+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 4 của 4

Chủ đề: Tưởng nhớ Thi sĩ Du Tử Lê qua các tác phẩm nổi tiếng được phổ nhạc

  1. #1
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts

    Tưởng nhớ Thi sĩ Du Tử Lê qua các tác phẩm nổi tiếng được phổ nhạc

    Tác phẩm âm nhạc "Trên ngọn tình sầu"
    Thơ Du Tử Lê - Nhạc Từ Công Phụng

    Nhạc phẩm "trên ngọn tình sầu" thơ Du Tử Lê, đã được nhạc sĩ Từ Công Phụng viết thành ca khúc, là một tác phẩm âm nhạc nổi tiếng từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã làm say lòng rất nhiều khán, thính giả thời bấy giờ. Và cho đến ngày nay, hơn 40 năm khi nghe lại tình khúc này ta vẫn thấy ấm áp và tuyệt vời, vượt cả giới hạn không gian và thời gian.

    Mời các bạn cùng thưởng thức sau đây với tiếng hát của chính tác giả

    + YouTube Video
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


    Tôi yêu bài hát này và cũng đã hát thật say mê từ ngày còn rất trẻ như muốn ôm giữ những gì đã trở thành kỷ niệm của một thời. Tất cả kỷ niệm đều vô cùng quý giá trong đó có những điều trái ngựơc hòa lẫn vào nhau, đan xen với nhau là những để hình thành kỷ niệm: hạnh phúc và đau khổ - gặp gỡ rồi ly biệt và còn bao nhiêu điều nghịch lý khác nữa.... "ngày tháng hạ khi không mà trở rét" " sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa" và điều gì đã làm cho kỷ niệm không phai mờ, nhạt nhòa và đơn điệu? Phải chăng biệt ly đã làm cho kỷ niệm thêm vô giá!! Có bất công chăng là niềm vui thì quá ít mà nỗi buồn cứ dâng đầy! Hạnh phúc đến ào thật mau như con nước và để lại dấu bầm thâm tím những vết thương


    hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
    trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
    bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
    trời xanh xao chân ngỏ cũng không về

    kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
    nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
    con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
    lá oan khiên lả tả mái hiên người


    Bầy sẻ cũ đã đến bờ sông - nơi buổi đầu của hai người hò hẹn làm chứng cho cuộc tình, rồi.... vào một buổi chiều mưa mau, mái xám rêu xanh, trời êm cao chân nhỏ - bầy sẻ đã cùng chết theo cuộc tình và buồn đến nỗi con dế nhỏ cũng tự tử giữa đêm sương. Tất cả chỉ còn là hắt hiu, là ngắt tạnh....Tác giả bài thơ đã dùng những gam màu buồn xanh rêu, xám để diễn tả cái vô cùng của nỗi buồn, cùng với những giai điệu trầm bổng ở một âm vực rộng, nhạc sĩ đã nhạc lột tả được hết nỗi buồn và đau xót của của một tình yêu đã đi xa.

    Ca khúc được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ từ một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê. “67, khúc thêm cho Huyền Châu” là bài thơ viết về một mối tình được in trong tập thơ “Tay gõ cửa đời” xuất bản năm 1967. Ngày ấy, Du Tử Lê yêu tha thiết cô giáo Huyền Châu, cháu ruột của giáo sư Lê Ngọc Trụ (Đại học Văn Khoa Sài Gòn). Thế nhưng, tình yêu của họ không đi đến hôn nhân vì sự ngăn cách của gia đình. Sau 1975, Du Tử Lê định cư ở California để lại một mối tình đầu ban sơ và lưu luyến. Hai mươi sáu năm sau, năm 1991, ông quay trở về thăm lại người yêu cũ và có ý định đem Huyền Châu qua Mỹ. Cô đã từ chối với lý do cha mẹ già yếu.

    Hiện cô vẫn còn độc thân và cư ngụ tại một căn nhà cũ ở Bến Chương Dương TP HCM.

    Nguyên văn bài thơ của Du Tử Lê

    67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU

    hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
    trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
    bầy sẻ cũ hom hem chiếu ngói xám
    trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
    cây mộng nởtừng ngón tay lá nõn
    nôi tương tư cỏ ấm thịt da người

    tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh
    môi thâm khô từ thưở định xin hôn
    ngày tháng hạ khi không mà trở rét
    em khi không mà trở mặt điêu ngoa
    tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
    ngọn me xa theo ký ức rì rào
    chiều qua đó chân ai còn ríu rít
    lòi ai say cho trời đất lại gần

    kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
    nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
    con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
    khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
    cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
    lá oan khiên lả tả mái hiên người


    tôi èo uột từ những người cả gió
    con dế buồn tự tử giữa đêm sương
    bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
    ngọn me xưa già khọm nhớ thương hờ
    em ở đó bờ sông còn ấm cát
    con sóng tình vỗ mãi một âm quên

    (Du Tử Lê – Năm 1967)

    Thật ra, bài thơ sáng tác không phải cho Từ Công Phụng phổ nhạc. Thế nhưng, với nét nhạc tài hoa và sự đồng điệu của tâm hồn, Từ Công Phụng đã thành công trong việc đưa ý tưởng của Du Tử Lê trở thành một ca khúc bất hủ. Khi phổ nhạc, ông đã có sửa lời, thêm và bớt để cho phù hợp với giai điệu và được sự góp ý của vài người bạnn ông đã đặt tên cho bài hát là "Trên ngọn tình sầu" thay cho tựa của bài thơ "67, KHÚC THÊM CHO HUYỀN CHÂU"


    Lời bài hát TRÊN NGỌN TÌNH SẦU

    Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi
    Từ những ngày con nước về
    Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau
    Tay vuốt mặt không cùng

    Bầy sẻ cũ hom hem
    Chiều mái xám rêu xanh
    Trời êm cao chân nhỏ
    Cũng không về trên dòng sông tội lỗi

    Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
    Môi thâm khô từ thuở định hôn người
    Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
    Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
    Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa

    Chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
    Lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
    Người trông ngóng hương đưa mùi mái tóc đêm mưa
    Nhẹ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người

    Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
    Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
    Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
    Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
    Con sóng tình vỗ mãi một âm quen



    Thy Lan 8/4/2012

  2. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts
    Thi phẩm KHÚC THỤY DU của nhà thơ Du Tử Lê
    và Nhạc phẩm KHÚC THỤY DU do NS Anh Bằng phổ nhạc


    Năm 1983, nhạc sĩ Anh Bằng đã chọn một số câu thơ trong bài thơ “Khúc thụy du” của nhà thơ Du Tử Lê để phổ nhạc thành ca khúc “Khúc thụy du”, một trong hai nhạc phẩm ký tên Anh Bằng mà nữ ca sĩ Ngọc Minh cho là sẽ còn mãi với thời gian (nhạc phẩm kia chính là “Anh còn nợ em”). “Khúc thụy du” được trình bày lần đầu tiên bởi nam ca sĩ Việt Dzũng là ca khúc giản lược nội dung một bài thơ rất dài về không khí xáo động của những ngày Tết Mậu Thân và một mối tình vô vọng với một thiếu nữ ở Sài gòn. Du Tử Lê đã kể về thời điểm sáng tác bài thơ và duyên may khiến cho bài thơ này được phổ nhạc:
    “Khi biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy ra cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên Trường Dược ở Sài gòn cũng khởi đầu. Đầu tháng 3 năm 1968, tôi được chỉ định đi làm phóng sự về một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đang giải tỏa khu Ngã tư Bảy Hiền. Lúc đó, cả thành phố Sài gòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ Cục Tâm lý chiến ở đầu đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ), gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Sài gòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay chiến binh Cộng sản… Trên đường về, khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi cùng với mùi người chết sình thối khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

    Giữa tháng 3 năm 1968, nhà văn Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn tạp chí Văn, gọi điện thoại hỏi tôi có thể viết cái gì đó cho Văn số tục bản. Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mùng 1 Tết xảy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do là các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền Tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Sài gòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại. Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu. Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình hốt hoảng. Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình hay một chuyện tình mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng tôi thấy nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

    Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi. Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần sát với nội dung. Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, Bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 bài thơ. Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác ngoài bản in đã kiểm duyệt trên Tạp chí Văn.

    Thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên Đại học Dược khoa… Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này cộng với chữ đầu bút hiệu của tôi làm thành nhan đề bài thơ. Bài thơ ấy sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972). Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn chương toàn quốc, bộ môn thi ca (1973). Năm 1983, tôi cho tái bản tập thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975 cho lại.

    Một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán cà phê Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview). Ông nói ông mới phổ nhạc bài “Khúc thuỵ du”. Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
    Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành quán cà phê Tay Trái có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi cũng là lúc Việt Dzũng có mặt, đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

    Khi ca khúc “Khúc thụy du” ra đời dưới dạng cassette với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm như một thứ background mờ nhạt. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc thụy du”. Nhưng hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy Anh Bằng cũng có cái lý của ông .

    (03-1968)

    như con chim bói cá
    trên cọc nhọn trăm năm
    tôi tìm đời đánh mất
    trong vụng nước cuộc đời

    như con chim bói cá
    tôi thường ngừng cánh bay
    ngước nhìn lên huyệt lộ
    bầy quạ rỉa xác người
    (của tươi đời nhượng lại)
    bữa ăn nào ngon hơn
    làm sao tôi nói được

    như con chim bói cá
    tôi lặn sâu trong bùn
    hoài công tìm ý nghĩa
    cho cảnh tình hôm nay

    trên xác người chưa rữa
    trên thịt người chưa tan
    trên cánh tay chó gặm
    trên chiếc đầu lợn tha
    tôi sống như người mù
    tôi sống như người điên
    tôi làm chim bói cá
    lặn tìm vuông đời mình

    trên mặt đất nhiên lặng
    không tăm nào sủi lên

    đời sống như thân nấm
    mỗi ngày một lùn đi
    tâm hồn ta cọc lại
    ai làm người như tôi?

    mịn màng như nỗi chết
    hoang đường như tuổi thơ
    chưa một lần hé nở
    trên ngọn cờ không bay
    đôi mắt nàng không khép
    bàn tay nàng không thưa
    lọn tóc nàng đêm tối
    khư khư ôm tình dài

    ngực tôi đầy nắng lửa
    hãy nói về cuộc đời
    tôi còn gì để sống
    hãy nói về cuộc đời
    khi tôi không còn nữa
    sẽ mang được những gì
    về bên kia thế giới
    thuỵ ơi và thuỵ ơi

    tôi làm ma không đầu
    tôi làm ma không bụng
    tôi chỉ còn đôi chân
    hay chỉ còn đôi tay
    sờ soạng tìm thi thể
    quờ quạng tìm trái tim
    lẫn tan cùng vỏ đạn
    dính văng cùng mảnh bom
    thuỵ ơi và thuỵ ơi
    đừng bao giờ em hỏi
    vì sao mình yêu nhau
    vì sao môi anh nóng
    vì sao tay anh lạnh
    vì sao thân anh rung
    vì sao chân không vững
    vì sao anh van em
    hãy cho anh được thở
    bằng ngực em rũ buồn
    hãy cho anh được ôm
    em, ngang bằng sự chết

    tình yêu như ngọn dao
    anh đâm mình, lút cán
    thuỵ ơi và thuỵ ơi

    không còn gì có nghĩa
    ngoài tình anh tình em
    đã ướt đầm thân thể

    anh ru anh ngủ mùi
    đợi một giờ linh hiển

    Du Tử Lê (1942-2019)


    + YouTube Video
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


    Lời bài hát Khúc Thụy Du - Anh Bằng phổ nhạc

    Hãy nói về cuộc đời
    Khi tôi không còn nữa
    Sẽ lấy được những gì
    Về bên kia thế giới
    Ngoài trống vắng mà thôi
    Thụy ơi, và tình ơi !

    Như loài chim bói cá
    Trên cọc nhọn trăm năm
    Tôi tìm đời đánh mất
    Trong vũng nước cuộc đời
    Thụy ơi, và tình ơi !

    Đừng bao giờ em hỏi
    Vì sao ta yêu nhau
    Vì sao môi anh nóng
    Vì sao tay anh lạnh
    Vì sao thân anh rung
    Vì sao chân không vững
    Vì sao, và vì sao !

    Hãy nói về cuộc đời
    Tình yêu như lưỡi dao
    Tình yêu như mũi nhọn
    Êm ái và ngọt ngào
    Cắt đứt cuộc tình đầu
    Thụy bây giờ về đâu ?

  4. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts
    Một thi phẩm của nhà thơ Du Tử Lê "K Khúc Riêng Chàng"
    được NS Đăng Khánh phổ nhạc
    Nhạc sĩ Đăng Khánh là một trong những tên tuổi nổi bật của dòng nhạc trữ tình Việt Nam ở hải ngoại sau 1975, và bài hát nổi tiếng nhất của ông có lẽ là K Khúc Của Lê (Ca Khúc Của Lê), phổ từ bài thơ K Khúc Riêng Chàng ở trên.

    K Khúc Riêng Chàng - Du Tử Lê

    tôi xa người như xa núi sông
    em bên kia suối? – bên kia rừng
    em bên kia nắng? – bên kia gió
    tôi một dòng sương, lên, mênh mông

    tôi xa người như xa biển đông
    chiều lên lênh láng chiều, giăng hàng
    những cây ghi dấu ngày em đến
    đã chết từ đêm mưa không sang

    tôi xa người xa đôi môi tham
    em biết: rồi em như chim ngàn
    thôi còn khua động làm chi nữa
    hồn tôi vốn đã là tro than

    tôi xa người xa đôi mắt ngoan
    vườn tôi trăng lạnh đến hoang tàn
    em xa xôi quá làm sao biết
    vốn liếng tôi còn: những ngổn ngang

    tôi xa người xa trên sân bay
    hồn tôi cồn cát dấu chân bầy
    em vui đời khác làm sao hiểu
    tôi sống âm thầm như cỏ cây

    tôi xa người xa hơi thuốc cay
    ngày mai tình sẽ bỏ tim này
    chiều em không đến hàng cây cũng
    nghiêng xuống tôi: từng ngọn heo may

    tôi xa người xa bàn tay, vui
    bàn tay có ngón đã chôn đời
    bàn tay có ngón không đeo nhẫn
    có ngón dành riêng cho môi tôi

    tôi xa người xa miền thiết tha
    hoa xuân đã héo rụng, hiên nhà
    phố xưa em buộc đôi hàng bím
    nay tóc về đâu? – hồn ở đâu?

    tôi xa người xa niềm mê oan
    hồn tôi khô xác sợi giây đàn
    máu tôi đã gửi trong con chữ
    dẫu chết, còn nguyên lời oán than

    tôi xa người xa một mùi hương
    bãi khuya, hồn ốc, lạc thiên đường
    nhớ ai buồn ngất trên vai áo
    mưa ở đâu về? – như vết thương.


    + YouTube Video
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.

  6. Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts
    Nhạc phẩm Em hiểu vì đâu chim gọi nhau
    (Thơ Du Tử Lê - Phổ nhạc Trần Duy Đức - Trình bày: Anh Ngọc)


    + YouTube Video
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


    Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau (Thơ Du Tử Lê )
    Bài Nhân Gian Thứ Ba


    ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    cây đã về xanh đôi mắt mưa
    sớm hôm lênh láng niềm chia biệt
    đêm tối nào như nước thủy triều?
    ừ thôi năm tháng rồi xa lắc
    ta cũng rồi trong nấm mộ sâu
    chiều chưa đi khuất, người sao khuất?
    em hiểu vì đâu chim gọi nhau
    ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    tôi biết buồn em giăng núi sông
    ngày nghiêng nhớ xuống đôi vai nhỏ
    nghe lá reo mừng những ngón son
    ừ thôi trí nhớ rồi như gió
    đêm thổi từng cơn qua biển đông
    em vui áo lụa mềm lưng phố
    có động lòng thương kẻ cuối đường?
    ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    tôi gửi trong người những hạt sương
    xót nhau mai mốt về đâu đó
    đều thấy hồn tôi trên cỏ hoang
    ừ thôi môi đã là môi khép
    chẳng hẹn trăm năm cũng tận cùng
    đêm qua có kẻ cuồng điên khóc
    em bảo tôi: ồ sao trẻ con!
    ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    tôi với người chung một trái tim
    5-85

    Đôi nét về NS Trần Duy Đức

    Nhạc sĩ Trần Duy Đức sinh năm 1953 tại Phú Nhuận, Sài Gòn. Những sáng tác nổi tiếng của anh như Nếu có yêu tôi, Trong tay Thánh Nữ có đời tôi, Khúc mưa sầu, Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời, Em hiểu vì đâu chim cọi nhau, Khúc tháng 9 v.v...

    Tuy vậy, trước khi cầm đàn, trong thời còn ở bậc tiểu học, anh mê vẽ: năm lớp nhất (bây giờ gọi là lớp 5), học ở trường Võ Tánh ở Phú Nhuận, Trần Duy Đức vẽ một tấm tranh người mẹ nằm võng, và được giảỉ nhất hội họa toàn trường. Được thầy cô khuyến khích học vẽ, nhưng rồi một lần gặp cây đàn guitar, và cậu bé đã say mê tự học.

    Năm 16 tuổi, anh đã bắt đầu soạn nhạc. Đam mê âm nhạc như thế, nhưng ở Việt Nam lại không có cơ hội học nhạc. Chỉ tới khi sang Hoa Kỳ, Trần Duy Đức mới ghi danh học các lớp sáng tác ca khúc tại Golden West College và Santa Ana College.

    Trần Duy Đức nói rằng anh soạn các ca khúc có khi làm rất nhanh, như trường hợp làm bản "Nếu có yêu tôi" chỉ mất khoảng 20 phút, nhưng cũng có ca khúc anh mất tới nhiều tháng, hay cả năm, vì có khi làm dở dang, là ngưng lại một thời gian.

    Phần lớn các sáng tác của Trần Duy Đức được phổ từ thơ của các nhà thơ thành danh như Du Tử Lê, Mai Thảo, Nguyễn Dũng Tiến, Ngô Tịnh Yên....

    HAV (tổng hợp)

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình