+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 4 của 4

Chủ đề: CHỦ ĐỀ THẢO LUẬN: THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

  1. #1
    Avatar của nguyenxuan
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    nguyenxuan đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013

    Tuổi: 65
    Bài gửi : 3.287
    Thanks
    30.846
    Thanked 24.155 Times in 3.311 Posts
    Blog Entries
    114

    CHỦ ĐỀ THẢO LUẬN: THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

    Nguyên Xuân xin được nêu chủ đề thảo luận về THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT để mọi người cùng nêu ý kiến.
    Sau đây nx xin chia sẻ ý kiến của ông Hoàng Thứ Lang, bài viết đăng trên trang web của HỘI THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM.


    THỂ THỨC HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

    Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận
    1. HỌA HẠN VẬN:
    Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:
    - Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
    - Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.
    Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:
    a. Ðầu đề (nội dung) là:

    Trống treo ai dám đánh thùng
    Bậu không ai dám dở mùng chun vô

    b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
    Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!! ... như sau đây:

    Nào phải là ai dám giục xô
    Thuận tình trước hết tự nơi cô
    Có cho mới dám trao dùi đánh
    Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
    Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
    Ham vui quên hết chuyện dâm ô
    Thói hư thuần thước xưa còn lạc
    Đừng học làm chi gióng nhảy rô

    Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó., xin kể lại một câu chuyện như sau: Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:
    - Đầu đề: Xuân Khuê
    - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
    - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
    Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

    Xuân Khuê

    Một mong hai đợi bốn ba chờ
    Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
    Nửa gối năm canh gà gáy giục
    Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
    Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
    Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
    Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
    Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ .
    Phan Mạnh Danh

    2. HỌA PHÓNG VẬN
    Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).
    Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.
    a. Họa Nguyên Vận: là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.
    b. Họa Đảo Vận: là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.
    c. Họa Hoán Vận: là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.
    d. Họa Tá Vận: Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm .

    CHÚ Ý QUAN TRỌNG: Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được
    Hoạ Thơ bao gồm 2 phần chính quan trọng sau đây:
    Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước "thách đố" cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
    1. Họa vần: 5 vần tức là 5 tiếng (từ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị Fail.
    2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.
    3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.
    4. Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).
    Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.
    Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam
    Bài Xướng:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (của Tôn Thọ Tường)

    Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
    Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
    Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
    Về Hán trau tria mảnh má hồng
    Son phấn thà cam dày gió bụi
    Đá vàng chi để thẹn non sông
    Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
    Thà mất lòng anh được bụng chồng
    Bài Họa:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (của Phan Văn Trị)

    Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
    Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
    Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
    Duyên về đất Thục đượm màu hồng
    Hai vai tơ tóc bền trời đất
    Một gánh cương thường nặng núi sông
    Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
    Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng .


    Một số thí dụ HỌA PHÓNG VẬN:
    Thí dụ 1:
    a. Họa nguyên vận:
    Bài xướng:
    TƯƠNG TƯ
    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi .
    H. T.L
    Bài họa nguyên đề

    TƯƠNG TƯ

    Mỏi gót phiêu bồng khắp mọi nơi
    Về đâu trên vạn nẻo đường đời
    Mưa buồn đổ mãi mưa buồn hỡi
    Tuyết trắng rơi hoài tuyết trắng ơi
    Muốn nhắn đôi câu mà nghẹn ý
    Mong trao mấy tiếng lại ngăn lời
    Dòng sông ly biệt nào chia lối
    Ngắm dải Ngân Hà đếm lệ rơi .
    H T L

    b. Họa đảo vận:

    Bài xướng:
    TƯƠNG TƯ
    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi

    HTL
    Bài họa nguyên đề

    TƯƠNG TƯ

    Lất phất bên thềm tuyết trắng rơi
    Niềm riêng ấp úng chẳng nên lời
    Hai hàng lệ tủi than trời hỡi
    Một áng thơ sầu khóc bạn ơi
    Rẽ yến chia oanh hờn số kiếp
    Lìa loan rã phụng lỡ duyên đời
    Sông Tương uống cạn dòng thương nhớ
    Giang vĩ giang đầu đứa mỗi nơi .
    H T L

    c .Họa hoán vận:
    Bài xướng:

    TƯƠNG TƯ

    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi

    H T L
    Bài họa nguyên đề

    TƯƠNG TƯ

    Gởi gió nhờ mây nhắn mấy lời
    Trao người yêu dấu của tôi ơi
    Đường mơ vạn nẻo đành riêng lối
    Bến mộng đôi bờ phải khác nơi
    Bóng chiếc phòng đơn sầu lệ đổ
    Đèn khuya gác vắng tủi châu rơi
    Ai xui hai đứa mình dang dở
    Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời .

    H T L

    d. Họa tá vận (mượn vần):
    Bài xướng:
    TRUNG THU

    Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
    Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
    Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
    Cha làm trống ếch đánh quanh năm
    Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
    Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
    Chiếc lá chao mình trong gió sớm
    Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm

    H T L
    Bài họa nguyên đề
    XIN XĂM

    Mẹ dẫn lên chùa để thỉnh xăm
    Hôm nay trăng sáng đúng đêm rằm
    Cầu xin phúc lộc vào nguyên tháng
    Khấn nguyện bình an đến trọn năm
    Giữa Hạ oi nồng đừng nắng gắt
    Trung Thu mát mẻ chớ mưa dầm
    Đưa tay vói rút ồ hên quá
    Thượng thượng ngon lành chẳng bị âm .
    Trâm Anh

    Đôi điều chú ý Hoạ thơ Đường luật

    Họa vần là sáng tác một bài thơ thường gọi là bài họa dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước thường gọi là bài xướng.
    Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú.
    Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8.
    Những chữ vần thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này là thanh trắc).
    Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài thơ xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối.
    Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.
    Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.
    Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.
    Thí dụ:
    Bài xướng:

    Vườn rau Cẩm Tú

    Thầy cho xới lại mảnh vườn hoang
    Cẩm Tú đem phân ủ mấy hàng
    Củ cải gieo gần dây mướp đắng
    Su hào tỉa cạnh gốc khoai lang
    Thì là diếp cá lên muôn lối
    Húng đổi cần tây mọc khắp đàng
    Tứ phía rau xanh nhìn mát mắt
    Tha hồ cải thiện bữa ăn...sang

    Cẩm Tú
    Bài hoạ nguyễn đề

    Vườn rau Cẩm Tú

    Cẩm Tú gieo trồng mảnh đất hoang
    Rau xanh thẳng tắp rất ngay hàng
    Ngò om óng mượt bên giàn mướp
    Húng quế thơm lừng kế luống lang
    Bí rợ tần ô lên bít lối
    Dưa leo ớt hiểm mọc đầy đàng
    Chiều chiều đứng ngắm lòng thanh thản
    Cuộc sống quê nghèo ngẫm lại...sang

    H. T. L
    Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu cước vận (câu 1-2-4-6-8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước.
    5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng.
    Coi như bài hoạ là bản copy những nét căn bản về ý và vần của bài xướng, vì vậy bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng.
    Hoạ thơ Đường luật không đến nổi quá khó nhưng không phải dễ dàng như nhiều người đã lầm tưởng !
    Hoạ sai một vần gọi là xuất vận: không được.
    Hoạ sai nghĩa một vần gọi là xuất ý: không được.


    Bài đọc thêm

    Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.
    Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng. Thí dụ bài Tôn Phu Nhân Qui Thục xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Phan Văn Trị.
    Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách.
    Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được.

    Hoạ thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần.
    Hoạ sai ý bài xướng là không đạt.
    Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.
    Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng.
    Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.
    Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng hoạ với nhau, có thể dùng thể thức Hoạ Tá Vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Thí dụ bài Cảm Vịnh Cây Mai xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Đông Hồ.
    Lấy thí dụ tử vận xót xa không thể nào hoạ nguyên vận theo chính hoạ được. Chúng ta có thể hoạ tá vận (mượn vần) theo bàng hoạ là xa xa, từ xa, đàng xa v.v... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.

    Chúng ta học thơ Đường luật chính thể, cho nên phải học kỹ về chính luật, chính vận, chính đối, chính hoạ.
    Thông vận, bàng đối và bàng hoạ... không xuất sắc.
    Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.
    H. T.L



    Nguồn: DẪN từ trang web THƠ ĐƯỜNG ĐẤT VIỆT TRANG trang chính thức của HỘI THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM
    http://thoduongdatviet.com/11775/145...uong-luat.aspx
    Lần sửa cuối bởi nguyenxuan; 08-09-2017 lúc 04:38 PM

  2. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn nguyenxuan vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của nguyenxuan
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    nguyenxuan đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013

    Tuổi: 65
    Bài gửi : 3.287
    Thanks
    30.846
    Thanked 24.155 Times in 3.311 Posts
    Blog Entries
    114

    HOẠ HẠN VẬN

    VÍ DỤ:

    1. ĐỀ THI & QUY ĐỊNH: Theo Thông báo về cuộc thi Thơ Đường luật VNTH lần thứ nhất - Diễn Đàn Việt Nam Thi Hữu tháng 1 năm 2013

    Ban giám khảo đề ra thứ tự năm vần sau:
    - ngày – say – hay – tay - này.
    Yêu cầu các tác giả dự thi thể hiện 5 vần trên thành:
    - 3 bài thơ Đường luật hoàn chỉnh với những đề tài khác biệt.
    Thí dụ: Bài 1 – viết về Quê hương, bài 2 – về Thân phận, Bài 3 – về Nghĩa tình…
    - Thơ viết theo chính luật THƠ ĐƯỜNG LUẬT được cộng thêm 10đ.
    - Chấp nhận thơ “nhất, tam, ngũ bất luận”.

    Tác giả Kiều Thành đạt giải nhì với ba tác phẩm sau:

    ÂN TÌNH MÃI ĐƯỢM

    Trào dâng nỗi nhớ suốt đêm ngày
    Lắng giọt ân tình mãi đắm say
    Mắt chứa niềm vui ngời cảnh đẹp
    Thơ choàng giấc mộng rạng điều hay
    Tâm hồn rộn rã ngày trao ý
    Kỷ niệm êm đềm buổi siết tay
    Nhịp trỗi tim hoà ngân thánh thót
    Cùng chung trọn kiếp thế gian này

    XUÂN QUÊ

    Nắng trải lung linh rạng rỡ ngày
    Xuân về sắc toả khiến lòng say
    Ngời xanh ruộng lúa tràn hương dịu
    Thắm đỏ màu cờ tạc nghĩa hay
    Gặp lại người xưa nồng ánh mắt
    Ôm choàng bạn quý ấm vòng tay
    Hồn quê lắng đọng tình chan chứa
    Thấm đẫm yêu thương xứ sở này.

    ĐỔI PHẬN

    Cuộc sống lênh đênh mãi tháng ngày
    Luôn tìm khoảnh khắc gợi nồng say
    Vài trang khắc hoạ niềm sâu kín
    Một thuở chôn vùi nét đẹp hay
    Muốn gặp người ngay hoà nhịp thở
    Mong thành nghiệp lớn góp bàn tay
    Bền gan vững lái con thuyền nhỏ
    Gửi gắm vào thơ số phận này!

    2. ĐỀ THI và QUY ĐỊNH: Quý TG viết về chủ đề “Quê hương, đất nước, con người” theo vần “ƯƠNG” BGK chọn sẵn. Theo Thông báo về cuộc thi thơ đường luật (năm 2014) của Diễn Đàn Việt Nam Thi Hữu tháng 2 năm 2014.


    Bài của tác giả đạt giả nhất:

    CẢM
    (Ngũ độ thanh, Nhất vận, Nhị tập danh)

    Cảnh sống hồng nhan, nỗi đoạn trường
    Bao mùa phước bạc, nghĩ càng thương
    Nồng XUÂN đỡ nạn, lòng son thưởng
    Bỏng HẠ chìa vai, nghĩa thắm tường
    Mặt biển xanh đời, luôn vững hướng
    Khung trời đỏ mộng, mãi bền gương
    Vàng THU giữa bản, xây hình tượng
    Trải những ngày ĐÔNG, mấy bận hường?

    Lê Như Ngọc

    Một số bài hoạ khác:

    HUẾ THƯƠNG

    Bạch mã vươn mình ngắm biển sương
    Bình minh chiếu rọi những con đường
    Dòng Hương phượng tỏa niềm khao khát
    Đỉnh Ngự thông đàn nỗi vấn vương
    Nón vẫy chiều nghiêng mềm vẻ ngọc
    Người say cảnh thắm đẹp duyên hường
    Thần Kinh bí ẩn hồn thơ trỗi
    Vĩ Dạ trong ngần dải nắng thương.

    Nguyên Xuân


    NHỚ HUẾ
    (Sáng tác theo bộ vần ƯƠNG)

    Chân trời nhuộm thẫm ánh tà dương
    Khắc khoải lòng son nỗi lạ thường
    Tưởng rẽ mây ngà thăm núi Ngự
    Mơ hòa nước bạc khỏa dòng Hương
    Hồn lan dải sóng ngời quê mẹ
    Gió thoảng lời kinh vững dặm đường
    Ngỡ dạo thiền môn chiều lá đổ
    Dâng đầy kỷ niệm tím miền thương.

    Hương Thuỷ

    NGÀY XUÂN QUAN HỌ
    (Sáng tác theo bộ vần ƯƠNG)

    Sân đình trống giục buổi mờ sương
    Hội dẫn vào xuân khắp nẻo đường
    Chiếc nón quai thao tròn trịa lẽ
    Cơi trầu cánh phượng đậm đà hương
    Thuyền qua bến cũ ngày đêm ngóng
    Rượu chúc đời vui chủ khách nhường
    Gặp những liền anh đằm thắm giọng
    Sông Cầu đến hẹn gửi niềm thương.

    Minh Đức

    Lần sửa cuối bởi nguyenxuan; 08-09-2017 lúc 02:49 PM

  4. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn nguyenxuan vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Avatar của nguyenxuan
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    nguyenxuan đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013

    Tuổi: 65
    Bài gửi : 3.287
    Thanks
    30.846
    Thanked 24.155 Times in 3.311 Posts
    Blog Entries
    114
    HOẠ PHÓNG VẬN

    VÍ DỤ

    ĐỀ THI VÀ QUI ĐỊNH của Diễn đàn Việt Nam Thi Hữu tháng 2 năm 2014:
    Quý TG họa bài của cố Admin Trần Vi Thông theo chủ đề “Mùa Xuân và Tình yêu” . Đây cũng là cách để thể hiện tình cảm yêu mến với cố admin TVT.
    Bài xướng:

    MỘNG XUÂN

    Bữa ấy anh chờ giữa giấc xuân
    Người em cõi mộng bước ra gần
    Bình yên lá trải từng con dốc
    Hạnh phúc hoa cài những gót chân
    Gió thả cung đàn ngân mấy nhịp
    Sương gieo nốt nhạc luyến bao lần
    Dìu nhau lối nhỏ hòa chung bóng
    Vạt nắng bên đường bỗng quá thân!

    Vi Thông

    Các bài hoạ của một số tác giả:

    1. HỒN XUÂN

    Một suối hoa đào giữa nẻo xuân
    Cùng ai dạo bước dõi xa gần
    Bùa yêu chạm khẽ đong ngời mắt
    Nhựa sống căng đầy trải vững chân
    Lối nhỏ ngào hương chiều trỗi dậy
    Đường thơm dãi mộng lửa khơi lần
    Hòa chung vũ khúc tơ lòng thả
    Quyện cả mây trời nắng cũng thân!

    Nguyên Xuân


    2. MỘNG LIÊU TRAI

    Em về thắp lửa giấc nồng Xuân
    Vóc ngọc lừng hương phảng phất gần
    Biển biếc làn êm tràn sóng ngực
    Sen hồng cánh mịn ấp đài chân
    Dòng trôi nhẹ nhõm đà bao lúc
    Cảnh gợi đê mê cũng mấy lần
    Bỗng gió sương lùa tan ảo mộng
    Khi choàng tỉnh dậy rã rời thân.

    Lan Phương

    3. ĐƯỜNG XUÂN

    Con đường nắng trải nhuộm màu xuân
    Nhạc khúc mùa vui đã chuyển gần
    Kẻ vẫy cành hoa ngào ngạt phấn
    Em về cuối nẻo nhẹ nhàng chân
    Tìm vun cảm xúc còn trăm nỗi
    Giữ lấy tình yêu chỉ một lần
    Lối mở vào tim đàn dẫn nhịp
    Êm đềm hạnh phúc chảy đầy thân.

    Minh Đức

    4. MỘNG XUÂN

    Thương chàng kết mộng tỏa ngời xuân
    Nguyện sẽ kề vai thả bước gần
    Rực rỡ đường mơ choàng thảm nắng
    Êm đềm lá rải chạm bàn chân
    Môi cười ý quyện nồng muôn lẽ
    Nghĩa trải tình trao thắm vạn lần
    Rộn rã tim hồng e ấp tưởng
    Hoa cài lộng lẫy buổi thành thân.

    Hương Thuỷ






  6. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn nguyenxuan vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Avatar của nguyenxuan
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    nguyenxuan đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2013

    Tuổi: 65
    Bài gửi : 3.287
    Thanks
    30.846
    Thanked 24.155 Times in 3.311 Posts
    Blog Entries
    114


    Nguyên Xuân xin chia sẻ ý kiến của anh Thai Tran Van - Hải phòng về chủ đề: "Tìm hiểu một số kiến thức trong thơ Đường luật" LUẬT HOẠ THƠ ĐƯỜNG LUẬT NHƯ THẾ NÀO?

    TTV cũng đã đọc một số bài của tác giả Hoàng Thứ Lang dạy làm thơ Đường luật và trân trọng những bài viết khi những tài tiệu dạy làm thơ những năm trước không nhiều . Và đa số trên mạng lấy văn bản đó làm chuẩn
    Trong lần sinh nhật trang thơ ĐLHP , TTV cũng viết bài chia sẻ trong buổi gặp gỡ các bạn thơ với chủ đề : " Tìm hiểu một số kiến thức trong thơ Đường luật"
    Sau đây lược trích một phần trong bài viết ấy để bạn thơ tham khảo :

    5 B : LUẬT HOẠ THƠ ĐƯỜNG LUẬT NHƯ THẾ NÀO ?
    A- Về hình thức hoạ có mấy loại :
    1 a ; Hoạ thứ vận hay còn gọi là Nguyên vận : hoạ theo đúng thứ tự bài xướng
    2b : Hoạ dụng vận ( hay là Đảo vận ) không theo thứ tự bài xướng
    3 b Hoạ nghịch vận ( trên mạng thường gọi) hoạ vận từ dưới lên trên
    4 Hoạ Y vận : Là hoạ theo bộ vận bài xướng chứ không cần đúng như vận bài xướng, Ví dụ bài xướng dùng 5 vầnhương,vương,sương, đương, đường thì bài hoạ có thể dụng vận ương:Tường, thương hương, chương, dương, chẳng hạn ( chung vận ương) Lối hoạ này không bó buộc , nhưng ít người dùng.
    Về nội dung hoạ có 6 phép hoạ : SONG HÀNH, SONG LẬP, TƯƠNG ỨNG, TƯƠNG PHẢN KHAI TRIỂN VÀ BỔ KHUYẾT
    a SONG HÀNH : là đo song song với nhau ,cùng lạp trường bài xướng, cùng diễn tả một ý tưởng
    b: SONG LẬP là đứng // với nhau không đồng, không phản đối đứng chung địa phận nhưng mỗi bên tả một ý khác nhau Tuy khác nhưng không ra ngoài đề bài . Bề ngoài tưởng không liên lạc với nhau , nhưng cùng chung một mạch, ý ngầm
    d-TƯƠNG PHẢN : Là Xướng hoạ đối đáp trên 2 trận tuyến như bài xướng hoạ của Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị
    đ -KHAI TRIÊN Dựa vào bài xướng tán rộng ra làm mới cho ý bài xướng
    e BỔ KHUYẾT : Bổ xung vào nguyên bài xướng những điều bài xướng chưa nói , hay không tiện nói
    VỀ LUẬT HOẠ VẦN : Bài xướng LUẬT NÀO , thì bài hoạ LUẬT ĐÓ trong Thi pháp thơ Đường Quách Tấn viết:
    Muốn biết ( hoạ) đúng hay sai , xin nói thêm về qui luật
    1 Bài hoạ CÙNG MỘT THỂ LUẬT như bài xướng là bài xướng thể thất ngôn luật Bằng thì bài hoạ cũng vậy
    2 Những vần bài hoạ phải CÙNG MỘT NGHĨA VỚI NHỮNG VẦN bài xướng ví dụ nếu vần bài xướng nếu là “đường” theo nghĩa Con đường thì bài hoạ phải dùng vần đường với nghĩa là con đường , chứ không phải là chữ đường là đường mía , đường ăn hay đường (Từ Hán Việt ) là nhà . Vần bài xướng là vần châu là Hạt châu thì bài hoạ không được dùng chữ “ Châu” là Châu quận hay châu ( Hán Việt) là thuyền..
    Những trước chữ Vận ngữ bài hoạ tức CHỮ THỨ 6 CỦA CÂU BỎ VẦN ( CÓ VẦN) ĐỀU KHÔNG ĐƯỢC TRÙNG VỚI CHỮ ĐỨNG TRƯỚC VẬN NGỮ ( Khắc lục) tức chữ thứ 6 trong câu có vần bài xướng.
    Cái qui luật trênđược triệt để tuân theo trong thơ chữ Hán, nhưng thong thơ quốc âm về sau không được tuân theo một cách chặt chẽ nữa….Không mấy bài theo đúng qui luật .không phạp luật này thì luật kia , có bài phạm đến 2 qui luật
    Định Phong hoạ bài Thất thập Tự Thọ của La Dung: Bài xướng theo luật Bằng(Non Hành –BB) thì bài hoạ theo luật trắc( Tiệc rượu – TT ). Bài xướng hạ vần ba ( bôn ba ) là chữ Việt thì bài hoạ dùng vần ba( Hạnh ba) là chữ Hán ?...Bài Hoạ của Phan Văn Trị hoạ bài TÔN PHU NHÂN QUI THỤC của Tôn Thọ Tường bị phạm lỗi về thể luật( Bài xướng : luật trắc - cật ngựa –TT thì bài hoạ theo luật Bằng- cài trâm BB
    Song nhà thơ Quách Tấn cũng viết : Phạm luật nhưng không làm giảm giá trị một bài thơ, cho nên thi nhân không bận tâm là phải .PHẠM LUẬT MÀ HAY CÒN HƠN ĐÚNG LUẬT MÀ DỞ Nhưng VỪA HAY VỪA KHÔNG PHẠM LUẬT MỚI LÀ DIỆU THỦ .
    (Xem : Thi pháp thơ Đường – thư gời các bạn ham làm thơ Đường luật NXB Trẻ năm 1998)
    Tránh từ áp vận ( chữ thứ 6 trong bài -trước vần) người ta gọi là khắc lục
    Cũng có thể dùng từ áp vận khi đó là danh từ chung như tên nước .. hay danh từ riêng như tên người
    Hoặc đó là Tử vận Thi pháp Diên Hương trang 121-122 có viết :
    “Bài xướng dùng điệu nào thì bài hoạ phải dùng điệu đó …Có khi người xướng muốn phá mình dùng vận chết ( Tử vận ) thì mình PHẢI THEO ĐÓ MÀ HOẠ ví dụ như : bâng khuâng,khúc khíu, sật sừ , thiên thai thì mình có thể DÙNG TIẾNG ĐÓ MÀ HOẠ cho ăn ý với bài xướng Băng mình lấy một vần mà sai nghĩa thì không ăn với bài xướng
    ( Theo thi pháp thi tập Diên Hương xuất bản năm 1950 - nguồn htt://sach hay. Thi vien net – Thư viện quốc gia )
    Trên đây là những tư liệu TTV sưu tầm khảo sát về luật hoạ ,dựa theo Thi pháp của tiền nhân như Quách Tấn- Diên Hương... và tham khảo nhiều tài liệu khác. Sự chấp nhận đến đâu còn phụ thuộc vào người đọc ,mong được góp ý thêm.

    Cảm ơn các bạn thơ đã xem bài
    Tks - TTV
    Thai Tran Van - Hải Phòng
    Lần sửa cuối bởi nguyenxuan; 08-09-2017 lúc 07:44 PM

  8. 8 Thành viên dưới đây cảm ơn nguyenxuan vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình