+ Trả lời chủ đề
Trang 2/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 69

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 6

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    09 - ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI VUA LÊ ANH TÔNG

    Năm 1570, bởi chịu không nổi sự bức bách của Trịnh Tùng và những lời bàn ra bàn vào của bá quan văn võ, vua Lê Anh Tông hoảng hốt bỏ cả ngai vàng mà chạy vào Nghệ An. Trong lúc vội vã, nhà vua chỉ kịp mang theo bốn trong số năm vị Hoàng tử của mình. Trịnh Tùng cũng chỉ mong được như vậy mà thôi. Ngay sau đó, Trịnh Tùng cho người đến xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), đón Hoàng tứ thứ năm là Lê Duy Đàm, lúc này mới lên sáu tuổi, về lập làm vua, đó là vua Lê Thế Tông (1573 - 1599).

    Bấy giờ, đất đai Nam triều quản lãnh còn nhỏ hẹp, vậy mà có đến những hai vua, sự thừa thãi đấng chí tôn quả là rất đáng sợ. Giữa hai vua, hiển nhiên Trịnh Tùng chỉ có thể chọn vua con là Lê Thế Tông, vì Lê Thế Tông bất quá cũng chỉ là một đứa trẻ con không hơn không kém.
    Chọn vua con thì phải thủ tiêu vua cha, nhưng để tránh tội thí nghịch, Trịnh Tùng lại phải đặt mưu tính kế. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17,
    tờ 2 - b) chép rằng:
    "Bấy giờ, Hồng Phúc Hoàng đế (chỉ vua Lê Anh Tông. Hồng phúc là niên hiệu của Lê Anh Tông, dùng từ năm 1572 đến năm 1573 - ND) phiêu bạt đến đất Nghệ An. Các Hoàng tử là Bách, Lựu, Ngạnh và Tùng đều đi theo. Tả tướng Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến đánh thành (Nghệ An). Nhà vua chạy trốn ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu liền quỳ lạy ở ngoài ruộng mía và nói rằng:
    - Xin bệ hạ mau trở về cung để thỏa yên lòng mong đợi của thần dân trong nước, bọn thần không hề có ý gì khác cả.
    Chúng đem bốn con voi đực đi đón Vua trở về. (Trịnh Tùng) sai Bảng Quận công là Tống Đức Vị theo hầu sát ngày đêm. Ngày 22 (tháng 1 năm Quý Dậu, 1573 - ND), Vua về đến huyện Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND). Hôm ấy Vua băng. Khi ấy, Tả tướng Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngầm bức hại Vua, xong thì nói phao lên rằng, Nhà vua đã thắt cổ tự tử."
    Lời bàn: Làm thường dân mà tai thích nghe chuyện đàm tiếu thì nguy hại cho thân danh và gia giáo, đời chẳng ai ưa. Làm bậc "cha mẹ của dân" mà tai thích nghe chuyện đàm tiếu thì nguy hại cho cả một vùng, hậu quả khó mà lường trước được. Làm vua thiên hạ mà tai thích nghe chuyện đàm tiếu thì nguy hại cho cả xã tắc, trăm họ điêu đứng và ngai vàng cũng khó mà giữ được. Vua Lê Anh Tông buộc phải từ bỏ cung điện nguy nga để... vào núp trong ruộng mía, trước là bởi Trịnh Tùng bức bách, nhưng xem ra thói quen thích nghe chuyện đàm tiếu cũng đã hại Nhà vua. Nạn nhân cũng chính là thủ phạm, thương hại thay !
    Lê Anh Tông có gan và có sức chạy đến Nghệ An nhưng lại không có gan và sức để chống lại đám quân sĩ đi bắt mình. Bảo là lực lượng của Trịnh Tùng quá mạnh cũng được mà bảo là năng lực và bản lĩnh của nhà vua quá yếu cũng được. Bình sinh, Vua thích nghe lời bàn ra bàn vào, thì khi gặp nạn, chẳng ai dám cứu Vua, chuyện ấy không có gì khó hiểu cả.
    Hình như Nguyễn Hữu Liêu không giết Vua ở Nghệ An là bởi sợ làm hư ruộng mía đó thôi. Chua chát thay!

  2. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    10 - TRẬN TAM ĐIỆP

    Trong cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều, trận Tam. Điệp (1589) là một trong những trận ác liệt nhất. Với chúa Trịnh Tùng, đây cũng là trận khẳng định năng lực cầm quân, khiến cho sĩ khí Nam triều ngày càng phấn chấn. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 20 - b và tờ 21a - b) mô tả trận này như sau:
    "Bấy giờ, họ Mạc cử binh, sai Mạc Đôn Nhượng thống suất tướng sĩ và quân khấp bốn trấn, định ngày vào Yên Mô (Ninh Bình - ND) giao chiến với quan quân (chỉ Nam triều - ND). Tiết chế Trịnh Tùng bàn với các tướng rằng:
    - Nay họ Mạc đem đại binh tới, cốt để đánh một trận sống mái với ta. Địch nhiều, ta ít mạnh yếu cách nhau xa lắm. Nhưng, ta đang giữ đất hiểm, địch không dễ làm được gì. Binh pháp nói: Một người giữ được chỗ hiểm, ngàn người không địch nổi. Ta đang ứng vào câu này đây. Vậy, ta nên giả vờ rút quân để dụ chúng vào chỗ hiểm, khiến địch khinh ta mà đem quân đuổi theo, khi đó, ta dùng trọng binh đánh úp, ắt là sẽ phá được.
    Canh ba (vào khoảng từ 23 giờ đến 01 giờ) đêm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem một vạn năm ngàn quân tinh nhuệ và hai trăm cỗ khinh kị, đi gấp trong đêm tối, tới vùng chân núi, tìm hang động, khe suối và những nơi có lau sậy để mai phục, hẹn rằng, hễ nghe ba tiếng súng lệnh thì cho quân mai phục nổi lên đánh.
    Hữu Liêu đem quân đi rồi, (Tiết chế Trịnh Tùng) lại sai Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đem quân chặn phía sau. Xong, (Tiết chế Trịnh Tùng) hạ lệnh cho các quân cứ theo đúng trận đồ mà rút lui, nếu thấy giặc đến thì cứ vừa đánh vừa chạy, chừng nào đến chỗ có quân mai phục, hễ nghe thấy ba tiếng súng lệnh, thì phải lập tức chuyển hậu quân thành tiền quân, đội ngũ, cờ xí tả hữu phải đúng như trận đồ đã vạch. Các tướng nhận lệnh xong, trở về doanh trại, chỉnh đốn quân sĩ để đợi giặc. (Tiết chế Trịnh Tùng) còn sai Ngô Cảnh Hựu đem quân chở lương thực, thu nhặt hết mọi thứ vào núi Tam Điệp, cốt tỏ cho giặc biết việc lui quân, sai Trung quân và Hậu quân lần lượt rút về Tam Điệp và đóng tại đó. Tiết chế tự mình đốc suất tướng sĩ lên đường. Hôm ấy, tướng nhà Mạc sai người lên đỉnh núi cao để quan sát, thấy quân (Nam triều) kéo về thì cười mà nói rằng:
    - Nó thấy quân ta tới, tự biết là không kháng cự nổi vì quân nó ít, thế nào nó cũng để Hoàng Đình Ái đi chặn hậu. Hỡi các tướng sĩ, hễ người nào dấn thân cố sức đuổi kịp quân địch, bắt sống được tướng giặc hoặc bắt được voi là công hạng nhất, về triều sẽ tâu xin thăng chức và trọng thưởng.
    Tướng Mạc cậy có quân đông, hăng hái tranh nhau tiến lên phía trước, không hề nghĩ gì đến kẻ đi sau, đua nhau đánh đuổi (quân Nam triều) đến tận chỗ hiểm của núi Tam Điệp. Ba tiếng súng lệnh nổ vang, quân mai phục nhất loạt vùng dậy. Khi ấy, Tiết chế Trịnh Tùng cũng tung đại quân ra đánh, cả bốn mặt cùng tấn công, toàn quân theo đúng trận đồ, không hề sai lạc. Giặc tan vỡ phải chạy dài, bị chém hơn một ngàn thủ cấp, bị bắt sống hơn sáu trăm tên. Tướng nhà Mạc lo sợ, thu nhặt tàn quân chạy về Kinh Ấp, quan quân (Nam triều) toàn thắng, kéo về Thanh Hoa ".
    Lời bàn: Kẻ đang mạnh mà nông nổi, thường quên rằng, mình cũng từng có lúc là kẻ yếu và nếu không như vậy thì biết đâu, đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ là kẻ yếu. Kẻ đang yếu mà nông nổi lại kém ý chí thì thường quên rằng, cũng đã có lúc mình từng là kẻ mạnh, và nếu không như vậy, thì biết đâu, đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ là kẻ mạnh. Thiên hạ cứ đổ hết cho con tạo xoay vần, biết đâu, con tạo của ta cũng chính là ta vậy.
    Trong trận này, nhà Mạc nói chung và tướng Mạc Đôn Nhượng nói riêng, đúng là kẻ mạnh mà nông nổi, thảm bại thì có gì là lạ đâu. Nam triều quyết đánh suốt mấy chục năm trời để giành quyền bá chủ, thế cũng đáng gọi là có ý chí. Trịnh Tùng dùng quân ít mà đại thắng Bắc triều quân đông, thế cũng đáng gọi là có tài. Chỉ tiếc là Bắc triều hay Nam triều thì cũng đều là dòng dõi con Hồng cháu Lạc, nào có vẻ vang gì chuyện nồi da nấu thịt này đâu.
    Đoạn sử này nhoè nhoẹt, hình như khi viết đến đây, sử gia xưa đã phải rầu rĩ, bất đắc dĩ mà gật đầu khen tài, để mặc cho dòng nước mắt nặng lòng thương đời chảy mãi.

  3. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  4. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    11 - NGÀY TÀN CỦA HỌ MẠC

    Năm Nhâm Thìn (1592) là năm ghi nhận sự tàn lụi của họ Mạc. Kể ra thì sau đó, họ Mạc vẫn còn tiếp tục xưng vương xưng đế thêm một thời gian nữa, nhưng thực lực chẳng còn, có cũng như không vậy. Mở đầu triều Mạc là Mạc Đăng Dung, nhờ có tài đánh vật mà được bổ làm quan, rồi dần dần, quật đổ cả nhà Lê mà lập ra nhà Mạc, tiếc thay con cháu chẳng nối được chí lớn của tổ tiên, đến đây, vua của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp lại gục ngã bởi một người đàn bà. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 31a - b) chép rằng:
    "Mạc Mậu Hợp càng ngày càng buông thả, đam mê tửu sắc một cách bừa bãi. Bấy giờ, vì vợ của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên có chị ruột đang là Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, bởi vậy, bà vẫn thường hay ra vào trong cung. Mạc Mậu Hợp thấy bà có nhan sắc mặn mà, lòng lấy làm thích thú lắm, bèn bí mật lập mưu giết Bùi Văn Khuê để cướp vợ của ông ta.
    Cơ mưu bị lộ, Bùi Văn Khuê vội đem quân bản bộ chạy về huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình - ND) chứ không chịu ra giúp Mạc Mậu Hợp nữa. Mạc Mậu Hợp cho gọi hai ba lần mà không được, bèn sai tướng đem quân tới hỏi tội Bùi Văn Khuê.
    Tháng 10 (năm 1592 - ND) một mặt, Bùi Văn Khuê dốc quân đánh quân Mạc, mặt khác lại cho con chạy vào Thanh Hoa, lạy xin đầu hàng (Nam triều), khóc mà nói rằng:
    - Thân phụ của thần là Bùi Văn Khuê bị họ Mạc ngầm sai quân đến bức hại. Thân phụ của thần sai thần thay mặt, liều đến tạ tội và xin theo về với triều đình. Thần xin cúi mình hàng phục để cầu được sống, nếu triều đình ưng thuận, thần xin khắc ghi ơn nghĩa vào tận xương cốt, trọn đời cảm phục không quên. Nếu may mà thần được đội ơn đức lớn, được triều đình xét rõ lòng thành, thì xin cho một lữ quân tới cứu. Thân phụ thần là kẻ hèn mọn ở phương xa, nếu được oai trời rủ lòng thương xót đến, thì nhất định sẽ tình nguyện làm người dẫn đường (đi đánh quân Mạc), cho dẫu có phải chết cũng không dám chối từ, quyết lập công báo đáp.
    Tiết chế Trịnh Tùng nghe vậy, cười mà nói rằng:
    - Văn Khuê về hàng, đó là ý trời muốn cho ta được thành công. Đất đai của bản triều đã có thể định ngày lấy lại hết được rồi".
    Lời bàn: Mạc Mậu Hợp với Bùi Văn Khuê, tuy lúc vào triều danh phận là vua tôi, nhưng khi về nhà, nghĩa tình lại là anh em bạn rể. Mạc Mậu Hợp đã lấy chị, lại còn muốn chiếm luôn người em vợ đã có chồng, ấy là tham. Bùi Văn Khuê đang lúc giận dữ nên lánh mặt không ra. Mạc Mậu Hợp không tự hối lỗi, lại còn đem quân tới đánh, ấy là bất nghĩa và thiển lậu. Đem quân đánh Bùi Văn Khuê thì có khác gì tình nguyện giúp Nam triều chống lại chính mình? Mới hay, chia rẽ lúc lâm nguy cũng chẳng khác gì tự sát. Lời Trịnh Tùng nói lúc con Bùi Văn Khuê đến hàng, quả là rất chí lí. Song le, làm sao có thể bắt những kẻ tranh hùng trong thời loạn, một lòng một dạ chung lưng đấu cật với nhau?
    Đánh nhau với Bắc triều của nhà Mạc, Nam triều phải hao binh tổn tướng, vất vả không biết bao nhiêu năm trời, vậy mà trong phút chốc, chỉ vì một người đàn bà. vua Bắc triều là Mạc Mậu Hợp đã gục ngã, thương hại thay !

  5. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    12 - SỐ PHẬN MẠC MẬU HỢP

    Mạc Mậu Hợp là con của vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên, sinh vào năm nào không rõ, chỉ biết được lên nối ngôi từ năm 1562 và làm vua nhà Mạc từ đó cho đến năm 1592. Trớ trêu thay, tên vua là Mậu Hợp nhưng chính sự triều Mạc ở thời trị vì của vị vua thứ năm này lại là lìa tan. Có thể nói, năm 1592 là năm đánh dấu sự chấm dứt vai trò của họ Mạc trên vũ đài chính trị của nước nhà.
    Sau nhiều trận đại bại liên tiếp, thế cùng lực kiệt, Mạc Mậu Hợp buộc phải rời bỏ kinh thành Thăng Long, chạy trốn lên vùng Đông Bắc. Kẻ trung thành và người theo hầu hạ ngày một ít dần, đất đai bị Nam triều chiếm lại gần hết. Cuối năm 1592, Mạc Mậu Hợp quyết chí tự mình cầm quân để đánh trận quyết định với Nam triều, nhưng cả cố gắng cuối cùng này cũng bị Nam triều đè bẹp. Bắc triều tan rã, vua quan và tướng sĩ không sao liên lạc được với nhau nữa. Số phận của Mạc Mậu Hợp sau trận thua thảm hại này, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 35 - b) ghi chép như sau:
    "Bấy giờ, Mạc Mậu Hợp buộc phải bỏ thuyền mà đi bộ, đến một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhãn, ẩn náu ở đó mười một ngày.
    Khi quan quân (chỉ Nam triều - ND) đến huyện Phượng Nhãn, có người trong thôn dẫn đường đưa quan quân vào chùa. Mạc Mậu Hợp bị bắt giải về dinh trại. Vũ Quận Công sai người lấy voi chở Mạc Mậu Hợp cùng với hai kĩ nữ về kinh đô để dâng. Mạc Mậu Hợp bị chém ở bến Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội - ND), bêu đầu ba ngày, xong, đem đầu về hành tại ở Vạn Lại (Thanh Hoa), đóng đinh vào hai mắt và bỏ ở chợ".
    Các bộ sử cũ cũng cho biết, sau Mạc Mậu Hợp, đến lượt con của Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn cũng bị bắt và bị giết. Cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều đến đây, kể như kết thúc.
    Lời bàn: Thế là Nam triều thắng, Bắc triều thua, nạn binh đao ở phía Bắc tạm lắng xuống. Đành là hậu quả để lại còn nặng nề và lâu dài lắm, nhưng dẫu sao thì cái chết không còn thường xuyên rình rập thiên hạ như những năm trước đó.
    Đến bước đường cùng, Mạc Mậu Hợp buộc phải ẩn náu trong chùa, cố ý mượn áo cà sa và cầu kinh niệm Phật để che mắt bưng tai thiên hạ. Cửa chùa luôn rộng mở, nhưng chỉ rộng mở với những ai biết giữ gìn sự tinh khiết cho nơi thờ Phật mà thôi. Mạc Mậu Hợp vào chùa mà còn mang theo hai kĩ nữ, đáng sợ lắm thay. Hóa ra, con người này, đến chết cái nết vẫn không chừa, dám làm ô uế nhà chùa thì bảo Phật cứu độ làm sao được? Chẳng phải Trời Phật đứng về phía Nam triều, nhưng, bớt được phe nào trong hai phe tham chiến cũng đều có ích cho sinh linh trăm họ đó thôi.
    Dẫu lí giải theo cách nào đi chăng nữa, vẫn không ai chối cãi được rằng, Trịnh Tùng đã trả thù Mạc Mậu Hợp một cách hèn mạt. Hóa ra, thắng trên chiến trường đã khó mà thắng trong nhân luân lại càng khó hơn. Song le, bắt Trịnh Tùng giữ đức thì Trịnh Tùng đâu còn là Trịnh Tùng nữa.
    Đem đầu Mạc Mậu Hợp về Vạn Lại, chủ ý dâng Vua của Trịnh Tùng thì ít mà chủ ý dọa Vua của Trịnh Tùng thì nhiều. Mạnh như nhà Mạc mà còn bị diệt, huống chi là những thế lực nhỏ khác. Hãy biết thân biết phận, hỡi vua Lê Thế Tông - con bài chính trị ẻo lả và tội nghiệp trong bàn tay thép của Trịnh Tùng!
    Ý Trịnh Tùng hẳn là chỉ đơn giản như thế mà thôi.

  6. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    13 - CHUYỆN VŨ ĐỨC CUNG

    Vũ Đức Cung sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết dưới thời vua Lê Thế Tông (1573 - 1599), ông từng được phong tới tước Quận công và vào năm Giáp Ngọ (1594), ông là người bỗng dưng được các sử gia đương thời đồng loạt nhắc tới. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 30, tờ 9 và 10) viết như sau:
    "Thuở trước, Gia Quốc công là Vũ Văn Mật (bề tôi cũ của nhà Mạc - ND), vì đã sớm biết quy thuận triều đình, lại còn có công đánh bại quân nhà Mạc, nên triều đình đặc ân, cho giữ đất Đại Đồng (nay thuộc tỉnh Tuyên Quang - ND), và cho được đời đời cha truyền con nối (chức vụ ấy). Vũ Đức Cung là đời cháu, khi lên nối giữ chức quyền, đã vào chầu, dâng mười mâm vàng bạc và châu báu, thêm ba chục con ngựa hay, được triều đình (vua Lê - chúa Trịnh - ND) gia phong làm Hữu Đô đốc của phủ Đô đốc, hàm Thái bảo, tước Hòa Quận công, lại cho đặt quân hiệu riêng, lấy tên là An Bắc Doanh. Nhận gia phong chức tước xong, Vũ Đức Cung xin triều đình cho về bản trấn đề phòng giặc cướp.
    Sau, Đức Cung ngầm thông mưu với tướng nhà Mạc là Mỹ Thọ Hầu (chưa rõ tên), quấy phá và cướp bóc các huyện vùng địa đầu Sơn Tây như Thanh Ba và Hạ Hòa ( nay đều thuộc Phú Thọ - ND), xong, còn thúc ép dân các huyện Đông Lan và Tây Lan (nay cũng thuộc về tỉnh Phú Thọ) phải Đi theo chúng.
    Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đi đánh dẹp, bắt sống được Mỹ Thọ Hầu, đánh tan quân giặc ở Đại Đồng, khiến Đức Cung phải hoảng hốt đem con em mình chạy đến đất Nghĩa Đô. Đức Cung lại sai người dâng lên triều đình vàng bạc và ngựa quý, xong thì vào kinh đô tạ tội. Triều đình ưng cho."
    Lời bàn: Thời hỗn chiến Nam - Bắc triều, bên nào cũng có các văn thần và võ tướng bị coi là …phản. Gia Quốc công Vũ Văn Mật là một trong số những người bị coi là làm phản như vậy. Đành rằng, sống mà cứ…"gió chiều nào che chiều ấy" là lối sống tầm thường, song, một lần cho cả một đời như Vũ Văn Mật, thì dẫu sao vẫn còn có thể tạm bỏ qua.
    Vũ Đức Cung quả là người lòng dạ khó lường. Lần thứ nhất, đã thân vào kinh đô để chầu, lại còn đem dâng mười mâm vàng bạc và châu báu cùng ba chục con ngựa quý, tưởng như Vũ Đức Cung tỏ rõ chút lòng trung thực nhưng sự thực thì chừng như Vũ Đức Cung chỉ muốn tỏ cái ngông nghênh của sứ quân một vùng. Sẵn có quyền hành lại sẵn của thiên hạ, cứ làm tất cả những gì cho thỏa chí bình sinh, thế mới đáng mặt Vũ đại nhân chứ?
    Nhận sự gia phong xong, Vũ Đức Cung liền ngầm thông mưu với tướng của nhà Mạc, nghĩa là làm bạn với kẻ mà đời ông là Vũ Văn Mật từng coi khinh. Ôi, đã phản phúc triều đình lại còn phản cả gia tiên, dẫu giải thích thế nào đi chăng nữa, thì cũng là…vô phúc thay, họ Vũ!
    Lần thứ hai, khi thế cùng lực kiệt, Vũ Đức Cung lại cậy nhờ đến vàng bạc, châu báu và ngựa quý, nghĩa là phản bội Mỹ Thọ Hầu để cầu lấy sự sống cho riêng thân. Đáng sợ thay, Vũ Đức Cung, người phản bội tất cả những ai có quan hệ với mình.
    Dân gian có câu:
    Dò sông, dò biển thì dò
    Đố ai lấy thước mà đo lòng người
    Chỗ này, hoặc giả là dân gian nhầm, hoặc giả là Vũ Đức Cung thuộc hàng cá biệt đó thôi. Lòng dạ Vũ Đức Cung chật ních những ý đồ phản trắc, cho nên, không phải là mông lung đến nỗi khó đo đạc, mà là làm sao dùng cái thước rõ ràng và…cũng quá to lớn kia để mà đo được chứ.
    Nhưng, sở dĩ Vũ Đức Cung là …Vũ Đức Cung, bởi lẽ, ở thời mà mọi giá trị đều bị đảo lộn, thì trung nghĩa chỉ là món đồ chơi công cộng, ai muốn chơi kiểu nào tùy thích đó thôi. Vả chăng, cả hai lần Vũ Đức Cung về triều, vua chúa và trăm quan chỉ chăm chăm để tâm vào vàng bạc, châu báu cùng ngựa quý của Vũ Đức Cung chớ có ai chú ý gì tới thế sự đâu.
    Có nơi dơ bẩn nào mà chẳng có ruồi nhặng?

  7. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    14 - DI CHÚC CỦA MẠC NGỌC LIỄN

    Sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết, tôn thất nhà Mạc, có người thì theo về với Nam triều, có người thì chạy trốn sang tận đất Long Châu (Trung Quốc) và thỉnh thoảng lại đem quân về cướp bóc, có người mai danh ẩn tích để chờ thời.
    Tháng 3 năm 1593, Mạc Ngọc Liễn bí mật lên vùng rừng núi Đông Bắc, dò tìm được Đôn Hậu Vương là Mạc Kính Cung (con của Mạc Kính Điển). Mạc Ngọc Liễn liền tôn Mạc Kính Cung lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Càn Thống. Dư đảng họ Mạc nghe tin này liền kéo nhau theo về. Vùng Đông Bắc lại thêm một phen binh lửa. Tháng 2 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn bị đánh thua, phải chạy sang Tư Minh (Trung Quốc), xin làm bề tôi của nhà Minh, còn Mạc Kính Cung thì chạy đến Long Châu (Trung Quốc). Nhờ được sự trợ giúp của các quan biên ải nhà Minh, Mạc Ngọc Liễn và Mạc Kính Cung thỉnh thoảng lại đem quân về cướp phá, quấy nhiễu.
    Ngày 2 tháng 7 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn bị bệnh mà mất, các con của Mạc Ngọc Liễn chạy sang với Mạc Kính Cung.
    Trước khi mất, Mạc Ngọc Liễn có để lại lời di chúc cho con cái và cho Mạc Kính Cung. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 48 - b) chép về lời di chúc của Mạc Ngọc Liễn như sau:
    "Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại, khuyên Mạc Kính Cung rằng: Nay, khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là bởi số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ ! Bọn ta nên lánh ra nước ngoài, chứa uy và nuôi sức, chịu khuất để chờ thời, đợi khi nào mệnh trời tái hiện mới có thể hành động nổi. Lấy sức chọi sức là điều hoàn toàn không nên. Hai con hổ tranh nhau tất phải có một con bị thương, chẳng nên việc gì cả. Nay, nếu thấy quân họ tới thì nên tránh, chớ nên đánh nhau, cẩn thận giữ mình là hơn cả. Cuối cùng, chớ nên mời người Minh vào trong nước ta, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được".
    Lời bàn: Lời trước lúc lâm chung, thường ở hai thái cực đối nghịch, hoặc rời rạc và ngớ ngẩn đến vô nghĩa, hoặc sâu sắc và thông thái đến độ bất ngờ. Di chúc của Mạc Ngọc Liễn đáng xếp vào loại thứ hai.
    Mạc Ngọc Liễn quy hết nguyên nhân thất bại cho mệnh trời. Xin chớ trách ông vì thời ông là thời người ta thường nghĩ như vậy, ông có phải là ngoại lệ đâu, cổ nhân mà !
    Phải đến lúc sắp tắt thở, Mạc Ngọc Liễn mới biết xót thương cho thân phận của dân đen, chút nhân từ đến với ông quá muộn màng, nhưng dẫu sao thì cũng đã đến, đó thực sự là phần an ủi cho chính ông, vì dưới đấng cao xanh, ông cũng là một con người !
    Lời khuyên tạm lánh để chờ mệnh trời, tỏ rõ rằng đến chết, ông vẫn không quên mối thâm thù với Nam triều, nhưng, cho dẫu việc trả thù có khó khăn gian khổ đến bao nhiêu cũng không được dại dột đi cầu viện. Ắt hẳn là bình sinh, ông phải nếm bao cay đắng tủi nhục khi đi cầu cạnh người nên mới thấm thía mà thành thật nói lời trăn trối như vậy. Vâng, quả đúng là kẻ nào vì quyền lợi ích kỉ của cá nhân và dòng họ mà cam tâm rước giặc ngoại xâm về dày xéo đất nước, thì kẻ đó đã phạm tội lớn đến độ "không gì so được", trời sẽ không dung và đất cũng chẳng tha.
    Lời vàng ngọc rành rành trong sử sách, nhưng, những kẻ say sưa với cuộc tranh hùng, chỉ nhìn chăm chăm vào cổ đối phương để vung gươm lên chém, có ai ngó ngàng gì tới sử sách đâu.

  8. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    15 - CHUYỆN PHAN NGẠN

    Phan Ngạn là tướng của Nam triều, được Nam triều phong tước Kế Quận công. Năm 1592, Nam triều kể như dã đè bẹp được Bắc triều, tuy nhiên, dư đảng của họ Mạc vẫn còn hoạt động khắp miền Đông Bắc. Trước tình hình đó, Nam triều cử Kế Quận công là Phan Ngạn, đem 300 chiến thuyền, một con voi và đông đảo lính thủy, lính bộ đi đàn áp. Cuối năm Ất Mùi (1595), Phan Ngạn đã có mặt ở Hải Dương. Ngày mồng ba tết Bính Thân (1596), Phan Ngạn đã đụng độ một trận quyết liệt với đối phương. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, từ tờ 53 - b đến tờ 55 - a) chép như sau:
    "Khi ấy; Phan Ngạn đóng quân chưa yên chỗ, quân sĩ chưa kịp mặc áo giáp mà thuyền giặc đã tới ngoài cửa dinh, ai cũng luống cuống, chỉ có 45 người cùng đi với Phan Ngạn ra chống cự mà thôi. Có viên tướng (Nam triều), người Giao Thủy là Lễ Quận công, thấy thế giặc mạnh, tự liệu rằng quân ít, sức không chống nổi, đem quân của mình rút lui trước, Phan Ngạn cho là nhát gan, liền chém chết và rao cho mọi người biết. Nhờ vậy, ai cũng liều chết mà đánh. Đúng khi đó, có một đội thuyền nhẹ từ Tây Chân (thuộc Nam Hà cũ - ND) tiến ra. Tướng giặc ngờ là có quân cứu viện, liền tự tan vỡ, bỏ thuyền nhảy xuống sông chạy trốn. Phan Ngạn cho gọi các thuyền lớn nhỏ của mình, nhất loạt xông ra kịch chiến ở giữa sông, chém được tướng giặc là Ly Quốc công, Thái Quốc công, An Quốc công, Thụy Quận công...
    (tất cả đều không rõ họ tên) và hơn hai mươi viên tì tướng khác. Quân Phan Ngạn chém được 2298 thủ cấp, thu thuyền bè khí giới nhiều không kể xiết, sau lại còn bắt sống được tướng giặc là Hào Quận công (không rõ tên). Giặc tan tác chạy về bản quán của chúng.
    Ngay hôm ấy, tướng giặc là Hào Quận công bị giải đến trước cửa quân. Phan Ngạn tự mình cởi trói (cho Hào Quận công) và dụ dỗ:
    - Muốn sống thì hãy làm người hướng đạo cho ta, bắt được Tráng Vương (chỉ Mạc Kính Chương, kẻ cầm đầu thế lực họ Mạc lúc ấy - ND) ta sẽ tha tội chết cho.
    Hào Quận công xin làm người dẫn đường, đem quân (Phan Ngạn) theo đường thủy mà men ra Quảng Yên, cố bắt Tráng Vương để báo đáp. Phan Ngạn chọn thuyền nhẹ và mấy trăm quân tinh nhuệ, cùng với năm chiến thuyền, mặc áo giáp che kín mình, giấu Hào Quốc công trong thuyền rồi ra đi.
    Ngày mồng bốn (tết Bính Thân - ND) Phan Ngạn bàn với các tướng rằng:
    - Việc quân quý ở thần tốc. Ta lấy quân thắng trận, thừa thế chẻ tre mà tiến, đánh một trận mà thắng đến hai lần thì đó chính là trời đã giúp ta thành công to, đáng mặt để sánh với các danh tướng thuở xưa lắm. Tôi mong các tướng nghe lệnh, đồng tâm hiệp lực để lập công danh, tiễu trừ được giặc nguy thì công của bọn ta không gì to bằng.
    Các tướng đều nói:
    - Xin tuân lệnh.
    Hôm ấy, Phan Ngạn chọn các tráng sĩ, Vờ mang sắc áo và màu cờ của quân (Tráng Vương) Mạc Kính Chương. Phan Ngạn tự làm tiền đội, quân thủy lục tục theo sau. Đến đêm, Phan Ngạn tự đi thuyền nhẹ, xông vào, qua được hai lần cửa. Người giữ cửa hỏi, Phan Ngạn nói:
    - Binh thuyền của Hào Quận công đây. Nhân thắng trận, bắt được tướng giặc là Kế Quận công (tức Phan Ngạn - ND) nên giải về để dâng nạp.
    Nhờ lời này mà quân phàn Ngạn qua được hết mấy lớp cửa rồi thẳng tiến, sau ba ngày đêm thì đến xã Hương Lan, châu Vạn Ninh. Mạc Kính Chương ngỡ là Hào Quận công thắng trận trở về liền thân ra đón. Phan Ngạn thét:
    - Ta là Kế Quận công đây. Bọn ngươi nên mau mau chịu trói để khỏi bị chém đầu.
    Kính Chương nghe nói, trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy lên bờ, vừa đến giữa bãi cát thì bị quan quân bắt được. Cùng bị bắt với Mạc Kính Chương còn có vợ cả, vợ lẽ của y, cộng 20 người. Phan Ngạn sai chém 40 tên dư đảng. Lúc ấy, quân lính (của Phan Ngạn) phần nhiều tranh nhau lấy của cải, bỏ mặc cho dư đảng (của Mạc Kính Chương) chạy tản mác vào rừng núi. Quân Phan Ngạn toàn thắng, một lúc hai trận, ai cũng vui mừng, khải hoàn về kinh đô, giải nạp Mạc Kính Chương ở dưới cửa khuyết. Hôm ấy Tiết chế Trịnh Tùng thưởng chiến công, ban cho Phan Ngạn một tấm thẻ bài bằng vàng, cân nặng 10 vàng ròng, thưởng cho các tướng sĩ đã chấp hành mệnh lệnh 300 cân bạc và đặt yến lớn để khao quân".
    Lời bàn : Tướng cấm quân ra trận, trước phải lo giữ quân pháp cho nghiêm. Phan Ngạn chém Lễ Quận công cũng chính là để giữ nghiêm quân pháp vậy.
    Giữa chốn trận mạc, trí trá là sự thường. Đóng giả quân của Hào Quận công, Phan Ngạn cũng xử sự theo thói thường nơi trận mạc đó thôi.
    Cứ xem hai việc trên, đủ biết Phan Ngạn cũng thuộc hàng dụng binh rất kiên quyết và mưu mô chẳng kém gì ai, nghĩa là cũng đáng xếp vào hàng tướng tài. Tiếc thay, ông là tướng tài thời loạn !

  9. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    16 - BANG GIAO THỜI LOẠN

    Trong thời Nam - Bắc triều, triều Mạc (Bắc triều) và triều Lê (Nam triều), tuy coi nhau là kẻ thù không đội trời chung, nhưng cả hai đều thần phục nhà Minh và cố tìm mọi cách để được nhà Minh ban sắc phong cho mình. Hai bên biết rõ ý định cũng như mặt mạnh và mặt yếu của nhau, cho nên đã không ngần ngại tung ra các thủ đoạn để phá hoại lẫn nhau. Nói khác hơn, ngay cả trong lĩnh vực bang giao với nhà Minh, Nam triều và Bắc triều cũng có một cuộc chiến thực sự. Một trong những đỉnh cao ác liệt của cuộc chiến tranh này là sự kiện năm Bính Thân (1596). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 55 - b và 56 - a) chép như sau:
    “Bấy giờ, bọn bề tôi nhà Mạc dùng nhiều quỷ kế đề tố cáo với nhà Minh rằng:
    - Cái gọi là nhà Lê hiện thời, thực chất chỉ là của họ Trịnh. Chúng làm việc tranh giành, dấy binh để giết bề tôi đã thần phục của thượng quốc (ý nói giết dòng dõi của họ Lê - ND) và con cháu của họ Mạc chứ chẳng phải là quân lo hưng phục nhà Lê.
    Vì lời tố cáo ấy, nhà Minh đã nhiều lần sai sứ tới cửa ải trấn Nam Giao (tức cửa ải Mục Nam Quan ngày nay - ND), mang điệp văn sang và hẹn đến cửa ải hội khám xem thực hư thế nào.
    Ngày 29 (tháng giêng năm Bính Thân, 1596 - ND), vua Lê sai Hộ Bộ thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Thông Quận công là Đỗ Uông, cùng với quan Đô Ngự sử ở Ngự Sử Đài là Nguyễn Văn Giai, đi làm quan hầu mệnh, đến cửa ải trấn Nam Giao để trao đổi điệp văn và thư từ qua lại với viên Tả Giang binh tuần đạo (của nhà Minh) là Trần Đôn Lâm, lời lẽ rất khiêm nhường.
    Sau, (vua Lê) lại sai quan Hữu tướng là Hoàng Đình Ái, mang quân đến Lạng Sơn để làm hậu ứng, sai tộc mục là Hoàng huynh Lê Ngạnh, Hoàng huynh Lê Lựu, cùng với Công Bộ thị lang là Phùng Khắc Khoan, mang ấn An Nam Đô thống sứ ti và hai tờ có in mẫu ấn bằng mực của An Nam Quốc vương trước, 100 cân vàng, 1000 lạng bạc và mấy chục kì lão lên tận cửa ải trấn Nam Giao để chờ hội khám.
    Ngày mồng 1 tháng 2, quan Tả Giang binh tuần đạo, kiêm án sát Đề hình sứ ti, Phó sứ Trần Đôn Lâm gởi điệp văn, đòi Vua phải thân hành tới cửa ải trấn Nam Giao để cùng hội khám.
    Ngày mồng năm (tháng giêng năm Bính Thân - ND), Vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng là Hoàng Đình Ái, Thái úy là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó là Trịnh Đỗ và tướng lĩnh cùng binh lính, tổng cộng hơn một vạn người đến cửa ải trấn Nam Giao để hẹn ngày hội khám, nhưng lúc ấy nhà Minh tìm cớ dây dưa thoải thác, chỉ đòi lấy người vàng, ấn vàng theo lệ cũ, không đến khám, thành ra quá cả kì hạn".
    Tháng chạp năm Bính Thân (1596), vua Lê lại sai quan Hộ Bộ thượng thư, kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước Thông Quận công là Đỗ Uông đi làm quan hầu mệnh, cùng đi còn có Quảng Quận công là Trịnh Vĩnh Lộc. Cũng sách trên (tờ 58 - b) chép:
    "Lúc ấy, viên thổ quan đất Long Châu của nhà Minh, vì nhận nhiều của đút lót của họ Mạc, nên cứ về hùa với họ Mạc mà thoái thác, khiến cho việc chẳng thành, trong khi đó, tết nguyên đán cũng đã đến, bọn Đỗ Uông và Vĩnh Lộc đành phải về kinh".
    Sau nhiều phen hối lộ, tốn phí không biết bao nhiêu là của cải, đến tháng 4 năm Đinh Dậu (1597), mối bang giao giữa nhà Lê với nhà Minh mới trở lại bình thường.
    Lời bàn: Họ Lê và họ Mạc lớn tiếng bêu riếu nhau khắp nước vẫn chưa cảm thấy vừa lòng, cho nên mới tìm cách bêu riếu nhau trên đất thiên triều là nhà Minh. Đương thời, họ chỉ cốt nói sao cho hả dạ căm tức, có biết đâu, cứ mở miệng nói mãi những điều chẳng tốt lành, thân danh cũng theo đó mà tan tành tơi tả. Ở đời, có phảilúc nào trình độ học vấn và trình độ hiểu biết về văn hóa cũng tương đương với nhau đâu!
    Họ Lê và họ Mạc công kích nhau, rốt cuộc, chỉ có nhà Minh là thủ lợi. Quan lại thiên triều quả là thiên tài thay! Chuyện xưa kể rằng: Hai đứa trẻ nhà nọ có một quả chuối, nhưng cả hai đều tham, sau khi đã chia đôi rồi, đứa nào cũng cảm thấy phần mình ít hơn, bởi thế, chúng nhờ một anh hàng xóm chia hộ. Anh ta giơ hai nửa quả chuối ra và hỏi hai đứa rằng phần nào nhiều. Phần này - một trong hai đứa nhanh nhảu chỉ phần của đứa kia và nói như thế. Anh hàng xóm nhanh tay đưa lên miệng cắn một miếng thật to. Ăn xong, anh ta lại hỏi tiếp: Phần nào? Hai đứa đồng thanh chỉ về nửa quả chuối chưa bị cắn. Anh ta cắn một miếng còn to hơn miếng trước. Cứ thế, hết cắn bên này và hỏi, rồi lại cắn tiếp bên kia, cho đến khi hai nửa quả chuối đều vào hết bụng anh ta. Bấy giờ, hai đứa trẻ mới nhận ra mình dại, tên đại bợm lừa cho đến nỗi mất hết cả miếng ngon, nhưng muộn mất rồi.
    Họ Mạc và họ Lê không phải là hai đứa trẻ, nhưng trong phép ứng xử với nhà Minh, chừng như cũng đáng coi là trẻ con. Nhà Minh không phải chỉ là anh hàng xóm chỉ tham miếng ăn nhất thời, ngược lại, còn là con hổ, khi đói, có thể xơi luôn cả hai đứa trẻ như thường. Con hổ bao giờ cũng là con hổ, đợi đến khi nó chồm tới vồ người mới bảo là nó dữ, phỏng có ích gì?

  10. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    17 - MẠC KÍNH DỤNG BỊ MẮC MƯU

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, từ tờ 65 - a đến tờ 66 - b) chép rằng:
    "Con của Hùng Lễ Hầu (tức Mạc Kính Chỉ - ND) là Mạc Kính Dụng, họp đảng ở huyện An Bác (nay thuộc Lạng Sơn - ND), ngụy xưng là Uy Vương. Vì thua luôn lại thiếu ăn nên hắn âm mưu giết viên thổ quan Phú Lương Hầu (chưa rõ họ tên) để cướp lấy đất đai và dân vừng này, nhưng Phú Lương Hầu biết được nên mưu ấy không thành. Mạc Kính Dụng bèn đem quân đến bức bách, Phú Lương Hầu dã dùng mẹo để đánh lừa. Trước hết, ông sai vợ con ra đón (Mạc Kính Dụng) để xin hàng, vờ thú tội rằng:
    - Đại vương quyền cao chức trọng, binh lính nhiều, kẻ theo hầu phục dịch ai cũng oai hùng gan dạ. Chồng thiếp chỉ là một người nhà quê, chưa từng thấy dụng binh lớn như thế này bao giờ, cho nên, vừa nghe có quân của Đại vương tới, chồng thiếp đã kinh hoàng sợ hãi, liền sai thiếp đi đón thay, xin Đại vương đóng yên dinh trại ở ngoài cõi, ban lệnh nghiêm cấm, chấn chỉnh quân sĩ cho nghiêm, cố giữ dinh lại thật cẩn thận để lỡ quân triều đình có đến thì chống lại.
    Xong, xin Đại vương tự chọn lấy tay chân thân cận, chẳng qua độ vài chục người, theo thiếp vào nhà, thiếp sẽ lập tức dẫn chồng ra lạy chào và dâng nạp đất đai cũng như dân chúng trong vùng.
    Uy Vương nghe nói thì cả mừng, lập tức chọn 40 người tay chân và con em thân cận, vào thôn của Phú Lương Hầu. Phú Lương Hầu sai quân canh giữ, đóng kín hết các cửa ải, rồi ra đón tiếp, quỳ lạy trước mặt Uy Vương và nói:
    - Thần ở nơi xa xôi hẻo lánh, lương đủ nhưng binh ít, Đại vương có thể tạm yên thân nơi này, nuôi quân và dưỡng sức để chờ thời, nhân thể chiêu dụ các châu huyện khác, tuyển chọn thêm sĩ tốt thì có thể phục hưng được cơ nghiệp xưa. Nay, thần có một lũng núi xa, rất sâu và rất hiểm, đại vương nên đem vài người tới chiếm giữ chỗ sâu và hiểm ấy, thần sẽ lo cung cấp hầu hạ, còn các tướng hiệu khác thì hãy tạm ở trong thôn của thần, thần sẽ lo cấp dưỡng và cùng lo liệu việc lớn sau này.
    Uy Vương nghe vậy, tự đem bốn năm người tay chân thân tín đi chiếm lũng núi. Phú Lương Hầu lập tức sai người bí mật thủ tiêu hết cả bốn chục con em và tay chân thân tín của Uy Vương mà Uy Vương không hay, đồng thời, sai người gấp chạy về kinh đô xin quân cứu viện để bắt Uy Vương. Lúc ấy, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc là Lâm Quận công, Quảng Quận công và Hoa Dương Hầu đem quân đến thôn của Phú Lương Hầu thì quả nhiên bắt được Uy Vương giải về kinh đô. Sau, (triều đình) xét công ban thưởng, Phú Lương Hầu được thăng chức Tổng binh".
    Lời bàn: Thời nhà Mạc còn thịnh vượng, trên gồm đủ triều đình và bá quan văn võ, dưới có quân mạnh và tướng tài, vậy mà vẫn còn chịu thua Nam triều, huống chi là thời mạt vận của nhà Mạc. Nổi binh chống Nam triều lúc này, Mạc Kính Dụng quả là không thức thời chút nào cả.
    Quân ít lại thua luôn, lương thực thì đã cạn... lực lượng của Uy Vương Mạc Kính Dụng, bất quá cũng chỉ như một đám giặc cỏ mà thôi. Đã non sức lại vô mưu, thảm bại và mạng vong là điều không sao tránh được. Hỏa ra ở đời, lớn tiếng xưng này xưng nọ là chuyện của người ưa xưng, còn như xã hội thừa nhận họ tới đâu là chuyện của xã hội, mà ở dưới hai vầng nhật nguyệt, xã hội ngàn năm nghiêm khắc nhưng có bất công bao giờ đâu !
    Song le, Phú Lương Hầu dùng mưu mà hạ được lực lượng của Uy Vương Mạc Kính Dụng, chẳng qua là rải thêm khăn tang cho cả một vùng, chúa Trịnh vui mừng hả dạ, chớ đồng bào trong khắp thiên hạ, nào có ai sung sướng gì đâu.

  11. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    18 - HOÀNG GIÁP PHÙNG KHẮC KHOAN VỚI CHUYẾN BẮC SỨ NĂM 1597

    Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), quê ở Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nay thuộc tỉnh Hà Tây), nguyên là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Năm 1550, Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hoa, cùng với các cựu thần nhà Lê chống lại nhà Mạc. Năm 1580, Phùng Khắc Khoan đỗ Hoàng giáp và trở thành một trong những quan lại cao cấp của Nam triều. Bình sinh ông từng giữ chức Thượng thư bộ Hộ và bộ Công và từng cầm đầu phái bộ sứ giả nước ta sang Trung Quốc. Lúc về hưu, Phùng Khắc Khoan đã tận tụy chỉ dẫn cho dân làng cách xây dựng hệ thống tưới tiêu, và đặc biệt, ông đã dạy cho dân Phùng Xá học nghề dệt vải, khiến cho dân Phùng Xá nổi tiếng với nghề thủ công đặc biệt này.
    Ngày 10 tháng 4 năm Đinh Dậu (1597), triều đình cử một phái bộ sứ giả sang rung Quốc để nạp cống và cầu phong. Chánh sứ của phái bộ này là Công Bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan và Phó sứ là Thái thường Tự khanh Nguyễn Nhân Thiêm. Chuyến Bắc sứ này kéo dài tổng cộng gần một năm rưỡi và Phùng Khắc Khoan đã hoàn thành tốt đẹp phận sự của mình, để lại tiếng thơm ngàn đời trong sử sách. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 30, tờ 26) chép như sau:
    "Trước đây (chỉ tháng 4 năm 1597, vì đoạn này chép việc của tháng 12 năm 1598 - ND), sứ thần là Phùng Khắc Khoan đem phẩm vật sang Yên Kinh (Trung Quốc - ND) để cống nạp.
    Vua Minh rất bằng lòng, hạ chiếu phong vua Lê làm Đô thống sứ của An Nam Đô thống sứ ti, được cai quản nhân dân trong nước và được ban một quả ấn bằng bạc trên có khắc chữ An Nam, sai Phùng Khắc Khoan mang về. Phùng Khắc Khoan dâng sớ biện bác rằng:
    - Họ Lê là dòng chính thống của nước An Nam, vì giận kẻ bề tôi là họ Mạc bạo ngược tiếm ngôi cướp nước, nên cam chịu nếm mật nằm gai, quyết chí khôi phục cơ nghiệp của tổ tông. Họ Mạc vốn đời đời làm tôi mà dám giết vua cướp nước, rõ là có tội với thiên triều mà vẫn được phong chức Đô thống một cách ám muội. Nay, họ Lê không phải là người có tội như họ Mạc mà vẫn phải nhận chức ngang với họ Mạc, thế nghĩa là sao? Xin bệ hạ soi xét lại.
    Vua Minh thấy thế, dụ bảo rằng:
    - Chúa của ngươi không phải như họ Mạc, nhưng vì mới khôi phục được nước, lòng người chưa yên, thì hãy tạm nhận chức Đô thống, quản lí việc nước, sau sẽ gia phong cũng chưa muộn gì.
    Bấy giờ, Phùng Khắc Khoan mới chịu lạy nhận sắc phong mang về. Khi sứ bộ về đến Nam Quan, quan Tả Giang binh tuần đạo của nhà Minh là Trần Đôn Lâm, sai liêu thuộc là Vương Kiến Lập, nhân thể, đem công văn đến nước ta. Triều đình sai Hữu tướng là Hoàng Đình Ái và Thái bảo là Trịnh Nành, lo chuẩn bị nghi trượng để đón tiếp. Nhà vua thân hành sang sông (chỉ sõng Hồng - ND), tới bến Bồ Đề lạy nhận chiếu thư và rước về nội điện. Khi thấy quả ấn (nhà Minh ban cho) là quả ấn làm bằng đồng mạ bạc, nhà vua liền sai viết tờ tấu thư, giao cho Vương Kiến Lập chuyển đạt lên vua Minh. Sau, vua nhà Minh sai quan lại đến đổi cho quả ấn khác."
    Sách Đại việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 60 - a) cho biết thêm:
    "(Phùng) Khắc Khoan đến Yên Kinh vào đúng tiết Vạn Thọ của vua Minh, nhân đó, ông làm ba chục bài thơ để mừng. Quan Anh Vũ điện Đại học sĩ, hàm Thiếu bảo, kiêm Thái tử Thái bảo, chức Lại Bộ thượng thư của nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng:
    - Trẫm đọc thơ này, thấy rõ lòng thành của Phùng Khắc Khoan thật đáng khen ngợi.
    Nói rồi, vua Minh sai người đưa xuống khắc in tập thơ (của Phùng Khắc Khoan) để lưu hành trong nước. Bấy giờ, sứ thần của Triều Tiên là Hình tào Tham phán Lý Toái Quang đề tựa cho tập thơ này”.
    Lời bàn: Trước Phùng Khắc Khoan, đã có không ít phái bộ sứ giả giữ phép không nghiêm, trên thì làm nhục mệnh vua, dưới thì rẻ rúng xã tắc.
    Thời Phùng Khắc Khoan là thời nhà Lê mới hưng phục, ứng xử của phái bộ sứ giả lúc này, dẫu muốn hay không, cũng đều can hệ tới vận mệnh của nhà Lê. Đáng khen thay Phùng Khắc Khoan, người đã xứng đáng với niềm tin cậy của triều đình đương thời.
    Dám thẳng thắn biện bác với cả thiên tử, Phùng Khắc Khoan đã tỏ được cái dũng của sứ thần, làm một lúc ba chục bài thơ hay. Phúng Khắc Khoan đã tỏ được năng lực phi thường của kẻ sĩ đất ngàn năm văn hiến. Kính thay !
    Ngoại giao bao giờ cũng có những chi tiết rất tế nhị, nhưng cứ xem việc vua Minh ban sắc phong và ấn tín, cũng đủ biết ý đồ của họ thô bạo đến ngần nào. Cho nên, chỉ cần mơ hồ và bất cẩn, không chọn đúng bậc hiền tài để đi sứ, thì quả là chí nguy !

+ Trả lời chủ đề
Trang 2/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình