+ Trả lời chủ đề
Trang 7/7 ĐầuĐầu ... 5 6 7
Hiện kết quả từ 61 tới 69 của 69

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 6

  1. #61
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    59 - CUỘC BẠO LOẠN ĐẦU TIÊN CỦA ƯU BINH

    Bởi cuộc hỗn chiến kéo dài triền miền, các guồng máy chính quyền ở nước ta trong khoảng thế kỉ XVI và XVII đã thực hiện chính sách bắt lính rất gắt gao. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (Binh chế chí) của Phan Huy Chú, lính của Nam triều được chia làm hai loại. Loại tuyển ở vùng Thanh Nghệ (vùng lập nghiệp của Nam triều) gọi là ưu binh, loại tuyển từ đất tứ trấn (tức bốn trấn thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, vốn là vùng bị Bắc triều chiếm giữ khá lâu dài), thì gọi là nhất binh. Tuy đều cùng là lính của Nam triều nhưng ưu binh bao giờ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ khá hơn nhất binh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ ưu binh được thành lập sớm hơn, từng trải trận mạc nhiều hơn, và do đó, cũng có nhiều công lao hơn. Chế độ đãi ngộ này, cùng với một loạt những nguyên nhân khác, đã dần dần biến ưu binh thành kiêu binh. Họ ngang tàng càn rỡ, trên thì coi thường vua chúa và bá quan văn võ, dưới thì ức hiếp nhân dân, chính sự vốn đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn nữa. Năm Giáp Dần (1674), ưu binh đã thực hiện cuộc bạo loạn đầu tiên, khiến cho kinh thành Thăng Long phải một phen điêu đứng.
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 36 và 37) viết:
    "Lúc bấy giờ, ưu binh Thanh Nghệ cậy có công lao nên sinh ra kiêu ngạo và phóng túng. (Nguyễn) Quốc Trinh (người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đỗ Trạng nguyên khoa Kỉ Hợi, 1659. Chữ Trinh thường bị chép nhầm thành chữ Khôi) cùng với (Phạm) Công Trứ (Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng cũ, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, 1628) bàn cách kìm hãm bớt sự ngông cuồng của chúng, vì thế, ưu binh không bằng lòng. Đúng lúc ấy, các quan là Phạm Kiêm Toàn và Lê Hiệu vì mắc tội, bị giáng chức nên có ý bất mãn. Hai người nhân đà bất bình của ưu binh, nói khích thêm vào, khiến họ bị kích động, reo hò ầm ỹ, đón đường giết chết (Nguyễn) Quốc Trinh, rồi xông đến cướp phá nhà (Phạm) Công Trứ. Công Trứ phải chạy trốn ra ngoài mới thoát được nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cấp tiền cấp bạc cho họ, bấy giờ, họ mới tạm chịu ngưng.
    (Trịnh) Tạc mời (Phạm) Công Trứ vào trong phủ, ban cho một ít vàng để an ủi, sau đó, (Trịnh) Tạc sai bắt giết ba tên lính cầm đầu cuộc nổi loạn để tế (Nguyễn) Quốc Trinh, truy tặng (Nguyễn) Quốc Trinh chức Binh bộ Thượng thư, tức Tri Quận công, lại đặt cho tên thụy là Cương Trung và cho lục dụng con cháu.
    Khi làm quan ở triều, (Nguyễn) Quốc Trinh là người khảng khái dám nói điều chưa phải (của vua và chúa cùng các quan), nay chết trong đám loạn quân nên ai cũng thương tiếc. Còn bọn (Phạm) Kiêm Toàn và Lê Hiệu cũng bị trị tội vì có dự mưu chung với loạn quân".
    Lời bàn: Nổi giận giết chết cả đại thần, ưu binh quả có làm điều không phải, nhưng có thế, thời loạn mới ra thời loạn đó thôi. Trách họ không biết giữ kỉ cương và phép nước chăng? Thì đành vậy, nhưng kỉ cương và phép nước đã bị vua chúa xé nát đã lâu, còn đâu mà bảo họ giữ. Lẽ thường, hễ có vay là có trả, phủ Chúa và cung Vua được xây bằng xương máu của họ, trong phút nổi giận không kiềm chế được, họ lấy lại có chừng ấy, nào thấm tháp gì đâu. Kể thì họ cũng có lỗi vì đã lấy sai địa chỉ, nhưng biết sao hơn được, lính mà.
    Khá thương cho Nguyễn Quốc Trinh, hoạn lộ đang khi rộng mở, chưa kịp đắc chí đã phải đầu rơi máu chảy, ngậm hận lớn mà về với suối vàng. Cũng khá thương cho Phạm Công Trứ, lấy cớ cao niên để xin trí sĩ mà vẫn không yên, bị triệu ra nhận chứ, . chưa được một năm đã phải hú vía vì loạn ưu binh, không nhờ phúc tổ và chút tài chạy lánh nạn, ắt đã về âm phủ cùng lượt với Nguyễn Quốc Trinh rồi!
    Chúa Trịnh Tạc phải cậy nhờ đến tiền bạc mới có thể khiến cho quân sĩ tạm yên. Thế mới biết, khi mà đạo nghĩa bị chà đạp, chỉ có tiền mới xoay chuyển được tất cả. Ôi, thương thay cũng một kiếp người!

  2. #62
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    60 - BUỒN THAY, CHƯ VỊ ĐẠI NHÂN!

    Năm 1683, khi cảm thấy không thể lợi dụng con bài chính trị là phe đảng họ Mạc được nữa, nhà Mãn Thanh liền bắt tất cả lực lượng này đem trả cho vua Lê - chúa Trịnh. Tiếc thay, sự kiện có phần tích cực rất đáng được ghi nhận ấy lại diễn ra một cách không bình thường. Không ít chư vị đại nhân của cả đôi bên để lại tiếng xấu khó bề bỏ qua được khi vâng mệnh của triều đình thực thi công vụ này. Buồn thay !
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 13 và 14) chép sự kiện này như sau:
    "Tháng sáu năm trước (năm 1682 - ND), vua nhà Thanh hạ lệnh cho các quan ở Quảng Tây (Trung Quốc - ND) phải trao trả tù binh, gồm tất cả những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu. Quan Tuần phủ tỉnh Quảng Tây là Thích Dục liền báo tin này cho ta hay. Triều đình sai quan Phó Đô ngự sử là Vũ Duy Đoán và Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan Thân Đức Tài, cùng đến cửa ải biên giới để nhận tù binh.
    Khi trao đổi công văn, tên của Duy Đoán đứng dưới tên của Đức Tài, đến nay (tháng 6 năm 1683 - ND), triều đình lại sai Vũ Duy Đoán và Vũ Công Đạo đi nhận tù binh. Vũ Duy Đoán đã thăng chức Thượng Thư, còn Vũ Công Đạo thì chỉ là quan Đô ngự sử, nhưng chúa Trịnh Căn lại muốn giữ nguyên thứ tự tên của Vũ Duy Đoán như trong công văn cũ. Vũ Duy Đoán khảng khái nói:
    - Tôi lấy làm xấu hổ vì chức Thượng thư của tôi chẳng qua là Chúa đặt ra cốt cho đủ lệ bộ mà thôi. Những tưởng, Vương thượng coi Nam nha (chỉ các quan văn võ nói chung - ND) cao quý hơn hẳn Hoàng môn (chỉ hoạn quan - ND), nào ngờ giờ đây Hoàng môn
    lại ở trên Nam nha, cho nên tôi không dám vâng mệnh.
    Vũ Công Đạo cũng cố biện bác, nói là không nên làm (trái thứ bậc) như vậy. (Trịnh) Căn giận lắm, bèn bãi chức của cả hai người rồi ra lệnh cho quan Bồi tụng là Nguyễn Quai cùng với các quan Cấp sự trung là Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng và (Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan) Thân Đức Tài đi thay.
    Quan Thông phán ở Nam Ninh (Trung Quốc) là Vương Quốc Trinh được triều Mãn Thanh ủy thác việc trao trả tù binh, muốn mọi việc sẽ được tiến hành ở cửa Thủy Khẩu (Cao Bằng). Hắn làm sẵn nhà ở nơi đó để đợi phái bộ của ta. Bọn Nguyễn Quai viện lẽ rằng, Cao Bằng không phải là nơi giao nhận, nên không thể theo. (Vương) Quốc Trinh trong lòng thì căm tức nhưng vẫn phải gượng nghe theo mà đến trấn Nam Quan. Đến nơi, hắn thả cho lính của hắn đánh bừa vào quân ta, đâm thủng cả hai lần áo cừu của (Đặng) Đình Tướng, đã thế lại còn đòi nạp phạt 5.500 lạng bạc về khoản di chuyển hành lí (từ Cao Bằng sang Nam Quan).
    Số tù binh người nhà Mạc mà họ trao trả, lớn nhỏ tổng cộng là 350 người. (Thân) Đức Tài kiểm xét xong, phân phối cho về ở lẫn với dân Lạng Sơn, cốt cho họ yên phận, riêng bọn Kính Liêu (là bọn đầu sỏ) gồm cả thảy 121 người thì dẫn giải về kinh, dâng ở dưới cửa khuyết. Nhà vua ngự đến điện Càn Nguyên để nhận tù binh, sau lại sai dẫn chúng đến phủ Chúa để chúng chịu tội. Tất cả bọn họ đều được tha, riêng bọn Kính Liêu, tổng cộng ba người, còn được triều đình trao cho quan chức, số còn lại, phân phối cho đi ở lẫn với dân các nơi trong xứ, hàng năm giúp đỡ cho họ chút ít vải vóc và tiền bạc.
    Sau, triều đình xét thấy (Đặng) Đình Tướng đưa số bạc cho (Vương) Quốc Trinh của nhà Thanh nhiều quá nên giáng bớt một trật, Nguyễn Quai và (Trần) Thế Vinh vì có bệnh, không dự vào việc họp bàn giao bạc cho (Vương) Quốc Trinh nên bị phạt tiền nhiều ít có khác nhau.
    Xong, triều đình đưa thư sang nhà Thanh nói rõ tình trạng yêu sách nhũng nhiễu và thiếu lễ độ của bọn (Vương) Quốc Trinh. Viên Tổng đốc Lưỡng Quảng (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ xét hỏi và dâng án (Vương) Quốc Trinh về triều đình, khiến Quốc Trinh bị khép vào tội trảm giam hậu (bị xử tội chém, nhưng còn giam lại để sau có thể xét lại - ND), còn số bạc mà Quốc Trinh thu được đều bị đem sung công".
    Lời bàn: Quan Thượng thư là Vũ Duy Đoán trọng vị thế của mình hơn cồng việc của quốc gia, đành rằng trước đó Trịnh Căn cũng có lỗi, nhưng bãi chức của Vũ Duy Đoán là phải lắm. Vũ Công Đạo may nhờ Vũ Duy Đoán được thăng chức Thượng thư nên mới được giữ chức Đô ngự sử của Vũ Duy Đoán trước đó, bởi vậy, nói lời ủng hộ Vũ Duy Đoán là lẽ tự nhiên, và tất nhiên, bị bãi chúc cũng là chí phải.
    Chỉ mỗi việc đi nhận một đám tù binh mà quan Thượng thư Tiến sĩ là Vũ Duy Đoán, quan Đô ngự sử là Vũ Công Đạo bị bãi chức, quan Bồi tụng Tiến sĩ là Nguyễn Quai, quan Cấp sự trung Tiến sĩ lảàĐặng Đình Tướng, cùng chư vị quan lớn khác, kẻ bị giáng, người bị phạt, lạ thay! Nghe đâu đương thời, có người đã sắp hương án, lạy riêng chư vi Tiến sĩ mỗi người trăm lạy, kính thỉnh chư vị cất kĩ mảnh bằng, kẻo nó bốc mùi, làm ô uế cả núi rừng biên cương và đất đai xã tắc.
    Quan Cấp sự trung là Tiến sĩ Đặng Đình Tướng bị đâm suýt chết mã vẫn ngoan ngoãn nạp tiền phạt cho kẻ vô lễ đâm mình, xin kính bẩm, rằng chẳng hay khí phách của ngài đáng giá bao nhiêu?
    Khéo góp sao, thiên triều cũng có Vương Quốc Trinh. Thiên triều khép ngài vào tội trảm giam hậu, nhưng ngài đã tự giết ngài từ trước rồi, phải không?
    Ôi, buồn thay, chư vi đại nhân!

  3. #63
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    61 - TRĂM LẠY HAI VỊ TƯỚNG QUÂN

    Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 6) đã chép khá nhiều đoạn về hoạt động của quân đội Đàng Trong tại Gia Định. Hai trong số các vị tướng được nhắc nhở tới nhiều hơn cả là Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, chỉ tiếc là nhắc tới với nhiều việc làm không hay. Xin tóm lược sách trên mà kể như sau:
    Năm 1679, các tướng Dương Ngạn Địch (cũng gọi là Dương Nhị) và Hoàng Tiến đem quân đến Mỹ Tho, tổ chức khai khẩn đất đai vùng này. Năm 1688, Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết Dương Ngạn Địch, và điều ấy khiến cho chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) rất lo ngại. Chúa đang bàn kế đối phó thì có chức Đội trưởng là Trương Thiêm Lộc xin tiến cử Mai Vạn Long cầm quân vào Nam. Bấy giờ, Mai Vạn Long đã ngót sáu chục tuổi, sức đã yếu, Chúa có ý ngần ngại, nhưng Trương Thiêm Lộc ví Mai Vạn Long cũng chẳng kém gì Mã Viện của Trung Quốc thuở nào nên Chúa đã chấp thuận.
    Trương Thiêm Lộc cố sức tiến cử Mai Vạn Long, chẳng qua cũng chỉ vì Mai Vạn Long là cậu ruột, và quan trọng hơn, Trương Thiêm Lộc nghe đồn rằng Gia Định là đất giàu có, Mai Vạn Long mà vào đó thì thế nào Trương Thiêm Lộc cũng được nhờ. Đến nơi, Mai Vạn Long đã lập mưu và trừ được Hoàng Tiến, nhưng rồi ông lại bị một người đàn bà tên là Chiêm Rao Luật (cũng viết là Chiêm Dao Luật) mê hoặc, khiến cho quân sĩ dưới quyền bất bình, bởi Mai Vạn Long chỉ mới làm được một việc trong số nhiều việc Chúa giao mà đã lo nghỉ ngơi vui thú.
    Chúa Nguyễn Phúc Trăn hay tin, giận lắm, liền sai tướng Nguyễn Hữu Hào (anh của Nguyễn Hữu Cảnh, con của Nguyễn Hữu Dật) cầm quân vào Nam, nhân danh Chúa, cách chức Mai Vạn Long và làm nốt những việc còn lại. Nguyễn Hữu Hào vào, lúc đầu ông đã tuyên bố nhiều câu có vẻ rất kiên quyết thực thi mệnh chúa, nhưng rồi Chiêm Rao Luật tới, nói mấy lời nỉ non đưa đẩy, Nguyễn Hữu Hào cũng bị ngã quy, chẳng khác gì Mai Vạn Long. Tin chẳng lành này chẳng mấy chốc đã bay về phủ Chúa.
    Sách trên cho hay, chúa Nguyễn Phúc Trăn tức giận, liền lột hết chức tước và đuổi Nguyễn Hữu Hào về làm thứ dân.
    Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, thân là tướng cầm quân mà tai thích nghe lời nỉ non, lòng còn mải mê vui thú, thì trước sau gì cũng thân bại danh liệt.
    Khi người phụ nữ có nhan sắc, lại có tài sử dụng nhan sắc cho những ý đồ mãnh liệt của họ, thì xin hãy liệu chừng hỡi tất cả nam nhi. Dũng mãnh như Mai Vạn Long tướng quân và Nguyễn Hữu Hào tướng quân mà còn phải đầu hàng nữa là...
    Trăm lạy hai vị tướng quân !

  4. #64
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    62 - BÁN MỘT DẢI GIANG SƠN LẤY 4000 LẠNG BẠC!

    Chép việc của tháng 10 năm Kỉ Tị (1689), sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 23 và 24) có đoạn như sau:
    "Thôn Na Oa, châu Lộc Bình (Lạng Sơn) là nơi đất đai rộng rãi và mầu mỡ, nằm tiếp giáp với châu Tư Lăng (của Trung Quốc - ND). Thổ tù là Vi Đức Thắng đời đời cư ngụ ở đất này.
    Gần đây, vì biên giới phương Bắc bất ổn, đất đai phần nhiều bị bỏ hoang, nhân cơ hội ấy (Vi) Đức Thắng bèn xâm chiếm luôn bảy thôn của châu Tư Lăng rồi chiêu tập dân ở biên giới đến lập thành thôn trại.
    Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Vinh Diệu đem việc này tố cáo với quan Tổng đốc Quảng Tây (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ. Vả chăng, (Vi) Vinh Diệu thấy đất Na Oa mầu mỡ nên cũng muốn nhân đó để lấy hết về cho mình. Việc này, triều đình đã từng cho đưa công văn lên để cùng khám xét, nhưng suốt cả mấy năm trời vẫn chưa xong.
    Sau, triều đình sai Đoàn Tuấn Khoa cùng với quan Giám sát Ngự sử là Lê Chí Tuân sang phủ Tư Thành (thuộc Quảng Tây - ND) của nhà Thanh để hội khám. Có viên quan trong quân phủ của nhà Thanh là Lân Sần hỏi Vi Đức Thắng rằng:
    - Bên tả và bên hữu của động núi thì gọi là gì?
    (Vi) Đức Thắng không sao trả lời được, thành ra cuộc hội khám này bất thành.
    Triều đình đành đình chỉ chức Bồi tụng của (Đoàn) Tuấn Khoa.
    Đến đây, triều đình lại sai (Đoàn) Tuấn Khoa đi hội khám. Về phía nhà Thanh, nhà Thanh cử viên quan trong quân phủ của phủ Tư Minh là người họ Trần, cùng với viên quan trong quân phủ của dinh Quỳ Đạo là người họ Trương (cả hai đều chưa rõ tên). Lúc ấy, (Đoàn) Tuấn Khoa giấu (Vi) Đức Thắng ở một nơi riêng, không cho hội kiến. Mỗi khi người nhà Thanh hỏi việc gì, (Vi) Đức Thắng phải giả vờ câm, nhờ phiên dịch trả lời thay.
    Tới lúc đi cắm cột mốc phân chia ranh giới, Vi Vinh Diệu chỉ một ngọn núi cao, trên có con sư tử đá màu trắng, lấy đó làm chỗ phân chia hai nước. Quan của nhà Thanh được cử đi hội khám nói:
    - Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống đến đất Na Oa? Có phải ngươi cậy thế là người của thiên triều để xâm chiếm đất đai An Nam hay không?
    Hai bên bèn quyết định lấy đất Na Oa trả về cho châu Lộc Bình (là một châu thuộc Lạng Sơn của ta - ND). (Vi) Vinh Diệu tự nghĩ, đã không chiếm được Na Oa thì cũng chẳng tham gì bảy thôn hoang vu kia, bèn bỏ luôn một thể. (Đoàn) Tuấn Khoa cùng người nhà Thanh lập mốc đá rồi về.
    Về đất bảy thôn mà ta được nhận, tất cả đều hoang vu, không hề có bóng người, không hề thấy khói bếp, chỉ có đất Na Oa là rộng rãi, người đông, mối lợi thu được khá lớn. Trịnh Căn khen về việc này, bèn phục chức Bồi tụng cho (Đoàn) Tuấn Khoa.
    Về sau, Thổ ti của châu Tư Lăng cứ kiện tụng mãi, triều đình phải sai quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn cùng với quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích đi khám xét. Viên thổ tù của châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc đến làm tin, để ở thôn Na Oa, (thổ tù của Na Oa) là Vi Phúc Kiêm tự ý ưng thuận. (Vi) Thế Hoa bèn đào hào và dựng ba bia đá ở xã An Khoái, châu Lộc Bình (làm địa giới mới). Từ đấy, đất Na Oa lại bị nhà Thanh chiếm mất".
    Lời bàn: Vi Đức Thắng trước đã cho nói mà nói chẳng nên lời, vì thế, sau có bị đóng vai người câm cũng là chí phải. Cha ông vẫn dạy: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe đó thôi !
    Quan Bồi tụng là Đoàn Tuấn Khoa bị thua cuộc trong chỗ không ngờ, cho nên mới quyết chí lập công chuộc tội, kể cũng đáng khen. Chúa Trịnh Căn tái cử ông đi hội khám, thế cũng đáng cho là hiểu rõ liêu thuộc của mình vậy. Cái kế mà Đoàn Tuấn Khoa thi hành, chẳng qua cũng chỉ là kế mọn, nhưng biết làm sao hơn được, kẻ tiểu nhân vẫn thường sợ mẹo vặt hơn sợ sự đường đường chính chính đó thôi.
    Tiếc thay, chỉ 4000 lạng bạc của Vi Thế Hoa mà Vi Phúc Kiêm đã mờ mắt cam lòng đem đất Na Oa mầu mỡ cho nhà Mãn Thanh. Một dải giang sơn thiêng liêng là vậy mà sao nỡ rẻ rúng đến vậy. Căm giận thay!
    Nhưng, giận riêng Vi Phúc Kiêm mà được chăng? Trên Vi Phúc Kiêm còn có quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích, trên Đinh Phụ Ích còn có quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn, và trên Nguyễn Đình Hoàn lại còn có cả Vua lẫn Chúa cùng bá quan văn võ đó thôi.
    Gớm thay đồng bạc, kẻ tham dẫu gần hay xa đều mờ mắt vì nó cả !

  5. #65
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    63 - CHUYỆN NĂM GIÁP TUẤT (1694) Ở BỘ LẠI

    Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694) một loạt các vị quan lớn của bộ Lại như Tả thị lang là Nguyễn Danh Nho, Hữu thị lang là Ngô Sách Tuân và Lại Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Đình Trụ... cùng đồng thời bị giáng chức, khiến cho bộ Lại phải một phen lao đao. Xưa bộ Lại là cơ quan chuyên trách việc tuyển bổ quan viên, quyền uy hơn hẳn nhiều bộ khác, bởi lẽ này, đây là nơi thường có lắm chuyện chẳng hay, như hối lộ và nhận hối lộ, quen biết và gởi gắm, nịnh hót và mua chuộc... v.v. Sự kiện tháng 7 năm Giáp Tuất (1694) có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 33 và 34) viết rằng:
    "Tả thị lang bộ Lại là Nguyễn Danh Nho lo việc tuyển bổ quan chức. Có người tố cáo rằng, việc tuyển bổ này nhũng lạm và bừa bãi, phần nhiều không hợp lệ. Quan Hữu thị lang là Ngô Sách Tuân thì tư túi, tự ý tuyển bổ hai người học trò của mình. Việc này buộc phải để triều đình xét xử. Kết quả: (Nguyễn) Danh Nho bị giáng làm Hữu thị lang Bộ Hình, (Ngô) Sách Tuân làm Tham chính Lạng Sơn.
    Quan Lại Khoa Cấp sự trung là Nguyễn Đình Trụ, do không biết đàn hặc và bắt bẻ việc tuyển bổ ấy, nên bị giáng làm Hiệu thảo. Việc này, có đến hai mươi bốn người bị truy cứu và bị tịch thu giấy cao thân (đại để cũng như quyết định tuyển bổ in sẵn, đồng ý tuyển bổ ai thì họ cứ đề tên người đó vào - ND).
    Ngô Sách Tuân tố cáo rằng: Lê Hy khi còn đang làm việc ở bộ Lại cũng tư túi, lén lút làm việc cầu cạnh gởi gắm cho con là Lê Thuyên và cho học trò là Tô Hinh. Việc này cũng được (Chúa) giao xuống cho bầy tôi trong triều đình bàn xét, nhưng lời của (Ngô) Sách Tuân chả có gì làm bằng cớ, cho nên (Ngô) Sách Tuân lại phải giáng làm Đô cấp sự trung.
    Nguyễn Đình Trụ từ khi bị giáng chức, được rỗi rãi nên dạy bảo, rèn luyện cho học trò có đến cả ngàn người, nhiều người thành đạt, đỗ đại khoa trước sau đến hơn bảy chục người".
    Lời bàn : Quan lại mà cố ý làm sai chức trách, tư túi hoặc kéo bè kết đảng là tội không thể tha. Việc họ làm vừa khiến cho chính sự rối ren và thối nát, lại vừa xúc phạm đến đạo lí và nhân luân, trên thì hại nước dối vua, dưới thì khiến cho bậc chân tài bị vùi lấp, rốt cuộc, chỉ có lũ tiểu nhân là đắc chí, đáng khinh thay !
    Song, xét xử như triều đình đương thời, tốt nhất là không nên xét xử. Nguyễn
    Danh Nho đang là Tả thị lang bộ Lại (kể như Thứ trưởng thứ nhất của bộ Lại - ND). bị giáng làm Hữu thị lang bộ Hình (kể như là Thứ trưởng thứ hai của bộ Hình - ND). Bộ Hình là bộ chuyên trông coi việc xét xử, án kiện và ngục tụng. Chẳng hay quan lớn Nguyễn Danh Nho sẽ xét xử ra sao?
    Ngô Sách Tuân ở triều thì mang tội tư túi, cho đi làm Tham chính ở Lạng Sơn, được toàn quyền quyết định mọi việc cả một vùng biên ải, liệu cái tính tắt mắt tư túi của quan lớn Ngô Sách Tuân có bớt được chăng?
    Ra biên ải, Ngô Sách Tuân lại tố cáo quan trong triều, triều đình xét xử, lại đưa Ngô Sách Tuân về giữ chức Đô cấp sự trung ở kinh thành, lôi thôi như vậy, liệu phép nước có đủ sức giúp Ngô Sách Tuân sửa mình được không?
    An phận hơn cả là Nguyễn Đình Trụ. Ông về mở trường dạy học, học trò đông, kẻ đỗ đại khoa cũng nhiều. Hồi ấy, người ta đi học là để học làm quan. chẳng hay, thầy Nguyễn Đình Trụ sẽ giảng giải như thế nào về thành ý và chính tâm, về việc chung thân giữ lòng cương trực?

  6. #66
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    64 - DẤU CHẤM HẾT CUỘC ĐỜI CỦA NGÔ SÁCH TUÂN

    Ngô Sách Tuân người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1676), làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, từng được thăng tới chức Hữu thị lang bộ Lại. Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694), Ngô Sách Tuân bị giáng làm Đô ngự sử. Tháng 12 năm Bính Tí (1696), Ngô Sách Tuân lại phạm tội, và lần này thì ông bị giết. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34, tờ 39) chép như sau:
    "Lúc ấy, (Ngô) Sách Tuân giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hoa. Trước khi đi Thanh Hoa, (Ngô) Sách Tuân có đến yết kiến quan Tham tụng là Lê Hy. Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho (Ngô) Sách Tuân biết. Nhưng, sau vì thấy quyển thi của các con Lê Hy không được xếp vào hạng trúng cách (Ngô) Sách Tuân muốn nhân dịp này xoá mối hiềm khích với Lê Hy (tháng 7 năm 1694, Ngô Sách Tuân tố cáo Lê Hy lén lút làm chuyện gởi gắm con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh, nhưng triều đình xét thấy không đủ bằng cớ - ND), bèn lấy quyển thi của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.
    Quan Đề điệu trường thi này là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với (Ngô) Sách Tuân là sẽ giấu kín việc này. Nhưng, quan Tham chính Thanh Hoa là Phan Tự Cường phát giác được, tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết - ND), Ngô Hải vì không biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn (Phan) Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.”
    Chép xong chuyện này, các sử gia thời Nguyễn đã có Lời cẩn án rất sắc sảo như sau:
    "Lê Hy làm Tể tướng một nước, thế mà gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và (Ngô) Sách Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép nước mà xét thì tội hai người như nhau, vậy mà chỉ mình (Ngô) Sách Tuân bị trị còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước làm sao được nữa!
    Phan Tự Cường biết hạch tội (Ngô) Sách Tuân mà không.một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu vậy. (Phan) Tự Cường cũng cùng một loại với (Ngô) Sách Tuân mà thôi".
    Lời bàn: Có mỗi một khoa thi Hương, kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, vậy mà hỏng một cách thảm hại lại là bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, nhục thay !
    Chư vị sử gia thời Nguyễn, sắc sảo thì quả là thật sắc sảo, song, chừng như chư vị chỉ muốn mượn Lời cẩn án để kí thác chút tâm sự với thời cuộc đó thôi. Tự cổ búa rìu của phép nước vẫn giáng từ trên xuống, có đâu lại vung từ dưới lên, vung lên như thế, lỡ bay đầu Tể tướng, bay luôn đầu cả Chúa lẫn Vua, thiên hạ như gà con mất mẹ, biết nương tựa vào đâu. Vả chăng, vung lên lâu ngày quen tay thành tật, chư vị ngồi trong kinh thành, nhỡ bị họa lây thì lấy ai mà viết sử?
    Kẻ hậu sinh này viết tới đây, ngẩn ngơ mà tình cờ dừng lại, ngắm mãi cái gì đen đen trong trang sử cũ, một lúc sau mới chợt nhận ra đó chính là xác Tiến sĩ Ngô Sách Tuân đang treo lủng lẳng, khô như một nét sổ của trang chữ Hán lạnh lùng. Mạo muội dịch ra quốc ngữ, lại nhìn kĩ lần nữa, thì chao ơi, cái xác treo lủng lẳng ấy bay vào trang đánh máy, chẳng khác gì cái dấu chấm than. Hóa ra, dấu chấm hết cuộc đời của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân lại là dấu chấm than!

  7. #67
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    65 - PHÉP NƯỚC ĐỜI VUA LÊ HUY TÔNG VÀ CHÚA TRỊNH CĂN

    Theo thông lệ, hàng năm, hoặc giả là vài ba năm, triều đình vua Lê - chúa Trịnh lại tổ chức khảo quan. Đại đề, đây là một hình thức khảo xét quan lại các cấp để quyết định việc thăng hoặc giáng cấp của họ. Cũng có năm, việc khảo quan được tiến hành chẳng khác gì một kì thi, nghĩa là cũng có bài thi viết, có người được triều đình cử làm giám khảo để chấm hẳn hoi.
    Cuộc khảo quan năm Bính Tí (1696) dưới thời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705) và chúa Trịnh Căn (1682 - 1709) cũng có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Tiếc thay, cuộc khảo quan ngỡ như chặt chẽ này lại tỏ rõ phép nước lúc ấy bị khinh nhờn quá mức. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 36), khi chép việc của tháng 8 năm Bính Tí (1696) đã cho biết như sau:
    "Giáng chức của Nguyễn Quan Nho từ Tham tụng xuống hàng Tả thị lang bộ Binh, liền đó lại cho làm chức Đô ngự sử.
    (Nguyễn) Quan Nho là người giản dị. Bấy giờ, sắp có cuộc khảo quan ở kinh thành và các trấn, chúa Trịnh Căn triệu (Nguyễn) Quan Nho và Lê Hy vào phủ để nghĩ sẵn đề thi, đồng thời căn dặn rằng:
    - Không được tiết lộ cho ai biết.
    (Nguyễn) Quan Nho ngồi nói chuyện chơi với Đặng Đình Tướng, có vô ý làm lộ một phần đề thi. Quan Thái giám là Ngô Phan Lân, vốn từ lâu đã không bằng lòng với (Nguyễn) Quan Nho, liền đem việc này tố cáo. Trịnh Căn giận lắm, bèn biếm chức của (Nguyễn) Quan Nho, nhưng rồi ngay hôm sau, vì có quan Đô ngự sử là Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, Trịnh Căn cho (Nguyễn) Quan Nho làm Đô ngự sử."
    Về chuyện Nguyễn Quý Đức bị giáng chức, cũng sách trên cho biết như sau:
    "Con em của Đô ngự sử Nguyễn Quý Đức có người nhận của đút lót từ người bị kiện. (Nguyễn) Quý Đức biết chuyện, đem tang vật trình nạp và tâu bày mọi lẽ, nhưng triều đình xét thấy (Nguyễn) Quý Đức xử kiện không đúng lẽ, số tang vật đem trình nạp cũng không đầy đủ, nên giáng (Nguyễn) Quý Đức làm Tả thị lang bộ Binh".
    Chép đến đoạn sử này các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ bút viết một lời phê rất nghiêm khắc như sau: "Việc làm của họ Trịnh đều không đáng bàn luận làm gì".
    Lời bàn: Chư vi sử gia thời Nguyễn nói l32;n không bàn luận, nhưng thực thì đã bàn luận đó thôi.
    Nội một chuyện khảo quan không thôi cũng đủ thấy phép nước thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn đã bị coi thường đến cỡ nào rồi. Nặng nhẹ tuy có khác nhau, nhưng lỗi của Nguyễn Quan Nho và Nguyễn Quý Đức là điều không thể chối cãi, họ bị hặc tội rồi bị giáng chức là lẽ tất nhiên. Nhưng, lỗi mình mà mình chẳng thấy, lỗi mình mà mình chẳng nghiêm với mình, thì thử hỏi, được giữ chức Đô ngự sử là chức chuyên hặc tội người khác, chuyên lo xét xử người khác, quan lớn Nguyễn Quan Nho sẽ làm sao? Chúa lấy quyền uy nhất thời của Chúa mà xét xử, thăng giáng, ... hậu sinh lấy khí khái của người học sử mà nghiêm phê rằng chính Chúa là người bẻ cong phép nước đó thôi.
    Còn như hoạn quan Ngô Phan Lân, dẫu làm đến chức Thái giám, thì tâm địa nhỏ nhen vẫn cứ là tâm địa nhỏ nhen.
    Chao ơi, vừa mở sử ngó vào triều vua Lê - chúa Trịnh một chút mà đã thấy ù tai hoa mắt. Chí tệ, thậm chí tệ!

  8. #68
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA VÀ CHÚA THẾ KỈ XVI - XVII
    Từ năm 1527 trở đi, ở nước ta có nhiều hệ thống chính quyền khác nhau cùng đồng thời tồn tại. Để bạn đọc (nhất là những người chưa có dịp làm quen với sử cũ) tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu thêm phần Thế thứ các triều vua và chúa thế kỉ XVI - XVII. Phần này được trình bày theo thứ tự trước sau của từng dòng, còn như việc đối chiếu thời gian nắm quyền tương ứng của các dòng, chúng tôi nghĩ là không cần thiết.
    A - THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA
    I - THẾ THỨ CÁC VUA NHÀ MẠC
    01 - MẠC THÁI TỔ (1527 - 1529)
    Tên thật: Mạc Đăng Dung.
    - Nguyên quán: Cổ Trai, Nghi Dương (nay thuộc Hải Phòng).
    - Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung sống bằng nghề đánh cá ở quê nhà, sau, nhờ thi đỗ lực sĩ, Mạc Đăng Dung được làm quan cho nhà Lê. Dưới thời Lê Tương Dục (1509 - 1516), Mạc Đăng Dung được phong chức Đô chỉ huy sứ, tước Vũ Xuyên Bá. Mạc Đăng Dung làm quan trải thờ ba đời vua Lê là Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Lê Cung Hoàng (1522 - 1527). Thời Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung được phong tới tước An Hưng Vương.
    - Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê rồi làm vua từ tháng 6 năm 1527 cho đến thắng 12 năm 1529, sau đó, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để lên làm Thượng hoàng.
    - Mạc Đăng Dung mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu (1541). Do không rõ năm sinh nên không rõ Mạc Đăng Dưng thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi (1527 - 1529), Mạc Đăng Dung chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Minh Đức.
    02 - MẠC THÁI TÔNG (1530 - 1540)
    - Tên thật: Mạc Đăng Doanh, con trưởng của Mạc Đăng Dung.
    - Được truyền ngôi ngày 1 tháng 1 năm Canh Dần (1530) và ở ngôi 10 năm (1530 - 1540), mất ngày 15 tháng 1 năm Canh Tí (1540). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Đăng Doanh thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Đăng Doanh chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Đại Chính (1530 - 1540).
    03 - MẠC HIẾN TÔNG (1540 - 1546)
    - Tên thật: Mạc Phúc Hải (con trưởng của Mạc Đăng Doanh).
    - Lên ngôi cuối tháng 1 năm 1540, ở ngôi 6 năm (1540 - 1546), mất ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ (1546). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Phúc Hải thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Phúc Hải chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Quảng Hòa (1540 - 1546).
    04 - MẠC TUYÊN TÔNG (1548 - 1561)
    - Tên thật: Mạc Phúc Nguyên (con trưởng của Mạc Phúc Hải).
    - Lên ngôi tháng 5 năm 1546, ở ngôi 15 năm, mất tháng 12 năm Tân Dậu (1561). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Phúc Nguyên thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Phúc Nguyên đã đặt ba niên hiệu sau đây:
    Vĩnh Định (1547)
    Cảnh Lịch (1548 - 1553)
    Quang Bảo (1554 - 1561).
    05 - MẠC MẬU HỢP (1562 - 1592)
    - Mạc Mậu Hợp là họ và tên thật, không phải là miếu hiệu, nhưng vì Mạc Mậu Hợp bị giết nên sử cũ theo đúng điển lễ xưa, chỉ chép họ và tên mà thôi.
    - Mạc Mậu Hợp là con trưởng của Mạc Phúc Nguyên, lên ngôi vào tháng 1 năm Nhâm Tuất (1562), ở ngôi 31 năm, sau, bị Trịnh Tùng giết vào tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592). Do chưa rõ năm sinh nên không rõ Mạc Mậu Hợp thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Mậu Hợp đã đặt 6 niên hiệu sau đây:
    Thuần Phúc (1562 - 1565)
    Sùng Khang (1566 - 1577)
    Diên Thành (1578 - 1585)
    Đoan Thái (1586 - 1587)
    Hưng Trị (1588 - 1590)
    Hồng Ninh (1591 - 1592)
    Khi Mạc Mậu Hợp bị giết, vị trí của họ Mạc trên vũ đài chính trị của nước nhà không có gì đáng kể nữa. Tuy nhiên, dư đảng của họ Mạc vẫn còn tiếp tục hoạt động cho đến nửa sau của thế kỉ XVII. Dưới đây là thế thứ thời suy tàn cua họ Mạc.
    06 - MẠC TOÀN (1592 - 1593)
    - Con trưởng của Mạc Mậu Hợp, được Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng 11 năm Nhâm Thìn (1592).
    - Bị Trịnh Tùng bắt và giết vào tháng 1 năm Quý Tị (1593), vì chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Toàn thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Toàn có đặt một niên hiệu là Vũ An.
    07 - MẠC KÍNH CHỈ (1592 - 1593)
    - Con của Mạc Kính Điển, cháu nội của Mạc Phúc Hải (chú ruột của Mạc Toàn).
    - Lên ngôi ngay sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết (tháng 12 năm 1592), dẫu trước đó một tháng, Mạc Toàn đã được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi cho.
    - Bị Trịnh Tùng bắt và giết cùng với Mạc Toàn vào tháng 1 năm 1593. Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Chỉ thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Chi có đặt hai niên hiệu
    sau đây:
    Bảo Định (1592)
    Khang Hựu (1593 - vừa đặt xong thì bị giết).
    08 - MẠC KÍNH CUNG (1593 - 1625)
    - Tự lập làm vua vào năm Quý Tị (1593) và ở ngôi 32 năm.
    - Bị Trịnh Tráng bắt được và giết vào tháng 5 năm Ất Sửu (1625). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Cung thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Cung chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Càn Thống.
    09 - MẠC KÍNH KHOAN (1623 - 1638)
    - Tự lập làm vua ngay khi Mạc Kính Cung còn ở ngôi, cho nên từ năm 1623 đến năm 1625, họ Mạc có đến hai người cùng làm vua.
    - Năm 1625, Mạc Kính Khoan đầu hàng Trịnh Tráng, được Trịnh Tráng cho lên giữ đất Cao Bằng. Ngay khi đến Cao Bằng, Mạc Kính Khoan lại xưng đế như cũ. Nhưng, cũng vì sự kiện này, một số sử sách cho rằng Mạc Kính Khoan chỉ xưng đế đến năm 1625 mà thôi.
    - Mạc Kính Khoan mất vì bệnh vào tháng 3 năm Mậu Dần (1638).
    Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Khoan thọ bao nhiêu tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Khoan có đặt một niên hiệu là Long Thái.
    10 - MẠC KÍNH VŨ (1638 - 1677)
    - Mạc Kính Vũ (còn có tên khác là Mạc Kính Hoàn) là con của Mạc Kính Khoan.
    - Nối ngôi sau khi Mạc Kính Khoan mất (1638), ở ngôi 39 năm (1638 - 1677). Sau, bị chúa Trịnh Tạc đánh, phải bỏ chạy sang Trung Quốc, không rõ sống chết ra sao.
    - Năm 1667, Mạc Kính Vũ có đầu hàng chúa Trịnh Tạc, nhưng ngay sau đó lại tổ chức lực lượng chống lại Trịnh Tạc và tiếp tục xưng đế như cũ. Vì sự kiện này, một số sử sách cho rằng Mạc Kính Vũ chỉ xưng đế đến năm 1667 mà thôi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Vũ chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Thuận Đức.
    I I - THẾ THỨ CÁC VUA TRIỀU LÊ
    Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, triều Lê vì thế bị gián đoạn một thời gian. Từ năm 1533, nhờ công giúp rập của Nguyễn Kim và nhiều cựu thần khác, triều Lê lại được dựng lên tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng kể từ dây, cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều (hay còn gọi là chiến tranh Lê - Mạc) bắt đầu diễn ra. Nam triều tuy đã giành được thắng lợi, nhưng quyền lực của vua Lê thì bị mất dần. Cuối cùng, vua Lê chỉ còn là hư vị mà thôi.
    Trong hai thế kỉ XVI và XVII, triều Lê gồm có các vua sau đây:
    01 - LÊ TRANG TÔNG (1533 - 1548)
    - Tên thật: Lê Ninh (lại có tên khác là Lê Huyến), con của vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Hoàng hậu của Lê Chiêu Tông). Sử cũ chép Lê Trang Tông sinh năm Ất Hợi (1515) nhưng chúng tôi lấy làm ngờ, bởi vì năm này, Lê Chiêu Tông mới được 8 tuổi, làm sao có con !
    - Lên ngôi năm Quý Tị (1533) tại Thanh Hóa và là vị vua đầu tiên của Nam triều.
    - Ở ngôi 15 năm, mất ngày 29 tháng 1 năm Mậu Thân (1548), thọ 33 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Ninh chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Nguyên Hòa.
    02 - LÊ TRUNG TÔNG (1548 - 1556)
    - Tên thật: Lê Huyên (con trưởng của Lê Trang Tông).
    - Lên ngôi năm 1548, ở ngôi 8 năm, mất năm 1556, thọ 22 tuổi. Vua không có con nối dõi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Trung Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Thuận Bình.
    03 - LÊ ANH TÔNG (1556 - 1573)
    - Tên thật: Lê Duy Bang (cháu 5 đời của Lề Trừ, mà Lê Trừ là anh của Lê Lợi).
    - Vua sinh năm 1532, lên ngôi năm 1556, ở ngôi 17 năm, bị giết năm 1573, thọ 41 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Anh Tông đã đặt ba niên hiệu sau đây:
    Thiên Hựu (1556 - 1557)
    Chính Trị (1558 - 1571)
    Hồng Phúc (1572 - 1573).
    04 - LÊ THẾ TÔNG (1573 - 1599)
    - Tên thật: Lê Duy Đàm (con thứ 5 của Lê Anh Tông).
    - Vua sinh năm 1567, lên ngôi năm 1573, ở ngôi 26 năm, mất năm 1599 vì bệnh, thọ 32 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Thế Tông có đặt 2 niên hiệu sau đây:
    Gia Thái (1573 - 1577)
    Quang Hưng (1578 - 1599).
    05 - LÊ KÍNH TÔNG (1599 - 11619)
    - Tên thật: Lê Duy Tân (con thứ của Lê Thế Tông).
    - Vua sinh năm 1588, lên ngồi năm 1599, ở ngôi 20 năm, bị giết năm 1619, thọ 31 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Kính Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:
    Thận Đức (1600 - 1601)
    Hoằng Định (1601 - 1619).
    06 - LÊ THẦN TÔNG (1619 - 1643 và 1649 - 1662)
    - Tên thật: Lê Duy Kỳ (con trưởng của Lê Kính Tông).
    - Vua sinh năm 1607, lên ngôi vua hai lần.
    Lần thứ nhất: từ năm 1619 đến năm 1643. Năm 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Hựu (tức vua Lê Chân Tông) để làm Thượng hoàng 6 năm.
    Lần thứ hai: từ năm 1649 đến năm 1662. Năm 1649, vì con là Lê Duy Hựu mất, Lê Thần Tông lại tiếp tục làm vua.
    Trong thời gian hai lần ở ngôi, Lê Thần Tông đã đặt 6 niên hiệu sau đây:
    Vĩnh Tộ (1619 - 1629)
    Đức Long (1629 - 1643)
    Khánh Đức (1649 - 1653)
    Thịnh Đức (1653 - 1658)
    Vĩnh Thọ (1658 - 1662)
    Vạn Khánh (1662). Niên hiệu vừa đặt xong thì Lê Thần Tông qua đời.
    07 - LÊ CHÂN TÔNG (1643 - 1649)
    - Tên thật: Lê Duy Hựu (con trưởng của Lê Thần Tông).
    - Vua sinh năm 1630, được truyền ngôi năm 1643, ở ngôi 6 năm, mất năm 1649, thọ 19 tuổi. Nhà vua không có con nối dõi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Chân Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất: Phúc Thái (1643 - 1649).
    08 - LÊ HUYỀN TÔNG (1662 - 1671)
    - Tên thật: Lê Duy Vũ (con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông)
    - Vua sinh năm 1654, nối ngôi năm 1662, ở ngôi 9 năm, mất năm 1671, thọ 17 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Huyền Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Tự (1662 - 1671).
    09 - LÊ GIA TÔNG (1671 - 1675)
    - Tên thật: Lê Duy Cối (cũng có tên khác là Lê Duy Khoái).
    - Vua sinh năm 1661, lên ngôi năm 1671, ở ngôi 4 năm, mất năm 1675, thọ 14 tuổi. Vua vốn là con thứ của Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Gia Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:
    Dương Đức (1672 - 1674)
    Đức Nguyên (1674 - 1675).
    10 - LÊ HY TÔNG (1675 - 1705)
    - Tên thật: Lê Duy Hiệp (con thứ của Lê Thần Tông, chào đời sau khi Lê Thần Tông mất được 6 tháng).
    - Vua sinh năm 1663, lên ngôi năm 1675, ở ngôi 30 năm. Năm 1705, vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Đường (tức Lê Dụ Tông) để làm Thượng hoàng 11 năm (1705 - 1716). Vua mất năm 1716, thọ 53 tuổi.
    - Trong thời gian ở ngôi, Lê Hy Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:
    Vĩnh Trị (1676 - 1679)
    Chính Hòa (1680 - 1705).
    Sau Lê Hy Tông, nhà Lê còn có 6 đời vua nữa, đó là: Lê Dụ Tông (1705 - 1729), Lê Đế Duy Phường (1729 - 1732), Lê Thuần Tông (1732 - 1735), Lê Ý Tông (1735 - 1740), Lê Hiển Tông (1740 - 1786) và Lê Chiêu Thống (1786 - 1788). Tuy nhiên, tất cả những vị vua này đều thuộc khung lịch sử của thế kỉ XVIII, chúng tôi sẽ giới thiệu ở tập sau.
    B - THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA
    Từ thế kỉ thứ XVI trở đi, bên cạnh các vua triều Mạc và triều Lê, guồng máy chính trị nước nhà còn có thêm các đời chúa Trịnh và chúa Nguyễn nữa. Trong thực tế, không phải ai cũng công khai nhận mình là chúa, nhưng, xem xét hành trạng của họ, ta chỉ có thể nói họ là chúa mà thôi. Cũng trong thực tế, có người đã bước đầu được trao quyền làm việc như chúa, nhưng do ảnh hưởng của họ quá ít ỏi, chúng tôi không liệt kê tên tuổi của họ ở đây.
    I - THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA TRỊNH
    01 - TRỊNH KIỂM (1545 - 1569)
    - Trịnh Kiểm sinh năm nào không rõ, chỉ biết năm 1545, sau khi Nguyễn Kim mất, ông trở thành người nhân danh vua Lê để điều khiển Nam triều.
    - Trịnh Kiểm làm chúa 24 năm, mất năm 1569 không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
    02 - TRỊNH TÙNG (1570 - 1623)
    - Con thứ của Trịnh Kiểm, đánh đuổi anh là Trịnh Cối để giành ngôi chúa.
    - Làm chúa 53 năm, mất vì bệnh năm 1623, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
    03 - TRỊNH TRÁNG (1623 - 1657)
    - Con trưởng của Trịnh Tùng.
    - Nối ngôi chúa năm 1623, ở ngôi chúa 34 năm, mất năm 1657, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
    - Thời Trịnh Tráng là thời mở đầu của các cuộc giao tranh ác liệt giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong.
    04 - TRỊNH TẠC (1657 - 1682)
    - Con trưởng của Trịnh Tráng.
    - Nối ngôi chúa năm 1657, ở ngôi chúa 25 năm, mất năm 1682, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
    - Thời Trịnh Tạc là thời diễn ra những cuộc giao tranh ác liệt cuối cùng giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong.
    05 - TRỊNH CĂN (1682 - 1709)
    - Con trưởng của Trịnh Tạc.
    - Nối ngôi chúa năm 1682, ở ngôi chúa 27 năm, mất năm 1709, không rõ thọ bao nhiêu tuổi.
    Sau chúa Trịnh Căn, họ Trịnh còn có 7 đời chúa nữa, đó là: Trịnh Cương (1709 - 1729), Trịnh Giang (1729 - 1740), Trịnh Doanh (1740 - 1767), Trịnh Sâm (1767 - 1782), Trịnh Cán (1782), Trịnh Khải (1782 - 1786) và Trịnh Bỗng (1786). Tuy nhiên, những đời chúa Trịnh này đều thuộc khung lịch sử của thế kỉ XVIII, chúng tôi sẽ giới thiệu ở tập sau.
    II - THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA NGUYỄN
    01 - NGUYỄN HOÀNG (1558 - 1613)
    - Con thứ của Nguyễn Kim, sinh năm 1525.
    - Được vua Lê Anh Tông cho vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, và đến năm 1570 thì kiêm luôn cả trấn thủ Quảng Nam.
    - Năm 1593 được vua Lê Thế Tông phong làm Thái úy tước Đoan Quốc công.
    - Nguyễn Hoàng mất năm 1613, thọ 88 tuổi.
    02 - NGUYỄN PHÚC NGUYÊN (1613 - 1635)
    - Con thứ 6 của Nguyễn Hoàng, sinh năm 1563.
    - Nối nghiệp cha từ năm 1613 cho đến năm 1635 thì mất thọ 72 tuổi.
    - Thời Nguyễn Phúc Nguyên là thời mở đầu cho những cuộc giao tranh ác liệt giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong.
    03 - NGUYỄN PHÚC LAN (1635 - 1648)
    - Con thứ của Nguyễn Phúc Nguyên, sinh năm 1601.
    - Nối ngôi chúa từ năm 1635, ở ngôi chúa 13 năm, mất năm 1648, thọ 47 tuổi.
    04 - NGUYỄN PHÚC TẦN (1648 - 1687)
    - Con thứ của Nguyễn Phúc Lan, sinh năm 1620.
    - Nối nghiệp chúa năm 1648, ở ngôi chúa 39 năm, mất năm 1687, thọ 67 tuổi.
    - Thời Nguyễn Phúc Tần là thời kết thúc những cuộc giao tranh ác liệt giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong.
    05 - NGUYỄN PHÚC TRĂN (1687 - 1691)
    - Con thứ của Nguyễn Phúc Tần, sinh năm 1649.
    - Nối nghiệp chúa từ năm 1687, ở ngôi chúa 4 năm; mất năm 1691, thọ 42 tuổi.
    06 - NGUYỄN PHÚC CHU (1691 - 1725)
    - Con trưởng của Nguyễn Phúc Trăn, sinh năm 1675.
    - Nối nghiệp chúa năm 1691, ở ngôi chúa 34 năm, mất năm 1725, thọ 50 tuổi.
    Sau Nguyễn Phúc Chu, họ Nguyễn còn có ba đời chúa nữa, đó là Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738), Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) và Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777). Tuy nhiên, cả ba đời chúa này đều thuộc khung lịch sử của thế kỉ XVIII, chúng tôi sẽ giới thiệu ở tập sau.

  9. #69
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    LỜI CHÚ CUỐI SÁCH

    Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu, chúng tôi viết thêm phần Lời chú cuối sách. Với phần này, chúng tôi cố gắng giải nghĩa một cách gọn gàng mà đầy đủ những khái niệm ngày nay không còn thông dụng nữa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin lưu ý rằng, tất cả những lời giải nghĩa dưới đây chỉ phù hợp với khung lịch sử nước ta trong hai thế kỉ XVI và XVII. Những con số đặt trong ngoặc đơn, nằm sát ngay sau các khái niệm được chú thích là số thứ tự của các giai thoại trong sách này.
    AI LAO (31): Tên vương quốc cổ. Nay, lãnh thổ của vương quốc này thuộc về Lào.
    ÁI TỬ (08): Tên đất, cũng là tên sông. Sông Ái Tử chảy qua tỉnh Quảng Trị. Sát sông này có xã tên là Ái Tử. Xưa, Ái Tử từng được chọn làm nơi đặt thủ phủ chung cho cả hai trấn là Thuận Hóa và Quảng Nam.
    AN NAM ĐÔ THỐNG SỨ TI (18): Cơ quan thống trị, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của xứ An Nam. An Nam là từ chỉ nước ta, vốn có từ thời Đường (năm 679) còn như Đô thống sứ ti là từ chỉ chung triều đình của nhà Lê. Lúc này, Trung Quốc không chính thức thừa nhận vua Lê nên mới phong vua Lê làm Đô thống sứ và gọi triều đình của vua Lê là An Nam Đô thống sứ ti.
    AN THANH HẦU NGUYỄN KIM (01): Ông Nguyễn Kim, tước Hầu, có hiệu là An Thanh. Xưa, tước bao giờ cũng ghép với hiệu và để ở sát ngay sau hiệu.
    ÁN SÁT ĐỀ HÌNH SỨ TI (16): chức đứng đầu cơ quan trông coi về xét xử và án kiện của một khu vực rộng lớn gồm hai hoặc nhiều địa phương, do triều đình (đây nói triều đình nhà Minh) lập ra.
    BẮC TRIỀU (02): Chỉ triều Mạc, mở đầu là Mạc Đăng Dung. Lúc này, nhà Mạc chiếm giữ chủ yếu là vùng phía Bắc nước ta nên sử cũ thường gọi nhà Mạc là Bắc triều.
    BINH BỘ HỮU THỊ LANG (40): Trong các bộ của triều đình xưa, đứng đầu là chức Thượng thư, sau chức Thượng thư là hai chức Tả và Hữu thị lang. Chức Tả bao giờ cũng lớn hơn chức Hữu. Như vậy chức Binh bộ Hữu thị lang là chức đứng hàng thứ ba trong bộ Binh, sau chức Thượng thư và chức Tả thị lang.
    BÌNH AN VƯƠNG (21): Tước Vương, hiệu hai chữ là Bình An. Đây chỉ Trịnh Tùng (1570 - 1623). Tước luôn đi đôi với hiệu và để ở sát ngay sau hiệu, nhưng, trong cùng một tước, hiệu càng ít chữ thì thứ bậc của tước càng cao hơn.
    BỒI TỤNG (60), (62): Chức quan sau chức Tham tụng. Thời này có sự lẫn lộn giữa chức và quyền. Thực ra, Tham tụng và Bồi tụng lúc này là quyền, không phải chức. Chúa chọn viên quan nào đó xét thấy có thể đảm đương được việc điều hành công việc chung của các bộ, thì trao quyền Tham tụng, đồng thời cử một số viên quan khác, trong đó có người được làm Bồi tụng, để phụ giúp công việc chung. Quyền của Tham tụng và Bồi tụng rất lớn, không khác Tể tướng và Á tướng bao nhiêu.
    BỒI TỤNG, CHỨC LỄ BỘ TẢ THỊ LANG (54): Viên quan giữ chức Tả thị lang của bộ Lễ (là chức lớn thứ hai sau chức Thượng thư của bộ Lễ) được trao quyền làm Bồi tụng.
    CAI ĐỘI (34): Chức võ quan, đứng đầu một đội quân. Chúa Nguyễn chia quân thành các dinh, đứng đầu mỗi dinh có chức Chưởng dinh, trong mỗi dinh lại có nhiều đội, đứng đầu mỗi đội có chức Cai đội.
    CAI HỢP (31 ): chức quan có vị thế tương tự như là phó của chức Cai đội.
    CẤP SỰ TRUNG (80): Trong triều đình lúc này, dưới cấp bộ còn có hai cơ quan trực thuộc là Khoa và Tự. Quan được giữ chức Cấp sự trung là quan làm việc ở các Khoa, thường có hàm Chánh bát phẩm.
    CON ĐỎ (54): nguyên nghĩa là con mới sinh ra, sắc da còn đỏ, âm Hán Việt của từ này là xích tử. Sách Đại học (một trong Tứ thư) có nói đến cửu thường (chín điều tâm niệm của quân tử), trong cửu thường có Tử thứ dân (nghĩa là thương dân như con), và khi phân tích vế Tử thứ dân, sách này cũng nói rõ là phải Bảo xích tử (nghĩa là phải thương như thương đứa trẻ sơ sinh). Nho gia từ đó gọi dân là con đỏ.
    CON HỒNG CHÁU LẠC (10): Chỉ chung nhân dân nước ta. Tổ tiên ta vẫn coi mình là dòng dõi Lạc Hồng, cho nên nói con Hồng cháu Lạc cũng tức là nói chung toàn thể nhân dân nước ta.
    CÔNG BỘ HỮU THỊ LANG (40): Chức quan hàng thứ ba trong bộ Công, sau chức Thượng thư và chức Tả thị lang của bộ này.
    CÔNG BỘ TẢ THỊ LANG (18): chức quan đứng hàng thứ hai của bộ Công, sau chức Thượng thư của bộ này.
    CÔNG KHOA CẤP SỰ TRUNG (29): Chức quan làm việc ở Công Khoa. Ở dưới các bộ của triều đình lúc này là các Khoa và các Tự. Công Khoa là Khoa của bộ Công.
    CƠ TỬ (25): Tên một viên quan có tài của Chu Vũ Vương (Trung Quốc cổ đại).
    CUNG CHẤN (50): Trong bát quái, chấn là phương đông. Cung chấn ở đây chỉ vòm trời phía đông.
    CỬA KHUYẾT (04): ở phía nam của hoàng thành thường có một cửa lớn, trên cửa có lầu. Cửa ấy gọi là cửa khuyết, cũng tức là cửa quyết. Lầu ấy gọi là lầu khuyết hay lầu quyết. Đây là nơi ban bố mọi mệnh lệnh của triều đình cho thiên hạ hay.
    CHU THƯ (25): sách (của Trung Quốc) thời nhà Chu.
    CHU VŨ VƯƠNG (25): Tức Tây Bá Phát, vị vua đầu tiên của nhà Chu, người đã giết vua Trụ tàn bạo tủa nhà Ân (cũng tức là nhà Thương). Nhà Chu là một trong tam đại (Hạ, Thương, Chu) của Trung Quốc cổ đại.
    CHÚC SƠN (40): Cũng tức là Chúc Động, tên một xã thuộc huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
    CHƯỞNG CƠ (28): Chức võ quan cao cấp nhất của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
    CHƯỞNG DINH (26): Chức quan (thường là võ quan) đứng đầu một dinh. Dinh là đơn vị hành chánh địa phương lớn nhất của xứ Đàng Trong. Mỗi dinh cũng là một đơn vị quân đội. Chức Chưởng dinh cũng đồng thời là chức đứng đầu đơn vị quân đội này.
    CHƯỞNG GIÁM (27): Tên chức quan, chức này thường được dùng để ban cho người đứng đầu một Khoa của một bộ nào đấy.
    CHƯỞNG TƯ LỄ GIÁM (45): Chức quan đứng đầu bộ phận trông coi về việc hành lễ ở bộ Lễ.
    DA CHÂU (05): Cũng tức là châu Quan Da, nay thuộc Thanh Hóa.
    ĐẤT MÂN (42): Vùng đất này thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.
    Lúc này, vì bị nhà Thanh tấn công, triều đình nhà Minh phải bỏ kinh thành mà chạy về Phúc Kiến.
    ĐOAN VŨ HẦU (04): Tước Hầu, hiệu là Đoàn Vũ. Đây chỉ tước của Lê Cập Đệ.
    ĐÔ ĐỐC (26): Chức võ quan cao cấp, ngang với các hàm Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó và Thái tử Thái bảo của văn quan. Đô đốc có hai viên là Tả và Hữu, cùng có hàm tòng Nhất phẩm.
    ĐÔ ĐỐC ĐỒNG TRI (49): chức võ quan cao cấp, ở dưới chức Đô đốc thường có hàm tòng Nhị phẩm.
    ĐÔ THỐNG SỨ (18): Tên quan chức của nhà Minh, nhưng đây lại là chức vụ mà nhà Minh phong cho vua Lê, coi vua Lê cũng chỉ như một viên quan của nhà Minh mà thôi.
    ĐÔ THỐNG TI (42): Chỉ triều đình nước ta. Đô thống ti Lê Hựu là triều đình Lê Hựu (tức triều đình vua Lê Chân Tông: 1643 - 1649).
    ĐỐC ĐỒNG (56): Chức quan trông coi việc xét xử, án kiện ở các trấn. Những quan có hàm từ Ngũ phẩm đến Tứ phẩm đều có thể được trao chức này.
    ĐỐC THỊ (49): Quan trông coi các vấn đề về biên cương ở các trấn tiếp giáp với nước ngoài. Những người có hàm tử Tứ phẩm đến Tam phẩm đều có thể được trao chức này.
    ĐỐC CHIẾN (50): chức võ quan. chỉ đặt ra trong khi có chiến trận. Chức này lớn nhỏ tùy quy mô của chiến tranh, đại để, nhiệm vụ của Đốc chiến là đốc thúc quân sĩ theo đúng mệnh lệnh mà chiến đấu.
    ĐỐC SUẤT (56): Chức võ quan, chỉ đặt ra khi có chiến trận, đại để cũng gần giống như Đốc chiến.
    ĐỐC TRẤN (58): chức Võ quan được bổ nhiệm làm người đứng đầu của một trấn.
    ĐÔNG CÁC ĐẠI HỌC SĨ (16): Học sĩ làm việc ở Đông Các thì gọi là Đông Các Học sĩ. Quan Đông Các Đại học sĩ là quan có hàm lớn nhất trong số các quan làm việc ở Đông Các, quan này thường có hàm từ tòng Tứ phẩm trở lên.
    ĐỒNG TRI ĐÔ ĐỐC, TƯỚC THỤY QUẬN CÔNG (55): Chức quan dưới chức Đô đốc, tước Quận công, hiệu là Thụy. Chức Đồng tri Đô đốc thường do văn quan nắm giữ.
    GIA ĐỊNH (61): Tên đất. Tên đất này bắt đầu có kể từ năm 1698, dùng để chỉ vùng tương ứng với miền Đông Nam Bộ ngày nay, nhưng rồi dần dần, được dùng để chỉ toàn bộ Nam Bộ. Năm 1832, nhà Nguyễn chia Nam Bộ làm sáu tỉnh, gọi là Nam Kì Lục tỉnh. Trong số sáu tỉnh này, có tỉnh Phiên An. Năm 1836, tỉnh Phiên An đổi gọi là tỉnh Gia Định. Thời Pháp, Gia Định là tên một tỉnh nhỏ mà cơ quan đầu não của tỉnh này đặt ở khu vực quận Bình Thạnh (thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay.
    HẠC HẢI (31): Tên bãi cát ở Quảng Bình.
    HÀN LÂM HỌC SĨ (42): Học sĩ làm việc tại viện Hàn Lâm. Thường thì các học sĩ đều là Tiến sĩ.
    HÁN TUYÊN ĐẾ (42): Vị Hoàng đế thứ bảy của nhà Tiền Hán (Trung Quốc), làm vua từ năm 73 trước Công nguyên đến năm 49 trước Công nguyên.
    HIẾN SÁT (31), (35): Viên quan chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của quan lại từ cấp trấn trở xuống, đồng thời, trông coi các việc xét xử và án kiện của các trấn. Quan Hiến sát thường có hàm Chánh lục phẩm.
    HÌNH TÀO THAM PHÁN (18): Chức vụ của triều đình Triều Tiên, chưa rõ cụ thể như thế nào. Tuy nhiên, có thể suy đoán rằng, sử cũ đã chọn một chức vụ tương đương ở nước ta cho viên sứ giả người Triều Tiên này. Nếu suy đoán này đúng, thì Hình tào Tham phán tương đương với chức đứng đầu cơ quan bộ Hình nhưng lại làm việc trong phủ chúa. (Bộ Hình của triều đình chỉ tồn tại trên danh nghĩa chứ không có vị trí gì, tất cả công việc của bộ Hình thực chất là do Hình tào của phủ chúa đảm trách).
    HIỆU THẢO (63): Chức quan lo việc đọc lại để kiểm tra độ chính xác của các văn kiện. Mỗi một Khoa đều có chức quan này. Hiệu thảo làm việc dưới quyền chỉ huy của các quan Cấp sự trung.
    HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ (29): Miếu hiệu được truy tôn của Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635).
    HOÀNG GIANG (22): Tên sông ở Hà Nam.
    HỒ XÁ (08): Tên đất ở Quảng Bình.
    HỒ GẶP GIÓ, RỒNG GẶP MÂY (02): Dịch từ câu Hổ tùng phong, long tùng vân, ý nói cơ may đã đến.
    HỘ KHOA CẤP SỰ TRUNG (40), (49): Chức quan Cấp sự trung làm tại Hộ Khoa. (Xem thêm: Cấp sự trung)
    HUÂN VƯƠNG (20): Vị vương tước có công lao. Đây chỉ chúa Trịnh Tùng (1570 - 1623), tước Bình An Vương.
    KẺ NÔNG TANG (42): Kẻ làm ruộng và trồng dâu, đây ý muốn chỉ những người có địa vị thấp hèn trong xã hội cũ.
    KINH ẤP (10): cũng tức là kinh đô. Đây chỉ Thăng Long.
    KINH BẮC (40): Tên trấn. Trấn Kinh Bắc xưa có đất đai đại để tương ứng với vùng Hà Bắc cũ.
    LAI QUẬN CÔNG (04): Tước Quận công, hiệu là Lai. Đây chỉ tước của Phan Công Tích.
    LẠI BỘ HỮU THỊ LANG (35): Chức vụ ở hàng thứ ba của bộ Lại, sau Thượng thư và Tả thị lang.
    LẠI BỘ HỮU THỊ LANG (35): Chức vụ đứng hàng thứ hai của bộ Lại, sau Thượng thư.
    ANH VŨ ĐIỆN ĐẠI HỌC SĨ, HÀM THIẾU BẢO, KIÊM THÁI TỬ THÁI BẢO, CHỨC LẠI BỘ THƯỢNG THƯ (18): Quan đứng đầu bộ Lại (đây chỉ bộ lại của Trung Quốc), được phong hàm Thiếu bảo, lại kiêm thêm cả hàm Thái tử Thái bảo (tức là kiêm giữ những hàm lớn nhất trong hệ thống các hàm thuở xưa), cũng là bậc Đại học sĩ của điện Anh Vũ (vinh quang dành riêng cho những người được tôn là bậc hiền tài của triều đình).
    LỄ KHOA CẤP SỰ TRUNG (49): Quan Cấp sự trung, làm việc tại Lễ Khoa. (Xem thêm: Cấp sự trung)
    LÔI DƯƠNG (05): Tên huyện. Huyện này nay thuộc Thanh Hóa.
    LŨY PHẬT CƯƠNG (39): Tên một chiến lũy ở phía Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Lũy này do quân Trịnh đắp nên.
    LƯƠNG QUẬN CÔNG (04): Tước Quận công, hiệu là Lương.
    MINH LINH (33): Tên đất, nay thuộc Quảng Bình.
    NAM TRIỀU (02): Tức triều Lê nhưng thực quyền lúc đầu nằm trong tay Nguyễn Kim, sau đó lại nằm trong tay Trịnh Kiểm (là con rể của Nguyễn Kim) và con cháu của Trịnh Kiểm. Sở dĩ gọi là Nam triều vì lúc này, triều Lê mới được dựng lại, chỉ chiếm được vùng phía Nam, còn vùng phía Bắc thì vẫn do triều Mạc (Bắc triều) nắm giữ.
    NỘI GIÁM (21): Quan Thái giám, làm việc dưới quyền của quan Tổng thái giám, chuyên lo giúp việc chủ yếu trong nội phủ.
    NỘI TÀN (38): Tên chức quan thời chúa Nguyễn, phẩm hàm tương đối cao, tuy nhiên, công việc và vị trí cụ thể như thế nào, hiện vẫn chưa rõ.
    NỘI THỦY (34): Tên đơn vị quân đội. Số lính của mỗi quân thường hay thay đổi, tuy nhiên, đại để thì mỗi quân gồm có từ 2 thuyền trở lên, mỗi thuyền vẫn thường có khoảng 500 người.
    NỘI VIỆN THỊ ĐỘC (58): Tên chức quan của nhà Minh. Những người có hàm từ Chánh ngũ phẩm trở lên đều có thể được hổ nhiệm giữ chức này.
    NÔNG CỐNG (05): Tên một huyện ở Thanh Hóa.
    NÚI ĐÂU MÂU (33): Tên núi ở Quảng Bình, gần cửa Nhật Lệ.
    NÚI TRƯỜNG DỤC (31): Tên núi ở Quảng Bình.
    NHA GIANG (22): Tên sông đổ ra cửa Đại Yên (hay cửa Liêu) ở Nam Hà cũ.
    NHA ÚY NỘI TÁN (30): Chức võ quan cao cấp của chúa Nguyễn, được quyền hầu cận và bàn việc quân cơ với chúa.
    NHÂN MỤC (27): Tên chợ, cũng là tên làng, tục gọi là làng Mọc, nay là xã Nhân Chính, ngoại thành Hà Nội.
    NHẬT LỆ (33): Tên sông, cũng là tên cửa biển ở Quảng Bình.
    NGỌC CUNG CẦU (42): Chưa rõ điển tích, chỉ biết cả câu này ý nói phải thực hiện đúng phận sự của mình.
    NGÔ - VIỆT (42): Nước Ngô và nước Việt, hai nước nhỏ ở Trung Quốc thời Xuân Thu. Đây chỉ đất xưa của nước Ngô và nước Việt, nơi vua nhà Minh đang bôn tẩu tới để lánh nạn và mong hưng phục cơ nghiệp cho mình.
    NGÙ (19): Vật trang sức, thường có hình cầu, dưới có dính tua đủ màu.
    PHỤ QUỐC CHÍNH (42): Chức tự phong của Trịnh Tráng. Với chức đó, Trịnh Tráng có danh nghĩa lớn là giúp vua trị nước, nhưng thực chất, Trịnh Tráng đã nắm hết mọi quyền bính trong tay.
    PHỔ QUẬN CÔNG (4): Tước Quận công, hiệu là Phổ.
    QUYỂN THỦ (Lời trích ở trang đầu của sách): Quyển mở đầu.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư gồm có: 1 quyển thủ, 5 quyển ngoại kỉ (giới thiệu lịch sử nước ta từ đầu đến Ngô Quyền), 10 quyển bản kỉ (giới thiệu lịch sử nước ta từ Ngô Quyền đến hết thời Lê Lợi), 5 quyển bản kỉ thực lục (giới thiệu lịch sử nước ta từ Lê Thái Tông đến hết thời Lê Cung Hoàng) và 7 quyển bản kỉ tục biên (giới thiệu lịch sử nước ta từ nhà Mạc đến giữa thế kỉ XVII), tổng cộng 28 quyển.
    Quyển thủ là quyển giới thiệu lời tựa, lời biểu dâng sách, phàm lệ và mục lục.
    SAO BẮC ĐẨU (50): Là chòm sao ở phía Bắc, gồm có 7 vì sao, cho nên cũng gọi là chòm Thất tinh.
    SAO CHẨN (50): Tên của một ngôi sao trong Nhị Thập Bát Tú.
    SAO KHÔI (50): Tên một ngôi sao trong số 7 ngôi sao Bắc Đẩu.
    SÔNG TAM CHẾ (51): Tên sông ở Hà Tĩnh.
    SỞ - THỤC (42): Tên hai nước chư hầu ở Trung Quốc thời Xuân Thu. Đây chỉ vùng đất từ tỉnh Tứ Xuyên sang phía Đông, giáp với Phúc Kiến, vốn là đất của nước Thục và nước Sở cũ.
    TẢ THỊ LANG BỘ BINH (65): Chức vụ hàng thứ hai sau Thượng thư của bộ Binh.
    TẢ GIANG BINH TUẦN ĐẠO (16): Chức vụ của nhà Minh đặt ra khi cử quan đi kiểm tra tình hình ở phía tả ngạn sông Trường Giang.
    TẢ TƯỚNG TIẾT CHẾ THỦY BỘ CHƯ BINH (40): Chức Tả tướng, nắm giữ quyền chỉ huy tất cả các dinh quân, thủy cũng như bộ. Chức này chỉ có Tả mà không có Hữu, chỉ dành riêng cho chúa mà thôi.
    TÀM CHÂU (5): Tên đất, nay thuộc Thanh Hóa.
    TÁN LÍ (40): Chức quan giúp việc cho các quan trấn thủ ở các xứ. Sau, chức này bị bãi bỏ, chỉ khi nào xuất quân đi xa mới đặt chức Tán lí, để giúp việc cho chủ tướng mà thôi. Hết việc phải xuất quân, chức Tán lí đương nhiên bị bãi bỏ.
    TÀO THÁO (31 ): Tên nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc thời Tam Quốc. Lúc đầu, Tào Tháo chỉ là quyền thần thời Hán Hiến Đế sau, Tào Tháo cùng Lưu Bị và Tôn Quyền cùng tranh hùng, tạo ra cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngụy, Thục và Ngô). Đến khi con của Tào Tháo là Tào Phi cướp ngôi vua của nhà Hán, Tào Tháo được truy tôn là Vũ Đế.
    TAM TI (31): Ba cơ quan cùng trông coi việc nước ở một trấn. Tam ti gồm: Thừa ti (trông coi về hành chính và thuế khóa), Hiến ti (trông coi về tư pháp, xét xử và án kiện), Đô ti (trông coi về quân sự).
    TÂY DƯƠNG (31): Chỉ chung các nước phương Tây. Lúc này, thực dân phương Tây đang tìm cách bành trướng.mạnh mẽ sang phương Đông.
    TẤT ĐỒNG (47): Vùng đất tiếp giáp giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình ngày nay.
    TIÊN KHẢO (21): Người cha đã khuất. Trịnh Tùng là con thứ của Trịnh Kiểm, mà Trịnh Kiểm thì đã mất (năm 1569), nên Trịnh Tùng gọi Trịnh Kiểm là tiên khảo.
    TIỀN BỘ DINH, QUỲNH QUẬN CÔNG (22): Chức quan chỉ huy dinh Tiền Bộ, tước Quận công, hiệu là Quỳnh.
    TIẾT CHÊ (10): Người đứng đầu lực lượng vũ trang.
    TIẾT CHẾ SINH QUỐC CÔNG (22): Người đứng đầu lực lượng vũ trang, tước Quốc công, hiệu là Sinh. Đây là chức hiệu tự xưng, không phải chức hiệu chính thức của nhà nước.
    TÔN VÕ TỬ (34): Cũng tức là Tôn Võ hay Tôn Tử, nhà binh pháp nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại.
    TỔNG BINH (31): Chức võ quan đứng đầu lực lượng vũ trang của một xứ nào đó.
    TƯỚNG THẦN LẠI (31): Chức quan chuyên lo việc thuế khóa.
    TRẤN THỦ (36): Người đứng đầu một trấn.
    TRUNG ĐẠO (47): Quân đội xưa thường chia làm năm đạo (hoặc năm dinh hay năm quân), gồm: Tả, Hữu, Tiền, Hậu và Trung. Vậy, Trung Đạo là một trong năm đạo quân đương thời của chúa Nguyễn.
    THÁI BẢO (02): Một trong Tam thái (Thái sư, Thái phó và Thái bảo). Tuy nhiên, đây chỉ là vinh hàm ban riêng cho đại thần, không phải là thực hàm.
    THÁI BỘC TỰ KHANH (49): Chức quan đứng đầu một Tự trong triều đình. (Xem thêm: Cấp sự trung). Chức này thường có hàm từ Ngũ phẩm trở lên.
    THÁI TỂ HƯNG QUỐC CHIÊU HUÂN TĨNH CÔNG (21): Tước và hiệu của Nguyễn Kim.
    THÁI THƯỜNG TỰ KHANH (18), (40): Tên chức quan làm việc trong các Tự của triều đình. (Xem thêm Cấp sự trung)
    THAM CHÍNH (35): Chức quan ở địa phương cấp trấn, sau chức Trấn thủ, thường có hàm Tứ phẩm.
    THAM ĐỐC (6): Chức quan giúp việc cho quan Trấn thủ ở các trấn.
    THAM TỤNG, LỄ BỘ THƯỢNG THƯ, KIÊM ĐÔNG CÁC ĐẠI HỌC SĨ, THIẾU
    BẢO, TUỚC YÊN QUẬN CÔNG (53): Chỉ chức tước của Phạm Công Trứ. Ông có tước Quận công, hiệu là Yên, hàm Thái bảo, là Thượng thư bộ Lễ, kiêm coi Đông Các Viện, lại được giao giữ chức Tham tụng.
    THANH ỨNG (47): Đây nói tạo ra sự hỗ trợ khi cần thiết cho nhau.
    THANH TƯƠNG (8): Tên đất ở Quảng Bình.
    THIÊM ĐÔ NGỰ SỬ (21): Tên chức quan làm việc ở Ngự Sử Đài, dưới quyền của Đô ngự sử, chức này thường dùng những người có hàm chánh Ngũ phẩm.
    THỔ TI VÂN NAM (56): Chức quan trông coi đất Vân Nam của Trung Quốc.
    THUYỀN ĐỊCH CẦN (34): Thuyền là đơn vị quân đội xưa, nếu đầy đủ thì mỗi thuyền có chừng 500 người. Địch Cần là tên riêng của đơn vị quân đội (thuyền) này.
    THỰ VỆ (6): Tên chức quan Vệ là vệ quân (thường có quân số tương đương với một thuyền). Mỗi vệ có chức Chưởng vệ (là chức đứng đầu) và chức Thự vệ (là chức phó, giúp việc cho Chưởng vệ).
    THƯỢNG PHỤ (3): Tiếng tôn xưng, đây chỉ Trịnh Kiểm.
    THƯỢNG SƯ TÂY VƯƠNG (53): Tước và hiệu Trịnh Tạc tự phong cho mình vào tháng 9 năm 1659.
    THƯỢNG TƯỚNG THÁI QUỐC CÔNG (4): Chức Thượng tướng, tước Quốc công hiệu là Thái. Đây chỉ Trịnh Kiểm.
    VẠN TƯỢNG (31): Tên tiểu vương quốc. Lãnh thổ của vương quốc này nay thuộc Lào.
    VĂN CHỨC (36): Tên chức quan, chưa rõ cụ thể ra sao.
    VĂN PHONG HẦU (4): Tước Hầu, hiệu là Văn Phong
    VỊ DƯƠNG HẦU (4): Tước Hầu, hiệu là Vệ Dương.
    VIỆC THỔ MỘC (38): chỉ việc xây cất.
    VIÊN KÌ TRƯỞNG (34): Người chịu trách nhiệm chính trong việc cầm cờ hiệu của quân đội xưa.
    VƯƠNG MÃNG (31): Viên quyền thần dưới thời Ai Đế nhà Tây Hán. Năm 8, Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán, lập ra nhà Tân. Nhà Tân tồn tại từ năm 8 đến năm 25.
    XỨ ĐÀNG TRONG (24): vùng đất do chúa Nguyễn cai quản, gồm từ sông Gianh trở vào.

    Hết TẬP 6.

+ Trả lời chủ đề
Trang 7/7 ĐầuĐầu ... 5 6 7

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình