+ Trả lời chủ đề
Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2
Hiện kết quả từ 11 tới 16 của 16

Chủ đề: Mạc Thái Tổ

  1. #11
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    GS. Văn Tạo (Viện Sử học):
    Toàn bộ công tích của nhà Mạc cống hiến cho dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng của Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau: Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ, Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Thành tựu của nhà Mạc không ai có thể phủ nhận được.
    ...Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra khủng hoảng cung đình như khủng hoảng cuối Tiền Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay như “Loạn ba vương thời Lý”, việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần… nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này.
    Lịch sử đang cần có một nhân vật đứng ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử đã lựa chọn Mạc Đăng Dung. Nói “Lịch sử đã lựa chọn” là nói thực tế khách quan đã có sự giằng co giữa các thế lực, mỗi thế lực có người đại diện của mình và đều là nhằm giành ngôi nhà Lê đang suy tàn, bất lực. Nhưng sau khi loại trừ lẫn nhau, cuộc “chung kết” chỉ còn lại có hai đối thủ là Nguyễn Hoằng Dụ và Mạc Đăng Dung. Cuối cùng Mạc Đăng Dung đã thắng, tức Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn.
    ...Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng là “Vạn sự khởi đầu nan”, công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung. Nhân dân ta một khi đã thừa nhận là nhà Mạc có những cống hiến nhất định cho dân tộc thì không thể không thừa nhận công lao của Mạc Đăng Dung.
    — Trích bài Nhà Mạc và Thái tổ Mạc Đăng Dung

    PGS. Trần Thị Vinh (Viện Sử học):
    Nhiều nhà viết sử và nghiên cứu lịch sử cho Mạc Đăng Dung là kẻ “cướp ngôi”, là “thoán đoạt”, là “nghịch thần”,... và... Nhưng hãy hỏi nếu như trong tình thế lịch sử lúc đó ở triều đình nhà Lê, vua không ra vua, tôi không ra tôi, vậy ai sẽ là người đứng lên gánh lấy sứ mệnh trọng đại này? Nếu không là Mạc Đăng Dung thì sẽ là một người nào đó. Vì vậy sự kiện Mạc Đăng Dung đã từng gửi gắm ba phần tư quãng đời để lập ra triều đại mới của dòng họ Mạc không phải là một điều sỉ nhục như nhiều sử thần thời phong kiến đã gán cho Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc phải được trả về với vị trí của mình.
    Tôi đồng tình với một số ý kiến của giới sử học gần đây trong cách đánh giá Mạc Đăng Dung và nhà Mạc. Tức chúng tôi nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải như một kẻ “nghịch thần” và cũng nhìn nhận một cách tương đối có cơ sở về những đóng góp của vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử nói chung. Nếu coi Mạc Đăng Dung là kẻ “thoán đoạt”, là “nghịch thần”,... và coi nhà Mạc là “ngụy triều” tức là đã phủ nhận những đóng góp chung của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Còn nếu coi những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung ở cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI dẫn tới việc thiết lập vương triều Mạc là có tội thì trước kia vào cuối thời Lý đầu thời Trần, Trần Thủ Độ cũng dùng mưu mẹo thậm chí dùng cả hành động độc ác ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, giành cơ đồ về tay nhà Trần đưa nhà Trần lên trường chính trị tương tự như vậy tại sao lại không bị lịch sử lên án? Nói tóm lại trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, việc triều đại này đổ, triều đại kia lên là một tất yếu lịch sử.
    Như triều Lê thay triều Đinh, triều Lý thay triều Lê, triều Trần thay triều Lý, triều Hồ thay triều Trần, và triều Mạc thay triều Lê cũng là điều tất yếu lịch sử. Một số nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly hay Mạc Đăng Dung gắn liền với các sự kiện thay đổi của các triều đại nói trên cũng là tất yếu lịch sử. Những nhân vật đó không thể bị coi là có tội trước lịch sử như quan niệm cũ.
    — Trích bài “Thể chế chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ XV đầu XVI và những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung tiến tới thành lập Vương triều Mạc” trong cuốn Vương triều Mạc

    Trần Khuê (Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm):
    Chẳng phải chính vua Quang Trung sau chiến thắng Đống Đa lừng lẫy vẫn phải vờ vịt thần phục thiên triều và cử giả vương sang làm lễ ôm gối Càn Long nhà Thanh chiến bại để tỏ tình phụ tử?
    Chẳng phải chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta vẫn thấy cần hạ mình đến thăm tên tướng Tàu phù Tiêu Văn để đưa dân tộc thoát cảnh hiểm nghèo vào lúc Việt Nam dân chủ cộng hòa còn trong trứng nước? Chẳng lẽ lịch sử đã coi đó là những hành động ngoại giao khôn khéo lại không phải là sự đánh giá công bằng, chính xác?
    Rút lại nhà Mạc thường bị lên án về ba tội: cướp ngôi nhà Lê, cắt đất của Tổ quốc dâng cho nhà Minh, đầu hàng nhà Minh một cách nhục nhã. Với quan điểm của chúng ta hiện tại: việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại, một dòng họ đã suy tàn là hợp quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên bờ cõi và bảo toàn chủ quyền là khôn khéo. Còn tội “cắt đất” dâng cho kẻ thù rõ ràng là không có chứng cứ chính xác.
    — Trích trong “Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc”, 1991

    TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm):
    Tóm lại có 3 sự kiện nổi bật liên quan đến việc đánh giá nhà Mạc. Một là lên ngôi của Mạc Đăng Dung thường được coi là thoán đoạt, nhưng là sự “thoán đoạt”, trong lúc triều đình nhà Lê hoàn toàn suy sụp. Vì vậy cũng không nên coi hành động này của Mạc Đăng Dung là cướp ngôi. Hai là để tránh thảm hoạ chiến tranh xâm lược, nhà Mạc đã chấp nhận giải pháp đầu hàng có tính nghi thức theo yêu sách của nhà Minh. Ba là bốn động biên giới nước ta đã bị nhà Minh lấy lại thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, trái lại đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh.
    — Trích trong “Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, HN, 2001)

  2. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  3. #12
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Nguyễn Gia Kiểng so sánh giữa Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung trong những phương cách hành xử khác nhau trước những biến thiên của thời thế:
    Người ta lên án Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đã phản bội vua và cướp ngôi. Điều này vào thời đại đó và với khuôn mẫu đạo lý đó là đúng. Nhưng ngày nay nhìn lại thì sao? Nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng giáo vẫn còn là tốt cho đất nước và cần được duy trì thì cả Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung đều đáng lên án. Ngược lại nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng giáo là khuôn mẫu cỗ hủ đáng lẽ không được duy trì quá lâu như vậy, thì hành động thoán nghịch của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung phải được coi là đáng khen vì nó là một thách thức đối với khuôn mẫu Khổng giáo. Còn nếu chúng ta không có ý kiến dứt khoát thì hành động thoán nghịch chẳng là công mà cũng chẳng là tội. Nó chỉ là một biến cố chính trị. Vậy thì ngoại trừ đối với một số người thủ cựu một cách mê muội, cái tội thoán nghịch không nên đặt ra nữa. Cái gì bắt một dân tộc phải tiếp tục chịu đựng những ông vua tồi tệ như cuối đời Trần hay cuối đời Hậu Lê? Đạo lý nào bắt buộc như vậy chỉ là một đạo lý tồi tệ. Xét công, tội của Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung phải dựa vào những gì họ để lại sau đó.
    Người ta lên án Mạc Đăng Dung đã dâng đất cho Trung Hoa. Nhưng sự dâng đất này chỉ là hình thức và không đáng kể. Mạc Đăng Dung chỉ dâng năm động ở Cao Bằng. Năm cái động đó có đáng gì đâu so với ngay cả những đất đai mà nhà Lý, được coi là oanh liệt, đã phải nhượng cho Trung Quốc để cầu hòa, sau nhiều cố gắng chiến dấu. Vả lại, người Trung Hoa chẳng bao giờ sang tiếp thu năm cái hang núi này cả, cho nên trên thực tế, Mạc Đăng Dung không làm mất một tấc đất nào.
    Người ta coi Hồ Quý Ly hơn Mạc Đăng Dung, ở chỗ Hồ Quý Ly đã dám đánh lại quân Tàu, dù là đánh để rồi thua và mất nước. Người ta sỉ vả Mạc Đăng Dung là đã hèn nhát xin hàng tướng Tàu, dù nhờ đó mà Việt nam tránh được chiến tranh và không mất nước.
    Tại sao lại có việc trọng Hồ Quý Ly, khinh Mạc Đăng Dung? Có hai lý do. Lý do thứ nhất là tinh thần quốc gia chúng ta không cao. Ta không coi trọng những gì có lợi cho đất nước mà chỉ để ý xem cái gì là độc đáo trong một con người; chúng ta vẫn suy luận như những cá nhân chứ không phải như một dân tộc. Lý do thứ hai là óc tôn thờ chiến tranh đã nói ở một phần trước trong sách này. Đánh bao giờ cũng có sức quyến rũ hơn hòa, dù là đánh ngu xuẩn như Hồ Quý Ly.
    Cho đến ngày nay, lập trường trọng Hồ khinh Mạc vẫn còn ngự trị, điều đó chứng tỏ trí tuệ tập thể chúng ta vẫn còn mê muội, tâm lý của chúng ta vẫn chưa được khai thông.
    — Trích bài viết “Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung” trong sách “Tổ quốc ăn năn”, 2002

    GS.TSKH. Phan Đăng Nhật (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian):
    Phong kiến nhà Lê đã nhiều lần liên tục cho người đi cầu cứu nhà Minh đem quân sang đánh ta. Với danh nghĩa là đánh Mạc, nhà Minh sẽ thừa cơ tàn sát tiêu diệt luôn cả nước Việt. Đây là một mục đích truyền đời của phong kiến phương Bắc. Nhà Lê thừa biết điều này, nhưng vì quyền lợi ích kỷ của vương quyền, vẫn cứ ra sức van nài nhà Minh.
    ...Mạc Thái Tổ cũng dùng cả đấu tranh chính trị, đưa trạng nguyên Giáp Hải đi, để biểu lộ ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước qua việc hoạ thơ. Có người nói bài thơ đã đuổi được giặc. Không thật đúng. Bài thơ là một bộ phận của cuộc đấu tranh toàn diện, có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh này.
    Thái tổ Mạc Đăng Dung đã lựa chọn một phương thức đấu tranh tổng hợp rất thông minh, vừa làm cho địch đủ ngại ngần, lo sợ, vừa đủ cho thiên triều đỡ mất mặt. Ông lại đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên sỹ diện cá nhân. Nhờ vậy mà đẩy lùi được 22 vạn quân ngoại xâm và ít nhất một vạn nội phản; mà không tốn một mũi tên, không mất một giọt máu.
    ...Nếu đối chiếu các điều kiện thần phục, trong tình hình đối nội, đối ngoại quá gay gắt và phức tạp như vậy, thì việc thần phục của vua Mạc đã mất một số hư danh mà được nhiều thắng lợi thực tế. Trong đó, quan trọng là tránh được một cuộc chiến tranh thảm khốc, bao gồm lực lượng của quân Minh bên ngoài ép vào và quân Lê-Trịnh từ trong đánh ra. Xét trong lịch sử ngoại giao của chúng ta với phong kiến Trung Quốc có nhiều trường hợp phải hết sức lựa chiều, khéo léo.

    So sánh phương án hành xử với quân xâm lược nhà Minh của Mạc Đăng Dung và Lê Lợi, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Đăng Lợi viết:
    “Bình Định vương Lê Lợi đại thắng quân đô hộ Minh nhưng vẫn phải cấp tàu xe, lương thảo cho Vương Thông rút quân, phải trả lừa, ngựa, binh khí, tù binh cho y; lại phải thực hiện danh nghĩa phù Trần diệt Hồ của nhà Minh mà dựng Trần Cảo làm vua, phải cống người vàng...”

    Học giả kiêm sử gia nổi tiếng đầu thời nhà Nguyễn là Phan Huy Chú cũng có nhận xét tương đồng:
    “Xét buổi đầu Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần; dùng lời nói dịu dàng, mềm dẻo để nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hoà hiếu. Đến khi Trần Cảo chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho, trải 3 năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Thế cũng đủ thấy sự thế bây giờ là khó.”

  4. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  5. #13
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    GHI NHẬN

    Từ những kết quả nghiên cứu mới trong ngành sử học và văn hoá Việt Nam khởi đầu từ những năm cuối thập niên 1980 nhằm đánh giá lại một cách thực sự khách quan và công bằng những đóng góp trên nhiều lĩnh vực của triều Mạc đối với lịch sử dân tộc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quang Nghị đã ký Quyết định số 24/2002/QĐ-BVHTT ngày 17-9-2002, công nhận Từ đường họ Mạc ở Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch 10,5ha đất tại xã Ngũ Đoan (đất phát tích nhà Mạc và khu vực Dương Kinh xưa của vương triều Mạc) để xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc và các Vua nhà Mạc. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định đưa công trình này vào danh mục các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, bởi lịch sử vương triều Mạc là một phần không thể thiếu của lịch sử Thăng Long-Hà Nội.
    Sau một thời gian dài lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân và các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá có uy tín, sáng ngày 25 tháng 8 năm 2015, UBND Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội đã chính thức tổ chức lễ gắn biển phố mang tên hai vị vua đầu triều Mạc là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) theo Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 06/7/2015 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội và Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn Thủ đô.
    Trước đó, tên hai vị vua Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông đã được đặt cho tên đường phố ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cụ thể, Mạc Đăng Dung được đặt tên đường ở 9 tỉnh, thành phố như: Đường ở thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; đường ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; đường ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng; đường ở huyện An Phú, Thành phố Hồ Chí Minh… Mạc Đăng Doanh được đặt tên đường cho đường ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng và đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

    Vai trò lịch sử của Dương Kinh thời Mạc
    Sau khi lên ngôi, Mạc Thái Tổ chỉ làm vua 3 năm rồi nhường ngôi cho con trưởng là Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), còn mình về quê hương Cổ Trai làm Thái thượng hoàng và cho xây dựng kinh đô thứ hai là Dương Kinh. Trong nhiều đợt khảo cổ gần đây, tại khu vực thôn Cổ Trai xuất lộ những di vật thời Mạc như thành luỹ, hệ thống hào nước, gốm sứ hoa màu lam, đồ sành, đồ đá, đất nung với những nét hoa văn mang phong cách nghệ thuật điển hình của thế kỷ 16. Ở đây, tại chùa Phúc Linh vẫn còn lại những thành bậc đá kích thước lớn, trang trí cầu kỳ, bố cục tương tự các thành bậc ở điện Lam Kinh và Kính Thiên thời Lê Sơ. Điêu khắc đá thời Mạc tại Dương Kinh có nhiều đề tài chưa từng được thấy tại các nơi khác như tượng Nghê đồng, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và bộ tượng Tam Thế.
    Theo sử sách, nhằm thực hiện chính sách cải cách kinh tế nông nghiệp, mở mang công thương nghiệp, sản xuất hàng hoá, xây dựng nền kinh tế hướng ra biển, ngoài kinh thành Thăng Long, Mạc Thái Tổ còn tạo dựng sự sầm uất ở Cổ Trai quê hương ông và Dương Kinh, kinh đô thứ hai có vị thế gần biển, sông với nhiều ngả nối liền phố Hiến, Thăng Long. Để Dương Kinh trở thành đô thị ven biển xứ Đông, nhà Mạc cho xây dựng một số thương cảng trên bến dưới thuyền làm nơi giao lưu hàng hoá trong và ngoài nước, từng bước đưa Dương Kinh xưa trở thành đô thị đầu tiên của Hải Phòng, đô thị ven biển đầu tiên của người Việt. GS. Trần Quốc Vượng và một số nhà nghiên cứu từng nhận định rằng, cho tới trước thế kỷ 17, tầm nhìn hướng biển mang tính kinh tế của nhà Mạc (hay cụ thể là của người đã sáng lập ra triều Mạc, tức Mạc Đăng Dung và những vua kế nghiệp ông) là vừa có tầm xa và rộng hơn nhiều so với tất cả các triều đại phong kiến Việt Nam đã tồn tại trước đó.

  6. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  7. #14
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Dưới thời nhà Mạc đất nước có nhiều chuyển biến khác trước cả trên lĩnh vực kinh tế, văn hoá và tư tưởng.
    - Về lĩnh vực kinh tế: Mạc Thái Tổ đã đưa ra một số quy chế về ruộng đất bao gồm: binh điền, lộc điền, quân điền, dựa trên các quy chế đã có từ thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) hay việc cho đúc tiền Thông Bảo.
    Thời kỳ Mạc Thái Tông trị vì có thể coi là thời kỳ đỉnh cao của nhà Mạc. Lúc đó nhà Lê chưa trung hưng, toàn cõi do nhà Mạc cai quản, cảnh thịnh trị được các sử gia nhà Lê - triều đại đối địch với nhà Mạc - soạn Đại Việt sử ký toàn thư, phải ghi nhận: "đêm ngủ không đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi".
    Nhà Mạc có chính sách khuyến nông, ưu tiên cấp ruộng đất cho binh lính, chú trọng khẩn hoang, lập làng, đắp đê, nhất là ở vùng Đông Bắc. Nhà Mạc không theo chính sách "trọng nông, ức thương" như thời Lê sơ, mà có chính sách rất cởi mở về nội thương và ngoại thương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hoá, thông thương trực tiếp với thị trường nội địa và ngoài biển. Sản phẩm gốm sứ hoa lam của nhà Mạc ở Bát Tràng, Nam Sách có thương hiệu (ghi tên và địa chỉ người sản xuất và người đặt hàng) với men sứ đặc sắc, tinh vi đã được xuất khẩu sang các nước Đông Nam á và nhiều nơi khác trên thế giới. Một số đồ thủ công mỹ nghệ như tạc tượng, đúc chuông cũng được khuyến khích phát triển mạnh.
    - Về lĩnh vực văn hoá:Nhà Mạc luôn chú trọng và cởi mở trong chính sách thi cử, đào tạo nhân tài cho đất nước (kể cả đối với phụ nữ). Cứ 3 năm mở một kỳ thi Hội, đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đậu 477 tiến sỹ, 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa, (chỉ đứng sau thời Lê Thánh Tông). Trong đó, tiêu biểu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cây đại thụ trùm bóng cả thế kỷ 16, Trạng nguyên Giáp Hải, Nguyễn Thiến.... và bà Nguyễn Thị Duệ (Trần Thị Duệ), người làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh được công nhận là Tiến sĩ nữ đầu tiên của nước ta. Do triều đình trọng chữ Nôm, khuyến khích sáng tác thơ văn chữ Nôm, nên văn học Nôm phát triển mạnh nhất là văn bia chữ Nôm (hiện đã sưu tầm được 145 bia, riêng ở Hải Phòng là 22 bia). Việc xây dựng ngôi đình Tây Đằng - ngôi đình đầu tiên trong lịch sử văn hoá Việt Nam đã mở đầu cho nền kiến trúc dân tộc khẳng định rằng: dưới Vương triều Mạc, nhiều ngành nghệ thuật như điêu khắc, hội hoạ, văn hoá dân gian... phát triển rực rỡ và độc đáo.
    - Về tư tưởng: Do Mạc Đăng Dung và nhiều người họ hàng nhà Mạc vốn xuất thân từ bình dân, làm nghề chài lưới ven biển, không ràng buộc với kinh tế tiểu nông và tư tưởng Nho giáo, nên bên cạnh việc tôn trọng Nho giáo, nhà Mạc đã từng bước phá bỏ thế độc tôn của Nho giáo khắt khe đã từng ngự trị dưới thời Lê Thánh Tông. Bằng việc nhà Mạc cho xây dựng nhiều ngôi đền, chùa, đình, cho tạc nhiều tượng đá chân dung người... để nhân dân được tự do hơn về tư tưởng, tự do về tín ngưỡng tôn giáo.
    - Về thể chế Nhà nước: Vương triều Mạc chính thức tồn tại với một chỉnh thể quân chủ bao gồm đủ cơ cấu, đủ thành phần giai cấp trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Với nhiều điều luật cải cách, nhà Mạc đã từng tạo ra một xã hội ổn định, no ấm, có kỷ cương. Sử nhà Lê - Trịnh đầy tinh thần thù hận với nhà Mạc cũng buộc phải thừa nhận một sự thực: "Mạc có lệnh cấm các xứ Trong, Ngoài người ta không được cầm giáo, mác và binh khí hoành hành ở đường xá. Ai trái thì Pháp ty bắt. Từ ấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng đi kiểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi bình yên".
    Nghệ thuật thời Mạc chủ yếu là trong lĩnh vực kiến trúc và trang trí, thể hiện ở những công trình xây dựng trong cung đình, chùa chiền và tại các làng xã.
    Công trình xây và tu bổ chùa thời Mạc tại các địa phương gồm có: Hải Phòng 27 chùa; Hải Dương và Hưng Yên 36 chùa; Hà Tây cũ 28 chùa.
    Từ thời Mạc, đình làng được dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Hai ngôi đình nổi tiếng nhất thời kỳ này là đình Đông Lỗ và đình Tây Đằng. Nghệ thuật kiến trúc và trang trí thời Mạc được đánh giá là đã tạo một bước ngoặt lớn trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

    Chính sách dùng người
    Người cựu triều

    Trong sách "Nhà Mạc và vấn đề nguỵ triều trong sử sách"[26], các nhà nghiên cứu ghi nhận nhà Mạc đã mạnh dạn sử dụng quan lại cũ của nhà Lê, điển hình là 4 trạng nguyên đỗ thời Lê sơ: Nguyễn Giản Thanh, Hoàng Văn Tán, Ngô Miễn Thiệu, Trần Tất Văn.
    Ngoài ra, trong quá trình "bình định thiên hạ", Mạc Thái Tổ đã "thu phục" nhiều tướng lĩnh giỏi của nhà Lê như Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Vũ Hộ, Phạm Gia Mô... những người đắc lực giúp ông mở ra nhà Mạc.

    Cởi bỏ thù hằn
    Không chỉ dám dùng người cựu triều thù địch, nhà Mạc còn dám trọng dụng cả những người từng theo địch trở về. Điều này được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao.
    Vụ ly khai của hai nhà thông gia Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến năm 1550 kéo theo một loạt con em của hai họ này, cũng đều là đại thần nhà Mạc như Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Nguyễn Khải Khang, Lê Khắc Thận. Nhưng tới năm 1558, khi hai cha già họ Lê và họ Nguyễn qua đời, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn trở về theo Mạc và được trọng dụng không chút nghi ngờ. Miễn được gả công chúa làm phò mã, Quyện trở thành cha vợ vua (Mậu Hợp) rồi sau đó liên tiếp lập công đánh bại quân Lê Trịnh, thành danh tướng Bắc triều. Kết quả đó lôi kéo Lê Khắc Thận, dù đã làm tới thái phó của Lê Trịnh vẫn vượt luỹ về Mạc năm 1572.
    Thật hiếm triều đại nào có chính sách dùng người cởi mở, bao dung trong thời kỳ loạn lạc như nhà Mạc, nếu so sánh những sự kiện trên với các triều đại khác. Sự bao dung của nhà Lý, nhà Trần với vài thủ lĩnh nổi dậy chỉ là cách đối phó để giữ miền biên xa xôi, không dùng với tướng sĩ "người miền xuôi" đã phản. Hậu Trần Giản Định Đế nghi ngờ Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân từng phục vụ nhà Hồ và hàng quân Minh nên giết 2 tướng giỏi; Lê Thái Tổ giết hết các người Việt từng theo phục vụ quân Minh; Lê Thánh Tông giết đại thần Lê Lăng vì từng ủng hộ Lê Khắc Xương lên ngôi... Có lẽ nhà Mạc đã học được tấm gương của Tề Hoàn Công thời Xuân Thu dám dùng Quản Trọng, dù từng có cái thù bắn tên vào đai áo.
    Chính sách dùng người của nhà Mạc còn được đời sau ca ngợi. Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cuối thời Lê trung hưng ghi: "cái đức chính của thời Minh Đức (niên hiệu của Mạc Thái Tổ) và Đại Chính (niên hiệu của Mạc Thái Tông) nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên thời vận đã về nhà Lê mà lòng người hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết...".

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


  9. #15
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Nhận định
    Giành quyền
    Nhà Hậu Lê suy thoái, triều chính rối ren đánh giết lẫn nhau, các vua quỷ Uy Mục đế, vua lợn Tương Dực đế và Chiêu Tông đều không đủ năng lực cầm quyền, các quyền thần họ Trịnh, họ Nguyễn đều chứa chấp mưu đồ riêng, nông dân nổi dậy khởi nghĩa. Mạc Đăng Dung đã xuất hiện trong bối cảnh đó và chỉ trong chưa đầy 10 năm ông đã dẹp yên tình hình nước Đại Việt. Việc nhà Mạc thay thế một nhà Hậu Lê không còn đủ năng lực và bị thiên hạ chán ghét là tất yếu của lịch sử. Nếu dòng họ Mạc không nổi dậy thì các dòng họ thế tộc khác cũng làm điều tương tự trong bối cảnh lúc đó[30]. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng sự thay thế nhà Lê của Mạc Đăng Dung là "hợp với đời và đạo"[31].
    Nội trị
    Thời kỳ thịnh trị của Mạc Thái Tông cho thấy năng lực trị nước của nhà Mạc không kém nhà Lê. Đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn như khi nhà Hồ thay nhà Trần. Những lực lượng chống đối nhà Mạc chính là những thế lực cũ thân nhà Lê. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân nào. Điều đó cho thấy nhà Mạc được lòng dân. Sách Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn phải thừa nhận Thái Tổ Mạc Đăng Dung "được lòng người hướng về". Sau khi Hiến Tông qua đời, các vua Mạc lên thay đều là ấu chúa, biến loạn trong ngoài rất nhiều nhưng nhà Mạc vẫn đứng vững. Ngoài năng lực của người phụ chính, hẳn phải có nền tảng là sự ủng hộ của nhân dân Bắc Bộ lúc đó. Việc họ Mạc tiếp tục cát cứ tại Cao Bằng, ngoài sự can thiệp của nhà Minh, nếu không được lòng người thì không thể tồn tại tới 80 năm.
    Đặc biệt, nhà Mạc rất coi trọng việc phát hiện nhân tài, do đó dù chiến tranh liên miên nhưng các kỳ thi vẫn tổ chức khá đều đặn. Ngay cả khi cát cứ trên Cao Bằng, việc thi cử vẫn còn duy trì.
    Một đặc điểm nữa là cả năm đời vua nhà Mạc không có nạn quyền thần trong thời gian cai trị, dù nhà Mạc khởi nghiệp từ một quyền thần trong triều Lê. Đó là điều mà các triều đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam đều gặp phải. Do đó thời Mạc không có việc phế lập, khuynh loát trong cung đình. Duy nhất vụ "bất đồng chính kiến" trong việc lập người thừa kế (Mạc Phúc Nguyên và Chính Trung) năm 1546 - 1551 đã bị đánh dẹp.
    Về ngoại giao
    Về ngoại giao, một số nhà sử học lên án hành động tự trói mình, tạ tội, đầu hàng nhà Minh của Mạc Đăng Dung ở biên giới năm 1540, vì điều đó làm mất thể diện của nước Đại Việt. Nhưng cũng có người cho rằng trong bối cảnh lúc đó, việc này là bắt buộc không còn lựa chọn khác. Ở Thanh Hoá, nhà Lê đánh ra, tại Tuyên Quang, chúa Bầu họ Vũ chưa dẹp được. Phía bắc, nhà Minh uy hiếp. Kẻ thù nguy hiểm nhất chính là người phương Bắc. Có lẽ Mạc Đăng Dung không muốn lặp lại thảm kịch của nhà Hồ sau khi thay ngôi nhà Trần nên buộc phải hành động như vậy, vì nếu đối đầu, nhà Mạc chắc chắn sẽ thất bại. Các nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm này còn cho rằng, chính vì hổ thẹn và suy sụp sau hành động này mà Mạc Đăng Dung, vốn đã cao tuổi, nên ốm và mất không lâu sau đó. Sự nhẫn nhục của Mạc Đăng Dung không những trực tiếp cứu nhà Mạc mà còn gián tiếp cứu nhà Lê trung hưng, bởi nếu nhà Mạc bị nhà Minh diệt như nhà Hồ thì nhà Lê cũng sẽ bị nhà Minh diệt như nhà Hậu Trần.
    Sau khi thất thế, nhà Mạc tiếp tục dựa vào ảnh hưởng của nhà Minh để tồn tại ở Cao Bằng, nhưng tuyệt nhiên không mượn quân nhà Minh. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đại thần Mạc Ngọc Liễn (vốn là người khác họ được cải họ vua) trước khi mất tại Trung Quốc đã dặn lại vua tôi họ Mạc rằng:
    "Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng... Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế!... Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng". (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 17)
    Các đời sau họ Mạc đã làm đúng như Mạc Ngọc Liễn dặn lại. Thua trận, phải rời khỏi ngôi cai trị nhưng không cố giành giật lại bằng mọi giá, điều đó nhà Mạc hơn nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn sau này.
    Chính thống
    Nhà Mạc cuối cùng bị mất ngôi khi nhà Lê hồi phục nhờ sức quyền thần nên các sử gia của triều đại thắng trận ra sức hạ thấp nhà Mạc trong sử sách. Do sự chi phối quan điểm của nhà Lê và nhà nguyễn, Nhà Mạc bị gọi là "ngụy triều". Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những gì nhà Mạc đã làm, đây thực sự là một vương triều tuy thời gian tồn tại ngắn, nhưng có vai trò tích cực nhất định trong lịch sử Việt Nam. Nhà Lê dù thắng trận nhưng về thực chất thì không còn, cơ nghiệp nhà Lê trung hưng thực ra là cơ nghiệp họ Trịnh.
    Giáo sư sử học Văn Tạo trong bài viết "Nhà Mạc và vấn đề ngụy triều" đã vạch rõ: Họ Trịnh và họ Nguyễn lấy tiếng là giúp nhà Lê nhưng thực ra là lo làm lợi cho mình. Họ Trịnh phù Lê nhưng lại phế truất và giết các vua Lê. Họ Nguyễn phù Lê nhưng chỉ lo phát triển cơ đồ riêng và cái cớ chống họ Trịnh. Giáo sư Tạo nhấn mạnh: "Mạc là ngụy công khai, Trịnh Nguyễn là ngụy giấu mặt".
    Cách nói "nguỵ" cũng chỉ là theo quan điểm của các sử gia thời phong kiến. Các nhà sử học ngày nay đã thay đổi quan điểm này và nhà Mạc đã được nhìn nhận như một triều đại bình đẳng với các triều đại "chính thống" khác.
    Nguyên nhân thất bại
    Lực lượng chống đối nhà Mạc, cụ thể là lực lượng nhân danh nhà Lê, những người ủng hộ nhà Lê còn mạnh. Vấn đề chính thống chỉ có một vai trò nhất định, vì Nam triều hay Bắc triều đều có lý lẽ của mình. Bắc triều dù là người đi cướp ngôi, nhưng từ Lê Uy Mục, nhân dân đã chán ghét nhà Lê. Nam triều dù đã mất uy tín nhưng với một bộ phận nhân dân, nhất là vùng "căn bản" quê hương nhà Lê (Thanh Hoá) trở vào còn nhớ công lao đánh quân Minh của nhà Lê. Do đó, khi yếu tố chính trị không đóng vai trò quyết định thì vấn đề nhân sự sẽ quyết định.
    Theo giáo sư Văn Tạo, về chính trị và kinh tế, tuy nhà Mạc đã khiến đất nước giàu mạnh lên trong thời kỳ đầu, nhưng địa bàn hoạt động của nhà Mạc bị bó hẹp, kẹp giữa một bên là nước lớn Trung Quốc, một bên là Nam triều trỗi dậy cùng tư tưởng "hoài Lê", không có điều kiện mở rộng như các chúa Nguyễn ở phía Nam sau này.
    Bản thân các tập đoàn chống Mạc đã có những chính sách phù hợp và lực lượng nhân sự đủ tài năng để đối phó với nhà Mạc nên trong một thời gian dài Nam triều đứng vững trước các cuộc tấn công của nhà Mạc. Thời hậu kỳ (sau khi Mạc Kính Điển chết), nhà Mạc không còn lực lượng nhân sự đủ mạnh, nhất là vua Mạc Mậu Hợp không đủ năng lực và phạm phải sai lầm nên đã thất bại về quân sự. Trong cuộc chiến trường kỳ đó, khi đã thất bại về quân sự thì chính trị của nhà Mạc cũng trở nên yếu thế trước khẩu hiệu "phù Lê" và nhà Mạc thành kẻ bại trận cuối cùng.

  10. #16
    Avatar của buixuanphuong09
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    buixuanphuong09 đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Tuổi: 85
    Bài gửi : 49.663
    Thanks
    38.391
    Thanked 102.996 Times in 33.572 Posts
    Blog Entries
    2
    Hồ Quý Ly và Mạc Đăng Dung

    Trong một thời gian cách nhau hơn một thế kỷ, nước ta đã có hai trường hợp cướp ngôi. Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần năm 1400, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê năm 1527. Hai trường hợp khởi đầu trong một kịch bản tương đối giống nhau: một dòng họ hư đốn làm cho đất nước suy đồi, rồi một đại thần phế bỏ vua, tự lập lên ngôi. Trong cả hai trường hợp, vị vua cũ bị giết hại. Trong cả hai trường hợp, các triều thần của dòng vua cũ được mời ở lại giúp vua mới. Nhưng kết quả đã khác nhau, và sự phán xét của lịch sử đã rất lạ lùng.

    Hồ Quí Ly là một đại thần bất lực, bên trong làm cho đất nước suy đồi, bên ngoài thì không giữ được bờ cõi. Quân Chiêm Thành ra vào cướp phá như chỗ không người, kinh đô mấy lần bị rơi vào tay quân địch, Hồ Quí Ly chỉ biết dắt vua bỏ chạy. Chẳng có công lao gì với đất nước nhưng Hồ Quí Ly cũng đã trấn áp được vua Trần rồi cướp ngôi. Hồ Quí Ly cũng tỏ ra đặc biệt bội bạc với đất nước Việt nam đã cho ông ta tất cả, ông ta vẫn tự coi là người Tàu dù tổ tiên đã lập nghiệp tại Việt nam từ bốn đời. Cướp được ngôi vua, Hồ Quí Ly, trước đó mang họ Lê theo bố nuôi, đã lấy lại họ Hồ theo họ cũ của mình và đổi tên nước ta từ Đại Việt thành Đại Ngu theo tên cố quốc của mình, rồi thi hành một chính sách cướp bóc ra mặt đối với dân chúng. Nguyên Trãi kể tội Hồ Quí Ly: Vừa qua nhà Hồ vì chính sách phiền hà làm cho lòng người oán giận. Kết quả là Hồ Quí Ly làm mất nước, nước ta lại rơi vào vòng Bắc thuộc sau gần năm trăm năm độc lập. Tội của Hồ Quí Ly đối với Việt nam thực là lớn. Thế nhưng xem ra Hồ Quí Ly chỉ bị lên án vừa phải thôi, không những thế còn được khen là con người lỗi lạc, một trí tuệ siêu việt và sáng tạo.

    Mạc Đăng Dung, hơn một trăm năm sau, có công giúp vua dẹp loạn rồi được tin dùng và lợi dụng cơ hội để cướp ngôi. Cũng như trường hợp Hồ Quí Ly, đám con cháu của triều đình cũ sang Tàu cầu cứu và quân Tàu rục rịch đánh nước ta. Mạc Đăng Dung tự trói mình xin thần phục Trung Quốc và giữ được nước. Nhà Mạc sau đó không tỏ ra dấu hiệu hà khắc nào, không gặp giặc giã nào đáng kể, dân tình không đến nỗi khổ sở. Nhưng nhà Mạc đã gặp cuộc chiến tranh qui mô để tái lập nhà Lê do Nguyễn Kim, rồi Trịnh Kiểm và Trịnh Tùng lãnh đạo, rồi bị tiêu diệt sau sáu mươi lăm năm. Mạc Đăng Dung đã bị tất cả các sử gia và trí thức mạt sát thậm tệ. Cách phán xét nhà Hồ và nhà Mạc cho tới nay ít làm ai ngạc nhiên. Cũng cùng thoán nghịch mà sao người làm mất nước lại không bị lên án gay gắt bằng người không làm mất nước? Đối với người lãnh đạo quốc gia có tội nào lớn hơn tội làm mất nước? Người ta lên án Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung đã phản bội vua và cướp ngôi. Điều này vào thời đại đó và với khuôn mẫu đạo lý đó là đúng. Nhưng ngày nay nhìn lại thì sao? Nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng Giáo vẫn còn là tốt cho đất nước và cần được duy trì thì cả Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung đều đáng lên án. Ngược lại nếu chúng ta coi khuôn mẫu Khổng Giáo là khuôn mẫu cỗ hủ đáng lẽ không được duy trì quá lâu như vậy, thì hành động thoán nghịch của Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung phải được coi là đáng khen vì nó là một thách thức đối với khuôn mẫu Khổng Giáo. Còn nếu chúng ta không có ý kiến dứt khoát thì hành động thoán nghịch chẳng là công mà cũng chẳng là tội. Nó chỉ là một biến cố chính trị. Vậy thì ngoại trừ đối với một số người thủ cựu một cách mê muội, cái tội thoán nghịch không nên đặt ra nữa. Cái gì bắt một dân tộc phải tiếp tục chịu đựng những ông vua tồi tệ như cuối đời Trần hay cuối đời Hậu Lê? Đạo lý nào bắt buộc như vậy chỉ là một đạo lý tồi tệ. Xét công, tội của Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung phải dựa vào những gì họ để lại sau đó.

    Hồ Quí Ly không làm được gì cho đất nước, chỉ làm khổ dân và rồi làm mất nước. Người ta ca tụng Hồ Quí Ly là có nhiều ý kiến sáng tạo: đổi lại hệ thống giáo dục một cách thực dụng hơn, đem toán học, địa lý và nông nghiệp vào giáo dục, lập các trạm y tế ở khắp nơi. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu quả thực đó là những ý kiến mà Hồ Quí Ly cho là ích quốc lợi dân thì tại sao trong mấy chục năm làm thái sư, có tất cả mọi quyền trong tay, kể cả quyền giết vua mà Hồ Quí Ly đã sử dụng một cách thường xuyên, Hồ Quí Ly không đem áp dụng? Đó là một câu hỏi lớn mà sẽ không bao giờ la tìm được câu trả lời chính xác. Một trong những giải thích có thể là Hồ Quí Ly cũng chẳng thực sự coi trọng nhưng biện pháp canh tân sau đó Quí Ly cũng coi trọng cái học từ chương như mọi người thời đó, những biện pháp mà Quí Ly đưa ra chỉ là để đánh đổ các giá trị cũ để đào thải lớp nho sĩ thời đó, được quí trọng vì cái học từ chương và trong đại đa số không ủng hộ Quí Ly.

    Người ta cũng ca tụng Quí Ly đã biết phát minh ra tiền giấy. Có người còn nói Quí Ly dáng được coi là thủy tổ của ngành ngân hàng! Những điều này hoàn toàn sai và chứng tỏ rằng những người nói như vậy chỉ phát ngôn bừa bãi chứ họ không biết gì về ngân hàng và tiền tệ. Tiền giấy của Quí Ly không khác gì tiền mã đã có từ lâu rồi để cúng tế người chết mà thôi, nó hoàn toàn không có một giá trị thanh toán nào cả. Hành động của Quí Ly chỉ là một hành động của kẻ tham lam muốn cướp hết vàng bạc trong nước cho mình và những đồng tiền giấy chỉ là những chứng nhận đã nộp vàng để được yên thân mà thôi.

    Nếu quả thực những điều Quí Ly làm là những biện pháp canh tân thực sự, thì một trí tuệ đủ khả năng nhìn ra những biện pháp đó cũng phải ý thức được, ít nhất một phần nào, những khó khăn của việc thực hiện và đã không thi hành một cách vội vã, cẩu thả như Quí Ly đã làm. Trên thực tế, ngoại trừ việc cướp bóc vàng bạc, Quí Ly chẳng làm được gì cả. Nhà Hồ cung chỉ kéo dài được bảy năm. Người ta trách Mạc Đăng Dung là làm nhục quốc thể, quì lạy tướng Trung Hoa và cắt đất dâng cho Trung Quốc. Việc quì lạy tướng Tàu là tồi thực, nhưng đó là điều mà các vua Việt nam ngày trước vẫn thường làm trước sứ giả Trung Quốc, không phải riêng gì Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung đã quỵ luỵ hơn các vua khác vì lúc đó ông ta không đứng trước một sứ giả mà trước một đạo quân hùng mạnh sắp tràn vào Việt nam xâm chiếm. Hành động hèn nhát của Đăng Dung đã cứu được đất nước khỏi chiến tranh và ngoại thuộc. Hèn thực, nhưng cũng may thay cho nước ta. Người ta lên án Mạc Đăng Dung đã dâng đất cho Trung Hoa. Nhưng sự dâng đất này chỉ là hình thức và không đáng kể. Mạc Đăng Dung chỉ dâng năm động ở Cao Bằng. Năm cái động đó có đáng gì đâu so với ngay cả những đất đai mà nhà Lý, được coi là oanh liệt, đã phải nhượng cho Trung Quốc để cầu hòa, sau nhiều cố gắng chiến dấu. Vả lại, người Trung Hoa chẳng bao giờ sang tiếp thu năm cái hang núi này cả, cho nên trên thực tế, Mạc Đăng Dung không làm mất một tấc đất nào.

    Người ta coi Hồ Quí Ly hơn Mạc Đăng Dung, ở chỗ Hồ Quý Ly đã dám đánh lại quân Tàu, dù là đánh để rồi thua và mất nước. Người ta sỉ vả Mạc Đăng Dung là đã hèn nhát xin hàng tướng Tàu, dù nhờ đó mà Việt nam tránh được chiến tranh và không mất nước. Mà thực sự Hồ Quí Ly có đánh được gì đâu, quân Minh đi đến đâu, quân Hồ bỏ chạy đến đó, như ngày trước quân Chiêm liến đến đâu, Hồ Quí Ly chạy đến đó, chỉ trong vài tháng cả vua quan bị bắt trói giải về Tàu.

    Tại sao lại có việc trọng Hồ Quí Ly, khinh Mạc Đăng Dung? Có hai lý do. Lý do thứ nhất là tinh thần quốc gia chúng ta không cao. Ta không coi trọng những gì có lợi cho đất nước mà chỉ để ý xem cái gì là độc đáo trong một con người; chúng ta vẫn suy luận như những cá nhân chứ không phải như một dân tộc. Lý do thứ hai là óc tôn thờ chiến tranh đã nói ở một phần trước trong sách này. Đánh bao giờ cũng có sức quyến rũ hơn hòa, dù là đánh ngu xuẩn như Hồ Quí Ly. Cho đến ngày nay, lập trường trọng Hồ khinh Mạc vẫn còn ngự trị, điều đó chứng tỏ trí tuệ tập thẻ chúng ta vẫn còn mê muội, tâm lý của chúng ta vẫn chưa được khai thông.

    Nguyễn Gia Kiểng

  11. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn buixuanphuong09 vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình