+ Trả lời chủ đề
Trang 3/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 39

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 4

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - LỜI HỒ NGUYÊN TRỪNG

    Từ năm Giáp Thân (1404) trở đi, mối quan hệ bang giao giữa nước ta với nhà Minh ngày càng căng thẳng. Năm ấy, sứ giả nhà Minh đã không hề che giấu ý đồ gây hấn với nước ta. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 46-b) chép :
    "Nhà Minh sai chức Hành quân là Lý Kỳ sang nước ta. Kỳ tự quyền tác oai tác quái, đánh đập các quan lo đón rước, bắt phải đi nhanh không kể độ đường. Trước đây, sứ giả đi từ Đông Đô (tức Hà Nội - ND) đến Tây Kinh (tức Tây Đô, Thanh Hóa - ND) phải mất mười hai ngày, Kỳ chỉ đi có tám ngày. Đến nhà công quán, (hắn) quan sát khắp mọi hình thế. Khi Kỳ trở về, Quý Ly sợ tiết lộ sự tình, bèn sai Phạm Lục Tài đuổi theo để giết đi. Nhưng (khi Lục Tài) đến Lạng Sơn thì Kỳ đã ra khỏi cửa ải rồi. Kỳ hặc tấu (với vua nhà Minh) là họ Hồ đã xưng đế và làm thơ có những lời lăng mạ".

    Sang năm Ất Dậu (1405), nhà Minh bất đầu xâm lấn vùng phía Bắc nước ta. Triều Hồ đã phải cử quan Hành khiển là Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ và Hoàng Hối Khanh đã vì yếu bóng vía mà cam tâm cắt một lúc 59 thôn dâng cho giặc.
    Nhà Hồ càng nhân nhượng thì nhà Minh càng lấn tới. Hai bên chuẩn bị bước vào một cuộc đọ sức quyết liệt với nhau. Cuối năm Ất Dậu (1405), triều Hồ đã triệu tập một cuộc hội nghị có tầm quan trọng rất đặc biệt. Cũng sách trên (tờ 49-b) chép rằng :
    "Hán Thương xuống chiếu truyền gọi các quan An phủ sứ ở các lộ về triều để cùng với quan ở kinh họp bàn kế nên đánh hay nên hòa. Có người khuyên nên đánh vì sợ để mối lo về sau. Quan Trấn thủ Bắc Giang là Nguyễn Quân cho rằng nên tạm hòa, chiều theo những điều chúng muốn để hoãn binh thì hơn. Tả tướng quốc (Hồ Nguyên) Trừng nói : "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Quý Ly (nghe thế) liền ban thưởng cho (Hồ Nguyên Trừng) cái hộp trầu bằng vàng.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : "Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó. Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ câu nói của Trừng được".

    Lời bàn :

    Hồ Nguyên Trừng là con cả của Hồ Quý Ly. Đầu năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly xét lời ứng đối của Hồ Nguyên Trừng, cho rằng ông chỉ có chí làm rường cột cho xã tắc chứ không có chí làm vua. Ngôi chí tôn vì thế mà về tay em ông là Hồ Hán Thương.
    Địa vị tuy có thấp hơn em nhưng lời ngắn gọn trên đây của Hồ Nguyên Trừng thì quả là vô cùng sâu sắc, em ông chẳng thể nào sánh kịp.
    Xưa nay, sức mạnh của quân đội trước hết là ở sức chở che đùm bọc của nhân dân. Không được lòng dân, dẫu có bao nhiêu binh hùng tướng mạnh thì rốt cục vẫn đại bại.
    Ngô Sĩ Liên nói : "Không thể vì cớ họ Hồ mà bỏ qua câu nói của Trừng được". Tiếp cách suy nghĩ ấy, chúng ta cũng có thể nói rằng, không thể vì cớ đầu hàng của Trừng sau này mà quên mất câu chí lí này được. Hồ Quý Ly thưởng ngay cho Trừng cái hộp trầu bằng vàng là phải lắm.
    Bấy giờ, lòng dân li tán, ai mà chẳng rõ ? Khác nhau chăng chỉ là ở chỗ dám hay không dám nói lên sự thật chua xót này mà thôi.

  2. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN THIÊM BÌNH

    Trần Thiêm Bình tên thật là Nguyễn Khang (cũng có sách chép là Trần Khang) vốn chỉ là một gia nô. Vào năm Canh Ngọ (1390) quân Chiêm Thành tràn ra đánh phá nước ta. Một số tôn thất họ Trần, trong đó có Trần Tôn, đã ngầm thông mưu với quân Chiêm. Đến khi tan giặc, triều đình nghiêm xử những kẻ phản quốc. Trần Tôn sợ quá, nhảy xuống nước tự tử. Nguyễn Khang vì cùng phe đảng với Trần Tôn nên cũng hoảng sợ mà chạy sang đất Lão Qua (thuộc đất Lào ngày nay). Từ Lão Qua, Nguyễn Khang men theo đường Vân Nam mà tìm đến Yên Kinh (Trung Quốc). Nguyễn Khang tự đổi họ tên là Trần Thiêm Bình (nhưng sử của nhà Minh lại chép là Trần Thiên Bình), tự nhận là con cháu của họ Trần và nhân danh họ Trần để tố cáo việc tiếm quyền bạo ngược của họ Hồ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 10) chép :
    "Thiêm Bình nói dối vua Minh rằng, dòng dõi họ Trần chỉ còn một mình tôi, tôi cùng giặc họ Hồ không thề đội trời chung, dám xin thiên tử cho sáu quân (ý nói số quân đông mà chỉ thiên tử mới có được - ND) đi đánh kẻ có tội để tỏ rõ oai trời.
    Sau khi Lý Kỳ trở về Trung Quốc (Lý Kỳ sang sứ nước ta năm Giáp Thân, 1404 - ND), Hán Thương liền sai Nguyễn Cảnh Chân dâng tờ biểu tạ tội và vờ xin đón Thiêm Bình về tôn làm chúa. Vua Minh sai chức Hành nhân là Niếp Thông đem tờ sắc dụ cho Hán Thương, nói rằng : "Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm chúa thì sẽ ban cho khanh tước thượng công và phong cho một quận lớn". Hán Thương lại sai Cảnh Chân theo Niếp Thông sang báo cáo về việc đón Thiêm Bình. Đến đây, vua Minh sai bọn Hàn Quan đem 5000 quân hộ tống Thiêm Bình về nước”.
    Nói là đi hộ tống Thiêm Bình, nhưng vừa đến biên giới nước ta, quân Minh đã bất ngờ tấn công. Hai tướng của nhà Hồ là Phạm Nguyên Côi và Chu Bỉnh Trung bị tử trận. Song, sau phút hốt hoảng vì bị bất ngờ, quân đội nhà Hồ đã lấy lại được bình tĩnh. Các tướng Hồ Xạ và Trần Đĩnh đã vây chặt đội quân trực tiếp hộ vệ Trần Thiêm Bình do bộ tướng của Hàm Quan là Hoàng Trung chỉ huy. Bí thế, Hoàng Trung liền chọn cách thí bỏ Trần Thiêm Bình để cứu lấy mạng sống của mình. Cũng sách trên (tờ 11) chép :
    "Hoàng Trung sai người thầy thuốc trong quân ngũ là Cao Cảnh Chiếu đưa thư và giải Thiêm Bình sang cho quân nhà Hồ. Trong thư, (Hoàng Trung) nói :
    - Theo lời Thiêm Bình, hắn chính là con của vua An Nam (Trần Thiêm Bình mạo nhận là con của Trần Nghệ Tông - ND). Nếu đúng thì khi đưa hắn về nước, dân khắp nước ở đâu mà chẳng hưởng ứng. Thế nhưng từ khi đưa hắn về nước đến nay, trong nước không một người nào theo cả, như thế cũng đủ rõ là gian dối. Nay đưa Thiêm Bình trả lại và xin để cho quân lính (nhà Minh) được ra khỏi quan ải.
    Hồ Xạ nhận lời, giải nộp Thiêm Bình để tâu công chiến thắng. Hán Thương sai chém Thiêm Bình, cho người có công đều được thưởng tước ba tư (tư là thứ bậc cao thấp trong cùng một phẩm tước ND). Hồ Xạ vì cớ không bắt được Hoàng Trung nên chỉ được thưởng tước hai tư”.

    Lời bàn :

    Trấn Thiêm Bình thực lòng vì họ Trần chăng ? Quyết không phải, bởi vì nếu có chút lòng vì họ Trần, trước đó hắn đã chẳng cam lòng về phe với Trần Tôn để ngầm thông mưu với Chiêm Thành. Con người tráo trở ấy, chẳng có cách gọi nào khác hơn là tên phên quốc có hệ thống.
    Hắn đã bị lưỡi gươm của phép nước thời Hồ chặt đầu, lại còn bị búa rìu của dư luận đời sau vằm xẻ, nhục thay !

  4. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    22 – CUỘC THẢM BẠI CỦA NHÀ HỒ

    Dầu đã để mất con bài chính trị lợi hại là Trần Thiêm Bình, cuối năm Bính Tuất (1406), nhà Minh vẫn xua quân sang xâm lược nước ta. Lúc dấu, Tổng chỉ huy quân xâm lăng là Chu Năng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 53-a) cho biết rõ :
    “Trước đó, nhà Minh sai Thái tử Thái phó, tước Thành quốc công là Chu Năng làm Tổng binh, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem quân đi xâm lược phương Nam. (Chu) Năng đến phủ Thái Bình ở Quảng Tây thì chết (vì bệnh)".
    Khi dừng chân ở Quảng Tây, Chu Năng yết bảng kể tội họ Hồ và rêu rao việc tìm người họ Trần để cho khôi phục lại vương tước. Khi được thay Chu Năng chỉ huy quân xâm lăng tướng giặc là Trương Phụ và Mộc Thạnh đã lấy lời văn trong các bảng yết ấy viết vào nhiều mảnh gỗ khác nhau rồi thả xuống sông cho trôi vào nước ta. Cũng sách trên (tờ 53-a) chép tiếp :
    "Các quân (của nhà Hồ) người nào trông thấy (những bảng văn ấy) cũng đều cho là đúng, hơn nữa, họ lại chán nản chính sự hà khắc của họ Hồ nên không còn bụng dạ nào chiến đấu nữa".
    Bên cạnh những người chán nản là không ít những kẻ đầu hàng, cam tâm làm tay sai cho giặc. Trong số đó có Mạc Địch, Mạc Thúy, Mạc Viễn, Nguyễn Huân v.v... Đầu tháng 12 năm Bính Tuất (1406), quân Minh đã chiếm được Việt Trì. Cũng sách trên (tờ 53-b và 54-a) chép :
    "Đêm ngày mồng 9 (tháng chạp năm Bính Tuất - ND), quân Minh đánh úp quân họ Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng chỉ huy quân Tả Thần Dực là Nguyễn Công Khôi đang vui chơi nữ sắc, không hề phòng bị, thuyền bị (giặc) đốt cháy gần hết, toàn quân bị tiêu diệt (chẳng ai kịp phản kháng, tất cả) lặng im như không có tiếng động của chiến trận. Thủy quân (của nhà Hồ) ở phía trên và phía dưới không đến ứng cứu, chỉ đứng ở xa xin Tả tướng quốc (Hồ Nguyên) Trừng xem ai có thể thay giữ chỗ đó. Quân Minh liền vượt sông bằng cách làm cầu phao. Sáng ngày 12 (chỉ huy) quân Minh là Trương Phụ dẫn Đô đốc Hoàng Trung, Đô chỉ huy Thái Phúc tiến công phía tây bắc thành Đa Bang. Mộc Thạnh dẫn bọn Đề đốc Trần Tuấn tấn công phía đông nam thành. Xác (giặc) chất cao ngang với thành mà giặc vẫn tiến đánh, không tên nào dám ngừng lại. Bọn Nguyễn Tông Đỗ (là) tướng chỉ huy quân Thiên Trường đào thành cho voi ra. Người Minh dùng hỏa tiễn bắn voi. Voi lui lại, nhân đó người Minh theo voi đánh vào. Thành liền bị hạ. Các quân ở dọc sông đều tan vỡ. (Họ Hồ) cho quân lui giữ Hoàng Giang. Người Minh vào Đông Đô, bắt cướp con gái, ngọc lụa, thống kê lương thảo, chia quan làm việc và chiêu tập dân xiêu tán, tính kế ở lâu dài. (Chúng) thiến nhiều con trai nhỏ tuổi và thu tiền đồng ở các xứ, cho chạy trạm đưa về Kim Lăng (Trung Quốc)”.

    Lời bàn :

    Trần Hưng Đạo nói : “Quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa” (quân lính cốt ở tinh nhuệ chứ không phải ở số đông). Quân đội nhà Hồ rất đông, vũ khí và trang bị tốt, nhưng lại thiếu tất cả những yếu tố căn bản nhất để có thể gọi là đội quân tinh nhuệ.
    Không có tinh thần phụ tử chi binh (quân đội trên dưới như cha con một nhà), ấy là cái thiếu thứ nhất. Không gắn bó với nhà Hồ vì chán ghét chính sự hà khắc nên không có tinh thần và lí tưởng chiến đấu, ấy là cái thiếu thứ hai. Không được nhân dân ủng hộ, ấy là cái thiếu thứ ba. Không có một nhà chiến lược đủ uy tín và tài năng để chỉ huy quân dân cả nước, ấy là cái thiếu thứ tư. Thiếu cả bốn cái không thể thiếu ấy, thảm bại là điều không thể tránh khỏi.
    Sau trận thảm bại này, đất nước bị quân Minh đô hộ hơn 20 năm. Đau xót và nhục nhã thay !

  5. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    23 - CÁI CHẾT CỦA NGỤY THỨC, KIỀU BIỂU VÀ VỢ CHỒNG NGÔ MIỄN

    Sau trận thảm bại vào tháng chạp năm Bính Tuất (1406), sức đề kháng của nhà Hồ chẳng còn gì đáng kể nữa. Cha con Hồ Quý Ly đem tàn quân chạy vào Thanh Hóa. Ngày 23 tháng 4 năm Đinh Hợi (1407), quân Minh đánh vào Lỗi Giang (Thanh Hóa) và sáu ngày sau (29-4), chúng lại đánh vào cửa Điển Canh (nay thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ở cả hai trận đánh này, tàn quân nhà Hồ đều tự tan vỡ ngay khi chưa lâm trận. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 3-a) chép rằng :

    “Hai (cha con) họ Hồ định chạy đến Thâm Giang (tức sông Ngàn Sâu, Hà Tĩnh - ND), nhưng không sao đi được. Ngụy Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu, ông nói :
    - Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác.
    Quý Ly nghe vậy giận lắm, chém chết ông".
    Ngày 5 tháng 5 năm Đinh Hợi (1407), Hồ Quý Ly bị giặc bắt ở bãi Chi Chi (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Sáu ngày sau, (ngày 11-5), giặc lại bắt được Hồ Nguyên Trừng ở Kì La (Kì Anh, Hà Tĩnh). Ngày hôm sau (12-5), Hồ Hán Thương và con là Thái tử Nhuế bị bắt ở Cao Vọng (cũng thuộc Kì Anh, Hà Tĩnh). Cuộc kháng chiến của triều Hồ đến đó là hoàn toàn bị dập tắt. Không ít quan lại của triều Hồ đã đầu hàng quân Minh. Tuy nhiên, cũng có những người thà chết để giữ sạch tiết tháo chứ quyết không chịu cúi đầu quy phụ. Trong số đó, nổi bật hơn cả có lẽ là Kiều Biểu và Ngô Miễn. Cũng sách trên (tờ 3-b) chép rằng :
    "Duy có Hành khiển hữu tham tri chính sự là Ngô Miễn và chức Trực trưởng là Kiều Biểu đã nhảy xuống nước tự tử. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn Thị ngửa mặt lên trời mà than rằng :
    - Chồng ta thờ Chúa, một đời ăn lộc, nay giữ tiết nghĩa mà tự tử, thế là chết rất xứng đáng, còn oán hận gì nữa ? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không được hay sao ? Nhưng, đạo vợ chồng, nghĩa vua tôi, trong chốc lát mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào. Chi bằng, xin được theo nhau.
    Nói xong, cũng nhảy xuống nước mà tự tử.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không chỉ chết vì nghĩa mà thôi. Câu nói của bà cũng đủ làm lời khuyên cho đời. Vậy nên chép ra đây để nêu gương".
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 18) còn chép thêm về tình cảnh của cha con Hồ Hán Thương khi chạy đến Kì La (Hà Tĩnh) như sau :
    "Lúc hai cha con nhà Hồ (đây chỉ Hồ Hán Thương và con là Thái tử Nhuế - ND) chạy đến Kì La, có phụ lão ra bái yết, nói rằng :
    - Chỗ này tên gọi là Ki Lê (nói trại chữ Kì La, mang nghĩa khác là trói người bọ Lê, tức họ Hồ vì sử vẫn chép Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly - ND), ở trên kia có núi Thiên Cầm (nguyên nghĩa là đàn trời, song ở đây, chữ cầm được dùng với nghĩa là bắt, thiên cầm là trời bắt - ND), đấy là điềm không tốt, xin chớ lưu lại ở đây.
    Hai (cha con) họ Hồ nổi giận, chém chết người phụ lão ấy. Đến giờ, quả nhiên cha con họ Hồ bị bắt ở nơi đó".

    Lời bàn :

    Chém Ngụy Thức ở Điển Canh rồi lại chém cụ phụ lão ở Kì La, cha con Hồ Quý Ly chỉ bộc lộ cho trọn vẹn thêm bản chất tàn bạo của mình mà thôi. Mới hay, cha con họ Hồ chẳng thể sánh với Ngô Miễn và Kiều Biểu, càng không thể sánh với vợ Ngô Miễn là người phụ nữ mà đến bây giờ, sử cũng chỉ mới biết họ, chưa biết được tên.
    Ý của cụ phụ lão ở Kì La cũng có thể coi là ý dân vậy. Dân đã không chứa chấp lại còn dùng thuật chơi chữ để dọa mà đuổi đi, ấy cũng bởi như Nguyễn Trãi sau này nói :
    “Vừa rồi, vì họ Hồ chính sự phiền hà,
    Để khắp nước lòng dân oán giận”.
    Dè đâu, dấu chấm hết triều Hồ cũng là dấu than, buồn thay !

  6. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    24 - THƯƠNG HẠI THAY ! BÙI BÁ KỲ

    Sau khi Hồ Quý Ly phế bỏ (1398) rồi giết chết vua Trần Thuận Tông (1399), một loạt tôn thất và quan lại triều Trần bàn mưu tính kế để diệt Hồ Quý Ly. Nhưng, cơ mưu bị lộ, việc lớn không thành. Hồ Quý Ly điên cuồng trả thù, sát hại một lúc trên 370 người, trong đó có Thượng tướng Trần Khát Chân là người đã có công giết chết vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành trong trận đánh năm 1390. Một thuộc hạ của Trần Khát Chân là Bùi Bá Kỳ vì căm giận Hồ Quý Ly mà bỏ trốn rồi tìm đường sang tận kinh đô nhà Minh để cầu cứu, xin vua Minh đem quân sang tiêu diệt họ Hồ và lập lại họ Trần. Sách Khâm định Việt sử thong giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 24) viết rằng :

    “Trước đây, tì tướng của Trần Khát Chân là Bùi Bá Kỳ, tự xưng là bề tôi trung nghĩa của nước Nam, chạy trốn sang nhà Minh để báo cáo nạn nước. Bá Kỳ nói :
    - Tổ phụ tôi trước đều là đại thần trong triều Trần. Mẹ tôi là người thân thích với họ Trần. Lúc bé, tôi vào chầu quốc vương, (sau lớn lên) làm quan đến Ngũ phẩm. Nay vì cha con Hồ Quý Ly giết vua cướp nước nên tôi phải bỏ chức quan mà đi trốn, nương náu chốn núi non hang cùng, lòng vẫn mong tìm đến thiên đình để giải bày gan ruột tan nát bấy lâu nay, song, giờ mới được trông thấy mặt trời. Tôi trộm nghĩ, cha con Hồ Quý Ly làm việc cướp nước bạo nghịch, coi khinh thiên triều, xin thiên tử cử đạo quân "điếu dân phạt tội", trừ bọn gian tà, lập lại họ Trần, sao để tôn cái nghĩa làm cho đời đã mất được nối lại. Được như thế thì tôi dẫu chết cũng không tan xương. Nay, tôi xin noi theo lòng trung nghĩa của Bao Tư (người nước Sở của Trung Quốc thời Xuân Thu, tự đi cầu cứu nước Tần khi nước Sở bị nước Ngô diệt. Bao Tư đã dựa vào tường khóc suốt 7 ngày liền. Nhà Tần cảm động, cất quân đi đánh nước Ngô - ND), thương khóc kêu gào dưới cửa khuyết, xin thiên tử rủ lòng thương mà soi xét cho.
    Vua Minh nhận được lời tâu ấy, lấy làm cảm động, sai quan chu cấp cơm áo cho (Bùi Bá Kỳ). Gặp lúc ấy, Trần Thiêm Bình cũng từ Lão Qua sang. Nhà Minh hỏi Bá Kỳ có biết người này không Bá Kỳ trả lời là không biết. Đến khi nhà Minh đưa Thiêm Bình về nước ta, hỏi Thiêm Bình nên dùng bao nhiêu người hộ tống, Thiêm Bình nói :
    - Chỉ xin độ vài ngàn người là đủ, vì hễ về đến nơi là người ta tự khắc nghe theo.
    Bá Kỳ nói :
    - Không nên.
    Vua Minh giận, sai đem an trí Bá Kỳ ở Cam Túc. Đến khi Thiêm Bình bị hại, vua Minh cho triệu Bá Kỳ về, dụ dỗ là sẽ lập con cháu họ Trần và cho Bá Kỳ làm bề tôi phụ tá. Khi Trương Phụ đem quân sang nước ta, (vua Minh) cho Bá Kỳ đi theo trong quân ngũ, do đấy, trao cho chức Tham nghị. Bá Kỳ nhận chức nhưng không cùng bạn đồng liêu bàn tính công việc gì, chỉ ở nhà riêng và thu nạp những quan viên cũ của triều Trần bị sa cơ lỡ bước. Nay (Trần) Nguyệt Hồ khởi binh, quân Minh ngờ là Bá Kỳ đem lòng phản lại, liền bắt Bá Kỳ đưa sang Kim Lăng (Trung Quốc - ND).

    Lời bàn :

    Bá Kỳ chạy sang Trung Quốc, trong chỗ căm ghét họ Hồ bởi sự thoán nghịch, còn có sự căm ghét bởi chủ cũ của Bá Kỳ là Trần Khát Chân bị Hồ Quý Ly giết hại, ấy là lẽ có thể cảm thông. Song, cầu cứu quân Minh thì có gì khác việc rước voi về giày mả tổ ? Ông không hề có tham vọng ích kỉ và bẩn thỉu như Trần Thiêm Bình, nhưng, sự mơ hồ của ông rốt cuộc cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không kém. Mới hay, sự phản bội có chủ đích với lòng trung ngây thơ và mù quáng, đôi khi cũng dễ trộn lẫn vào nhau.
    Sử cũ viết rằng Bùi Bá Kỳ bị quân Minh nghi ngờ nên bắt đem về Kim Lăng. Có lẽ phải nói ngược lại mới phải. Chính quân thù tin rằng, hễ tỉnh ngộ, thế nào Bùi Bá Kỳ cũng chống lại quân Minh xâm lược, cho nên, cứ hãy bắt Bùi Bá Kỳ về Kim Lăng ngay khi ông chưa kịp tỉnh ngộ là tốt hơn cả. Dẫu sao thì giặc vẫn chưa muốn vội vất bỏ ngay con người còn có thể lợi dụng này. Thương hại thay, Bùi Bá Kỳ !

  7. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    25 – CHUYỆN TRẦN NGỖI VỚI ĐẶNG DUNG VÀ NGUYỄN CẢNH CHÂN

    Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ Tông, từng được Nghệ Tông phong là Giản Định Vương. Khi nhà Hồ cướp được ngôi, Trần Ngỗi bị đổi làm Nhật Nam Quận vương (cũng là tước vương nhưng thấp hơn tước vương cũ một bậc). Đến lúc quân Minh xâm lược nước ta, Trần Ngỗi lần tránh đến đất Ninh Bình. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), được sự giúp sức của Trần Triệu Cơ, Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Yên Mô (Ninh Bình), xưng là Giản Định Đế và chính thức dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
    Sau khi Trần Ngỗi lên ngôi, viên Đại tri châu ở Hóa Châu là Đặng Tất đã giết bọn quan lại nhà Minh ở châu này rồi đem hết lực lượng về theo Trần Ngỗi. Ông cũng còn dâng cả con gái của mình cho Trần Ngỗi nữa. Đáp lại, Giản Định Đế Trần Ngỗi đã phong cho Đặng Tất tước Quốc công. Hai bên thề cùng nhau giết giặc để giải phóng nước nhà và khôi phục lại họ Trần.
    Sau Đặng Tất không bao lâu, quan An phủ sứ lộ Thăng Hoa của nhà Hồ cũ là Nguyễn Cảnh Chân cũng theo về. Thế lực của Trần Ngỗi nhờ đó mà ngày càng mạnh.
    Đặng Tất có con trai là Đặng Dung, còn Nguyễn Cảnh Chân thì có con trai là Nguyễn Cảnh Dị. Quả đúng là "hổ phụ sinh hổ tử" cha con Đặng Tất và cha con Nguyễn Cảnh Chân đều là những bậc tướng tài, thanh thế của Trần Ngỗi gần như đều do họ tạo ra cả. Đến cuối năm Mậu Tí (1408), quân của Giản Định Đế Trần Ngỗi đã giải phóng được gần hết vùng đất từ Thanh Hóa trở vào, đồng thời, thắng một trận lớn ở Bô Cô (Ý Yên, Nam Định), chút nữa thì giết được cả Tổng binh giặc là Kiềm quốc công Mộc Thạnh. Song, cũng từ sau trận Bô Cô, nội bộ các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này mất đoàn kết nghiêm trọng. SáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, từ tờ 10-b đến tờ 12-a) chép rằng :
    "Bấy giờ, nhà Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ vân Nam đến Bô Cô. Vừa lúc đó, Vua (chỉ Trần Ngỗi - ND) cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, lại gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, (Vua) sai các quân đóng cọc giữ (thuyền) và lên bờ đắp lũy. (Mộc) Thạnh cũng chia quân thủy bộ cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ tị đến giờ thân (từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều - ND), quân Minh thua chạy. (Quân Vua) chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị cùng các quân mới, cũ đến hơn 10 vạn tên. (Trận ấy), chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát về thành Cổ Lộng (tức thành Cách, cũng thuộc Ý Yên, Nam Định - ND). Vua bảo các quân :
    - Hãy thừa thế chẻ tre mà đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan (tức thành Hà Nội - ND) thì chắc chắn phá được chúng.
    (Đặng) Tất tâu rằng :
    - Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.
    (Vua) do dự mãi không quyết định được. Quân (giặc) giữ thành Đông Quan đến cứu viện, đón Mộc Thạnh về. (Đặng) Tất chia quân vây đánh các thành, gửi hịch cho các lộ hành quân đánh giặc.

    Phan Phu Tiên nói : Đặng Tất chỉ biết hành quân là gấp mà không biết là cứu Đông Đô còn gấp hơn. Hình thế Đông Đô có tầm cả nước, chiếm được Đông Đô thì các lộ không đâu không hưởng ứng, hơn nữa, hào kiệt trung châu đều ở đó cả. Bỏ nơi ấy mà không lo đánh chiếm, lại chia quân phân tán đi các xứ, vì thế hiệu lệnh không thống nhất, rốt cuộc đi đến sụp đổ là đáng lắm.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Đường Thái Tông dùng binh, phần nhiều nhân thế chẻ tre mà giành được thắng lợi, ấy cũng bởi (nhà vua ấy) có tư chất anh hùng mà tướng sĩ cũng vốn đã được rèn sẵn. Vua (Giản Định) tính kế quyết thắng nhưng (Đặng) Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song, cũng có lẽ bởi (Đặng) Tất liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như (Đường) Thái Tông, mà quân thì mới từ xa đến, lương thực e không tiếp tế được, còn như quân ở kinh lộ thì chưa tập hợp xong, chẳng thà theo phép "thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi" (hơn địch gấp mười lần thì bao vây mà tiêu diệt, hơn địch gấp năm lần thì đánh). Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường, sao lại không thừa thế chẻ tre mà đánh, còn nói gì đến thành Đông Quan (ở xa xôi). Kế ấy (của Đặng Tất) cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm pha mà vội giết (Đặng) Tất đó thôi. Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần một tháng, công việc mới làm được một nửa mà đã chết oan, đó là cái họa sụp đổ (của nghĩa quân Trần Ngỗi chứ đâu phải là tội của (Đặng) Tất".
    Cũng sách trên (tờ 12-b và tờ 13-a) đã chép tiếp về kết cục sự bất đồng ý kiến giữa Giản Định Đế Trần Ngỗi với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân như sau :
    "Mùa xuân, tháng 2 (năm Kỉ Sửu, 1409 - ND), giết Quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy, Vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ, học sinh là Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức (quan lại), nếu không sớm tính đi thì sau này sẽ khó mà kiềm chế. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất. Chân chạy lên bờ, bị lực sĩ đuổi theo chém chết.

    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Vua may mà thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, (xuống chiếu) cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con (Nguyễn) Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng. Thắng trận Bô Cô, thế nước lại mạnh, vậy mà nghe lời gièm pha li gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì hỏi làm sao nên việc được ? Cho nên, đức của người làm vua, quý ở chỗ kiên quyết và sáng suốt, kiên quyết thì có thể xét đoán được, sáng suốt thì có thể thấy rõ được. Ôi, nếu lúc đó, Vua gọi hai đại thần đến, dẫn hai đứa (hoạn quan) ấy kể rõ tội gièm pha vu hãm đại thần rồi chém ngay chúng đi, khiến cho uy lệnh được thi hành mà bọn Tất càng thêm lòng cảm kích. Giá thử họ có manh tâm chuyên quyền thì chả lẽ lại không sợ uy mà phải tự hối cải, lo gì việc khó kiềm chế ? Không làm được như vậy thì chỉ có long đong rồi chết chìm hết mà thôi".

  8. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    26 - ĐẶNG DUNG VỚI BÀI "THUẬT HOÀI"

    Tháng 2 năm Kỉ Sửu (1409) vì bất đồng ý kiến với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, Giản Định Đế Trần Ngỗi đã giết chết cả hai vị hổ tướng nanh vuốt này. Sai lầm nghiêm trọng đó đã làm cho lực lượng Trần Ngỗi phải gánh chịu một tổn thất không gì bù đắp nổi. Bấy giờ, mặc dầu rất căm giận Trần Ngỗi, nhưng con của Đặng Tất là Đặng Dưng và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị vẫn không từ bỏ cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Hai ông đem một bộ phận nghĩa quân về Thanh Hóa, đón một tôn thất khác của họ Trần là Trần Quý Khoáng vào Nghệ An rồi tôn Trần Quý Khoáng lên làm vua. Quý Khoáng là con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của Trần Nghệ Tông và là cháu gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột. Khi lên ngôi, Quý Khoáng lấy niên hiệu là Trùng Quang nên sử vẫn quen gọi ông là Trùng Quang Đế.
    Như vậy là, một cuộc khởi nghĩa, cùng chống chung một kẻ thù, nhưng lại có đến hai vị hoàng đế họ Trần lãnh đạo, đó là biểu hiện của sự chia rẽ, của nguy cơ thất bại. Quân Minh đã triệt để lợi dụng chỗ yếu này để từng bước dập tắt hoàn toàn cuộc khởi nghĩa.
    Cuối tháng 11 năm Quý Tị (1413) Đặng Dung bị giặc bắt giải về Trung Quốc, nhưng dọc đường, ông đã nhảy xuống sông tự tử. Sinh thời, Đặng Dung là người tài kiêm văn võ. Ông là tác giả của bài Thuật hoài, một trong những áng hùng thi kiệt xuất của văn học dân tộc. Nay, xin theo nguyên bản chép trong Toàn Việt thi lục mà phiên âm, dịch nghĩa và mạo muội dịch thơ như sau :

    Phiên âm :

    Thế sự du du nại lão hà,
    Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
    Thời lai đồ điếu thành công dị,
    Vận khứ anh hừng ẩm hận đa.
    Trí chủ hữu hoài phò địa trục,
    Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
    Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
    Kỉ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.


    Dịch nghĩa :

    Việc đời dằng dặc mà tiếc thay tuổi đã già,
    Trời đất rộng lớn cùng nhập vào cuộc say ca.
    Thời cơ đến, bọn hàng thịt (ngoài chợ), bọn đi câu (ngoài sông) vẫn có thể thành công dễ dàng,
    Lỡ vận, người anh hùng cũng phải uống nhiều tủi hận.
    Phò vua, có lòng nâng trục đất,
    Rửa binh khí, tiếc là không có lối kéo sông Ngân Hà xuống.
    Nợ nước chưa đền mà đầu đã sớm bạc,
    Bao phen, thanh gươm Long Tuyền đem mài dưới ánh trăng.

    Dịch thơ :

    Sự đời bề bộn, tiếc mình già,
    Trời đất quay cuồng cuộc say ca.
    Gặp thời, đồ điếu thành công dễ,
    Lỡ vận anh hùng ngậm xót xa.
    Phò chúa dốc lòng ghì địa trục,
    Rửa gươm chẳng lối kéo Ngân Hà.
    Nợ nước chưa đền, đầu đã bạc,
    Gươm mài bao bận dưới trăng ngà.


    Về bài thơ này, Lý Tử Tấn đã có một lời bình, ngắn gọn mà vẫn đầy đủ và sâu sắc : "Phi hào kiệt chi sĩ, bất năng" (nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi bài thơ này). Lời ấy có lẽ cũng đủ để thay cho mọi lời bình khác.

  9. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    27 – ĐỨC ĐỘ CỦA GIẢN ĐỊNH ĐẾ

    Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), nhờ được sự trợ giúp đắc lực của Trần Triệu Cơ, Giản Định Vương Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Mô Độ, châu Trường Yên (nay thuộc xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Sử bắt đầu gọi Giản Định Vương là Giản Định Đế kể từ đó.
    Lên ngôi vừa được hai tháng, Trần Ngỗi đã giết hại một lúc đến hơn 500 người, gồm cả tôn thất họ Trần lẫn nhiều người khác. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 9 a-b) chép rằng :

    “Giết bọn ngụy quan Trần Thúc Dao và thuộc hạ hơn 500 người. Trước đây, người Minh lấy tôn thất họ Trần là Trần Thúc Dao con của Trần Nguyên Đán) giữ đất Diễn Châu (Nghệ An - ND) và lấy cựu tướng quân là Trần Nhật Chiêu giữ đất Nghệ An. Đến đây, vua lên ngôi mà họ không đón rước nên bị giết.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Thiên hạ đại loạn, nhân dân ở Nghệ (An) và Diễn Châu nào biết ai là chân chúa ? Thúc Dao là con nhà tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, cùng nhận quan tước của nhà Minh để giữ đất và trị dân, thử hỏi, dân không theo liệu có được không ? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, chúng dám đâu lại không cảm kích ơn đức đó. Giết đến nhiều như vậy thì làm sao mà gọi là đạo quân nhân nghĩa được ?"
    Có thể coi sự kiện này là lần đại thất đức thứ nhất của Trần Ngỗi. Ông dựng cờ xướng nghĩa chống xâm lăng, nhưng chưa giết được tên giặc nào thì đã giết quá nhiều dân.
    Một năm sau, vào tháng 10 năm Mậu Tí (1408), Trần Ngỗi lại có thêm sự phò tá của cha con Đặng Tất, Đặng Dung và cha con Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị. Họ đều là những bậc danh tướng tài kiêm văn võ, cho nên, thanh thế của Giản Định Đế lên rất nhanh. Hai tháng sau, (vào ngày 14 tháng 12), Đặng Tất đại phá quân Minh ở Bô Cô (Ý Yên, Nam Định), chút xíu nữa là giết được Tổng binh giặc. Tiếc thay, sau trận đại thắng này, Trần Ngỗi bất đồng ý kiến với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Để giải quyết sự bất đồng, Trần Ngỗi đã giết chết cả hai vị hổ tướng. Việc làm ngu muội ấy thật không khác gì Trần Ngỗi tự chặt đứt hai cánh tay của chính mình, và đó là lần đại thất đức thứ hai.
    Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị vì căm giận Trần Ngỗi giết hại cha mình, bèn bỏ Trần Ngỗi chạy về Thanh Hóa, lập một tôn thất khác là Trần Quý Khoáng lên ngôi để tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Minh. Trần Quý Khoáng là con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của Trần Nghệ Tông và cũng là cháu gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột. Thời Hồ, Trần Quý Khoáng được phong là Nhập nội trị trung, đến đây lên ngôi, lấy hiệu là Trùng Quang, sử nhân đó gọi ông là Trùng Quang Đế.
    Một lực lượng, cùng chống một kẻ thù chung là quân Minh, nhưng lại có đến hai Hoàng đế họ Trần lãnh đạo, đó là điều chẳng hay. Để khắc phục tình trạng này, ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), các tướng của Trùng Quang Đế như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... đã tổ chức đánh úp và bắt Giản Định Đế Trần Ngỗi về. Tuy nhiên, bắt về không phải để giết mà là để hợp nhất lực lượng. Cách làm tuy có thô bạo nhưng mục đích thì quả là rất cần thiết. Tiếc thay, Giản Định Đế Trần Ngỗi lại không thấy được hết sự cần thiết này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 13-b) chép:
    “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng bảy (năm Kỉ Sửu, 1409 - ND), Hưng Khánh Thái hậu (mẹ của Trần Ngỗi - ND) cùng với Hành khiển là Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngấm khởi binh ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo tiết lộ việc ấy. Trùng Quang Đế giết bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn những người khác thì đều tha cả".
    Với sự kiện này, chúng ta có thể biết được gốc mạch của sự đại thất đức ở Trần Ngỗi bắt đầu từ đâu. Mẹ nào con nấy, cổ nhân nói chẳng sai chút nào. Cũng may mà Trùng Quang Đế xử thế có phần khác hơn. Cũng sách trên viết tiếp :
    "Ngày 20 (tháng 4 năm Kỉ Sửu - ND) bọn Nguyên Súy dẫn Hưng Khánh (đây chỉ Trần Ngỗi - ND) đến sông Tam Chế (tức sông Lam - ND) ở Nghệ An. Trùng Quang đổi mặc áo thường xuống thuyền đón rước. Khi ấy, trời đất đang tối sầm bỗng có mây vàng rực rỡ, mọi người đều kinh ngạc. (Trùng Quang Đế) bèn tôn Hưng Khánh làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc".

    Lời bàn :

    Trong mọi công đức, cứu nước là đại công đức. Ngọn cờ cứu nước của Giản Định Đế Trần Ngỗi lúc ấy đúng là ngọn cờ đại công đức. Song, cứu nước mà không cứu dân thì cứu nước để làm gì ? Tiếc thay cho Trần Ngỗi, người đã làm những điều đại thất đức ngay trên đường giương cờ đại công đức.

  10. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    28 - QUAN CHÁNH SỨ HỒ NGẠN THẦN

    Hồ Ngạn Thần (sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là Hồ Nghiện Thần) đỗ Cử nhân năm Ất Dậu (1405) đời vua Hồ Hán Thương, sau được sung làm Thái học sinh lí hành (tương đương với Thái học sinh, tức Tiến sĩ, nhưng chưa chính thức đỗ đạt gì). Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409) Trần Quý Khoáng được các tướng như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... tôn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Hồ Ngạn Thần nghe tin liền theo về ứng nghĩa, được Trùng Quang Đế thăng đến chức Hành khiển.
    Tháng 9 năm Tân Mão (1411) Trùng Quang Đế sai quan Hành khiển Hồ Ngạn Thần cầm đầu sứ bộ sang nhà Minh để xin cầu phong ! Đó là một việc làm ngây thơ đến độ dại dột và khó hiểu của Trùng Quang Đế. Các sử gia triều Nguyễn, tác giả của bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau khi chép lại sự kiện này (ở chính biên, quyển 12, tờ 34) đã hạ bút phê rằng :
    “Sự thể đã đến thế mà còn thỉnh cầu gàn rỡ mãi, thật là mù quáng về thời cơ, không còn hiểu gì cả".
    Nhưng, vua nào bề tôi ấy, Chánh sứ Hồ Ngạn Thần cũng xử sự ngây thơ đến độ dại dột và khó hiểu không kém gì Trùng Quang Đế. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 17a-b) chép :
    "Sai Hành khiển Hồ Ngạn Thần làm sứ giả đi cầu phong, cho quan Thẩm hình là Bùi Nột Ngôn làm phó, mang biểu văn, phương vật và hai tượng người bằng vàng và bằng bạc thay thân mình (sang nhà Minh). Trước đó, vua đã sai Hành khiển Nguyễn Nhật Tư và Thẩm hình Lê Ngân sang cầu phong. Vua Minh nổi giận, bắt giam rồi giết cả. Đến nay lại sai Ngạn Thần đi. (Khi bọn Ngạn Thần) đến Yên Kinh, vua Minh sai Hồ (Nguyên) Trừng giả vờ lấy ân tình cũ để hỏi thăm sức khỏe của Vua và tình hình trong nước thế nào. (Hồ) Ngạn Thần nói hết cả với Trừng. Nột Ngôn thì không chịu khuất phục. Nhà Minh giả cách cho Vua làm Giao Chỉ Bố chính sứ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An. Đến khi sứ bộ về nước, Nột Ngôn tâu hết việc Ngạn Thần tiết lộ việc nước và nhận lệnh của giặc. (Vua sai) bắt Ngạn Thần giam vào ngục rồi giết đi".

    Lời bàn :

    Trần Quý Khoáng lên ngôi để quy tụ lòng người mà đánh giặc, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, đại sự chưa lo lại lo tìm hư danh hão, đó là sự sai lầm. Cúi đầu xin cầu phong ở Hoàng đế của nước đang đem quân đi xâm lược nước mình, hỏi có khác gì tự đưa tay vào miệng cọp dữ đang đói mà xin sự an bình ? Cái chết của Nguyễn Nhật Tư và Lê Ngân cũng chưa đủ để thức tỉnh Trùng Quang Đế hay sao ? Cho nên, trong sự sai lầm lại còn có sự sai lầm nữa. Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục nghiêm phê như trên là phải lắm.
    Triều Hồ sụp đổ bởi quân Minh, cha và em rồi thân tộc đểu bị giết cả, Hồ Nguyên Trừng nguyên là Tướng quốc của triều Hồ mà được nhởn nhơ sống phú quý trên đất nhà Minh, chừng ấy cũng đủ biết là người như thế nào. Hồ Ngạn Thần thực sự không biết gì về hành trạng của Hồ Nguyên Trừng hay là biết mà cũng lờ đi như không biết ? Vì sao cũng mặc, đã tiết lộ việc nước cho kẻ đầu hàng thì phải chịu tội. Sứ giả mà mơ hồ về chính tri, tác hại gây ra thật khó lường.

  11. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    29- LÊ CẢNH TUÂN VỚI BỨC "VẠN NGÔN THƯ"

    Sách Đại việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 18-b và tờ 19 a-b) chép rằng :

    "Trước đây, Cảnh Tuân là hạ trai học sinh của nhà Hồ. (Từ thời Trần trở đi, học sinh được chia làm ba hạng là thượng trai, trung trai và hạ trai - ND). Năm Hưng Khánh thứ nhất (tức năm Đinh Hợi, 1407 - ND), (Cảnh Tuân) có viết bức "vạn ngôn thư" (bức thư dài đến một vạn chữ - ND), rồi dâng cho Tham nghị Bùi Bá Kỳ. (Thư ấy) nêu ba phương sách là thượng, trung và hạ, đại lược nói rằng :
    Nhà Minh đã ban cho các hạ (chỉ Bùi Bá Kỳ - ND) được theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn con cháu họ Trần mà lập làm vua, gia tước cho các hạ được làm phụ tá. Nay thấy thiết lập ti Bố chính, phong tước cao cho các hạ mà chỉ cấp người quét dọn đền miếu nhà Trần (chứ không thấy lo lập lại họ Trần). Nếu các hạ có thể tâu lại, phân tích lời khai của các quan (cũ) và kì lão (các nơi), nói rõ là con cháu họ Trần vẫn còn, xin ban chiếu sắc riêng để phong lại cho họ Trần thì đó là thượng sách. Nếu các hạ không làm được như thế thì hãy xin thôi chức vị hiện nay, tình nguyện làm quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu các hạ còn tiếc quan to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách.
    Nếu làm theo thượng sách, tôi xin là nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì... bổ sung vào ô thuốc của các hạ để các hạ tùy nghi sử dụng. Nếu làm theo trung sách, tôi xin được bưng khay chén hầu hạ và cũng xin tùy các hạ sai khiến. Nếu làm theo hạ sách, tôi sẽ là kẻ ẩn dật, sống cho hết tuổi thừa mà thôi.
    Đến khi (Bùi Bá Kỳ bị tình nghi, bị quân Minh) tịch biên nhà cửa, (giặc) bắt được bức thư ấy và tâu lên, (vua Minh) sai bắt Cảnh Tuân để xét hỏi, nhưng lúc ấy loạn lạc, không biết (Cảnh Tuân) đi đâu.
    Đến đây (năm Tân Mão, 1411 - ND) đặt học hiệu ở Giao Châu (Cảnh Tuân ra làm Giáo thụ), giặc bắt được Cảnh Tuân đưa về Kim Lăng và giam xuống ngục của vệ Cẩm Y. Cảnh Tuân ở trong ngục 5 năm, cùng con là Thái Điên đều bị ốm mà chết".
    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Ba phương sách của Cảnh Tuân mang khí khái của bậc trượng phu. Ông nhận chức Giáo thụ của nhà Minh chắc có lẽ cũng vì muốn ẩn dật mà không được".

    Lời bàn :

    Sức học mới ở hạ trai mà viết nổi "vạn ngôn thư" đã là khó, viết "vạn ngôn thư" để giãi bày tâm huyết của một người giàu lòng trung quân ái quốc và phân tích lẽ thiệt hơn cho kẻ lầm đường, khiến mạng sống của người viết bị đe dọa, thì lại càng khó hơn.
    Bùi Bá Kỳ nhận "vạn ngôn thư" rồi bỏ đấy, không dám bày tỏ chút lòng ưu ái đối với Lê Cảnh Tuân, ấy là lỗi, nhưng có thế thì Bùi Bá Kỳ mới là Bùi Bá Kỳ.
    Ai bảo bút sa gà chết, còn đây, bút sa... người chết. Song, chết mà để lại được một "vạn ngôn thư", khiến cho muôn đời đểu hiểu được nỗi ưu thời mẫn thế của mình, dễ đã mấy ai trường thọ mà đã làm được. Kính thay !

+ Trả lời chủ đề
Trang 3/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình