+ Trả lời chủ đề
Trang 2/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 65

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    09 - SỐ PHẬN CỦA TRẦN PHONG VÀ LƯƠNG NHỮ HỐT

    Trần Phong người xã Ma Lộng, huyện Chí Linh (nay thuộc Hải Dương), sinh năm nào không rõ. Khi quân Minh xâm lược nước ta, Trần Phong đem toàn bộ gia thuộc đầu hàng giặc, được giặc cho làm chức Chỉ huy đồng tri, sau thăng đến chức Đô chỉ huy thiêm sự. Trần Phong là một tên Việt gian tàn ác, đã giết hại không biết bao nhiêu người yêu nước đương thời.
    Lương Nhữ Hốt người xã Trác Vĩnh, huyện Cổ Đằng (nay thuộc Thanh Hóa), cũng không rõ là sinh năm nào. Khi quân Minh vào xâm lược nước ta, Lương Nhữ Hốt đầu hàng, được chúng cho làm chức Tri phủ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay). Lương Nhữ Hốt từng đem gia quyến sang Yên Kinh (Trung Quốc) để tình nguyện giúp việc xây dựng cưng điện cho quân Minh, nhưng rồi vua Minh cho về. Sau, Lương Nhữ Hốt được quân Minh cho chỉ huy đồn Đa Căng, và tại đây, suýt nữa thì Lương Nhữ Hốt đã bị Lam Sơn tiêu diệt.
    Năm 1427, quân đội Lam Sơn khép chặt vòng vây ở Đông Quan. Lương Nhữ Hốt và Trần Phong cũng đều có mặt trong thành Đông Quan này. Tổng chỉ huy quân giặc trong thành Đông Quan là Vương Thông rất lo sợ, đã có ý đầu hàng, nhưng ý định đó bị bọn Trần Phong và Lương Nhữ Hốt ngăn cản. Sách Đại Việt thông sử (trang 223-224) chép rằng :
    "Khi quân Nhà vua vây thành Đông Quan, quân Minh bị nguy khốn, đưa thư xin hòa, muốn được bảo toàn quân số trở về nước. Nhà vua bằng lòng cho, đã có lời đoan ước đầy đủ, nhưng bọn Trần Phong và Nhữ Hốt xúi bẩy Vương Thông rằng : Trước đây quân của Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, đem toàn quân quy hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho. Nhưng lại dùng kế lấy thuyền to chở quân cho về, rồi sai người bơi giỏi sung vào làm phu chở thuyền. Ra tới ngoài biển, đang đêm, rình lúc quân Ô Mã Nhi ngủ say, lặn xuống đục đáy thuyền, làm cho những người đã quy hàng đều bị chết đuối, không một ai sống sót trở về được.". Bọn Thông tin lời ấy, lại sinh lòng khác, đóng chặt cửa thành không ra. Đến khi Vương Thông cùng kế, buộc phải xin hòa, dẫn quân về nước, bọn Trần Phong mới chịu ra hàng. Nhà vua đã tha tội cho, nhưng bọn Phong vẫn chưa chịu yên, lại kết bè đảng với nhau, sai người đi tắt sang đưa thư cho tướng nhà Minh ở biên giới, yêu cầu quân Minh gây sự, còn bọn Phong bí mật làm nội ứng. Thư ấy bị viên Thượng tướng quân ở trấn Thái Nguyên là Hoàng Nguyên Ý bắt được. Nhà vua muốn cho yên lòng dân mới quy phụ, bèn giết kẻ đưa thư ấy mà giấu kín việc này đi. Tháng 8 năm thứ nhất (tức là năm 1428 - NKT) lại có người trong đảng y đến cáo giác, Nhà vua mới bắt Trần Phong giết đi và ban chiếu bảo cho trong ngoài rằng chỉ giết kẻ cầm đầu, những người còn lại thì không hỏi đến".
    Cũng sách nói trên (trang 225) còn cho biết thêm là trong số bọn đầu sỏ cùng mưu với Trần Phong, có cả Lương Nhữ Hốt.

    Lời bàn :

    Giặc vừa sang đã hàng, đó là nhát. Cam phận làm tay sai cho giặc để hại dân, đó là phản. Kẻ nhát và phản, có bao giờ từ một việc làm hèn mạt nào đâu. Cho nên, Trần Phong và Lương Nhữ Hốt gồm đủ mọi tội lỗi đáng khinh, chuyện ấy chẳng có gì là lạ cả. Thường ở đời, hễ có anh hùng, tất sẽ có tiểu nhân, có chính nghĩa, tất sẽ có gian tà, có cao thượng tất sẽ có thấp hèn, sáng tối đặt bên nhau, cứ như là sự trớ trêu của con tạo vậy. Nhưng, sống một đời mà nhục đến muôn đời như Trần Phong và Lương Nhữ Hốt, thử hỏi có đáng sống không ?

  2. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    10 - CÁI CHẾT CỦA ĐỖ DUY TRUNG

    Vùng Cẩm Khê, Sơn Tây cũ, nay thuộc về Phú Thọ. Đất ấy có xã mang tên chữ là Ký Chế, tên nồm là Cấy Chấy. Cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV, ở Cấy Chấy có người tên là Đỗ Duy Trung. Đỗ Duy Trung vốn là cựu thần của nhà Trần. Năm 1400, họ Hồ cướp ngôi họ Trần, Đỗ Duy Trung lấy đó làm điếu căm tức. Thế rồi khi quân Minh xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến chống Minh do nhà Hồ lãnh đạo nhanh chóng bị thất bại, Đỗ Duy Trung lập tức đầu hàng và cam phận làm tay sai cho quân Minh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 46) có đoạn chép về Đỗ Duy Trung như sau :
    "Trước đây, bọn tên Huân đầu hàng nhà Minh, được (tướng giặc) là Trương Phụ xuống trát, cho Huân chức Tham nghị, Nhữ Hốt làm Tri châu Thanh Hóa, còn Duy Trung thì cho giữ chức Tri phủ Tam Giang. Đến đây (mùa xuân năm Bính Thân, 1416 - ND) bọn này mang vàng bạc cùng các thứ sản vật địa phương, đi đến tận Yên Kinh (kinh đô của nhà Minh - ND), xin vào bái yết. Vua nhà Minh khen ngợi, liền sai đổi trát của Trương Phụ cấp cho chúng trước kia bằng sắc phong chính thức của triều đình, lấy giấy vàng của bộ Lại để viết sắc phong ấy. Cả bọn đều được thăng chức. Vua Minh nhân đó dụ bảo chúng rằng :
    - Trước đây, khi bình định được Giao Chỉ (chỉ nước ta - ND) chúng bay đã dốc lòng thành mà theo việc nghĩa, đến xin quy phụ với thiên triều, nay lại đến cửa khuyết để xin vào bái yết, trẫm cảm lòng thành ấy mà đặc ân ban khen cho. Chúng bay cần phải cố gắng trưng thành và mẫn cán hơn nữa, một lòng kính giữ tiết tháo của kẻ làm tôi, với dân thì phải biết vỗ về, sao cho muôn phương được an nghiệp để cùng hưởng thái bình, như thế thì đấng cao xanh sẽ phù hộ cho chúng bay được hưởng tước lộc, để lại cho con cháu mãi mãi cũng chẳng hết.
    Sau, bọn tên Huân lại sai người sang Yên Kinh để tự nguyện giúp xây cung điện, vua nhà Minh thấy chúng đi xa khó nhọc, khổ sở trăm bề, nên sai cho ban thưởng rồi trả về".
    Nhận xét về hành vi của bọn Đỗ Duy Trung, các sử gia thời Nguyễn, tác giả của bộ sách nói trên, đã có lời phê rất nghiêm khắc như sau : "Mất hết lương tâm, nay, một lũ người ở Nam Kì cũng giống như thế" (tờ 45). Sách Đại Việt thông sử (trang 226) cho biết thêm :
    "Khi vua Thái Tổ bình định thiên hạ, Duy Trung cùng kế mới chịu hàng, y lại cùng bọn Trần Phong, Nhữ Hốt mưu phản, liền bị giết ngay".

    Lời bàn :

    Chống nhà Hồ là việc riêng của Đỗ Duy Trung, nhưng phản quốc rồi làm tay sai cho giặc là tội không thể tha thứ được. Sử thần thời Nguyễn ví Đỗ Duy Trung với “một lũ người ở Nam Kì” (ý chỉ bọn Tôn Thọ Tường) thì thật là chưa thấy hết tính chất đầy nguy hiểm của những hành vi mà Đỗ Duy Trung và đồng bọn đã làm vậy.
    Lê Lợi làm nên cuộc đại định, lại còn mở lượng hải hà mà bao dung, cơ may cho một cuộc đổi đời của chúng đã đến, vậy mà rồi chứng nào vẫn tật ấy, bị giết là phải lắm.
    Phàm ở đời, làu thông thiên kinh vạn quyển mà quên hai chữ ái quốc thì chưa thể gọi là bậc trí giả. Quên hai chữ này thì không phải là lỗi mà thực là tội. Đã được nhắc cho nhớ mà lại không thèm nhớ thì đúng là đại tội. Lê Lợi trị bằng lưỡi gươm chưa đủ, cho nên miệng thế đời đời mới góp lời để trừng trị đó thôi. Lưu danh sử sách kiểu Đỗ Duy Trung và đồng bọn, nhục nhã lắm thay !

  3. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    11 - BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG CỦA TỔNG BINH THÀNH SƠN HẦU VƯƠNG THÔNG

    Mùa đông năm Bính Ngọ (1426), quân Minh trên đất nước ta lâm vào tình thế rất khốn quẫn. Để cứu nguy, tháng 10 năm đó, vua Minh liền sai Thành sơn hầu là Vương Thông làm Tổng binh, cùng với bọn Tham tướng Mã Anh, đem năm vạn quân và năm ngàn con ngựa, tiến thẳng sang Thăng Long. Nhưng, vừa sang đến nơi, Vương Thông đã bị thất bại thảm hại trong trận Tốt Động - Chúc Động. Vương Thông bị trọng thương, sau đó, cố thủ trong thành Thăng Long và kêu cứu thảm thiết. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 25 a-b) chép rằng :
    "Vua (chỉ Lê Lợi – ND) thân đốc suất tướng sĩ vây đánh thành Đông Quan (tức thành Thăng Long - ND) suốt cả ngày đêm. Bọn tướng nhà Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận đó, lấy làm lo sợ lắm. Thấy hết cả mưu hay chước lạ, viện binh thì không đến, chúng bèn cho người mang thư tới xin hòa, mong được an toàn về nước. Vua nói :
    - Lời ấy đúng với ý ta. Vả chăng, binh pháp nói là không đánh mà khuất phục được đối thủ mới là kế hay nhất.
    (Nói rồi), bèn bằng lòng cho giảng hòa, lại hẹn ngày cho gọi quân sĩ ở khắp các thành tề tựu để kịp trở về một lúc. Vua sai bề tôi bàn với quân Minh, cho chúng được phép đi lại, mua bán như dân thường.
    Bấy giờ, bọn ngụy quan là Đô ti Trần Phong, Tham chính Lương Nhữ Hốt, Đô chỉ huy Trần An Vinh… đã can tội bán nước làm tay sai cho giặc, sợ rằng sau khi quân Minh rút về, chúng sẽ không còn sống sót, nên cố ngấm ngầm làm kế phá hoại. Chúng nói với quân Minh rằng :
    - Trước kia, Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, phải đem quân về hàng. Hưng Đạo Vương cũng cho hàng, nhưng lập mưu dùng thuyền lớn chở họ về nước, xong, lấy người giỏi bơi lặn làm phu chèo thuyền. Thuyền ra đến ngoài biển, nhân lúc mọi người ngủ say, đang đêm, bọn phu thuyền lặn xuống, đục thủng đáy thuyền, làm cho những người đầu hàng đều bị chết đuối cả, không một ai sống sót trở về.
    Bọn Vương Thông tin lời ấy, bèn ngờ vực mà nảy ý khác, sai quân đắp thêm thành lũy, đào hào và thả chông để tính kế chống đỡ, ngoài mặt nói hòa hiếu nhưng bên trong thì toan đánh lại. Chúng bí mật sai người mang thư bọc sáp, theo lối tất mà về nước để xin viện binh. Vua bắt được người đưa thư, ghét chúng nuôi lòng tráo trở, liền bí mật mai phục khắp bốn phía thành Đông Quan, đón bọn giặc do thám, bắt được hơn ba ngàn tên và hơn năm ngàn con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành, không dám ra ngoài, sứ giả hai bên qua lại cũng dứt".

    Lời bàn :

    Từ khi được cử làm Tổng binh đi đàn áp lực lượng Lam Sơn. Vương Thông mắc ba lần đại nhục. Lần thứ nhất là lần bị thảm bại ở Tốt Động - Chúc Động, thân bị trọng thương, quân bị vây chặt trong thành Đông Quan, tiến không được, thoái cũng không xong, bi đát không thể tưởng tượng được. Lần thứ hai là lần này, trong thì trí quẫn lực kiệt, ngoài thì bọn ngụy quan vì quá lo cho số mạng của bản thân mà xúi đông giục tây, kế cùng đâm ra phản trắc, hao binh tổn tướng mà chẳng thu được lợi lộc gì, thê thảm lại càng thêm thê thảm. Lần thứ ba là lần phải cúi đầu kí vào văn kiện đầu hàng không điều kiện và cút khỏi nước ta. Ba lần ấy đủ để thiêu hủy toàn bộ uy danh của tướng quân thiên triều.
    Vương Thông và các tướng phụ tá cùng bọn ngụy quan quá bất tài chăng ? Cứ như sử Trung Quốc chép mà xét thì chính Vương Thông là tướng tài trong số những tướng tài chứ chẳng phải là thường. Có chăng thì chỉ là ở chỗ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn tài hơn. Vả chăng, đã là đội quân bất nghĩa thì làm gì có diệu kế để tự cứu mình.

  4. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    12 - BỐN SẮC LỆNH CỦA LÊ LỢI BAN RA Ở DINH BỒ ĐỀ ĐẦU NĂM 1427

    Sau trận đại thắng ở Tốt Động-Chúc Động, bộ chỉ huy tối cao của Lam Sơn đã có mặt ở ngoại ô thành Đông Quan, chuẩn bị đánh trận quyết định cuối cùng với quân Minh xâm lược. Bấy giờ tình hình chuyển biến rất nhanh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng các tướng không lúc nào được nghỉ ngơi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 27-a) chép :
    “Lúc ấy, Vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, ngay trên bờ sông Lô. Thuở đó, trong dinh có hai cây bồ đề nên người ta mới nhân đó mà gọi là dinh Bồ Đề. Lầu cao bằng tháp Báo Thiên. Ngày ngày, Vua thân leo lên tầng cao nhất để quan sát mọi hành vi của giặc (trong thành Đông Quan), cho (Nguyễn) Trãi ngồi ở lầu thứ hai, (sẵn sàng) nhận mệnh để thảo thư từ qua lại (với quân Minh)".
    Từ đại bản doanh Bồ Đề, một loạt các sắc lệnh đã được ban ra. Đây xin được bàn riêng về bốn sắc lệnh đặc biệt, xuất hiện vào mùa xuân năm Đinh Mùi (1427).
    Loại thứ nhất là sắc lệnh về tìm nhân tài : "Hạ lệnh cho các tướng hiệu, các quan cấp lộ, phải tìm kiếm những người có tài lược trí dũng, có thể làm được các chức như Tư mã hoặc là Thượng tướng, mỗi viên tiến cử lấy một người" (tờ 26-b).
    Loại thứ hai là chăm sóc đền miếu : "Hạ lệnh cho các nơi thờ cúng đền miếu các công thần" (tờ 26-b).
    Loại thứ ba là khai báo con em theo giặc : "Hạ lệnh cho người trong nước, ai có cha mẹ, vợ con, anh em, tôi tớ hoặc thân thích đang theo giặc ở trong thành, phải tự nguyện lên mặt thành để khai báo, chờ khi phá được thành sẽ cho nhận lãnh về nhà. Ai không tự khai báo trước mà sau lại tự tranh nhau nhận về đoàn tụ thì sẽ bị xử theo quân luật" (tờ 27-a).
    Loại thứ tư là định lệ khen thưởng cho người có công : "Hạ lệnh ban thưởng cho các tướng hiệu, khởi đầu từ việc lập công mới. Từ đại thần đến chức Thiếu úy, nếu có công lao lớn, được ân thưởng phù vàng thì sẽ được ăn lộc một quận. Các chức cấp lệnh mà có công thì được ăn lộc một ấp. Các đốc tướng và quân nhân có công cũng được ăn lộc một quận hay một ấp, tùy thứ bậc khác nhau. Người nào không có công, không được thưởng gì thì giáng làm dân thường" (tờ 28-b).

    Lời bàn :

    Trong muôn việc khó của đời, tìm người tài giỏi phải kể là một việc khó vào hàng bậc nhất. Người tài giỏi vốn dĩ đã ít ỏi, mà người có thực tâm biết kính nhường, biết trọng dụng kẻ có tài lại càng ít ỏi hơn. Lê Lợi không nói lời cầu hiền chung chung mà là hạ lệnh cho thuộc hạ tìm người tài giỏi để tiến cử, ấy là một việc được hai điều lợi.
    Lợi thứ nhất là khiến cho ai cũng phải dốc lòng tìm người tài, và phong trào thực sự ấy sẽ làm cho kẻ công thần bớt công thần, bớt cho mình là nhất.
    Lợi thứ hai là Lam Sơn có thêm người tài, sự nghiệp lớn nhờ đó mới có thể thành công được. Lê Lợi dám hạ lệnh tìm người tài vì Lê Lợi cũng thực sự là người có tài. Phàm là kẻ bất tài, chẳng bao giờ đủ sức, đủ uy tín để tìm người tài cả.
    Cũng ở đời, kẻ có công mà không có đức, thường muốn thiên hạ tôn kính minh hơn là mình phải tôn kính người này, người nọ của thiên hạ. Với sắc lệnh thứ hai, Lê Lợi vừa tỏ được cái đức khiêm nhượng của mình, vừa tỏ được ý định nối chí người xưa là một lòng kính trọng người có công với nước, lại vừa khôn khéo nhắc nhở tướng sĩ dưới quyền phải nghiêm cẩn giữ lễ, không được làm điều càn quấy ở chốn tôn nghiêm.
    Hạ lệnh cho những gia đình có con em theo giặc phải đi khai báo trước, đó là phép mở lối dễ đi nhất cho những ai không biết tự mình tìm lối chân chính mà đi, sự độ lượng của Lê Lợi bao la biết ngần nào. Nhưng, cái chính ở đây không phải là sự độ lượng mà là khéo léo đặt ra những yêu cầu vừa mức, khiến cho ai ai cũng có thể thực hiện được. Quân Minh dần dần bị cô lập, bảo không thất bại thảm hại làm sao được ?
    Lệnh định phép khen thưởng của Lê Lợi quả là thật đặc biệt. Thưởng người có công, trị người có tội là phép thường, cổ kim đều có cả. Nhưng có chức cao tước lớn rồi mà chỉ liệu kế giữ thân để hưởng phúc ấm lâu dài, không lo lập công nữa, cũng bị coi là có tội, bị giáng làm thường dân... thì sử sách chưa hề thấy chép như thế bao giờ. Những kẻ cơ hội và sớm có tư tưởng tự mãn, ắt phải lấy đó làm mối lo hàng đầu.
    Mới hay, cuộc đại định là phép cộng liên tục của những sắc lệnh ngỡ như rất bình thường này.

  5. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    13 – LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA LƯU THANH

    Lưu Thanh là một trong những viên tướng của nhà Minh, từng nhiều phen đem quân đi đàn áp Lê Lợi.
    Năm 1427, Lưu Thanh là chỉ huy đồn Tam Giang. Giữa năm 1427, có một sự kiện khá độc đáo, gắn liền với nhân vật Lưu Thanh, đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 29-b) chép lại như sau :
    "Tháng 6, bọn Chỉ huy sứ (của quân Minh) là Lưu Thanh đóng ở đồn Tam Giang ra hàng. Nguyên trước kia, bọn lính Tam Giang từng vào Thanh Hóa (để đánh Lam Sơn) theo lệnh điều động của quan Tổng binh. Bại trận trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn Nhà vua (tức Lê Lợi). Lưu Thanh liền mắng :
    - Thằng man di vô lễ. Ông ấy (chỉ Lê Lợi - ND) sẽ là Hoàng đế của chúng mày đấy.
    Đến đây thì (Lưu Thanh đem binh sĩ thành Tam Giang) ra hàng.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Vua nổi dậy, nghĩa binh đi tới đâu là quân Minh thua chạy đến đấy, nhưng đó có phải là vì quân ta đông mà quân giặc ít đâu ? Đó cũng có phải là vì quân ta mạnh mà quân địch yếu đâu ? Tất cả chỉ là vì đức của Vua hiệp với lẽ của trời, trời giúp Vua, Vua lại làm đẹp lòng người nên người theo về đó thôi. Bấy giờ, không những chỉ có người nước ta vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính, cho nên, chúng không còn ý chí chiến đấu, cùng nhau ra hàng là phải lắm. Thế thì việc dấy quân nhân nghĩa của Vua nào có kém gì công trạng rực rỡ của Thang, Võ trước kia ? Việc làm này của tướng Lưu Thanh càng tỏ rõ uy đức của Vua lớn lắm. Còn như cái điềm được nước, đâu phải là từ lời sấm vĩ kia ?"

    Lời bàn :

    Lẽ được thua của Lê Lợi, sử thần Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn. Góp lời thô thiển với Ngô Sĩ Liên là vô lễ với bậc đại trí. Tuy nhiên, để hiểu thêm lời bàn của Ngô Sĩ Liên, có lẽ cũng phải cần ghi thêm một chú thích nhỏ : Thang, Võ tức vua Thang và vua Võ. Thang là Thành Thang, người đã diệt vua Kiệt tàn bạo của nhà Hạ mà lập ra nhà Thương (còn gọi là nhà Ân) của Trung Qu6c. Võ là Võ Vương, người đã diệt vua Trụ cũng rất tàn bạo của nhà Thương mà lập ra nhà Chu. Thang và Võ là hai vị vua cổ đại của Trung Quốc, rất được Nho gia tôn kính.
    Uy đức của Lê Lợi to lớn và mạnh mẽ thay !

  6. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    14 - ĐINH LỄ VÀ NGUYỄN XÍ VỚI CÁI GIÁ CỦA MỘT BÀI HỌC

    Đinh Lễ người Lam Sơn (Thanh Hóa), sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất vào năm 1427. Ông là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, tham gia phong trào Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, là người chỉ huy trận tấn công vào Diễn Châu và vào Thanh Hóa, là một trong những vị tướng có vai trò rất quan trọng trong trận quyết chiến Tốt Động-Chúc Động. Bởi có nhiều công lao lớn, ông được đổi gọi là họ Lê, sử cũ vì thế mà thường chép là Lê Lễ.
    Nguyễn Xí (1397-1465) người đất Thượng Xá, Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm lên 9 tuổi, Nguyễn Xí mồ côi cha, được người anh đem ra Thanh Hóa rồi được Lê Lợi nuôi trong nhà. Năm 1418, ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, mau chóng trở thành một trong những vị tướng có tài. Cùng với nhiều người khác, ông cũng được đổi họ thành họ Lê.
    Trải mười năm chinh chiến, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đánh đâu thắng đó nên càng về sau càng hay khinh địch. Vì lẽ này, hai ông đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự chủ quan của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 30a-b) chép :
    “Trước đó, ngày mồng 8 (tháng 6-1427 - ND), Tư không là Lê Lễ cùng Thượng tướng là Lê Xí đánh nhau với quân Minh ở My Động (nay là xã Hoàng Mai, ngoại thành Hà Nội - ND). Lễ tử trận. Hôm ấy, Vương Thông cho quân tinh nhuệ từ trong thành (Đông Quan) ra đánh Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn cố giữ thành để đánh trả. Vua vội sai Lê Lễ và Lê Xí đem hơn 500 quân Thiết Đột đến giúp, đuổi giặc tới My Động. Vương Thông thấy Lễ ít quân mới quay lại đánh ép vào. Lễ và Xí cưỡi voi, ra sức mà đánh nhưng rồi voi bị sa lầy nên cả hai bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết ngay, còn Xí thì nhân cơ hội đêm ấy mưa gió, dùng kế đánh lừa kẻ canh giữ mà chạy thoát được. Xí về ra mắt Vua ở dinh Bồ Đế, Vua thấy liền kêu to lên rằng : " Ngươi sống lại đấy ư?”.
    Trước kia, mỗi lần xuất quân, Vua. thường răn Lễ chớ nên khinh địch. Đến khi thắng trận Tốt Động, ai cũng khen Lễ giỏi, Vua nói :
    - Trăm trận mà thắng cả trăm chưa hẳn đã là điều hay. Hắn cứ cậy có lính giỏi, quen say men thắng trận thua đau biết đâu còn chờ. Đến đây thì lời ấy quả là đúng.
    Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Khuất Hà (tướng của Lỗ Hoàn Công, Trung Quốc thời Chu, nổi tiếng là giỏi, sau vì chủ quan mà thua đau, phải tự tử - ND) quen thói thắng lớn ở Bồ Tao mà đến nỗi bị đại bại. Nhưng, Khuất Hà là tướng cầm quân đi đánh nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập. Lê Lễ cũng quen thôi thắng trận ở Tốt Động mà rồi bị thua đau, nhưng Lê Lễ cầm quân khảng khái phục thù, có đại nghĩa. Tuy xem ra, hai người đều thất bại có vẻ như nhau mà ý nghĩa thì thực lại rất khác biệt. Tướng giỏi thời bấy giờ, đứng hàng đầu ắt phải kể đến Lễ và Triện".

    Lời bàn :

    Chỉ vì không nghiêm cẩn nghe lời dặn dò của Bình Định Vương Lê Lợi mà hai vị tướng tài đều bị bắt, một người bi giết, một người thoát được, nhưng hao tổn binh lực cũng chẳng phải là ít. Mới hay, thắng được sự kiêu căng của chính mình còn khổ hơn cả thắng kẻ thù thiện chiến và mưu lược.
    Ngô Sĩ Liên khen Lê Lễ, xếp ông và Lý Triện vào hàng những tướng giỏi nhất, ắt chỉ vì kính trọng tiết tháo của hai người đó thôi. Cái chết của Lê Lễ đâu phải chỉ đơn giản là sự thiệt hại một sinh mạng ? Nếu các tướng lĩnh đều hành động như ông thì sự nghiệp của Lam Sơn làm sao hoàn thành ? Hóa ra, đánh trận cũng như đánh cờ, nhường một bước chưa hẳn phải thua, điều cốt lõi là phải bảo toàn được tướng để sau cùng, đánh những nước quyết định mà giành phần thắng về mình. Lê Xí may thoát được để còn ngẫm nghĩ về những lời khuyên của Lê Lợi, chớ Lê Lễ thì chẳng còn cơ may nào để kịp nhận ra sai lầm của mình. Tiếc thay !

  7. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    15 – HỘI THỀ ĐÔNG QUAN

    Sau khi toàn bộ lực lượng viện binh đều bị tiêu diệt và mọi cố gắng nhằm xoay chuyển tình hình cũng đều bị thất bại, ngày 10-12-1427 (nhằm ngày 22-11 năm Đinh Mùi), Tổng binh giặc là Thành sơn hầu Vương Thông đành phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Lễ kí kết văn kiện đầu hàng nhục nhã này của Vương Thông được các lãnh tụ Lam Sơn đặt cho một cái tên thật hài hước là hội thề Đông Quan !
    Dự "hội thề", về phía Lam Sơn có Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng tùy tùng là : Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bôi, Lê Văn An, Bế Khắc Thiện và Ma Luân.
    Về phía quân Minh có Vương Thông cùng các tướng tùy tùng là Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Chu Kỳ Hân, Trần Hựu, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập và Quách Đoan.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 46-b và tờ 47-a) chép rằng : "Bấy giờ, các tướng sĩ và người trong nước căm thù quân Minh tột độ vì chúng đã giết cha con, thân thích của họ, bèn kéo tới khuyên vua nên giết hết bọn chúng đi. Vua dụ rằng :
    - Trả thù và báo oán là lẽ thường tình của con người. Nhưng, không nỡ giết người là bản tâm của bậc có lòng nhân đức. Vả lại, giết kẻ đã hàng là điều xấu không gì sánh được. Nếu được hả mối thù trong chốc lát mà phải mang tiếng xấu với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng cho tất cả lũ chúng để nhân đó dập tắt hết thảm họa chiến chinh cho đời sau, khiến sử xanh phải ghi mãi tiếng thơm đến muôn thuở. Đó chẳng phải là việc lớn hay sao ?
    (Nói xong), Vua bèn hạ lệnh : Số giặc về bằng đường thủy thì cấp cho 500 chiếc thuyền, giao cho Phương Chính và Mã Kỳ nhận lãnh. Số giặc về bằng đường bộ thì cấp thêm lương thực, giao cho Sơn Thọ và Hoàng Phúc nhận lãnh. Riêng số giặc bị bắt hoặc đầu hàng từ trước, tổng cộng hơn hai vạn người cùng với hơn hai vạn con ngựa thì giao cho Mã Anh nhận lãnh và cho Chinh Man tướng quân là Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo.
    Tất cả quân Minh đều kéo nhau đến dinh Bồ Đề để lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính, phần vì xúc động, phần vì hổ thẹn mà rơi cả nước mắt".
    Sách Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi đã ghi lại lời thề của Vương Thông trong "hội thề" này như sau :
    “Về phía bọn Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, tự làm trái lời thề, nhất là khi người phục dịch và thuyền bè đã sắp sẵn rồi, cầu đường cũng đã sửa xong rồi, mà không làm theo lời bàn, nghĩa là không lập tức đem quân về nước, cứ kéo dài năm tháng để đợi viện binh, hoặc giả là khi về đến triều đình mà tâu sai sự lí, không sợ thần linh sông núi nước An Nam, hoặc bàn khác đi, hoặc cho quân cướp phá dọc đường thì Trời, Đất cùng Danh Sơn, Đại Xuyên và Thần Kỳ các xứ tất đem bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, cùng thân thích, đều làm cho chết hết và cả đến lũ quan quân cũng không một ai được sống sót trở về” (Chúng tôi nhấn mạnh - ND).
    Ngày 29-12-1427, Vương Thông bắt đầu cho quân rút lui và đến ngày 3-1-1428 thì đất nước sạch bóng quân xâm lăng. Cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của thế kỉ XV kết thúc toàn thắng. Năm đó, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, nhà Hậu Lê được chính thức lập ra.
    Các tác giả sách Đại Việt sử kí toàn thư đã có lời bàn về sự kiện trọng đại này. Lời bàn ghi ở quyển 10, tờ 55-a như sau :
    "Từ khi trời đất đã phân chia, thì Nam Bắc giới hạn rạch ròi. Phương Bắc lớn mạnh nhưng không thể đè bẹp được phương Nam. Cứ xem các thời (Tiền) Lê, Lý và Trần thì đủ biết. Bởi vậy, cuối thời Tam Quốc, phương Nam tuy có yếu nhưng cũng chỉ là nội loạn. Nhà Nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, để đến nỗi nước mất, thân nhục, giặc Bắc hưng tàn, dân tình khốn khổ. May thay, lòng trời còn đó, thánh chúa lại ra đời, chinh phục bằng nghĩa, đánh dẹp bằng nhân, cho nên, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại được sáng tươi. Nhân dân từ đấy bình yên, nước nhà từ đấy thịnh trị. Ấy là bởi vua tôi một dạ, trên dưới cùng lòng vậy. Ôi, đại loạn thì phải trị, lẽ ấy xưa nay rành rành".

  8. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    16 - PHÉP NƯỚC ĐẦU ĐỜI LÊ THÁI TỔ

    Đầu năm 1428, sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lăng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, đó là Lê Thái Tổ (1428-1433), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê.
    Bấy giờ, trải hai mươi năm bị ngoại xâm và chiến tranh tàn phá, đất nước chìm ngập trong những khó khăn lớn lao : Chính trị đổ nát, kinh tế điêu tàn, xã hội loạn li... Lê Thái Tổ phải dồn hết tâm lực để giải quyết hàng loạt những công việc quốc gia đại sự. Mặc dù vậy, Hoàng đế vẫn luôn canh cánh nỗi lo nghiêm giữ phép nước. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã ban hành rất nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có hai sắc lệnh đặc biệt, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10) ghi lại như sau :
    "Ngày 26 (tháng 2 năm 1429 - ND), ra lệnh cho các vị đại thần và các quan Hành khiển rằng : Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì phương hại đến việc quân, việc nước, hoặc giả là việc sai dịch không phải lẽ, hoặc giả là cho thu thuế khoá nặng nề, hay như có việc tà dâm bạo ngược... thì cho tâu xin để trẫm sửa lại" (tờ 65-b).
    “Ngày 18 (tháng 10 năm 1429 - ND), ra lệnh cho các đại thần, Tổng quản và các quan từ Hành khiển trở xuống rằng : Người xưa có câu “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc". Trẫm không lúc nào không suy nghĩ đến điều đó. Bởi đêm ngày lo nghĩ nên mới đem việc quân, việc nước quan trọng mà trao cho các khanh. Thế mà các khanh cứ điềm nhiên như không, trên thì phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới thì chẳng chút đoái thương đến quân dân, sao mà biếng nhác việc quan đến thế ? Nay, ta ra chiếu này để răn báo, nếu không biết tự mình sửa lỗi, lại còn tái phạm, thì phép nước còn chờ đó, khi ấy đừng nói là trẫm phụ bề tôi cũ có nhiều công lao" (tờ 71-a).

    Lời bàn :

    Muốn bách quan nghiêm giữ phép nước, trước hết, đấng chí tôn là Hoàng đế phải mẫu mực. Song, phàm là người sống giữa cõi trời đất, ai dám chắc là mình tránh được hết mọi lỗi lầm. Hoàng đế mở rộng lòng mình, bình tâm để lắng nghe lời tâu việc sửa sang chính trị của bá quan văn võ, kính thay !
    Muốn trăm họ cũng nghiêm giữ phép nước, thì quan lại, nhất là các bậc khai quốc công thần, trước phải tự làm gương. Lời của cổ nhân mà Lê Thái Tổ nhắc lại : “Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc”, càng nghĩ càng thấy chí lí.

  9. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    17 - THƯƠNG THAY TRẦN NGUYÊN HÃN !

    Trần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là huyện Lập Thạch, tinh Vĩnh Phúc. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết là mất vào năm 1429. Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Tư đồ Trần Nguyên Đán, nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng cuối thời Trần. Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, ông cùng với Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) đã sớm tìm đến và mau chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lê Lợi. Cuộc đời và cái chết oan khuất của ông đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 25, tờ 20) chép lại tóm lược như sau :
    “Hãn có học thức, giỏi binh pháp, từng giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, được thương yêu và hậu đãi và dự bàn những chuyện bí mật. (Trần Nguyên Hãn) cùng Vua xông pha trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công.
    Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi (Lê Thái Tổ) định công ban thưởng cho các bậc công thần, (Trần Nguyên) Hãn được gia phong chức Hữu Tướng quốc, cho mang quốc tính là họ Lê. Công lao và danh vọng của (Trần Nguyên) Hãn kể vào hàng cao nhất. Nhưng sau, Trần Nguyên Hãn có nói riêng với người thân tín rằng :
    - Nhà vua có tướng giống như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được.
    (Nói rồi), Hãn xin về hưu, được Nhà vua ưng thuận. Nhưng, vì (Trần Nguyên Hãn) là dòng dõi họ Trần, nên bị nghi kị. Về đến Sơn Đông, sống trong cảnh quê nhà mà (Trần Nguyên) Hãn vẫn cho xây dựng phủ đệ, đóng thuyền bè, không chịu giữ gìn hình tích. Những kẻ xấu muốn tâng công, bèn thêu dệt gièm pha với Nhà vua, rằng (Trần Nguyên) Hãn có mưu toan phản nghịch. Nhà vua tin lời, bèn ra lệnh cho bọn lực sĩ đến bắt. Khi thuyền chở (Trần Nguyên) Hãn đến bến Sơn Đông (Trần Nguyên) Hãn nhảy xuống sông tự tử”.

    Lời bàn :

    Công trạng của Trần Nguyên Hãn lớn lao đến mức nào, thiết tưởng chẳng cần bàn cũng đã rõ. Tên tuổi Lê Lợi rực rỡ với ngàn thu ra sao, không nói ai cũng tường. Tiếc thay, anh hùng lại chẳng dung tha anh hung, để đến nỗi Trần Nguyên Hãn không chết vì kẻ thù bạo ngược trong chiến tranh mà lại chết vì sự nghi kị của Vua trong lúc thái bình.
    Dẫu đã có hơn mười năm đồng cam cộng khổ, nhưng Trần Nguyên Hãn chỉ xét đoán Lê Lợi qua tướng mạo chứ chẳng phải là qua thực tiễn sinh động của việc làm. Có lẽ cũng vì chỉ xét người qua tướng mạo nên Trần Nguyên Hãn mới nhầm kẻ cơ hội phản trắc ra người thân tín, bộc bạch hết mọi điều thầm kín của mình. Nhưng thôi, nhân vô thập toàn, đó âu cũng là sở đoản của Trần Nguyên Hãn vậy.
    Trong chiến tranh, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là vị dũng tướng có nhiều mưu lược. Nhưng, khi ngồi lên ngai vàng, Lê Lợi lại chợt nhớ ra, đấy từng là chỗ ngồi của Hoàng đế họ Trần, bản thân Lê Lợi cũng vừa phải đẩy “hư vị” của Trần Cảo đi, cho nên, Lê Lợi chỉ thấy Trần Nguyên Hãn là người họ Trần, quên hết mười năm vào sinh ra tử của Trấn Nguyên Hãn. Sự đa nghi của Lê Lợi có thể dễ giải thích nhưng quả là khó tha thứ. Nhưng thôi, đó âu cũng là biểu hiện của sự “nhân vô thập toàn”, nhấn mạnh quá, sợ có tội với cổ nhân.
    Mới hay kẻ cầm quyền chỉ cần một chút thiếu bình tâm là đã có thể gây nên tai họa nghiêm trọng. Có ai nghĩ người nổi danh như Trần Nguyên Hãn lại phải chết chìm đâu. Thương thay !

  10. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - PHẦN THƯỞNG CỦA BÙI THÌ HANH

    Ngày 25 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 ( 1434), vua Lê Thái Tông tiến hành thăng chức nhất loạt cho cả ngàn quan lại. Ngày hôm đó, quan Nội mật gọi tên để cấp sắc liên tục từ sáng đến trưa mà vẫn chưa hết. Có lẽ vì cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để được ban thưởng, cho nên, quan Thái sử Bùi Thì Hanh đã lập kế được hậu thưởng thêm. Chuyện này xảy ra vào ngày 1 tháng 5 năm Giáp Dần, đã được sáchĐại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 9-a) chép lại như sau :
    "Trước đó, Thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng 1 tháng 5 sẽ có tinh khí con vượn đen ăn mặt trời nên sẽ có nhật thực, mà có nhật thực thì nhất định trong nước sẽ có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem về giết để trấn yểm thì mới mong tai qua nạn khỏi.
    Quan Đại Tư đồ là Lê Sát rất tin, bèn tâu xin cho quan lại ở các trấn như Tuyên Quang, Thái Nguyên phải đốc thúc dân săn lùng vượn khắp núi rừng để đem về kinh. Bởi thế, vượn, khỉ... bị bắt, đóng cũi đưa về nườm nượp, đếm không xuể. Đến ngày ấy (tức ngày 1 tháng 5 - ND), Vua nghỉ chầu, sai làm phép trấn yểm khắp cấm cung, bách quan chẳng ai hay biết. (Bùi) Thì Hanh chỉ nói cho quan Lễ Bộ thị lang là Trịnh Toàn Dương, nguyên là Đạo sĩ, để Trịnh Toàn Dương cùng làm phép với mình. Xong, hai người được thưởng rất hậu”.

    Lời bàn :

    Trước đó, ngành thiên văn và lịch pháp của ta đã rất phát triển, tính toán để biết trước nhật thực và nguyệt thực trong năm, chẳng có gì khó khăn. Với quan Thái sử như Bùi Thì Hanh, chuyện đó lại càng không đáng kể. Cái đáng kể ở đây là dùng cái biết của mình để mê hoặc lòng người. Trên thì từ vua cho đến quan Đại Tư đồ, dưới thì quan biên ải cho đến dân thường, cả nước phải một phen vất vả đi săn vượn, săn khỉ, khổ thay !

+ Trả lời chủ đề
Trang 2/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình