+ Trả lời chủ đề
Trang 7/7 ĐầuĐầu ... 5 6 7
Hiện kết quả từ 61 tới 65 của 65

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 5

  1. #61
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    59 - CHÂN TƯỚNG LÊ QUẢNG ĐỘ

    Lê Quảng Độ sinh năm nào, nguyên quán ở đâu, không ai rõ, chỉ biết ông làm quan trải bốn đời vua là Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục và Lê Tương Dực, sau bị vua Lê Chiêu Tông giết vào cuối năm Đinh Sửu (1517).
    Thời vua Lê Hiến Tông (1498 - 1504), Lê Quảng Độ được sử nhắc tới vì đã có công tiến cử Trực Nguyên vào giữ chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên (tức Hà Nội ngày nay). Tháng 6 năm 1504, tức vào đầu đời vua Lê Túc Tông, sử lại chép Lê Quảng Độ được giữ chức Tả đô đốc phủ Trung Quân. Năm 1509, năm của đời Lê Uy Mục (1505 - 1509), ông được phong tước Ninh Quận công.
    Ân huệ của triều đình, Lê Quảng Độ được hưởng nhiều hơn người, nhưng, cũng chính năm 1509, ông là kẻ nhận làm nội ứng cho Nguyễn Văn Lang và Giản Tu Công Oánh lật đổ vua Lê Uy Mục. Chuyện này tuy khó hiểu nhưng cũng dễ bỏ qua, bởi lẽ, Lê Uy Mục là tên bạo chúa, giết Lê Uy Mục kể cũng như hất bỏ được một đống rác trên vũ đài chính trị đó thôi. Nhờ hành vi này, tháng 1 năm Canh Ngọ (1510) Lê Quảng Độ được tấn phong là Thiệu Quốc công.
    Thế nhưng, đến năm 1516 cũng chính Lê Quảng Độ đã hợp mưu với Trịnh Duy Sản để giết chết vua Lê Tương Dực. Lại một lần nữa, chuyện tuy khó hiểu nhưng cũng dễ bỏ qua, bởi xét về nhân cách và phẩm giá, Lê Tương Dực nào có khác gì Lê Uy Mục, chúng sống chỉ tổ làm nhơ nhuốc triều đình mà thôi. Thương hại thay cho Lê Uy Mục cả tin, đích thân đến trao bảo kiếm cho Lê Quảng Độ và Trình Chí Sâm, những mong được sự phò tá đắc lực, dè đâu lại đúng là... nối giáo cho giặc. Tương Dực chết mà chẳng kịp nhận ra Lê Quảng Độ là người thế nào.
    Năm 1516, kinh thành Thăng Long bị náo loạn. Trong thì quan lại đại thần và hoàng tộc giết hại lẫn nhau, ngoài thì Trần Cao khởi nghĩa và tấn công dồn dập. Nghĩa quân Trần Cao đánh chiếm được kinh thành Thăng Long mấy ngày liền. Lê Chiêu Tông vừa mới được đưa lên ngôi, chưa kịp yên vị đã phải một phen khốn đốn.
    Lúc ấy, Lê Quảng Độ với tư cách là bậc Quốc công, đã xin đầu hàng Trần Cao, được Trần Cao ủy cho việc xếp đặt công việc quốc gia. Nhưng rồi Lê Chiêu Tông đánh dẹp được Trần Cao, Lê Quảng Độ phải tức tốc chạy trốn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 37) cho biết, tháng 12 năm 1517, các tướng là Hà Phi Chuẩn và Nguyễn Lỗ đã bắt được Lê Quảng Độ. Vua Lê Chiêu Tông khép Lê Quảng Độ vào tội tử hình.

    Lời bàn :

    Hai lần hợp mưu phế lập, Lê Quảng Độ không hể tỏ được cái đức của bậc lương thần mà chỉ tỏ được cái tâm của kẻ phản trắc. Với Lê Quảng Độ, giết vua này để thay vua khác mà mình được thêm quyền cao chức trọng, thì đó là việc không thể không làm. Ôi, mảnh sắc phong mà Lê Quảng Độ được nhận sau một lần phản trắc, sao mà tanh tưởi đến thế !
    Lê Quảng Độ theo hàng Trần Cao chẳng phải vì cảm phục vị thủ lĩnh của đội quân khuấy nước chọc trời. Cơ may chẳng thể quá tam ba bận. Trần Cao thua, bảo Lê Quảng Độ không hoảng sợ mà chạy làm sao được ?
    Lê Chiêu Tông chẳng hề là bậc chí nhân, nhưng dẫu sao thì khi giết được Lê Quảng Độ, Chiêu Tông cũng đã bớt cho xã hội đương thời một kẻ cơ hội và phản trắc thuộc loại điển hình. Con voi trong khi đang phá rừng đã giẫm chết được một con rắn, dẫu sao thì như thế cũng bớt được một mối lo cho người ở sơn lâm!

  2. #62
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    60 – CHUYỆN VŨ NHƯ TỐ

    Vũ Như Tố người xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc Hải Dương, xuất thân là thợ mộc. Năm Nhâm Thân (1512) Vũ Như Tố bạo dạn dâng lời tâu vua xin dựng đại điện và cửu trùng đài. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 17) viết :
    "Trước, Vũ Như Tố là người thợ mộc quê ở Cẩm Giàng, lấy thân cây mía làm mô hình cung điện có đến trăm nóc rồi dâng lên vua. Vua lấy làm vừa ý, phong cho Vũ Như Tố làm Đô đốc, sai trông coi việc xây dựng hơn trăm cung điện lớn có gác. Nhà vua lại cho bắt đầu xây dựng cửu trùng đài. Mặt phía trước của cung điện thì cho đào hồ thông với sông Tô Lịch. Hồ đào lượn quanh (cung điện) và có làm cống để mở thông ra ngoài. Vua bất thần ngao du bằng thuyền Thiên Quang ở đó suốt ngày đêm. Quân sĩ lớp này làm chưa xong đã sai quân sĩ lớp khác tới. Khi Vua đi chơi hễ thấy ai làm việc vừa ý thì thưởng tiền vàng hoặc bạc. Việc có khi vừa xong dã bắt phá đi, làm lại, xây cất sửa sang hết năm này qua năm khác vẫn chưa xong. Quân dân phục dịch mệt mỏi, bị bệnh dịch và chết khá nhiều”.
    Bấy giờ, vua Lê Tương Dực chỉ lo ăn chơi. Cũng sách trên (tờ 23, quyển 26) cho biết :
    "Nhà vua thích mở mang việc thổ mộc, đắp thành dài mấy ngàn trượng, bao bọc cả điện Trường Quang, quán Chấn Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa. Thành này kéo dài từ phía đông nam đến phía tây bắc, chặn ngang sông Tô Lịch, trên có hoàng thành, dưới có mở cửa cống, xây bằng gạch và đá, lại có sắt chắn suốt bề ngang... Vua sai chế thuyền chiến để đi chơi hồ Tây, bắt phụ nữ cởi trần bơi chèo, lấy đó làm sự thỏa thích".
    "Vua nghe lời tâu xằng bậy của quan Hiệu úy là Hữu Vĩnh (Chưa rõ họ) mà giết chết 15 người tôn thất, toàn tước Vương và tước Công. Vua còn cho triệu cung nhân của Mẫn Lệ (tức vua Lê Uy Mục - ND) và cung nhân của triều trước để tư thông với họ".
    Trăm họ lấy việc hoang chơi của Nhà vua làm mối lo hàng đầu. Năm 1516, Trịnh Duy Sản giết chết vua Lê Tương Dực. Nghe tin đó, tướng Nguyễn Hoằng Dụ đang đóng ở Bồ Đề (Gia Lâm) liền đem quân qua sông cướp bóc, đốt cháy trụi nhiều phố xá trong kinh thành. Những người bị quân Nguyễn Hoằng Dụ giết chết không nhiều, song, trong số không nhiều người ấy có Vũ Như Tố. Lại cũng sách trên (quyển 26, tờ 30) chép rằng :
    “Lúc ấy, Vũ Như Tố đang trông coi việc làm đại điện thì bị giết mọi người đều chỉ hắn mà cười, có người còn nhổ nước bọt vào thây của hắn".

    Lời bàn :

    Giữa thời đất nước điêu linh, dân tình khốn khổ mà đang lòng tâu vua xin xây đại điện và cửu trùng đài, thì lời tâu xin ấy chẳng khác gì một tội ác. Cái chức Đô đốc của Vũ Như Tố sao mà gớm ghiếc đến thế !
    Trịnh Duy Sản giết vua, Nguyễn Hoằng Dụ không giết Trịnh Duy Sản mà giết Vũ Như Tố, thế mới biết Vũ Như Tố bị căm ghét biết ngần nào ! Ôi, chết rồi còn bị nhổ nước bọt vào thây, nhục ấy làm sao mà rửa được ?
    Vũ Như Tố, dám hỏi hồn thiêng ông rằng, đã có tài nghĩ được cách xây đại điện và cửu trùng đài cho vua, sao chẳng có chút tài nghĩ cách xây cho mình một chốn yên thân cỏn con, để đến nỗi ngàn năm còn phơi mặt dính đầy nước bọt khinh rẻ của người đời trong sử sách ?

  3. #63
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    61 - CÁI CHẾT CỦA CHỬ KHẢI, TRỊNH HỰU VÀ NGÔ BÍNH

    Tháng 7 năm Mậu Dần (1518) đời vua Lê Chiêu Tông, Thiết Sơn Bá là Trần Chân bị giết chết. Trước đó một năm, Trần Chân có công đánh đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ về Thanh Hóa, vì thế, ông sinh ra kiêu ngạo. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 26, tờ 38) chép :
    “Trước đó, đánh đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ xong, Trần Chân bèn vơ hết quyền hành về mình, khiến cho đến cả Mạc Đăng Dung cũng phải kiêng nể. Đăng Dung bèn hỏi con gái Trần Chân cho con trai của mình là Đăng Doanh. Bấy giờ, có người hiếu sự làm thơ theo lối sấm ngôn rằng :
    Trần hữu nhất nhân,
    Vi thiên hạ quân,
    Thố đầu hổ vĩ,
    Tế thế an dân.

    (Nghĩa là : Họ Trần có một người, làm vua thiên hạ, đầu thỏ mà đuôi cọp, giúp đời yên dân). Nhân chuyện này, Quốc cữu (cậu của vua - ND) là Chử Khải và bọn Thọ Quốc công Trịnh Hựu, Thụy Quận công Ngô Bính, hợp mưu tính rằng :
    - Trần hữu nhất nhân tức ám chỉ Trần Chân
    - Thố đầu hổ vĩ tức ám chỉ biến loạn sẽ xảy ra vào cuối năm Dần (năm Dần cầm tinh con cọp - ND) và đầu năm Mão (năm Mão là năm cầm tinh con mèo, song cũng có nơi cho là năm cầm tinh con thỏ - ND).
    Chúng cùng sợ cuối năm Dần, đầu năm Mão có biến, bèn khuyên Nhà vua phải sớm trừ liệu đi.
    Đến nay (tháng 7 năm 1518 - ND) Vua cho triệu Trần Chân vào cung cấm rồi hạ lệnh đóng kín cửa thành và sai võ sĩ bắt. Trần Chân trèo lên thành để chạy, người giữ cửa bắt được, đem chém.
    Bấy giờ, bộ tướng của Trần Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính và Nguyễn Áng nghe tin Trần Chân bị giết, liền đem quân xông vào cửa Đại Hưng, nhưng bị người giữ cửa chống lại, không sao vào được. Nhà vua tự mình thống suất quân sĩ tuần hành ở phía trong thành, đồng thời sai người giơ cao đầu Trần Chân cho ai ai cũng thấy. Bọn Kính, Áng bèn rút lui về tụ họp ở Yên Lãng rồi sau lại đưa quân đánh vào kinh thành. (Vì bị bất ngờ), đang đêm, Vua phải chạy sang Gia Lâm lánh nạn, sáng hôm sau lại đến Dương Quang (nay thuộc Bắc Ninh - ND), vào nhà Đô lực sĩ là Đàm Cử, quá trưa vẫn chưa có cơm ăn".
    Giết Trần Chân, Vua trừ được một kẻ kiêu rông, nhưng chính Vua lại tự tiêu hao thực lực của mình. Đúng lúc đó, Mạc Đăng Dung ra tay. Cũng sách trên (quyển 26, tờ 39 và 40) chép tiếp : "Nhà vua ở Dương Quang, hạ lệnh triệu Đăng Dung ở Hải Dương về. Đăng Dung đến bái yết Vua xong thì cho quân thủy đóng ở sông Nhị, lấy cớ là Vua ở Dương Quang xa xôi cách trở, nay xin chuyển về bến Bồ Đề để tiện việc thủy quân chầu chực hộ vệ. Đăng Dung còn mật bàn cùng bọn Kính và Áng, nói rằng, việc giết chết Thiết Sơn Bá (tức Trần Chân - ND) là do lời gièm pha của bọn Chử Khải, Trịnh Hựu và Ngô Bính, nay nếu giết cả ba người ấy đi thì vua tôi lại (được bình an) như cũ, chứ không ai dám có mưu toan gì. Đàm Cử cũng tán thành. Bởi vậy, Nhà vua bèn giết bọn Chử Khải, tất cả ba người, hòng cứu vớt hoạn nạn, nhưng sau đó, bọn Kính, Áng lại càng kiêu ngạo hoành hành, nắm hết cả quyền bính chứ không chịu buông tha".

    Lời bàn :

    Cổ nhân dạy rằng, kiêu rông là tự hại mình, kiêu rông với vua kém tài ít đức là tự nhận lấy cái chết cho mình. Ngẫm chuyện Trần Chân mà thấy lời ấy thật đúng lắm thay !
    Thói thường, vua u tối thì tàn bạo và càng tàn bạo thì càng u tối. Cho nên, Lê Chiêu Tông trừ được Trần Chân mà có diệt hết được nạn chuyên quyền đâu. Mất Trần Chân lại có Mạc Đăng Dung, chuyện ấy chẳng có gì là lạ.
    Thương thay Chử Khải, Trình Hựu và Ngô Bính. Sử không cho hay chư vị lúc ấy xuân xanh đã được bao nhiêu, song, xem phép xử thế thì thấy chư vị ấy sao mà còn ngây thơ quá. Kẻ từng có công như Trần Chân mà còn bị Vua giết bỏ, bảo Vua ngại gì mà chẳng giết chư vị. Bấy giờ, Vua chỉ thương Vua chứ nào có thương ai ?
    Đục nước béo cò, trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế sự, Mạc Đăng Dung đã sớm khẳng định được quyền uy. Chẳng biết nên nói đó là may hay là họa cho xã tắc. Xét việc thời loạn, khó thay !

  4. #64
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    62 - NGÀY TÀN CỦA CHIÊU TÔNG

    Từ năm 1520, Mạc Đăng Dung chỉ chuyên lo củng cố thế lực của mình. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 27, tờ 1) viết rằng :
    "Đăng Dung xin được nắm tất cả binh quyền, nói như thế sẽ tiện việc càn quét giặc giã hơn. Quan Lễ bộ thượng thư là Phạm Gia Mô (người có quan hệ thông gia với Mạc Đăng Dung - ND) nói rằng, nếu để binh quyền phân tán khắp cả năm phủ (đó là Đông quân, Tây quân, Nam quân, Bắc quân và Trung quân - ND) thì Đăng Dung khó có thể làm hết những gì mình đáng phải làm. Nói rồi, Gia Mô hết sức đề nghị đống liêu cùng bảo cử Đăng Dung. Nhà vua từ đó liền cho Đăng Dung tiết chế hết quân doanh thủy bộ khắp cả mười ba đạo và dùng Gia Mô làm Tán lí quân vụ. Vậy là hết thảy quân đội tinh nhuệ cùng khí giới sắc bén cả nước từ đấy nằm gọn trong tay Đăng Dung".
    Cũng sách trên (quyển 27, tờ 3) viết tiếp :
    "Khi ấy, Đăng Dung chuyên quyền chinh phạt, uy thế ngày càng lớn, lòng người hướng dần về Đăng Dung. Kẻ thân tín của Đăng Dung là Phạm Gia Mô cùng phe đảng chia nhau nắm giữ quyền bính trong triều. Hữu đô đốc là Vũ Hộ (em rể Đăng Dung) làm Tổng trấn Sơn Tây, hai đàng cùng ngầm trao tin tức cho nhau. Bà con và bè đảng Đăng Dung đâu đâu cũng có, cấu kết mật thiết với nhau. Bọn quan Thượng thư như Trình Chí Sâm và Nguyễn Ung cũng hùa theo.
    Đăng Dung tiến Vua một người con gái nuôi của mình, được Vua cho làm tần ngự trong cung. Người này theo dõi mọi động tĩnh của Nhà vua. Đăng Dung lại cho em là Quyết coi quân túc vệ và con trai là Đăng Doanh giữ điện Kim Quang. Đăng Dung còn tiếm dùng thuyền rồng và lọng phượng, ra vào cung cấm không chút dè sợ gì cả. Những người tâm phúc của Nhà vua như Thự Vệ là Nguyễn Cấu, Đô lực sĩ là Nguyễn Thọ và Đàm Cử... đều bị Đăng Dung giết hết".
    Khi Nhà vua thấy rõ nguy cơ thì đã quá trễ. Tháng 7 năm 1522, Lê Chiêu Tông mật bàn kế trừ Mạc Đăng Dung nhưng cơ mưu chẳng thành, phải bỏ kinh thành bôn tẩu khắp đó đây và những người tin cẩn của Nhà vua lại tiếp tục bi Đăng Dung hãm hại.
    Tháng 8 năm 1522, Mạc Đăng Dung lập một người em của Lê Chiêu Tông là Hoàng Đệ Xuân lên ngôi bù nhìn. Tháng 10 năm 1525, Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung bắt, đem giam ở phường Đông Hà (Hà Nội), và đến tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung giết Lê Chiêu Tông rồi tự lập làm vua.

    Lời bàn :

    Lê Chiêu Tông hiếu sát mà vô mưu, xét việc trước sau đều rất nông cạn. Mạc Đăng Dung sớm nuôi tham vọng, nhưng xem ra, chính Lê Chiêu Tông đã vô tình giúp Mạc Đăng Dung chóng đạt tham vọng đó. Bởi nông cạn, Lê Chiêu Tông không bao giờ tiên liệu được những mối nguy luôn rình rập mình, thôi thì âu cũng là bởi vận số nhà Lê vậy.
    Song le, giữa cuộc khủng hoảng cung đình với sự yên trị của một Lê Chiêu Tông bất tài và sa đọa, thật khó có thể nói đàng nào bất hạnh hơn.
    Chương đầu của lịch sử triều Hậu Lê đến đó là hết. Một trăm năm nào phải dã dài, vậy mà thịnh đó rồi lại suy đó, tiếc thay !

  5. #65
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    NIÊN BIỂU THỜI LÊ SƠ

    Sau khi lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đuổi giặc Minh đô hộ ra khỏi bờ cõi, lãnh tụ của phong trào Lam Sơn là Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng đế, sáng lập ra nhà Hậu Lê. Trên danh nghĩa, nhà Hậu Lê chiếm giữ vũ dài chính trị đến 360 năm (1428 - 1788), nhưng, đó hoàn toàn chỉ là danh nghĩa, quyền lực thực sự của họ Lê chỉ có trong khoảng một trăm năm đầu, sử gọi đó là thời Lê Sơ.
    Năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Chiêu Tông và lập ra triều Mạc. Những người thuộc lực lượng đối nghịch với Mạc Đăng Dung đã chạy vào Thanh Hóa, tìm người tôn thất nhà Lê để đưa lên ngôi, nhằm tạo ra ngọn cờ chính trị cho mình trong cuộc chiến tranh lâu dài với họ Mạc. Sử gọi đó là chiến tranh Lê - Mạc hay chiến tranh Nam - Bắc Triều.
    Cuối thế kỉ XVI, Nam Triều giành được phần thắng và trở về với cố đô Thăng Long, sử gọi đó là thời Lê Trung Hưng. Từ ngày trở về được với Thăng Long, vua Lê dần dần mất hết quyền hành, chúa Trịnh càng ngày càng trở nên chuyên quyền và độc đoán. Các vua Lê chỉ còn là những kẻ hữu danh vô thực, thậm chí, chỉ tồn tại trong khuôn khổ cho phép của các chúa Trịnh mà thôi. Sử gọi đó là thời Lê Mạt.
    Cũng như ở các tập trước, ở tập 63 giai thoại thời Lê Sơ này, chúng tôi cố gắng lập một bảng niên biểu giản lược, cốt để bạn đọc tiện theo dõi hoặc tra cứu khi cần thiết. Bảng này kê đủ họ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian ở ngôi và tuổi thọ của từng vua. Tất cả ngày tháng ghi trong niên biểu này đều là ngày tháng âm lịch. Riêng năm, ngoài việc kê tên theo can chi, chúng tôi còn ghi chú ngay trong ngoặc đơn bên cạnh, thứ tự của năm tính theo dương lịch.

    1- LÊ THÁI TỔ (1428 - 1433) : Tên thật là Lê Lợi, sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385) tại Chủ Sơn, Lôi Dương, Thanh Hóa. Cha là Lê Khoáng, sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng đế. Mẹ là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trinh Từ Ỷ Văn Hoàng thái hậu. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) ngày mồng hai tết năm Mậu Tuất (1418), xưng là Bình Định Vương. Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh dạo đã giành toàn thắng . Ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Ông ở ngôi gần 6 năm, mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433), thọ 48 tuổi.

    2 - LÊ THÁI TÔNG (1433 - 1442) : Tên thật là Lê Nguyên Long, con của Lê Thái Tổ, do bà Phạm Hoàng hậu (húy là Phạm Ngọc Trần) sinh vào ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão (1423). Tháng 3 năm 1428, Lê Nguyên Long được phong là Lương Quận công và ngày 6 tháng 1 năm 1429, được phong làm Hoàng thái tử. Ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu (1433) được nối ngôi. Thái Tông ở ngôi 9 năm, mất ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), thọ 19 tuổi.

    3 - LÊ NHÂN TÔNG (1442 - 1459) : Tên thật là Lê Bang Cơ, con thứ ba của Lê Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ Hoàng thái hậu (húy là Nguyễn Thị Anh, người ở Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa). Vua sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu (1441), ngày 16 tháng 11 năm 1441 được lập làm Hoàng thái tử, và ngày 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất được lên nối ngôi. Vua ở ngôi 17 năm, thọ 18 tuổi.

    4 - LÊ NGHI DÂN (1459 - 1460) : Nguyên là con trưởng của Lê Thái Tông, do bà Dương Thị Bí sinh vào tháng 6 năm Kỉ Mùi (1439), đến tháng 3 năm Canh Thân (1440) thì được phong làm Hoàng thái tử, nhưng sau bị giáng truất làm Lạng Sơn Vương. Ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết vua Lê Nhân Tông mà tự lập làm vua, ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết chết. Nghi Dân ở ngôi 8 tháng, thọ 21 tuổi.

    5 - LÊ THÁNH TÔNG (1460 - 1497) : Tên thật là Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Năm Ất Sửu (1445) được phong là Bình Nguyên Vương. Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn (1460), sau khi Lê Nghi Dân bị giết, ông được quần thần tôn lên ngôi. Lê Thánh Tông ở ngôi 37 năm, mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị (1497), thọ 55 tuổi.

    6 - LÊ HIẾN TÔNG (1497 - 1504) : Tên thật là Tranh, lại có tên là Huy, con trưởng của Lê Thánh Tông. Thân mẫu của vua là bà Nguyễn Thị Hằng, người quê ở Gia Miêu, Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), con gái của Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, sau bà được tôn phong là Trường Lạc Thái hậu. Vua sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tị (1461), được phong làm Thái tử vào tháng 3 năm 1462, lên nối ngôi từ tháng 2 năm Đinh Tị (1497), ở ngôi gần 8 năm, mất ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tí (1504), thọ 43 tuổi.

    7 - LÊ TÚC TÔNG (1504) : Tên thật là Thuần, con thứ ba của Lê Hiến Tông (Lê Hiến Tông có tất cả 6 người con trai). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Hoàn, quê ở xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bà vốn là Quý phi của Lê Hiến Tông, sau được Túc Tông tôn phong là Trang Thuận Minh Ý Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 03 tháng 8 năm Mậu Thân (1488), được lập làm Thái tử tháng 12 năm Kỉ Mùi (1499), lên ngôi tháng 6 năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được 6 tháng thì mất vào tháng 12 năm 1504, thọ 16 tuổi.

    8 - LÊ UY MỤC (1505 - 1509) : Tên thật là Tuấn, lại có tên khác là Huyên, con thứ hai của Lê Hiến Tông (anh của Lê Túc Tông). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Cận, quê xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (thuộc Bắc Ninh), sau được tôn phong là Chiêu Nhân Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân (1488) lên ngôi tháng 12 năm 1504, ở ngôi 5 năm, bị giết ngày 1 tháng 12 năm 1509, thọ 21 tuổi.

    9 - LÊ TƯƠNG DỰC (1510 - 1518) : Tên thật là Oánh, lại có tên khác là Trừ. Vua là con của Kiến Vương Tân và bà Trịnh Thị Tuyên (người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bà là con gái của quan Đô đốc thiêm sự tả tôn chính Trịnh Trọng Phong). Dưới thời Lê Hiến Tông, Vua được phong là Giản Tu Công. Khi Lê Uy Mục lên ngôi, Vua chạy về Thanh Hóa. Tháng 10 năm 1510 được quần thần tôn lên ngôi để lật đổ Lê Uy Mục. Vua ở ngôi gần 7 năm, bị giết vào ngày 7 tháng 4 năm Bính Tí (1516), thọ 23 tuổi.

    10 - LÊ CHIÊU TÔNG (1518 - 1522) : Tên thật là Y, lại có tên là Huệ, con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, nay thuộc Nghệ An. Vua sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần (1506), lên ngôi ngày 08 tháng 4 năm Bính Tí (1516), ở ngôi 6 năm (1516 - 1522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hóa ngày 18 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng 12 năm Canh Dần (1530), thọ 24 tuổi.

    11 - LÊ CUNG HOÀNG (1522 - 1527) : Tên thật là Xuân, lại có tên khác là Khánh, em cùng mẹ với Lê Chiêu Tông, vì thế, sử thường gọi là Hoàng Đệ Xuân. Sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng 12 năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa), ở ngôi 5 năm. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ 20 tuổi.

    *
    **
    Như vậy, thời Lê Sơ có tất cả 11 vua, đó là chưa kể vua Lê Quang Trị, lên ngôi tháng 4 năm 1516, mới được 3 ngày, chưa kịp đặt niên hiệu đã bị đưa vào Thanh Hóa rồi chết ở trong đó.
    Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ, chúng ta thấy :
    - Vua thọ nhất là Lê Thánh Tông (55 tuổi), vua qua đời sớm nhất là Lê Túc Tông (16 tuổi). Ngoài Lê Túc Tông, thời Lê Sơ còn có 7 vị vua khác tuổi đời từ dưới 20 đến 24 tuổi.
    - Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ thì có đến 6 vị vua (Nhân Tông, Nghi Dân, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng) bị giết.
    - Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Thánh Tông (37 năm) và vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Túc Tông (6 tháng) và Lê Nghi Dân (8 tháng).
    - Vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông (lúc mới hơn 1 tuổi). Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ (43 tuổi) và Lê Hiến Tông (36 tuổi).

    HẾT TẬP 5

+ Trả lời chủ đề
Trang 7/7 ĐầuĐầu ... 5 6 7

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình