+ Trả lời chủ đề
Trang 5/6 ĐầuĐầu ... 3 4 5 6 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 41 tới 50 của 56

Chủ đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 7

  1. #41
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 43: 40 - LỜI TÂU CỦA DẬT SĨ NGÔ THẾ LÂN

    Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép rằng :
    Dật sĩ người Thuận Hóa là Ngô Thế Lân, dâng thư bàn về tiền tệ. Thư ấy đại lược nói rằng : Trộm nghe, khi tiên chúa mới mở mang bờ cõi, đất thì còn hẹp, dân thì còn thưa, phía Nam chưa có đất Gia Định màu mỡ (Gia Định là đất tốt nhất, rất hợp với việc trồng lúa và trồng cau, nên phương ngôn có câu nhất thóc nhì cau), phương Bắc thì còn có việc đánh giữ ở Hoành Sơn, liền năm chinh chiến, vậy mà dân vẫn không đói kém, nước vẫn thừa tiền tiêu. Nay, thiên hạ thái bình đã lâu, đất rộng hơn, dân đông hơn, đất trồng lúa đã khai khẩn hết, nguồn lợi ở núi và ở ao chằm cũng đã khai thác hết, hơn nữa, Phiên Trấn và Long Hồ không bị hạn hán hay lụt lội bao giờ, thế mà từ năm Mậu Tí (tức năm 1768 - ND) đến nay, giá thóc gạo cao vọt, nhân dân thì đói kém, thế nghĩa là vì sao ?
    Tất nhiên, không phải vì thiếu thóc mà chính là bởi đồng tiền kẽm gây nên vậy. Người ta, ai mà chẳng thích cái bền chắc, ghét sự chóng hư. Nay, nếu lấy đồng tiền kẽm là đồng tiền chóng hư mà thay cho đồng tiền đồng là đồng tiền bền chắc, thì thiên hạ sẽ đua nhau trữ thóc chớ không trữ tiền. Tệ dùng tiền đồng vốn có đã lâu nay muốn đổi đi là việc rất khó, trong khi đó thì nạn đói của dân lại rất gấp.
    Thần trộm nghĩ, kế hay của ngày nay không có gì bằng việc phỏng theo phép đặt kho thường bình của nhà Hán. Cứ mỗi phủ lập một kho thường bình, đặt quan để trông coi, cho được tự ý ra giá bình quân, rồi hễ thóc rẻ thì theo giá mà mua vào, thóc đắt thì theo giá mà bán ra, như thế thì giá thóc không đến nỗi rẻ quá, khiến hại cho nhà nông mà cũng không đến nỗi đắt quá, có lợi cho con buôn. Từ đó sửa dần cái tệ tiền kẽm, vật giá nhất định sẽ được bình ổn.
    Thư dâng vào nhưng không được trả lời. Sau, (Ngô Thế) Lân theo Tây Sơn, nhận ngụy chức".
    Lời bàn : Tiền kẽm có phả là nguyên nhân sâu xa của mọi tệ nạn đương thời hay không, điều đó có lẽ cần phải được cân nhắc thêm nữa. Học theo phép của nhà Hán mà lập kho thưởng binh, đó có phải là kế tốt nhất để cứu nguy thời bấy giờ hay không, điều này có lẽ cũng cần phải được cân nhắc lại. Song, lời Ngô Thế Lân là lời chân tình. Cứ chữ mà suy thì Dật sĩ nghĩa là người đi ở ẩn. Dật sĩ Ngô Thế Lân cũng bình thường như bao Dật sĩ khác, nghĩa là đi ở ẩn đó thôi. Nhưng, ông ẩn là ẩn vòng danh lợi, ẩn sự bon chen, ẩn những kẻ xênh xang áo mũ mà tâm địa khó lường, chớ ông không hề ẩn tránh dân tình thế sự, nỗi ưu thời vẫn canh cánh trong ông. Có được một người quyết chí giữ mình trong sạch là phúc, có được một người trong sạch góp lời chân tình, thì trong cái phúc, còn có thêm phúc lớn nữa. Chúa im lặng không trả lời, ấy là Chúa đã khờ khạo để cho hậu thế chê bai Chúa cả tài lẫn đức vậy.

  2. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #42
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 44: 41 - VÌ SAO NGÔ THÌ SĨ BỊ BÃI CHỨC?

    Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), tự là Thế Lộc, hiệu là Ngọ Phong, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Doanh (1740 - 1767) và Trịnh Sâm (1767 - 1782), từng được giao những trọng trách như Đốc đồng Thái Nguyên, Hiến sát sứ Thanh Hoa, Tham chính Nghệ An, Trấn thủ Lạng Sơn. Ông là một nhà văn, một nhà sử học có tài, là thân sinh của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm và là nhạc phụ của Tiến sĩ Phan Huy Ích.
    Cũng như bao đồng liêu khác, cuộc đời làm quan của Ngô Thì Sĩ có không ít gian nan. Một trong những lần mắc họa đáng kể nhất của Ngô Thì Sĩ là lần diễn ra vào tháng 11 năm Tân Mão ( 1771), khi ông đang giữ chức Tham chính Nghệ An. Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 43, tờ 35 và 36) chép lại như sau :
    "Trước đây, khi Trịnh Sâm vừa lên nối ngôi chúa (năm 1767 - ND) thiên hạ loan truyền câu sấm, nói rằng Hoàng Ngũ Phúc sẽ lập mưu làm chuyện trái nghịch. (Trịnh) Sâm vì thế mà lấy làm ngờ.
    Bấy giờ, Nguyễn Lệnh Tân (đỗ Tiến sĩ năm 1763 - ND) vì có nhà ở Hồ Tây, nên có lần, triều sĩ hợp nhau tại đấy, cùng bơi thuyền ra hồ để cùng nhau ngâm vịnh xướng họa. Bài thơ của Ngô Thì Sĩ có câu : "Tình vũ cánh nghi chu" (nghĩa là : dù trời nắng sáng dẫu là mưa tuôn, thì cảnh Hồ Tây cũng đều đẹp, đáng để bơi thuyền ra thưởng ngoạn). Câu này chỉ có ý tả cảnh đẹp của hồ, nhưng sau đó, bị người ta đổi lại thành : "Thảo mộc khủng phi Chu (nghĩa là : cây cỏ sợ không còn là của nhà Chu nữa, tức ngầm chỉ rằng, sợ giang sơn mà họ Trịnh đang làm chúa sẽ không còn là của họ Trịnh nữa). Và bài thơ (đã bị sửa ấy) được chuyển dâng lên chúa Trịnh Sâm.
    Lúc ấy, phủ chúa Trịnh Sâm thường nhận được những bức thư nặc danh, đều tự xưng là biểu của triều sĩ, nói là cần phải đề phòng Hoàng Ngũ Phúc. Nhưng, hai chữ triều sĩ khi ra ngoài lại bị nói trại thành Ngô Sĩ, do vậy, Hoàng Ngũ Phúc vẫn để bụng căm ghét (Ngô Thì Sĩ). Nhân có học trò trường (Hương) Nghệ An tố cáo hai ti (là Thừa Chính và Hiến Sát) khảo hạch không công bằng, triều đình bàn bãi chức của (Tham chính Nghệ An là) Ngô Thì Sĩ. Khi buộc tội, Hoàng Ngũ Phúc tự ý thêm vào bốn chữ Hoàn dân thụ dịch (nghĩa là : trở về làm dân, chịu mọi tạp dịch). Xưa nay, văn thần mắc tội khi làm việc công, chưa có ai đến mức phải bãi chức (như Ngô Thì Sĩ), cho nên, ai cũng (Hoàng) Ngũ Phúc là tên nham hiểm, độc ác".
    Lời bàn : Lời sấm truyền về sự hiểm độc của Hoàng Ngũ Phúc nếu nói đúng thì ắt khiên cưỡng, nhưng nếu nói sai thì ắt cũng gượng ép vậy. Chẳng ai ngây thơ tin rằng, kẻ ăn cắp con gà sẽ chẳng bao giờ ăn cắp con bò cả. Ai dám nói rằng, tất cả sự nham hiểm của Hoàng Ngũ Phúc chỉ có bấy nhiêu. Kẻ tự ý thêm vào án quyết của triều đình những bốn chữ Hoàn dân thụ dịch thì thử hỏi, còn chuyện gì hắn không ngần ngại làm ?
    Bấy giờ, ngâm vịnh xướng họa là thú vui của kẻ sĩ. Rình rập đã xấu, rình rập để chực hại nhau ngay cả trong khi cùng vui ngâm vịnh xướng họa, thì sự xấu chẳng còn biết chất chứa nơi nào cho hết. Than ôi, sửa thơ của người để vu oan giá họa cho người, sự thể chua xót này, may ra chỉ có trời mới hiểu nổi. Đó là lời thơ chỉ vỏn vẹn có năm chữ, chớ nếu đó là lời văn dông dài, chắc sự bịa đặt và xuyên tạc còn ngàn lần kinh khủng hơn.
    Có người nói rằng, lí do Ngô Thì Sĩ bị bãi chức thì đã rõ, chỉ có điều chưa rõ, ấy là tại sao cung vua và phủ chúa bấy giờ lại lắm kẻ nham hiểm đến thế ? Cứ ngẫm mà xem, bá quan đương thời vẫn luôn tung hô vang vạn tuế, nhưng họ đã tự chôn vùi họ quá sớm rồi, nếu không, đến lượt chúng ta lại phải tung hô vạn tuế !

  4. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #43
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 45: 42 - VÌ SAO TÂY SƠN XƯỚNG NGHĨA?

    Năm 1771, phong trào Tây Sơn bùng nổ. Ngày nay, ai cũng coi nghĩa binh Tây Sơn là những người anh hùng áo vải, đã dám vùng lên khuấy nước chọc trời, nhưng, trong những trang sử của triều Nguyễn, Tây Sơn được mô tả như một đắm giặc cỏ với nhiều hành vi rất thấp hèn. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép :
    "Giặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc nổi loạn, chiếm giữ thành Quy Nhơn. Nhạc là người của thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly, (nay là huyện Phù Cát), phủ Quy Nhơn, trước làm làm Biện lại, nhưng rồi vì tiêu mất hết tiền thuế của sở Tuần Ti, bèn cùng với em là Lữ và Huệ, vào núi, bám thế hiểm để làm giặc, bè đảng ngày một đông, quan lại địa phương không sao ngăn cản được. Đến đây, chúng đem đồ đảng đánh úp phủ Quy Nhơn. Quan Tuần phủ của phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy, Nhạc bèn chiếm lấy thành, thả tù phạm, lùa dân làm lính và dựng cờ hiệu Tây Sơn rồi cho bè đảng chia nhau đi cướp bóc, khiến cho trăm họ phải náo động. Việc ấy báo lên. Chúa sai quan Chưởng cơ là Nguyễn Cửu Thống (con của Nguyễn Cửu Thông, chồng của công chứa Ngọc Huyên), Nguyễn Cửu Sách (con của Nguyễn Cửu Pháp, chồng công chúa Ngọc Anh), cùng với Cai cơ là Phan Tiến, Cai đội là Nguyễn Vệ, Tổng nhung là Tống Sùng và Tán lí là Đỗ Văn Hoảng, đem quân đi đánh nhưng không được. (Tống) Sùng và (Đỗ Văn) Hoảng đều bị chết ở trận.
    Bấy giờ, thái bình đã lâu, tướng sĩ không ai quen trận mạc, khi phải đi đánh thì phần nhiều tìm cớ thoái thác để được miễn. Trong lúc đó, Trương Phúc Loan thì ăn hối lộ rồi cho thay người ra trận nên mọi người oán ghét. Tướng ra trận, thấy giặc là chạy ngay, do đó, thế giặc ngày một mạnh.
    Bọn lái buôn người Thanh (chỉ Trung Quốc - ND) là Lý Tài và Tập Đình (c đều chưa rõ họ) cũng hưởng ứng, được Nhạc thu nạp. Tập Đình xưng là quân Trung Nghĩa còn Lý Tài thì xưng là quân Hòa Nghĩa. Nhạc lại lấy những thổ dân cao lớn, cho cạo đầu bím tóc, cải trang làm người Thanh, khi ra trận thì uống rượu say, cởi trần, mình đeo giấy vàng bạc, xông ra để tỏ là liều chết nên quân ta không ai địch nổi".
    Lời bàn : Chưa ra trận thì tìm cớ thoái thác để được miễn, ra trận rồi thì chưa gì đã tháo chạy để cứu lấy thân, sĩ khí ấy, tướng lĩnh ấy, ngao ngán lắm thay ! Xin chớ nói rằng họ đã ngầm ủng hộ Tây Sơn, cho dẫu là về khách quan, sự hèn nhát của họ cũng có tác dụng đại để như vậy. Họ chỉ là họ, tồn tại để hợp thức hóa việc chi phát bổng lộc của triều đình, thế thôi.
    Sử cũ nói không sai nhưng vẫn không đúng. Tây Sơn quả có cướp bóc, nhưng không phải cướp bất cứ ai. Các giáo sĩ phương Tây gọi nghĩa quân Tây Sơn là bọn giặc nhân đức, vì Tây Sơn luôn tìm cách lấy của nhà giàu chia cho người nghèo.
    Khi những người ở dưới đáy của xã hội không thể chịu đựng nổi sự thống trị và nhất tề cầm vũ khí đứng dậy, lịch sử nhất định sẽ sang trang.

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #44
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 46: 43 - THƯƠNG THAY, TÔN THẤT VĂN!

    Tôn Thất Văn là người có công nuôi dưỡng chúa Nguyễn Phúc Thuần từ lúc chúa còn tấm bé, và khi Nguyễn Phúc Thuần lên nối nghiệp chúa (năm 1765, tức năm mới 12 tuổi), Tôn Thất Văn cũng là người có công rất lớn trong việc phò tá. Nhưng, con người quyền cao chức trọng ấy, tiếc thay, lại bị vu oan và bị giết hại vào năm Quý Tị (1773). Vụ án này được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) ghi lại như sau :
    "Mùa hạ, tháng 6 (năm 1773 - ND), Trương Phúc Loan giết Chưởng cơ Tôn Thất Văn. Lúc ấy, tôn thất và đại thần nhiều người rất oán ghét Loan, muốn tìm cách hãm hại, họ mật bàn với nhau, sai quan Hàn lâm là Ngô Đình Thứ và quan Tri phủ là Trần Giai; lấy trộm ấn của Loan rồi giả mạo Loan mà viết bức thư thông đồng với ngụy Nhạc (tức Nguyễn Nhạc, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn - ND), đem bỏ ngoài đường. Quan giữ chức Tham mưu là Tá (không rõ họ) bắt được thư ấy, liền trình cho (Tôn Thất) Văn. Văn nói với chúa rằng xin trị tội Loan. Loan cãi lại, nói việc đó chẳng qua là do vu oan, và Chúa cũng không bắt tội Loan nữa. Loan ngỡ thư ấy do Tá làm ra, bèn bắt giam rồi giết, và cũng vì thế mà sinh ra thù oán đối với (Tôn Thất) Văn. Hắn giả mạo bức thư của giặc (đây chỉ quân Tây Sơn - ND), nội dung tỏ rõ (Tôn Thất) Văn thông mưu với giặc, xong, hắn lại sai người tố cáo (Tôn Thất) Văn làm phản, truy xét để nghiêm trị rất gấp. (Tôn Thất) Văn sợ quá mà bỏ trốn. Loan sai chức Cai đội là Tôn Thất Hương đuổi theo, bắt được, đem dìm chết ở phá Tam Giang".
    Lời bàn : Cả phủ chúa cùng căm ghét Trương Phúc Loan, trong tay lại có đủ cả phương tiện và lực lượng, vậy mà rốt cuộc chỉ nghĩ ra được mỗi một trò mạo thư để vu oan, đúng là trẻ con hơn cả trẻ con. Trương Phúc Loan thật tàn bạo, tham lam, tự chuyên tự quyền ban phúc giáng họa... nghĩa là tệ hại vô cùng, nhưng đám quần thần kém cỏi kia, xem ra cũng chẳng được tích sự gì, ngoài việc hưởng lộc và ra vô cho phủ chúa có vẻ đông đúc. Với dân, họ chỉ là kẻ... đỡ tệ hơn Trương Phúc Loan mà thôi.
    Quan Tham mưu Tá sao mà ngây thơ thế. Làm đến chức Tham mưu mà xét việc nông cạn đến thế thì không chết bởi tay Trương Phúc Loan ắt cũng chết bởi tay một kẻ tiểu nhân nào đó.
    Hạch tội người chết là điều chẳng nên, nhưng, không thể nói khác hơn, rằng Tôn Thất Văn vừa là nạn nhân, lại cũng vừa là một trong những thủ phạm của sự kiện bi thảm này. Tham mưu Tá ngây thơ, chẳng cần suy gẫm xét đoán, dâng thẳng bức thư giả mạo cho Tôn Thất Văn, chẳng dè, Tôn Thất Văn cũng ngây thơ không kém, vội vã dâng cho Chúa và xin Chúa trị tội Loan. Hài hước thay !
    Là người nuôi nấng Chúa từ nhỏ, lễ ra, thấu hiểu Chúa hơn cả phải là Tôn Thất Văn, nhưng ngược lại, Tôn Thất Văn cũng chỉ như người xa lạ mà thôi. Trách Chúa kể cũng tội nghiệp, vì dẫu gì, Chúa cũng chỉ là một đứa trẻ vị thành niên, có trách thì hãy trách bọn trẻ... tóc đã bạc. Thế mới phải, Tham mưu Tá và Tôn Thất Văn mất đi, dương thế bớt được hai sinh linh khờ khạo, âm phủ thêm được hai hồn ma ngây thơ, và, cái gạch nối giữa xưa với nay là sử sách cũng bớt được vài câu rườm rà, nửa đáng cười, nửa đáng khóc.
    Thương thay, Tôn Thất Văn !
    Thương hại thay, Tôn Thất Văn !

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #45
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 47: 44 - LỜI ĐÁP CỦA CÂU KÊ KIÊM LONG

    Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), lợi dụng lúc chúa Nguyễn bị Tây Sơn tấn công dữ dội, chúa Trịnh là Trịnh Sâm (1767 - 1782) sai viên lão tướng là Hoàng Ngũ Phúc, đem ba vạn quân đánh thẳng vào Đàng Trong. Đến Hà Trung (Thanh Hóa); Hoàng Ngũ Phúc cho người đưa thư vào Nam, nói rằng Đàng Ngoài và Đàng Trong vốn có tình thân thích từ nhiều đời, nay Đàng Trong gặp loạn, Đàng Ngoài đem quân vào giúp chớ chẳng hề có ý dòm ngó gì.
    Tháng 9 năm 1774, quân Hoàng Ngũ Phúc đã tiến đến châu Bắc Bố Chính, nghĩa là đã áp sát xứ Đàng Trong. Quan Tri phủ của Đàng Trong là Trần Giai vội đi đầu hàng, tình thế trở nên rất nguy cấp. Chúa Nguyễn Phúc Thuần vội sai tướng đi trấn giữ các nơi, mặt khác, sai người đến đại bản doanh của Hoàng Ngũ Phúc, tìm cách biện bạch để cản bước tiến của quân Đàng Ngoài.
    Tháng 10 năm 1774, quân Hoàng Ngũ Phúc bắt đầu vượt sông Gianh. Công việc tìm lời biện bác với quân Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Thuần ủy thác hết cho hai viên quan là Cai đội Quý Lộc và Câu kê Kiêm Long. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép rằng :
    "Quân Trịnh qua sông Gianh. Chúa sai viên Cai đội là Quý Lộc và viên Câu kê là Kiêm Long (cả hai đều chưa rõ họ), đến để khao quân Hoàng Ngũ Phúc và nói sao cho Hoàng Ngũ Phúc thấy rõ rằng, giặc cỏ Tây Sơn tất nhiên sẽ phải tự chết, không cần phải nhọc lòng phiền đến quân Trịnh.
    Khi bọn Kiêm Long đến, (Hoàng Ngũ) Phúc sai người đến gặp và hỏi chuyện riêng. Kiêm Lo
    - Đường không đi thì không đến, chuông không đánh thì không kêu.
    (Hoàng Ngũ) Phúc nghe vậy thì hiểu ý, liền tiến quân ngay đến châu Nam Bố Chính. Trấn thủ châu này là Tôn Thất Tiệp cùng với chức Kí lục là Bảo Quang (chưa rõ họ), lui quân về giữ lũy Đồng Hới (nay thuộc Quảng Bình - ND). (Hoàng Ngũ) Phúc sai riêng tướng Hoàng Đình Thể đem quân tiến sát đến lũy Trấn Ninh. Quân mã ở đây do bọn Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thi đã tự ý làm nội ứng, mở cửa thành cho quân Trịnh. Quân Trịnh cứ thế thúc trống, reo hò mà tiến vào. Tướng giữ thành là Luận Chính và Thành Tính (cả hai đều chưa rõ họ) cũng đầu hàng."
    Lời bàn : Hẳn nhiên là chẳng có ai chính nghĩa trong cuộc đối đầu lâu dài và quyết liệt giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong, song, chẳng thể vì thế mà sống vào thời đó, ai muốn làm gì thì làm, ai muốn nói gì thì nói. Loài dơi thực sự là loài dơi, nhưng chỉ vì có chuyện kể rằng, hễ chuột thắng trong cuộc đánh nhau với chim thì dơi nhận dơi đích thị là họ hàng với chuột, rồi khi chim thắng thì dơi lại nhận mình chính cống là họ hàng với chim, thế mà cũng đủ cho bao đời khinh khi loài dơi, huống nữa là kẻ tráo trở như viên Câu kê Kim Long và đồng bọn trong câu chuyện này.
    Một lời đáp của Câu kê Kim Long đủ để tan nát cơ đồ của cả một xứ, khiếp thay. Mới hay, tính cho ra việc rồi lại tính cho ra người để trao việc, thật là hệ trọng. Trách chúa Nguyễn Phúc Thuần vụng tính, kể cũng chí phải, nhưng, có thế mới là Nguyễn Phúc Thuần, nếu không làm sao có chuyện li kì này được.
    Chuyện cười ra nước mắt là đây chăng ?

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #46
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 48: 45 - LƯỢC TRUYỆN TRƯƠNG PHÚC LOAN

    Trương Phúc Loan sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông là con của Trương Phúc Phan, và dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, Trương Phúc Loan đã là một đại thần, quyền khuynh loát cả phủ chúa. Năm Ất Dậu (1765), chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, theo lẽ, Nguyễn Phúc Luân (thân sinh của Nguyễn Ánh) được lập làm chúa, nhưng Trương Phúc Loan đã tìm cách hãm hại và đưa Nguyễn Phúc Thuần (lúc đó mới 12 tuổi) lên nối nghiệp. Cũng năm đó, Trương Phúc Loan "được thăng" làm Quốc phó. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép rằng :
    "Thăng Trương Phúc Loan làm Quốc phó, giữ việc ở Hộ bộ, trông coi cơ Trung Tượng, kiêm Tào Vụ và cho thu thuế sản vật ở những nơi khai mỏ vàng như nguồn Thu Bồn, nguồn Đồng Hương, nguồn Trà Sơn và nguồn Trà Vân làm ngụ lộc. Loan sai người thu riêng cho mình, hàng năm được vô số vàng, mà nạp thuế cho nhà nước chỉ độ một hay hai phần mười mà thôi. Các thứ thuế ngà voi, sáp ong, mật ong... mỗi năm thu đến hơn hai trăm lạng bạc. Của báu (nhà Loan) chất như núi. Hai con (của Loan) là Thặng và Nhạc đều lấy công chúa. Thặng lấy công chúa Ngọc Nguyện, Nhạc lấy công chúa Ngọc Đảo, (Thặng và Nhạc) làm quan đến chức Chưởng dinh Cai cơ. Cả nhà Loan đều quyền thế, át cả trong ngoài. (Loan) lại còn lấy bè đảng là bọn Thái Sinh nắm giữ những nơi trọng yếu. Loan ngày một luông tuồng, cho nên, người ta gọi Loan là Trương Tần Cối".
    Ba năm sau khi giữ chức Quốc phó (1765-1768), Trương Phúc Loan không còn biết kiêng dè gì nữa. Bọn tay chân dưới quyền cùng đồng lòng hùa theo, chính sự đổ nát đến mức khó bề cứu chữa. Sách trên chép tiếp rằng :
    "Bấy giờ, Trương Phúc Loan cầm quyền, mọi sự đều tự chuyên. Bọn Nội hữu là Chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm, Chưởng Thủy cơ Tôn Thất Viên (cả hai đều là con của Dân Quốc công Tôn Thất Điền, lúc ấy người ta cũng gọi Nghiễm là Quận công), tuy đều được Chúa thương yêu, nhưng bọn họ chỉ say mê tửu sắc, không lo nghĩ gì đến việc nước cả. Loan nhân đó, cũng không kiêng nể gì, hết bán quan, buôn tước lại ăn tiền hối lộ, đặt ra nhiều hình phạt rất phiền phức và thu thuế rất nặng nề, nhân dân lấy làm khốn khổ. Trong khoảng bốn năm năm, tai dị như động đất, núi lở, sao sa, nước đỏ... xảy ra luôn, trăm họ đói kém, trộm cướp nổi lên khắp nơi. Nước nhà từ đó sinh ra lắm việc".
    Năm 1774, lợi dụng lúc phong trào Tây Sơn bùng nổ và đang hoạt động mạnh mẽ, chúa Trịnh sai viên lão tướng là Hoàng Ngũ Phúc đem ba vạn quân đánh vào Đàng Trong. Một trong những cái cớ mà Hoàng Ngũ Phúc nêu ra cho cuộc hành quân này là ... giúp chúa Nguyễn trừ tên quyền thần Trương Phúc Loan ! Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) có chép lại lời hịch của quân Trịnh. Lời hịch ấy có đoạn như sau :
    "Tả tướng Trương Phúc Loan, khí chất nhỏ hẹp như cái đấu, cái thưng, tâm địa thì gian tà như ma, như quỷ. Vin bám khuê cổn tình thân, trộm lấy chức trọng của triều đình. Tin dùng kẻ gian nịnh, hãm hại đấng trung lương của nước. Li gián người cố cựu, mưu lập bè đảng. Chiêu nạp thêm vây cánh, mưu lợi riêng mình. Giết người nọ, lập người kia, nguy hiểm chẳng khác nào có lang sói bên nách. Thẳng tay gây khốn cho trăm họ, cũng áo xiêm mà thực là lũ chim muông. Nặng t khóa để nặn máu mủ dân, bớt lương quân để cắt nanh vuốt. Chính sự cấp bách như lửa cháy đến chân mày, hình phạt nặng nề như con mắt bị đâm, chuốc oán với dân, gây ra mối lọan. Đến nỗi Tây Sơn chỉ là bọn dân hèn, tụ tập như đàn ong lũ kiến, cũng có thể chiếm được Quảng Nam màu mỡ, nhanh như heo bị lang đuổi. Giặc như lửa quạt ngất trời, dân biên cõi lầm than. Vậy nên, nhân dân chúng đang được sống lại, ta đem đội quân đang lúc sức hăng, trước là trừ diệt đứa cường thần, sau là lo dẹp phường nghịch tặc".
    Sẵn lòng phẫn uất, lại nhân có tờ hịch nói trên, các quan của chúa Nguyễn Phúc Thuần là Tôn Thất Huống, Nguyễn Cửu Pháp đã bắt Trương Phúc Loan đem nạp cho Hoàng Ngũ Phúc. Sự kiện này xảy ra vào tháng 11 năm Giáp Ngọ (1774). Sang năm sau ( 1775), Trương Phúc Loan bị quân Trịnh giết chết.
    Lời bàn : Kết bè kết cánh để khuynh loát thiên hạ và độc đoán chuyên quyền, đó là một đại tội. Lợi dụng sự sa đọa của đồng liêu để tham lam thu vén, ăn hối lộ và ức hiếp dân đen, đó là hai đại tội. Phạm cả hai đại tội ấy, còn mặt mũi nào mà đứng giữa cõi trời đất nữa. Một Trương Phúc Loan, mà gần thì bá quan căm tức, xa thì trăm họ oán thán, xa hơn nữa là xứ Đàng Ngoài cũng chẳng thể bao dung, bị phanh thây cũng chí phải. Lời hịch của quân Trinh nói, khí chất của Trương Phúc Loan nhỏ như cái đấu, cái thưng, tâm địa của Trương Phúc Loan gian tà như ma, như quỷ, quả đúng lắm thay. Vẫn biết thời loạn, mọi đều đều có thể xảy ra, nhưng chẳng ngờ lại có một Trương Phúc Loan với những hành trạng như vậy, ngao ngán>

  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #47
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 49: 46 - CHUYỆN NGUYỄN HUỆ VỚI NGUYỄN ĐĂNG TRƯỜNG

    Sau khi sách lược tạm hòa với quân Trịnh để tập trung lực lượng tiêu diệt quân Nguyễn bắt đầu phát huy được những tác dụng tốt đẹp của nó, bộ chỉ huy Tây Sơn đã liên tục tổ chức những cuộc tấn công vào Gia Định. Chỉ huy hầu hết các cuộc tấn công này là Nguyễn Huệ. Tháng 4 năm Đinh Dậu (1777), trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, Nguyễn Huệ đã gặp lại Nguyễn Đăng Trường (quan của chúa Nguyễn, cũng là tên tù binh cũ của Nguyễn Huệ). Cuộc tái ngộ rất đặc biệt này đã được sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 12) mô tả như sau :
    "Trước kia, trong cuộc biến năm Giáp Ngọ (chỉ sự kiện năm 1771, năm đó, chúa Nguyễn vừa bị Tây Sơn tấn công, lại vừa bị quân Trịnh bất ngờ vượt sông Gianh đánh vào - ND), Đăng Trường không kịp đi theo xa giá (ý nói không kịp chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần - ND), bèn đem mẹ già đến lánh nạn ở Quy Nhơn. Bấy giờ, Tân Chính Vương (chỉ Nguyễn Phúc Dương - ND) đã chạy vào Gia Định. Nguyễn Huệ bắt được (Nguyễn Đăng Trường), đối đãi như khách, quý như thầy, nhưng Đăng Trường vẫn không chịu, một mực khước từ để ra đi. Nguyễn Huệ nói :
    - Tiên sinh ra đi lần này ắt có ý muốn kéo trời đất lại (ý nói muốn lật thế cờ, giúp chúa Nguyễn diệt Tây Sơn - ND), nhưng liệu có thể được chăng ? Tôi e rằng, ngày khác tiên sinh sẽ ăn năn không kịp nữa.
    Đăng Trường đáp :
    - Bậc đại trượng phu ở đời, trước hết phải giữ đức trung và đạo hiếu. Ta nay dắt mẹ đi tìm vua, thì trung hiếu đã rõ ràng, còn như được hay mất, khốn cùng hay hanh thông... tất cả đều do mệnh trời cả mà thôi, có gì phải hối tiếc đâu.
    Nguyễn Huệ khen là có chí, bèn cho đi. Đến đây (tháng 4 năm 1777 - ND) Đăng Trường lại bị Huệ bắt được. Huệ nói rằng :
    - Nay, tiên sinh nghĩ sao ?
    Đăng Trường đáp :
    - Nay thì chỉ có chết mà thôi, hà tất gì cứ phải hỏi ?
    Nguyễn Huệ sai giết Đăng Trường. Khi dẫn ra đến chợ, Đăng Trường quay mặt về hướng Bắc lạy mấy lạy rồi mới chịu chết. Năm Minh Mạng thứ ba (tức năm 1822 - ND), triều đinh truy tặng Nguyễn Đăng Trường chức Thượng thư."
    Lời bàn : Mỗi thời có một cách hiểu khác nhau về trung và hiếu, nhưng phàm đã là người thì phải biết hiếu, biết trung. Yêu hay ghét Nguyễn Đăng Trường là quyền riêng của mỗi người, song, không thể lấy quyền riêng ấy mà nói rằng, lời của Nguyễn Đăng Trường là sai. Nguyễn Huệ lúc ấy dẫu chỉ mới 23 tuổi nhưng đã đủ bình tĩnh để lắng nghe mọi lời, kính thay ! Múc bớt một gáo nước, biển cả chẳng hề vơi, thả một Nguyễn Đăng Trường, Tây Sơn không hề suy yếu, đại trượng phu trong các đại trượng phu chính là Nguyễn Huệ
    Bị bắt lần thứ hai, Nguyễn Đăng Trường đã tự bộc lộ rõ rệt sự non kém của mình. Một là, nói theo cách nói của sử cũ, ông xứng đáng xếp vào hàng... ngu trung. Hai là chúa đã chạy vào Nam, có còn đâu ở Phú Xuân mà quay mặt về hướng Bắc để lạy. Trong sự lạy, nỗi khiếp sợ của muôn đời vẫn là lạy sai địa chỉ đó thôi.
    Cương trực và gàn dở vốn là hai khái niệm rất khác nhau, vậy mà sao người đời vẫn thường hay lầm lẫn khái niệm này sang khái niệm nọ, tỉ như Nguyễn Đăng Trường.

  14. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  15. #48
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 50: 47 - QUẬN HUY TRỞ CỜ

    Quận Huy tức Huy Quận công, tên thật là Hoàng Đình Bảo, lại cũng có tên khác là Hoàng Tố Lý, người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng (nay thuộc Bắc Giang). Quận Huy là cháu của Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Bấy giờ, Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc là viên hoạn quan rất được chúa Trịnh Doanh và chúa Trịnh Sâm tin dùng, bởi vậy, hoạn lộ của Quận Huy cũng được sáng sủa hơn bao người khác. Khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc qua đời (1775), Trịnh Sâm dường như đã dồn hết sự tin yêu của mình cho Quận Huy.
    Tuy nhiên, tháng 11 năm Mậu Tuất (1778), Quận Huy đã gây cho bá quan văn võ một sự bất ngờ : ông đã trở cờ ! Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên. quyển 45, tờ 13 tờ 14
    "Trước kia, (Hoàng) Đình Bảo đến làm Trấn thủ Nghệ An, từng có công dẹp giặc cướp, giảm kiện tụng, dân rất mến mộ. Dưới trướng (của Hoàng Đình Bảo) gồm đủ các chức như Tả Tham quân, Hữu Tham quân và Tòng sự... bởi thế, ở trong kinh thành cũng như ở các trấn, người ta phao tin ầm ĩ rằng (Hoàng) Đình Bảo có mưu toan phản nghịch. Trịnh Sâm bí mật bàn với hai bề tôi thân tín là Nguyễn Phương Đĩnh và Nguyễn Lệ để giết (Hoàng) Đình Bảo. Nhưng, vợ (Hoàng) Đình Bảo là Quận chúa (con gái của Trịnh Doanh - ND), rất gần gũi với vợ của Trịnh Sâm là Đặng Thị (Huệ), thường vẫn hay ra vào trong phủ chúa, cho nên, được Đặng Thị (Huệ) nói cho biết việc này. (Hoàng) Đình Bảo hay tin, lòng không được yên, bèn làm tờ khai xin về triều, được Trịnh Sâm y cho.
    (Khi về đến kinh đô, Hoàng) Đình Bảo cho rằng, Đặng Thị (Huệ) tuy được chúa (Trịnh Sâm) cưng chiều, nhưng con trai (của Đặng Thị Huệ) là (Trịnh) Căn còn quá bé nhỏ, trong lúc đó, (Trịnh) Khải (là con trai trưởng của Trịnh Sâm) thì đã trưởng thành, nếu phụ họa với Đặng Thị (Huệ) thì không phải là kế bền chắc. Bởi vậy sau khi vào phủ yết kiến chúa (Trịnh Sâm), (Hoàng) Đình Bảo đem 100 lạng vàng, 10 cây gấm đoạn, đến làm lễ để yết kiến Trịnh Khải. Nhưng, (Trịnh) Khải từ chối, không cho vào gặp, lại còn nói riêng với bọn tôi tớ trong nhà rằng :
    - Thằng giặc ấy sao không ở hẳn trong Nghệ An để tính kế làm phản lại còn vội vàng chạy về triều đình ? Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ tịch thu hết gia sản của nó chớ thèm gì chút lễ yết kia.
    (Hoàng) Đình Bảo biết được lời ấy thì lấy làm sợ hãi, nghĩ rằng mình không được Trịnh Khải bao dung, bèn quyết chí phụ họa với Đặng Thị (Huệ), bí mật lập mưu phế bỏ (Trịnh Khải). Đặng Thị ( Huệ) cũng dốc lòng giúp đỡ (Hoàng) Đình Bảo, cố sức dùng lời biện bạch rằng (Hoàng Đình ảo) bị vu oan, sau lại còn nói rằng có thể dùng (Hoàng) Đình Bảo vào việc lớn của nước nhà. Trịnh Sâm tin lời ấy, do đấy, (Hoàng) Đình Bảo được vào làm việc trong chính phủ, được mở quân doanh lấy tên là Trung Nhuệ, cho thêm chức Trấn thủ Sơn Nam nhưng không phải đi nhận chức. Quyền hành của (Hoàng) Đình Bảo vì thế mà lấn át cả trong kinh ngoài trấn. Bọn Trấn thủ các xứ đều là kẻ dưới trướng (của Hoàng Đình Bảo), chỉ còn Nguyễn Lệ ở Sơn Tây, Nguyễn Khắc Tuân ở Kinh Bắc là không cùng bè đảng với (Hoàng) Đình Bảo nữa mà thôi".
    Lời bàn : Lúc đầu, Quận Huy nhờ có Hoàng Ngũ Phúc mà tiến thân nhanh, kế đến, nhờ tiến thân nhanh mà được lấy Quận chúa, sau cùng nhờ cớ thêm chút tài nữa. Quận Huy được hãnh tiến trên hoạn lộ thênh thênh. Cho nên, Quận Huy hơn tài những ai thì chưa dám quyết chớ may mắn hơn người thì đã quá rõ ràng.
    Thói thường, có vinh thì có nhục. Quận Huy bị thiên hạ vu oan, bị Trịnh Khải đuổi đi không thèm tiếp, lại còn dọa mai sau tịch thu hết gia tài... chuyện ấy chẳng có gì là lạ, nhất là ở vào thời nhiễu nhương như thời của Quận Huy. Bơi giữa biển mà bảo tránh xa nước mặn thế nào được.
    Trịnh Khải có đến ba cái sai cùng một lúc. Thứ nhất : chủ quan một cách vô lối về quyền kế vị ngôi chúa của mình. Thứ hai : thân nam nhi, lại đường đường là con chúa, vậy mà chưa chi đã vội vã tin vào mọi lời đồn. Thứ ba : đuổi Quận Huy không thèm tiếp kiến, tức là tự chặt tay chân của mình.
    Quận Huy trở cờ là chuyện của Quận Huy, song, lí do trở cờ này lại nằm ngay trong sự tính toán nông cạn của Trịnh Khải. Mới hay, lời vội vã đôi khi có thể thiêu hủy toàn bộ cơ nghiệp của chính mình.

  16. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  17. #49
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 51: 48 - VỤ ÁN NĂM CANH TÍ (1780)

    Tháng 9 năm Canh Tí (1780), một vụ án lớn đã xảy ra ngay trong phủ chúa Trịnh. Bị can gồm Trịnh Khải là con của Trịnh Sâm cùng với một loạt các vị quan lại và đại thần đương thời. Vụ án này đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45 tờ 19, tờ 20 và tờ 21) chép lại như sau :
    "(Trịnh) Khải là con do Dương Thị, một trong những phi tần của Trịnh Sâm sinh ra. Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến năm 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế tử. Nhưng (Trịnh) Sâm cho rằng, (Trịnh) Khải (lúc đầu có tên là Tông) không phải do Chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm. (Trịnh Sâm) dùng viên hoạn quan là Nguyễn Phương Đĩnh làm Bảo phó cho (Trịnh) Khải. Mãi đến năm lên 9 tuổi, (Trịnh) Khải mới được đi học. (Trịnh Sâm) dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả Tư giảng và Hữu Tư giảng (để lo việc dạy dỗ cho Trịnh Khải). Chưa được bao lâu, (Lý) Trần Thản mất, Nguyễn Lệ thì ra trấn thủ Sơn Tây, cho nên, (Trịnh) Khải ở nhà với Nguyễn Phương Đĩnh, chỉ theo mùa theo tiết mà vào yết kiến ở phủ đường mà thôi.
    Hai viên quan trong cơ quan Ngự Sử Đài là Nguyễn Thưởng và Vũ Huy Đĩnh nhiều lần xin Trịnh Sâm lập Thế tử, nhưng họ đều bị giáng chức. Về sau, Đặng Thị Huệ là một thị nữ được (Trịnh Sâm) yêu chiều, sinh con trai là (Trịnh) Cán, Trịnh Sâm đặc biệt yêý hơn nên sách phong Đặng Thị (Huệ) làm Tuyên phi. Từ đó Đặng Thị (Huệ) ra sức xây dựng phe cánh ngày một mạnh. Ở ngoài , (phe cánh của Đặng Thị Huệ) lại có (Hoàng) Đình Bảo giúp sức, bởi vậy, (Đặng Thị Huệ) ngầm nuôi chí lập mưu cướp ngôi Thế tử cho con là (Trịnh) Cán. (Trịnh) Khải lấy đó là mối lo. Khi (Trịnh) Sâm bị bệnh, (Trịnh) Khải nhiều lần vào tẩm thất để chầu và thăm hỏi, nhưng thường bị quân canh cửa ngăn lại, không cho vào.
    Lúc ấy, ở ngoài phủ thường có tin đồn loan truyền rằng (Trịnh) Sâm bị bệnh rất nặng. (Trịnh) Khải bèn bàn mưu với gia thàn là Đàm Xuân Thụ và hai tên đầy tớ là Thế và Thẩm (cả hai đều chưa rõ họ) như sau :
    - Vương thượng mắc bệnh mà ta không được vào chầu. Vậy, nếu có biến cố tương tự như việc làm của tên Cao và tên Tư (chỉ hai đại thần của Tần Thuỷ Hoàng là Triệu Cao và Lý Tư đã phế truất ngôi Thái tử của Phù Tô để lập Hồ Hợi. Chuyện xảy ra khi Tần Thủy Hoàng đi tuần du ở Sa Khâu, bị bệnh mà mất - ND), thì ta phải toan tính như thế nào ?
    Bọn (Đàm) Xuân Thụ xin được bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu mộ binh sĩ để chờ. Nếu trong phủ đường có sự chẳng lành (ý nói Trịnh Sâm mất - ND), thì lập tức đóng cửa thành, bắt giết (Hoàng) Đình Bảo và bắt Đặng Thị Huệ rồi cấp báo cho quan lại ở hai Trấn (Sơn Tây và Kinh Bắc, nơi quan trấn thủ vốn kình địch với Hoàng Đình Bảo - ND) đem binh mã về hộ vệ, thì ngôi chúa mới có thể vững vàng (trong tay Trịnh Khải) được. (Trịnh) Khải cho lời bàn ấy là đúng, bèn lén đến nhà viên Nội thị là Chu Xuân Hán vay 1.000 lạng bạc để sắm sửa vũ khí và nuôi dũng sĩ. Bọn Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Lệ, từng làm (Tả) Tư giảng cho (Trịnh) Khải, Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân, con nuôi của (hoạn quan) Nguyễn Phương Đĩnh, vốn là chỗ thân tình (của Trịnh Khải) nay đều được mật báo cho biết để sẵn sàng ứng phó.
    Quan Đốc đồng Kinh Bắc là Ngô (Thì) Nhậm từng giữ việc ngày ngày giảng sách cho (Trịnh) Khải cũng rất được (Trịnh) Khải thân yêu. Tên đầy tớ, cũng là học trò của (Ngô Thì) Nhậm lúc này đang giữ sách cho (Trịnh) Khải là Hà Như Sơn biết được cơ mưu, bèn đem nói với (Ngô Thì) Nhậm.
    Bấy giờ có viên Cấp sự trung là Nguyễn Huy Bá, vốn tính ưa giảo hoạt, từng vì tội tham ô mà bị bãi chức. (Nguyễn Huy) Bá cho con dâu vào làm thị tì, hầu hạ Đặng Thị (Huệ), lại còn sai người thân tín vào cầu cạnh để làm môn hạ của Nguyễn Khắc Tuân (là kẻ đối nghịch với phe Đặng Thị Huệ - ND). Nhờ (kẻ thân tín làm môn hạ này mà Nguyễn Huy Bá) dò biết được cơ mưu, liền tố cáo ngay với Đặng Thị (Huệ). (Ngô Thì) Nhậm cũng muốn phụ họa với Đặng Thị (Huệ), bèn cùng với (Nguyễn) Huy Bá hợp mưu tố cáo rằng (Trịnh) Khải đã lén lút liên hệ với hai viên trấn thủ (Sơn Tây và Kinh Bắc) để làm chuyện phản nghịch. (Trịnh) Sâm giận lắm, cho triệu (Hoàng) Đình Bảo vào phủ để bàn về việc này. (Trịnh) Sâm muốn trị tội ngay, song (Hoàng) Đình Bảo can rằng :
    - Sở dĩ (Trịnh) Khải dám làm chuyện ghê gớm này, chung quy cùng vì có hai viên Trấn thủ Sơn Tây và Kinh Bắc chủ mưu. Nay,cả hai người này đang cầm quân ở ngoài, nếu vội vàng trị tội (bọn phản nghịch ở bên trong) thì sợ là sẽ có biến cố khác. Vậy chi bằng hãy triệu hết hai viên trấn thủ ấy về triều rồi sau này trị tội cũng không muộn.
    (Trịnh) Sâm cho lời ấy là phải, bèn hạ lệnh triệu hồi Trấn thủ Sơn Tây là Nguyên Lệ về kinh. (Nguyễn) Lệ về đến nơi, (Trịnh) Sâm an ủi có phần hơn trước. Mấy hôm sau, (Trịnh Sâm) bí mật bắt hết bè đảng của (Nguyễn) Lệ, đồng thời, cho triệu Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân về triều. (Nguyễn Khắc) Tuân vừa về, (Trịnh Sâm) sai bắt giam cùng với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh, sai (Ngô Thì) Nhậm cùng với viên hoạn quan là Phạm uy Thức tra khảo. Bấy giờ, (Ngô Thì) Nhậm vì cha mất, phải về chịu tang nên (chúa Trịnh) dùng Lê Quý Đôn để thay. Bọn (Đàm) Xuân Thụ, Thế và Thẩm đều nhận tội. (Trịnh) Sâm giáng (Trịnh) Khải xuống làm con út và bắt giam ở nội phủ. Bọn (Đàm) Xuân Thụ bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị tống giam vào ngục, còn (Nguyễn) Phương Đĩnh bị kết tội nuôi dưỡng Trịnh Khai không nên người, bị lột hết chức tước và đuổi về làng. (Nguyễn) Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc mà chết.
    Trịnh Khải bị phế, chỉ được ở ngôi nhà ba gian, ăn uống đi lại đều không được tự do, người người đều ái ngại, nhưng không ai dám nói. Bấy giờ, có viên Tri châu là Lê Vĩ, dâng thư nói rằng (Trịnh) Khải mắc oan, nhưng thư ấy cũng không được Trịnh Sâm ngó tới.
    Trước khi Ngô (Thì ) Nhậm tố cáo về cơ mưu của (Trịnh) Khải, có đem bàn với cha là Ngô (Thì) Sĩ. (Ngô Thì) Sĩ cố sức ngăn, từng lấy thân mạng để thề bồi với con nhưng vẫn không được (Ngô Thì) Nhậm nghe. Đến khi hay tin (Ngô Thì) Nhậm đã tố cáo thì (Ngô Thì) Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử. (Ngô Thì) Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công, nhưng thiên hạ lúc ấy lại có câu rằng Sát tứ phụ nhi Thị lang, nghĩa là giết bốn người cha mà làm Thị lang. (Bốn người cha ở đây gồm có : Ngô Thì Sĩ là cha ruột, Nguyễn Lệ, Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Phương Đĩnh là bạn của cha, cũng kể như cha. Lại cũng có người nói Ngô Thì Sĩ là thân phụ, Trịnh Khải là quân phụ. Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán là phụ chấp - ND).
    Lời bàn : Thời loạn, mọi sự đều có thể xảy ra, dẫu vậy, nhân lúc cha ốm nặng mà mưu toan giành quyền, việc làm của Trịnh Khải thật đáng để ngàn đời chê trách. Giá thử cơ mưu có thành đi chăng nữa chúa mà Trịnh Khải giành được, nào có vẻ vang tốt đẹp gì đâu. Trịnh Khải và đồng bọn tham cái lợi trước mắt, có biết đâu đã tự chuốc lấy mối hại lâu dài, nhắm mắt xuôi tay rồi vẫn không sao hết nhục.
    Hẳn nhiên là phủ chúa lúc ấy có quá lắm những kẻ cơ hội và hiểm độc, nhưng nhân vì có lắm kẻ hiểm độc mà góp thêm sự hiểm độc, phỏng có nên chăng ?
    Một loạt người chết, âm phủ thêm những hồn ma tráo trở, một loạt người được thăng thưởng, dương thế thêm bao sự trớ trêu. Câu Sát tứ phụ nhi Thị lang sở dĩ được thiên hạ loan truyền, bởi vì đó là sự thật chăng ? Hẳn nhiên là không phải vậy, nhưng sinh linh khốn khổ thời ấy còn biết tin ai bây giờ ?
    Thương thay !

  18. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  19. #50
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 52: 49 - CHUYỆN TRỊNH CÁN ĐƯỢC LẬP LÀM THẾ TỬ

    Tháng 9 năm Canh Tí (1780), chúa Trịnh Sâm bắt Trịnh Khải phải xuống làm con út, lại còn bắt giam vào nội phủ, tình cảnh rất là khốn khổ. Hơn một năm sau, tháng 10 năm Tân Sửu (1781), Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán mới được năm tuổi (tính theo tuổi ta) làm Thế tử. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 24) chép lại như sau :
    "(Trịnh) Cán mắc bệnh từ khi còn phải bế ẵm, tay chân thân thể ốm yếu, bao nhiêu thuốc thang chữa trị vẫn không khỏi. Thế mà kể từ khi (Trịnh) Khải bị tội, bỗng dưng bệnh tình của (Trịnh) Cán ngày một giảm dần, coi bói thấy mọi sự đều thuận, (Trịnh) Sâm lấy làm vui vẻ lắm. Bầy tôi trong kinh ngoài trấn cùng chúc mừng và khuyên (Trịnh) Sâm nên sớm lập người nối nghiệp, cốt mau thống nhất nhân tâm. (Trịnh) Sâm nghe theo. Mẹ của (Trịnh) Sâm là Thứ phi Nguyễn Thị nói với (Trịnh) Sâm rằng :
    - Khải với Cán đều là cháu nội của già này, nhưng già này nghĩ rằng Khải đã trưởng thành mà Cán thì còn quá nhỏ, lại đau yếu luôn, già này chỉ mong vương thượng coi trọng tôn miếu xã tắc, hãy tạm để khuyết ngôi kế tự, chờ xem Khải có tự răn mình mà sửa lỗi hay không, nhược bằng không thì hãy đợi đến khi Cán đã lớn cùng chẳng có gì là muộn.
    Trịnh Sâm nói :
    - Việc lớn của nước nhà cốt sao tìm được người xứng đáng để phó thác. Nếu như bệnh tình của Cán không khỏi thì thà là lập (Trịnh) Bồng trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác (Trịnh Bồng là con Trịnh Giang, còn Trịnh Doanh là em Trịnh Giang. Năm 1740, Trịnh Doanh tự lập làm chúa rồi sau truyền ngôi cho con là Trịnh Sâm. Như vậy, Trịnh Bồng là anh con bác của Trịnh Sâm - ND), chứ không thể phó thác cho đứa con bất hiếu được.
    Thái phi nghe vậy thì không nói thêm gì nữa. (Trịnh) Sâm tâu Vua xin lập (Trịnh) Cán làm Thế tử. Lúc ấy (Trịnh) Cán mới 5 tuổi. (Trịnh) Sâm dùng Huy Quận công Hoàng Đình Bảo làm A phó (cho Thế tử Trịnh Cán) để lộ nuôi dưỡng và giúp đỡ (Trịnh) Cán. Bấy giờ, (Trịnh) Sâm mắc bệnh trĩ, phải ở trong nhà kín chớ không ra ngoài. Đặng Thị (Huệ) ở trong cung sắp đặt mọi việc, bè đảng cùng giữ trọng trách, trong khi đó, (Trịnh) Cán lại còn quá thơ ấu nên ai cũng lấy làm lo."
    Lời bàn : Bề ngoài, có vẻ như Trịnh Sâm thuận theo lời tâu xin của quần thần, sớm định ngôi Thế tử để yên lòng người, nhưng thực ra, những quần thần kia chẳng qua chỉ là tay chân của Đặng Thị Huệ, rốt cuộc, Trịnh Sâm chỉ là con rối, bị lòng tham của những kẻ tầm thường giật dây đó thôi. Kẻ vô đạo thường hay nói lời nhân nghĩa, như lời Trịnh Sâm trả lời Thái phi Nguyễn Thị, kể cũng là lời nhân nghĩa đó thôi, có điều, trên thì coi khinh nhà vua và bất kính với mẹ, dưới thì rẻ rúng quần thần. Trịnh Sâm quả là kẻ vô đạo nổi bật trong số những kẻ vô đạo vậy.
    Những người quyết chí tôn lập Trịnh Cán đều không phải vì ngôi vị của Trịnh Cán mà là vì... chính họ. Đặng Thị Huệ thì vì ngôi Thái phi của mình, Hoàng Đình Bảo thì vì quyền khuynh loát bá quan của ông, những người khác thì vì tham vọng thăng quan tiến chức kiểu ngang tắt của họ, đến như Trịnh Sâm mà quyết chí lập Trịnh Cán cũng chỉ vì nặng lòng cưng chiều Đặng Thị Huệ đó thôi.
    Bao kẻ trong phủ chúa có chung một cái cớ tệ hạị để vụ lợi, thế nhưng lại chẳng có chung nổi một chút lòng xót thương đến xã tắc, khiếp thay !

  20. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 5/6 ĐầuĐầu ... 3 4 5 6 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình