+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 56

Chủ đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 7

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 13: 10 - VÌ SAO LÊ DUY PHƯỜNG ĐƯỢC THAY ANH LÀM THÁI TỬ?

    Tháng bảy năm Đinh Mùi (1727), Trịnh Cương đã lập con thứ của vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729) là Lê Duy Phường làm Thái tử. Việc này đã khiến cho triều thần xôn xao, bởi lẽ trước đó hơn mười năm, con trưởng của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường đã được lập làm Thái tử, mà trong suốt thời gian làm Thái tử, Lê Duy Tường không phạm lỗi lầm gì đáng kể. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 36, tờ 32) đã chép lại sự kiện này, kèm theo Lời cẩn án viết rất nghiêm khắc như sau :
    "Đầu tiên, con trưởng của nhà vua là (Lê) Duy Tường (lúc này đã 28 tuổi), được phép ra ở Đông Cung đã hơn mười năm (ở Đông cung cũng tức là ở ngôi Thái tử - ND). Sau đó, có một người em (cùng cha khác mẹ của Lê Duy Tường) là Duy Phường, do bà Trịnh Thị sinh ra, đến đây đã được 19 tuổi. Trịnh Cương có ý định phế người này lập người kia, nhưng lại khó bề kiếm cớ. (Trịnh) Cương bèn cùng bọn Tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn luận việc ban cấp tước hiệu cho hoàng thân một cách rõ ràng hơn, nhân đó, trao cho (Lê) Duy Tường tước Quận công, hàm tứ phẩm và lập (Lê) Duy Phường làm Thái tử.
    Lời cẩn án : Con trưởng của Dụ Tông là Duy Tường, ra ở ngôi Đông cung đã hơn mười năm, danh vị Thái tử đã định, thì nước là nước của Thái tử (Lê) Duy Tường, hà cớ gì Trịnh Cương được phép phế Duy Tường mà lập Duy Phường ? Việc này, sử cũ chép rằng, Duy Phường do Chính cung sinh ra, mà Chính cung là con gái của chúa Trịnh, như thế thì chẳng qua là chúa Trịnh chỉ muốn lập con của con gái mình, trước là để cho con gái được quý hiển, sau là mượn danh vị con cháu để thỏa lòng riêng của mình đó thôi.
    Bởi chuyên quyền và manh tâm làm chuyện phế lập, Trịnh Cương mới bày trò quanh co, cho quan bàn và phong quan ban tước. Về sau, chẳng bao lâu nữa thì Trịnh Cương ép vua truyền ngôi cho Duy Phường, bề ngoài thì giả thác truyền ngôi nhưng bề trong là cướp ngôi cho cháu ngoại. Trịnh Cương coi việc đặt ngôi vua như thể đánh cờ, bọn bề tôi cũng phụ họa cho hắn, thế mà người viết sử cũng quanh co, có ý che tội cho hắn. Ôi, lòng người đắm đuối khiến cho nghĩa lớn bị diệt vong, cùng cực đến là quá quắt, đáng than thở biết là bao !
    Lời bàn : Trịnh Cương đã làm một việc mà được ba điều lợi. Một là khẳng định cho thiên hạ biết, cả đến ngôi vua cũng do mình sắp đặt, cho ai người đó hưởng mà thôi. Vua mà còn như vậy, quan lại chớ có dại dột mà làm điều trái ý Chúa. Hai là thay Thái tử 28 tuổi (cũng đáng gọi là đã đến lúc khó bảo) bằng một Thái tử mới 19 tuổi (cũng đáng gọi là dễ khiến hơn), ngôi vị của Chúa nhờ vậy mà đã chắc lại càng thêm chắc. Ba là đúng như Lời cẩn án đã nói, Trịnh Cương làm chúa, con gái Trịnh Cương làm Thái hậu, cháu ngoại Trịnh Cương làm vua, danh nghĩa thì giang sơn này không phải của Trịnh Cương mà thực là của Trịnh Cương rồi đó vậy. Ba điều ấy, đủ để gây khiếp vía cho cả một thời, bút lông của sử quan thì mềm, thân sử quan thì yếu ớt... bảo không viết vòng vo làm sao được ? Lạ thay chư vị viết Lời cẩn án, sử quan mà chẳng chịu hiểu để rồi thông cảm cho sử quan, bảo thiên hạ hiểu và thông cảm cho sử quan làm sao được ? Xin mượn mấy chữ của chư vị : đáng than thở biết ngần nào để chép vào đây, hồn chư vị nếu có linh thiêng, hiện về và vặn hỏi, thì kẻ hậu học này cũng chỉ xin khoanh tay im lặng, chư vị muốn hiểu ra sao cũng cứ mặc lòng.
    Vì sao Lê Duy Phường được thay anh làm Thái tử ? Thuở ấy, nếu có ai đó tò mò, xin đến yết kiến rồi hỏi Lê Duy Phường điều này, chắc Lê Duy Phường cũng chỉ nở nụ cười bí ẩn. Còn như ngày nay, ai mà còn hỏi câu này thì thật là ngây thơ. Trớ trêu thay, trong Hán tự, chữ chúa nghĩa là chúa lại cao hơn hẳn chữ vương nghĩa là vua... một cái dấu chấm ở trên đầu ! Cái đầu của chúa đã quyết là vậy thì sự thể tất nhiên phải là vậy, hỏi mà làm chi ?

  2. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 14: 11 - TRỊNH CƯƠNG VỚI VIỆC KIẾN THIẾT PHỦ ĐỆ MỚI Ở XÃ CỔ BI

    Từ thời Lê Trung Hưng trở về sau, trong kinh thành Thăng Long, bên cạnh cung vua còn có thêm phủ chúa. Phủ chúa cũng nguy nga không kém gì cung vua, và đặc biệt, chính phới là nơi quyết định mọi việc lớn của nước nhà. Khi đã thâu tóm hết mọi quyền hành trong tay, các chúa Trịnh cũng lao vào con đường ăn chơi sa đọa. Mở đầu cho quá trình sụp đổ thảm hại về nhân cách của các chúa Trịnh là Trịnh Cương (1709 - 1729). Ngoài phủ chúa trong kinh thành, Trịnh Cương còn cho xây cất thêm phủ đệ mới ở xã Cổ Bi là một xã ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Việc xây cất này đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 36, tờ 34) ghi chép lại như sau :
    "Tháng 11 (năm Đinh Mùi, 1727 - ND) Trịnh Cương tự ý xây cất phủ đệ mới ở xã Cổ Bi. Về già, đi tuần du chẳng còn chừng mực gì nữa, bởi vậy, đã nhiều lần bọn hoạn quan chia đi các xứ để sửa chữa chùa chiền, phòng khi du ngoạn, chẳng hạn như sửa chùa Độc Tôn, chừa Tây Thiên... v.v. Cổ Bi là một nơi nổi danh cả vùng Kinh Bắc, nằm tiếp giáp với xã Như Kinh, mà Như Kinh là quê hương của bà Trương Thái Phi (mẹ đẻ của Trịnh Cương) nên (Trịnh) Cương thường hay tuần du đến xã này.
    (Trịnh) Cương bị mê hoặc bởi thuyết phong thủy, có ý muốn dời phủ đệ đến đây, mà bề tôi của hắn thì lắm kẻ a dua, phụ họa thêm vào. Hắn sai xây cất phủ đệ mới, công việc làm một tháng thì xong, đặt cho tên gọi là phủ Kim Thành. Nhân vì việc này, bọn (nịnh hót) là Tư đồ Trịnh Quán và Thiếu phó Nguyễn Công Hãng... được thăng chức thưởng tước, cao thấp có thứ bậc khác nhau".
    Lời bàn : Cái nhà thế mà tệ. Gay gắt như nắng, dữ dội như mưa, ào ào như gió... tất tất đều có thể che được, thế mà chút nhân cách của con người trong nhà, dẫu đã bọc bằng da, dẫu đã che bằng thịt, dẫu đã sơn phết kĩ bằng ngôn từ... vẫn cứ phơi ra mồn mộ,. thiên hạ có thể nhìn nó bằng tai, nghe nó bằng mắt, gần xa đều được tỏ tư̖. khiếp thay ! Trịnh Cương ở phủ đệ Thăng Long, người đương thời dẫu chưa một lần bước tới, lớp hậu sinh dẫu ở xa vời vợi, vẫn thấy rõ tâm địa của Chúa ở phía sau sự thâm nghiêm của thành quách đó thôi.
    Xây thêm phủ đệ mới ở Cổ Bi, việc làm này của Trịnh Cương chẳng chứng tỏ được điều gì tốt đẹp mà chỉ phơi bày sự xa xỉ, hoang phí của cải vốn là mồ hôi và nước mắt của dân đương thời. Sử không chép lời nào của Trương Thái Phi, ắt bởi vì bà cùng chẳng có ý gì khác. Ôi, mẹ nào con đó, có gì lạ đâu !
    Quan Đại Tư đồ Trịnh Quán kể cũng khá thông minh trong sự nịnh Chúa, nhưng chừng như là hơi chậm hiểu về thân phận của chính mình. Trịnh Cương chỉ ban chức mà không cho quyền, đã thế bao nhiêu binh quyền của Trịnh Quán trước đây đều bị chúa Trịnh Cương tước đoạt hết, cho nên, thăng thưởng chức tước ở đây chẳng qua chỉ là tặng cho cái bánh vẽ mà thôi, báu bở gì đâu ?
    Chúa lo sửa chùa không phải để tỏ lòng mộ Phật mà là để có nơi du hí. Ôi, mô Phật ! thời loạn đến Phật cũng chẳng được yên

  4. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 15: 12 - NGUYỄN CÔNG THÁI VỚI VIỆC THU HỒI ĐẤT TỤ LONG

    Xã Tụ Long thời Lê thuộc châu Vị Xuyên, thời Nguyễn thuộc huyện Vĩnh Tuy, tỉnh Tuyên Quang. Ở xã Tụ Long có núi Tụ Long, núi này có mỏng và mỏ bạc. Đồng của Tụ Long là đồng tốt, dân gian thuở xưa vẫn thường nói : "Tốt như đồng Tụ". Tuy nhiên, đất Tụ Long và vùng phụ cận bị nhà Mãn Thanh lấn chiếm một thời gian khá dài. Mãi đến năm Mậu Thân (1728), đất này mới được nhà Thanh trả về cho ta. Người có công lớn trong việc đòi lại được đất này là Nguyễn Công Thái. Nguyễn Công Thái người xà Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Cương (1709 - 1729) và Trịnh Giang (1729 - 1740). Năm 1728, Nguyễn Công Thái được chúa Trịnh Cương cử đi đòi lại đất Tụ Long. Và, Nguyễn Công Thái đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng này. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 3, 4 và 5) chép như sau :
    "Trước đây, ta và nhà Thanh cùng lập cột mốc biên giới ở Biên Xưởng. Núi Tụ Long của ta vẫn bị nhà Thanh chiếm mất. Thổ quan của nhà Thanh đã đặt trạm để thu thuế ở đó. Đất biên cương của ta bị mất đến bốn chục dặm, triều đình ta nhiều lần gởi văn thư biện bạch chuyện này. Vua Thanh một mặt thì dụ bảo quan địa phương (của nhà Thanh) bàn bạc với ta về chuyện này, nhưng mặt khác lại ra lệnh cho quan Tổng đốc Vân Nam và Quý Châu là Ngạc Nhĩ Thái đi khám xét lại. (Ngạc) Nhĩ Thái nghe lời viên quan của nhà Thanh được phái đến trước đó là Phan Doãn Mẫn, nên tâu về triều đình nhà Thanh là ta chiếm của nhà Thanh đất đai phủ Khai Hóa (thuộc Vân Nam, Trung Quốc - ND) mà không chịu giao trả lại. Vua nhà Thanh hạ sắc dụ, bảo ta phải trả. (Ngạc) Nhĩ Thái cho chạy trạm, đưa thư đến địa đầu biên giới nước ta ở Tuyên Quang, nhưng thổ mục đất này của ta là Hoàng Văn Phác (cũng có sách chép là Hoàng Văn Lâu) bác bỏ chứ không chịu nhận thư. Chuyện tranh biện này kéo dài mãi đến năm sáu ngày. (Ngạc) Nhĩ Thái ngờ rằng ta có ý gì khác, bèn thông báo cho quan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc - ND) chia quân phòng giữ biên giới. Hắn cũng tâu việc này về triều, xin điều động binh mã ba tỉnh để phòng bị biên giới nhưng vua nhà Thanh không đồng ý, đã thế, còn lập tức sai bọn Tả Đô ngự sử là Hàng Dịch Lộc, Nội các Học sĩ là Nhậm Lan Chi, đi thẳng sang nước ta để ban bố tờ chiếu hiểu dụ, đồng thời, xem xét động tĩnh ra sao.
    Bọn (Hàng) Dịch Lộc sắp sửa lên đường, đi đến nước ta thì đúng ngay lúc ấy, quốc thư của nước ta chuyển đạt từ trước cũng vừa đến Yên Kinh. Thư ấy giải bày lòng thành thờ nước lớn và sợ mệnh trời. Vua Thanh xem, lấy làm hài lòng và rất khen ngợi, bèn lập tức, sai viết văn thư khác, giao cho (Hàng) Dịch Lộc sang nước ta, tuyên bố lời dụ bảo. Văn thư này nói đã tra xét được đất có xưởng đồng, rộng 40 dặm, nay trao trả lại cho ta.
    Bấy giờ, khắp biên cương phía Bắc đều cảnh giới nghiêm ngặt, do đó trong nước ta, kinh sư cũng như ngoài trấn, không ít kẻ nghi ngờ, sợ hãi. Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng không có gì hấn khích, lẽ đâu lại sinh sự, bèn nghiêm lệnh cho các quan ở biên giới phải bình tĩnh, không được làm điều gì càn quấy. Quả nhiên, đến tháng 6 thì (Hàng) Dịch Lộc tới kinh đô, trao trả đất cho ta, cho lập lại cột mốc biên giới ở sông Đổ Chú. Về nghi lễ tiếp nhận văn thư của vua Thanh, bọn (Hàng) Dịch Lộc yêu cầu làm theo lệ Tam quy cửu khấu (ba lần quỳ, chín lần vái), triều đình ta cũng miễn cưỡng mà nghe theo.
    Sau, triều đình sai quan Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận, quan Tế tửu là Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang để nhận đất và lập cột mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa (của Trung Quốc) muốn ăn chặn bớt các sách ở Bảo Sơn (gần với Tụ Long - ND) nên chỉ sai vị trí của Sông Đổ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền bất kể lam chướng hiểm trở, xông đi tìm cho bằng được sông Đổ Chú. Ông đã đi qua nhiều xưởng bạc, xưởng đồng rồi mới nhận ra được đúng nơi cần dựng cột mốc biên giới. Từ đấy, biên cương mới được ấn định rõ rà
    Lời bàn : Chép xong đoạn sử này, các tác giả của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã dành cho Nguyễn Công Thái một lời phê gọn gàng mà cũng
    rất đầy đủ : "Đạo của người làm bề tôi là phải như thế".
    Thêm bốn chục dặm đất, Trung Quốc chẳng nhờ vậy mà lớn hơn và mạnh hơn, mất bốn chục dặm đất, nước ta cũng chẳng vì thế mà nhỏ đi và yếu đi, nhưng, giang sơn là giang sơn của muôn đời tổ tiên để lại, tấc nào cũng là tấc lòng thiêng liêng, tham mà chiếm hay coi thường mà bỏ, tất cả đều là tội không thể dung tha.
    Tế tửu chỉ là chức quan nhỏ, nhưng việc làm của quan Tế tửu Nguyễn Công Thái chẳng thể nói là nhỏ được. Mánh lới của bọn thổ ti Khai Hóa không thể che nổi mắt ông, lam chướng của núi rừng cũng chẳng thể cản nổi bước chân ông. Mãi mãi còn đó tư thế hiên ngang của ông nơi biên thùy, ngửa trông không thẹn với trời, cúi nhìn không xấu hổ với đất, kính thay !

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 16: 13 - VÌ SAO BÙI SĨ TIÊM BỊ MẤT CHỨC?

    Bùi Sĩ Tiêm người xã Kinh Lũ, huyện Đông Quan, đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Cương (l709 - 1729) và Trịnh Giang (1729 - 1740). Dướời chúa Trịnh Giang, Bùi Sĩ Tiêm được làm tới Thái thường Tự khanh. Nhưng, hoạn lộ của ông đến đó là dứt. Tháng 6 năm Tân Hợi (1731), Bùi Sĩ Tiêm bị lột hết chức tước rồi bị đuổi về quê. Sự kiện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục
    (Chính biên, quyển 37, tờ 18) chép lại như sau :
    "Vì có tai biến là nhật thực, chúa Trịnh Giang hạ lệnh cho bầy tôi được bày tỏ những điều thiết thực và cần thiết nhất. (Bùi) Sĩ Tiêm trình bày 10 điều, trong đó, điều đầu tiên nói về việc truyền ngôi vua, lời lẽ rất thống thiết và sâu sắc. Đại lược như sau : Từ khi nước nhà được trung hưng đến nay, trong khoảng hai trăm năm, các đời chúa trước đều tôn phò vua. Sở dĩ có thể làm cho anh hùng hào kiệt vui vẻ đến giúp mà thống trị được đất đai khắp nước, ấy là nhờ ở truyền thống trung nghĩa, khiến cho gốc rễ được vững vàng, không sao lay chuyển nổi. Nhà vua và nhà chúa không khác gì bánh xe với thân xe, luôn nương dựa vào nhau, như cột nhà và kèo nhà cùng nhau chống đỡ, một lòng một dạ giúp nhau, không hề dửng dưng bỏ mặc kẻ béo người gầy như cách người Tần xử với người Việt được.
    Gần đây, việc truyền hoặc nhường ngôi báu, tuy có noi theo phép cổ, nhưng không rõ có đúng là vì Tiên đế mỏi mệt mà phó thác thật hay không. Tôi thường thấy khi trị vì, khí sắc của Tiên đế hoặc bực tức, hoặc bất bình, lộ ra cả trong câu văn, lời nói. Những điều ấy, lẽ đâu che mắt thần dân trong nước mãi được. Vì thế, từ đầu mùa hè năm Kỉ Dậu (tức năm 1729, năm Trịnh Cương là cha của Trịnh Giang, ép vua Lê Dụ Tông truyền ngôi cho Lê Đế Duy Phường - ND) đến nay, trời lắm thiên tai, đất nhiều biến động, nào nước lũ, nào hạn hán, lúc nào cũng có điềm xấu và dữ. Có lẽ anh linh trời đất và tổ tông răn bảo một cách rõ ràng đấy.
    ôi cúi xin Vương thượng nghĩ đến công lao cũ của Tiên vương vun đắp, nối chí cũ của Tiên vương tôn phò, gặp việc gì phải thì quả quyết thi hành, chớ mê muội bởi lời tiểu nhân bảo thủ và nghi kị, hãy vì việc nghĩa mà mạnh dạn, đừng câu nệ vào lời "ba năm không thay đổi việc làm của cha" (lời của Khổng Tử, ý nói : sau khi cha mất, trong ba năm mà không thay đổi việc làm của cha, đó mới là người con có hiếu - ND). Khi làm việc lớn, cần phải tỏ rõ được quyền uy, đã chấn chỉnh đạo thường thì muôn đời cùng khó đổi, phải sớm chặn cho được ngọn sóng đang chực làm vỡ đê, quyền năng có thể kéo được mặt trời khi sắp lặn. Tóm lại, phải dốc lòng thờ vua, làm sao cho tiêu tan hết mọi tai biến.
    (Bùi) Sĩ Tiêm lại còn nói tiếp : Văn chương là thứ để thu hút sĩ phu và để tô điểm cho nước nhà. Văn chương triều ta, bắt đầu chấn chỉnh từ thời Thiệu Bình (niên hiệu của vua Lê Thái Tông, dùng từ năm 1434 đến năm 1439 - ND), trở nên đầy đủ từ đời Hồng Đức (niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, dùng từ năm 1460 đến năm 1497 - ND). Ở khoảng giữa từ đó đến nay, một lần thay đổi mà hóa ra văn chương rập theo sách cũ, lại một lần thay đổi nữa mà ra lối văn tầm chương trích cú. Đã thế, còn coi khinh các sách của thánh nhân, cho là dấu vết cũ rích, xem sử cũ là cỏ rác rơi vãi, khiến cho sĩ tử một thời bỏ hết kinh truyện mà đọc sách ngoài để cầu được đỗ cao, những lời của họ bàn về thời thế lúc nguy nan thì không một câu nào có thể dùng được cả.
    Tôi cúi xin Vương thượng dốc lòng tôn sùng đạo học chính thống, chấn hưng cho được phong thái của nhà nho, phàm những tập văn do hậu nho viết ra như Ngốc trai (tức Ngốc trai thập khoa sách lược do Lưu Định Chi, người Trung Quốc đời Minh soạn ra- ND), Đề cương (sách do Chúc Nghiêu, người Trung Quốc đời Nguyên soạn ra - ND) và Trường sách (tức Tứ đạo trường sách của Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ tác giả là ai - ND)... nhất thiết phải cấm chỉ. đầu bài thi các kì văn sách, nên bỏ bớt điều mục mà nói các điều cốt yếu, văn cổ thì chỉ nên hỏi đại lược để biết sức học của học trò, văn mới thì hỏi những việc về chính trị, cốt để xét sức sáng tạo của sĩ tử. Tóm lại, phải chấn chỉnh phép văn chương để chọn hiền tài cho xứng.
    Ngoài ra, còn những tám điều nữa, (Bùi) Sĩ Tiêm đều mạnh mẽ chỉ trích những thói tệ đương thời, vì thế, bọn quyền quý trong triều ghét bỏ ông. Khi thư này dâng vào phủ, Trịnh Giang giận lắm, bèn tước hết chức quan của (Bùi) Sĩ Tiêm và đuổi ông về quê.
    (Bùi) Sĩ Tiêm là người khảng khái, biết trọng nghĩa khí, hay nói thẳng, vì việc nói mười điều có xúc phạm đến những chuyện cấm kị nên bị tước hết chức quan. Ông về nhà một thời gian lâu thì mất. Đầu đời Cảnh Hưng (niên hiệu của vua Lê Hiển Tông, dùng từ năm 1740 đến năm 1786 - ND), triều đình nghĩ (Bùi) Sĩ Tiêm là người cương trực, liền truy tặng hàm Tham chính, tước Trung Tiết Hầu, cấp cho ruộng thờ để biểu dương".
    Lời bàn : Nhân có tai dị, Chúa cho quan được bộc bạch đôi lời, kẻ tinh ý phải hiểu rằng, ấy là Chúa muốn nghe những câu êm ái, cốt sao xoa dịu mọi nỗi bận tâm. Bùi Si Tiêm cương trực thì có thừa mà khôn ngoan thì chưa đủ. Chúa đang lo sợ vì thiên tai, lại còn bắt Chúa nghe thêm lời sấm sét này nữa, bảo Chúa không nổi giận làm sao được ? Chúa có phải là người sinh ra để nghe lời chỉ trích đâu ? Nên chăng, hãy nói thế này : thời loạn, phàm là kẻ muốn làm quan thì chớ làm người trung trực, và phàm là kẻ trung trực thì chớ có làm quan. Như Bùi Sĩ Tiêm, bị lột hết chức quan là còn may, chớ bị lột cả dễ thịt thì... !
    Triều thần đầu đời Lê Cảnh Hưng truy tặng chức tước, lại còn cấp cả ruộng thờ ấ cũng là khôn ngoan. Cũng là kẻ sĩ, dẫu không nhiều thì trong bản thân họ, lẽ đâu lại chẳng có chút khí khái, cho nên, truy ban cho người cương trực, âu cũng là khéo léo tạo ra bức bình phong che chở cho mình, ẻo lả đấy, nhưng có còn hơn không. Vả chăng, như thế thì mình cũng là người có tiếng thẳng thắn !
    Chí lí thay !

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 17: 14 - THƯƠNG THAY, TRẦN ĐẠI ĐỊNH !

    Trần Đại Định là một trong những vị tướng quân giàu tài năng của xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) và chúa Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738). Năm 1732, vì có việc phải dụng binh ở phía Nam, chúa Nguyễn Phúc Chú sai một loạt tướng lĩnh cầm quân ra trận, tất cả đặt dưới quyền của viên Thống soái là Trương Phúc Vĩnh. Trong số các vị tướng này, có Trần Đại Định. Sử không chép rõ chức trách của Trần Đại Định trong đạo quân Nam chinh này, chỉ biết rằng, tiếng nói của ông có ý nghĩa rất lớn đối với các tướng lĩnh trong bộ chỉ huy.
    Quân đội của chúa Nguyễn vào Nam một thời gian khá lâu nhưng chưa thu được kết quả gì đáng kể, đã thế lại còn bị thiệt hại khá nặng nề. Điều này khiến chúa Nguyễn Phúc Chú rất tức giận nên đã gởi thư vào Nam để trách cứ, lời lẽ rất gay gắt. Và, Thống soái Trương Phúc Vĩnh đã lập tức cứu nguy bằng cách đổ hết mọi tội lỗi cho tướng quân Trần Đại Định Nam thục lục (Tiền biên, quyển 9) cho biết :
    "Trương Phúc Vĩnh bí mật gởi tờ biểu về, tâu trình lí do tại sao quân không tiến được, và đổ hết mọi sự cho (Trần) Đại Định. Cùng đúng lúc ấy, (Trần) Đại Định vừa đem quân về, biết rõ cơ sự, muốn kêu oan, bèn nhân đêm tối, vượt biển về Bút Sơn (ở Quãng Ngãi). Có người em họ (của Trần Đại Định) là Thạnh can Trần Đại Định rằng :
    - (Trương) Phúc Vĩnh là người có thần thế lớn, không thể tranh cãi đúng sai với hắn được, tốt nhất là hãy bỏ trốn.
    Trần Đại Định nói :
    - Cả gia đình ta, cha con cùng được hưởng ân huệ lớn của nhà nước, nay lẽ đâu chỉ vì cớ quan Thống soái nói sai sự thật mà bỏ đi, chịu mang tiếng xấu, vừa là kẻ bất trung, lại cũng vừa la kẻ bất hiếu ?
    Thạnh cố can mãi (nhưng không được) bèn tự ý quay thuyền cho chạy thẳng ra phía biển Đông. (Trần) Đại Định biết, liền tuốt gươm chém chết Thạnh rồi cho thuyền chạy về cửa biển Đà Nẵng. Xong, (Trần) Đại Định làm tờ biểu trần tình mọi lẽ, nhờ quan ở dinh Quảng Nam dâng lên. Bấy giờ, các quan bàn là nên trị tội ngay, nhưng Chúa chưa nỡ, bèn sai tạm giam Trần Đại Định ở Quảng Nam rồi cho quan vào tận Gia Định để xét hỏi cẩn thận. Trương Phúc Vĩnh và bọn tay chân cố tình thêu dệt và đổ hết tội lỗi cho Trần Đại Định, chỉ có một mình tướng Nguyễn Cửu Triêm cố cãi cho rằng (Trần Đại Định) bị hàm oan. Khi án đã xong và dâng lên Chúa thì Trần Đại Định đã chết trong ngục vì bệnh. Chúa rất thương xót, truy tặng Trần Đại Định chức Đô đốc Đồng tri, ban cho tên thụy là Tương Mẫn. Riêng Trương Phúc Vĩnh, vì tội vu cáo này mà bị giáng làm Cai đội.
    Lời bàn : Có chuyện ngụ ngôn kể rằng, các loài thú trong rừng họp nhau lại để bầu chúa sơn lâm. Bốn loài cùng được đề cử là voi, sư tử, gấu và cọp. Theo luật rừng, loài nào được nhiều loài sợ hãi nhất thì hiển nhiên sẽ được làm chúa. Chim họa mi được giao nhiệm vụ bay đi khắp rừng để thu thập ý kiến trước khi bầu. Tất cả chim chóc, muông thú đều khiếp sợ cả bốn loài nói trên, duy chỉ có loài khỉ thì nhe răng cười và nói :
    - Tôi chỉ sợ tôi, ngoài ra chẳng sợ ai hết !
    Họa mi nghe vậy, hoảng đến đứt cả tiếng, chỉ còn biết trố mắt ra mà nhìn. Khỉ biết ý, liền nói :
    - Ta chỉ sợ ta sơ ý để rồi mang vạ, thậm chí là thiệt mạng. Nếu ta mà cẩn trọng, thì dẫu cả bốn loài dữ tợn và to lớn kia cùng được làm chúa sơn lâm, rồi cùng hợp sức lại để bắt ta mà trị, ta cũng chẳng sợ gì.
    Ôi, luật rừng thế mà chưa hẳn đã là quá tệ. Đúng như loài khỉ nói, chỉ cần biết cẩn trọng giữ thân là đủ. Nhưng, với con người của thời điên đảo, không ai dám nói là mình đủ khả năng để cẩn trọng giữ tấm thân.
    Binh hùng tướng mạnh của đối phương chưa hẳn đã nguy hiểm bằng những lời xúc xiểm và bịa đặt trắng trợn của đồng liêu. Cái lưỡi lắt léo của những kẻ tâm địa tráo trở thật đáng sợ lắm thay. Đã có người khuyên rằng, hãy luôn cảnh giác với mọi người quanh ta, bất kể đó là ai, song, nghĩ cho kĩ thì... hỡi loài người quang vinh, chớ có làm như vậy. Dưới vầng nhật nguyệt, có gì rẻ rúng bằng sự thường xuyên nghi kị lẫn nhau ? Đấng cao xanh sẽ nghiêm cẩn chứng giám cho lòng thành của mỗi chúng ta. Xin hãy tin như vậy.
    Chém đầu em họ rồi quay thuyền cho trực chỉ ra Đà Nẵng, việc làm ấy của Trần Đại Định hẳn nhiên là chẳng hay, nhưng, từ sâu thẳm của cõi lòng, ông cũng chỉ muốn tận trung với nước, tận hiếu với cha, cho nên, nếu thiên hạ có thể tất cho ông thì đó cũng là điều dễ hiểu, và việc chúa Nguyễn Phúc Chú truy tặng chức cao, lại ban cho ông tên thụy tốt đẹp, cũng là lẽ thường. Thương thay, Trần Đại Định !

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 18: 15 - TÔ THẾ HUY BỊ VẠ LÂY

    Tháng 8 năm Nhâm Tí (1732), Trịnh Giang truất phế ngôi vua của Lê Đế Duy Phường (1729 - 1732). Sự kiện này đã khiến cho dư luận rất xôn xao, bởi thiên hạ đương thời không dám nghĩ rằng cha con Trịnh Cương và Trịnh Giang lại có thể liên tiếp làm những chuyện động trời như vậy.
    Trước đó, chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) đã ép vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729) phải nhường ngôi cho con để lên làm Thượng hoàng. Bấy giờ, con trưởng của Lê Dụ Tông là Lê Duy Tường tuy đã được lập làm Thái tử, nhưng Trịnh Cương không cho được kế vị mà lập em của Lê Duy Tường là Lê Duy Phường lên ngôi, đó là Lê Đế Duy Phường. Năm Lê Đế Duy Phường lên ngôi vua cũng là năm Trịnh Giang lên ngôi chúa. Nhưng, Lê Đế Duy Phường ở ngôi chưa dược bao lâu đã bị Trịnh Giang vu cho tội tư thông với vợ của Trịnh Nhân Vương (tức vợ của Trịnh Cương) rồi phế truất và giết chết. Sự kiện nàyách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 25) chép như sau :
    "Trước đây, (Trịnh) Giang từng muốn phế vua này, lập vua khác, cốt để ra oai với quần thần và thiên hạ, bèn mượn việc khác để vu cho Nhà vua rồi ép Nhà vua phải ra ngoài (không được ở trong cung nữa). Mọi thứ cung đốn cho Nhà vua đều bị xén bớt di, Thái hậu cũng bị phế làm Quận Quân. Đến đây, (Trịnh) Giang lại truất Nhà vua làm Hôn Đức Công rồi bắt dời đến ở một ngôi nhà phía ngoài thành.
    Khi ấy, (Trịnh) Giang bắt dẫn cả 12 người con của Dụ Tông vào phủ để xem mặt. Duy Tường là con trưởng, được lập làm vua. (Trịnh) Giang bèn sai quan hộ vệ, đưa Duy Tường đến cung Thọ Phúc. Ngày Bính Tí (tức ngày 22 tháng 8 năm 1732 - ND) làm lễ Thái Miếu và đến ngày Canh Thìn (tức ngày 26 tháng 8 năm 1732 - ND). Duy Tường lên ngôi vua (tức vua Lê Thuần Tông), đổi niên hiệu là Long Đức, đại xá thiên hạ".
    Việc truất phế và giết hại Lê Đế Duy Phường đã khiến cho một số quan lại bị vạ lây. Trong số nhưng người bị vạ lây ấy, có quan Tả thị lang bộ Lễ, người được cử đến làm việc ở toà Kinh Diên. Bấy giờ, triều đình cho rằng, TÔ Thế Huy, với tư cách là người được cử đến làm việc tại tòa Kinh Diên, lo việc giảng dụ cho Vua nhưng chỉ phụ họa Vua chớ không giúp đỡ Vua về mặt đạo đức. Tô Thế Huy bị biếm chức, về sau không rõ thế nào.
    Lời bàn : Ở đời, có người phạm tội vì chính họ gây ra tội, có người phạm tội chẳng qua vì bị ép buộc, phải ở vào thế chẳng đặng đừng, nhưng cũng có người phạm tội trong chỗ không ngờ, không sao hiểu nổi cái tội mà họ phạm là tội gì nữa. Như Tô Thế Huy, tội mà ông dã phạm là tội...? (Đáng phải hỏi trời, nhưng con trời mà còn bị chúa giết, ắt chỉ có hỏi chúa mới rõ thôi !).
    Tất nhiên, sử vẫn chép là Tô Thế Huy chỉ lo phụ họa vua chớ không lo việc giảng dụ cho vua. Song le, đến cả con vua mà chúa còn dám bắt dẫn hết vào để xem mặt, thì vài ba lí lẽ trái sự thường, chúa sợ gì mà chẳng dắt vào trong sù. Ô hay thời loạn, người ta có thể chứng minh cho bất cứ vấn đề gì cũng đúng, khiếp thay ! Sống vào thời ấy, Tô Thế Huy có bị vạ ấy thì chuyện ấy cũng dễ hiểu mà thôi.

  12. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  13. #17
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 19: 16 - ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI NGUYỄN CÔNG HÃNG

    Nguyễn Công Hãng (1680 - 1732) người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm 1700, làm quan trải thờ ba đời chúa là Trịnh Căn (1682 - 1709), Trịnh Cương (1709 - 1729) và Trịnh Giang (1729 - 1740), từng được phong tới chức Thượng thư, và dưới thời chúa Trịnh Cương, Nguyễn Công Hãng còn được cử làm Bảo phó cho Thế tử là Trịnh Giang. Sinh thời, Nguyễn Công Hãng là một nhà cải cách, có nhiều suy nghĩ rất táo bạo, nhưng cũng sinh thời, ông là người bị đồng liêu xa lánh mà lỗi này xem ra cũng có phần do ông gây ra. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 10), chép về đoạn kết đầy bi thảm của cuộc đời Nguyễn Công Hãng như sau :
    "Sau khi ở núi Phật Tích trở về (tháng 10 năm 1729 - ND) chúa Trịnh Cương lại đi Như Kinh (Gia Lâm, Hà Nội - ND), giữa đường, bị bệnh rồi mất ngay, kẻ tùy tùng phải bí mật đưa vế phủ chúa rồi mới phát ta
    (Trịnh) Cương chuyên quyền 20 năm, khi mất được tiếm truy là Nhân Vương (tiếm lạm việc truy phong. Đây chỉ việc Trịnh Cương không có miếu hiệu là Nhân Vương nhưng vẫn được con cháu họ Trịnh sau này lạm quyền để truy phong như vậy), lại còn được tiếm hiệu là Hy Tổ. Trịnh Giang là con trưởng của Trịnh Cương. Khi Giang còn làm Thế tử, viên Báo phó của Giang là Nguyễn Công Hãng có mật khải với (Trịnh) Cương rằng :
    - Giang là kẻ ngu tối, ươn hèn, không thể gánh vác nổi việc lớn được.
    (Trịnh) Cương vì thế mà chần chừ, chưa quyết định gì cả. Đến khi (Trịnh) Cương mất, (Trịnh) Giang lên nối ngôi chúa, (Nguyễn) Công Hãng vì lời khải này mà bị mang vạ".
    Đến tháng 10 năm Nhâm Tí (1732), nghĩa là ba năm sau khi Trịnh Giang lên nối ngôi chúa. Nguyễn Công Hãng bị bức tử. Cũng sách trên (tờ 27) đã chép về cái chết của Nguyễn Công Hãng như sau :
    "Công Hãng nhờ tài biện bác mà được vào giữ việc trong phủ chúa, thích tự quả quyết để thi thố tài năng của mình, được chúa Trịnh Cương tin cậy mà ủy thác mọi việc, nhưng đồng liêu thì lắm người oán ghét.
    Khi còn là Thế tử, (Trịnh) Giang đã giận Nguyễn Công Hãng về việc không muốn lập mình. Bọn thân cận của (Trịnh) Giang lại cố thêu dệt thêm những chỗ yếu kém của Công Hãng. Họ nói với (Trịnh) Giang rằng :
    - Công Hãng và bọn Lê Anh Tuấn, Trương Nhưng, Đỗ Bá Phẩm... đã cùng nhau kết thành bè đảng. Vả lại, Công Hãng từng mưu tính việc chôn cất hài cốt tổ tiên ở một kiểu đất to, tất là ngầm có ý nuôi tham vọng làm việc vượt quá chức phận của mìnhTrịnh) Giang nghe lời ấy, bèn cho (Nguyễn) Công Hãng ra trấn thủ Tuyên Quang rồi sau đó ép (Nguyễn Công Hãng) phải tự tử."
    Lời bàn : Sống giữa thời loạn, giúp chúa ngàn điều hay chưa hẳn đã là lợi, nhưng, lỡ lời nói một câu không đẹp ý chúa, nguy hại thật khó mà lường, cho nên, trách chúa Trịnh Giang vừa hẹp hòi lại vừa tàn bạo cũng được mà trách Nguyễn Công Hãng chẳng biết khôn khéo giữ lời cũng được. Trời sinh ra cái lưỡi không xương, cốt để tiện đường uốn éo chí ít cũng vài lần trước khi cất lời, tiếc thay, ngài Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng hãnh tiến mà quên mất cả điều đơn giản này.
    Bọn thân cận chúa Trịnh Giang cùng nhau thêu dệt chỗ yếu kém của Nguyễn Công Hãng, ấy cũng là sự thường. Lũ tiểu nhân đời nào mà chẳng có. Song, mình dùng lời hại người thì người cũng có thể dùng lời để hại mình được, biết đâu lại còn ghê gớm hơn cả mình nữa. Ngẫm mà xem !
    Nhân danh chúa của thiên hạ, Trịnh Giang bức tử Nguyễn Công Hãng. Và giờ đây nhân danh lẽ thường, xin nghiêm phán : Tầm thường thay, Trịnh Giang !

  14. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  15. #18
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 20: 17 - THƯƠNG THAY, HAI VỊ ĐẠI THẦN!

    Năm Giáp Dần (1734), Trịnh Giang đã giết hai đại thần là Đỗ Bá Phẩm và Lê Anh Tuấn. Đỗ Bá Phẩm nguyên là hoạn quan, quê quán và năm sinh hiện chưa rõ, chỉ biết dưới thời chúa Trịnh Giang, ông được phong tới tước Vân Quận công. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 31) chép việc ông bị Trịnh Giang hãm hại như sau :
    "Bấy giờ, nạn kết bè kết cánh nổi lên, Trịnh Giang quyết tìm cách buộc tội để trừng trị. (Trịnh) Giang rất ghét viên hoạn quan là Vân Quận công Đỗ Bá Phẩm, đã biếm chức Đỗ Bá Phẩm, chỉ còn cho làm Trấn thủ Yên Quảng (khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay - ND), lại còn muốn giết đi. (Trịnh) Giang gọi , riêng Nguyễn Hiệu (người xã Lan Khê, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đỗ Tiến sĩ năm 1700 - ND) đến bàn việc này, nhưng (Nguyễn) Hiệu lại có ý trù trừ không dứt, bởi vậy, (Trịnh Giang) giáng chức Nguyễn Hiệu, từ Thượng thư bộ Lễ xuống làm Thượng thư bộ Hình (trong triều đình xưa, bộ Lễ là bộ lớn nhất, còn bộ Hình chỉ đứng ở hàng thứ năm trong số sáu bộ - ND). Nhưng rồi không bao lâu sau, Nguyễn Hiệu được làm Thượng thư bộ Lại (bộ lớn thứ hai- ND) và được vào phủ chúa giữ chức Tham tụng như cũ."
    Lê Anh Tuấn người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong (nay thuộc Hà Tây), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694). Cùng với Nguyễn Công Hãng, ông là người từng được chúa Trịnh Cương trọng dụng, trao phó cho nhiều trọng trách trong phủ chúa. Nhưng đến khi Trịnh Cương mất, ông bị thất sủng, và năm 1734, Lê Anh Tuấn cũng bị giết hại. Cũng sách trên (tờ 32) chép rằng :
    "(Lê) Anh Tuấn là người nổi tiếng về văn học, tính ưa trầm tĩnh, làm việc cẩn mật, cùng với Nguyễn Công Hãng, ông được coi việc trong phủ chúa. Khi về già, (Lê) Anh Tuấn có ý lộng quyền, khiến (Trịnh) Giang không bằng lòng kể cũng đã lâu. (Trịnh) Giang giáng chức (của Lê Anh Tuấn), sai đi làm Trấn thủ xứ Lạng Sơn. Lúc ấy có người gièm rằng, trước kia, khi còn giữ việc ở trong phủ, (Lê) Anh Tuấn cùng với bọn Nguyễn Công Hãng đã định mưu phế lập (ngôi chúa), chúa Trịnh Giang nhân đó giết (Lê Anh Tuấn)".
    Lời bàn : Cứ chữ mà suy thì Trịnh Giang giết Vân Quận công Đỗ Bá Phẩm, chẳng qua vì ghét Đỗ Bá Phẩm chớ chẳng phải vì Đỗ Bá Phẩm kết bè kết cánh, gây phương hại gì cho thanh danh của triều đình. Phàm đã là bè cánh thì chẳng thể chỉ có một người, đây thấy Đỗ Bá Phẩm bị hại một mình, ắt... không về phe cánh cần thiết nào đó của Chúa đấy thôi.
    Còn như Lê Anh Tuấn, Chúa đã không bằng lòng từ lâu, thì thử hỏi là tiếp tục bám lấy vòng danh lợi có khác gì bám lấy vòng treo cổ hay không ? Một khi Chúa đã bắt ra khỏi kinh thành, ra tận biên ải, cũng có nghĩa là Chúa chuẩn bị cho ra khỏi dương thế đó thôi.
    Ôi thương thay hai vị dại thần : Đỗ Bá Phẩm và Lê Anh Tuấn. Chẳng thể nói là chư vị vô tội, nhưng, cái chết của chư vị, ngẫm mà xót thương. Có điều, đến vua mà còn khó bề giữ nổi mạng sống với chúa, thì quan lại, dù làm đến đại thần, làm sao có thể yên thân trọn kiếp.
    Dưới cái ngai màu đen của chúa, chính sự cũng thẫm một màu rất đen.

  16. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  17. #19
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 21: 18 - XEM MẶT MÀ BẮT... LÀM VUA!

    Năm 1732, Lê Đế Duy Phường bị chúa Trịnh Giang vu cho tội tư thông với vợ của Trịnh Cương rồi giết chết. Anh của Lê Đế Duy Phường là Lê Duy T được Trịnh Giang đưa lên ngôi, đó là vua Lê Thuần Tông (1732 - 1735). Tháng 4 năm 1735, Lê Thuần Tông mất, Trịnh Giang lại phải một phen... chọn người làm vua. Chuyện này được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 33) chép lại như sau :
    "Tháng 4, mùa hạ (năm Ất Mão, 1735 - ND) sao Thái Bạch phạm vào vị tr của sao Hỏa. Nhà vua mất. (Quần thần) dâng tôn hiệu là Giản Hoàng đế, miếu hiệu là Thuần Tông. Vua ở ngôi gần bốn năm, thọ 37 tuổi, táng tại Bình Ngô (huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa - ND ).
    (Trịnh) Giang lập (Lê) Duy Thận là em của Vua lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ.
    (Lê) Duy Thận là con thứ mười một của vua (Lê) Dụ Tông và là em của vua (Lê) Thuần Tông. Lúc ấy, (Lê) Duy Thận mười bảy tuổi, còn kém anh là (Lê) Duy Diêu đến hai tuổi, nhưng Trịnh Giang sợ (Lê) Duy Diêu đã lớn (khó bề kiềm chê), trong lúc đó, (Lê) Duy Thận lại là cháu ngoại của bà Thái phi Vũ Thị (vợ của Trịnh Cương, người làng Mi Thữ, xã Tử Dương, huyện Đông Yên, thuộc tỉnh Hưng Yên - ND), từng được nuôi nấng trong phủ chúa, gần gũi lâu ngày nên dễ khống chế hơn, nhân đó, (Trịnh) Giang nói thác ra rằng, diện mạo của (Lê) Duy Thận giống y tiên đế, bèn quyết chí lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả. Ngày Giáp Ngọ (tức ngày 25 tháng 4 - ND) làm lễ tế cáo ở Thái Miếu, ngày Bính Thân (tức ngày 27 tháng 4 - ND), lên ngôi vua, đổi niên hiệu là Vĩnh Hựu, tha hai phần mười tô thuế cho dân trong năm này".
    Lời bàn : Vậy là vua Lê Dụ Tông có đến ba người con được các chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang cho nối nhau lên làm vua. Đầu là Lê Duy Phường, kế là Lê Duy Tường và sau chót là Lê Duy Thận (cũng tức là Lê Duy Chấn). Vua được chúa cho làm vua, chuyện nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự thực hài hước lại là như vậy. Đáng cười ra nước mắt là đấy chăng
    Chọn người nào dễ khiến để cho làm vua, không nói cũng đã rõ tâm địa của nhà chúa thế nào. Được chọn, vua lặng lẽ lên ngôi vua, không nói cũng có thể biết, khí khái của người làm vua đáng giá cỡ nào.
    Chọn mặt để bắt... làm vua, cổ kim ắt chẳng còn ai quá quắt hơn Trịnh Giang được nữa. Bấy giờ, bề tôi không ai dám nói gì, sự thể ấy kể cũng chẳng có gì là lạ. Đến như vua mà còn phải ngoan ngoãn nghe theo, bề tôi làm sao cả gan nói trái ý chúa ?
    Lê Duy Thận lên ngôi, đấy là Lê Ý Tông. Nhờ ngoan ngoãn lại cũng nhờ ít lời nên được yên phận làm vua 5 năm (1735 - 1740) và sau lại còn được yên phận làm Thượng hoàng thêm 19 năm nữa (1740 - 1759). Hóa ra, biết nghe lời chúa vẫn hơn.
    Lê Dụ Tông có ba người con được các chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang cho nối nhau lên làm vua. Đành phải nói vậy chớ còn biết nói sao hơn bây giờ. Chả lẽ nói Lê Dụ Tông đã để lại cho ngai vàng những ba bức tượng gỗ, dẫu nói như thế mới có phần đúng hơn !

  18. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  19. #20
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 22: 19 - MẠC THIÊN TỨ VỚI MƯỜI CẢNH ĐẸP CỦA HÀ TIÊN

    Mạc Thiên Tứ (cũng tức là Mạc Thiên Tích), tự là Sĩ Lân, con trai của Mạc Cửu. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 8) cho hay, Mạc Cửu người gốc Lôi châu, thuộc Quảông, Trung Quốc. Khi nhà Minh bị nhà Thanh đánh đổ, Mạc Cửu là một trong những người tham gia phong trào bài Thanh phục Minh, và khi phong trào bài Thanh phục Minh thất bại, Mạc Cửu chạy sang Chân Lạp, được quốc vương Chân Lạp cho giữ chức Ốc nha. Sau, thấy phủ Sài Mạt có nhiều người buôn kẻ bán, Mạc Cửu bèn di cư tới đó. Sách trên viết rằng :
    "Thấy ở đất ấy, tương truyền, thường hay có người tiên hiện ra ở trên sông, nhân thế, cho đổi gọi đất ấy là Hà Tiên. Đến đây (tháng tám năm Mậu Tí, 1708. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu khác lại nói sự kiện xảy ra dưới đây là vào năm 1714, chứ không phải là năm 1708 - ND), Mạc Cửu sai bọn bộ thuộc là Trương Cầu và Lý Xã dâng thư (lên chúa Nguyễn Phúc Chu - ND) xin được làm người đứng đầu Hà Tiên. Chúa nhận, phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh. Mạc Cửu liền xây dựng dinh ngũ và Phương Thành, dân đến ở ngày một đông".
    Tháng 5 năm Ất Mão (1735), Mạc Cửu mất, con ông là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn Phúc Chú phong làm Đô đốc, cho nối nghiệp cha mà cai quản đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ học rộng, có tài văn chương, ngay sau khi nhận chức đứng đầu Hà Tiên, đã sáng lập ra tao đàn Chiêu Anh Các rất nổi tiếng. Cũng sách.trên (Tiền biên, quyển 9) chép rằng :
    "Thiên Tứ chia đặt nha thuộc, kén chọn quân sĩ, đắp thành lũy và mở phố chợ, khiến cho khách buôn các nước tới ngày càng đông. (Mạc Thiên Tứ) lại cho mời những người có tài văn chương, cùng nhau lập ra Chiêu Anh Các, ngày ngày giảng bàn và xướng họa. (Ông) từng viết Hà Tiên thập vịnh (mười bài vịnh mười cảnh đẹp của Hà Tiên), đó là :
    01 - Kim Dự lan đào
    02 - Bình San điệp thúy
    03 - Tiêu Tự thần chung
    04 - Giang Thành dạ cổ
    05 - Thạch Động thôn vân
    06 - Châu Nham lạc lộ
    07 - Đông Hồ ấn nguyệt
    08 - Nam Phố trừng ba
    09 - Lộc Trĩ thôn cư
    10 - Lư Khê ngư bạc
    Từ đó, người Hà Tiên bắt đầu biết học hành".
    (Tên của mười cảnh đẹp này có ý nghĩa cụ thể như sau :
    - Kim Dự lan đào : Đảo vàng chắn sóng.
    - Bình San điệp thúy : Dãy núi như bức bình phong trùng điệp màu xanh.
    - Tiêu Tự thần chung : Tiếng chuông buổi sáng sớm ở ngôi chùa tịch mịch
    - Giang Thành dạ cổ : Tiếng trống đêm ở bức thành bên sông.
    - Thạch Động thôn vân : Hang đá nuốt mây.
    - Châu Nham lạc lộ : Cò đậu triền đất đỏ.
    - Đông Hồ ấn nguyệt : Trăng in ở hồ nước phía đông.
    - Nam Phố trừng ba : Bãi nam giữ sóng.
    - Lộc Trĩ thôn cư : Thôn xóm ở Mũi Nai.
    - Lư Khê ngư bạc : Thuyền chài ở Rạch
    Tuy nhiên. các chữ Kim Dự, Bình San, Tiêu Tự, Giang Thành, Thạch Động, Châu Nham, Đông Hồ, Nam Phố, Lộc Trĩ và Lư Khê nay đã được sử dụng rất phổ biến, được coi là những địa danh quen thuộc của đất Hà Tiên, cho nên, chúng tôi đã viết hoa cả hai chữ khi phiên âm.)
    Lời bàn : Mạc Cửu không sinh ở Hà Tiên, nhưng xem ra Hà Tiên cũng chính là quê hương thứ hai của ông vậy.
    Có đọc Hà Tiên thập vịnh mới thấy được những tình cảm chân thành, nồng nàn và sâu sắc của Mạc Thiên Tứ với Hà Tiên. Đất nhờ người mà dạt dào sức sống, nhờ thơ mà giàu sức cuốn hút lạ thường. Đã bao đời nay, du khách tìm đến Hà Tiên, trước hết là tìm đến mười cảnh đẹp từng tỏa sắc màu lung linh trong thơ Mạc Thiền Tứ đó thôi.

  20. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 2/6 ĐầuĐầu 1 2 3 4 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình