+ Trả lời chủ đề
Trang 6/6 ĐầuĐầu ... 4 5 6
Hiện kết quả từ 51 tới 56 của 56

Chủ đề: Việt Sử Giai Thoại - Tập 7

  1. #51
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 53: 50 - LỜI VĨNH QUYẾT CỦA VŨ MIÊN

    Vũ Miên người xã Xuân Quan, huyện Lương Tài (thuộc Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ khoa Thìn (1748), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Đầu đời chúa Trịnh Sâm (năm 1767), Vũ Miên được trao chức Tế tửu. Tám năm sau (năm 1775), Vũ Miên được trao chức Phó Đô ngự sử, được cùng với một loạt các danh sĩ đương thời tham gia soạn chính sử cho nước nhà. Sau, Vũ Miên được thăng dần lên đến Binh bộ Tả thị lang rồi Bồi tụng.
    Sinh thời, Vũ Miên là người chín chắn, xử việc cẩn trọng, bởi vậy chúa Trịnh Sâm cũng như bá quan rất nể vì. Tháng 6 năm Nhâm Dần (1782), Vũ Miên qua đời. Khi ông bệnh nặng, phải nằm nghỉ ở nhà riêng, chúa Trịnh Sâm đã sai Trung sứ đến tận nơi để hỏi han, cho Vũ Miên nói hết mọi điều muốn nói. Cảm kích về việc này, Vũ Miên đã tự tay viết tờ khải dâng lên chúa Trịnh Sâm. Và, đó cùng là lời vĩnh quyết của Vũ Miên. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 25 và 26) lược chép chuyện này như sau :
    "(Vũ) Miên bị bệnh nặng, Trịnh Sâm sai Trung sứ đến tận nhà riêng của Vũ Miên để hỏi hết những điều mà (Vũ) Miên muốn nói. (Vũ) Miền tự tay viết tờ khải, nói :
    - Quý tử (chỉ Trịnh Khải, vì Trịnh Khải lúc này đã bị bắt làm con út - ND) vì khí huyết chưa vững nên mới bị bọn tiểu nhân mê hoặc, đến nỗi phải phạm tội nặng nề. Thế tử là ngôi dành cho người đã trưởng thành để sau nối nghiệp mà trị vì, đó là phúc muôn đời của tôn miếu xã tắc. Nếu chẳng may có biến cố xảy ra bất thường thì tai họa thật khó mà lường trước được. Việc này tôi vẫn thầm áy náy lo lắng, nếu không ổn thỏa thì chắc tôi có chết cũng không thể nhắm mắt được. Tôi cũng cúi xin vương thượng cắt đứt tình yêu nơi chăn gối để định thứ bậc các con lớn bé cho được đúng đắn. Nếu được như vậy là may lớn cho thiên hạ.
    Lúc này, Vũ Miên đang làm Tả thị lang bộ Binh, đư̖ giữ chức Bồi tụng thì mất. (Triều đình) truy tặng hàm Thượng thư, đặt cho tên thụy là Ôn Cẩn".
    Lời bàn : Lời vĩnh quyết của Vũ Miên quả là lời rất sáng suốt, nếu không có cả một đời canh cánh lo toan và suy gẫm, nhất định không thể nói được lời như vậy. Hóa ra, bậc đại trí lại có đức nhân thì lời nói ra đều là lời châu ngọc. Lời ấy vừa là để nói với Trịnh Sâm cũng là lời chân tình với muôn thuở vậy.
    Vũ Miên bàn chuyện Thế tử nhưng thực chất là bàn chuyện của cả triều đình, chuyện tư cách của bá quan đương thời. Trịnh Sâm nếu chỉ nghe bằng tai, đọc bằng mắt không thôi thì chẳng thể nào hiểu được cả. Vũ Miên khuyên riêng Trịnh Sâm nhưng thực là khuyên chung hết thảy những ai nặng lòng với xã tắc. Đam mê tửu sắc thì làm chủ chính mình không được, làm chủ một gia đình cũng chẳn xong, bảo làm chúa của cả thiên hạ thế nào được ?
    Nói xong lời vàng ngọc này, Vũ Miên qua đời, và chẳng bao lâu sau đó. Trịnh Sâm cũng qua đời nốt. Trịnh Sâm đã kịp truy phong cho Vũ Miên, tiếc là chưa kịp làm theo lời khuyên này đã phải về chín suối. Giá thử có hồn thiêng, ắt hồn thiêng của Vũ Miên cũng chẳng thể vui. Vâng, chẳng thể !

  2. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #52
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 54: 51 - TRỊNH CÁN ĐƯỢC ĐƯA LÊN NGÔI CHÚA NHƯ THẾ NÀO?

    Tháng 9 năm 1782, Trịnh Sâm mất, con thứ của Trịnh Sâm là Trịnh Cán được đưa lên ngôi chúa. Bấy giờ, Trịnh Cán mới 6 tuổi (tuổi ta). Sự kiện nửa đáng khóc, nửa đáng cười này của lịch sử đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 26, 27 và 28) chép lại như sau :
    "Khoảng mấy năm này, bệnh cũ của (Trịnh) Sâm lại tái phát luôn, khiến cho (Trịnh) Sâm rất sợ nắng gió, thường ở sâu trong cung, kể cả lúc ban ngày cũng phải đốt nến. Chỉ những ngày đại triều (Trịnh ) Sâm mới chịu đi ra ngoài, còn thì không bao giờ đi đâu cả. Đến đây, bệnh trở nên nguy kịch. Đặng Thị (Huệ) ngày đêm chầu chực ở bên cạnh, các quan lại đại thần chỉ có (Hoàng) Đình Bảo, (Tạ) Danh Thùy và (Lê) Đình Châu cùng vài ba người nữa là được quyền ra vào mà thôi. Đặng Thị (Huệ) nói với (Trịnh) Sâm rằng :
    - Thiếp được vương thượng yêu thương quyến luyến bội phần nhưng nay thì trăm tội đều đổ lên đầu thiếp, chẳng biết rồi nay mai mẹ con thiếp sẽ gởi thân vào đâu.
    (Trịnh) Sâm an ủi rằng :
    - Danh vị Thế tử đã định rõ, sau này, nước là nước của Thế tử còn lo lắng nỗi gì nữa ?
    (Trịnh) Sâm quay sang nói với (Hoàng) Đình Bảo rằng :
    - Ngươi hãy cố sức giúp rập Thế tử cho yên lòng.
    (Hoàng) Đình Bảo thưa :
    - Thần đâu nỡ không tận tâm. Để báo đáp ơn chúa, thần sẵn sàng nhận lấy cái chết. Nhưng, ngay bây giờ, xin v thượng hãy truyền ngôi cho Thế tử, đồng thời, sách phong cho Tuyên phi Chính cung (chỉ Đặng Thị Huệ, mẹ của Trịnh Cán - ND) được quyền tham dự việc quyết đoán chính sự, cốt sao cho mệnh lệnh lúc nào cũng rõ ràng.
    (Trịnh) Sâm nói :
    - Ngươi nói rất đúng. Ngươi hãy giúp ta làm việc này.
    (Hoàng) Đình Bảo nói :
    - Nhận cố mệnh lo việc chính trị, thần không dám tự chuyên một mình, vậy xin cho một người rất gần gũi trong họ là Trịnh Kiều (con thứ năm của Trịnh Cương, chú ruột của Trịnh Sâm - ND), bậc Sư bảo đại thần là Nguyễn Hoàn, hai người có danh vọng lớn trong chính phủ là Lê Đình Châu và Phan Lê Phiên, cùng với hai A bảo tín thần là Trần Xuân Huy và Tạ Danh Thùy, được vâng chịu.
    (Trịnh) Sâm y cho. Phan Lê Phiên được thảo cố mệnh, Nhữ Công Điển viết chế sắc sách phong cho Tuyên phi Đặng Thị (Huệ). Tờ cố mệnh và tờ sắc sách phong viết xong, (Hoàng) Đình Bảo liền giấu trong tay áo, đem vào phủ đường để xin (Trịnh) Sâm phê chuẩn. Lúc ấy, (Trịnh) Sâm đã gần tắt thở, bèn cho triệu bọn Trịnh Kiều và Nguyễn Hoàn vào gấp để nhận cố mệnh. Khi họ vào, (Trịnh) Sâm khóc và nói :
    - Tiểu tử này mắc bệnh, không thể sống được nữa. Nay, cho Thế tử là (Trịnh) Cán nối ngôi, mong thúc phụ và sư thần đồng tâm giúp rập, hầu qua buổi khó khăn này.
    (Hoàng) Đình Bảo nhân đó lấy giấy tờ trong tay áo ra dâng lên nhưng (Trịnh) Sâm gạt đi. (Hoàng) Đình Bảo nói :
    - Tờ cố mệnh còn chưa ghi tên (của Thế tử), vậy xin cho vương thân là Trịnh Kiều ghi thay.
    (Trịnh) Sâm gật đầu. (Trịnh) iều ghi tên Thế tử xong, dâng lên thì (Trịnh) Sâm đã nhắm mắt, không còn biết gì nữa. Chỉ một lúc sau thì (Trịnh) Sâm mất, thọ 41 tuổi.
    (Hoàng) Đình Bảo đem tờ cố mệnh và sắc sách phong cho Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) giao cho (Tạ) Danh Thùy thông báo cho chính phủ và các nơi rồi sau đó, tâu xin Nhà vua lập (Trịnh) Cán làm Điện Đô Vương, cho Tuyên phi Đặng Thị (Huệ) được tham dự việc quyết đoán chính sự, đồng thời, truy tôn (Trịnh) Sâm làm Tĩnh vương.
    Bấy giờ, (Trịnh) Cán còn nhỏ tuổi lại mang bệnh, cho nên, ai ai cũng nôn nao lo sợ. (Quan lại) trong triều và (nhân dân) nơi mọi làng xã, ai cũng tin là tai họa sẽ xảy ra trong khoảng không bao lâu nữa. (Hoàng) Đình Bảo chuyên quyền, một mình nắm hết mọi quyền hành trong nước, vẫn thản nhiên chứ không để ý gì cả. Bọn (Trịnh) Kiều và Nguyễn Hoàn, tất cả sáu người, chỉ đặt ra cho có đủ lệ bộ chứ chẳng có vai vế gì".
    Lời bàn : Huy Quận công Hoàng Đình Bảo và Tuyên phi Đặng Thị Huề, mỗi người có một lí do mãnh liệt khác nhau, nhưng cả hai đều gặp nhau ở chỗ quyết chí đưa Trịnh Cán lên nối ngôi chúa. Song, cả tờ cố mệnh lẫn tờ sắc sách phong đều được Huy Quận công Hoàng Đình Bảo giấu vào tay áo, sự thể này tự nó đã mách bảo rằng, tất cả, chẳng có gì đường đường chính chính đâu.
    Trịnh Sâm gật đầu hay Trịnh Sâm thở hắt lần cuối, chuyện ấy chỉ có trời mới biết, nhưng thôi, điều đáng nói là Trịnh Cán đã được nối ngôi chúa. Ngôi chúa tôn nghiêm được trao cho một cậu bé chưa hề làm chủ được mọi sinh hoạt cá nhân của mình, lại đang khi đau yếu bệnh tật, bảo chính sự thuở ấy không thối tha sao được. Và chẳng hay các bậc được hưởng ơn mưa móc của chúa lúc ấy cảm thấy vị cuộc đời như thế nào !

  4. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #53
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 55: 52 - CUỘC TRUẤT PHẾ TRỊNH CÁN

    Sự kiện này xảy ra vào tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), nghĩa là đúng một tháng sau khi Trịnh Sâm mất, cũng đúng một tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên nối ngôi chúa. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 28, 29, 30 và 31) chép lại như sau :
    "Sau khi (Trịnh) Cán đã được lập làm chúa, Đặng Thị (Huệ) đem (Trịnh) Khải ra giam giữ rất ngặt ở nhà Tả Xuyên. Mẹ của (Trịnh) Khải là Dương Thị sợ rằng (Trịnh) Khai sẽ khó lòng mà bảo toàn được tính mạng, bèn sai người đến gặp (Hoàng) Đình Bảo xin hãy xót thương đến. (Hoàng) Đình Bảo vừa khóc vừa nói :
    - (Hoàng) Đình Bảo này thờ Tiên vương, từng được đội ơn yêu dấu. Quý tử (chỉ Trịnh Khải, vì lúc này Trịnh Khải đã bị bắt làm con út của Trịnh Sâm nên phải gọi là quý tử - ND) là con của Tiên vương, nếu ta mà có lòng dạ nào thì sẽ bị trời tru đất diệt.
    Từ ấy, việc giam giữ có được nới lỏng hơn, bọn gia thần của (Trịnh) Khải cũng nhân đó mà dần dà được ra vào thăm hỏi (Trịnh) Khải. Bấy giờ, (Trịnh) Cán tuy đã được lập làm chúa nhưng không sao quy tụ được lòng người, (Hoàng) Đình Bảo thì phụ họa với Đặng Thị (Huệ), cho nên, ai ai cũng ghét. Họ tụ họp bàn tán khắp nơi, người nói là (Hoàng) Đình Bảo đang âm mưu làm việc trái phép, kẻ thì bảo rằng Chúa mới đang lâm bệnh nặng, còn (Hoàng) Đình Bảo thì tư thông với Đặng Thị (Huệ) và tính kế giết quý tử... lời đồn cứ thế loan ra khắp nơi, không sao ngăn chặn được nữa.
    Có tên bề tôi của (Trịnh) Khải là Dự Vũ, lẻn vào chỗ quân sĩ đang uống rượu, nói vụng với bọn này rằng :
    - Thế tử của Tiên vương (ở đây, Thế tử là từ chỉ Trịnh Khải, vì Dự Vũ không thừa nhận việc truất ngôi Thế tử của Trịnh Khải trước kia - ND ) không có tội trạng gì, tất cả chẳng qua vì Đặng Thị (Huệ) là người đàn bà ác nghiệt, làm cho Tiên vương bị mê hoặc để rồi cướp lấy ngôi cho con mình mà thôi. Còn như (Hoàng) Đình Bảo thì vốn có chủ đích làm phản đã lâu, hắn muốn lợi dụng Chúa mới còn bé nhỏ để dễ bề áp chế, đồng thời, phụ họa với Đặng Thị (Huệ) để lập kế cướp ngôi. Nay, Chúa mới đang bị bệnh nguy kịch, họa loạn xảy ra là điều không tránh khỏi. Quân sĩ đều là dân ở đất thang mộc (đất quê hương của cả vua Lê và chúa Trịnh - ND), là nanh vuốt của nước nhà, là những người trung nghĩa... nếu sớm biết một lòng tôn phò, định yên được ngôi chúa (ý muốn chỉ đưa Trịnh Khải lên thay Trịnh Cán mà làm chúa - ND) thì tên tuổi sẽ được ghi mãi trong tờ văn thư, làm bằng vải xoa màu đỏ, trong tờ khoán ước chế bằng sắt, công trạng thật không có gì lớn hơn.
    Quân sĩ nghe vậy, ai ai cũng vừa tức (Hòang Đình Bảo và Đặng Thị Huệ) vừa cảm kích, cho nên mật hẹn cùng nhau hội họp ở chùa Khán Sơn (Hà Nội - ND), tính kế để làm, nhưng vì e còn ngại về quyền.uy của (Hoàng) Đình Bảo, bàn mãi vẫn chẳng được kế hay. Bấy giờ, có viên Quản lại của đội quân Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng, cũng đang ngồi họp bàn với bọn quân sĩ, mạnh dạn đứng dậy nói :
    - Nếu quân sĩ ai ai cũng đồng lòng làmc này, thì chẳng qua chỉ cần đợi qua lễ tế điện buổi sáng ở trong phủ đường, nổi ba hồi trống làm hiệu, rồi nhất tề kéo đến lôi nó xuống mà quật cho một trận, thế là xong chớ có gì là khó khăn ?
    Mọi người mừng rỡ, cử Nguyễn Bằng đứng đầu, cùng uống máu ăn thề, rằng chẳng cần đến ngày hẹn cụ thể, cứ hễ thấy nổi ba hồi trống là nhất tề khởi sự.
    Mưu kín đã định xong thì có tên Viên Ngoại lang là Bùi Bật Trực nghe được, hắn bèn đem báo cho Nguyễn Trọng Chiểu là con của Nguyễn Trọng Viêm biết, lại còn tự đứng ra giới thiệu để Nguyễn Trọng Chiểu tham gia hội họp với quân sĩ, ngầm theo dõi tin tức để rồi (báo cho Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ) mong lập được công to. (Bùi) Bật Trực còn nói với quân sĩ rằng :
    - Đây là việc hệ trọng, cần phải nhờ Quốc cữu (tức Nguyễn Trọng Viêm, em ruột của Trịnh Thái phi Nguyễn Thị) tâu trình cho Trịnh Thái phi rõ. Nếu chẳng may (Hoàng) Đình Bảo biết chuyện thì cứ việc nói là có mệnh lệnh của Trịnh Thái phi mật trao cho. Chuyện gì minh bạch cũng hay hơn.
    Quân sĩ nghe theo lời ấy, bèn sai (Bùi) Bật Trực đến, bí mật nói riêng với (Nguyễn) Trọng Viêm, nhưng (Nguyễn) Trọng Viêm lại nói với Nguyễn Hoàn. Nguyễn Hoàn muốn noi theo cách cũ của Trịnh Doanh (chỉ việc Trịnh Doanh giành ngôi của anh là Trịnh Giang khi Trịnh Giang đang mắc bệnh - ND), nên có ý xin cho (Trịnh) Khải được tạm giữ chính quyền, cốt để yên lòng quân sĩ. (Nguyễn) Trọng Viêm liền tâu với Trịnh Thái phi. Thái phi sai người đến nói với (Hoàng) Đình Bảo. (Hoàng) Đình Bảo nói :
    - Tiên vương có hai người con trai, nếu chúa mới mà bệnh không khỏi thì ngôi báu tất nhiên về tay quý tử, còn như nói cho quý tử tạm nắm chính quyền tức là mở đường cho việc cướp ngôi. Tôi vâng chịu cố mệnh của Tiên vương, cho nên, không dám làm theo lời này.
    (Nguyễn) Trọng Viêm sợ rằng việc này mà bại lộ thì mình bị vạ lây, bèn đến bàn với Nguyễn Hoàn. (Nguyễn) Hoàn nói :
    - Việc đã đến như vậy thì để mặc quân sĩ muốn làm gì cứ làm.
    Bấy giờ, trong kinh thành người ta đồn ầm lên rằng quân sĩ sẽ gây chuyện biến loạn, nhưng (Hoàng) Đình Bảo vẫn không hề hay biết gì cả.
    Sáng ngày 24 tháng ấy (tháng 10 năm 1782 - ND), Nguyễn Bằng đã tìm được lối đi tất, leo lên lầu phủ đường, nổi trống tụ họp quân sĩ, và quân sĩ lập tức có mặt đông đủ, gươm giáo tuốt trần, ồ ạt xông vào. (Hoàng) Đình Bảo, mình ngồi trên voi, tay cầm kiếm, chắn ngang cửa phủ để ngăn lại. Quân sĩ tranh nhau lấy đá ném chết hắn. Em hắn là Khanh Vũ Hầu Hoàng Lương cũng bị lọan quân giết chết. Quân sĩ kéo nhau đến nhà giam, phò Trịnh Khải ra phủ đường, rồi xin Trịnh Thái phi tâu với Nhà vua cho lập (Trịnh) Khải làm Nguyên soái, tước Đoan Nam Vương, truất (Trịnh) Cán xuống làm Cung Quốc công, nhưng sau đó chẳng bao lâu (Trịnh) Cán đã chết vì bệnh.
    Quân sĩ thả cửa cướp bóc, cứ hễ ai là tộc thuộc của họ Đặng và họ Hoàng cùng những người trước kia từng tố cáo Trịnh Khải là họ cướp phá. Kinh thành rối loạn đến mấy ngày mới được yên.
    Quân sĩ cậy công, đòi ban thưởng mải. Triều đình định rằng :
    - Phong cho Nguyễn Bằng tước hầu, hàm Suy Trung Dực Vận Công Thần.
    - Ba mươi người có mặt trong buổi nhóm họp đầu tiên và Quản Lại là Nguyễn Trù được đặc biệt thăng thưởng.
    - Các quân thủy bộ trong kinh, ngoài trấn được ban tiền bạc người nhiều, người ít khác nhau. Ngoài ra, còn ban cho mỗi người một tờ sắc phong để trống, cho phép họ có thể tặng cho thân thuộc, tức là tỏ rõ việc đền ơn này hết sức lớn lao. Nhưng cũng từ ấy bọn kiêu binh ngày càng ngông cuồng, không viên quan nào cai quản được, chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi".
    Lời bàn : Lúc vận nước lâm nguy, người lính hiên ngang ra trận, khó khăn không ngại, gian khổ mặc lòng, coi cái chết nhẹ như lông hồng... tất cả chỉ vì họ hiểu rằng họ đang chiến đấu cho đại nghĩa. Đến đây, nước không có thái bình nhưng thực sự cũng chẳng có chiến tranh, chết chóc chẳng có, gian khổ cũng không, đã thế, nhà Chúa lại còn biệt đãi họ nữa, vậy mà họ cứ mặc sức tung hoành, bất kể chức phận và phép nước... tất cả cũng chỉ vì họ hiểu là chính sự rối bời, kỉ cương điên đảo, được làm vua, thua làm giặc mà thôi.
    Khéo khen cho viên bầy tôi của Trịnh Khải là Dự Vũ, kẻ đã kích động binh sĩ khi họ đang uống rượu. Khi ấy, nếu có bảo họ đi tìm thang leo lên trời, bắt cá ở sông Ngân về làm đồ nhắm rượu, hẳn là cũng có kẻ xăng xái ra đi, nói chi chuyện trừng trị Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ là những người họ đang căm ghét.
    Cũng khéo khen cho ai đã nghĩ ra trò ban tặng sắc phong mà để trống và cho phép binh sĩ được tùy nghi tặng lại cho thân thích. Xã tác phải một phen thừa chức sắc. Trong muôn sự thừa, đây chính là sự thừa đáng sợ nhất. Điều này, cứ hỏi dân thì rõ. Mới hay :
    Thiên hạ một người lên ngôi chúa
    Bốn phương bao kẻ xuống âm ti.

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #54
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 56: 53 - SỐ PHẬN NHỮNG NGƯỜI GIÚP RẬP TRỊNH CÁN

    Hai tháng sau ngày khởi loạn của kiêu binh, các quan đại thần từng lo giúp rập cho Trịnh Cán đều lần lượt bị trị tội. Bị trị tội vào tháng chạp năm 1782 có Quận công Trịnh Kiều (chú ruột của Trịnh Sâm, tức vai ông chú của Trịnh Khải và Trịnh Cán), quan Tham tụng là Phan Lê Phiên (người xà Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại ô Hà Nội ngày nay, đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu, 1757) và quan giữ chức Tri lại phiên là Nhữ Công Điển (người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, thuộc Hải Dương, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn.,1772). Cả ba đều bị bãi chức. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 45, tờ 34 và tờ 35) viết rằng :
    "Trước kia, khi Ttịnh Sâm bị bệnh nặng, cho con là (Trịnh) Cán được nối ngôi chúa, có sai bọn Phan Lê Phiên viết tờ cố mệnh và tớ sắc sách phong cho Tuyên phi Đặng Thị (Huệ). Tờ cố mệnh viết xong thì (Trịnh) Sâm cũng không còn đủ sức để phê vào nữa, bèn sai Trịnh Kiều viết thay (chữ Cán vào tờ cố mệnh). Đến đây, Trịnh Khải lấy tờ cố mệnh ấy ra thì thấy trong đó có lời phê của Trịnh Thái phi Nguyễn Thị như sau :
    - Không phải nét chữ do chính tay Tiên vương viết ra, không thể lấy gì làm bằng chứng. Vậy, giao cho chính phủ bàn luận.
    Quan Thiêm sai là Phạm Nguyễn Du (còn có tên khác là Phạm Vi Khiêm, đỗ Tiến sĩ khoa Kỉ Hợi, 1779), làm lời luận quốc thị (đại để cũng như lời bàn về kế sách của nước nhà - ND), trong đó đại lược nói rằng :
    - Việc lập (Trịnh Cán làm) Điện Đô Vương và việc sách phong cho Tuyên phi Đặng Thị (Huệ) được quyền xét đoán chính sự là những việc nói trong lúc trối trăng lầm lẫn của Tĩnh Vương (tức Trịnh Sâm), không thể nào coi là chính đáng được. Nay Thái phi lấy địa vi của người làm mẹ (đây nói mẹ của Trịnh Sâm - ND), thay đổi việc làm (sai trái lầm lẫn của con), là rất hợp với sự lí và rất đúng đắn. Vậy, xin truy xét tội lỗi của bọn bầy tôi phụ họa, cốt sao để làm sáng tỏ nghiêm pháp của nước nhà.
    Bởi lẽ này, bọn Trịnh Kiều đều bị coi là can tội thiện tiện ra lệnh, bị bãi chức, Đặng Thị (Huệ) bị bắt làm thứ nhân, nhưng về sau, Đặng Thị (Huệ) uống thuốc độc tự tử".
    Lời bàn : Ân oán thế là rõ, phủ chúa với giang hồ nào khác gì nhau, có chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, một bên nhân danh phép nước, còn một bên thì chẳng có gì để nhân danh. Các đại thần chỉ bị bãi chức, thế là còn may. Thời ấy, mạng sống rẻ lắm, mạng của kẻ khác phe cánh lại còn rẻ hơn. Có thấm điều ấy mới thấy Trịnh Kiều, Phan Lê Phiên và Nhữ Công Điển có phúc tổ để lại lớn lắm.
    Có bao nhiêu người nhận cố mệnh thì cũng có bấy nhiêu người đáng sợ : người thì chức tước lớn, người thì học vị cao, kẻ thì kinh nghiệm vào ra phủ chúa nào phải ít ỏi, tất cả văn võ gồm đủ, thế mà thua mưu bà Thái phi Nguyễn Thị, thân mẫu của Trịnh Sâm. Nhẹ nhàng khuyên mà không nghe thì bà nhẹ nhàng viết lời phê vào tờ cố mệnh, ngắn gọn mà sâu sắc, đơn giản mà chắc chắn, khiến cho cả triều đình phải ngoan ngoãn nghe theo. Hóa ra, các văn thần võ tướng lúc ấy chỉ tính nước đi trước mắt ma không tính nước lùi về s, bị bãi chức là phải, bởi vì kế ấy đã qua nổi một người đàn bà trong phủ chúa đâu.

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #55
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 57: 54 - VÌ SAO NGUYỄN HỮU CHỈNH ĐI THEO TÂY SƠN

    Năm 1782, tướng của họ Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh, người đang giữ chức Quản lãnh của cơ binh mang hiệu là Tiền Ninh ở Nghệ An, đã bỏ họ Trịnh mà theo về với Tây Sơn. Vì sao lại có chuyện động trời này ? Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 45, tờ 32, 33 và 34) cho biết :
    "(Nguyễn) Hữu Chỉnh là người phóng đãng, ít chịu khép mình vào khuôn phép. Lúc trẻ, (Nguyễn Hữu Chỉnh) đã đỗ Hương tiến (tức là Cử nhân - ND), từng đi du lịch ở kinh sư và vào yết kiến Hoàng Ngũ Phúc, được (Hoàng) Ngũ Phúc cho là người có tài khác thường nên dùng làm gia khách. Khi (Hoàng) Ngũ Phúc vào xâm lấn đất phía Nam (chỉ việc Hoàng Ngũ Phúc đem quân của chúa Trịnh đánh vào xứ Đàng Trong năm 1774 - ND). (Nguyễn) Hữu Chỉnh được đi theo và giữ chức thư kí. (Vào Nam một thời gian, Nguyễn Hữu Chỉnh) được sai đến quân dinh của Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc, khuyên Nguyễn Văn Nhạc hãy quy thuận. (Nguyễn) Văn Nhạc cũng rất trọng tài (của Nguyễn Hữu Chỉnh). Sau, (Nguyễn Hữu Chỉnh) theo Hoàng Đình Bảo (là cháu của Hoàng Ngũ Phúc - ND) đi đánh giặc biển, lập được công lao, được bổ làm Quản lãnh của đội binh mang hiệu Tuần Hải, và sau đó thì được thăng làm Quản lãnh của cơ binh (cơ binh lớn ơn, gồm nhiều đội binh - ND) mang hiệu là Tiến Ninh ở trấn Nghệ An).
    Khi binh lính trong kinh thành nổi loạn, môn hạ của Nguyễn Hữu Chỉnh là Hoàng Viết Tuyển, từ Sơn Nam vượt biển vào báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh hay. Nguyễn Hữu Chỉnh đến bàn với trấn thủ Nghệ An là Vũ Tá Dao. Vũ Tá Dao cũng là em rể của (Hoàng) Đình Bảo. Vũ Tá Dao hỏi :
    - Bây giờ phải tính làm sao ?
    (Nguyễn) Hữu Chỉnh đáp :
    - Trấn Nghệ An và Thuận Hóa tiếp giáp với nhau. Nay, bọn Phó tướng ở Phú Xuân là Hoàng Đình Thể, tướng coi đồn Động Hải là Khôi Thọ đều là thuộc tướng của tiên công ta (chỉ Hoàng Ngũ Phúc - ND), với ta, đều là người cùng hội cùng thuyền. Nay, nếu tướng công viết mật thư khuyên bảo (Hoàng) Đình Thể, khiến (Hoàng) Đình Thể giết chết viên đại tướng rồi chiếm lấy thành, thì khi ấy tất nhiên là Khôi Thọ sẽ đem quân ở Động Hải mà hưởng ứng với ta. Về phần mình, tướng công nên chiếm lấy thành Nghệ An này, cùng họ gắn bó như môi với răng, sau đó, chặn lấy đường Hoàng Mai, đóng đại quân ở Quỳnh Lưu để cố thủ. Việc phòng thủ mặt biển, tôi xin tự mình đảm đương. Tướng công mà làm được như thế thì không những thoát khỏi hoạn nạn mà còn có công lao phi thường.
    (Vũ) Tá Dao nói :
    - Tôi không thể theo kế này được, xin cho kế thứ hai.
    (Nguyễn) Hữu Chỉnh nói :
    - Trừ kế ấy ra, chỉ còn cách bỏ trấn mà thôi.
    (Vũ) Tá Dao hỏi :
    - Đi đâu bây giờ
    (Nguyễn) Hữu Chỉnh đáp :
    - Thiên hạ dễ có đến vạn nước, lo gì không có đất dung thân? Hễ còn do dự, dẫu chỉ trong chốc lát, thì đạo quân được phái đến để bắt sẽ kéo đến ngay bây giờ đấy.
    (Vũ) Tá Dao còn ngẫm nghĩ chưa thể dứt khoát, thì (Nguyễn) Hữu Chỉnh đã về nhà, cùng với Hoàng Viết Tuyển dắt díu vợ con chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Văn Nhạc. (Nguyễn) Văn Nhạc được (Nguyễn) Hữu Chỉnh, lấy làm mừng, liền đãi làm bậc thượng khách. (Nguyễn) Hữu Chỉnh đem hết tình hình trong nước báo cho giặc (chỉ Tây Sơn - ND) biết, rồi rắp tăm tìm chỗ sơ hở (của Đàng Ngoài) để báo thù. Hắn khuyên (Nguyễn) Văn Nhạc tích trữ lương thực và khí giới, kén chọn tướng soái, huấn luyện sĩ tốt để mưu chiếm Thuận Hóa".
    Lời bàn : Theo Tây Sơn sớm nhất, kiên quyết và bền bỉ nhất là những người nông dân bị áp bức đọa đầy. Trong số đó, hẳn nhiên không có Nguyễn Hữu Chỉnh. Theo Tây Sơn đánh Nam dẹp Bắc, lật nhào ách cai trị tàn bạo của họ Nguyễn ở Đàng Trong, của họ Trịnh ở Đàng Ngoài, nghĩa là theo Tây Sơn vì sự thúc bách của cuộc đấu tranh giai cấp mãnh liệt đương thời, thì trong số đó cũng không có Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh theo Tây Sơn, chẳng qua vì không thể theo ai khác, có vậy mà thôi.
    Lời Nguyễn Hữu Chỉnh nói với Vũ Tá Dao, hiểm và độc mà chẳng hề thể hiện chút đường hoàng nào của bậc tướng quân. Mới hay, không phải bất cứ ai có tài vung gươm ra trận, có mẹo lừa được đối phương và có chút uy với sĩ tốt, đều đáng mặt tướng quân. Vũ Tá Dao do sự chần chờ, ắt cũng không biết là nên theo bọn tiểu nhân rắp tâm báo oán hay theo đứa xảo quyệt là Nguyễn Hữu Chỉnh để làm chuyện trở cờ. Cứ thử đóng vai Vũ Tá Dao mà xem !
    Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc coi Nguyễn Hữu Chỉnh như thượng khách, đấy cùng là sự thường. Không hao binh tổn tướng, chẳng mệt nhọc dụ hàng... vẫn có thể bắt được tướng, rõ hư thực của đối phương và có thêm kẻ tình nguyên cộng sự đắc lực, bảo Tây Sơn không rộng lượng ban chút ơn huệ nhất thời cho Nguyễn Hữu Chỉnh sao được ? Về sau, Nguyễn Hữu Chỉnh bị Tây Sơn bỏ rơi, rồi còn bị Tây Sơn giết chết, ấy cũng bởi Nguyễn Hữu Chỉnh trước sau vẫn là Nguyễn Hữu Chỉnh, không phải Tây Sơn. Con chó sói bỗng dưng chạy về nhà cho ta bắt, mừng thì mừng nhưng chẳng ai dại dột mà nghĩ rằng, đó không phải chó sói !

  10. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  11. #56
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Chương 58: 55 - LÊ DUY KHIÊM ĐƯỢC LẬP LÀM THÁI TỬ

    Lê Duy Khiêm là con trưởng của Lê Duy Vĩ. Lê Duy Khiêm còn có tên khác là Lê Duy Kỳ, sau là vua Lê Mẫn Đế (tức Lê Chiêu Thống). Việc Lê Duy Khiêm được lập làm Thái tử cũng là việc rất bất ngờ, bởi trước đó, thân sinh của Lê Duy Khiêm là Thái tử Lê Duy Vĩ bị Trịnh Sâm vu cho tội thông dâm với một người thiếp của Trịnh Doanh rồi bắt giam và giết chết. Sự kiện này xảy ra vào tháng 3 năm 1769 và cũng kể từ đó, ba người con của Lê Duy Vĩ là Lê Duy Khiêm, Lê Duy Trù và Lê Duy Chỉ đều bị bắt giam. Vả chăng, trong khi anh em Lê Duy Khiêm đang bị tù tội thì chú ruột của họ là Lê Duy Cận đã được lập làm Thái tử kể từ tháng 8 năm 1770. Sự lạ này đượcách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 46, tờ 1 và 2) chép lại như sau :
    "Mùa xuân, tháng giêng (năm Quý Mão, 1783 - ND), Thái Tôn là Lê Duy Khiêm được lập làm Thái tử. (Lê) Duy Cận bị truất làm Sùng Nhượng Công.
    Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) vốn là con của Thái tử đã mất là Lê Duy Vĩ. Khi Thái tử bị nạn, Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) mới được sáu tuổi, cùng với hai em là (Lê) Duy Trù và (Lê) Duy Chỉ đều bị bắt giam. Lúc quân tam phủ nổi loạn, họ đã cùng nhau đi rước Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) về nội điện. Việc ấy khiến cho nhiều người có ý trông ngóng vào.
    Trước đây, việc (Lê) Duy Cận được lập làm Thái tử là do ý của Trịnh Thái phi Nguyễn Thị mà có. Đến đây, Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) được rước về. (Trịnh Thái phi) Nguyễn Thị sợ (Lê) Duy Cận sẽ mất ngôi Thái tử, bèn vội sai viên hoạn quan là Liêm Tăng (chưa rõ họ) đến ép Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) phải sang chầu để tính kế giết Bấy giờ, Thái Tôn (Lê Duy Khiêm) từ chối mãi không được, đành phải vừa đi vừa khóc. Dọc đường, bị quân sĩ ngăn lại, vì thế, họ hay chuyện và la mắng ầm ỹ, lại còn đòi tra cho ra kẻ đã lập mưu hãm hại Thái Tôn (Lê Duy Khiêm). Họ lùng tìm Liêm Tăng không được và ngờ là (Lê) Duy Cận chủ mưu. Lúc ấy, (Lê) Duy Cận đang chầu bà Trịnh Thái phi, nghi trượng còn để hết cả ở ngoài phủ đường, do vậy, quân sĩ lấy đập phá tan nát. (Lê) Duy Cận sợ quá phải thay đổi quần áo để chạy lẻn về cung.
    Trịnh Khải biết rõ việc này là do Trịnh Thái phi gây ra, bèn dụ dỗ bọn quân sĩ chớ làm huyên náo, rồi lập tức ra lệnh cho bọn bề tôi tâu xin Nhà vua lập (Lê) Duy Khiêm làm Thái tử. Lúc ấy (Lê) Duy Khiêm vừa 18 tuổi. (Trịnh Khải) còn bắt (Lê) Duy Cận phải làm tờ biểu dâng (Vua), xin nhường ngôi Thái tử (cho Lê Duy Khiêm). Sau đó, (Lê) Duy Cận bị truất xuống làm Sùng Nhượng Cô
    Lời bàn : Bỗng chốc được đưa lên ngai rồi bỗng chốc bị ném xuống huyệt, ấy là chuyện thường của triều đình đương thời, thêm trường hợp này cũng chẳng nhiều hơn, bớt trường hợp này cũng chẳng ít đi, nhiễu nhương thật khó mà tả nổi. Trong tay chúa, Thái tử và vua, bất quá cũng chỉ là những kẻ tội nghiệp.
    Sáu tuổi, Lê Duy Khiêm được tận mắt chứng kiến cảnh thân sinh của mình bị vu oan rồi bị tống ngục. Từ đó, Lê Duy Khiêm liên tục sống trong nỗi đau xé lòng : cha bị giết, bề tôi thân tín của cha bị hãm hại, chú được lập làm Thái tử rồi lại bị truất phế, các phe đảng trong phủ chúa coi nhau như cừu thú... Vậy nên, khi nghe Trịnh Thái phi Nguyễn Thị cho gọi, Lê Duy Khiêm hoảng hốt lo sợ, vừa đi vừa khóc, thảm thiết lắm thay !
    Cái ghế Thái tử lúc này mới đáng sợ làm sao. Ai được đặt lên đó, chưa ấm chỗ cũng đã bị giáng họa, nhược bằng thoát được, thì khi lên ngai vua cũng phải chịu trăm cay ngàn đắng, dễ gì thoát được đâu. Như Lê Duy Khiêm, làm vua lấy niên hiệu là Chiêu Thống, ngày vinh quang đếm chưa quá mười đầu ngón tay mà nhục nhã tính đã mấy trăm năm vẫn chưa hết được, khiếp thay !
    Hóa ra, làm kẻ đọc chuyện xưa của Thái tử, thế mà sướng hơn nhiều, cũng vinh hơn nhiều nữa.

  12. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 6/6 ĐầuĐầu ... 4 5 6

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình