+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Tản Mạn TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT

  1. #1
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts

    Tản Mạn TRÊN TRỜI DƯỚI ĐẤT

    Chuyện Cười TỦM TỈM

    +++++++++++++++++++

    Đi ăn PHỞ TÀU BAY LÝ THÁI TỔ CHÁNH GỐC
    (Của 1 lần đi Cali)
    .
    Và sự mong đợi "Phở Chánh Gốc" lần nầy làm tôi ê càng liền khi vừa ngồi vào bàn đã được người phục vụ dọn lên lổm ngổm nào giá sống, lá quế, ngò gai may là không có xà lách hay hẹ, cần tàu, ... Cái đó cũng tạm tha thứ vì sang dây Phở phải thay hình đổi dạng đôi chút theo thị hiếu của số đông Nam Kỳ giá sống!

    Tôi gọi ngay "cho tô xe lửa" bị cô chạy bàn có da có thịt hơn cả tôi trả lời như nạt "xe nửa gi" và liệng thực đơn trước mặt tôi ... Tôi nóng máy, nhưng cũng mở ra xem thì không có ghi chữ nào là xe lửa trong đó, chì dòng đầu là Tô Đặc Biệt lớn hoặc nhỏ và giá tiền ... cô chạy bàn lại hùng hỗ "bác muốn tô lào" ... Thì xe lửa! ... Cuối cùng tôi gặp chắc là tô phở Bắc Tân (Bắc Kỳ sau 1975), chứ không phải Bắc Cựu (Bắc Kỳ Di Cư 1954)
    Bỏ cái tật ghiền sưu tập phở !

    NhàQuê Aug 2012

    (Trích trong "Hỷ Khúc Ngao Du" 2012)




    ===============


    TẢN MẠN: Kể chuyện trên trời dưới đất

    ** Có lẽ tôi cũng giống như phần đông các Bậc Phàm Phu lấy sự ăn uống làm một thứ Khoái trong đời sống ... Cho nên nghe ai nói nơi nào có món gì ngon hay đặc biệt thì khi có dịp ghé qua nơi chốn đó, tôi thường "bỏ ra chút thì giờ quí báu" làm ít nhất một quả cho biết thực hư, cho biết sự tình .

    Thí dụ như mì Cầu Quay Mỹ Tho, mì Cây Gòn Gò Vấp, mì vịt tiềm Hải Ký Mì Gia Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn, mì xào giòn đồ biển Độc Lập Nha Trang, mì đồ biển Long Hải Bà Rịa, ... thí dụ như hủ tiếu Nam Vang Kim Tháp Chợ Lớn của anh Đại, hỏa đầu vụ đơn vị tôi, hủ tiếu tôm thịt Mỹ Tho, hủ tiếu hãng xăng Shell Nhà Bè, hủ tiếu khu cư xá ngã tư Thủ Đức, hủ tiếu cá Chợ Cũ Sài Gòn, hủ tiếu Mỹ Lồng , hủ tiếu Bến Miễu Giồng Trôm ... thí dụ như cháo lòng Ba Tri, cháo huyết chèo quảy Kim Biên, suông nhà hàng Thanh Thế Sài Gòn, nhưng bộ môn suông nầy thì ngon nhất phải kể suông cô bảy Dung Ba Tri, ... thí dụ như thịt cầy , như rùa rắn Sóc Trăng, lươn y Châu Đốc, lòng bò, bò đun bánh hỏi Tín Nghĩa ngã tư Quốc Tế Bến Tre, .... thí dụ như bánh bèo Ninh Hòa, nem nướng Ninh Hòa, nem nướng Giồng Trôm .... thí dụ như mì Quảng, cao lầu Hội An, .... thí dụ như bún bò Huế Hoàng Tử Cảnh Nha Trang, bì bún chị Thới (Biếu Ký Bến Tre) ... thí dụ như thịt bò bít tếch Chateaubriand (Chateaubriand Steak). ... thí dụ như phở Tàu Bay, phở Tương Lai, phở 79, phở chợ Chụt Nha Trang, ...

    Qua các "thí dụ như" .... vừa kể đó, tôi nghiệm ra rằng các món ngon được là nhờ tôi có cái háo hức tìm tòi, cái gia vị đặc biệt của từng tiệm quán, cái thoái mái khi thưởng thức và nhất là lúc cái bao tử đang có nhu cầu thành khẩn tiếp thu , ...


    ** Sau khi điểm qua một vòng sơ lược vài món ăn phổ thông, giờ xin ghi lại ký ức riêng về món PHỞ ... Nhiều bậc danh sĩ đã nói nhiều về món nầy , về xuất xứ, hành trình bành trướng phát triển, xuôi Nam chiếm lĩnh thị trường, chen lấn vào hàng danh gia vọng tộc ... đầy đủ rồi ... cho nên tôi chỉ nói về cái riêng theo kiểu nhà quê của mình mà thôi !


    Số là hơn 61 năm về trước, tôi là đứa nhỏ nhà quê 12 tuổi vô thành thị học hành, ... nghĩa là lúc đó đợt đầu tiên dân Bắc Kỳ Không Có Lý Luận mới xâm nhập ồ ạt vào miền Nam chừng 2 năm, ... nghĩa là họ còn đang co cụm, củng cố vị trí, chưa phát triển chủ nghĩa Phở một cách rộng rãi toàn diện, ... nghĩa là dân Nam Kỳ đang vẫn còn trong thời đại hủ tiếu, bánh xèo, bánh canh con dắn con dài ai mua tôi bán ai nài tôi thêm, ... nghĩa là dân Lục Tỉnh còn đang trong thời kỳ xài tiền xé hai: 10 đồng giấy xé hai theo chiều ngang mỗi miếng phân nửa là 5 đồng, 1 đồng xé hai mỗi miếng là 5 cắc (50 xu), ... nghĩa là khi cần chạy qua hàng xóm mượn đỡ 1 đũa tép rang về ăn cơm, bữa nào có trả lại sau, .... nghĩa là khi đất rộng người chưa đông, ra vườn sau nhà quơ quào vài phút có nồi canh rau chưa dùng phân hóa học, cây trái tự nhiên chưa ai nghĩ có ngày chúng bị kích thích tăng trưởng, hóa non thành chín, hóa héo thành tươi, ...

    Rồi đùng một cái, nền văn minh Thăng Long, nền văn minh con rồng uốn éo đem cả mưa phùn gió heo may vào tận mũi Cà Mau. Và theo bước chân Nam Tiến đó, Phở ào ạt "Tiến Về Sài Gòn" rồi "Tiến Về Đồng Bằng" ....
    Hai năm sau kể từ ngày tôi vô thành thị, nghe đồn rằng bên Mỹ ...Tho có món gọi là Phở, dùng thịt bò chứ không phải thịt heo như hủ tiếu, mà thịt bò vào thời đó khá hiếm do dân miền Nam thương trâu bò giúp ích trong việc đồng áng nên cử món thịt nầy, cử giết trâu bò vô cớ ...vân vân và vân vân ... Đó là tiệm phở Hy Lập, tiệm phở đầu tiên ở Mỹ Tho nằm trên đường đi Sài Gòn hướng cửa ra Giếng Nước ... địa hình địa vật nầy phải 2 năm sau tôi mới biết, mới có dịp ghé thử: Cái lạ là mỗi tô có cho thêm một khúc củ cải trắng bùi bùi ngon ngon; Vậy thì mất cả 4 năm cái món đặc biệt đó mới bắt đầu cải tạo tôi . Trước đó riêng tôi biết những người di cư có mấy chuyện khác chúng tôi ở chỗ là họ xin rau muống dưới ao nhà, mà chúng tôi chưa bao giờ nghĩ là nó là món rau dùng để ăn ... chúng tôi cho họ hái tự do mà chưa biết họ chế biến thành món ăn như thế nào ! ... Rồi thì phụ nữ có nhiều người nhuộm răng đen, tóc quấn chứ không bới ... Rồi thì họ bỏ tiền vô ruột tượng làm thắt lưng chứ không bỏ vô túi áo ... Mấy bà còn rình mò theo dõi nói thêm là mấy bà Bắc Kỳ đái đứng nữa là (Vụ nầy tui chỉ nghe mà thôi !) ... Và câu kết luận chắc như đinh đóng cột: Họ không phải NGƯỜI VIỆT MÌNH, câu kết luận vô cùng trật lất đủ mọi phương diện

    Sự hòa nhập của hai nền văn minh Bắc Nam đó không đơn giản, không dễ dàng chấp nhận ngay nhất là về hôn nhân, chứ đâu như ngày nay con gái Huế, con gái Bắc nói trọ trẹ mà nghe dễ thương thấy mồ ! Ba nền văn minh Rau Muống, Ớt và Giá Sống từ đấy hòa đồng chứ không bên nào bị đồng hóa, cùng giữ bản sắc và cùng rực rỡ thăng hoa .

    Khoảng năm 1958 hay 1959, Phở mới thả vòi qua đất Bến Tre với một tiệm duy nhất vào lúc đó, tiệm Biên Thùy nằm trên dãy phố phía mặt từ hướng cầu Cá Lóc đi lên sắp sửa tới Ngã Tư Quốc Tế, nhưng không nhiều khách, không biết do thực khách còn lưu luyến món hủ tiếu hay vì thợ nấu gia vị món phở của tiệm không hấp dẫn, không ngon ?! Hậu quả là tiệm lây lất sống và phải dời tới lui nhiều chỗ gần địa điểm đầu tiên, có lúc như một xe phở bên lề đường có lẽ không đủ chi phí mướn phố ? ! Và món rau đi kèm có khi dùng cà chua thái mỏng (chính tôi có ăn với đồ phụ tùng nầy) ... Để biết rằng thời kỳ Phở đến tỉnh lỵ Trúc Giang lập nghiệp vô cùng vất vả ... Mãi đến năm 1962 mới có thêm tiệm phở thứ hai, tiệm Thanh Bạch (? ! có thể nhớ tên không chính xác, do quá lâu) ở góc đường Lý Thường Kiệt và Trạng Trình (xéo góc qua ngã tư với tiệm vàng Lạc Thành), tiệm thứ hai nầy còn có bán thêm mấy món khác nữa chứ không ròng phở .. như thế có nghĩa là thường thường bậc trung không có gì xuất sắc, điền vào điểm yếu đó lại có cô con của chủ tiệm trắng trẻo, nhìn dễ cảm tình (cô em nha, cô chị là bạn Tuyết cùng lớp, và đắc cử phó lớp, liên danh mà tôi đứng đầu; diễn Nôm là đội sổ) ...

    Khi tôi tiến về Sài Gòn thì Phở đã trăm hoa đua nở, cùng với phương tiện giao thông cơ giới hơn ... nên người thành đô không ngại đường xa tìm đến những nơi đúng thị hiếu của mình ... Một vài hiệu phở nổi danh tôi trước sau có tìm đến ... đúng là các bậc sành điệu mô tả không ngoa ... mỗi hiệu có hương vị độc đáo của họ ... Trong số đó Phở Tày Bay là hợp sở thích tôi hơn cả.


    ** Đại lộ Lý Thái Tổ là con đường rộng phát nguyên từ khu vực chợ cá Trần Quốc Toản, một chợ cá không nằm gần sông ... từ đó đường vượt qua bùng binh ngã bảy (( Bùng binh nầy là nơi gặp nhau của các con đường Lý Thái Tổ (2), Phan Thanh Giản (1), Minh Mạng (1), Pétrus Ký(2) và Bà Hạt (1) ...)) đến công trường Cộng Hoà (( Công trường hay bùng binh nầy làm thành bởi các con đường: Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng, Cộng Hòa, Hồng Thập Tự và Phạm Viết Chánh)). Đại lộ Lý Thái Tổ đến đó là hết.
    Nối tiếp theo là đại lộ Cộng Hòa chạy thẳng qua chợ Nancy đến mé sông bến Chương Dương, chúng làm ranh giới của Sài Gòn và Chợ Lớn xưa, sau nầy một bên là Quận 3 .... Quận 2 và một bên là Quân 5 (một phần sau là Quận 10)

    Khi tôi biết Sài Gòn và Chợ Lớn đã hợp nhất hành chánh thành Thủ Đô không còn tỉnh Chợ Lớn nữa. Lúc đó Thủ Đô chỉ có 8 quân: Sơ lược là Quận Nhứt nằm về phía trước và trái Dinh Độc Lập đổ về phía Đa Kao... Quận Nhì bên phải hầu hết là trung tâm thành phố ... Quận Ba tiếp giáp Quận Nhứt và Quận Nhì đổ về hướng Chợ Lớn ... Quân Tư bên Khánh Hội ... Quận Năm trung tâm chợ Lớn lấy đường Đồng Khánh làm trục chánh ... Quận Sáu phía Tây bao gồm Phú Thọ, Phú Lâm ... Quận Bảy bên Bình Đông, bến Mễ Cốc ... Quận Tám khu Chánh Hưng, Phạm Thế Hiển .... Vì vậy nên có tuồng cải lương mà Út Trà Ôn đóng vai ông cò Quận Chín, cho không đụng chạm tới 8 ông cò kia ... Ai dè sau nầy có Quận Chín bên Thủ Thiêm và Quận Mười cắt từ Quận Năm và Quận Sáu vùng chùa Ấn Quang ... Bao vòng ngoài của Thư Đô là thuộc lãnh thổ tỉnh Gia Định.

    Nếu hướng từ chợ cá Trần Quốc Toản đi tới Ngã Bảy thì phở Tàu Bay nằm bên phía tay phải, sẽ gặp phở Tàu Thủy trước đó vài căn phố, bề ngang mỗi căn phố không rộng rãi như các nhà hàng ... phở Tàu Thủy phải nói là rất vắng khách ... còn phở Tàu Bay có khi thực khách ngồi trên xe đậu ngoài lề đường và tài xế mang ra xe cho chủ, vì không thể tìm được bàn ngồi ... Vài đặc điểm của phở Tàu Bay theo nhận xét của tôi:

    - Tô lớn đến độ không thể gọi là cái tô
    - Nước lèo (nước dùng) có vị đặc biệt hơi tanh tanh nhưng đó là điểm hấp dẫn không nơi nào có
    - Ngoài hành đã có trong mỗi tô phở ... trên bàn không có một thứ rau nào khác ... Điểm nầy phở Tàu Bay giữ vững lập trường, không nhượng bộ lai hóa như những hiệu phở khác là có thêm giá sống hoặc giá trụng
    - Tô phở đặc biệt của phở Tàu Bay có tên riêng là TÔ XE LỬA, các hiệu phở khác không thấy tiệm nào dùng tên ấy.


    NGHE NÓI - là mỗi ngày tiệm chỉ bán đúng số tô đã xếp thành chồng sẳn, không bán thêm dù nước, bánh, thịt có còn đi nữa và đầu bếp phủi tay, cởi tạp dề nghỉ .. chấm hết - nghe nói là ông tướng pháo binh NĐT mỗi lần phải cần tới 2 Tô Xe Lửa mới vừa sức ... tôi có thử nhưng tô thứ hai hơi dội, nhưng bù trừ lâu lâu mới ghé một lần.
    Mấy chục năm qua chưa tìm được hương vị của phở Tàu Bay, nên một lần trên chuyến bay rời Cali đọc báo biếu thấy quảng cáo Phở Tàu Bay Chánh Gốc Lý Thái Tổ nên lần khác quay lại Cali tìm thử và gặp "biến cố, sự kiện" như kể phần đầu
    .

    Các nhà sành điệu còn dạy rằng: ăn phở đúng cách không có trộn xà ngầu lên mà cứ để y vậy mà thanh toán từ từ ... Riêng tôi thì ăn phở không nên dùng muỗng, chỉ đôi đũa là đủ, nước thì bưng tô mà húp, mùi thơm bốc thẳng vào mũi ...đã lắm ! ... thử đi ! dù cách nầy có vẻ phàm phu tục tử !


    ** Thề rằng từ nay nếu có trở lại Cali nhất định sẽ tránh hai nơi: phở TÀU BAY và hủ tiếu THANH XUÂN ... uổng tiền !


    NhàQuê Apr10, 2017


    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  2. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn NhàQuê vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình