+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Tản Mạn Về Vài Ngôi ĐÌNH

  1. #1
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts

    Tản Mạn Về Vài Ngôi ĐÌNH




    Tản Mạn Về Vài Ngôi ĐÌNH


    Đang chờ đề tài chợt xuất hiện để làm " Thơ Cười TỦM TỈM" mà chưa có, lan man nghĩ về những chuyện thuộc loại "Hồi Chầu Xưa", thì nhớ lại vài ngôi Đình đã ít nhiều quyện lấy cuộc đời, quấn chặt mấy chục ký xương da ... Dù nay đã xa vạn dặm mà không khí những nơi ấy hình như vẫn còn đọng lại đâu đây trong góc hai buồng phổi, rồi "tham gia" luân lưu, tuần hoàn trong huyết quản không chừng !

    Tôi không tìm hiểu Chư Thần của các ngôi đình sắp kể ra đây, công việc ấy của các nhà nghiên cứu phong tục, văn hóa, lịch sử, .... Tôi chỉ viết về chuyện của tôi và ĐÌNH:


    ***


    - Ngôi đình Tân Hòa (ranh ấp 2 và 3) hay đình làng Tân Thủy coi như là ngôi đình chánh của toàn xã, xã Tân Thủy còn một ngôi đình khác nhỏ hơn ở ấp Tân Định tức Giồng Sao mà về sau gọi là ấp 1...

    Ngoài hai ngôi đình ra, mỗi ấp đều có Miễu: Tỷ như ấp Tân Thành (ấp 3) có miễu Ông Tồn, ấp Tân An (ấp 4) có miễu Đụt ... rồi miễu Giồng Bà Tang (ấp 5 ), Lăng ÔNG (ấp 6, thờ cá ông chứ không phải như người Tàu thờ Quan Vân Trường), miễu Bà ở Bãi Ngao (ấp 7), Miễu Bà ở Tiệm Tôm (ấp 8)

    Đình Tân Hòa bề thế về kiến trúc, khuông viên, cây cảnh ... theo chỗ tôi biết thì đình được tái thiết, trùng tu nhiều lần do hư mụt, do mưa bão và nhất là do chiến tranh; Nhưng tổng thể vẫn giữ được nét cổ kính nhìn từ mọi góc cạnh

    Tôi đã học những lớp vỡ lòng ở đó. Vào thuở thanh bình giữa hai cuộc chiến, những năm cúng kỳ yên có hát bội, không khi nào thiếu sự có mặt của tôi, có khi tôi phải đi sớm giành chỗ nữa chớ !

    ,
    ***


    - Ngôi đình thứ hai là đình Phú Tự thuộc xã Phú Hưng, tỉnh Bến Tre ... Đình Phú Hưng nổi tiếng có cây Bạch Mai tuổi thọ dài hơn triều Nguyễn và các chánh thể về sau cộng lại ... đến nay Bạch Mai ấy vẫn được bảo tồn ... Tôi chỉ biết đến Bạch Mai về sau qua sách vở, văn thơ; Nhưng trong mấy tháng tôi ăn ở trong ngôi đình đó thì tôi không chú ý gì !

    Vì tôi bị lưu giữ ở đây trong bước đầu gọi là tập trung cải tạo, sống giữa sự hoang mang tột cùng, thay đổi đột ngột môi trường chứ đâu được như các cụ hồi xưa "Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu ... Chạy mỏi chân thì hãy ở tù ...." Vật vờ giữa các tin đồn đại phần nhiều thuộc loại bi quan, hy vọng được cho về dạy học rất mong manh dù rằng bản thân mình chẳng thấy có cái tội khỉ khô gì cả.

    Nên đình Phú Tự với tôi là những ngày lê thê với "Tội ác của Đế Quốc Mỹ và bè lũ tay sai ... Ba dòng thác cách mạng ... Lý lịch tự khai ... Thu hoạch ...." . Rồi nào là Xã Hội Chủ Nghĩa và Chủ Nghĩa Xã Hội ... lung tung một hồi thấy cũng y chang.

    Phú Tự với tôi là những bữa cơm trên cả đạm bạc, với canh rau dền gai cả lá và cây tướt vướng quơ quào cải thiện ... món canh đại dương không người lái đó làm bài học ngấm sâu: Tôi đời đời nhớ ơn rau dền, rau sam, rau diệu ... Rau dền sống mãi trong sự nghiệp văn thơ của gã NhàQuê nầy ... Đất nước ta có bao giờ được như thế nầy không !

    Tôi cảm ơn mái đình chở che và thần linh phò hộ rồi khổ nạn cuối cùng cũng qua theo niềm tin thiên định


    ***


    - Đình An Bình Đông tọa lạc cạnh con lộ đất đi tắt từ chợ quận Ba Tri qua chợ xã An Bình Tây, đình nằm trong lãnh thổ của xã An Đức ... có lẽ xưa lắm thì An Bình Đông là một xã trù phú; Nhưng đến khi tôi từ Giồng Bông vô học trường quận thì An Bình Đông là một ấp cho đến ngày nay.

    Hồi nhỏ tôi ít khi đi con đường nầy vì không có việc gì, vã lại nó chỉ là con đường đi vô xóm "ngoại ô" của chợ quận.

    Chỉ riêng hai năm đầu tiên Trường Trung Học Ba Tri còn được học chung tại cơ sở của trường tiểu học, đến năm thứ ba thì hình như trường tiểu học hết sức chịu đựng mới đẩy lần lần cái anh chàng mỗi ngày một lớn xác nầy ...
    Thầy trò dắt díu nhau lên trường mới cạnh đình An Bình Đông ... Nói là trường chứ đó là 3 (?) phòng học rất nhỏ hẹp mà vật liệu từ tôn, xi măng, cột, ... là những dư phế phẩm từ các nơi xây cất xong gom về ... Có còn hơn không !

    Trường Trung Học phát triển theo lẽ tự nhiên của nó với số học sinh mới tuyển thêm mỗi năm, nên vào giai đoạn đó các em thuộc thế hệ 1966, 1967 phải học các lớp mượn các cơ sở của đình ...

    Hồi tưởng lại thấy thương đứt ruột: Các em mới ngày đầu tiên vừa bước chân vào bậc trung học, vừa hân hoan khoác chiếc áo dài hay quần xanh sơ-mi trắng đã ì ạch cùng nhau phụ tha mấy bàn học từ trường tiểu học lên để "trang bị" cho nhà võ ca (rạp hát), nhà trù (nhà đãi ăn) của đình .... Hai cơ sở mà đình cho mượn làm lớp học ... hai lớp học cùng chung không vách ngăn !

    Tôi nhớ hoài hình ảnh con đường đất bụi bay mù trời: "Ngõ Vắng Xôn Xao" ngày các em khiêng bàn phải nghỉ nhiều lần dọc đường đó.

    Khi ấy các em học sinh trung học Ba Tri phải học ở ba địa điểm: Trường tiểu học, trường cạnh đình và trong đình ... Rồi tôi bị gọi nhập ngũ theo hạn tuổi chi phối bởi luật về quân dịch. Vào thời ấy thanh niên phải qua 4 năm phục vụ quân sự; Nhưng thực tế sau đó chiến tranh leo thang, nên sau trận Mậu Thân thì luật quân dịch bị thay thế bằng Lịnh Tổng Động Viên do đó thời hạn phục vụ quân sự 4 năm bị kéo dài vô thời hạn ...

    Rồi chánh phủ cũng nghĩ ra cách để giải quyết nhu cầu bên ngành giáo dục thiếu thầy, bằng cách cho "biệt phái về nhiệm sở cũ" như là hình thức giải ngũ mà không giải ngũ vẫn còn tên trong quân đội mà người thì do Bộ Giáo Dục sử dụng, điều động ...Đơn giản vậy mà hiểu bóp méo thế nầy thế nọ rất là đỉnh cao, vu oan, chụp mũ đủ điều !

    Ngày tôi trở lại thì trường đang xây cơ cở mới trên sân banh gần cầu sắt trên đường ra biển, thời gian gần đây có dịp điện thoại nói chuyện cùng anh Bùi Đức Lứt, Phó Quận Trưởng Hành Chánh trong thơi gian đó mới biết là chánh quyền quận lúc ấy rất tâm huyết với việc phát triển giáo dục, mới lấy khu đất nầy xây trường trong lúc chưa tìm được nơi nào để làm sân vận động thay thế !

    Công việc xây cất tiến dần và trường dần dần đủ phòng học và phát triển đến cấp lớp cuối của bậc trung học.
    Sau nầy khi tôi đã không còn dạy học nữa thi đình An Bình Đông là nỗi ám ảnh của tôi mà chưa ai hiểu nổi và chỉ hôm nay mới nói ra: Đó là mỗi khi có lễ lớn hay biến động gì đâu đó, chúng tôi những người còn dưới chế độ quản chế bị gom về đình, đêm ngủ trên tấm nylon mang theo trải dưới đất nơi cái võ ca mà không lâu trước đó là phòng học tạm tôi đứng giảng bài. Những đêm tập trung với sự canh gác của lực lượng võ trang, ngày thì tạp dịch đủ loại đủ kiểu cách đày đọa, hạ nhục ...
    Tôi hình dung những trường hợp đêm có người đến khều chân và dẫn đi đâu mất biệt ... Hình dung đến cái ông mang súng thái mái làm cướp cò hay tiếng nổ vu vơ "nhân tạo" đâu đó và liền theo là những loạt đạn bắn vãi rất gần ...Xong !

    Con người và con kiến !

    NhàQuê Feb 28, 2017



    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  2. Thành viên dưới đây cảm ơn NhàQuê vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình