+ Trả lời chủ đề
Trang 3/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 69

Chủ đề: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 6

  1. #21
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    19 - CHÍNH QUYỀN VUA LÊ - CHÚA TRỊNH THỰC SỰ CÓ TỪ LÚC NÀO?

    Năm 1527, Mạc Đãng Dung cướp ngôi nhà Lê. Sáu năm sau, năm Quý Tị (1533), con của vua Lê Chiêu Tông là Lê Ninh (cũng có tên khác là Lê Huyến), được Nguyễn Kim tôn lên ngôi vua ở Thanh Hoa, đó là vua Lê Trang Tông (1533 - 1548), người đứng đầu Nam triều. Như vậy, Nam triều là triều Lê, nhưng thực chất, mọi quyền bính đều nằm trong tay Nguyễn Kim. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm đã thu hết quyền hành về mình. Manh nha của chính quyền vua Lê - chúa Trịnh bắt đầu xuất hiện kể từ đó, nhưng dẫu sao thì địa vị của vua Lê cũng không đến nỗi quả kém cỏi. Các vua nối tiếp như Lê Trung Tông (1548 - 1556), Lê Anh Tông (1556 - 1573) và Lê Thế Tông (1573 - 1599), tuy bị chúa Trịnh (trước là Trịnh Kiểm, sau là Trịnh Tùng) ra sức lấn át, thậm chí là bị giết (như trường hợp chúa Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông năm 1573) nhưng tiếng nói của Hoàng đế vẫn còn có người nghe và về hình thức, chính quyền vẫn là một mối, đứng đầu là vua Lê. Sau khi đã đè bẹp được những lực lượng chủ yếu nhất của Nam triều (1592), uy danh của Trịnh Tùng trở nên lừng lẫy, vua Lê Thế Tông trẻ tuổi và lắm bệnh tật, bị coi thường, thi thoảng, Trịnh Tùng chỉ hỏi qua đôi việc cho có lệ mà thôi.
    Năm 1599, vua Lê Thế Tông lâm bệnh nặng và mất vào ngày 24 tháng 8, thọ 32 tuổi. Bốn tháng trước khi vua Lê Thế Tông mất, Trịnh Tùng tìm đủ mọi cách để thúc ép nhà vua phong tước vương cho mình, và ngay sau khi được phong, Trịnh Tùng đã tự ý lập phủ đệ riêng. Thực trạng cung vua phủ chúa bắt đầu có kể từ đó.
    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 30, tờ 27 và 28), đã ghi chép sự kiện này, đồng thời viết thêm Lời phê và Lời cẩn án như sau:
    "Bởi có quyền uy ngày một cao cả, Tùng muốn được phong danh vị tước Vương, bèn sai người vào xin với Nhà vua. Vua bất đắc dĩ mà phải y cho, sai quan Thái tể là Hoàng Đình Ái đem sách thư đến, phong Tùng làm Bình An Vương, lại ban thêm cả Ngọc Toản (tức cái chén của vua dùng để rót rượu tế - ND), Mao Tiết (lá cờ nhà vua dùng khi có việc phải xuất hành, ở đầu cán có ngù, tết bằng lông - ND) và Hoàng Việt (là cái búa vàng, vật nhà vua dùng khi đi đánh dẹp - ND). Tùng được mở phủ chúa và lập bộ máy quan lại riêng. Từ đấy, chính sự trong nước do Tùng quyết định, của cải, thuế khóa và quân lính... hết thảy đều dồn vào phủ chúa. Phần vua Lê chỉ có một ngàn xã làm bổng lộc, gọi là thượng tiến, quân lính túc trực và hộ vệ trong nội điện chỉ có 5000 người, 7 thớt voi và 20 chiếc thuyền rồng. Nhà vua chỉ còn mặc áo long bào, cầm hốt ngọc để nhận lễ triều yết mà thôi..
    Tùng nhận sách phong xong thì vào triều lạy tạ vua Lê. Khi về phủ chúa, trăm quan đều lạy mừng, Tùng mở đại yến và ban thưởng tiền, lụa cho quan lại, kẻ nhiều người ít khác nhau. Họ Trịnh đời đời được tập phong tước Vương là bắt đầu từ Tùng vậy.
    Lời phê: Nhà Lê lúc bấy giờ cũng chẳng khác gì nhà Chu (Trung Quốc - ND), chỉ ngồi giữ ngôi (chứ chẳng có quyền lực gì). Khi ấy, bề tôi đầy cả một triều đình, vậy mà không hiểu tại sao lại để sự tệ hại chất chứa đến như thế.
    Lời cẩn án: Từ khi Tùng làm việc bạo ngược là giết vua (nói việc Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông - ND), sách này chỉ chép là Trịnh Tùng không mà thôi, tất cả quan tước của hắn đều bị tước bỏ. Đến đây, hắn còn cả gan xưng Vương, thì không còn lời chê trách nào nặng nề hơn được nữa, bèn tước bỏ họ của hắn (là Trịnh, rồi chỉ chép tên là Tùng nữa thôi)”.
    Lời bàn: Các sử gia xưa nặng lời phê phán các chúa Trịnh nói chung và Trịnh Tùng nói riêng. Lời phê ấy quả là không sai, nhưng bảo là đúng thì cũng chưa hẳn. Khởi đầu, Nguyễn Kim tôn lập Lê Ninh lên ngôi, ấy là vua Lê Trang Tông, chẳng qua cũng chỉ vì Lê Ninh đích thị là dòng dõi nhà Lê mà thôi. Vả chăng, các vua Lê lúc bấy giờ đều trẻ người non dạ, lo cho riêng thân còn chưa được, huống chi chuyện lo cho giang sơn xã tắc? Vua Lê dẫu có muốn thực sự làm vua cũng chẳng được. Trông cậy vào các quan ư? Trên đời này, chẳng có gì nhục nhã bằng việc phải quỳ lạy những kẻ kém cỏi hơn mình, cho nên, xin hãy rộng lòng thể tất cho các quan thuở trước.
    Sử gia xưa chê Trịnh Tùng lộng quyền, quả có thế thật, nhưng nếu không như vậy, chưa dễ đã có vua Lê, cho dẫu là ngôi suông. Thời loạn. mọi sự không thường đều là sự thường đó thôi.

  2. #22
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    20 - LÊ DUY TÂN BẤT NGỜ ĐƯỢC... LÀM VUA !

    Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 30, tờ 29) viết rằng:
    "Nhà vua (chỉ vua Lê Thế Tông, làm vua từ năm 1573 đến năm 1599 - ND) bị bệnh, đến ngày 24 tháng này (tháng 8 năm 1599 - ND) thì mất. Vua ở ngôi 26 năm, hưởng thọ 32 tuổi. (Trịnh) Tùng cùng bọn bầy tôi trong triều bàn định rồi lấy cớ rằng: con trưởng của Nhà vua là Thái tử (Lê) Duy Trì không được minh mẫn, bèn rước con thứ của Nhà vua là (Lê) Duy Tân, lập lên làm vua (tức vua Lê Kính Tông). Hạ chiếu lấy năm sau (Canh Tí, 1600 - ND) làm năm Thận Đức thứ nhất, tha hết các thứ thuế của dân trong nước còn thiếu và mở rộng lòng thương xót đến những người phải phiêu bạt đó đây mới trở về bản quán, đồng thời, gia tước và cấp đất cho bọn bề tôi có công, gia phong điển lễ thờ tự cho bách thần theo thứ bậc cao thấp khác nhau. Triều đình lại còn định ra thể lệ để tang (Vua): Các hàng thân vương, các quan văn võ lớn nhỏ ở trong triều cũng như ở các địa phương, để tang từ ba năm trở xuống, nhưng theo thứ tự mà giảm dần; nhân dân cả nước để tang hai mươi bảy ngày; riêng (Trịnh) Tùng là bậc huân vương nên phải khác với trăm quan, chỉ để tang một trăm ngày mà thôi."
    Lời bàn: Đời cha là Lê Duy Đàm cũng không ngờ mà được làm vua.
    Bấy giờ (năm 1572), Lê Anh Tông vì hốt hoàng mà bỏ chạy vào Nghệ An, khi đi, đem theo bốn trong số năm vị Hoàng tử của mình. Vị Hoàng tử thứ năm là Lê Duy Đàm, lúc này mới 6 tuổi, đang ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), được Trịnh Tùng... đẩy lên ngôi vua. Lê Anh Tông sau đó bị Trịnh Tùng giết, còn Lê Duy Đàm hiển nhiên giữ ngôi chí tôn suốt hai mươi sáu năm trời, Đó là vua Lê Thế Tông (1573 - 1599).
    Tương tự như vua cha, Lê Duy Tân cũng là phận con thứ mà gặp may. Bấy giờ, bởi anh ruột là Thái tử Lê Duy Trì, tuy đã lớn tuổi, nhưng bị chúa Trịnh Tùng coi là… không minh mẫn mà bi phế, cho nên, Lê Duy Tân mới... bất ngờ được đưa lên làm vua, dầu lúc ấy mới mười một tuổi. Đó là vua Lê Kính Tông (1599 - 1619).
    Lê Duy Tân là bậc thần đồng mẫn tuệ hơn người chăng? Tiếc thay, sự thể lại không phải như vậy. Các tác giả sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 1 - a) đã nhận xét về vua Lê Kính Tông như sau: Nhà vua "riêng nghe mưu gian, đến nỗi có việc chẳng lành, thực đáng thương lắm". Năm 1619, Lê Kính Tông bị chúa Trịnh Tùng giết hại. Cho nên, nói là vua không hề thông minh cũng được, mà nói là vua hèn cũng được.
    Đưa Lê Duy Đàm lên ngôi vua là Trịnh Tùng, mà đẩy Lê Duy Đàm phải xuống suối vàng lúc mới ba mươi hai tuổi... cũng là chúa Trịnh Tùng. Mới hay, quyền sinh sát của Nhà chúa mới khủng khiếp làm sao ! Trịnh Tùng muốn vua Lê chỉ là hư vị, cho nên, tuổi Nhà vua càng nhỏ càng tốt, đầu óc Nhà vua càng u tối hoặc càng nhu nhược càng tốt. Lỗi của Nhà vua ở đây, hình như chỉ là ở chỗ, càng về sau càng lớn tuổi đó thôi !
    Lê Duy Tân bất ngờ được lên ngôi rồi cũng bất ngờ bị giết hại, nghĩa là cực may với cực rủi xa cách nhau nào có là bao. Con diều giấy bay ở trên cao, có biết đâu, người ta tung mình lên thì người ta cũng có thể kéo mình xuống. Không thể tự bay như chim thì điểm trang màu mè diêm dúa cho đôi cánh giấy, nhiều lắm cũng chỉ mua vui chốc lát cho thiên hạ mà thôi.

  3. #23
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    21 - LÊ NGHĨA TRẠCH QUA MẶT NGUYỄN HOÀNG

    Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay). Từ đó, quá trình xây dựng cơ sở cát cứ của họ Nguyễn bắt đầu. Tuy nhiên, từ năm 1558 đến năm 1600, bề ngoài, Nguyễn Hoàng vẫn tỏ rõ sự thần phục đối với vua Lê - chúa Trịnh, thực hiện đầy đủ phận sự của một kẻ bề tôi. Đến đầu năm Canh Tí (1600), mượn cớ đi dẹp loạn Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn và Ngô Đình Nga ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, Nguyễn Hoàng đã đem hết tay chân thân tín và quân bản bộ của mình chạy về Thuận Hóa, có ý thoát hẳn ra khỏi vòng cương tỏa của vua Lê - chúa Trịnh. Bấy giờ, vì dư đảng của họ Mạc và các thế lực chống đối khác còn khá mạnh, trong khi đó, Thuận Hóa xa xôi, Nguyễn Hoàng lại là bậc lão tướng có tài, cho nên, chúa Trịnh là Trịnh Tùng chưa thể lập tức đem quân đánh vào Thuận Hóa là đất dựng nghiệp của Nguyễn Hoàng. Đó là chưa kể, xét về thế thứ họ hàng, Nguyễn Hoàng còn là cậu ruột của Trịnh Tùng, chưa gì đã vội đem quân đánh nhau là điều không nên. Không đánh nhưng lại muốn khẳng định quyền uy của mình nên Trịnh Tùng đã sai quan Thiêm đô ngự sử, tước Gia Lộc Tử là Lê Nghĩa Trạch mang thư vào cho Nguyễn Hoàng. Sự kiện này xẩy ra vào cuối năm 1600. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 2 - a và tờ 3 a - b) chép như sau:
    "Thư ấy viết rằng: Phàm là bậc đại thần thì phải biết cùng vui cùng buồn với việc nước. Đối với nước, cậu là bậc đời đời có công đầu. Đối với nhà, cậu là bậc tình nghĩa chi thân. Mới rồi, vì họ Mạc tiếm nghịch mà vận nước gian truân. Tiên tổ là Thái Tể Hưng Quốc Chiêu Huân Tĩnh Công (Hưng Quốc công Nguyễn Kim là ông ngoại của Bình An Vương, cho nên Bình An Vương cũng gọi Nguyễn Kim là tiên tổ) đã có công khởi xướng đại nghĩa, giúp Trang Tông Hoàng đế trong lúc gian nan, sửa lại danh phận cho rõ ràng. Tiên tổ mất đi, tiên khảo là Minh Khang Thái vương (chỉ Trịnh Kiểm - ND) nắm giữ việc lớn của nước nhà, bởi thấy cậu là người ruột thịt nên mới trao cho cai quản hai xứ Thuận, Quảng.
    Từ ngày nhận chức đến nay, cậu đã vỗ yên dân địa phương, thực là có công lớn.
    Tiên khảo chầu trời, cháu được nắm giữ binh quyền, vẫn để cậu giữ chức vụ như cũ. (Nhưng, dù cháu đã) nhiều lần gởi thư yêu cầu cậu lo thu tiền thuế và chuyển vận lương thực để góp phần chi dùng cho nước nhà thì cậu lại thường lấy cớ đường biển khó khăn hiểm trở để từ chối. Đến khi lấy được kinh thành, thiên hạ đã yên thì cậu mới ung dung theo vế. (Dẫu vậy) triều đình vẫn một lòng ưu đãi, (trao cho cậu) quyền trông coi phủ Hà Trung và bảy huyện thuộc trấn Sơn Nam, lại phong chức Hữu tướng, có ý mong rằng, cậu sẽ cùng với Tả tướng tước Vinh Quốc công là Hoàng Đình Ái giúp rập hai bên tả hữu mà có thể hoàn thành được sự nghiệp trung hưng, vỗ yên dân chúng cả nước Nam ta.
    Mới rồi, bọn nghịch thần là Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê và Ngô Đình Nga manh tâm phản bội, dấy quân làm loạn. Cháu đang cùng với cậu bàn tính việc binh, truy quét đảng nghịch, nào có ngờ đâu, cậu không đợi mệnh, tự tiện bỏ về, làm lay động lòng người, chẳng biết đó là ý cậu hay là cậu đã nghe lầm ý gian của bọn nghịch thần.
    Nay, bọn Bùi Văn Khuê và Phan Ngạn đánh hại lẫn nhau và cả hai đã bị giết, thế mới hay là đạo trời luôn sáng tỏ, giáng họa không kịp trở gót, chắc cậu đã biết cả rồi. Sự việc đến thế, nếu cậu biết tỉnh ngộ và hối lỗi, nghĩ đến công lao của tiên tổ mà sai người đem thư đến hành tại để lạy trình, rồi dốc lòng lo nạp tiền thuế để chi dùng vào việc chung của nước nhà, thì hẳn nhiên là công sẽ trừ tội, triều đình ghi nhận lòng thành của cậu, công lao ngày trước của cậu được giữ vẹn toàn, công danh sự nghiệp bao đời được bền lâu mãi mãi. Nếu không làm như vậy, thì triều đình sẽ lấy thuận đánh nghịch, việc dùng binh đã có cớ rồi, danh tiết của cậu sẽ ra sao? Trong việc quân, cậu vẫn thường lưu ý đến kinh sử, xin hãy nghĩ kĩ, chớ để hối hận về sau.
    (Lê) Nghĩa Trạch vào Thuận Hóa, dò biết (Nguyễn) Hoàng vốn là bậc túc trí đa mưu, liền lấy thư (của Chúa) bỏ vào ống rồi đem giấu ở bụi rậm ngoài đồng, xong mới sai xá nhân báo tin mình đến. (Nguyễn) Hoàng nghe tin (Lê) Nghĩa Trạch tới, bèn lập mưu cướp lấy thư và làm nhục sứ giả. Đêm ấy (Nguyễn Hoàng) sai võ sĩ đến chỗ trọ (của Lê Nghĩa Trạch), cướp hết hòm xiểng mang về. Mở ra, thấy không có thư, lại sai võ sĩ tới đốt hết cả nơi trọ. (Nguyễn) Hoàng tin như thế là mọi giấy tờ đều bị lửa thiêu hết rồi. Hôm sau, (Nguyễn) Hoàng thân hành dẫn tướng tá, chỉnh đốn voi ngựa và nghi vệ ra đón. Bấy giờ, thấy Lê Nghĩa Trạch hai tay bưng thư đi đến, (Ngyễn Hoàng) lấy làm kinh ngạc, nói với tướng tá của mình rằng:
    - Trời sinh ra bậc chủ tướng, triều đình có người giỏi.
    Từ đấy (Nguyễn Hoàng) không còn có ý ngấp nghé gì nữa".
    Lời bàn : Nói chung là không ai muốn, và cũng không ai có thể phủ nhận vai trò của Nguyễn Hoàng trong việc khai mở dòng chúa Nguyễn và trong quá trình xây dựng xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ xung đột phức tạp của xã hội đương thời, nếu đứng ở một góc độ nào đấy, cũng có thể nói Nguyễn Hoàng là một nghịch thần. Bản thân Nguyễn Hoàng cũng tự thấy, ông đã làm điều trái ý vua Lê - chúa Trịnh. Đối đầu bằng vũ lực thì chưa thể, nhưng quyết tâm bứt ra khỏi vòng cương tỏa của vua Lê - chúa Trịnh thì đã rõ lắm rồi.
    Phận sự của Lê Nghĩa Trạch là phải chuyển đạt cho bằng được bức thư của chúa Trịnh Tùng tới Nguyễn Hoàng, bởi đó là bức thư nói rõ lập trường của chúa Trịnh Tùng, để ít ra là cũng làm cho tay chân của Nguyễn Hoàng biết mà suy nghĩ. Công việc mới khó làm sao. Lê Nghĩa Trạch khen Nguyễn Hoàng là bậc túc trí đa mưu, nhưng xem ra, Lê Nghĩa Trạch cũng đáng được coi là người đa mưu túc trí. Ông biết giữ cái gì cần phải giữ nhất; và ông đã thành công. Ở đời, đôi khi chỉ hơn nhau ở chỗ nên giữ cái gì nhất thiết phải giữ như thế mà thôi. Kẻ đa mưu gặp kẻ đa mưu, thói thường thiên cổ vẫn là vậy, song xem suốt hành trạng của hai người, thật khó mà nói rằng, Nguyễn Hoàng cũng tương đương hoặc giả là thua kém Lê Nghĩa Trạch, dẫu trong trường hợp cụ thể này, Nguyễn Hoàng đã thua. Chim ưng cũng có khi bay thấp hơn chim sẻ, nhưng, phàm đã là chim sẻ thì chẳng bao giờ bay cao hơn chim ưng.
    Sử chép: “Từ đấy Nguyễn Hoàng không còn có ý ngấp nghé gì nữa". Thế là nhầm. Voi chưa cất tiếng, không có nghĩa là voi không dám gầm. Nói theo tác giả của Tam quốc diễnn nghĩa là La Quán Trung, thì chuyện này, xin xem hồi sau sẽ rõ.

  4. #24
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    22 - CHUYỆN BÀ NGUYỄN THỊ NIÊN

    Nguyễn Thị Niên là vợ của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê. Sơn Quận công nguyên là võ tướng của nhà Mạc. Năm 1592, vì có chị ruột đang là Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, cho nên, bà Nguyễn Thị Niên vẫn thường hay ra vào trong cung cấm. Thấy bà có nhan sắc mặn mà, Mạc Mậu Hợp mưu giết Sơn Quận công Bùi Văn Khuê để cướp vợ của ông ta. Cơ mưu bị bại lộ, Bùi Văn Khuê lập tức đem toàn hộ gia quyến và tướng sĩ dưới quyền, chạy về với Nam triều. Sự kiện này khiến cho cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều rất hồ hởi. Nhưng, ở với Nam triều chưa được mười năm. Bùi Văn Khuê đã phản Nam triều mà về với Bắc triều, dầu lúc đó Bắc triều hầu như chẳng còn chút thực lực nào đáng kể nữa. Hẳn nhiên, lấy chồng thì phải theo chồng, bà Nguyễn Thị Niên cũng bỏ Nam triều mà đi.
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 1 - b) đã chép chuyện vợ chồng Bùi Văn Khuê từ khi về với Bắc triều như sau:
    "Khi ấy (năm Canh, Tí, 1600 - ND), bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê đem quân lính theo về với họ Mạc, ra lời chiêu an các thành thị để mưu việc lớn, nhưng bọn Phan Ngạn lại ngờ Bùi Văn Khuê có ý khác, bèn sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông. Từ đó, (Phan) Ngạn tự xưng là Tiết chế Sinh Quốc công, (Ngô) Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa Quận Công, còn em của Phan Ngạn (chưa rõ tên) thì xưng là Tiền Bộ dinh Quỳnh Quận công. Khi ra bảng yết thị hoặc lệnh cấm, chúng dùng niên hiệu Càn Thống của họ Mạc. (Niên hiệu này là của Mạc Kính Cung, dùng từ năm 1593 đến 1625 - ND).
    Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù cho chồng, vừa khóc vừa nói với quân lính của chồng rằng:
    - Người nào dốc sức đền ơn, giết được (Phan) Ngạn thì sẽ được trọng thưởng.
    Phan Ngạn nghe tin, giận lắm. Ngày 1 tháng 6 (năm 1600 - ND) Ngạn dẫn quân đến Hoàng Giang để đánh nhau, bị quân của vợ Văn Khuê bắn chết ở giữa sông".
    Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 4 và 5), sau khi chép chuyện Nguyễn Thị Niên tương tự như trên, còn viết thêm một Lời chua khá dài như sau:
    "Nguyễn Thị, tên tự là Niên, con gái thứ của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện. Có một thuyết nói rằng, Ngạn nghe nói Thị Niên có sắc đẹp, bèn sai người đưa tin, ước hẹn sẽ kết duyên với nhau. Nguyễn Thị Niên giả vờ nhận lời, rồi chọn hơn mười người trẻ tuổi, đẹp trai, đóng giả con gái, làm "thị tì" cho mình và hẹn với họ rằng: hễ ai mà giết được Phan Ngạn thì sẽ trọng thưởng. Cùng lúc đó, Nguyễn Thị Niên vì muốn cho Phan Ngạn không nghi ngờ gì nên hẹn với y rằng:
    - Đêm ngày nọ, tháng nọ... sẽ đi thuyền lớn đến hội kiến.
    Phan Ngạn hí hửng lắm. Đến hẹn, Nguyễn Thị Niên ăn mặc lộng lẫy, đi thuyền ngược dòng, từ Hoàng Giang ra Nha Giang. Ngạn sai người do thám, thấy trong thuyền chỉ đầy những gái đẹp nên không còn nghi ngờ gì cả, vội ra ám hiệu cho thuyền tuấn tiễu bơi nhanh ra giữa sông, cắm neo gần chỗ đậu thuyền của Nguyễn Thì Niên. Sắp đặt đâu đó rồi, Ngạn mừng rỡ, lấy thuyền lớn đến gặp gỡ Nguyễn Thị Niên. Khi Ngạn đã sang thuyền mình rồi, Nguyễn Thị Niên ra dấu cho thuyền mình lui đần, còn "thị tì" thì đứng làm hai hàng để hầu rượu. Đúng lúc cuộc vui đang hồi nồng nàn nhất, đám "thị tì" rút dao giấu sẵn trong tay áo ra chặt đầu Phan Ngạn, rồi nhân lúc đang đêm, nước rút, gió thổi mạnh, bơi thuyền như bay mà về, khiến cho bọn lính tuần tiễu của Phan Ngạn cũng không hay biết gì cả. Đến nhà, Nguyễn Thị Niên đem đầu Phan Ngạn ra làm lễ tế chồng ở bàn thờ, xong, dặn hai con đến hành tại ở An Trường để xin quy thuận vua Lê, còn mình thì lao xuống sông tự tử".
    Lời bàn: Hai thuyết khác nhau về một con người, nhưng xem ra, tính cách chung của con người ấy ở trong cả hai thuyết cũng chẳng có gì khác nhau.Tự mình đốc thúc quân lính bắn chết Phan Ngạn để trả thù cho chồng hay tự mình bày mưu để cho quân lính giết chết Phan Ngạn, thì cái chí của bà Nguyễn Thi Niên cũng chỉ là một mà thôi.
    Xuất giá tòng phu, bà Nguyễn Thị Niên đã nêu cao được tiết hạnh của người phụ nữ thuở trước. Bà đã cùng chồng ra sống vào chết, và cuối cùng, sau khi đã trả được thù cho chồng, thì trầm mình thủ tiết để giữ đức trung trinh. Hóa ra, bà chưa bao giờ được Vua ban tước hiệu, nhưng so với những người từng mang tước hiệu cao sang, như chồng bà là Sơn Quận công Bùi Văn Khuê chẳng hạn, thì danh giá của bà còn cao hơn hẳn nhiều lần. Bùi Văn Khuê từng bỏ nhà Mạc theo về với nhà Lê, sau lại bỏ nhà Lê theo về với nhà Mạc, lòng trung chỉ đáng giá bạc xu mà thôi. Đành là Bắc triều hay Nam triều thì cũng đều là những kẻ đắc tội với dân, nhưng, nhân thời loạn mà làm cho thời thêm loạn, chỉ những ai tâm địa khó lường mới có thể cam lòng làm như vậy. Sự thất tiết của đấng nam nhi là đấy chăng?
    Giết được Phan Ngạn rồi, Nguyễn Thị Niên về với nhà Mạc cũng chẳng được mà về với nhà Lê cũng không xong, còn như lánh đời thì biết mai danh ấn tích thế nào cho thoát lưỡi gươm cay nghiệt của cả hai bên. Không ai cổ vũ cho cái chết, nhưng đôi khi, cái chết cũng chính là sự giải thoát cần thiết đó thôi.

  5. #25
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    23 - SỰ TÍCH CHÙA THIÊN MỤ

    Một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của đất Thừa Thiên - Huế (và cũng là của cả nước ta) là chùa Thiên Mụ. Hoàng đế Thiệu Trị (1841 - 1847) xếp chùa Thiên Mụ đứng thứ 14 trong số 20 cảnh đẹp của kinh thành Huế thuở xưa, đồng thời, viết bài thất ngôn bát cú, đề là Thiên Mụ chung thanh (Tiếng chuông chùa Thiên Mụ) với những xúc cảm vừa chân thành, vừa mãnh liệt. Và, ca dao ta cũng có câu:
    Bao giờ cạn nước Đồng Nai,
    Nát chùa Thiên Mụ mới sai tấc lòng.
    Nhưng, vì sao lại gọi là chùa Thiên Mụ, và chùa Thiên Mụ được xây tự lúc nào? Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) cho biết:
    "Bấy giờ, Chúa (chỉ Nguyễn Hoàng - ND) đi dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà (nay là ngoại ô thành phố Huế - ND), giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn (chỉ sông Hương - ND), phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp đẽ.
    (Chúa) nhân đó mới hỏi chuyện người địa phương, ai cũng nói gò đất ấy rất thiêng. Tục truyền: Xưa, đang đêm bỗng có người nhìn thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh gò và nói:
    - Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa để tụ khí thiêng, giữ bền long mạch.
    Nói rồi, bà già ấy biến mất. Bấy giờ, nhân đấy mới gọi gò đất kia là gò Thiên Mụ. Chúa cũng cho là gò đất ấy có linh khí, bèn cho cất chùa, gọi là chùa Thiên Mụ".
    Lời bàn: Trong sách nói trên, sự kiện này được chép vào tháng 6 năm Tân Sửu (1601), nghĩa là chỉ mới được mấy tháng ngay sau khi Nguyễn Hoàng quyết định ở hẳn tại Thuận Hóa, không về chầu vua Lê - chúa Trịnh nữa.
    Giữa vùng đất mới, mối bận tâm hàng đầu của Nguyễn Hoàng là lo cố kết nhân tâm, trước đã được các quan một dạ, giờ phải làm sao để trăm họ đồng lòng. Có dân là có tất cả. Thời bấy giờ, dựng chùa xây tháp chính là cách quy tự lòng người tế nhị mà hiệu quả hơn cả. Tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ, đôi khi còn có những tác dụng tốt đẹp, vượt ra ngoài chủ đích của các nhà tu hành cao minh.
    Muôn đời còn đó, chùa Thiên Mụ. Muôn đời còn đó, những danh xưng giản dị mà rất gần gũi, như Chúa Tiên, Chúa Phật, Chúa Hiền... v.v. Có thể là không hoàn toàn như vậy, nhưng quả là lắm khi, để mau chóng đến được với lòng dân, đường thẳng chưa hẳn đã là đường ngắn nhất.

  6. #26
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    24 - DI CHÚC CỦA NGUYỄN HOÀNG

    Nguyễn Hoàng là con trai thứ hai của Nguyễn Kim, sinh vào tháng 8 năm Ất Dậu (1525). Năm 1558, Nguyễn Hoàng được nhận chức Trấn thủ xứ Thuận Hóa và đến năm 1570 thì kiêm luôn cả chức Trấn thủ xứ Quảng Nam. Năm 1593, Nguyễn Hoàng được phong làm Thái úy, tước Đoan Quốc công. Từ cuối năm Canh Tí (1600), Nguyễn Hoàng quyết định ở hẳn tại Thuận Hóa, không về chầu vua Lê - chúa Trịnh nữa. Bình sinh, Nguyễn Hoàng thường xưng là Chúa Tiên. Ông trấn trị đất Thuận Hóa và Quảng Nam đến tháng 6 năm Quý Sửu (1613) thì mất, thọ 88 tuổi.
    Nguyễn Hoàng có 8 người con trai nhưng bốn người con đầu là Nguyễn Phúc Hà, Nguyễn Phúc Hán, Nguyễn Phúc Thành và Nguyễn Phúc Diễn thì đã chẳng may qua đời sớm. Năm 1600, khi Nguyễn Hoàng vào ở hẳn tại Thuận Hóa, ông có gởi người con trai thứ năm là Nguyễn Phúc Hải ở lại đất Bắc làm con tin, theo ông lúc đó chỉ còn người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên, con trai thứ bảy là Nguyễn Phúc Hiệp và con trai thứ tám là Nguyễn Phúc Trạch.
    Trong ba người con này, Nguyễn Phúc Nguyên được Nguyễn Hoàng tin cậy, giao phó cho việc trấn giữ đất Quảng Nam.
    Theo Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1), khi biết mình không thể sống được nữa, Nguyễn Hoàng đã cho gọi Nguyễn Phúc Nguyên từ Quảng Nam về, lại sai gọi, những quan lại thân.tín đến và dặn dò như sau:
    "Ta với các ông, từng đồng cam cộng khổ đã lâu, một lòng gầy dựng nghiệp lớn. Nay, ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên dốc lòng giúp đỡ, quyết thành cơ nghiệp mới thôi.
    Nói rồi, Chúa cầm tay Hoàng tử thứ sáu (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên. Hai chữ Hoàng tử là do người viết sử đời sau tự ý thêm vào - ND), dặn bảo:
    - Đạo làm con thì phải hiếu, làm tôi thì phải trung, cho nên, anh em trước hết phải thương yêu nhau. Con mà nhớ được lời dặn này thì ta không còn ân hận gì.
    Xong, Chúa lại nói tiếp:
    - Đất Thuận Quảng, phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang (tức sông Gianh - ND) hiểm trở, phía Nam có Hải Vân và Thạch Bi (tức núi Bia Đá ở Phú Yên - ND) rất vững bền. Núi sẵn vàng, sẵn sắt, biển lắm cá, lắm muối, thật đúng là chỗ dụng võ của người anh hùng. Nếu biết luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì có thể xây dựng cơ nghiệp đến muôn đời. Ví bằng thế lực không chống nổi, thì cứ cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, đừng bỏ qua lời dặn của ta.
    Hoàng tử thứ sáu và các quan lại thân tín đều khóc lạy mà vâng mệnh. Hôm ấy Chúa băng, ở ngôi tất cả 56 năm, thọ 88 tuổi. Đầu tiên đem táng ở núi Thạch Hãn, thuộc huyện Hải Lăng (nay thuộc tỉnh Quảng Trị - ND), sau cải táng ở núi La Khê, huyện Hương Trà (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế - ND)".
    Lời bàn: Di chúc của Nguyễn Hoàng, nói gọn lại là thể không đội trời chung với họ Trịnh, mà muốn làm được điều đó, anh em phải hòa thuận, quan lại phải biết giữ lòng trung nghĩa.
    Lời vĩnh quyết của Nguyễn Hoàng, lời của người thuộc hàng thượng thọ hiếm hoi ở thời loạn, quả là đáng suy gẫm lắm thay. Nghiêm dạy con mình là đó mà khéo léo kết hợp giữa động viên với răn đe những người thân tín cũng là đó.
    Buồn vui khó nói, nhưng dẫu sao thì di chúc của Nguyễn Hoàng cũng được con cháu của ông thực hiện khá trọn vẹn. Đáng sợ thay, đại lão khơi nguồn xứ Đàng Trong !

  7. #27
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    25 - LỜI TÂU CỦA QUẦN THẦN THÁNG 9 NĂM MẬU NGỌ (1618)

    Bấy giờ là thời trị vì của vua Lê Kính Tông và chúa Trịnh Tráng. Sử cũ vẫn thường chép lại một số lời tâu bày của quần thần. Lời thiết thực, ý viển vông, được nghe theo hay bị dửng dưng gác bỏ... đại để đều gồm đủ cả. Trong nhiều lời tâu bày đó, có lời tâu bày dâng lên vua Lê Kính Tông vào tháng 9 năm Mậu Ngọ (1618), được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 31, tờ 16) ghi lại như sau:
    "Bầu trời ở phương Đông Nam có sắc trắng, đứng thẳng, dáng tựa như cái búa lớn, thường xuất hiện vào khoảng canh năm, kéo dài tới hơn một tháng mới dứt. Quần thần nhân đó dâng lời tâu rằng:
    - Việc quan hệ giữa trời và người thật là đáng sợ lắm. Tháng 9 năm nay, cứ đến khoảng canh năm là lại có sắc trắng xuất hiện ở phương Đông Nam, hai đầu nhọn hoắt, ai trông thấy cũng phải kinh sợ. Đã thế lại còn có điềm mưa vàng như đất, mưa gạo đen như than và sấm vang trái mùa nữa. Sở dĩ có tai biến ấy, có lẽ vì trong triều đình có việc vô đạo đức, bên ngoài triều đình thì có việc không đúng với chính lệnh, giềng mối suy tàn, phép nước không chấn chỉnh, quan lại hà khắc và nhũng nhiễu, khiến cho ngôi sao tượng trưng lòng dân bị đao động, rồi việc làm của người phần lớn là trái với hòa khí mà ra nông nỗi ấy chăng? Chúng tôi kính xét sách Chu thư thì thấy có câu: "Vương tỉnh duy tuế, khanh sĩ duy nguyệt, thứ dân duy tinh" (đây là câu trong thiên Hồng phạm của sách Thượng thư, dẫn lời của Cơ Tử tâu với vua Chu Vũ Vương, ý nói: Nhà vua có chức phận phải quán xuyến hết tất cả mọi việc trong nước, cũng như một năm phải gồm đủ cả bốn mùa; Khanh sĩ thì mỗi người trông coi một việc, cũng mười hai tháng khác nhau trong một năm mà mỗi người chỉ là một tháng; thứ dân trong thiên hạ cũng tương tự như các vì sao, có sao thích gió, có sao thích mưa, không ai giống ai cả - ND).
    Câu này ý nói: việc làm hay dở của người đều có điềm lành điềm gở tương ứng hiện ra, người phải biết theo đó mà xử sự cho phải. Nay tai biến xảy ra luôn luôn, ý trời cao răn bảo đã rõ, do vậy, cần phải siêng năng kính sợ. Xin bệ hạ hãy nhân tai biến mà lo sửa đức, nghiêm khắc với bản thân, ăn chay lập đàn thành khẩn cầu trời, mong lòng trời cảm động mà ban điềm lành, những ngôi sao tai dị sẽ theo độ số mà lui, hòa khí lại hiện ra như cũ.
    Nhà vua (xem xong), đem tờ tâu ấy cất vào cung".
    Chép đến đây, các tác giả của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã hạ hút viết lời phê như sau:
    "Việc cần kíp nhất lúc này, không gì hơn việc làm sao cho danh phận vua tôi rõ ràng và đúng mức, thế mà bầy tôi chi nói lời viển vông cốt chỉ để gọi là có nói, thật đáng khinh khi và đáng chê cười".
    Lời bàn: Mức độ giá trị lời tâu của quần thần đương thời, xin hãy tạm gác sang một bên, bởi vì, thời ấy thiên hạ vẫn cho rằng nghĩ như thế là phải. Vả chăng, họ đã dẫn cả Chu thư, nghĩa là cũng "nói có sách, mách có chứng" đó thôi.
    Quần thần khuyên Nhà vua giữ đức và lập đàn cầu trời, nhưng họ có biết đâu, trời của Vua không ở trên đầu Vua mà lại ở... dưới ngai Vua: chúa Trịnh! Các tác giả sách Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục đã nói rất đúng rằng: "Việc cần kíp nhất lúc này không gì hơn việc làm sao cho danh phận vua tôi rõ ràng và đúng mức". Mạng Vua trong tay Chúa, thử hỏi, Vua làm sao có thể thay mặt trăm họ mà cầu xin với đấng cao xanh?
    Chính sự rối bời, đạo lí tả tơi, ngay ở nơi chí tôn của thiên hạ, trăm quan thích hùa theo kẻ mạnh nhưng lại hay nói chuyện đức hạnh, ấy là bởi vì ở đời, người thiếu cái gì thì hay nói mãi về cái ấy mà thôi.
    Vua cất tờ tâu ấy vào cung, vậy là xem ra, Vua cũng khôn khéo hơn người, nếu không, hậu thế làm sao có thể hiểu được thế thái đen bạc của thời Vua trị vì!

  8. #28
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    26 - NHỤC THAY, HAI VỊ CHƯỞNG CƠ LÀ NGUYỄN PHÚC HIỆP VÀ NGUYỄN PHÚC TRẠCH !

    Sách Đại Nạm thực lục (Tiền biên quyển 2) chép rằng:
    "Mùa xuân (năm Canh Thân, 1620 - ND), các quan Chưởng cơ là (Nguyễn Phúc Hiệp) và (Nguyễn Phúc) Trạch, con thứ 7 và thứ 8 của Thái Tổ (chỉ Nguyễn Hoàng –ND) âm mưu nổi loạn. Họ gởi mật thư, xin họ Trịnh phát binh và họ hứa sẽ tự mình làm nội ứng, hẹn thành công sẽ cùng chia đất này (chỉ đất Thuận Quảng - ND) để trấn trị. Trịnh Tráng (được thư) liền sai Đô đốc Nguyễn Khải đem 5000 quân vào đóng ở Nhật Lệ, huyện Phong Lộc (nay thuộc Quảng Bình - ND) để chờ động tĩnh.
    Hiệp và Trạch sợ quan Chưởng cơ là Tôn Thất Tuyên, con thứ tư của Hòa Quận công là Tôn Thất Hòa, nên không dám hành động ngay. Khi ấy, Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) họp cùng các tướng để bàn việc chống quân họ Trịnh.
    Hiệp và Trạch vờ dâng mưu kế rằng:
    - (Tôn Thất) Tuyên trí dũng hơn người, nếu sai cầm binh đi đánh thì tất nhiên sẽ phá được địch.
    (Tôn Thất) Tuyên biết rõ âm mưu (của Hiệp và Trạch), bèn nói với Chúa rằng:
    - Nay nếu thần mà rời khỏi dinh thì tất sẽ có biến.
    Chúa bèn sai quan Chưởng dinh là Tôn Thất Vệ, con thứ hai của Tôn Thất Hà, người bấy giờ thường được gọi là Quận công, đem quân đi đánh (Nguyễn) Khải. Hiệp và Trạch thấy mưu không thành, bèn đem quân chiếm kho Ái Tử và đắp lũy Cồn Cát để làm phản. Chúa sai người đến dỗ song họ vẫn không chịu nghe. Sau, Chúa đành phải lấy (Tôn Thất) Tuyên làm tướng tiên phong, cùng Chúa đem đại binh đi đánh. Hiệp và Trạch thua chạy, nhưng bị (Tôn Thất) Tuyên đuổi bắt được, đem dâng Chúa. Chúa trông thấy, chảy nước mắt mà nói rằng:
    - Hai em sao nỡ trái bỏ luân thường?
    Hiệp và Trạch cúi đầu chịu tội. Chúa muốn tha nhưng các tướng đều cho rằng, phép nước không thể dung tha được. (Chúa) bèn đem họ giam vào ngục. Hiệp và Trạch vì quá xấu hổ mà đổ bệnh rồi mất. Nguyễn Khải nghe tin ấy liền dẫn quân về.
    Chúa thấy họ Trịnh vô cớ nổi binh, cho nên, kể từ đó không chịu nạp các thứ thuế nữa".
    Lời bàn: Vì tham quyển cố vị mà giết cả đồng liêu hoặc giả là làm chuyện thí nghịch, tội lớn đã không thể tha, huống nữa mưu giết anh để tranh đoạt ngôi cao như Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch? Máu tham trong con người của hai người, chẳng những làm ô uế gia phả của họ, mà còn làm hoen ố cả một đoạn sử này, đáng khinh ghét thay!
    Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch thực lòng hợp mưu với nhau chăng? Thiên hạ đâu dễ cả tin đến vậy. Ngôi chúa chỉ có một mà họ thì có đến những hai người, ai dám bảo họ chỉ giết Nguyễn Phúc Nguyên chớ chẳng hề giết nhau?
    Trong muôn cái chết, hình như chết vì xấu hổ là loại chết hiếm hoi hơn cả. Chưởng cơ Nguyễn Phúc Hiệp vả Chưởng cơ Nguyễn Phúc Trạch, hậu thế chẳng biết nói thế nào về hành trạng của chư vị, đành tức tối vất bút xuống bàn mà nghiêm giọng quát rằng: Nhục thay !

  9. #29
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    27 - CUỘC NÁO LOẠN KINH THÀNH THĂNG LONG 1619 VÀ NĂM 1623

    Năm Kỉ Mùi (1619), kinh thành Thăng Long phải hai phen kinh hoàng vì tai bay vạ gió. Thứ nhất là hỏa hoạn, xẩy ra vào chiều ngày 16 tháng giêng, và thứ hai là cuộc mưu sát lẫn nhau trong nội bộ cung đình, diễn ra vào tháng ba. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 18, tờ 18 - b) cho biết như sau:
    "Giờ mùi (từ khoảng 13 đến 15 giờ chiếu - ND), ngày 16, tháng 1, mùa xuân: Cháy lớn. Lửa bắt đầu tử cửa vương phủ (tức phủ Chúa - ND) lan ra phố phường lân cận, cháy dần đến lầu Đoan Môn của triều đình (chỉ cung Vua - ND). Các nhà trực ở hai bên đều cháy trụi".
    "Tháng ba, Bình An Vương (tức Trịnh Tùng - ND) đến lầu ở Bến Đông xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba, chợt có người nấp bắn vào voi của vương. (Quân sĩ tùy tùng) bắt được kẻ bắn, bắt giam và tra khảo mới hay là Vua và Vương tử là Trịnh Xuân, ngầm thông mưu giết Vương.
    Tháng tư, mùa hạ, Vương sai Thái phó là Thanh Quận công Trịnh Tráng cùng với Nội giám là Nhạc Quận công Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi thì biết rõ tất cả mưu mô.
    Ngày 12 tháng 5, (Chúa) bức Vua phải thắt cổ tự tử mà chết. Xong, truy tôn là Huệ Hoàng đế, miếu hiệu là Kính Tông".
    Khác với hoả hoạn, tai vạ thứ hai còn để di hại lâu dài về sau, và đến tháng 6 năm Quý Hợi (1623) thì tái phát dữ dội.
    Cũng sách trên, (tờ 20 a - b và tờ 21 a - b) chép rằng:
    "Tháng 6, Bình An Vương bị cảm, bèn cùng với các quan văn võ chọn Thế tử.
    Ngày 17, triều thần xin lập Thái phó, tước Thanh Quận công là Trịnh Tráng, cho được giữ binh quyền, đồng thời, lại lấy con thứ là Thái bảo Vạn Quận công Trịnh Xuân phụ giúp.
    Ngày 18, Trịnh Xuân tự đem quân lính, voi, ngựa và súng đạn, bày trận ở Đình Ngang, sai bọn Điện Quận công và Bàn Quận công đem quân tấn công vào nội phủ, cướp đoạt voi, ngựa, vàng bạc, của cải... bức bách Vương (chỉ Trịnh Tùng - ND) phải di chuyển ra ngoài thành rồi phóng lửa đốt cháy tràn lan khắp kinh đô. Quan Chưởng giám, tước Nhạc Quận công là Bùi Sĩ Lâm, thấy có biến, bèn liều mình phò tá Vương lúc nguy nan.
    Ngày hôm ấy, Vương Thế tử Trịnh Tráng họp bàn với các quan, sai em là Thái bảo Dũng Quận công Trịnh Khải đi đón thánh giá và theo hầu hộ vệ. Vương Thế tử Trịnh Tráng họp các quan ở chợ Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội - ND) để bàn việc điều quân.
    Bấy giờ, Bình An Vương chạy ra xứ Quán Bạt, xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, sai Bùi Sĩ Lâm đưa đến dinh của em ruột là Phụng Quốc công Trịnh Đỗ, rồi vờ dụ Trịnh Xuân tới đó để trao đại quyền cho. Xuân đến, miệng ngậm cỏ, mình phủ phục dưới sân. Vương kể tội, cho hắn là kẻ loạn thần tặc tử, rồi báo Sĩ Lâm sai người chặt chân Xuân cho chết.
    Lúc ấy, Trịnh Đỗ sai con trai của mình là Thạc Quận công (không rõ tên) đi đón Thế tử Trịnh Tráng tới dinh của mình. Thế tử Trịnh Tráng bèn cùng với Thạc Quận công, cưỡi chung một con voi mà đi, nhờ có Lưu Đình Chất biết rõ rằng cha con Trịnh Đỗ ngầm làm phản, nên đuổi kịp mà mật báo:
    - Quận Thạc cũng là tên nghịch tặc, minh công chớ nên đi với nó.
    Nghe vậy, Trịnh Tráng mới tỉnh ngộ, bèn bảo Thạc Quận công cứ về dinh, còn mình thì về chỉnh đốn binh mã, đóng ở Ninh Giang".
    Lời bàn: Cuộc náo loạn rốt cuộc rối cũng bị dẹp yên, Trịnh Tráng vẫn giữ được ngôi vị, nhưng vết thương đạo lí thì muôn đời chưa dễ quên.
    Lần trước Trịnh Tùng cho rằng vua Lê Kính Tông và con thứ của mình là Trịnh Xuân hợp mưu làm phản, nhưng Vua thì bị giết, còn con thì chỉ tống giam mấy bữa rồi thả ra và lại trao cho chức quyền, thậm chí, còn được thăng thưởng thêm. Cách xử ấy khiến cho mọi người phải nghĩ rằng, tất cả chẳng qua là do Trịnh Tùng bày ra, cốt để giết vua Lê sao cho hợp lẽ đó thôi. Với Trịnh Xuân, mấy ngày ngồi tù bất quá chỉ là trò đùa, đã bình yên vô sự lại còn có thể bình tâm mà nghiệm ra rằng, giết Vua được thì giết Chúa là cha của mình cũng được. Con hơn cha là nhà..., được quá đi chứ !
    Ở lần sau, Trịnh Xuân bị giết nhưng mềm bạo loạn đã đâm rễ vững chắc từ lâu làm sao mà trừ bỏ cho được. Chúa giết vuam con Chúa đánh nhau và bức bách Chúa phải chạy, em Chúa nhân đó cũng định nhảy vào tranh đoạt quyền hành, sự thể đúng là cười ra nước mắt.
    Cha nào con nấy, chính là đây. Kẻ phản trắc không khi nào chỉ phản trắc một lần, chính là đây. Nỗi đau xé lòng của tất cả những kẻ chỉ biết ham tiền tài danh vọng mà rẻ rúng đạo lí, cũng chính là đây. Ôi, đáng sợ biết ngần nào!

  10. #30
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    28 - VÌ SAO NGUYỄN HỮU DẬT BỊ MẤT CHỨC ĐÚNG BA NĂM?

    Ở xứ Đàng Trong, một trong những người sớm bước vào hoạn lộ là Nguyễn Hữu Dật. Cũng ở xứ Đàng Trong, một trong những danh tướng tên tuổi lừng lẫy nhất là Nguyễn Hữu Dật. Thế nhưng, ngoài những lần bị khiển trách hoặc giả là bị giáng chức nhất thời. Nguyễn Hữu Dật từng bị ba năm mất chức (từ tháng 6 năm Quý Hợi, 1623 đến tháng 6 năm Bính Dần, 1626). Lí do mất chức của Nguyễn Hữu Dật tháng 6 năm 1623, được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép lại như sau:
    "Quý Hợi, năm thứ 10 (tức năm 1623 - ND), mùa hạ, tháng 6. Trịnh Tùng nhà Lê bệnh nặng, con thứ của Tùng là Xuân nổi loạn, phóng lửa đốt cháy Đông Đô (tức Hà Nội - ND), bức bách Tùng phải chạy đến quán Thanh Xuân ở huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Tây - ND) và Tùng đã chết dọc đường. Con trưởng của Tùng là Tráng lên nối ngôi, lập vợ là Ngọc Tú làm Tây cung. Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) nghe tin Tùng chết, nói với các tướng rằng:
    - Tùng là kẻ không biết có vua, Xuân là kẻ không biết có cha, mới hay, đạo trời báo ứng thật chẳng sai bao giờ.
    Nói rồi, sai bắn ba phát súng và kêu ba tiếng.
    Văn chức là Nguyễn Hữu Dật bước ra khỏi ban và thưa:
    - Trịnh Tùng thì đã chết, con nó mới được lập lên, nay Chúa muốn đánh thì đánh, muốn giữ thì giữ, cớ sao lại cho nổ súng và kêu to lên như thế?
    Chúa cười và nói rằng:
    - Hữu Dật tuổi trẻ cậy ở sự hung hăng, chưa rõ lẽ gì cả.
    Nhân đó, Chúa cho Dật về, bảo cha của Dật là (Nguyễn) Triều Văn dạy bảo. (Nguyễn) Triều Văn là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn (nay thuộc Thanh Hóa - ND), bấy giờ đang giữ chức Tham tướng. Hữu Dật lúc ấy 16 tuổi, vì có văn học mà được bổ làm văn chức. Chúa nói với các tướng rằng:
    - Ta muốn nhân cơ hội này mà nổi nghĩa binh phò vua Lê, nhưng, đánh người trong lúc có tang là bất nhân, tấn công người thừa lúc người lâm nguy là bất võ. Huống chi, ta cùng họ Trịnh vốn có nghĩa thông gia, cho nên chi bằng, trước hãy đem lễ đến phúng để dò xét tình hình rồi sau hãy liệu kế.
    Các tướng ai cũng bái phục. Chúa bèn sai sứ đi phúng điếu".
    Lời bàn: Đối phương lâm nạn, trong thì đạo cha con tan tành ngoài thì nghĩa chúa tôi sụp đổ, ấy là chưa kể dư đảng của họ Mạc vẫn còn rất đáng gờm, bảo chúa Nguyễn không cả mừng làm sao được? Song, thế của chúa Nguyễn chưa đủ mạnh, lực của chúa Nguyễn chưa đủ lớn, kí tải niềm vui vô bờ ở ba phát súng và ba tiếng thét giữa trời là chí phải, bảo chúa Nguyễn làm khác đi mà được sao? Nguyễn Hữu Dật quả là trẻ người non dạ, thẳng thắn mà chưa đủ sâu sắc, có chí khí của con nhà tướng mà chưa đủ mưu lược của người cầm quân, bị gởi trả về cho cha dạy thêm cũng là chí phải.
    Lời chúa Nguyễn Phúc Nguyên là lời nhân nghĩa chăng? Cứ chữ mà suy thì quả là Nguyễn Phúc Nguyên hết sức khôn khéo. Ở đời, biết che kín sở đoản của mình cũng là thông minh. Các tướng ai cũng bái phục Chúa, ngẫm cho kĩ thì thấy... đó cũng là thông minh.
    Giữa những người thông minh ngầm hiểu ý nhau, thì người thông minh trẻ tuổi lại bộc trực một cách thái quá như Nguyễn Hữu Dật, tạm thôi làm quan trong ba năm, nào có gì lạ đâu !

+ Trả lời chủ đề
Trang 3/7 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình