ông là Hồ Quý Ly mà người ra lệnh giải chức rồi bắt giết ông cũng là Hồ Quý Ly. Đành Quý Ly vốn tính tàn bạo, nhưng xem ra trong việc cụ thể này, Quý Ly cũng có cái lí cần được ghi nhận của Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 46-b) chép rằng:

    "Quý Ly giết viên tướng quân cũ là Hồ Tùng. Trước đó, Tùng đã bị giải chức, bèn xin bán các đồ khí giới của nhà mình (nhưng Hồ Quý Ly) không cho, vì có ý muốn dùng lại. Sau, Tùng lén thông dâm với vợ của cố Hành khiển Lương Nguyên Bưu (một trong số hơn 370 người bị Hỗ Quý Ly giết hại vào năm Kỉ Mão, 1399 - ND) là con gái của Trần Quý. Quý Ly tức giận nói : "Bọn tài giỏi đều từ cửa nhà Tùng mà ra".

    Tùng cùng với người Chiêm đã đầu hàng là Chế-sơn-nô âm mưu làm phản, ngầm liên kết với người Chiêm Thành để trao đổi tin tức cho nhau. Việc bị lộ, Tùng và con gái Quý đều bị xử tử".

    Lời bàn :

    Xin bán đồ khí giới của nhà mình, chừng như Hồ Tùng muốn tỏ sự giận hờn của kẻ võ biền bị thất thế nhiều hơn là sự khảng khái của đấng trượng phu gặp lúc thất sủng.
    Thông dâm với vợ của cố Hành khiển Lương Nguyên Bưu, Hồ Tùng đã tự cho thấy ông chẳng còn muốn giữ gìn nhân cách làm gì nữa. Quý Ly tức giận, ấy cũng là sự thường, song, câu nói lúc tức giận này của Hồ Quý Ly sao mà chẳng ăn nhập gì với lỗi lầm của Hồ Tùng cả. Chừng như Hồ Quý Ly nói lời ganh tị với tài trí của tướng quân Hồ Tùng chứ không phải nói lời phiền trách sự sa đọa của Hồ Tùng.
    Với Hồ Tùng, mọi điều đều có thể được bỏ qua, duy âm mưu phản quốc thì không sao tha thứ được. Hồ Tùng bị giết cũng là đáng đời. Chỗ này mà trách Hồ Quý Ly tàn bạo, kể cũng bất công với Hồ Quý Ly.

  9. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - CHẾT CHÙM VÌ NGỒI LÊ ĐÔI MÁCH

    Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cái chết khác nhau. Từng nghe nói chết đói, chết bệnh, chết già, chết trận... nhưng quả là gần như chưa từng nghe nói chết vì ngồi lê đôi mách. Vậy mà chuyện ấy đã xảy ra.
    Vào đầu năm Ất Dậu (1405), đời vua Hồ Hán Thương, niên hiệu Khai Đại năm thứ ba, có một vụ án xử tội những kẻ ngồi lê đôi mách, hành hình trước sau đến mấy mạng liền. Đầu đuôi vụ án này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyền 8, tờ 47 a-b) ghi lại như sau :

    "Mùa xuân, thăng 2, (Hồ) Quý Ly giết kẻ sĩ là Nguyễn Ông Kiều và Lê Địch. Trước đó, Quý Ly có làm bài thơ răn dạy Hán Thương và Nguyên Trừng, đại khái nói :
    Thiên dã phú, địa dã tái,
    Huynh đệ nhị nhân, như hà bất tương ái ?
    Ô hô ! Ai tai hề ca khảng khái.

    (Trời thì che, đất thì chở,
    Anh em hai người, sao chẳng thương nhau ?
    Ôi, thương sao (chừ) lời ca khảng khái.)

    Vợ (Nguyễn) Ông Kiều thường vào ra trong cung, bèn đem thơ ấy nói với Ông Kiều, Ông Kiều lại đem thơ ấy mà truyền tụng ở cầu Hoa Cái. (Có người) học sinh trong phủ của (Hồ Nguyên) Trừng là Nguyễn Cẩm và Nguyên Nhữ Minh đem chuyện ấy báo hết với (Hồ Nguyên) Trừng. Trừng tâu lại với Quý Ly. Quý Ly mật sai quan Trung đô doãn là Đỗ Tử Triệt bắt Kiều. (Đỗ) Tử Triệt làm cỗ mời Ông Kiều rồi bắt (Ông Kiều) giam vào ngục. Ông Kiều thất thế, bèn cung xưng luôn cả bọn Lê Địch và Đỗ Loát. (Đỗ) Loát chạy trốn thoát được. Ông Kiều và Lê Địch đều bị giết, bọn Hà Nhật Tuyên bị tội đày viễn châu. Bọn Nguyên Nhữ Minh vì nghe đọc bài thơ ấy mà bị tội đồ, đày ra châu Cửu Chân. Vài tháng sau, (Đỗ) Tử Triệt bỗng mắc bạo bệnh, đòi lấy bút viết rằng “Ta kiện nhau với mày”, lát sau thì chết. Sau, (Hà) Nhật Tuyên cũng bị giết chết vì tội lập phe cánh bè đảng" .

    Lời bàn :

    Có vợ thường ra vào trong cung cấm, Nguyễn Ông Kiều chẳng lấy đó làm mối lo, lại thích thú với những điều lạ tai do vợ cóp nhặt hoặc nghe lỏm được. Ca dao có câu :
    Thứ nhất vợ dại trong nhà
    Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
    Có người nói rằng, không ưa tỉ tê chuyện này chuyện nọ thì chưa chắc đã là đàn bà. Câu ấy đúng sai ra sao, đây không dám bàn, chỉ biết là Nguyễn Ông Kiều có lẽ còn lắm điều hơn người vợ lắm điều của ông ta một bậc.
    Thầy nào, đệ tử ấy. Nguyễn Cẩm và Nguyễn Nhữ Minh mật báo những điều họ nghe được ở Nguyễn Ông Kiều cho Hồ Nguyên Trừng, trong chỗ ưa lắm điều và thiếu cân nhắc, họ đã mang tội phản bội và hại thầy, rốt cuộc, chẳng được công trạng gì mà còn bị xử tội đồ, oan thì cũng có phần oan mà đáng thì kể cũng có phần đáng.
    Hồ Quý Ly giết và phạt tội một loạt người vì không muốn thiên hạ nghe chuyện cung đình hay vì chẳng muốn ai biết những câu có vần ngô nghê và nhạt nhẽo của Hồ Quý Ly ? Cho dẫu lí do nào thì cũng đều là không được. Nhưng thôi, điều đáng nói ở đây không phải là sự tàn bạo của Hồ Quý Ly mà là những gì rút ra được từ chuyện Nguyễn Ông Kiều. Mới hay là ở đời cái gì cũng có giá của nó, tỉ như chuyện ngồi lê đôi mách nội sự triều đình, cũng phải mất mấy mạng người, đày ải mấy mạng người, thiên hạ may ra mới có được một bài học. Ghê thay !

  10. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19- CHUYỆN HOÀNG HỐI KHANH

    Hoàng Hối Khanh sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông được sử sách nhắc tới lần đầu tiên vào năm Tân Mùi (1391). Tiếc thay, đó cũng là lần Hoàng Hối Khanh được nhắc tới bởi những hành vi chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Bấy giờ, Hồ Quý Ly ngày càng chuyên quyền, giết hại không biết bao nhiêu là tôn thất và quan lại. Các tướng ở Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê cũng vì không đồng tình nên có trách bóng trách gió Hồ Quý Ly mấy câu liền bị Hoàng Hối Khanh mật tâu với Hồ Quý Ly rằng họ có ý làm phản. Hai tướng Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê bị giết, còn Hoàng Hối Khanh thì nhờ đó mà bỗng chốc được đưa lên hàng đại phu, chức Chính hình viện.

    Lần thứ hai Hoàng Hối Khanh được nhấc đến cũng là lần chẳng có gì đáng lên án hơn.- Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 11, tờ 39 và tờ 40) viết :
    "Trước đây (trước năm Tân Tị, 1401 - ND) Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng, làm sao để có được một trăm vạn quân để đối địch với giặc phương Bắc. Quan Đồng tri Khu mật sứ là Hoàng Hối Khanh nhân đó xin gộp nhân số lại làm thành sổ sách, từ hai tuổi trở lên thì ghi tên vào...". "Khi sổ làm xong, kiểm điểm người từ 15 đến 60 tuổi được gấp bội hơn số trước, từ đấy, tuyển quân lính được nhiều hơn".
    “Lúc ấy, bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hy Chu và Đồng Thức cứ lựa theo ý họ Hồ, thường khuyên Hán Thương giết hại con cháu nhà Trần, giảm bớt số điền nô để đè nén thế lực họ Trần".

    Lần thứ ba là năm Ất Dậu (1405), cũng sách trên (tờ 7, quyển 12) viết :
    “Trước đây, thổ quan châu Tư Minh (Trung Quốc - ND) là Hoàng Quảng Thành có tâu với vua Minh rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Vua nhà Minh sai người sang nước ta dụ bảo trả lại đất ấy cho châu Tư Minh nhưng Quý Ly không nghe. Nay lại cho sứ sang đòi lần nữa, Quý Ly cử Hối Khanh làm cát địa sứ (quan coi việc cắt đất - ND). Hối Khanh đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh. Sau, Quý Ly quở trách Hối Khanh về tội trả đất quá nhiều, những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới trả lại ấy đều bị Quý Ly ngầm sai người địa phương đánh thuốc độc cho chết".
    Sau, sử sách cũng còn nhắc đến Hoàng Hối Khanh thêm vài lần nữa, nhưng chỉ là nhắc thoảng qua, không có gì đáng để ý. Lần cuối cùng Hoàng Hối Khanh được nhắc tới là vào năm Đinh Hợi (1407). Năm ấy, Hoàng Hối Khanh quẫn chí mà thắt cổ tự tử ở Cửa Hội (Hà Tĩnh). Bấy giờ, quân Minh xâm lược nước ta, Hoàng Hối Khanh tuy chẳng hề cầm quân đánh giặc, nhưng sau khi ông chết, tướng giặc là Trương Phụ cũng cắt đầu ông đem về bêu ở chợ Đông Đô (Hà Nội).

    Lời bàn :

    Đạp lên xác đồng liêu để tìm công danh, tội ấy, rõ là không thể dung tha được. Trong bổng lộc Hoàng Hối Khanh ăn lúc sinh thời, có máu của bằng hữu, khiếp thay !

    Bởi muốn làm vừa lòng cha con họ Hồ mà Hoàng Hối Khanh đã bày mưu bắt tất cả những ai có thể bắt để đẩy họ vào lính, đồng thời, giết lần giết mòn tôn thất họ Trần, khiến cho dân tình khốn khổ, thế nước ngày một suy, đấy cũng là tội không thể dung tha được.
    Được cử làm cát địa sứ nghĩa là Hoàng Hối Khanh chẳng qua chỉ lả kẻ thừa hành. Song, nếu nhà Hồ hèn nhát không giữ nổi đất thì Hoàng Hối Khanh còn hèn hơn một bậc nữa. Cả gan cắt một lúc 59 thôn dâng cho giặc, Hoàng Hối Khanh lại phạm thêm một tội không thể dung tha.
    Ai nói chết là hết. Hoàng Hối Khanh chết rồi mà tội lớn đã hết được đâu ?

+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình