+ Trả lời chủ đề
Trang 1/7 1 2 3 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 65

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

  1. #1
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2

    VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

    VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

    62 GIAI THOẠI THỜI LÊ SƠ

    Nguyễn Khắc Thuần
    NXB Giáo dục 2003
    Tái bản lần thứ tám


    Mục lục

    LỜI NÓI ĐẦU
    01 - LÍ LỊCH XUẤT THÂN CỦA LÊ LỢI
    02 - SỰ TÍCH ĐIỆN TIÊN DU
    03 - LÊ LỢI XƯỚNG NGHĨA
    04 – HOẰNG HỰU ĐẠI VƯƠNG VÀ BẢO QUỐC ĐẠI VƯƠNG
    05 - LÊ LAI CỨU CHÚA
    06 - CẦM BÀNH BỊ MẮC MƯU
    07 - TRẬN BỒ ẢI
    08 - QUÂN PHÁP CỦA LAM SƠN
    09 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN PHONG VÀ LƯƠNG NHỮ HỐT
    10 - CÁI CHẾT CỦA ĐỖ DUY TRUNG
    11 - BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG CỦA TỔNG BINH THÀNH SƠN HẦU VƯƠNG THÔNG
    12 - BỐN SẮC LỆNH CỦA LÊ LỢI BAN RA Ở DINH BỒ ĐỀ ĐẦU NĂM 1427
    13 – LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA LƯU THANH
    14 - ĐINH LỄ VÀ NGUYỄN XÍ VỚI CÁI GIÁ CỦA MỘT BÀI HỌC
    15 – HỘI THỀ ĐÔNG QUAN
    16 - PHÉP NƯỚC ĐẦU ĐỜI LÊ THÁI TỔ
    17 - THƯƠNG THAY TRẦN NGUYÊN HÃN !
    18 - PHẦN THƯỞNG CỦA BÙI THÌ HANH
    19 – ĐỨC ĐỘ CỦA NGUYỄN THIÊN HỰU
    20 - CHUYỆN QUANH TỜ BIỂU VĂN DO NGUYỄN TRÃI SOẠN
    21 – CHUYỆN PHẠM MẤN BỊ ĐI ĐÀY
    22 - NGUYỄN TRÃI VỚI BẢY TÊN TRỘM
    23 - CÁC NGÔN QUAN LÀ PHAN THIÊN TƯỚC, LƯƠNG THIÊN PHÚC VÀ NGUYỄN CHIÊU PHỦ VỚI SÁU ĐIỀU CAN VUA
    24 - THÁI QUÂN THỰC VÀ NGUYỄN TÔNG TRỤ LÀM NHỤC QUỐC THỂ
    25 - PHAN THIÊN TƯỚC VÀ Ý THỨC VỀ CHỨC PHẬN CỦA MÌNH
    26 – LẠI CHUYỆN CAN NGĂN CỦA NGÔN QUAN PHAN THIÊN TƯỚC
    27 - CUỘC XUNG ĐỘT Ý KIẾN GIỮA NGUYỄN TRÃI VỚI LƯƠNG ĐĂNG
    28 – VỤ ÁN LÊ SÁT
    29 - LÊ THÁI TÔNG VỚI VIỆC THƯỞNG PHẠT QUAN LẠI
    30 - QUAN THAM NGHỊ LÀ NGUYỄN LIỄU BỊ THÍCH CHỮ VÀO MẶT VÀ BỊ ĐÀY VIỄN XỨ
    31 - LÊ NGÂN BỊ BỨC TỬ
    32 - DUYÊN PHẬN BÀ DƯƠNG THỊ BÍ
    33 – VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN
    34 – LỜI TÂU CỦA QUAN THAM TRI ĐÔNG ĐẠO TRÌNH DỤC
    35 - TÂM ĐỊA CỦA HÀ LẬT
    36 - HÔN LỄ CỦA VỆ QUỐC TRƯỞNG CÔNG CHÚA
    37 - THAM TRI TÂY ĐẠO BÙI THÌ HANH VÀ TRUNG LỘ AN PHỦ SỨ BẠCH KHUÊ BỊ BÃI CHỨC
    38 – LẠI CHUYỆN BÙI THÌ HANH
    39 – NGƯỜI Ở TRÊN PHÉP NƯỚC
    40 – CHUYỆN TRỊNH KHẢ
    41 - LOẠN LÊ NGHI DÂN
    42 – NGUYỄN SƯ HỒI VỚI BÀI THƠ VIẾT THEO LỐI CHIẾT TỰ
    43 - THƯỢNG THƯ NGUYỄN NHƯ ĐỔ BỊ KHIỂN TRÁCH
    44 - THÁI ÚY LÊ LĂNG BỊ GIẾT
    45 – LƯỢC TRUYỆN TRẦN PHONG
    46 – CUỘC ĐỐI ĐÁP GIỮA THÁM HOA LƯƠNG NHƯ HỘC VỚI VĂN LƯ
    47 - VUA LÊ THÁNH TÔNG ĐÒI ĐỌC NHẬT LỊCH
    48 - THÁI BẢO NGUYỄN LỖI CAN VUA
    49 - VUA LÊ THÁNH TÔNG XIN LỖI QUAN ĐÔ NGỰ SỬ TRẦN XÁC
    50 - HOÀNG TỬ TRIỆU VƯƠNG THOAN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI
    51 - VÌ SAO HOẠN QUAN PHAN TÔNG TRINH BỊ GIẾT
    52 - LÊ UY MỤC VÀ CUỘC THANH TRỪNG LẦN THỨ NHẤT
    53 - LÊ UY MỤC VÀ CUỘC THANH TRỪNG LẦN THỨ HAI
    54 - CHUYỆN NGUYỄN CHÍ
    55 – ĐỨC ĐỘ CỦA VUA LÊ UY MỤC
    56 - CUỘC BẠO LOẠN NĂM KỶ TỊ (1509)
    57 – TRỊNH DUY SẢN GIẾT VUA LÊ TƯƠNG DỰC
    58 - SỰ HIỂM ĐỘC CỦA NGUYỄN VĂN LỰ
    59 - CHÂN TƯỚNG LÊ QUẢNG ĐỘ
    60 – CHUYỆN VŨ NHƯ TỐ
    61 - CÁI CHẾT CỦA CHỬ KHẢI, TRỊNH HỰU VÀ NGÔ BÍNH
    62 - NGÀY TÀN CỦA CHIÊU TÔNG
    NIÊN BIỂU THỜI LÊ SƠ

    LỜI CHÚ CUỐI SÁCH

  2. #2
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    LỜI NÓI ĐẦU

    Tiếp theo tập 36 giai thoại thời Hồ và thời thuộc Minh là tập 62 giai thoại thời Lê sơ. Ở tập này, ngoài những giai thoại thuộc khung lịch sử thời Lê Sơ. chúng tôi còn giới thiệu thêm những giai thoại thời khởi nghĩa Lam Sơn, với ý định cụ thể là cố gắng trình bày một cách có hệ thống về cuộc đời của Lê Lợi, người phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ, người có công sáng lập ra triều Lê và cũng là vị vua đầu tiên của thời Lê Sơ.
    Các giai thoại đều được viết trên cơ sở trích dịch những ghi chép của sử cũ. Bất cứ đoạn trích dịch nào cũng đều có những ghi chú giản lược mà đầy đủ, những dữ kiện tư liệu để bạn đọc có thể tiện kiểm tra lại khi xét thấy cần.
    Tuy nhiên, vì không có trong tay nguyên bản Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn cho nên, những giai thoại nào lấy từ Đại Việt thông sử, chúng tôi đều trích nguyên văn bản dịch của Ngô Thế Long trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập III- Đại Việt thông sử (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978). Trích ở trang nào, chúng tôi ghi rõ số trang ấy trong ngoặc đơn đặt ở ngay trước phần trích.
    Chúng tôi rất lấy làm hân hạnh được giáo sư Mai Cao Chương và giáo sư Lương Duy Thứ đọc và góp cho nhiều ý kiến rất quý giá. Nhân dịp này, xin được chân thành cám ơn hai giáo sư, và chúng tôi cũng mong mỏi sẽ được đón nhận thêm nhiều ý kiến của bạn đọc gần xa.


    Thành phố Hồ Chí Minh
    18 - 4 -1993
    NGUYỄN KHẮC THUẦN

  3. #3
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    01 - LÍ LỊCH XUẤT THÂN CỦA LÊ LỢI

    Tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối, vốn người ở thôn Như Áng. Sách Đại Việt thông sử (trang 31) chép rằng : "Một hôm, cụ đi chơi thấy đàn chim lượn vòng quanh trên một khoảng đất nơi dưới núi Lam Sơn, trông như hình một đám người tụ hội. Cụ nghĩ : “Chỗ này tất là nơi đất lành", bên dời nhà đến ở đấy, rồi khai phá ruộng vườn, tự chăm lo cày cấy, được ba năm thì thành sản nghiệp, từ đấy, đời đời đều là hùng trưởng một phương".
    Lê Hối sinh ra Lê Thinh. Lê Thinh lấy bà Nguyễn Thị Quách, sinh hạ hai người con trai, con trưởng là Lê Tòng, con thứ là Lê Khoáng. Lê Khoáng kết hôn với bà Trịnh Thị Ngọc Thương, sinh hạ được ba người con trai, con trưởng là Lê Học, con thứ là Lê Trừ và con út là Lê Lợi.
    Cũng sách Đại Việt thông sử (trang 32) chép rằng : "Vua sinh giờ tí (tức từ khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng - NKT) ngày mồng 6 tháng 8 năm ất Sửu (1385), niên hiệu Xương Phù thứ 9 nhà Trần, tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Nguyên trước, xứ Du Sơn, thôn Như Áng Hậu thuộc làng này (Chủ Sơn), có một cây quế, dưới cây quế này có con hùm xám thường xuất hiện, nhưng nó hiền lành, vẫn thường thân cận với người mà chưa từng hại ai. Từ khi Vua ra đời thì không thấy con hùm ấy đâu nữa. Người ta cho là một sự lạ ! Ngày Vua ra đời thì trong nhà có hào quang đô chiếu sáng rực, và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Khi lớn lên thì thông minh dũng lược, độ lượng hơn người, vẻ người tươi đẹp hùng vĩ, mắt sáng, miệng rộng, sống mũi cao, xương mi mắt gồ lên, bả vai bên tá có 7 nốt ruồi, bước đi như rồng như hổ, tiếng nói vang vang như tiếng chuông. Các bậc thức giả biết ngay là một người phi thường.
    Khi Vua làm phụ đạo ở Khả Lam, được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện chỉ cho ngôi huyệt phát "đế vương" ở động Chiêu Nghi.
    Thời ấy, người phường chài ở sách Mục Sơn là Lê Thận, đêm nào cũng thấy khoảng sông Lam Xuyên có luồng ánh sáng như bó đuốc cháy. Hơn một tháng sau, bỗng chài được một thanh sắt dài hơn một thước, hình tựa con dao cũ, đem về để trong nhà. Ngay hôm ấy, Vua đến nhà ông, thấy trong nhà tối có một luồng ánh sáng, liền tới chỗ đó lấy thanh đao đem về. Về đến nhà, không phải mài mà sáng (như dao mới), nhận thấy có hàng chữ triện khắc trên thân đao, biết là một thanh đao quý. Đêm hôm sau, có trận mưa gió, sáng ra, thấy trong vườn rau có lốt chân thần in trên lá rau, Vua sai người vẽ hình vết chân ấy. Ngày hôm sau, Hoàng hậu ra vườn hái rau, đến chỗ cây rau có hình bàn chân, bỗng được một quả ấn báu, dài rộng ngay ngắn, một quả ấn khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc đích họ tên Vua, nhận kĩ mới rõ. Vua biết là bảo vật của trời ban cho, bèn cúi đầu lạy tạ. Ngày hôm sau, bỗng được cái chuôi kiếm ở gốc cây đa, rửa sạch đất cát đi, thấy có khắc hình con rồng và con hổ, và hiện ra hai chữ "thanh thúy", đem lắp vào thanh kiếm đã bắt được hồi trước, vừa vặn không sai tí nào, càng tin là vật của thần cho".

    Lời bàn :

    Ở đời, phàm người mình yêu thì bao giờ cũng đẹp, thậm chí, có khi mình còn thấy cả cái đẹp trong chỗ chưa đẹp ; và phàm là người mình kính thì khi họ sống, mình thấy họ có uy, khi họ mất, mình thấy họ thiêng, thậm chí, thấy cả cái uy và cái thiêng ngay trong chỗ rất bình thường nữa. Bậc dốc lòng nuôi chí cả, bất chấp hiểm nguy mà làm nên đại sự nghiệp cứu nước cứu dân như Lê Lợi, cổ kim nào có được mấy người. Cho nên, nếu trăm họ cảm phục và kính trọng Lê Lợi, rồi nhân đó mà tặng thêm cho lí lịch Lê Lợi những chi tiết li kì và sử gia xưa cũng viết về Lê Lợi với tấm lòng ấy, khiến cho Lê Lợi càng trở nên khác thường, thì có gì là lạ đâu.
    Vẫn biết rằng lúc vận nước nguy nan, ngọn cờ thiên hạ cần nhất là ngọn cờ đủ sức quy tụ và cố kết lòng người chứ không phải là ngọn cờ có sắc màu lạ, nhưng khi xã tắc thái bình, nếu ngọn cờ đủ sức quy tụ và cố kết lòng người bỗng được vẽ thêm sắc màu lạ, thì trăm họ cũng sẽ sẵn lòng tin là sắc màu ấy vốn đã có từ lâu.

  4. #4
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    02 - SỰ TÍCH ĐIỆN TIÊN DU

    Ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi, Lam Sơn, Thanh Hóa, có một ngôi điện nhỏ, gọi là điện Tiên Du. Điện này được lập từ thế kỉ XV. Sách Lam Sơn thực lục (quyển 1) đã chép về sự tích điện Tiên Du này như sau :
    'Thuở ấy, Vua (chỉ Lê Lợi - ND) sai người đến cày ruộng ở xứ Phật Hoàng thuộc động Chiêu Nghi. (Người cày) bỗng thấy một vị sư già, mình khoác áo trắng, đi từ hướng làng Đức Trai tới, vừa đi vừa than rằng :
    - Đất này đẹp quá, thế mà chẳng có ai để trao cho.
    Người cày thấy thế, vội chạy vế báo Vua hay. Vua chạy gấp đến hỏi. Có người cho biết :
    - Nhà sư đã đi rồi.
    Theo hướng chỉ, Vua đi nhanh đến sách Quần Đội, huyện Lôi Dương. (Dọc đường), Vua thấy có cái thẻ tre đề rằng :
    Thiên đức thụ mệnh,
    Tuế trung tứ thập,
    Số dĩ chỉ định
    Tích tai vị cập.

    (Nghĩa là : Đức trời nhận mệnh , vào tuổi bốn mươi, số kia đã định, tiếc thay chẳng kịp).

    Vua thấy chữ ấy mà mừng nên càng cố đi nhanh. Lúc ấy, rồng vàng hiện lên che lấy Vua. Vừa chợt thấy, vị sư già đã thưa rằng :
    - Tôi từ đất Ai Lao đến, người họ Trịnh, tên tự là Bạch Thạch Sơn Tăng. Thấy Vua khí tượng khác người, đoán là có thể làm nên việc lớn.
    Vua quỳ xuống thưa rằng :
    - Mạch đất của tôi đây sang hèn ra sao, dám xin thầy chỉ rõ cho.
    Vị sư già nói :
    - Xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi có một thửa đất rộng chừng nửa sào, có hình tượng như cái ấn của nước nhà, bên tả có thái thất là núi Chí Linh ở Mường Giao Lão. Trong núi ấy có gò Tiên Bạn, Chiêu Sơn ở xã An Khoái là án, phía trước có nước Long Sơn, phía trong có nước Long Hồ hình xoáy như ruột ốc, bên hữu có nước hồ bao quanh, phía ngoài chân núi tựa như chuỗi hạt. Đất ấy, đàn ông thì quý không thể nói được, nhưng đàn bà thì hẳn là sẽ phải thất tiết. Tôi e rằng con cháu ngài về sau nó không ở cùng với nhau. Ngôi báu tất có khi trung hưng, mệnh trời có thể biết trước được. (Bây giờ) nếu có được thầy giỏi, đem hài cốt đi cải táng thì vẫn có thể phấn phát được dăm trăm năm.
    Nghe lời vị sư già, Vua đem hài cốt của thân phụ táng ở xứ ấy. Vào khoảng giờ Dần (từ 3 đến 5 giờ sáng - ND), khi Vua về đến thôn Giao Xá Hạ thì vị sư già ấy cũng bay lên trời. Vì lẽ này, Vua cho lập điện Tiên Du ở đấy. Trong động Chiêu Nghi, Vua cho dựng am nhỏ (chỗ mộ Phật Hoàng). Đó chính là gốc cội của sự phát tích".

    Lời bàn :

    Chuyện này có đến ba điều đáng suy gẫm. Thứ nhất, nhờ người nhà đi cày về mách bảo, Lê Lợi mới hay là có thầy phong thủy đi qua xứ mình. Người cày ấy chính là nhân chứng bằng xương bằng thịt vậy. Thứ hai, thầy phong thủy lại cũng là một vị sư già, tự hiệu Bạch Thạch Sơn Tăng, vốn người Ai Lao, tức là người xứ lạ. Cứ theo nếp nghĩ “bụt chùa nhà không thiêng” thì người xứ lạ thường là người giỏi hơn xứ mình, họ mà đã nói thì còn sai vào đâu được. Vả chăng, đã là người xứ lạ giá thử như có người nào khó tính của xứ mình muốn đến gặp để kiểm chứng lại, việc nhiêu khê này cũng chẳng dễ gì làm. Thứ ba, thầy phong thủy sau khi chỉ huyệt đại phát cho Lê Lợi, đã bay thẳng lên trời. Với đấng phi phàm ấy, thế tục chỉ còn biết hãy vâng theo và nghiêm cẩn kính thờ.
    Từ ba điều đáng suy gẫm ấy, dễ thường cũng có cả trăm lẽ khiến cho thiên hạ kéo về tụ nghĩa ở Lam Sơn. Chí quật khởi có thật, cộng với khí thiêng sông núi và mệnh trời vô hình lẩn quất đâu đó đã cùng họp lại mà tạo ra sức mạnh vô song, quân Minh xâm lược không bị đánh bại làm sao được !

  5. #5
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    03 - LÊ LỢI XƯỚNG NGHĨA

    Sách Đại Việt thông sử (trang 34 chép rằng : "Từ khi người Minh đô hộ nước ta, chính sự phiền toái, thuế má nặng nề, quan tham lại nhũng, cấm dân nấu muối trồng rau, bắt dân xuống biển mò ngọc châu, phá núi tìm vàng ; những sản phẩm quý giá như ngà voi, sừng tê, lông chim trả, cùng các thứ hương liệu, chúng đều vơ vét hết. Sau lại bất dân đắp mười thành trong mười quận để đóng quân ; chúng lại khéo dùng chức tước để dụ dỗ những người hào kiệt, đưa về triều đình Trung Hoa, cốt là an trí ở đó. Bởi vậy nhân dân nước ta không trừ một ai, thảy đều thảm sầu oán giận ! Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) vẫn giữ chí như trước, dù người Minh đem quan tước ra dụ cũng không được, lấy thế lực cũng không hiếp nổi, nhưng nhận thấy thế quân địch đang mạnh, nên Vua càng ẩn trong bóng tối, không dám khinh động, lại thường đem bảo vật năn nỉ hối lộ cho bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ và Mã Kỳ, những mong được khỏi nạn, để nuôi thêm sức lực và chờ đợi thời cơ. Chỉ vì tên Lương Nhữ Hốt, người huyện Cổ Đằng (sau này đổi là Hoằng Hoá) giữ chức tham chính, là thổ quan của người Minh, đem lòng ghen ghét, bèn mật cáo với người Minh rằng :
    "Người chúa Lam Sơn chiêu nạp những kẻ vong mạng và làm phản, đãi ngộ sĩ tốt rất hậu, chí của người ấy không phải là nhỏ. Nếu không sớm liệu đi, để cho con rồng gặp mây mưa, thì khi ấy nó sẽ không còn là một con vật ở trong ao nữa đâu. Vậy, xin trừ ngay đi, đừng để tai vạ về sau”.
    Người Minh tin lời tên Nhữ Hốt, cho nên, càng bức bách rất gấp. Bởi vậy, Vua bèn đại hội tướng sĩ, bàn tính việc khởi binh.
    Ngày mồng hai là ngày Canh Thân, tháng giêng năm Mậu Tuất (tức ngày mồng hai Tết, hay ngày 7 tháng 2 năm 1418), niên hiệu Vĩnh Lạc thứ XVI nhà Minh, Vua dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định Vương".

    Lời bàn :

    Trước, dẫu lòng riêng vẫn hằng kính trọng nghĩa khí của Giản Định Đế và Trùng Quang Đế, nhưng Lê Lợi vẫn quyết không theo phò, bởi đã nhìn thấy kết cục thất bại không thể nào tránh khỏi của họ. Đó là mẫn tuệ.
    Sau, vì thương trăm họ bị quân Minh đày đọa mà khôn khéo tập hợp anh hung hào kiệt, ẩn nhẫn chờ thời để dựng cờ cứu nước cứu dân, đó là chí nhân và đại dũng.
    Gồm đủ cả trí, dũng và nhân, Lê Lợi quả đúng như lời Lương Nhữ Hốt nói, chẳng phải là con vật tầm thường trong ao, mà là con hoàng long phi phàm vậy.
    Dân gian có câu rằng :
    Xạ hương dẫu ở trong rừng.
    Khi thơm, bưng bít mấy tầng cũng thơm.

    Trước khi để lại danh thơm muôn thuở cho nước nhà, Lê Lợi là xạ hương đặc biệt của núi rừng Lam Sơn đó chăng ? Nếu không, trăm họ ở khắp thiên hạ bốn phương, làm sao biết được để tìm đến mà tụ nghĩa ?


  6. #6
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    04 – HOẰNG HỰU ĐẠI VƯƠNG VÀ BẢO QUỐC ĐẠI VƯƠNG

    Bên bờ sông Khả Lam (Thanh Hóa) hiện vẫn còn dấu tích của hai ngôi miếu thờ, một là Hoàng Hựu Đại vương và một là Bảo Quốc Đại vương. Sự tích hai ngôi miếu thờ này được sách Lam Sơn thực lục chép lại khá rõ.
    Chuyện kể rằng, khi Lê Lợi đang gấp rút chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa thì có một sự xích mích đáng tiếc đã xảy ra. Bấy giờ, ở thôn Hào Lương (cũng thuộc Lam Sơn) có một người tên là Đỗ Phú, bỗng sinh chuyện tranh giành đất đai với Lê Lợi. Đỗ Phú đưa đơn kiện Lê Lợi. Quan trên thấy Đỗ Phú đuối lí, bèn cho Lê Lợi thắng kiện. Lam Sơn thực lục (quyển 1) chép :
    “Đỗ Phú nhân thế mà sinh thù oán, dẫn giặc Minh về bắt Vua (chỉ Lê Lợi - ND). Vua cùng với Lê Liễu chạy đến sông Khả Lam thì thấy thi thể một người đàn bà, mình mặc áo trắng, có đeo xuyến vàng và thoa vàng. Vua và Lê Liễu ngửa mặt lên trời mà khấn rằng :
    - Ta bị giặc Minh đuổi, xin hãy giúp ta thoát nạn, mai sau nếu được thiên hạ, ta sẽ lập miếu thờ, hễ có bò heo cúng tế thì sẽ xin đem cúng trước.
    (Khấn rồi, vội đem xác người đàn bà đi chôn). Mồ đắp chưa xong thì giặc đã xua chó ngao chạy đến. Vua và Liễu trốn vào gốc cây đa. Giặc lấy giáo đâm vào gốc đa, mũi giáo trúng ngay đùi bên trái của Liễu. Liễu lấy tay nắm cát, đem vuốt cho hết máu ở mũi giáo. Bất ngờ, một con chồn trắng từ đâu đó trong gốc đa chạy ra, chó ngao cứ thế đuổi theo chồn, giặc bỏ đi vì không nghi trong gốc cây có người trốn nữa, Vua cũng nhờ vậy mà được thoát.
    Sau này, khi định song thiên hạ, Vua phong thần áo trắng làm Hoằng Hựu Đại vương (vị Đại vương có công lớn trong việc cứu giúp) và phong cây đa làm Hộ Quốc Đại vương (vị Đại vương có công bảo hộ nước nhà).

    Lời bàn :

    Sống mà phản trắc như Đỗ Phú là sống nhục. Của tham dầu mọn nuốt cũng chẳng trôi mà danh nhơ thì muôn đời rửa cũng chẳng sạch.
    Trong chỗ quẫn bách, cái chết đã cận kè mà Lê Lợi và Lê Liễu vẫn giữ vững đức nhân, cẩn thận đắp mồ cho người đàn bà xấu số, việc ấy đáng kính lắm thay. Bậc đại nhân túc tự trí thường vẫn ung dung, thấy lối thông trong chỗ cùng, thấy đường sống ngay trong chỗ hiểm nguy chết chóc. Nếu không vậy thì làm sao mà Lê Liễu đủ bình tĩnh nắm cát vuốt máu ở đầu mũi giáo !
    Ban sắc phong cho thần áo trắng và cây đa ở bến Khả Lam, hẳn Hoàng đế Lê Lợi muốn tự nhắc nhở mình đừng quên thời hàn vi gian khổ và nhắc nhở dân Lam Sơn rằng đừng bao giờ quên đất ấy quả là địa linh.
    Đỗ Phú mang danh là người mà sau chẳng dám ngửa mặt nhìn người, đến cúi xuống cũng chẳng dám mở mắt, bởi thân xác ấy làm sao mà không khỏi hổ thẹn, cả với gốc cây đa, với con chồn trắng bên bến Khả Lam.

  7. #7
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    05 - LÊ LAI CỨU CHÚA

    Lê Lai là con của Lê Kiều, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang huyện Lương Giang (Thanh Hóa). Cùng với anh trai là Lê Lạn, Lê Lai đã sát cánh với Lê Lợi ngay trong những ngày trứng nước của phong trào Lam Sơn, và từng có mặt trong hội thề Lũng Nhai lịch sử. Gia đình Lê Lai có năm người cùng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đó là Lê Lạn, Lê Lai và ba con của Lê Lai là Lê Lư, Lê Lộ và Lê Lâm. Ngoại trừ Lê Lâm mất năm 1430 (trong trận đánh nhau với Ai Lao thời vua Lê Thái Tổ), bốn người còn lại đều anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Minh.
    Sách Đại Việt thông sử (trang 156 và 157) đã chép về Lê Lai như sau :
    "Lê Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hầu cận cho Vua Thái Tổ rất chu đáo, công lao rõ rệt. Mùa đông năm Bính Thân (1416), vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề, nguyện sống chết có nhau, ông cũng dự trong số đó, ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước quan Nội hầu. Năm Mậu Tuất (1418) lúc vua mới dựng cờ khởi nghĩa, tướng ít, quân thiếu, bị tướng nhà Minh vây đánh ở Mường Một, Vua chạy thoát, về đóng ở Trịnh Cao, nơi hẻo lánh, không dân ở, tướng Minh chia quân chặn những nơi hiểm yếu, tình thế rất cấp bách, nhà Vua hỏi các tướng : "Ai dám đổi áo thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta có thể giấu tiếng nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau". Các tướng đều không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai đứng dậy nói : "Tôi xin đi. Sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi". Nhà Vua rất thương cảm. Ông nói : "Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích, nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì". Nhà vua vái trời mà khấn rằng : "Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu các tướng tá công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn". Ông bèn dẫn hai con voi và 500 quân kéo thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Giặc dốc hết quân ra đánh, ông cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận, hô to lên rằng : "Chúa Lam Sơn chính là ta đây", rối đánh giết được rất nhiều quân giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt xử cực hình...". Vua cảm động vì lòng trung nghĩa của ông, trước hết sai người ngầm tìm di hài ông, đem về mai táng ở Lam Sơn. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong ông là công thần hạng nhất, tặng là "Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần" hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa. Tháng 12 năm sau, nhà Vua sai Nguyễn Trãi, viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để vào trong hòm vàng, lại gia phong cho ông hàm Thái úy. Năm Thái Hòa thứ nhất (1443), ban tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng (kim phù) tước Huyện thượng hầu. Đầu niên hiệu Hồng Đức (1470), tặng là Diên Phúc hầu, đến năm thứ 15 (1484), truy tặng là Thái úy Phúc Quốc công, về sau gia phong là Trung Túc Vương".

    Lời bàn :

    Vẫn biết lúc xông pha trận mạc, thật khó có thể bảo trọng tấm thân, nhưng đi vào chỗ mà cải chết chỉ còn cách mình trong gang tấc, cổ kim nào có được mấy người! Khí phách và lòng trung nghĩa của Lê Lai, khỏi bàn cũng đã quá rõ. Song, có lẽ cũng chớ nên quên rằng, chỉ có những người như Lê Lợi mới quy tụ được những người như Lê Lai, và cũng chỉ có những người như Lê Lai mới dám quả cảm hi sinh thay cho Lê Lợi. Vua ẩy, dũng tướng ấy, cuộc hội ngộ cảm động làm sao.
    Ai mà chẳng chết, khác nhau chăng cũng chỉ là, nếu được chọn, người ta nên chết như thế nào đó thôi. Lẫm liệt thay, Lê Lai !

  8. #8
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    06 - CẦM BÀNH BỊ MẮC MƯU

    Ngày 10 tháng 4 năm Quý Mão (1423), thực hiện chủ trương tạm thời hòa hoãn với quân Minh để tạo cơ hội củng cố và phát triển lực lượng, Lê Lợi và tướng sĩ trở về Lam Sơn. Tướng giặc là Trần Trí và Sơn Thọ thỉnh thoảng vẫn sai người đem quà đến tặng Lê Lợi để nhân thể dò la tình hình, ngược lại, cũng đã có lần Lê Lợi sai Lê Trăn mang phẩm vật đến doanh trại giặc đáp lễ. Nhưng, bọn Trần Trí ngờ Lê Lợi chỉ vờ giao hảo nên bắt giữ Lê Trăn.
    Đến tháng 9 năm Giáp Thìn (1424), giai đoạn tạm thời hòa hoãn giữa hai bên đã chấm dứt. Thực hiện kế hoạch chiến lược của Nguyễn Chích, quân Lam Sơn ồ ạt đánh vào Nghệ An. Tháng 11 năm đó, quân Lam Sơn vây chặt lực lượng giặc ở châu Trà Long do Cầm Bành chỉ huy.
    Bị bao vây bốn mặt, Cầm Bành chỉ còn biết trông cậy ở viện binh của Sơn Thọ ở Nghệ An. Nhưng, bọn Sơn Thọ sau mấy trận thất bại đã mất hết dũng khí. Chúng sai người đưa Lê Trăn trả cho Lê Lợi, đồng thời có ý cầu hoà. Sách Đại Việt thông sử(trang 43-44) chép rằng :
    "Sau khi tiếp sứ giả, Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) triệu các tướng bàn rằng : "Hiện Cầm Bành bị vây khốn đốn, lẽ ra bọn tên Chính (tức Phương Chính - NKT) phải cấp cứu ngay mới phải, thế mà đến nay vẫn dùng dằng quanh co. Đó tất là nó có ý sợ. Chi bằng ta hãy cứ vờ bằng lòng hòa để xem tình thế. Trong khi thư từ qua lại độ một tháng, thì ta đã bắt được Cầm Bành rồi".
    Bàn xong, cho viết bức thư, để lên trên một cái bè, thả cho xuôi dòng, trong thư nói : "Chúng tôi muốn trở về Thanh Hoa, nhưng sợ bị Cầm Bành ngăn chặn. Vậy ông cho người tới hòa giải để thông lối về, rất mong". Chính nhận thư, tin là thực, bèn sai Trần Đức Nhị đưa thư đến Cầm Bành bảo nên hòa giải. Cầm Bành được thư, biết là viện binh không đến, bèn mở cửa thành ra hàng".

    Lời bàn :

    Cầm Bành ra hàng, biết bị mắc mưu nên tìm cách bỏ trốn, bị Lê Lợi bắt giết. Chuyện này, mãi sau Sơn Thọ mới hay.
    Hóa ra, người cầm quân giỏi đôi khi cũng có nét phảng phất giống người thầy thuốc có tài. Thầy thuốc bắt mạch mà đoán ra bệnh để cắt thuốc, người cầm quân coi ý tứ mà biết thực lực của đối phương. Xét việc Sơn Thọ trả Lê Trăn, lại xét lời lẽ sứ giả có ý muốn giảng hòa, Lê Lợi đã hạ lệnh bao vây Cầm Bành đến cùng, đồng thời, cậy nước sông chuyển thư, cố ý làm cho cuộc trao đổi đôi bên phải kéo dài, buộc Cầm Bành kiệt sức.
    Kể ra, Sơn Thọ cũng là tướng có tài, chỉ tiếc là chưa tài bằng Lê Lợi thôi. Lấy một châu mà không tốn tên đạn, tướng lão luyện mà làm được như Lê Lợi, xưa nay nào đã có mấy ai ?

  9. #9
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    07 - TRẬN BỒ ẢI

    Cuối tháng chạp năm Giáp Thìn (1424), sau trận Trà Long, giặc phải cố thủ trong thành Nghệ An, tình thế rất bi đát. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, viện binh của chúng lại kéo tới, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía quân Minh. Lê Lợi nói với các tướng rằng :
    - Thiện chiến giả, trí nhân nhi bất trí ư nhân (nghĩa là bậc giỏi cầm quân thường buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của mình chứ không dại mà đánh theo cách đánh của đối phương).
    Nói xong, cho các tướng đem quân đi chiếm lĩnh hết các vị trí hiểm yếu ở huyện Đỗ Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay). Quả nhiên, chỉ độ vài ba ngày sau là giặc cũng tiến xuống phía nam Nghệ An. Sách Đại Việt thông sử (trang 45-46) chép rằng :
    " Vua đóng ở phía trên dòng nước, ban ngày dựng cờ và thúc trống ầm ầm, ban đêm thì đốt đèn đuốc sáng trưng trong trại rồi ngầm sai đem voi và quân qua sông phục nơi hiểm yếu. Trời sắp sáng, địch dẫn quân đánh vào trại ta, Vua vờ thua lui chạy dẫn địch vào chỗ phục binh, bốn mặt phục binh đều trỗi dậy đánh phá, có hàng vạn quân địch bị giết và chết đuối. Thua trận này, chúng bèn lập trại tựa vào thế núi để đóng quân, không chịu ra giao chiến nữa.
    Lúc này, bên địch lương thực dồi dào, mà bên ta, lương chưa đủ để quân sĩ dùng trong mười ngày, Vua bảo các tướng rằng :
    "Giặc cậy nhiều lương, nên cứ cố thủ trong trại, không chịu ra đánh. Đó là chúng định làm kế lâu dài. Ta ít lương thực, không có thể cầm cự lâu dài với chúng được". Bèn sai tự đốt hết các doanh trại, vờ như bỏ trốn, rồi đi ngầm ra lối tất. Quân địch thấy vậy rất mừng, liền tiến quân đóng vào doanh trại của ta, và đắp thêm đồn lũy trên núi.
    Ngày hôm sau, Vua chọn quân tinh nhuệ mai phục ở Bồ Ải, rồi sai đội khinh kị đến khiêu chiến. Địch không hay biết, liền dẫn quân ra ứng chiến, đến Bồ Ải, trúng phải ổ phục binh, quân phục binh liền trỗi dậy, các viên dũng tướng : Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Đinh Lễ, Lê Xí, Lê Đạp, Lê Triện, Lê Bôi, Lê Nhân Chú, Lê Chiến, Lê Tông Kiếu và Lê Khôi, đều đua nhau xông lên hãm trận, đánh phá quân địch, chém đầu giặc nhiều vô kể, thây lấp đầy sông, khí giới đầy đường, thuyền bè chặn ngang dòng nước. Bắt sống Đô ti là Chu Kiệt, chém tướng tiền phong là Hoàng Thành, bắt sống hàng ngàn quân địch. Trần Trí và Sơn Thọ chạy về Nghệ An, cố thủ ở trong thành".

    Lời bàn :

    Đánh vào Nghệ An là đánh vào chỗ yếu nhất của địch. Mưu hiểm là đấy. Cô lập Cầm Bành để tiêu diệt từng bộ phận của đối phương, ấy là đánh theo lối tằm ăn dâu. Kế thâm sâu là đấy. Khéo bày trận phục binh, dồn quân Minh vào thế liên tiếp bị bất ngờ, khiến trở tay không kịp, ấy là phép dùng thế mạnh để bù vào chỗ lực non, giành chiến thắng ngay trong chỗ ngỡ như bị bại. Phương vạn toàn là đấy. Lê Lợi thường hay dẫn lời binh pháp xưa, người đương thời đâu có ngờ chính bản thân Lê Lợi cũng là một pho binh pháp sống động và nhiệm màu.
    Từ đây, quân Minh vẫn cố thủ trong thành Nghệ An mà đất Nghệ An thì kể như đã mất hẳn về tay Lam Sơn rồi. Thế chẻ tre của Lam Sơn bắt đầu hình thành từ đây chăng ?

  10. #10
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    08 - QUÂN PHÁP CỦA LAM SƠN

    Đầu mùa xuân năm Ất Tị (1425), sau chiến thắng Bồ Ải, Lam Sơn lần lượt giải phóng hết các huyện của Nghệ An. Khi tiến đến đất Thanh Chương ngày nay, Lam Sơn được nhân dân vùng này nô nức đem rượu thịt ra đón mừng. Họ nói :
    - Không ngờ ngày nay chúng ta lại được trông thấy uy nghi nước nhà !
    Lê Lợi rất lấy làm cảm kích, nhưng cũng chính lúc đó, Lê Lợi đã lập tức ban bố những quy định rất nghiêm ngặt. Sách Đại Việt thông sử (trang 46) chép :
    “Vua hạ lệnh rằng :
    “Nhân dân ta lâu nay đã khốn khổ vì chính trị bạo ngược của quân Minh ? Vậy, quân sĩ đến châu huyện nào cũng không được xâm phạm của dân một mảy may. Nếu không phải là trâu bò thóc gạo của ngụy quan, thì dù có đói lắm cũng không được lấy".
    Lúc ấy, quân sĩ có người ba ngày chưa được một bữa ăn mà không ai dám phạm lệnh trên ! Về phần nhân dân, thì ai cũng đem trâu bò thóc gạo của người Minh đã tích trữ ra để tiếp tế cho quân ta".
    Suốt cuộc trường chinh, quân pháp của Lam Sơn bao giờ cũng được giữ rất nghiêm. Sách Đại Việt thông sử (trang 56) còn chép việc Lam Sơn xử tử Lê Lai (trong phong trào Lam Sơn có đến mấy nhân vật Lê Lai khác nhau - NKT), Lý Vân và Bùi Vĩnh vào năm 1427 (năm cuối của phong trào Lam Sơn) như sau :
    "Viên Tư mã là Lê Lai cậy có chiến công, thường thốt ra những lời khinh nhờn. Vua sai xử tử và tịch thu gia sản. Viên Thiên hộ là Lý Vân và kẻ tòng phạm là Bùi Vĩnh vì chở trộm muối vào thành Chí Linh, Vua cũng sai giết cả, và đều tịch thu gia sản.
    Ra lệnh kiểm điểm khí giới của binh sĩ, kẻ nào thiếu, sẽ trị theo quân luật".

    Lời bàn :

    Thói thường, vui quá dễ say, say sưa quá dễ mất hất cả tỉnh táo, và thế là mắc sai lầm trong chỗ không ngờ đó thôi. Lam Sơn chiến thắng mấy trận lớn liền, vậy mà vẫn không bị say bởi hơi men của chiến thắng, lại còn tỉnh táo lo nghĩ đến nỗi khổ chất chứa nhiều năm của dân, đội quân ấy mà được lòng dân cũng là phải lắm.
    Thà chết đói chứ không tơ hào của dân, cái đức của đội quân nhân nghĩa ấy thật đã tỏa sáng đến muôn đời vậy. Không có cái đức sáng ấy, dù võ nghệ họ có cao cường bao nhiêu, dù vũ khí của họ có lợi hại đến bao nhiêu, thì tất cả họ chỉ là một đội quân ô hợp, bại vong là lẽ tất nhiên.
    Tiếc thay, người lính vô danh thì nghiêm giữ quân pháp, còn làm đến chức Tư mã như Lê Lai, đến Thiên hộ như Lý Vân và Bùi Vĩnh thì ngông nghênh và thủ lợi. Họ đã tự giết chết cái đức của họ, lưỡi gươm của phép nước chỉ giết nốt cái xác phàm xấu xa của họ mà thôi.
    Mới hay, nếu tạo hóa chẳng chút công bằng khi phân phát trí tuệ và vinh hoa cho thiên hạ, thì lại bất công bằng khi phân phát đức độ cho mọi lớp người. Đừng tưởng lính là kém đức hơn quan.

+ Trả lời chủ đề
Trang 1/7 1 2 3 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình