+ Trả lời chủ đề
Trang 3/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 65

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19 – ĐỨC ĐỘ CỦA NGUYỄN THIÊN HỰU

    Nguyễn Thiên Hựu sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Bình sinh Nguyễn Thiên Hựu là người trung trực, có lòng thương đến dân lành. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) có chép hai mẩu chuyện về ông như sau :
    "Ngày 24 (tháng 5 năm 1434 - ND), giờ thìn (tức từ khoảng 7 đến 9 giờ sáng - ND), có khí xanh đỏ như hình cầu vồng nhưng ngắn hơn, xuất hiện ở hướng Đông Bắc, trời có sương nhẹ. (Vua hạ lệnh) chém người thợ của Cục Tả Ban Tất Tác là Cao Sư Đãng. Lúc ấy, (triều đình) điều động thợ ở các Cục Tất Tác đến để lo làm chùa Báo Thiên. Việc thổ mộc rất nặng nề, (Cao) Sư Đãng làm vất vả quá nên có nói vụng trộm rằng :
    "Thiên tử không có đức để đến nỗi hạn hán, còn như bọn đại thần thì ăn của đút, tiến cử kẻ vô công, có gì đáng gọi là từ thiện đâu mà làm chùa to thế". Lời ấy bị cáo giác. Quan Đại Tư đồ là Lê Sát nghe được, lấy làm giận lắm, bèn sai quan thẩm hình là Nguyễn Đình Lịch xét xử. Nguyễn Đình Lịch nói :
    - Nó dám nói càn đến quốc gia đại sự, chém đi chứ để làm gì.
    Lúc ấy, Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hồ đều xin tha tội chết (cho Cao Sư Đãng). Vua đã sắp nghe lời thì (Lê) Sát nói :
    - Trước đã nghe theo lời Nguyễn Thiên Hựu mà tha chết cho bọn Nguyễn Đức Minh, khiến chúng bỏ thư nặc danh vu khống cho nhau, nay lại tha thêm thằng này nữa thì lấy gì để răn cho kẻ khác sợ ?
    Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa, (Vua) bèn sai chém (Cao) Sư Đãng. Ngay hôm ấy bỗng có mưa nhỏ, nên hôm sau, (Lê) Sát vào nói giữa triều đình rằng :
    - Nếu nghe lời Ngôn quan (chức này cũng tương tự như chức Ngự sử - ND) thì làm gì có trận mưa vừa rồi !
    Lê Ngân nói :
    - Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ hiềm một nỗi là xương người chất đầy đường, khó đi lại mà thôi" (tờ 10 a-b).
    "Tên đầu bếp ở Thái Miếu là Nguyễn Chú bị đánh 80 trượng, thích chữ vào gáy và đồ làm lính chăn voi vì tội ức hiếp để mua rẻ hàng hóa ở ngoài chợ.
    Bấy giờ, bọn đầu bếp các nhà quyền quý thường hay cậy thế là người trong cung để ức hiếp mà mua rẻ hàng hóa ngoài chợ. Dân rất sợ bọn này. (Nguyễn Chú) bị Nguyễn Thiên Hựu bắt được, tâu sự thể lên Vua, Vua bèn trị tội Chú, lại còn cho đem đi rao liền trong ba ngày cho mọi người biết" (tờ 13-b).

    Lời bàn :

    Lần thứ nhất, vì cảm thương người thợ là Cao Sư Đãng lỡ lời phạm thượng lúc quá khốn khổ mà Nguyễn Thiên Hựu đã liều tâu xin tha mạng cho. Lời ấy dẫu chẳng được vua nghe nhưng dẫu sao thì Nguyễn Thiên Hựu cũng đã tỏ được cái đức sáng của mình. Đó là đức thương dân.
    Lần thứ hai, không phải Nguyễn Thiên Hựu can ngăn mà ngược lại, chính Nguyễn Thiên Hựu đã trực tiếp bắt và tâu xin trị tội. Vua y lời. Một mình Nguyễn Chú bị trị nhưng trăm họ lại nhân đó mà được nhờ. Sự thể hai lần khác biệt nhau nhưng cái đức lớn thì vẫn là một.
    Người làm quan thường hay nhân danh phép nước, kẻ vô chức nghiệp thường hay nhân danh quần chúng nhân dân. Sáng suốt và bình tâm để gạt bỏ được sự nhân danh vô lối chẳng phải là việc dễ. Việc ấy, học cả đời chưa ắt đã xong. Nhưng, học ở đây chẳng qua cũng chỉ để cho thêm phần sáng suốt, chớ cái chính yếu vẫn là phải có đức. Như Nguyễn Thiên Hựu, ông xử việc bắt đầu bằng đức đó của chính mình đó thôi.

  2. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - CHUYỆN QUANH TỜ BIỂU VĂN DO NGUYỄN TRÃI SOẠN

    Tháng 5 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), có một chuyện rắc rối đã xảy ra trong triều đình nhà Lê. Đó là chuyện rắc rối xảy ra quanh tờ biểu văn do quan Hành khiển là Nguyễn Trãi vâng mệnh vua Lê Thái Tông soạn để giao cho sứ giả đem sang triều đình nhà Minh. Chuyện rắc rối đó được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 9-b và 10-a) chép lại như sau :
    “Ngày 16 (tháng 5 năm 1434 - ND), sai bọn Tuyên phủ sứ là Nguyễn Tông Trụ, Trung thư Hoàng môn Thị lang là Thái Quân Thực và Kì lão là Đái Lương Bật mang tờ biểu cùng các thứ phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu, bọn Nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận lắm, liền nói :
    - Bọn các ngươi là hạng bề tôi chỉ biết vơ vét. Bao nhiêu nạn hạn hán đều do các ngươi gây nên cả.
    Thúc Huệ liền tố cáo lời này với Đại Tư đồ là (Lê) Sát và Đô đốc là (Lê) Vấn. Sát và Vấn tức lắm, cùng nhau trách Nguyễn Trãi rằng :
    - Gây ra thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy mà là lỗi của Vua và Tể tướng. Sao ông nỡ quá lời như thế ? Nguyễn Trãi từ tạ mà nói rằng :
    - Bọn Thúc Huệ chỉ cậy có chút tài vét thuế trong dân mà chiếm ngôi vị cao trong thiên hạ. Mỗi khi có sổ sách trình đến, chúng đều tìm cách vơ vét cho quan tham, hòng được lòng Vua và Tể tướng. Tôi nhân việc này mà nói ra thôi chớ đâu có dám bàn gì đến Vua và tể tướng.
    (Lê) Sát vẫn không nguôi giận, nhưng tờ biểu thì vẫn cho để y nguyên như Nguyễn Trãi soạn, chẳng sửa chữa gì".

    Lời bàn :

    Trong chỗ không hẹn, Nguyễn Trái vả Nguyễn Thúc Huệ cùng Lê Cảnh Xước, đã gặp nhau ở chỗ... “văn mình”. Lẽ dĩ nhiên, chút bệnh... “văn mình” của Nguyễn Trãi nếu có nặng hơn người thì cũng phải, bởi đạt đến mức đại bút như ông, cổ kim nào đã có mấy người.
    Lỗi của Nguyễn Trãi có chăng là ở chỗ, đang từ chuyện này lại nhảy sang chuyện nọ, chẳng ăn nhập gì với nhau cả.
    Ở đời chê thì dễ, làm mới khó, làm nên tuyệt tác lại càng khó hơn, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước nổi danh ở chỗ chê người chứ không phải là nổi danh nhờ những gì do chính mình làm ra. Tuy nhiên, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước đã tỏ ra nhạy bén và rất thông minh khi quyết nắm lấy sở đoản của Nguyễn Trãi. Ôi, giữa cõi đời này, có gì đáng sợ hơn, khi mà sự thông thái lại được ban phát nhầm lẫn cho bọn tiểu nhân.
    Quan Đại Tư đồ và quan Đô đốc chẳng dại mà sửa văn Nguyễn Trãi theo lời tâu của Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước. Văn tài, ai dám sánh với Nguyễn Trãi. Vả chăng, bút sa gà chết, lấy quyền uy mà sửa, ắt Nguyễn Trãi phải chịu, nhưng chữ nghĩa còn đó, làm thế chỉ mua cười cho hậu thế mà thôi. Lời văn trong tờ biểu Nguyễn Trãi soạn tuy vẫn được giữ y nguyên nhưng vị thế của Nguyễn Trãi trong triều không còn được nguyên vẹn nữa. Dự báo lần đầu cho một tấn bi kịch là đây chăng?

  3. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 – CHUYỆN PHẠM MẤN BỊ ĐI ĐÀY

    Phạm Mấn sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông là người cùng làng với quan Tư không là Lê Ngân. Khi Lê Lợi phát động nhân dân nổi dậy chống quân Minh, Phạm Mấn cùng về tụ nghĩa ở Lam Sơn. Nhưng rồi một thời gian sau, vì chịu không nổi gian nan, Phạm Mấn đã đầu hàng quân Minh. Lần ấy, Lê Lợi bí mật đem quân đi đánh Sách Cối (Thanh Hóa). Quân vừa tới, Phạm Mấn đã đi đầu hàng, mật báo mọi điều với quân Minh, cho nên, cuộc tiến công không thành. Sau, Lam Sơn giành được thắng lợi, cũng như nhiều người khác, Phạm Mấn được hưởng lượng khoan hồng, được về quê cũ làm ăn sinh sống.
    Tháng 9 năm Giáp Dần ( 1434 ), Phạm Mấn tranh chấp ruộng đất với người gia nô cũ của quan Tư không Lê Ngân. Trong lúc nóng giận, Phạm Mấn có nói nhiều lời bất kính, xúc phạm tới Lê Ngân. Chuyện đến tai, Lê Ngân bèn sai các quan coi việc án ngục xét xử Phạm Mấn, nhân thể, xét luôn cả tội trước kia từng đầu hàng quân Minh nữa. Án trình lên, vua Lê Thái Tông y lời, khép Phạm Mấn vào tội chém. Nhưng, đúng lúc đó, một cuộc tranh cãi giữa hai bậc đại thần đã diễn ra. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 16 a) chép rằng :
    “Quan Đại Tư đồ là Lê Sát nói (với Lê Ngân) :
    - Giờ đây, bọn ta có quyền thế, nhân đó mà báo thù người làng thì muốn sao chẳng được. Nhưng, làm vậy lỡ mai sau ta hết quyền thế, chả lẽ lại bắt con cháu chúng ta phải chịu sự báo oán hay sao ?
    Lê Ngân tức giận quát :
    - Con cháu chúng nó còn biết gây oán, lẽ nào con cháu chúng ta lại không biết báo oán nữa hay sao ?
    Hai người cứ thế tranh cãi mãi. (Vua nghe) bèn giảm tội cho Phạm Mấn, bắt phải đi đày xa".


    Lời bàn :

    Không kham nổi gian nan, đành bỏ đồng đội, bỏ đại nghĩa, đó là lỗi. Riêng lo cho tấm thân mà cam lòng phản bội, đó là tội. Lê Thái Tổ mở lượng hải hà mà tha cho, nhưng xem ra, Phạm Mấn vẫn chưa thấm được ơn mưa móc ấy.
    Tranh chấp ruộng đất cũng là chuyện thường xảy ra. Nhưng, tranh ruộng với gia nô cũ của Lê Ngân thì cứ tranh, hà cớ gì lại nói lời bất kính với Lê Ngân đang đường đường là bậc đại thần ? Xã hội bao giờ cũng có thứ bậc, mơ hồ mà được chăng ?
    Nhưng thôi, Phạm Mấn chẳng qua cũng chỉ là tên nhút nhát và bất tài, còn như Lê Ngân, quyền cao chức trọng, vậy mà sao cũng hẹp hòi đến thế kia ? Ở đời, nếu cứ lấy oán báo oán thì sự báo oán sẽ chẳng bao giờ dứt. Vả chăng, vật đổi sao dời, ai dám nói là đã biết chắc hậu vận của mình ? Lời của quan Đại Tư đồ Lê Sát quả đáng suy nghĩ lắm.
    Phạm Mấn bị đày đi xa và ông cũng đã khuất, nhưng bài học về chuyện xử thế của ông thì vẫn còn mãi đó.

  4. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    22 - NGUYỄN TRÃI VỚI BẢY TÊN TRỘM

    Đầu đời Lê Sơ, tội trộm cướp bị xử rất nặng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ đang bừng bừng khí thế của một cuộc hồi sinh, khắp cõi, già trẻ gái trai ai ai cũng được nhà nước chia cấp ruộng đất để làm ăn, nhà nhà đều có chút sản nghiệp. Tuy nhiên, thời nào mà chẳng có bọn bất lương. Năm 1434, triều đình Lê Thái Tông đã phải xét xử một lúc bảy tên tái phạm tội trộm cắp. Số lượng khá nhiều ấy đã khiến cho các bậc quan lại có phần bối rối. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 16, tờ 11) chép :
    "Có bảy tên cùng tái phạm tội ăn trộm, tất cả đều đáng bị tử hình. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ vì phải giết một lúc quá nhiều người. Nhà vua (biết vậy) bèn đem việc này để hỏi quan Thừa chỉ là Lê Trãi (tức Nguyễn Trãi - ND).
    (Lê) Trãi thưa rằng :
    - Dùng hình phạt chẳng bằng dùng nhân nghĩa, sự ấy đã quá rõ. Như bây giờ mà đem một lúc đến bảy người ra giết thì sợ đó không phải là việc làm của người có đức lớn. Kinh Thư có nói "An nhữ chỉ", nghĩa là phải thuận theo chính đạo mà đặt mình đúng chỗ chí thiện. Ví như vua ở trong cung, đấy là đúng chỗ của nhà vua, thảng hoặc có tuần du đây đó thì sự thoải mải thường không như khi ở trong cung. Vua về cung, đấy là về đúng chỗ, ông vua đối với nhân nghĩa cũng vậy. (Vua phải dùng nhân trị, đấy mới đúng là phép trị dân đích thực của vua).
    Bọn Sát bèn nới với Lê Trãi :
    - Ông thực là người nhân nghĩa, đủ sức để cảm hóa kẻ ác thành kẻ thiện. Đây, xin giao hết cho ông bọn trộm này.
    Nói rồi, bọn Sát đem cả bảy tên tội phạm giao cho Lê Trãi bảo quản. Lê Trãi nói :
    - Bọn chúng là lũ hung ác, gian xảo. Phép nước còn không răn chúng chừa được. Trãi này có đức độ gì mà cảm hóa nổi chúng ? Sau, triều đình chỉ chém hai tên cầm đầu, còn thì khép vào tội lưu”.

    Lời bàn :

    Thời Lê Thái Tông (1434 - 1442), dân số nước ta có chừng năm triệu rưỡi. Trong năm triệu rưỡi dân mà có bảy tên tái phạm tội trộm cắp, số lượng ấy xem ra chẳng đáng gì, nhưng thời ấy thì đã đủ làm cho triều đình bối rối. Mới hay, sử thần xưa ca ngợi thời ấy là thời thái bình thịnh trị, kể cũng chẳng ngoa.
    Xã hội đúng là thái bình, nhưng xem ra, nội bộ triều đình đã có dấu hiệu của sự bất ổn. Các bậc đại thần đá việc cho nhau rồi lại còn mắng xéo lẫn nhau, coi bộ cũng đã trên mức bình thường. Triều đình chém hai tên đấu sỏ và coi là đã đủ để răn thiên hạ, còn triều đình, biết lấy gì răn đây ?


  5. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    23 - CÁC NGÔN QUAN LÀ PHAN THIÊN TƯỚC, LƯƠNG THIÊN PHÚC VÀ NGUYỄN CHIÊU PHỦ VỚI SÁU ĐIỀU CAN VUA

    Đầu thời Lê Thái Tông (1434 - 1442), Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ cùng giữ chức Ngôn quan, chuyên lo việc can gián vua và đàn hặc các quan. Họ đã cố gắng làm hết chức phận phải làm, tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng được thuận tiện. Năm Ất Mão (1435) có một chuyện rắc rối đã đến với họ, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 21-b và tờ 22 a-b) chép lại như sau :
    "Ngày 21 (tháng giêng - ND), các Ngôn quan là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ, cùng dâng sớ can vua rằng : Tiên đế (chỉ Lê Lợi, tức Lê Thái Tổ - ND) dãi dầu sương gió, thân mặc áo giáp, lao tâm khổ trí hơn mười năm trời mới bình định được thiên hạ. Nay, bệ hạ thừa kế cơ nghiệp, lẽ phải chăm học thuật, dốc lồng tìm kiếm nhân tài để chu toàn việc trị nước, vậy mà :
    - Đại thần tiến cử chức Thiếu bảo Hữu Bật vào hầu việc giảng sách, bệ hạ đứng dậy bỏ đi không nghe, đó là một điều không nên.
    - Tiên đế chọn người làm bảo mẫu, làm thầy để vâng mệnh dạy bảo trong cung mà bệ hạ khinh rẻ, mắng chửi họ, đó là hai điều không nên.
    - Đến như Thần phi và Huệ phi đường đường là bậc bệ hạ phải gọi là dì (hai bà là vợ của Lê Lợi. Mẹ của Thái Tông đã mất lúc Thái Tông mới được ba tuổi - ND), cùng vào cung để dạy, mà bệ hạ cũng nỡ sai người ra đóng cửa không cho vào, đó là ba điều không nên.
    - Người cầm đầu quân thị vệ thấy bệ hạ không đọc sách mà cầm cung đi bắn chim chơi đùa, họ can ngăn thì bệ hạ đã không nghe, lại còn lấy cung bắn họ, đó là bốn điều không nên.
    - Tiên đế chọn lựa con em của các bậc công thần vào hầu bệ hạ đọc sách thì bệ hạ xa lánh họ, chỉ đùa giỡn với bọn hầu cận trong cung, đó là năm điều không nên.
    - Bậc đế vương chỉ tìm người tài giỏi, biết nói thẳng, hết lời can ngăn và những người có nhiều công lao để thưởng cho họ, vậy mà bệ hạ chỉ vui đùa với bọn hoạn quan rồi thưởng cho chúng, đó là sáu điều không nên.
    Nếu thần không nói là mang trọng tội, cho nên, dám đâu lại chẳng tâu bày ? Vậy, trong khi coi chầu hoặc giả là tiếp xúc với các bậc đại thần, hay như khi nghe các quan tấu trình, bệ hạ cần phải ngay ngắn, trang nghiêm, lấy dung nghi thiên tử mà tiếp đãi, ủy lạo người có công, lắng nghe lời nói thẳng, mở lối cho người cương trực, thấu hiểu sự tình ở dưới mình... được như thế thì lời khen bậc đại hiếu có chí nối nghiệp lớn, đâu phải chỉ dành để riêng khen Thành Vương và Thái Giáp ? (Thành Vương và Thái Giáp là hai vị vua giỏi của Trung Quốc thời cổ đại, rất được Nho gia tôn sùng - ND).
    Vua xem sớ xong, giận lấm, bèn vặn hỏi. Bọn học sĩ Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối liền đi khắp nhà, chất vấn gia quyến của Thiên Tước, vừa trách mắng vừa bắt phải khai tên người đã tiết lộ các việc nói trong sớ. Thiên Tước khai :
    - Những điều đó do Đồng tổng quản Bắc Giang là Hạ vệ Lê Lãnh nói. Bọn tôi cốt sao yêu Vua, làm hết chức phận, cho nên, dù chết cũng không sợ.
    Nghe thế, bọn Cảnh Xước mới thôi. Hôm sau, Thiên Tước vào hầu Vua, tâu rằng :
    - Ngu Thuấn là bậc thánh nhân mà còn bị bọn Bá Ích lấy sự chơi bời lười biếng để khuyên răn, Đường Thái Tông là bậc vua hiền mà còn bị bọn Ngụy Trưng dâng sớ nhắc mười điều có thể lâu ngày thấm dần thành lỗi lớn. Nay, bọn thần tủi nhục giữ chức Ngôn quan lòng những sợ Nhà vua mắc lỗi lầm nên mới không quản ngu dại mà khuyên can. Bệ hạ nghe cho thì khắp thiên hạ, cho dẫu là kẻ kiếm củi hay kẻ làm nghề mọn cũng đều dốc hết khả năng ra mà làm, thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng vậy.
    Vua nghe xong, nguôi giận, cho bọn Thiên Tước lại giữ chức như cũ ”.

    Lời bàn :

    Lê Thái Tông lên nối ngôi lúc mới 11 tuổi. Tuổi ấy thường thích đánh bi, bắn chim. chơi trò ú tim hoặc mê là nhảy lò cò... cho nên, mắc những lỗi như các Ngôn quan nêu thì cũng chẳng có gì là lạ. Lạ lùng chăng là Học sĩ Lê Cảnh Xước và hoạn quan Đinh Hối. Lê Cảnh Xước đường đường là Học sĩ, nhưng đây là lần thứ hai tự tỏ cho mọi người thấy sự ít học. Hữu danh vô thực là đấy chăng.
    Lê Thái Tông có lỗi nhưng đã kịp nhận lỗi. Đáng kính thay ! Còn các Ngôn Quan, cương trực, và khẳng khái, lời thành tâm đã được Vua nghe, muôn đời hậu thế cùng nghe, vinh thay !

  6. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    24 - THÁI QUÂN THỰC VÀ NGUYỄN TÔNG TRỤ LÀM NHỤC QUỐC THỂ

    Ngày 16 tháng 5 năm Giáp Dần (1434), Thái Quân Thực đang giữ chức Trung thư hoàng môn thị lang và Nguyễn Tông Trụ đang giữ chức Tuyên phủ sứ, cả hai cùng hàm Tứ phẩm, được triều đình cho sung vào sứ bộ mang biểu văn sang nhà Minh cầu phong cho vua Lê Thái Tông. Trong chuyến đi này, hai ông đã phạm tội lớn, để tiếng xấu đến muôn đời. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 24 a-b) chép rằng :
    "Hai người này khi nhận mệnh sang sứ nhà Minh đã phạm tội lớn, Thái Quân Thực bị xử đày viễn xứ, còn Nguyễn Tông Trụ bị đày cận xứ. Khi ấy, Hữu ti làm giấy tờ (cho hai người đi sứ), theo thứ tự mà ghi Nguyễn Tông Trụ là Bồi thần (hàng quan Đại phu - ND) còn Thái Quân Thực là Kì lão (dưới Đại phu một bậc ND). Quân Thực tỏ ý bất bình. Khi đến triều Minh, triều Minh cứ chiếu theo thứ bậc (đã ghi trong giấy tờ của sứ bộ) mà ban áo. (Vì là Kì lão), áo của Quân Thực không có hoa văn kim tuyến. Quân Thực hậm hực bảo với người phương Bắc rằng :
    - Ta cũng là quan Tứ phẩm, lại ở dưới Tông Trụ là làm sao ?
    Đến lúc vào dự yến tiệc, Thực không chịu mặc áo được (triều nhà Minh) ban mà lại mặc áo có thêu kim tuyến của mình mang theo. Thực còn đem cả biểu văn do Nguyễn Trãi soạn ra mà chửi bới, lại còn chửi luôn cả quan Tham tri Đông Đạo là Đào Công Soạn chỉ vì ông này đã tiến cử Nguyễn Tông Trụ cùng đi sứ với mình. Tông Trụ giận dữ, tranh cãi mãi (với Thái Quân Thực). Hai người đánh nhau, Tông Trụ bị vỡ mặt, người đi theo can ngăn cũng không được. Hai người còn kiện nhau ở Hồng Lô Tự (của nhà Minh), nói xấu nhau đủ điều. Tông Trụ lại còn lén tới nhà viên nội quan của Bắc triều ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc - ND), nhận riêng lễ vật, lại nói riêng với viên quan của Long Châu đi tiễn là Lã Hồi về chuyện (Thái Quân Thực) khi đi sứ ở Ai Lao đã nói vụng Tiên đế (tức Lê Lợi - ND) nghe lời gièm pha của kẻ xấu mà giết hại nhiều người.
    Hai người này đều vì tội đi sứ mà giao thiệp với người nước ngoài, tức giận mà đánh lẫn nhau, làm nhục quốc thể, đáng phải xử tử. Nhưng bởi cả hai đều từng là người có công lao, nên tùy mức độ mà xử bị đi đày.
    Tông Trụ còn phạm tội đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc. Vua ghét Trụ làm liều, bất chấp cả lệnh cấm của triều đình, bèn tịch thu hành trang (của Tông Trụ) mà chia cho các quan".

    Lời bàn :

    Thái Quân Thực quyết mặc cho bằng được chiếc ảo có thêu kim tuyến, nhưng hoa văn lấp lánh của chiếc áo ấy nào có đủ để che nổi một tâm hồn nhỏ nhen và ngang ngược của ông. Mới hay, nhún nhường trong xử thế quả là rất khó.
    Bởi nhỏ nhen và ngang ngược, đến nỗi đánh nhau ngay giữa thiên triều, hai thành viên của sứ bộ đã hóa thân thành hai kẻ vũ phu tầm thường. Sử chép Tông Trụ bị đánh vỡ mặt, nhưng xem ra, trước khi họ đánh nhau, hai gương mặt ấy cũng có phải là lành lặn đâu. Họ đem nhau đến kiện cáo ở Hồng Lô Tự nhà Minh, nhưng, thua kiện đau đớn nhất lại chính là những người không hề dính dáng gì đến vụ kiện này, đó là triều đình, là nhân dân Đại Việt. Với họ, quốc thể sao mả rẻ rúng đến thế ?
    Họ chửi nhau rồi đánh nhau chưa đủ, còn đi bêu riếu đồng liêu và triều đình ở khắp nơi. Điều họ quan tâm chỉ là quà cáp và buôn bán kiếm lời. Hẳn nhiên là với đà ấy, đến một dịp có thể, họ sẵn sàng bản cả giang sơn này.
    Triều đình xử họ phải đi đày, kẻ viễn xứ, người cận xứ. Phép nước mỗi thời một khác, chẳng ai dảm bàn sự đúng sai án quyết của triều đình thời ấy, nhưng, sống thêm mà làm gì nữa, hỡi hai con người kia. Giá mà hai người biết được sử viết gì về họ, hậu thế nghĩ gì về họ.

  7. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    25 - PHAN THIÊN TƯỚC VÀ Ý THỨC VỀ CHỨC PHẬN CỦA MÌNH

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 29 a-b) có đoạn chép như sau : "Ngày 18 (tháng 9 năm ất Mão, 1435 - ND), triều đình nghị bàn riêng về các ngạch thuế. (Triều đình định rằng), người có đất bãi trồng dâu và có ruộng cấy lúa, nếu là quân thì cấp cho 5 sào đất bãi dâu, nếu là dân thì cấp cho 4 sào để làm sản nghiệp. Tất cả được miễn thuế, trừ những người không vợ hoặc góa chồng. Phan Thiên Tước nói :
    - Người không vợ và góa chồng là hạng người phải được nhà vua thương đến. Nay bệ hạ ban ân huệ cho khắp quân dân mà những hạng đó không được hưởng, thế ra họ không phải là dân của vua ư ?
    Quan Đại tư đồ là Lê Sát nói :
    - Quân và dân là những hạng người dốc sức làm việc, chớ bọn người không vợ hoặc góa chồng thì nhà nước được cậy nhờ gì mà phải miễn thuế cho họ. Vả chăng, khi còn Tiên đế (tức còn Lê Lợi - ND), Tiên đế cũng chưa từng giảm nhẹ cho ai, vậy mà sao ông im lặng, chẳng nói gì, nay nhà nước đã định thành quy chế rõ ràng thì ông lại bàn cãi mãi là sao ?
    (Phan Thiên) Tước trả lời :
    - Khi còn Tiên đế, Tước này chưa phải là Ngôn quan, nay Tước giữ chức này thì phải nói. Mà tôi cũng chỉ nói điều hay cho nhà nước chớ có mưu lợi riêng gì cho tôi đâu.
    Bấy giờ, triều đình mới cho những người không vợ hoặc giả là góa chồng được miễn thuế 3 sào".


    Lời bàn :

    Làm những việc không thuộc chức trách của mình thì nếu không phạm thượng, ắt cũng giẫm phải chân đồng liêu mà những việc thuộc chức phận của mình tất không thể chu toàn tốt đẹp. Ở đời, những người nghiêm cẩn và mực thước. coi vậy mà chẳng có bao nhiêu. Lời Phan Thiên Tước ắt không phải chỉ là lời bàn với bá quan đương thời, mà còn là lời có ích chung cho tất cả những ai sắp bước vào hoạn lộ, cho nên sử mới ghi lại đó thôi.
    Việc thuộc chức phận phải làm mà không làm, ấy là kẻ bê trễ. Đôi khi, sự chối từ lại chính là sự che đậy một cách khôn ngoan những mưu toan cơ hội. Không nói thì không mất lòng ai, sự thăng tiến dành cho những hạng người này xưa nay vẫn chiếm một tỉ lệ rất cao. Thà làm đúng chức phận để được yên lòng, không tự thẹn với lương tâm, chứ chẳng phải sự thăng tiến vinh hoa phú quý cho riêng mình mà bỏ qua điều chẳng phải, Ngôn quan Phan Thiên Tước thật đáng kính lắm thay !
    Triều đình Lê Thái Tông đặt ra chức Ngôn quan chuyên lo nói lời can gián, lại chọn được người như Phan Thiên Tước để trao chức đặc biệt này, chính sự rành mạch, dân cư an vui cũng là phải lắm.
    Mới hay, lo việc quốc gia đại sự chỉ mới là một phần của đại đức, tìm người xứng đáng để trao việc quốc gia đại sự mới là phàn quan trọng nhất của đại đức đế vương. Ngẫm mà xem !

  8. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    26 – LẠI CHUYỆN CAN NGĂN CỦA NGÔN QUAN PHAN THIÊN TƯỚC

    Trong hàng quan lại của thời Lê Thái Tông, hình như phải chịu khổ tâm nhiều hơn cả vẫn là các Ngôn quan. Họ không nói tức là đã không làm hết chức phận, mà nói, nhất là nói lỗi của quan trên, rồi đặc biệt là lỗi của vua, thì có khi, chính họ cũng khó bề giữ yên thân mình. Lời nói thẳng thắn và đúng đắn của họ, cũng phải gian nan lắm mới được triều đình nghe theo. Xin kể thêm một mẩu chuyện về Ngôn quan Phan Thiên Tước để rõ điều này. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 16, tờ 20) chép rằng :
    “Lê Thụ, ngay trong khi đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi - ND) đã lấy vợ lẽ và bắt binh lính về làm việc riêng cho mình như xây nhà và sai vặt. Thụ cất nhà đồ sộ, lại còn giao lưu với người nước ngoài để buôn bán. Bấy giờ, quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc các lỗi nói trên của Lê Thụ.
    Khi ấy, phần nhiều các quan đại thần đều bắt binh lính làm việc riêng và xây cất nhà cửa cho mình. Vua sai Thiên Tước đi xem xét khắp nơi để xác minh hư thật. Khi Thiên Tước trở về, vua vặn hỏi :
    - Các đại thần cũng làm như thế, sao khanh không nói mà chỉ đàn hặc một mình Lê Thụ mà thôi ?
    Thiên Tước thưa :
    - Lê Thụ là đại thần, lại từng nhận lãnh thác mệnh của tiên đế, lẽ ra phải giữ mình cho ngay thẳng để bá quan lấy đó làm gương. Nay xem những việc Lê Thụ đã làm, thấy rõ Lê Thụ coi thường phép nước đã quá lắm, cho nên, thần không dám nín tiếng im hơi. Còn như nay thần vâng mệnh đi xem xét khắp các nhà đại thần thì thần đã làm, đâu dám lơ là chức trách ?
    Thiên Tước dâng sớ kể rõ những ai làm nhà mới, chẳng hạn như quan Tham tri Đông Đạo là Lê Định cho đến các quan giữ chức Quản lãnh, tổng cộng hơn 20 người. Tất cả đều được Nhà vua bỏ qua, chỉ giao Lê Thụ cho Pháp ti xét hỏi. Nhưng, bọn Lê Vấn và Lê Ngân đều tìm cách bào chữa, bao che cho Lê Thụ. Sau, Nhà vua cũng tha tội cho Thụ, chỉ bắt Thụ phải bỏ người vợ lẽ và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc là số tiền do buôn bán riêng mà có".

    Lời bàn :

    Phép nước xưa cho việc quan lại tổ chức hát xướng vui chơi hoặc giả là cưới thêm vợ lẽ trong lúc có quốc tang là có tội. Phép nước như thế là đúng hay sai, có lẽ xin được miễn bàn, chỉ biết rằng, phép nước bao giờ cũng là phép nước, người có trách nhiệm làm gương thực hiện trước hết phải là quan.
    Cổ kim cho hay, người cố tình làm sai phép nước thường rất ít ai chỉ cố tình làm trái một lần, và một khi đại thần đã cố tình làm sai phép nước thì quan lại lớn nhỏ thế nào cũng có kẻ bắt chước mà hùa theo. Hai mươi người cùng mắc tội giống như Lê Thụ, rồi Lê Vấn và Lê Ngân lại bào chữa cho Lê Thụ, chuyện ấy có gì là lạ đâu.
    Vua chỉ cho xét án mỗi mình Lê Thụ, Vua lại chỉ bắt Lê Thụ bỏ người vợ lẽ mới cưới và nộp phạt ít tiền rồi tha tội cho, thế thì phép nước bị gạt bỏ trước hết bởi chính bàn tay của Vua vậy. Cội nguồn của những sự kiện bi thảm thời Lê Thái Tông bắt đầu từ đây chăng ? Khi trong thiên hạ có người được ngồi ngoài hoặc ngồi trên phép nước, thì loạn li là điều sẽ không sao mà tránh được.

  9. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    27 - CUỘC XUNG ĐỘT Ý KIẾN GIỮA NGUYỄN TRÃI VỚI LƯƠNG ĐĂNG

    Vừa lên ngôi Hoàng đế được một thời gian, Lê Lợi đã quyết định chế nhã nhạc riêng cho triều đại của mình. Công việc khó khăn này được giao cho quan Hành khiển là Nguyễn Trãi. Nhưng, mãi đến bốn năm sau ngày Lê Lợi mất, Nguyễn Trãi cũng chỉ mới có thể dâng cho vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) bản vẽ của những chiếc khánh đá là một trong những nhạc cụ buộc phải có mà thôi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 35-b và 36-a) chép :
    “Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ những chiếc khánh đá và tâu Vua (Lê Thái Tông) rằng :
    - Kể ra thì đời loạn trọng võ, thời bình trọng văn. Nay quả rất đúng là phải chế ra các loại lễ nhạc. Nhưng, (nhạc) phải có gốc mới đứng, phải có văn mới hành. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc vậy. Thần vâng chiếu soạn nhạc, dám đâu không dốc hết sức ra mà làm, nhưng vì học thuật thì nông cạn, chỉ sợ thanh luật chẳng được hài hòa. Cúi xin bệ hạ thương yêu và nuôi nấng muôn dân, khiến cho mọi xóm thôn không còn tiếng oán hờn buồn khổ, như thế mới giữ được gốc của nhạc.
    Vua khen ngợi và tiếp nhận rồi sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm khánh".
    Nhưng, ngay khi thợ đá đang làm khánh, vua Lê Thái Tông lại sai Lương Đăng cùng hợp sức với Nguyễn Trãi để chế định nhã nhạc Ý kiến của hai người trong lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Trãi thấy không thể dung hòa được bèn xin thôi làm công việc vốn rất phức tạp này.
    Cũng sách trên (tờ 38 a-b và tờ 39-a) viết :
    "Tháng 5 (năm Đinh Tị, 1437 - ND), Hành khiển Nguyễn Trãi tâu vua rằng :
    - Mới rồi, bọn thần và Lương Đăng cùng hiệu định nhã nhạc, song, cách của thần không giống với cách của Lương Đăng, nay thần xin trả lại công việc được vua sai làm.
    Trước, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế về mũ áo nhưng chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng thư, đại ý nói như sau :
    - Kể về lễ thì có đại triều và thường triều. Đại triều gồm có những lễ như tế trời, tế cáo ở thái miếu, ngày khánh tiết, ngày chính đán... Trong những ngày đó, Hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, ngồi ở ngai báu, còn như trăm quan thì mặc triều phục, đội mũ chầu. (Tuy cũng thuộc đại triều) nhưng những ngày mồng một hoặc ngày rằm thì Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan cùng mặc công phục, đội mũ phốc đầu, lễ thường triều gồm có những lễ còn lại. Trong những ngày đó Hoàng đế mặc áo bào màu vàng, đội mũ Xung Thiên, ngồi sập vàng, còn như bá quan thì mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì nhạc đại triều dùng cho tế Giao, tế Miếu, tế Ngũ Tự hoặc giả là khi cứu Mặt Trời, Mặt Trăng (khỏi nhật thực và nguyệt thực). Nhạc thường triều và nhạc cửu tấu dùng khi đại yến. Đại để nhạc dùng trong cung mỗi lễ một khác, không thể nhất loạt như nhau. Về Lỗ Bộ đại giá cũng vậy. Xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ, kiệu chín rồng và kiệu bảy rồng... nhanh chậm có khác nhau. Về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kì, mao tiết, chương phiến và long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số người theo hầu cũng đều có quy định cụ thể. Nói chung là nhiều thứ, thần không thể chép ra đây hết được.
    Thư ấy dâng lên, Vua lại sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng vâng mệnh làm và dâng lên những quy chế về mũ, áo và nhạc. Đại để, quy chế của Đăng và của Trãi phần nhiều khác nhau, trọng lượng và số lượng khác nhau đã đành, cả đến cách trình bày cũng khác. Vì lẽ đó, Trãi xin thôi việc này. Vua theo lời tâu của Đăng mà làm".

    Lời bàn :

    Với Nguyễn Trãi, đến cả nhã nhạc cũng phải hợp với lòng dân và hợp với sức dân, niềm vui của triều đình phải thực sự là niềm vui chung của trăm họ. Khi chép sự kiện này vào bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 17, tờ 3) các sử gia thời Nguyễn đã có lời phê rất đúng rằng : “Lời tâu này (của Nguyễn Trãi - ND) tuy đã nói đúng được cái gốc của nhạc nhưng nếu thi hành thì khó đấy”. Lê Thái Tông và Lương Đăng sợ khó chăng ? Dấu ấn của những năm chiến tranh gian khổ trong hai con người này đã mờ nhạt. Gấm vóc nhung lụa đã tạo cho họ một lối nghĩ khác, một cái tình cũng rất khác đối với dân. Nguyễn Trãi xin thôi việc cùng với Lương Đăng soạn nhã nhạc là phải lắm. Một khi Vua đã có ý không tin dùng nữa, bàn thêm phỏng có ích gì ? Nguyễn Trãi không muốn bàn cãi thêm, ắt cũng muốn dành lời bàn cho hậu thế đó thôi.

    Lần sửa cuối bởi buixuanphuong09; 11-10-2016 lúc 12:14 PM

  10. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    28 – VỤ ÁN LÊ SÁT

    Lê Sát sinh năm nào khang rõ, chỉ biết ông người Lam Sơn, từng theo Lê Lợi nổi dậy đánh đuổi quân Minh ngay từ khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vừa mới bùng nổ. Lê Sát là người lập công lớn trong trận Quan Du (Thanh Hóa) năm 1420, trận Khả Lưu (Nghệ An) năm 1424 và đặc biệt là trận Xương Giang (Bắc Giang) năm 1427. Khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ông được phong là Suy trung tán trị hiệp trung mưu quốc công thần, Nhập nội kiểm hiệu tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự. Đến năm 1429, khi triều đình cho khắc biển ghi tên 93 vị khai quốc công thần, tên ông được xếp ở hàng thứ hai, tước hiệu là Huyện thượng hầu. Năm 1433, Lê Sát được gia phong là Dương vũ tĩnh nạn công thần, chức Đại tư đồ, chịu cố mệnh của Lê Thái Tổ mà phò tá Lê Thái Tông.
    Bình sinh, Lê Sát là tướng có tài, quyết đoán nhanh, nhưng là võ tướng ít chữ nghĩa, phép xử sự của ông thường thiếu tế nhị, cho nên, lắm kẻ ghen ghét ông. Có lẽ đó chính là lí do sâu xa dẫn đến vụ án Lê Sát và cái chết thê thảm của ông vào năm Đinh Tị (1437). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11) đã có một vài đoạn chép về ông như sau :
    "Bấy giờ, tuổi Vua đã tương đối lớn, đã có thể xét đoán mọi việc một cách sáng suốt, nhưng Lê Sát thì vẫn tham quyền cố vị, cho nên, Vua rất ghét Sát. Ngoài mặt, Vua vẫn tỏ ra điềm nhiên nên Sát không biết sự ghét bỏ này. Đến đây, (tháng 6 năm Đinh Tị, 1437 - ND), Vua bàn với những người hầu cận, cho rằng : thân thích với Sát chỉ có bọn Lê Ê và Lê Hiệu, còn hiềm khích với Sát thì có bọn Trịnh Khả. Bàn xong, bèn cho bọn Lê Ê và Lê Hiệu ra ngoài (cung đình, nhậm chức ở xa) và giao cấm binh cho Trịnh Khả coi giữ. Sát xin Vua cho giữ Lê Hiệu lại, tâu rằng :
    - Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất.
    Vua (không trả lời, lặng lẽ) trở vào cung. Ngày hôm sau, vua sai người báo cho Đinh Cảnh An rằng :
    - Đại tư đồ được ta cho thăng chức mà không nhận. Ta lại muốn dùng Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng Đô đốc tổng quản mà Sát lại ngăn trở.
    Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích bèn nhân đó mà hặc tội rằng :
    - Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ.
    Tờ tâu (của bọn Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích) dâng lên. Vua trao cho hình quan xét hỏi. Sát cởi mũ, tâu Vua rằng :
    - Nếu ngày nay mà thần bị khép vào tội chuyên quyền, thế thì chẳng phải tội của thần là do Tiên đế sắp đặt mà ra đó sao. Lúc ấy, bọn Lê Văn Linh và Lê Ngân đều cớ sức gỡ tội cho Sát nhưng Vua không nghe" (tờ 40-b và 41-a).
    "(Vua) xuống chiếu rằng : Lê Sát chuyên quyền, nắm giữ việc nước, ghét người tài, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả để mong người phục, bãi chức của Ư Đài hòng bịt miệng bá quan, đuổi Cầm Hồ ra biên ải để ngăn lời Ngôn quan... Mọi việc hắn làm đều trái với đạo làm tôi. Nay ta muốn khép hắn vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì hắn là viên cố mệnh đại thần, từng có công với xã tắc nên được đặc cách khoan thứ, nhưng phải tước bỏ hết quan chức" (tờ 41-b).
    "Cho Lê Sát được tự tử ở nhà. (Vua) xuống chiếu rằng : Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết để hại các bậc trung thần lương tướng, mưu kế thật xảo quyệt, ý định gian phi đã quá rõ, lẽ phải đem chém để rao. Bọn Lê Ngân và Bùi Cầm Hồ cùng tâu rằng :
    - Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần, nếu đem xác đi rao thì sợ để tiếng chê cười cho mai sau.
    (Vua nghe), bên cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. (Vua) sai đem đồ đạc của nhà Sát ban cho các quan" (tờ 43-a).

    Lời bàn :

    Lê Sát một thời xông pha đánh Nam dẹp Bắc, nguy hiểm đến tận cùng mà vẫn toàn được tính mạng, lại còn lập được công to, nếu không phải là người thực tài thật khó mà được vậy. Thế nhưng, giữa thời thái bình thịnh vượng, Lê Sát lại chết tức tưởi vì lời gièm pha, đành Lê Sát cũng có chút lỗi của ông, nhưng nếu phép nước thật công minh, có lẽ ông không phải chết như thế. Bấy giờ, ai cũng nhân danh phép nước, nhân danh chiếu chỉ của Nhà vua, có biết đâu, chính Vua cũng bị hậu cung giằng xé. Quyền bính hậu cung gần như nằm hết trong tay Nguyễn Thị Anh, các bà hoàng đều lần lượt bị bà Nguyễn Thị Anh tìm kế hãm hại. Lê Sát là thân sinh của bà Lê Thi Ngọc Dao. Nguyễn Thị Anh muốn hãm hại bà Ngọc Dao, tất trước phải hãm hại thân sinh của bà là Lê Sát. Sau này cũng vì muốn hãm hại bà Ngô Thị Ngọc Dao, bà Nguyễn Thị Anh đã âm mưu hãm hại Nguyễn Trãi là người đã cưu mang bà Ngô Thị Ngọc Dao đó thôi. Hại người tất sẽ bị người hại. Sau, Nguyễn Thị Anh bị Lê Nghi Dân giết. Mới hay, cái gốc của vụ án Lê Sát lại ở ngay trong hậu cung bí hiểm này.


+ Trả lời chủ đề
Trang 3/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình