+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: 14.2 không hoa hồng của cụ bà mất ký ức

  1. #1
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.669 Times in 4.450 Posts

    14.2 không hoa hồng của cụ bà mất ký ức

    14.2 không hoa hồng của cụ bà mất ký ức
    65 mùa... Valentine ông bà bên nhau


    Hôm nay, 14.2, ngày Valentine. Ngày mà đối với những người trẻ, sẽ tràn ngập hoa hồng, sô cô la và những món quà. Vậy còn những người già, Valentine có ý nghĩa thế nào?
    Thân mời các bạn nghe kể về một câu chuyện thật cảm động về tình yêu




    Trong một chuyến đi Nha Trang, trên con dốc dẫn lên một ngôi chùa ở cheo leo sườn núi, tôi tình cờ chứng kiến một cụ ông dìu cụ bà đi lên. Lân la làm quen hỏi chuyện với những người con của ông bà, tôi đã được nghe một câu chuyện tình đẹp. Năm nay ông bà đã 83 tuổi. Đã 65 mùa... Valentine ông bà bên nhau.
    Hồi đó, hai gia đình của hai cụ từ Huế (Thừa Thiên - Huế) lưu lạc vào Nha Trang (Khánh Hòa) và họ trở thành hàng xóm của nhau. Gia đình nghèo đông con, cha mất sớm, bà lại là chị đầu nên không có điều kiện đi học, phải ở nhà trông em và làm thêm giúp mẹ. Lúc rảnh rỗi, bà đứng ngoài lớp học của ông, lặng lẽ nghe thầy giảng bài. Vốn sáng dạ nên bà cũng biết đọc, viết.
    Khi ấy, ông là một chàng thư sinh nho nhã đẹp trai, học giỏi và tài hoa. Ông biết chơi đàn madolin, viết nhạc và làm thơ. Còn bà, một cô gái xinh đẹp nhưng lam lũ đã khiến chàng thư sinh rung động.
    Càng lớn, đôi trẻ càng quấn quít không rời. Năm 18 tuổi, ông về thưa chuyện với gia đình xin được cưới bà về làm vợ.
    Gia đình ông tuy không khá giả gì, nhưng là hậu duệ của một gia tộc lừng lẫy, nên cương quyết không đồng ý bà trở thành còn dâu. Thời đó, môn đăng hộ đối trong cưới hỏi vẫn được hầu hết các gia đình Việt xem trọng. Ông âm thầm rủ bà trốn khỏi nhà.



    Với một ít bạc lẻ trong tay, hai người lang thang vào đến Bình Thuận. May mắn, họ gặp được một gia đình thương tình cưu mang cho về ở nhờ trong một căn phòng nhỏ. Ông xin đi dạy học ở một ngôi trường tiểu học trong vùng.
    Thời chiến tranh, ông bà đến Biên Hòa sống, lần lượt bốn người con ra đời. Thời điểm đó, thu nhập ông khá ổn, nên cuộc sống gia đình cũng dư dả thoải mái. Ông mua tặng bà một số nữ trang.
    Khoảng năm 1964, ông chuyển về Nha Trang, nơi có cha mẹ, anh em, bà con họ hàng. Năm người con nữa chào đời. Rồi ông đi biền biệt, bà vẫn lặng lẽ một mình chăm lo 9 người con để ông yên tâm công việc.
    Năm 1975 đất nước thống nhất. Thời điểm này ông không có việc làm, những thứ trong nhà có thể bán được để có tiền mua gạo cho 11 miệng ăn, ông bà đều lần lượt đem bán hết. Rồi đứa con thứ mười ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó. Những món nữ trang, những món quà kỷ niệm ông tặng lúc ấy bà cũng đành bán đi để lo cơm ăn từng bữa.
    Ông không có môi trường phù hợp để làm việc đúng kỹ năng của mình, nên gánh nặng mưu sinh dồn hết cho bà. Bà bươn chải đủ nghề từ buôn thúng bán bưng đầu đường, xóm chợ, cho đến những việc ai cần thuê bà cũng chạy đi làm để có thể nuôi sống gia đình 12 miệng ăn.
    “Tôi cũng không hiểu bà ấy đã xoay xở thế nào mà lũ nhỏ có thể không có quần áo đẹp nhưng chưa bao giờ bị đói ăn và đặc biệt cả 10 đứa đều học hành đến nơi đến chốn”, ông nhìn người vợ già ngồi trên võng kế bên, mắt rưng rưng.
    10 người con lần lượt trưởng thành, lấy vợ gả chồng. Mỗi lần tụ họp, cả một gian nhà rộng không đủ chỗ ngồi. Ông bà cảm thấy mãn nguyện.

    Rồi bà bắt đầu bị đãng trí, quên cái này lộn cái kia, sức khỏe cũng yếu dần. Mặc dù vậy, mỗi lần con cháu về chơi, đi đâu bà cũng đòi đi. Những lúc như vậy, ông phải luôn theo cạnh dìu và trông chừng bà.
    Càng ngày, bà quên dần hiện tại, nhớ lùi về quá khứ. Hai năm sau, bà quên hẳn mọi thứ. Bà có thể đọc tên 10 người con, nhưng không thể nhận ra đứa nào.



    Bà như quay về một cô bé ngày nào. Có một điều đặc biệt, bà vẫn nhận ra ông. Đã nhiều năm như thế, ông vẫn theo sát bà bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Ông là “bộ não” có đầy đủ ký ức của bà. Bà nhổm đứng lên, ông đã đứng bên cạnh nắm tay bà. Bà đói bụng, ông đút bà ăn. Bà ăn xong, ông đánh răng, lau miệng, lau mặt cho bà. Bà đi vệ sinh, đau ốm, ông vẫn theo sát giúp bà mọi chuyện.
    Ông chăm sóc, vỗ về bà như ngày còn thơ bé. Bà khẽ hát bài “Cô hàng xóm” ông hát phụ họa theo. Bà đọc những câu thơ lũ nhóc làng xưa hay đọc, ông vừa đọc theo vừa nhắc những đoạn bà quên.
    “Đã bao giờ ông tặng bà quà ngày Valentine chưa ạ?”
    “Chưa”, ông lắc đầu trong lúc đút cho bà một muỗng chè đậu.
    Tôi tạm biệt ông bà vào một buổi chiều Nha Trang đầy nắng, giàn hoa giấy trước nhà nở bông rực rỡ, cây phượng già che rợp cả một khoảng trời trong vắt. Ông vẫn ngồi bên bà, bên hiên nhà như đôi trẻ thơ của một miền ký ức trong trẻo.
    Giờ thì tôi tin tình yêu đích thực không có màu hồng, nó mang màu sắc loang lổ, trần trụi, hoang dại nhưng bền bỉ và sống mãi theo thời gian.
    Đối với những người già như hai ông bà, 14.2 cũng như mọi ngày. Họ không cần Valentine để biết được tình yêu dành cho nhau.

    (Theo báo Thanh Niên)

  2. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình