+ Trả lời chủ đề
Trang 1/6 1 2 3 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 56

Chủ đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 7

  1. #1
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2

    Việt Sử Giai Thoại - Tập 7

    Việt Sử Giai Thoại - Tập 7: 69 Giai Thoại…

    Chương 3: LỜI NÓI ĐẦU

    Bạn đọc yêu quý,
    Trong tay bạn là tập 69 giai thoại thế kỉ XVII, tức là tập thứ 7 của bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI gồm 8 tập. Với bạn, đây có thể chỉ đơn giản là một cuốn sách nhỏ, bình thường như mọi cuốn sách khác trong tủ sách của bạn, nhưng với tác giả, đây là công sức của cả một thời, là kết quả chăm lo và giúp đỡ rất thịnh tình của Nhà xuất bản Giáo dục.
    Sử cũ ngồn ngộn sự kiện và tư liệu. Những câ đại bút của cha ông đã dày công chắt lọc và ghi chép những gì xét thấy hữu ích cho đời sau. Một lời khen là một lời nhắn nhủ con cháu hãy cố gắng noi theo, một lời chê là một một lần răn đe nghiêm khắc hậu thế rằng chớ bắt chước mà thân bại danh liệt. Lời khen không ngại ban cho cả những người vô danh, sống lầm lũi ở dưới đáy của xã hội, lời chê cũng chẳng sợ uy quyền, thẳng thắn cả với những bậc chễm chệ trên ngôi cao tước cả. Công việc đắp nền đạo lí của sử sách ngàn xưa thật là lớn lao, tâm thành của các bậc tiên hiền thật là khả kính. Mỗi trang sử cũ là một phần tâm huyết của cha ông, là một góc của kho di sản văn hóa vô giá mà tổ tiên thương trao lại.
    Nhưng, hẳn bạn đọc cũng đều biết, tổ tiên kí thác tâm ý của mình qua những trang chữ Hán. Chính sử viết bằng chữ Hán với hàng lọat những điển lệ chặt chẽ khiến cho việc cảm nhận rất khó khăn. Ngày nay Hán học đã suy tàn, cũng phải gian nan lắm, hậu sinh mới có thể hiểu được. Bởi lí do đó, nếu bạn thấy tác giả của bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI có chỗ nào đấy tỏ ra bất cập, thì xin hãy rộng lượng bỏ qua và vui lòng chỉ giáo cho.
    Hiểu sử cũ đã khó, hiểu sử cũ viết về thế kỉ XVIII là thế kỉ đầy những biến cố sâu sắc và lớn lao, lại càng khó hơn. Còn đó sông Gianh, như lưỡi gươm cắt đôi xứ sở. Còn đó Đàng Ngoài, cung vua và phủ chúa, chung hoàng thành mà chẳng chung nỗi ưu tư. Còn đó Đàng Trong, những cuộc mưu toan hãm hại nhau để giành quyền bính giữa những người trong tôn thất Và còn đó... trên khắp đất nước ta, những cuộc vùng lên khuấy nước chọc trời của hàng vạn những người nông dân đói khổ. Vâng, thế kỉ XVIII là thế kỉ của chiến tranh nông dân. Chua xót thay, lúc này yêu nước cũng có nghĩa là tấn công không khoan nhượng vào toàn bộ cơ chế của nhà nước. Cũng chua xót thay, điều khiển vận mệnh quốc gia thoát khỏi họa xâm lăng nguy hiểm lúc này lại không phải làước của giai cấp thống trị đương thời...
    VIỆT SỬ GIAI THOẠI vốn có nguồn gốc trực tiếp từ các bộ chính sử, nhưng bản thân các giai thoại chỉ giữ vị trí rất khiêm nhượng là bổ sung cho chính sử mà thôi. Ghép tất cả những giai thoại này lại, dẫu công phu và chính xác bao nhiêu, bạn cũng chẳng thể có được một dòng mạch lạc nào đó của lịch sử. Nhưng, nếu đã có một dòng mạch lạc nào đó của lịch sử mà bạn lại chưa có những giai thoại này, tất cả sẽ trở nên khô khan, thiếu sức sống và do vậy, rất dễ đi vào quên lãng.
    Sáu mươi chín giai thoại cho một thế kỉ, đó hẳn nhiên chưa phải là nhiều, nhưng, đọc ngót cả trăm cuốn sử cũ để tìm cho được sáu mươi chín giai thoại này, đó cũng là cố gắng cao nhất của tác giả. Hy vọng rằng, cuốn sách nhỏ này cũng sẽ có chút ích lợi nào đó đối với bạn.
    Mỗi giai thoại đều được kết thúc bằng một lời bàn của tác giả. Tuy nhiên, lời bàn tổng thể về cuốn sách này nói riêng và bộ VIỆT SỬ GIAI THOẠI nói chung, tác giả xin nhường lại cho bạn đọc với tất cả sự tin cậy và yêu quý của mình.
    Thành phố Hồ Chí Minh
    17 - 06 - 1994

  2. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 4: 01 - LỜI VĨNH QUYẾT CỦA CHƯỞNG CƠ NGUYỄN HỮU CẢNH

    Thời các chúa Nguyễn, không ít võ quan được tấn phong tới hàm Chưởng cơ, và trong hàng những người được tấn phong tới hàm Chưởng cơ, cũng có không ít người từng cầm quân tung hoành khắp đồng bằng sông Cửu Long, nhưng, dân đồng bằng sông Cửu Long chỉ dùng hai tiếng Ông Chưởng để chỉ một người duy nhất : Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700). Ở An Giang có địa danh cù lao Ông Chưởng, và địa danh này đã đi vào ca dao :
    Ba phen quạ nói với diều,
    Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.
    Thực ra, Nguyễn Hữu Cảnh chỉ đến đồng bằng sông Cửu Long có hai lần. Lần đầu là năm 1698 và lần thứ hai là năm 1700. Chỉ ở lần thứ hai, Nguyễn Hữu Cảnh mới xuống đến tận An Giang rồi ở lại đó chừng vài ba tháng. Nói khác hơn, thời gian Nguyễn Hữu Cảnh lưu trú tại An Giang nói riêng và Nam Bộ nói chung không bao nhiêu, nhưng những tình cảm tốt đẹp mà nhân dân nơi đây dành cho ông lại rất lớn. Các thế hệ không ngớt truyền tụng mẩu chuyện về phút lâm chung của ông. Và, sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 7) cũng chép :
    "Tháng 5 (năm Canh Thìn, 1700 - ND), quan Chưởng cơ, giữ chức Thống suất là Nguyễn Hữu Cảnh mất. Lúc đầu, (Nguyễn) Hữu Cảnh đóng quân ở Lao Đôi (nay thuộc An Giang - ND), gặp lúc mưa to gió lớn, núi Lao Đôi bị lở, tiếng vang ầm ấm như sấm. Đêm ấy, (Nguyễn Hữu Cảnh) nằm mơ thấy có một người mặt đỏ, mày trắng, tay cầm cái phủ việt, đến nói với ông rằng :
    - Tướng quân nên mau đem quân về, đóng ở đây lâu sợ bất lợi.
    (Nguyễn) Hữu Cảnhvà nói :
    - Mệnh ở trời chớ có phải là ở đất này đâu ?
    Tỉnh dậy, ông thấy thân thể mỏi mệt, nhưng để giữ yên lòng quân sĩ, ông vẫn cố cười nói như thường. Thế rồi bệnh trở nên rất nặng, ông than :
    - Ta những mong dốc lòng báo đền ơn nước, nhưng số trời có hạn, sức người chẳng thể làm khác được.
    (Nói rồi) bèn rút quân về, đến Sầm Khê, thuộc Định Tường (nay là Rạch Gầm, Tiền Giang - ND) thì mất, thọ 51 tuổi. Chúa hay tin, thương tiếc lắm, liền truy tặng ông là Hiệp Tán Công Thần, Đặc Tiến Chưởng Dinh, lại ban cho tên thụy là Trung Cần, cấp cho vàng lụa để hậu táng."
    Lời bàn : Hai vị tướng vào Nam trước đó, trong đó có anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Hữu Hào, đã vì nặng lo mối lợi riêng mà thân danh chóng vánh bị tàn lụi, tiếc thay !
    Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, uy lớn, công cao nhưng xử sự không ồn ào như những người đi trước, kính thay ! Các bậc tướng quân dạnn dày trận mạc thuở xưa có thể rất dũng mãnh trước binh hùng tướng mạnh của đối phương nhưng lại cũng rất có thể dễ dàng trở nên yếu đuối, thậm chí là bạc nhược trước một điềm dị đoan nho nhỏ, thế mà Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh thì ngược lại. Lạ thay ! Chẳng phải ngẫu nhiên mà sử chép lại lời đáp của Nguyễn Hữu Cảnh đối với người mặt đỏ, mày trắng, đến gặp ông trong mơ. Thời ấy, nói lời ấy là lẽ thường, nhưng thời ấy, làm được như lời ấy, chẳng thể coi là lẽ thường
    Ngàn xưa vẫn thế, lời vĩnh quyết có thể là lời vô nghĩa mà cũng có thể là lời gạn lọc bản tâm của cả một đời. Bản tâm của Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh là bản tâm của một người chỉ biết nghiêm vâng mệnh Chúa và nặng lo dân tình. Ông ra đi thanh thản, tiếc chăng là không thể làm hơn những gì ông cho là số trời đã định mà thôi.
    Chúa Nguyễn truy tặng chức tước cho ông, ban tên thụy tốt đẹp cho ông, lại còn ban vàng lụa để lo đám tang cho ông một cách chu tất, nhưng, phần thưởng lớn lao nhất mà ông được hưởng lại chính là tình cảm nồng hậu mà các thế hệ nhân dân Nam Bộ đã dành cho ông. Ngàn năm còn đó, tên ông.

  4. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 5: 02 - CUỘC MƯU PHẢN CỦA TRỊNH LUÂN VÀ TRỊNH PHẤT

    Từ năm Quý Mùi (1703), chúa Trịnh là Trịnh Căn đã lo chọn người kế vị. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 50 và 51) cho hay :
    "Trước kia, con trưởng của Trịnh Căn là (Trịnh) Vĩnh mất sớm, vì thế (Trịnh) Căn lấy con thứ của mình là (Trịnh) Bách làm thừa tự. (Trịnh) Bách mất. (Trịnh Căn) lại dùng con của (Trịnh) Vĩnh là (Trịnh) Bính làm thừa tự. Con của (Trịnh) Bính là (Trịnh) Cương, năm ấy (năm 1703 - ND) mười tám tuổi.
    (Thế rồi Trịnh) Bính cũng mất mà Trịnh Căn thì ã cao mà người thừa tự thì chưa ổn định. (Trịnh Căn) bèn triệu quan Bồi tụng là Nguyễn Quý Đức vào hỏi. Quý Đức thưa :
    - Trọng trách trông coi việc nước và vỗ về quân sĩ thì phải thuộc về người chắt trưởng (chỉ Trịnh Cương - ND), vậy, cúi xin sớm định ngay danh phận rõ ràng để cắt đứt sự dòm ngó.
    (Trịnh) Căn lại hỏi thêm Đặng Đình Tướng và Đình Tướng cùng thưa lời tương tự như Nguyễn Quý Đức. Bấy giờ, Trịnh Căn mới quyết ý dùng (Trịnh) Cương làm người thừa tự. (Trịnh) Căn làm tờ biểu, xin Vua tiến phong (Trịnh) Cương làm Khâm sai Tiết chế Thủy Bộ Chư Dinh, hàm Thái úy, tước An Quốc Công, được mở phủ đệ riêng, quyền nắm giữ các cơ quan nhà nước".
    Chuyện tưởng thế là đã rõ ràng, chẳng dè hơn một năm sau, năm Giáp Thân (1704), các con của Trịnh Bách là Trịnh Luân và Trịnh Phất đã hợp mưu chống lại Trịnh Cương. Sự kiện này cũng được sách trên chép lại như sau :
    "Trước kia, khi Trịnh Bính mất, Luân và Phất thấy mình là con Trịnh Bách, vị Tiết chế đã qua đời, lẽ ra phải được tập phong để lên nối nghiệp, vậy mà nay Trịnh Cương nhờ vai chắt của chúa Trịnh Căn mà được quyền lập phủ đệ riêng, nên Luân và Phất câu kết với bọn Đào Quang Giai làm bè đảng, tính hợp mưu lật ngôi vị của Trịnh Cương. Quan Hiệu thảo là Nguyễn Công Cơ dò biết được cơ mưu, liền báo cho Trịnh Căn biết. Căn sai bắt bọn này giam vào ngục và giao cho các quan Đình úy tra hỏi. Họ đều nhận tội nên tất cả đều bị trị theo phép nước. Nguyễn Công Cơ được thăng chức Thị lang".
    Lời bàn : Điển lễ xưa quy định, quyền thừa tự thuộc về đích trư̖ Điển lễ ấy đúng sai thế nào, xin miễn bàn đến, chỉ biết rằng, thời nào cũng có phép tắc của thời đó, làm trái thì hiển nhiên sẽ bị nghiêm phê. Từ góc độ đó mà xét, lời của quan Bồi tụng Nguyễn Quý Đức, của Đặng Đình Tướng và chọn lựa của chúa Trịnh Căn là hoàn toàn phải phép. Trịnh Luân, Trịnh Phất và Đào Quang Giai há chẳng biết việc mình làm là sai trái hay sao ? Dẫu trả lời là biết hay không biết cũng đều càn quấy cả, cho nên sớm nhận tội là phải.
    Tranh đoạt quyền hành là hành vi cực xấu, tranh đoạt quyền hành với thân thuộc của mình lại càng cực kì xấu xa hơn. Bọn Trịnh Luân, Trịnh Phất và Đào Quang Giai đã tự giết chết danh dự của riêng thân, phép nước đương thời giết chết cái xác phàm của họ, hai lần chết mà muôn lần nhục, tên của họ làm dơ cả một đoạn sử, giận thay !
    Song, điều không thể chấp nhận này, khốn khổ thay, lại là điều dễ hiểu. Thời loạn là thời của tranh đoạt, bao đời chúa Trịnh vẫn là bấy nhiêu đời tranh đoạt quyền hành của vua Lê đó thôi. Nếu đó là căn bệnh thì Trịnh Luân và Trịnh Phất vừa bị do di truyền, lại cũng vừa bị do lây lan, nặng đến vô phương cứu chữa. Họ bệnh hoạn quá nên quên mất rằng, ngôi chúa thì chỉ có một mà bọn họ thì đông, như Trinh Cương mà bị hạ, ắt họ phải lo sát hại nhau lần nữa. Lúc ấy, phủ Chúa sẽ chẳng khác bãi chiến trường. Thậm nguy ! Chí nguy !

  6. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2

    Chương 6: 03 - CẨN ÁN VỀ PHÉP BỔ QUAN LẠI Ở ĐỊA PHƯƠNG CỦA TRỊNH CĂN

    Tháng 10 năm Đinh Hợi (1707), chúa Trịnh là Trịnh Căn đã ban lệnh thực hiện phép chọn quan phủ theo nguyên tắc tiến cử. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 35, tờ 4 và 5) đã chép việc này, kèm theo Lời cẩn án của các tác giả như sau :
    "Trịnh Căn nhận thấy các chức quan ở phủ và huyện đều là chỗ rất gần gũi với dân, vậy mà bộ Lại, khi cất nhắc hay thuyên bổ đi nơi khác chỉ dựa vào lệ riêng, khiến cho người tài năng và giàu kiến thức không có dịp để tỏ rõ cho nước nhà thấy. (Chúa cho rằng), hai cơ quan là Thừa Chính Ti và Hiến Sát Ti, thường ngày đều có dịp để am hiểu (những người làm việc dưới quyền của mình) thì việc phân tích và nhận định hẳn nhiên là có phần dễ dàng hơn. Bởi thế, (Chúa) hạ lệnh cho hai cơ quan này của các xứ phải chọn trong số các viên huyện lệnh (chức đứng đầu một huyện - ND) dưới quyền mình để đề cử xem người nào có thể giữ chánh hoặc phó của một phủ (xưa, một phủ thưởng gồm nhiều huyện - ND). Chọn xong, cả người đề cử lẫn người được tiến cử đều phải về kinh sư để xét rõ hư thực, sau sẽ theo đó mà thuyên chuyển hay cất nhắc.
    Lời cẩn án: Muốn bàn việc chính trị phải hiểu tận nguồn gốc của chính trị. Ông Chu Tử người đời Tống (của Trung Quốc - ND) nói : "Giám Ti (cơ quan giám sát việc thực hiện luật pháp ở các địa phương - ND) là đầu mối của Thú (chức đứng đầu của một quận - ND) và Lệnh (chức đứng đầu của một huyện - ND) mà triều đình là gốc rễ của Giám Ti". Mệnh lệnh này của chúa Trịnh Căn kể cũng có phần thận trọng trong việc lựa chọn chức Thú và chức Lệnh đây. Nhưng, liệu triều đình lúc bấy giờ có thật trong sạch hay không ? Hai cơ quan Thừa Chính và Hiến Sát liệu có phải là do những vị quan hiền tài lương thiện nắm giông ? Còn như việc bắt cả người đề cử lẫn người được tiến cử đều phải về kinh sư để xét rõ hư thực, chẳng phải là vừa phiền phức vừa bê trễ cả việc công đó hay sao ?
    Lời bàn : Lời cẩn án của sử cũ tỏ rõ chư vị sử gia rất thông thạo việc chính trị của cổ nhân ... bên Tàu. Thử hỏi, các quan ở bộ Lại là quan lớn, lại ở ngay bên cạnh chúa Trịnh mà chúa Trịnh cũng không tin, thì lập luận của chúa Trịnh cho rằng, các quan ở Thừa Chính Ti và Hiến Sát Ti thường ngày gần gũi các chức huyện lệnh sẽ hiểu đám huyện lệnh hơn... làm sao mà nghe cho xuôi được. Nghe nói thuở xưa, có người đi bắt cá ngoài đồng về, nổi hứng phán rằng, trăng rằm ở ngoài đồng tròn hơn trăng rằm ở trong làng, thế mà cả làng cũng đổ xô ra đồng để xem cho rõ hư thực, lạ thay !
    Cũng trong lời cẩn án, chư vị sử gia xưa đã nêu ra đến mấy câu hỏi liền, mà toàn là những câu ghê gớm cả. Song, là người viết sử, chẳng lẽ chư vị không rõ thực trạng của thời chúa Trịnh Căn hay sao. Kính bẩm chư vị, sẵn có cái kéo và lọ keo, xin được cắt và dán vào bộ sử của chư vị, câu viết chẳng biết là của ai : hỏi cũng chính là trả lời vậy !

  8. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #5
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 7: 04 - CHUYỆN PHÓ TƯỚNG NGUYỄN CỬU VÂN BỊ KHIỂN TRÁCH

    Ở xứ Đàng Trong, một trong những dòng họ có nhiều danh tướng là dòng Nguyễn Cửu. Trong dòng Nguyễn Cửu, Nguyễn Cửu Vân là một trong những vị tướng được sử sách nhắc tới nhiều, khen chê đều có cả. Dưới đây là chuyện Nguyễn Cửu Vân bị khiển trách. Chuyện này xảy ra vào tháng 8 năm Tân Mão (1711), khi ông đang giữ chức Phó tướng của dinh Trấn Biên. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 8) chép như sau :
    "Phó Tướng của dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Vân, thường bắt dân mới phiêu tán trở về phục dịch riêng cho mình. Nhiều người vì thế mà sinh ra oán thán. Chúa trách (Nguyễn Cửu Vân) rằng :
    - Khanh là con nhà tướng, được quyền trấn giữ một phương, sao không coi trọng việc vỗ về đối với dân mà chỉ mưu lợi cho riêng mình ? Tất cả dân phiêu tán mới về kia, vốn bi thất sở đã lâu, nay nếu lại bắt họ phục dịch, khiến họ bị quấy nhiễu, thì thử hỏi làm sao họ chịu nổi. Xưa, Tiêu Hà (bề tôi của Hán Cao Tổ - ND) giữ đất Quan Trung, Khấu Tuân (bề tôi cửa Hán Quang Võ - ND) giữ đất Hà Nội , đều chăm vỗ về trăm họ và đã giúp vua làm nên đế nghiệp, khanh hãy nên noi theo đó mà cố gắng lên.
    Xong, chúa (Nguyễn Phúc Chu - ND) lại còn hạ lệnh cho hai dinh là Trấn Biên và Trấn Phiên rằng : phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất cho họ để thiết lập thôn ấp, tha hết các thứ binh dịch và tô thuế cho họ trong ba năm. Nhờ vậy, dân đều được an cư lạc nghiệp".
    Lời bàn : Trước Nguyễn Cửu Vân bồn thế kỉ, danh tướng Trần Khánh Dư từng nói rằng : "Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ ?" Hóa ra, tìm đượt vị đáng gọi là dũng tướng đã khó, mà tìm trong các vị dũng tướng được một đấng giàu lòng nhân ái, nghĩa là gồm đủ cả đức lẫn tài, thật khó lắm thay ! Thời Nguyễn Cửu Vân là thời mà bóc lột được coi như một sự tự nhiên, vậy mà ông dùng dân lưu tán mới trở về vào việc riêng, thì đã lập tức bị Chúa khiển trách. Ai dám bảo rằng... vua chúa chẳng chút đoái hoài gì đến dân ?
    Chúa mượn tích xưa để trách, ấy cũng là sự thường. Thời ấy, cách diễn đạt ấy, khác làm sao được. Lời Chúa có vẻ như nhẹ nhàng quá chăng ? Quả có vậy thật, nhưng, khiển trách nói chung đã phải lựa lời, khiển trách một người đường đường là tướng quân đang trấn giữ ở nơi biên ải thì càng phải lựa lời hơn nữa. Vả chăng, cái chính của sự khiển trách chính là ở hiệu quả của nó chứ có phải là ở sự gay gắt đâu.
    Khéo trách kẻ thừa hành, chúa Nguyễn Phúc Chu có thêm được một vị tướng biết lo sửa đức, biết vỗ về những người phiêu tán khốn khổ mới trở về, chúa Nguyễn Phúc Chu có thêm được sự thái bình vô giá ở vùng đất phía Nam. Có ai nói là chúa Nguyễn Phúc Chu không bóc lột dân đâu, có điều, người bóc lột ấy, xem ra cũng biết thương, biết chăm lo đến... đối tượng mà mình bóc lột. Thời ấy, nghĩ như vậy và làm được như vậy, lẽ đâu lại bảo là sự thường ?
    Phó tướng Nguyễn Cửu Vân nghiêm lo sửa mình theo lời trách của Chúa. Sử chép lời trách này, ắt cũng muốn người đời sau xem sử mà tự răn mình đó thôi.

  10. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #6
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 8: 05 - VÌ SAO NGUYỄN MẠI ĐƯỢC TRAO CHỨC TRẤN THỦ SƠN TÂY?

    Tháng giêng năm Ất Mùi (1715), Nguyễn Mại đang giữ chức Phó Đô ngự sử, được thăng chức vượt cấp, lên làm Trấn thủ đất Sơn Tây. Sử cũ cho hay, Nguyễn Mại người xã Ninh Xá, huyện Chí Linh (nay thuộc Hải Dương), đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 12 (1691). Như vậy, Nguyễn Mại xuất thân đại khoa, nhưng không phải đương thời, bậc đại khoa nào cũng gặp may mắn trên hoạn lộ như vậy. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 35, tờ 19) chép sự kiện này như sau :
    "Bấy giờ, Trấn thủ Sơn Tây là Đặng Đình Sở thi hành chính trị lỏng lẻo, khiến cho giặc cướp nổi lên khắp nơi, dân tình rất khốn khổ. Do tội này, (Đặng) Đình Sở bị giáng chức và triều đình liền bổ dụng quan Phó Đô ngự sử là Nguyễn Mại, đang ở chức thấp, lên nắm quyền Trấn thủ Sơn Tây. (Nguyễn) Mại đến sở trị, thi hành chính lệnh nghiêm chỉnh và rõ ràng, (triều đình nhân đó) chính thức bổ dụng (Nguyễn Mại) chức Trấn thủ.
    (Nguyễn) Mại là người khỏe mạnh, có mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa. Trước kia, khi còn làm việc ở Lễ Phiên (cơ quan do bộ Lễ cai quản - ND) Nguyễn Mại từng nổi danh can đảm. Một hôm, Lễ Phiên đang bàn việc, bỗng có con voi bị xổng, từ ngoài đi vào, khiến cho ai cũng hoảng hốt bỏ chạy, duy chỉ có (Nguyễn) là thần sắc không hề thay đổi, vẫn đứng tiếp tục trình bày công việc như thường. Trịnh Cương thấy vậy, cho rằng có thể dùng Nguyễn vào việc lớn dược, bèn sai cho giữ thủy quân, sau lại cho làm Đốc trấn Cao Bằng, đến đây thì bổ làm Trấn thủ Sơn Tây.
    (Nguyễn) Mại đến nơi, hiệu lệnh nào đã ban bố đều bắt phải thi hành, điều gì có lệnh cấm là bắt cấm hẳn, vì thế, bọn trộm cướp đều lẩn trốn, không dám hành động. (Nguyễn) Mại nổi tiếng là người có tài về chính trị".

    Lời bàn : Nguyễn Mại từng đỗ Tiến sĩ, lại giỏi cả về bắn cung và cưỡi ngựa, đã thế còn giàu mưu lược hơn người, kể cũng đáng xếp vào hàng văn võ song toàn vậy.
    Chuyện Nguyễn Mại không hề thay đổi thần sắc, bình tĩnh đứng trình bày công việc ngay cả khi có con voi bị xổng, chạy vào nơi làm việc của Lễ Phiên, hẳn nhiên cũng đáng coi là chuyện lạ, nhưng chuyện lạ ấy cũng sẽ chóng đi vào quên lãng, nếu các chức việc được giao sau đó, Nguyễn Mại không làm được như sự mong đợi của triều đình.
    Chúa Trịnh Cương đã tỏ ra đơn giản đến độ quá dễ dãi khi chọn người giao việc chăng ? Trong trường hợp cụ thể này, có lẽ nhận xét như vậy là chưa thỏa đáng. Dân gian vẫn có câu tránh voi chẳng xấu mặt nào. Các quan ở Lễ Phiên nhát gan mà bỏ chạy là không xấu mặt, thì người thản nhiên đứng lại, ung dung tâu việc mà thần sắc vẫn không thay đổi như Nguyễn Mại, hẳn là phải được xếp ở trên những người không xấu mặt ẩy chứ.
    Trong mọi thử thách, chẳng có thử thách nào cam go bằng cái chết. Có đối diện với cái chết, cao thượng và thấp hèn, trí dũng và bạc nhược... mới thể hiện rõ ràng. Trịnh Căn thấy được tư thế khác thường của Nguyễn Mại ở Lễ Phiên, tức là đã thấy được tất c gì đáng giá nhất của con người Nguyễn Mại. Trịnh Căn tin Nguyễn Mại, phải lắm thay !

  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #7
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 9: 06 - LỜI CỦA SỨ THẦN NHÀ THANH LÀ ĐẶNG ĐÌNH TRIẾT VÀ THÀNH VĂN

    Tháng 4 năm Mậu Tuất (1718), triều đình vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương đã cử quan Binh bộ Hữu thị lang là Nguyễn Công Hãng làm Chánh sứ và quan Phụng thiên Phủ doãn là Nguyễn Bá Tông làm Phó sứ, sang triều đình nhà Thanh để báo việc vua Lê Hy Tông qua đời (mặc dù Lê Hy Tông mất trước đó hơn hai năm, khi đang ở ngôi Thượng hoàng) và dâng biểu cầu phong cho vua Lê Dụ Tông (Lê Dụ Tông đã được Thượng hoàng Lê Hy Tông truyền ngôi cho trước đó những 13 năm). Tháng chạp năm Kỉ Hợi (1719), nghĩa là phải hơn một năm sau, triều đình nhà Thanh mới cử sứ sang ta để tấn phong cho vua Lê Dụ Tông. Cuộc tiếp sứ với những lời biện bác của các quan trong triều đình lúc này đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 35, tờ 26 và 27) chép lại như sau :
    "Nhà Thanh sai quan giữ chức Nội các Điển bạ là Đặng Đình Triết và quan giữ chức Hàn Lâm Viện Biên tu là Thành Văn, sang phong Vua làm An Nam Quốc Vương, đồng thời, ban cho Vua phẩm phục hàng Nhất phẩm và dụ bảo về việc ban phẩm vật dùng cho lễ tế Lê Hy Tông.
    Bọn (Đặng) Đình Triết tới, bắt Vua khi thụ phong, phải làm lễ tam quy cửu khấu (ba lần quỳ, chín lần vải). Triều đình viện cớ rằng, theo lễ nghi trong nước thì Nhà vua chỉ cần làm l ngũ bái tam khấu (năm lần lạy, ba lần vái) mà thôi. Việc này, hai bên phải tranh biện đến ba bốn lần, cuối cùng, (Đặng) Đình Triết cũng đành miễn cưỡng mà nghe theo ta.
    (Khi Đình Triết trở về), triều đình tặng bạc lạng và đồ sứ rất trọng hậu, gọi là để tiễn chân, nhưng sứ bộ (của nhà Thanh) không nhận.
    (Đặng) Đình Triết về Trung Quốc, tâu (với vua nhà Thanh) rằng nước ta cảnh thổ bình yên, dân biết giữ lễ, đáng để cho người ngoài quan chiêm. Vua Thanh khen ngợi lắm. (Sau), đến khi bọn (sứ bộ) là quan Tả thị lang Hồ Phi Tích sang tạ ơn (việc Lê Dụ Tông được tấn phong), vua Thanh ban cho các thứ có phần hậu hĩ hơn trước".
    Lời bàn : Thượng hoàng Lê Hy Tông mất đã hơn hai năm mới đi báo tang, vua Lê Dụ Tông được truyền ngôi đến 13 năm mới đi cầu phong, hai việc ấy đúng sai thế nào đã quá rõ. Song, nếu ở đời chỉ thấy cái dở của người mà không thấy cái hay của người, thì một lần là lỗi, hơn một lần là tội, rất khó có thể bỏ qua. Cuộc tiếp đón sứ thần nhà Thanh năm 1719, ít ra cũng là lần các quan trong triều đình tỏ được chút khí khái của mình, không thể nói là không đáng khen được.
    Đặng Đình Triết và Thành Văn, chẳng gì cũng là sứ giả của thiên triều, lại làm sứ mạng cao cả là thay mặt Thiên tử mà tấn phong cho vua Lê, cho nên, hách dịch là lẽ đương nhiên. Nhưng, hách thì hách, họ vẫn không hề mong đợi được gặp một triều đình đấy các quan bạc nhược. Lời tâu của họ với vua Thanh khi về nước là lời trung thực. Mới hay, càng cố gắng giữ quốc thể thì người nước ngoài càng trọng ta. Kẻ nào hễ thấy sứ giả của nước lớn, nước giàu mà cúi đầu khuất phục, thì kẻ đó, quyết không phải là dòng giống chính tông của con Lạc cháu Hồng.
    Vua Thanh ban các thứ cho sứ thần Hồ Phi Tích sau này có phần hậu hĩ, ấy cũng là cách bày tỏ sự hiểu biết đối với người của nước biết trọng quốc thể đó thôi.
    Hẳn nhiên, tam quy cửu khấu hay ngũ bái tam khấu thì khoảng cách tư thế hơn thua của người thi lễ chẳng khác là bao, nhưng, điều cốt yếu ở đây lại là quyết chí hay không quyết chí giữ lễ riêng của nước nhà. Sứ thần thiên triều, uy danh lớn lắm, hách dịch cũng ghê gớm lắm, nhưng lớn bao nhiêu thì lớn, hách bao nhiêu thì hách, nhập gia phải tùy tục, nước Nam vẫn vậy, ngàn xưa.

  14. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  15. #8
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 10: 07 - TRỊNH QUÁN LÀ TRỊNH QUÁN ƠI!

    Thời chúa Trịnh Cương (1709 - 1729), hai nhân vật được Chúa hết lòng thương yêu và tin dùng là Trịnh Quán và Nguyễn Công Hãng. Nguyễn Công Hãng (1679 - 1732), người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) làm quan trải thờ ba đời chúa là Trịnh Căn, Trịnh Cương và Trịnh Giang. Năm 1720, ông được chúa Trịnh Cương cất nhắc, cho làm tới chức Tham tụng. Trịnh Quán là người trong thân tộc của chúa Trịnh, được chúa Trịnh Cương tin dùng trong một thời khá dài. Năm 1720, khi Nguyễn Công Hãng được cử giữ chức Tham tụng thì Trịnh Quán cũng được cử giữ chức Chưởng phủ.. Đường công danh rộng mở trước cả hai người. Nhưng, rất tiếc là hậu vận của cả hai không mấy tốt đẹp. Nguyễn Công Hãng được chúa Trịnh Cương tin dùng bao nhiêu thì bị chúa Trịnh Giang nghi ngờ và căm ghét bnhiêu. Rốt cuộc, đến năm 1732 thì Nguyễn Công Hãng bị bức tử. Còn Trịnh Quán ? Tuy không bị hãm hại như Nguyễn Công Hãng, nhưng ông bị thất sủng sớm hơn, và cũng thật khó mà nói là hậu vận của ai rủi hơn ai được. Chuyện Trịnh Quán bị thất sủng (bất đầu từ cuối năm 1722) được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 36, tờ 4 và 5) chép lại như sau :
    "Bấy giờ, không ít người trong thân tộc của nhà Chúa cùng nắm giữ binh quyền, khiến cho Trịnh Cương sợ rằng, nếu để binh quyền của họ hàng lớn quá, ắt thế nào cũng sẽ có biến. Nhân đó, (Trịnh) Cương bèn hạ lệnh rằng :
    - Đấng vương giả có đức sáng, hết lòng thương yêu người trong thân tộc, ấy là muốn mở lời giao ước của tổ tiên nhiều đời, khiến cho sổ ghi quan chức những người trong họ ngày một đông thêm. Nhưng, nếu như không biết vun quén để bảo vệ cho (ngôi chúa) của họ ta thì cũng là thương yêu không phải phép vậy. Nhà ta tôn phò hoàng đế, xây dựng cơ nghiệp đến tước vương, con cháu đều giữ binh quyền lớn, việc này do đời sau noi theo đời trước nên lâu ngày thành nếp quen đi, khiến cho uy thế ngang nhau rồi nghi ngờ lẫn nhau mà sinh ra hấn khích. Ta đã biết rõ duyên cớ sâu sắc của câu ca đẩu túc và lời thơ đậu ky, cho nên đã tính kế để giữ sao cho cơ nghiệp được lâu dài. Vậy, các ông nên thể theo ý ấy, lo giải tán binh quyền lớn của mình, chỉ vui chơi cho thỏa thích ở phủ đệ, giữ tước vị, hưởng bổng lộc, cùng nhau vui sướng trong đời thái bình. Thiết nghĩ, thương yêu thân tộc, giữ hòa khí trong họ hàng, thật chẳng có gì hay hơn thế nữa.
    Bọn Trịnh Quán nghe vậy, liền lạy tạ và giải tán binh quyền".
    Lời bàn : Diễn đạt một cách đơn ản và dễ hiểu, thì trong mọi sự cần đề phòng, chúa Trịnh Cương lo đề phòng trước nhất là người trong họ hàng thân thuộc, trong họ hàng thân thuộc, đáng gờm nhất là kẻ đang nắm giữ nhiều binh quyền: Đúng quá mà sao ác quá.
    Câu ca đẩu túc ma Trịnh Cương nhắc tới là câu ca ai oán về cái chết của Hoài Nam Vương Trường, em ruột của vua Hán Văn Đế (Trung Quốc) nhưng lại bị Hán Văn Đế bắt đi đày, khổ nhục nhịn ăn mà chết. Dân đương thời làm câu ca rằng :
    Nhất xích bố, thượng khả phùng,
    Nhất đẩu túc, thượng khả thung,
    Huynh đệ nhị nhân bất tương dung.
    Dịch nghĩa :
    Vải một tấc, có thể may (để anh em cùng mặc).
    Thóc một đấu, có thể giã (để anh em cùng ăn).
    (Thế mà làm vua cả một nước, chỉ có) hai anh em ruột vẫn không thể dung tha cho nhau.
    Con như lời thơ đậu ky mà Trịnh Cương nhắc tới là lời thơ của Tào Thực. Tào Thực và Tào Phi đều là con của Tào Tháo. Tào Tháo mất. Tào Phi được lên nối ngôi. Bởi muốn giết Tào Thực nên Tào Phi bắt Tào Thực phải làm xong một bài thơ trong thời hạn bước đi đúng bảy bước. Và Tào Thực đã làm thơ như sau :
    Chử đậu nhiên đậu ky,
    Đậu tại phủ trung khấp.
    Bản thị đồng căn sinh
    Tương tiên hà thái cấp.
    Dịch nghĩa :
    Lấy dây đậu nấu hạt đậu.
    Hạt đậu khóc trong nồi,
    Rằng : chúng ta cùng một gốc rễ mà ra.
    Sao nỡ nung nấu nhau cấp bách như thế.
    Lời đe dọa của chúa Trịnh Cương mới ghê gớm biết ngần nào. Nhà chúa chẳng bao giờ dọa suông, bởi vậy, vừa chợt nghe là Trịnh Quán đã tỉnh ngộ, lạy tạ mà giải tán hết binh quyền. Thời đã thế, thế thời phải thế biết sao hơn bây giờ.
    Nhưng, ...Trịnh Quán là Trịnh Quán ơi, hậu thế nên gọi ông là kẻ thức thời và mẫn cảm, hay nên gọi ông là kẻ bạc nhược đây ? Lẽ đâu cứ gọi gì tùy thích. Có những chuyện vui, khiến ta hoan hỉ mãi. Có những chuyện buồn, khiến ta như tê tái. Song, cũng có những chuyện mà ta chẳng biết nên buồn hay nên vui. Trịnh Quán là Trịnh Quán ơi, phải chi ông nói đôi lời trước khi quỳ lạy Chúa, phải chi !

  16. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  17. #9
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 11: 08 - TRƯƠNG CÔNG KHẢI VÀ HỒ PHI TÍCH BỊ GIÁNG CHỨC

    Trương Công Khải người xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ sáu (1685), đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705). Dưới thời vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729), ông từng làm quan tới chức Thượng thư bộ Hình.
    Hồ Phi Tích người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 (1700) đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705). Dưới thời vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729), ông giữ chức cao nhất là Tả thị lang bộ Lại.
    Tháng 4 năm Giáp Thìn (1724), vì phạm lỗi làm việc tắc trách, cả hai ông nghè này đều bị triều đình vua Lê Dụ Tông giáng chức. Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 36, tờ 16) chép lại như sau :
    "Bấy giờ, có người ở huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, Hưng yên - ND) bị kiện rồi bị quan xử, khép vào tội đồ. Người ấy oan ức quá, liền mổ bụng để kêu. Việc được tâu lên, triều đình giao cho bề tôi tra xét lại thì thấy quả nhiên người ấy mắc oan. Xét ra, nguyên do là bởi lỗi cũ của các quan Thượng thư bộ Hình là Trương Công Khải và Tả thị lang bộ Lại là Hồ Phi Tích. Nguyên xưa, khi còn giữ chức Ngự sử ở Ngự Sử Đài, các vị quan này đã không chịu khó tìm cho ra lẽ phải trái. Triều đình khép hai người vào tội bị giáng chức".
    Cũng sách trên ghi rõ :
    - Thượng thư bộ Hình là Tiến sĩ Trương Công Khải bị giáng làm TảLại. Chức Tả thị lang là chức kế ngay sau chức Thượng thư, nhưng bộ Lại lớn hơn bộ Hình, cho nên, xét về danh thì Trương Công Khải bị hạ một bậc mà xét về thực chất thì bị hạ chưa tới một bậc.
    - Tả thị lang bộ Lại là Tiến sĩ Hồ Phi Tích bị giáng làm Hữu thị lang bộ Lễ. Như vậy, xét về danh, Hồ Phi Tích bị hạ một bậc, vì chức Hữu thị lang nhỏ hơn chức Tả thị lang, nhưng xét về thực chất, Hồ Phi Tích bị hạ chưa đến một bậc, bởi lẽ, bộ Lễ lớn hơn bộ Lại.
    Lời bàn : Hàm oan đến nỗi phải quyết chí mổ bụng để bày tỏ lòng thành, khỏi bàn cũng rõ, nỗi oan khuất đó khủng khiếp làm sao. Thời mà dân phải mổ bụng kêu oan hẳn nhiên là thời đổ nát. Chẳng hay, còn có bao nhiêu người hàm oan nữa nhưng lại không đủ can đảm tự mổ bụng như con người này. Thương thay !
    Các quan trong triều đình lúc này đã... bới lông tìm vết một cách thái quá chăng. Trong trường hợp này, quả thật không thể làm khác được Trong mọi nỗi lo, không có gì đáng lo bằng việc giữ cho quốc thái dân an. Trong mọi cái lớn, không có gì lớn bàng mạng sống của trăm họ. Triều đình không xét những việc đại loại như việc này thì còn xét việc gì nữa.
    Hẳn nhiên chức trách của các quan ở Ngự Sử Đài không phải là giải quyết mọi việc thường ngày của xã dân. Công việc đó thuộc về phận sự của các quan địa phương sở tại. Ngự Sử Đài chỉ theo dõi và nhắc nhở khi cần, nghĩa là chỉ gián tiếp chịu trách nhiệm mà thôi. Thảng hoặc đây đó vẫn có hiện tượng cho rằng, gián tiếp chịu trách nhiệm đồng nghĩa với việc sẵn sàng phủi tay để đứng về phía vô can khi có điều chẳng lành xảy ra. Khôn lanh quá quắt lắm thay !
    Nói chung ở đời, rất nhiều chuyện đã qua nhất thiết phải cho qua, nhưng, tất cả những lỗi lầm thuộc về chức trách của người làm quan mà đều được im lặng cho qua cả, thì kỉ cương và phép nước chẳng qua chỉ là món trang sức rẻ tiền mà thôi. Bọn cơ hội nhất định sẽ vui mừng hô lớn khắp thiên hạ rằng : Triều đình vạn tuế !

  18. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  19. #10
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 12: 09 - CƯƠNG TRỰC THAY NGUYỄN CÔNG CƠ!

    Nguyễn Công Cơ sinh và mất năm nào chưa rõ, chỉ biết ông người xã Minh Tảo, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm Giáp Thân, niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), Nguyễn Công Cơ đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan Hiệu thảo trong phủ chúa Trịnh Căn (1682 - 1709). Năm 1704, nhờ có công phát giác ra mưu phản của Trịnh Luân và Trịnh Phất, triều đình xét công ban thưởng. Nguyễn Công Cơ được thăng chức Hộ bộ Tả thị lang. Năm 1715, quan Hộ bộ Tả thị lang Nguyễn Công Cơ được chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc.
    Sinh thời, Nguyễn Công Cơ là người cương trực, hễ thấy điều sai quấy là chẳng bao giờ bỏ qua. Các quan trong phủ chúa, nhất là Nguyễn Công Hãng, vì thế mà rất ghét ông. Hai mươi năm sau vụ phát hiện ra mưu phản của Trịnh Luân và Trịnh Phất, năm Bính Ngọ (1724), Nguyễn Công Cơ lại gây chấn động cả cung vua và phủ chúa bởi một phát hiện về gian lận trong thi cử, liên quan đến nhiều bậc đại thần đương quyền. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 36, tờ 31) chép việc này như sau :
    "Tháng 11 (năm 1724 - ND), bắt những người đã đỗ Hương cống (tức Cử nhân - ND) thi lại ở lầu Ngũ Long. Nhân dịp này, Nguyễn Công Cơ được thăng làm Thiếu bảo.
    Bấy giờ, cả đến việc thi cử phần nhiều cũng bị nạn nhũng lạm, thường hễ là con nhà quyền thế thì nhất định sẽ đỗ Hương cống chứ ít ai có tài học thực sự. Nguyễn Công Cơ tâu về việc này nên (Chúa) mới hạ lệnh bắt thi lại. Kết quả, hai mươi tám người bị buộc phải đánh hỏng, trong số này có : con trai của quan Tham tụng là Lê Anh Tuấn, con trai của Huân Quận công là Đặng Đình Giám, con nuôi của quan Nội giám Thiếu bảo là Đỗ Bá Phẩm và nhiều Cống sĩ khác của các xứ. Những người này đều bị giao xuống Pháp đình xét hỏi để trị tội thật nặng. Triều đình nhận thấy (Nguyễn) Công Cơ là người nói thẳng nên thăng làm Thiếu bảo".
    Lời bàn : Phàm là quan, nếu có non chỗ này, yếu chỗ kia... tất tất đều có thể lượng tình mà bỏ qua được, nhưng nếu thiếu hẳn đức trung nghĩa, thì thiên hạ chưa từng dễ dãi mà tha thứ cho ai cả. Vẫn biết chân dung các chúa Trịnh vốn chẳng đẹp đẽ gì, song bất trung bất nghĩa như bọn Trịnh Luân và Trịnh Phất, bị nghiêm trị là chí phải, cương trực như Nguyễn Công Cơ mà được khen cũng là chí phải. Giữa thời đại loạn cũng có chút không hề là loạn, đại để là như việc này của Nguyễn Công Cơ.
    Nạn ngoại xâm hẳn nhiên là đáng sợ, nhưng nạn đục khoét nước nhà từ bên trong cũng rất đáng sợ đó thôi. Một khi bằng cấp được coi là ân thưởng dành riêng cho con em nhà quyền thế, thì việc nước sẽ ra sao, không nói cũng rõ rồi. Trong mọi mối lo từ bên trong, chẳng có gì đáng lo bằng việc trao chính quyền cho lũ dốt nát và gian ngoan. Đôi khi,ạn quân xâm lăng chưa hẳn đã nguy hiểm bằng dăm ba tên mọt dân hại nước.
    Cương trực thay. Nguyễn Công Cơ ! Trên thì có các bậc Tham tụng, Quận công, Thiếu bảo... dưới thì có chư vị quan trường đã lấy đỗ Cống sĩ tứ phương, vậy mà Nguyễn Công Cơ vẫn theo phép nước mà làm, không kiêng dè nể sợ, bách quan muôn thuở, nào dễ đã có mấy ai !

  20. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 1/6 1 2 3 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình