+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4
Hiện kết quả từ 31 tới 39 của 39

Chủ đề: Những "con đường xưa Em đi" - (Tùy Bút) - NhàQuê

  1. #31
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts

    Exclamation



    Những "con đường xưa Em đi"

    Ba Con Đường Tạo Thành Ngã Ba Tháp

    Nam Bắc 9




    Đại Lộ Phan Thanh Giản


    ÐẠI LỘ PHAN THANH GIẢN: Ðây là con đường xương sống, huyết mạch nối đảo quốc Bến Tre với thế giới bên ngoài; từ bến đò Cái Cối đến Ngã Ba Tháp gọi là đại lộ Phan Thanh Giản, phần tiếp theo nằm trong hệ thống liên tỉnh lộ 6 đi Mỹ Tho về hướng Bắc.

    - Ðoạn 1: Từ bến đò sau nầy là đầu cầu Cái Cối đến bùng binh xã An Hội nơi có giếng phun. Tại khu vực bến đò, ghe các nơi, nhất là ghe từ miệt Cái Mơn đem cây cảnh, cây ghép, tháp...đến bán. Họ khuân cây mẫu lên để dọc theo đường Hùng Vương và một phần đại lộ Phan Thanh Giản phía vách tường Ty Công Chánh. Các loại cây lai tạo nầy mau có trái và năng suất cao, mua về trồng chừng mùa sau là có ăn khỏi phải ươm từ hạt.



    Sắp tết đây là khu vực chợ hoa: Lan, mai, cúc, trúc, hồng, huệ, vạn thọ, có cả dưa hấu nữa ... đủ mặt, dập dìu nam thanh nữ tú đi xem có, đi mua có. Ai cũng muốn có cụm hoa tươi mang về trang hoàng cho có không khí Xuân.

    Chợ hoa tới trưa ngày được tính là ba mươi âm lịch thì tan, nhiều khi bán không hết phải lẳng lặng bỏ mà về, chỉ khổ thân mấy Cô Bác quét dọn chợ! Thời gian trước nữa chợ hoa ở Bến Lở bên kia đường trước nhà hàng khách sạn Ðại Huê ở đầu đường Hùng Vương.

    Nhân đây nói về khách sạn Ðại Huê: Năm nào cũng được cụ hiệu trưởng Huỳnh Văn Chưn (thân phụ thầy Huỳnh Thành Công, bào huynh thầy Huỳnh Thành Thới hiện ở vùng Sydney, Australia) đặt trước mấy phòng, hôm trước ngày thi tuyển vào đệ thất ông thuê mướn xe đưa đám sĩ tử Ba Tri lên để hôm sau ứng thí.

    Buổi tối tắm xong ông kêu vài đứa đấm lưng giùm, trước khi ngủ ông còn dặn ôn bài nếu mà ông không nghe tiếng đọc bài là biết tay ông! Ông nói vậy chứ ông lảng tai rất nặng.

    Ông thương NhàQuê lắm, học trò ruột của trường. Lần đầu từ trường xã vào ngồi trong sân trường chờ ông xếp lớp để học lớp nhì, ông nhìn tướng một hồi rồi đuổi về, vì trông NhàQuê còn nhỏ quá không đủ sức học! NhàQuê tự chứng minh cho ông thấy là mình được lên lớp.
    Ba của NhàQuê khi về nhà còn khen NhàQuê gan dạ; Các bạn nhớ rằng thời đó Ba gọi ông Hiệu Trưởng là "Quan Ðốc Học" chớ không được "lơ tơ mơ" nói chuyện tay đôi đâu!

    Học sinh trường Tiểu Học Bổ Túc Ba Tri do phần đông ở các xã xa xôi mang theo cơm trưa vào quận lỵ học, tan trường chiều cố gắng về nhanh, nhất là những tháng mặt trời mau lặn, muốn vậy phải trốn xếp hàng, khi nào hàng ngũ ngay ngắn mới theo thứ tự: đi bộ ra trước, xong mới tới xe đạp. Biết tụi nhà xa ưa "dù", ông hiệu trưởng đã ra đứng sẳn ngoài đường nắm chóp mấy đứa dọt trốn ra trước, ông kéo đám "nhảy dù" vào bắt đứng sau cùng, ông còn rầy: Bộ tụi bây "Ngoại càn khôn" hả!.

    Khách sạn Ðại Huê kể là loại lớn mà lúc đó không có phòng tắm riêng và cũng không có nhà vệ sinh riêng cho từng phòng, phần dùng chung nầy nằm phía gần đường Nguyễn Trung Trực nhất.

    Trở lại Đại Lộ Phan Thanh Giản, tại ngã ba bến đò Cái Cối có nhà thuốc tây Bến Tre quay cửa cả hai bên cửa chánh ra đại lộ Hùng Vương như đã nói rồi, bên hông tiệm phía đại lộ Phan Thanh Giản có vài sạp bán sách báo nho nhỏ, tiếp theo là ngã ba đường Hàng Chiếu.

    Dãy tiệm kế tiếp có Ðại Sanh; tiệm nầy sau tận thế bán lèo tèo nước tách giặt đồ vì ông còn bận lo vụ tàu cây, tàu sắt!

    Tại ngã ba đường Hàng Gà có nhà thuốc tây Thúy Lan như đã nói các phần trước.

    Từ ngã ba đường Hàng Chuối đến bùng binh: Tiệm tiện của anh Nghĩa có các anh Tám Huốn, Ba Nhơn học việc, hai anh nầy thường đi chơi đêm, dặn NhàQuê tối bỏ ghế bố cá nhân của hai anh sẳn ngoài sân giùm. Khi nào không đi chơi đêm hai anh thường bàn chuyện quấn dây điện cho dynamo, NhàQuê không hiểu ất giáp gì hết cả!

    Sau anh ba Nhơn có xưởng hàn tiện "Nhơn Thạnh" ở Ba Tri, làm ăn rất khấm khá "Nhất Nghệ Tinh Nhất Thân Vinh"! Vĩnh biệt anh Nhơn!

    Tiếp đến cùng phía là nhà thuốc đông y Trương Kim Châm, đi xe từ Ba Tri lên đến cầu Chẹt Sậy đã thấy bảng quảng cáo: "Trương Kim Châm Hoa Ðà Tái Thế" Chắc ý nói ông tài giỏi cỡ Hoa Ðà, Biển Thước đã cứu được Quan Vân Trường khi đó vết thương đã bị thấm độc tới xương.

    Theo truyện Tàu thì sách vở về môn mổ xẻ ít đau nhờ điểm huyệt đã bị cháy hết chỉ còn lại sách thiến gà, thiến heo mà thôi!

    Không nghe ai nói cụ Trương Kim Châm giỏi về môn gì, chỉ thấy bảng hiệu nhà thuốc cũng lấp lánh như của tiệm bánh kẹo Vũ Hồ, chắc có liên quan nhau??

    Bạn Phan Khánh Thoại sau học kỹ thuật Phú Thọ trọ ở đây, có lẽ họ hàng chứ ở đây không có vẻ gì chuyên trị nấu cơm tháng.

    Ở Ba Tri có ông Nguyễn Văn Ân trương bảng là Ðông Y Sĩ hạng A; hai ông thầy thuốc tài sức phân định ra sao đây?? Các con thầy Ân đặt theo tên thuốc: Băng Phiến, Long Não, Châu Sa, Mạch Ðông, Liên Kiều...

    Nói về tiệm thuốc Bắc, nhiều đấng mày râu đã từng đau khổ vì thuốc xức lác "hiệu ông già", ai có qua cầu mới hay: Ðể vậy thì ngứa rấm rức khó chịu, nhìn trước nhìn sau mới dám gãi, vì thường "lác nhà ta" ưa trú đóng chỗ "phải chẳng"; Nếu muốn trị cho dứt nọc thì theo điềm chỉ của người bị trước thì chỉ có thuốc xức lác hiệu ông già là công hiệu hơn cả.

    Ði mua thuốc xức lác cũng là chuyện dở khóc dở cười: Vào tiệm nói vừa đủ nghe với nhỏ xẩm "bán cho chai thuốc xức lác", nhỏ sợ "chú chệt" ba của nhỏ và những khách đang mua bán trong tiệm nghi nhỏ nói chuyện lén với trai An Nam; Nhỏ nói lớn: Nị nói cái gì? Thuốc gì, lác hả? Nói lần đầu đã khó, giờ lập lại trước mặt bá quan văn võ thì chỉ muốn độn thổ cho rồi. Nhỏ Xẩm thấy ghét!!
    Có thuốc rồi lén kiếm chỗ kín đáo góc nhà, vạch ra phết một mẻ, vừa rát nhảy dựng, vừa nóng dù có quạt máy cũng chưa đủ sức hạ nhiệt chứ đừng nói chi quạt giấy, quạt mo... nhào lăn lộn một hồi cơn khốn khó cũng qua, vài ba lần thì tuyệt nọc. Có người nói đâm lá muồn xức cũng hết; nhưng đi tìm kiếm món lá nầy e lộ "bí mật quốc da"!

    Tiếp đến cửa hông tiệm nước Huê Liên có vài bàn phía ngoài cho khách, từ đây có thể nhìn thông suốt hai hướng đại lộ PhanThanh Giản và nhìn qua "Nhà Dây Thép".

    Ngang ngã ba Hàng Chuối bên kia đường, nằm trong khu Công Chánh là tháp nước, phân phối nước"Phông Tên" cho một phần nhu cầu cư dân tỉnh lỵ, Các bạn hãy nhìn độ lớn tháp nước và dân số ngày mỗi tăng thì sẽ thấy vấn đề. Trên tháp nước còn có cái Ốc Hụ báo giờ làm việc và tan sở hành chánh, nó còn dùng báo động; Nhưng NhàQuê chưa được nghe bao giờ!


    -Ðoạn 2: Từ bùng binh trước công sở xã An Hội đến đường Gia Long
    Bùng binh xã An Hội có thể gọi là công trường, nơi đây NhàQuê đã đặt bước chân đầu tiên tiếp xúc chốn phồn hoa đô hội Bến Tre, lúc đó công trường nầy dùng làm bến xe đò đi các Quận, xuống xe rồi NhàQuê lóc thóc chạy theo Ba sợ lạc thì vô phương biết đường về xứ đồng chua nước mặn của mình.

    Vì là lần đầu nên được căn dặn rất kỹ: Coi chừng móc túi! Trước khi đi chị cho mấy cây kim tây gài cẩn thận. Thực ra NhàQuê có được ít tiền chẳng là bao do anh chị cho dằn túi ăn bì bún, uống nước mía...coi như tiền trả trước cho chuyện kể về "Nước Bến Tre" sau khi hồi hương: Em đi về nói cho chị nghe với nghen!

    Tới được "Nước Bến Tre" là ước mơ của nhiều bạn niên thiếu của NhàQuê, thả các bạn ấy vào rừng bắt cua bắt cá các bạn không bao giờ nao núng sợ lạc vậy mà nghe nói lên chốn thị thành thì sợ không biết đường về và người thị thành thì khác, không thể tin được theo cách nghĩ người miền quê.

    Các Bạn có tưởng tượng được rằng hiện vẫn còn nhiều người chưa lần nào lên tới tỉnh thành không? Có đấy! Nếu không có vụ "bắt quân dịch" chắc nhiều bạn của NhàQuê chưa qua khỏi cầu Bắc Mỹ Tho.


    NhàQuê không biết phải mô tả thế nào về hình dáng công trường trước xã An Hội; Nó không đúng là hình chữ nhật vì có một góc bị nơi có miếu thờ trong trại lính lấn ra; nhưng nó đủ rộng cho một tụ tập lớn, nhiều lần nó dùng làm nơi trình diễn văn nghệ, chiếu phim công cộng và cũng nhiều lần là nơi làm khán đài chánh trong ngày Quốc Khánh 26 tháng 10. Từ năm 1956 đến 1960 năm nào cũng có diễn hành, duyệt binh: Các đơn vị diễn hành đứng dọc hai bên đại lộ Phan Thanh Giản từ công trường đến Ngã Ba Tháp, chào đón vị chủ lễ trong quân phục đại lễ uy nghi, đi xe mui trần đến Tháp đặt tràng hoa. Xong quay về khán đài đọc diễn văn mà các loa phóng thanh treo dọc bên đường làm "thiên chức " của nó khọt khẹt như người mắc chứng ho kinh niên.

    Bọn NhàQuê dùng thì giờ nầy chấm điểm các bạn nữ cùng trường hoặc các trường tư thục chứ chưa lần nào nghe các ông ấy nói gì và nói bao lâu.

    Khi nào có lệnh Tập Họp! Tập Họp! mới trở về hàng ngũ của mình để đi "Ðề Phi Lê". Lần cuối cùng năm 1961 (?) cũng tương tự như vậy, nhưng phần diễn hành bất thình lình bị hủy bỏ vì nghe đâu là khán đài bị ném lựu đạn sét: Lép!

    Sự việc nầy được kể là màn dàn cảnh của ông Phạm Ngọc Thảo để lấy niềm tin do quá khứ của ông không đủ sức thuyết phục! Do dàn cảnh nên ngu sao mà ném lựu đạn thật! Thế mà nghe nói ông Chánh Án ngất xỉu. NhàQuê chỉ được nghe kể lại, chứ có ở đó chắc cũng phải thay quần khác.

    Ít tháng sau ông Phạm Ngọc Thảo đem vào trường thả những bạn liên quan nhiều vụ việc và các bạn nầy trở lại cùng "theo anh em học hành như xưa". Màn biểu diễn ngoạn mục nhất của ông là đánh mõ đánh phèng la hợp tấu như Redskins Band.

    Cái đặc điểm của cái công trường nầy mà không nơi nào có là: đi lại, giao thông rất lộn xộn, đi ngang đi tắt; Sau có xây bồn giếng phun chủ đích hướng dẫn lưu thông theo chiều mũi tên vẽ, mà thấy không cải thiện được là bao.

    Chung quanh công trường là: Trụ sở xã An Hội chiếm một cạnh. Ðường Nguyễn Ðình Chiểu mà dãy phố từ nhà thuốc tây Bình Dân đến tiệm nước Huê Liên hướng cửa ra dành một cạnh khác. Cạnh phía trước cửa Ty Bưu Ðiện mà sau nầy có nhà sách Trúc Giang. Cạnh thứ tư có phòng thông tin mới xây, thay thế phòng thông tin cũ trên đường Nguyễn Du, phòng thông tin cũ đó hướng ra nhà lồng thịt..

    Qua khỏi bùng binh cho đến ngã tư Phan Thanh Giản-Gia Long bên trái là trại lính, bên phải có ký túc xá nữ sinh và cây xăng đã nói trong phần đường Gia Long.

    - Ðoạn 3: Từ ngã tư Gia Long đến ngã tư Nguyễn Tri Phương

    Ðoạn nầy là khu trường học có bảng cấm bóp còi từ hai hướng giao thông, hai bên có hai dãy trường lầu mới cất, trông tổng quát giống y hệt nhau nên NhàQuê gọi là chị em được sanh ba mà chú trai đã có nói nằm trong khu cuối trường Nữ Tiểu Học. Chú trai trở thành trai đầu lòng trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa khi trường rời khu ở đậu về "Vương Quốc" mới.

    Cô phía trái có tên riêng Trường Cộng Ðồng Dẫn Ðạo, cuối dãy tức gần đường Nguyễn Tri Phương có văn phòng Ban Giám Ðốc trường Trung Học Công Lập Bến Tre.
    Hầu hết các phòng học dãy phía phải đều dành cho Trung Học. Số học sinh tăng dần theo các niên khóa về sau, số lớp ngày càng nhiều nên lấn dần dần các phòng trệt của trường tiểu học Phan Thanh Giản, có lúc lấn thêm qua Trường Cộng Ðồng Dẫn Ðạo.

    Việc lấn chiếm nầy diễn ra liên tục trong sáu năm liền từ 1954 đến 1960. NhàQuê cứ ngỡ là trường mình ai dè ở đậu. Vì không biết mình ở đậu nên bọn NhàQuê và hai cấp lớp anh chị trước đó thoái mái như ở nhà mình. Ở nhà mướn hay ở đậu khổ lắm bà con ơi!

    Hai bên đều có trụ cổng tương xứng, riêng phía phải có câu đối: "Trước noi gương tiền bối. Sau nối chí cụ Ngô".

    Cửa sắt mở đóng đầu giờ học. Buổi sáng học sinh tụm năm, tụm ba đấu láo như pháo Xóm Mới Gò Vấp trong lúc chờ cổng mở.

    Chính nơi đây được Hồ Ngọc Sánh tả lại trong bài luận văn tả cảnh ngày nhập trường:....mùi các chị xông lên nồng nặc...(Tác giả bài luận muốn nói các nữ sinh xức dầu thơm). Chỉ cần một câu trong bài luận là bạn Hồ Ngọc Sánh đi thẳng một lèo vô "lịch sử học sinh áo bà ba trắng"!. Thầy Trịnh Huế khi trả lại bài, đọc cho cả lớp nghe và phê: Nguy Hiểm ! Sẽ trở lại đây trong loạt bài Những "ngôi trường xưa Em học".

    - Ðoạn 4: Từ ngã tư Nguyễn Tri Phương đến ngã tư Hai Bà Trưng.

    Bên phải có hai công xá lầu mà gia đình bạn Bs Bùi Trọng Cường ngụ trong một, công xá kia cạnh đó có vài cây đủng đỉnh thấy thèm lắm mỗi khi có việc muốn trang trí như cắm trại chẳng hạn... cuối phía nầy là cây xăng chú Ba Hóa (Quá ??), gia đình bạn Lan và Hoàng.

    Phía trái dùng làm bến xe một thời gian dài, bến xe dựa lưng phần đáy chữ U vào hàng rào nhà đèn, thực ra cũng chẳng dựa lưng hẳn vì các quán ăn cất bao quanh hình chữ U đó. Về sau bến xe dời đi, các quán dời theo một bước chẳng rời nhau. Bến Xe giờ nhường chỗ cho Quán Cơm Xã Hội vừa rẻ, vừa no nức bao tử; Cái gì mới chế tạo ra cũng phẩm lượng tốt, càng về sau càng..t..ê..nặng.

    - Ðoạn 5: Từ ngã tư Hai Bà Trưng đến Tháp.

    Phía phải đầu tiên là cửa sau của cơ quan quân sự, cái khu kín mít nầy có nói đi nói lại mấy lần rồi mà cũng chưa hết, vì biết cái gì trong đó mà nói; Thôi cho nó là "Không phận sự cấm vào" đi! Ði chỗ khác chơi cho mát!

    Liền đó có chỗ mát thiệt: Hồ Tắm, không biết hội viên có giá đặc biệt không chứ mỗi lần tắm cũng mất năm "Tì" thời vua trước, NhàQuê không nhớ có tính giờ hay không?

    NhàQuê chưa làm công việc truyền nhiễm bịnh lác đó bao giờ!

    Nơi đây cũng nhiều lần tổ chức thi bơi lội. Có mấy năm thi bơi đường dài 3000m tức 120 hồ mỗi hồ 25m; Khởi hành có 4 tay đua, chỉ có hai anh em Lê Văn Hai và Lê Văn Ba tỉnh Vĩnh Bình là về tới đích. NhàQuê nghe tiếng Phan Hữu Dõng, con kình ngư của Việt Nam nhưng chưa được xem lần nào.

    So với các kình ngư nam nữ hiện nay trong các kỳ tranh giải thế giới hay Olympic thì kỷ lục nội địa của ta chưa thấm vào đâu! Mỹ, Úc, Ðức đang là các cường quốc về môn nầy, thấy họ bơi mà mát mắt! Thành tích xít xao giữa các thứ hạng: Xem Jenny Thompson, người giữ nhiều kỷ lục thế giới, mỗi sải tay của nhỏ như với tới huy chương vàng! Olympic Hy Lạp vừa qua nhỏ Natalie Coughlin đỡ nhẹ 5 huy chương vàng, nhỏ có chiều cao khiêm nhường hơn các tay bơi khác mà lập được thành tích ấy quả là kỳ tài, nhỏ lúc nào cũng cười tươi như hoa.

    Có cái nghe lạ lắm bà con ơi! Bơi 400 mét tự do trước đây nói: Lục sĩ A đoạt huy chương vàng cự ly 400 mét bơi tự do. Bây giờ phải nói vận Ðộng viên A chiếm huy chương vàng bơi tự do nội dung 400 mét mới thời trang! Nhớ nhe bà con!

    Thỉnh thoảng có biểu diễn môn lướt ván tổ chức trên sông, khán giả đứng nghẹt trên bờ; Vui quá bà con ơi!

    Trên lề đường vừa rời khỏi Hồ Tắm để đến Tháp sẽ gặp trụ cây số 85: Ðó là mốc hiệu báo nơi đó cách Sài Gòn 85 Km, trụ bên dưới sơn trắng, bên trên sơn đỏ, số 85 viết trong phần sơn đỏ; Khác "code" với trụ cây số trên đường tỉnh lộ sơn dưới trắng trên xanh.

    Mà các bạn biết người ta tính khoảng cách hai thành phố là tính từ chỗ nào của thành phố nọ đến chỗ nào của thành phố kia không?? Nhờ anh bạn vong niên Ðặng Văn Ðiền mà NhàQuê biết.

    Anh có kiến thức rộng rãi về nhiều lãnh vực trong đời sống hàng ngày, điều tâm đắc nhất là anh dạy: khi bị hỏi thì nên trả lời bằng câu hỏi để biến thế thụ động thành thế thượng phong. "Nghệ thuật" nầy xem ra ít người làm được! Thí dụ bị hỏi: Bạn và cô B chia tay nhau rồi phải không? Nên trả lời: Sao anh nghĩ là chúng tôi có vấn đề? Người hỏi bị đặt ngược lại trong thế bị động!

    Khoảng trống từ hồ Tắm đến Tháp là công viên nhỏ, bao quanh có hàng phi lao cao vút, gỗ cây dương đi xoáy, cứng nên thường được dùng làm răng cối xay.
    Thời chưa có nhà máy xay lúa, ở thôn quê muốn có gạo trắng để ăn hàng ngày phải qua nhiều khâu chế biến:
    - Ðầu tiên là xay lúa: Lúa phơi nắng đã để nguội được đổ vào cối xay gồm hai thớt âm dương: Thớt dương cố định bên dưới, thớt âm nhẹ hơn bên trên và quay tròn được, thế mới nghịch đời! Lúa qua giữa hai thớt đó bị răng nghiền tróc vỏ, lúa phải phơi cho dễ tróc vỏ nhưng không được nóng dễ bị nát gạo.
    - Vê hay quạt: Ðể tách gạo lứt và trấu (vỏ) ra riêng.
    - Giã: Dùng cối và chày nện làm các hạt gạo lứt bị nện và cọ xát lẫn nhau tróc đi lớp bọc bên ngoài (cám). Trong đêm trăng tiếng chày khua...là trong giai đoạn nầy.
    -Xàng, Giừn: Tách cám và gạo trắng ra riêng.
    Thế các bạn đã biết tại sao các bà cụ, nội, ngoại, tập con cháu tiếc từ hạt cơm đổ rơi rớt! Vì qua các khâu vừa nói đã công sức rồi chưa kể giai đoạn cấy trồng.

    Trên lề đường chung quanh Tháp có ít nhất bốn băng đá, NhàQuê và anh bạn khác hay chiếm ghế phía Hồ Tắm đi lên nầy, để ngắm ông đi qua bà đi lại, đôi khi cộng số xe, đôi khi chấm thi hoa hậu; Vậy là cô bạn nào có ngang đây cũng đã từng được bọn NhàQuê chấm điểm xếp hạng mà chẳng bao giờ hay biết. Giờ biết ra chắc chỉ chửi Ðồ Quỷ nè là cùng!

    Lâu ngày làm NhàQuê trở thành tật có thể gọi là bịnh, theo đó thì NhàQuê tự biết mình hiện nay mang hai chứng bịnh kinh niên:
    - Thấy bảng số xe hay bất kỳ cái gì dính dáng tới các con số là tự động cộng, nên về mặt làm toán cộng nhất là cộng sổ sách bằng miệng, cộng nhẩm ít ai sánh kịp.
    - Trên chuyến xe, tàu hoặc chỗ đám đông là chấm hoa hậu dù không ai mời làm giám khảo và cũng chẳng có tiêu chuẩn gì rõ rệt, chỉ theo cảm tính riêng.
    Các bạn có ai bịnh nầy không??? Thấy chẳng hại ai nên chưa cần chữa trị. NhàQuê đặt cho bịnh nầy là: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui.

    Ðây nói về phía bên trái của đoạn đường nầy: Tới một đoạn là dãy phố nhiều căn, căn đầu tiên có cô xẩm khá đẹp, chắc kén chọn hoài nên quá lứa. Tuy nhiên cũng nhiều ông quan ve vãn nghe đâu có ông ST gốc Miên dính; Tin nầy "với sự dè dặt thường lệ". Trước nhà có mấy cây dạ lý đêm ngang qua hương thơm thoang thoảng.

    Các căn kế tiếp NhàQuê không nhớ theo thứ tự: Của các ông cựu Db Lê Quang Hảo, thầy Nguyễn Quý Ninh, thầy Phan Văn Sáu...đến căn chót hay áp chót hiện nay của gia đình anh Mười Tốt, rể Ba Tri, mấy năm trước qua điện thoại anh nói " Chú NhàQuê à! Chắc tui về bển chứ tui không muốn chết bên nầy". Thôi tiện dịp tới quán giải khát anh Mười Tốt, tụi mình xả hơi chút, mỗi đứa làm một ly "cà phê giúp trí nhớ" đi!

    Thầy Phan Văn Sáu sau thông gia cùng bác Lê Quang Hảo, bạn Phan Ngọc Gia con thầy có nhà sách không biết căn nhà mình hay căn của bên vợ? Thầy Phan Văn Sáu là Tổng Giám Thị trường THKH tiếp sau thầy Trần Văn Ðinh.

    Thầy được đám quỷ sứ đặt tên là "Robert Six" chắc thầy không hay biết vụ nầy. Cũng như thầy hiệu trưởng Bùi Văn Mạnh có tên là Monsieur Richard, thầy Hiệu Trưởng không cho học trò ở không, thấy lớp nào có giờ trống hay Gs thình lình vắng mặt là thầy ôm bài in ronéo sẳn, phần nhiều trích từ "Le livre unique" đến lớp để dạy, đọc chậm thầy rầy tơi bời. Ngán thấy mồ! Nên thấy thầy vừa lên cầu thang là xúm nhau í ới chạy "Tây tới tụi bây ơi!" hoặc "Tây tới! Tây tới!" y như ở thôn quê báo động mỗi lần nghe lính Tây đi ruồng; Có bài nói về gia đình Richard nên tụi nó đặt tên cho thầy theo chuyện ấy Monsieur Richard s'habite à Paris...(có trật chánh tả xin tha lỗi, sợ Tây lắm!) Cũng có khi chạy lầm đường gặp thầy giả lả hồi chánh, phụ ôm bài như đệ tử rước tôn sư chí ư chăm học...
    Trong năm đệ nhất đầu tiên năm 1962 có bạn tên Nguyễn Sinh Tố, bạn không phải học sinh THKH từ các lớp dưới và có lẽ bạn học ban A, nên sau khi bên lớp ban A còn chỗ trống có chỗ cho bạn chuyển sang. Thầy Robert xuất hiện cửa lớp ra hiệu xin phép Gs, thầy hỏi vọng vào "Sinh Tố A hay B?", bạn Bắc Kỳ duy nhất trong lớp nầy cũng tếu "Sinh Tố B!!". Thế là bạn quyết định ở lại học chung lớp đệ nhất B với đám bạn mới Nam Kỳ. Bạn Sinh Tố nhỏ con sao lại ngồi bàn chót đáng nghi lắm!! Về phía nam cũng còn một số bạn nữa tân tòng: Huỳnh Khắc Hiệp, Mai Huỳnh Tài (khu công chánh Mỹ Tho), Võ Minh Quân (hãng cà rem trên đường Nguyễn Trung Long Mỹ Tho), Nguyễn Thanh Hải, Huỳnh Tài (Thắng Nhì Vũng Tàu), Phạm Thành Ngọc (Ngọc Phật Giáo Ðồ, tên đặt cho bạn vì bạn đánh kẻng bải khóa trong vụ tranh đấu Phật Giáo lan tới trường học và tiếp đó...)

    Bên nữ qua kỳ thi phần I sau sáu năm sàng lại chỉ một nhúm còn chưa hết bàng hoàng: Trần Thị Quang, Yên Thị Ngọc Ðiệp, Lê Thị Tươi, Trần Thị Sương, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu Hà, Phan Thanh Vân là hết, mấy "Bà Cụ" nầy ngày ấy chiếm hai bàn và quét lớp dùm cho các ông Tú 1 đã lớn rồi không làm vụ lặt vặt đó nữa.

    Trong đó Nguyễn Thị Tuyết và Nguyễn Thị Thu Hà là hai bạn mới từ trường tư hay ở đâu chuyển về; Thế mà bạn Tuyết đắc cử ngay phó lớp, phụ tá cho NhàQuê: Bầu cử dân chủ, phổ thông. trực tiếp và kín đàng hoàng à nhe! Nói lên đây để các Bạn thấy việc học hành thi cử thuở trước nặng nề nhiêu khê biết dường nào!!...Thi cử ơi là thi cử, ta thù mi!

    Bạn Nguyễn Sinh Tố đi học bằng xe Vélo Solex, là một trong ba chiếc trong trường vào thời ấy; Chiếc thứ nhì của Nguyễn Thị Ngọc Mai và chiếc thứ ba của thầy Nguyễn Văn Bon, sau thầy Bon đi làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bến Tranh (Tân Hiệp-Ðịnh Tường) sau nữa các phương vị cao hơn bên Hành Chánh.

    Vélo Solex giống như xe đạp, có máy đàng trước, nếu không hạ cần để chạy máy thì đạp tà tà cũng được, xe trông thanh nhã, nữ sinh đi loại nầy xinh xắn thêm lên dù là phải ráng nhịn bánh, kẹo, khô mực nướng, cầy cóc xoài ổi ngâm cam thảo để mua xăng. Nói vậy chứ nó chẳng "uống" là bao.

    Thầy Phan Văn Sáu và thầy Trần Văn Ðinh đều thượng thọ. Vĩnh biệt nhị vị!!

    Các bạn Jacqueline, Nguyễn Quý Trinh, Nguyễn Ái Linh, Nguyễn Thanh Bình...con thầy Nguyễn Quý Ninh đều cùng môn phái bọn NhàQuê, cái cô Ái Linh trông mỏng mảnh dễ thương lắm! Mà mấy cô đã dễ thương rồi ưa kết bạn, đợi chờ đi học cùng đường. Mấy cô kia cũng dễ thương luôn, như là:...!!

    Dãy phố vừa nói mặt tiền nhìn ra đại lộ Phan Thanh Giản, phần hậu quay ra đường Lê Văn Duyệt trống trải nên mỗi căn phố nầy có phần sân vườn phía sau tới tận đường Lê Văn Duyệt. Sâu thiệt sâu !!

    Tiếp theo nữa là khuôn viên rộng vừa phải cho biệt thự cũng là phòng mạch Bs Lê Văn Huê. Biệt thự nầy được xây cất về sau nên dáng vẻ tân kỳ đẹp mắt! À, mà con Bs Huê là bạn Châu phải không? Lâu ngày NhàQuê lẩn thẩn quá không nhớ rõ!

    Qua khỏi tường biệt thự Bs Huê lại là khu công viên khác, nhỏ hơn công viên bên kia đường, bao quanh vẫn là hàng dương reo vi vu mùa gió tết, công viên nhỏ hơn vì trên đó có "Hội Trường Công Chức" xây theo chiều nối Phan Thanh Giản và Lê Văn Duyệt. Hội Trường nầy theo tên gọi thì ai cũng biết "nhiệm vụ lịch sử" của nó, đôi khi nó dùng làm nơi phát thưởng cuối năm học. Dùng làm nơi trình diễn thi văn nghệ mà có lần Nguyễn Duy Liêm rủ NhàQuê tới phụ vỗ tay cho con nhỏ Hồng Nhung dự thi với bài "Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím", bữa đó nhỏ mặc áo tím thiệt và con nhỏ Thanh Ngọc với bài "Chiều Thương Ðô Thị". Vỗ tay quyết liệt và hai thí sinh được loại ngay vòng đầu!


    NhàQuê đoán trước được từ khi nhỏ mới xuất hiên: Ai đời nước da không được sáng mà chọn màu tím thì "Sậm"phải biết! Ðiểm phục sức cũng chiếm một phần.

    Hội Trường Công Chức còn dùng làm nơi dạy Anh Văn về đêm, Mỹ thật bằng xương bằng thịt dạy nên canh gác cẩn thận: Sợ Plastic lắm! Cũng có khi dùng làm nơi quàng quân nhân, công chức cấp cao của tỉnh tử nạn vì công vụ.

    Tháp nằm vị trí ngã tư của Phan Thanh Giản và con đường xỏ xâu, tạo được lưu thông theo chiều vòng tròn.


    Có bốn lối đi vào chân tháp từ bốn phía đường, chung quanh có trụ thấp và dây lòi tói nối nhau làm rào, tất cả sơn trắng. khối tháp đế vuông, nhỏ dần về phía ngọn, trên cùng có hình "đỉnh đồng", bốn phía hông tháp có đắp chữ nổi: Tổ Quốc Ghi Ơn. Như có nói tháp xây đâu lâu lắm rồi và ý nghĩa mỗi giai đoạn mỗi khác.

    -Ðoạn 6: Từ Tháp đến nơi gặp nhau của ba con đường Trần Quốc Tuấn, Phan Thanh Giản và Lê Văn Duyệt.
    Khởi đầu đoạn nầy hai bên có vài cây phượng vĩ báo Hè sang mỗi năm, sau đó hai bên có hai hàng "cau kiểng lão làng" đứng thẳng tấp, du khách có cảm tưởng như được hàng quân danh dự đón chào.


    Phía phải có bến xe đi Sài Gòn, phía trái là bến xe đi các quận, xe lôi, xe lam đi cầu bắc Tân thạch, đi Hàm Long...Ðoạn đường nầy ngày nay đóng, cả khu vực đó gồm hai bến xe trở thành công viên.


    Nhân đây xin được nói về vài loại phương tiện đi lại, chuyên chở trên bộ thời ấy:

    ** Xe đò: Ðầu máy đủ hiệu, đủ hình dáng phần nhiều tuổi cao, có khi khởi động bằng tay quay, các xe đi các Quận thường hành khách xuống phụ đẩy(xô) NÓ mới chịu lên đường, nên các cụ nầy được mang quốc tịch Liên Xô: xe Liên Xô

    Thùng xe đóng thiệt bự để chở tối đa hành khách vậy mà có khi còn phải đu, đeo nhất là chuyến chót, hành lý, hàng hóa chất trên mui nếu nhiều phải trả thêm tiền, cũng không có căn bản nào để gọi là nhiều!

    Hành khách có khi cũng ngồi trên mui dành cho hàng hóa nếu muốn mau tới nơi tới chốn, trong trường hợp nầy phải xuống xe đi bộ qua trạm kiểm soát mới leo lên trở lại.

    Vì là của tư nhân nên màu sắc cũng khác nhau. Về sau vô nghiệp đoàn nên sơn lại cùng màu. Cung ít cầu nhiều xe đò luôn luôn vi phạm qui định về giao thông chuyên chở nên mấy thầy cảnh sát khoái loại xe nầy lắm!

    Xe Á Ðông đi Sài Gòn cao cấp hơn, gọn ghẽ sạch sẽ hơn. Trên quốc lộ và đường liên tỉnh họ vẫy chào nhau rất lịch sự, thực chất là họ báo động nhau về các trạm kiểm soát đang kiếm ăn đột xuất. Ðồng nghiệp giúp nhau tránh thủ tục ..của mấy thầy cảnh sát mà!

    ** Xe Lam và Xe Daihatsu: Xe Lam là loại xe ba bánh chuyên chở hành khách các tuyến đường tầm trung chừng 20 Km, Xe Lam là tên được đọc gọn từ Lambretta, đầu tiên là loại xe hai bánh, máy đặt phía sau đều hai bên, xe lambretta tranh thị trường với bạn đồng hương Ý Ðại Lợi của mình là xe Vespa máy cũng đặt phía sau nhưng chỉ một bên, trong lúc cuộc tranh hùng bất phân thắng bại thì khoảng 1960 xe lam đưa ra thị trường loại chuyên chở ba bánh, chở được tám người đã chật như nêm rồi; Tuy nhiên thực tế con số không dừng ở 10 do có hai khách thân ngồi hai bên người lái, và còn đu đeo phía sau được ít nhất hai người nữa.

    Sau 1968 loại xe Nhật Daihatsu nhảy ra góp mặt trong lãnh vực chuyên chở nầy, anh chàng trông thanh lịch, dáng vẻ của chiếc xe "Van" cỡ nhỏ. Ở Bến Tre hai loại xe nầy thường chạy tuyến đường Tân Thạch, Hàm Long, Mỹ Lòng, Giồng Trôm và từ Quận Lỵ đi các Xã.

    ** Xe Xích Lô Máy: Ba bánh có động cơ làm sức đẩy, chở được hai khách phía trước, người lái phía sau điều khiển xe bằng tay lái như "Gui Ðông" xe gắn máy.

    Khách có cảm tưởng mình đang được head-on với xe ngược chiều. Ngày nay loại xe nầy vẫn còn ở Sài Gòn; Nhưng xích lô máy mất hẳn trên đoạn Bến Tre-Cầu Bắc Tân Thạch. May phước!!

    Từ Mỹ Tho sang cụ hiệu trưởng Phùng Văn Tài, vị Hiệu Trưởng thứ nhì của trường Trung Học Bến Tre, Cụ chỉ dùng loại xe nầy mà thôi và chỉ chở một mình Cụ, lúc nào Cụ cũng mặc bộ đồ trắng, áo tay dài cài khuy, nón cối trắng cài quay cẩn thận, khi ngồi xe hai tay của cụ mở rộng ra hai thành xe. Có người nói Cụ "thủ kỹ"vậy là vì số tử vi của Cụ sao đó??

    Khi nói chuyện với học sinh bao giờ Cụ cũng nói: Nhân danh Hiệu Trư.. ở.. ng Trư.. ờ.. ng Tru.. ng Học Bến Tr.. e . Cụ đánh lưỡi và kéo dài các chữ có vần TR ... Cụ nói câu đó trước rồi mới vô các vấn đề khác.

    ** Xe Lôi Gắn Máy: Là xe gắn máy kéo theo thùng sau chở khách, tất cả các loại xe gắn máy đều có dùng vào "công tác" nầy được: Từ Mobylette, Goebel, Motobecane, TWN ...nhưng gọn và mạnh là anh Folish. Khi qua khúc vòng tròn nơi Tháp vốn mặt đường không được xây nghiêng bù trừ sức ly tâm mà các bác chở khách vẫn giữ nguyên tốc lực, các bác đu thân mình bù cho sức ly tâm đó. Khách đi xe về đến nhà cảm thấy hôm nay mình may mắn!!

    ** Xe Xích Lô Ðạp và Xe Lôi: Hai loại xe không cơ giới nầy đưa rước trong phạm vi tỉnh lỵ, xích lô đạp thì phổ thông nhưng xe lôi chỉ có ở vài tỉnh lỵ mà thôi.

    Tổng Thống Mỹ Lyndon Baines Johnson lúc còn là Phó khi sang Sài Gòn cũng làm được một Pô đi xích lô đạp với Bác Xích Lô chắc là đã lựa chọn kỹ lắm mấy đời!!

    Nơi gặp nhau của Ðại lộ Phan Thanh Giản với Trần quốc Tuấn và Lê Văn Duyệt còn có hai con lộ nhỏ là Lộ Hàng Keo và Lộ Chợ Lạc Hồng nên địa điểm đó như là ngã sáu; nhưng do tên đã có sẳn nên ai cũng gọi là Ngã Ba Tháp.

    NhàQuê




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  2. #32
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Ba Con Đường Tạo Thành Ngã Ba Tháp

    Nam Bắc 9



    Đại Lộ Phan Thanh Giản

    (Tiếp Theo)



    Liên Tỉnh Lộ 6

    (Đại Lộ Phan Thanh Giản nối dài)



    - LIÊN TỈNH LỘ 6 (phần nối dài Ðại Lộ Phan Thanh Giản): Liên tỉnh lộ 6 nối ba tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre và Trà Vinh. Tỉnh Mỹ Tho dù mấy lần đổi tên gọi nhưng trong giao tiếp hàng ngày mọi người vẫn dùng tên Mỹ Tho. Lúc tên nước Mỹ còn xa lạ, người Bến Tre khi đi Mỹ Tho còn nói gọn là đi Mỹ nữa cà!

    Quả thật Mỹ Tho hấp dẫn NhàQuê một thời gian dài vì nơi đó có cầu bắc và xe lửa, nhất là xe lửa. Anh con của chủ nhà NhàQuê trọ thỉnh thoảng đi Mỹ Tho câu cá. Một hôm thấy anh vui vẻ, cơ hội đã đến!

    NhàQuê xin anh cho đi theo, anh lưỡng lự một chút rồi "Ừa", NhàQuê cảm thấy mình có thể nhảy cao được tới mái nhà: Sướng ơi là sướng!

    Anh ừ rồi mà còn hỏi gặn: Ði chi vậy? NhàQuê không hổ thẹn tí nào, đem cả gan ruột mình cho Ảnh thấy: Em muốn coi xe lửa cho biết! Ảnh hứa vậy chứ hôm ấy chưa phải là ngày đi.

    Một buổi cuối tuần quá trưa một chút, Ảnh sửa soạn có vẻ đi câu cá mà không nói NhàQuê tiếng nào hết, đánh bạo NhàQuê hỏi: Bữa nay cho em theo qua Mỹ câu cá với nhe!
    Anh mới kêu sửa soạn lẹ lên; Có gì đâu mà chuẩn bị, mặc bộ quần áo "tứ thời cảm mạo, nhất y nhất quởn, về xếp để đầu nằm khỏi ủi" là xong ngay! Leo lên ngồi sau lưng anh trên chiếc xe đạp lúc nào anh cũng chùi bóng mà lòng hân hoan khôn tả.

    Thằng bé con của NhàQuê lần đầu tiên được dẫn đi Sài Gòn khi trông thấy chiếc bắc nó la lớn ai cũng nhìn nó "Trời ơi chiếc bắc bự!" Ðó là về sau khi nó nhìn thấy chiếc phà loại A-100, B-100, C-100 ...do hãng Caric ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn đóng. Ký hiệu 100 chắc chỉ trọng tải của nó tính bằng tấn.

    Lần đầu NhàQuê sang sông Tiền chưa có loại vừa nói, đi loại há mồm, nhỏ hơn chỉ chở một xe lớn hoặc vài xe loại nhỏ được cho xuống trước, xe chạy trên cầu sắt dẫn đến phao nổi, trên phao nổi có cầu hình chữ thập quay được, sau khi xe đã ở trên chữ thập rồi, phần chữ thập được quay cho mũi hoặc đít xe thẳng hướng mõm bàn đò (Phà), ràng rịch cẩn thận rồi xe mới chạy tới hoặc de vào tuỳ theo thế của nó được hướng đến.

    Hành khách và người đi xe đạp hay xe gắn máy xuống sau, nhiều người đi trễ chạy chun qua cả mấy dây lòi tói ngăn trên cửa xuống bắc. ...

    Sau khi bửng hay mõm bàn đò được quay lên và các dây đỏi đã móc ghịt đúng qui định đàng hoàng rồi, kẻng báo và Tài Công cho phà lui dần, trở đầu và trên đường sang sông. Phà rẽ nước và lòng người lần đầu tiên đi trên phương tiện "Hiện Ðại" nầy lâng lâng khó diễn tả được!

    NhàQuê xin anh cho ra phía trước gần mũi để nhìn chi rõ, cù lao (Cồn Phụng) gần bên tay trái không có gì đáng nói, hiện ra cù lao Rồng mờ phía trước mặt có chiếc tàu chìm nằm nghiêng, càng gần càng xương xẩu, rỉ sét ...Mãi lo nhìn chiếc tàu chìm quên bên trái lại có cù lao thứ hai ( cù lao Tân Phong) mà giữa hai cù lao bên trái ấy có hàng đáy nhưng không thấy ghe xuồng đi lại gì cả.

    Phà đã trở hướng quẹo về trái đi giữa cù lao Tân Phong và cù lao Rồng, Chiếc phà từ hướng Mỹ Tho sang cũng đang rẽ nước, hai chiếc qua mặt nhau rồi mà còn nghe được tiếng máy hù hì và nhìn rõ cả dòng nước bị xoáy do chân vịt quay tạo nên phía sau của chiếc phà ngược chiều đó.

    Phà vòng mõm cù lao Rồng chuẩn bị cập bến, NhàQuê trở lại đứng cùng anh sợ lạc và tình cờ thấy một anh tàu chìm nữa cạnh bờ phía thành phố, chiếc nầy vì gần nên trông "bậm trợn" hơn và đen đủi hơn; Nhưng mục đích chuyến đi không phải xem chúng nên phút chốc đã lãng quên về các tàu chìm.

    Bước chân khỏi mõm bàn đò, qua cầu sắt dẫn lên bờ: Chào Mỹ Tho, Chào Mỹ Tho!!!



    Theo anh lên đến ngã tư đầu tiên, anh dừng lại hỏi: Giờ đi đâu? Tự nhiên trở thành người quyết định trong lúc chưa biết chút gì về cái Mỹ Tho nầy hết. NhàQuê cương quyết giữ vững lập trường không gì lay chuyển được: Ði coi xe lửa!

    Anh mấy bước quẹo phải ở ngã tư, rồi ngẫm nghĩ sao anh quay trở lại hỏi dì bán bánh kẹo: Xe lửa về chưa vậy chị ? Ðược trả lời: Gần rồi đó! Gần rồi đó!

    Anh băng qua ngã tư hướng cầu bắc lên đi thẳng. Dừng lại trước cổng sơn vạch đỏ vạch trắng xen kẽ, cổng mới vừa kéo đóng xuống, tất cả xe cộ và người đi bộ từ hai hướng đều dừng lại.

    Hồi còi dài xa xa rồi rõ dần cùng tiếng máy xình xịch, càng gần tiếng sắt thép nghiến nhau...âm thanh khô khan cao vút rất hổn tạp.

    Cửa gần toa đầu tiên có chú mặc đồ màu xanh đậm, đeo tòn ten cầm cờ đỏ phất lia lịa và thổi tu huýt liên hồi. Các toa lần lượt lướt qua và NhàQuê nhìn các bánh chạy rất "kỷ luật không chen lấn nhau" trên đường rầy; Trông thiệt đã thèm, thỏa mãn, không phí công mong đợi ngày giờ nầy bấy lâu.

    Rồi vụt như quên điều gì: Trời ơi! quên nhìn cái ống khói coi nó thở khói thế nào mà theo sách vở đó là đầu máy hơi nước được đốt bằng than đá, qua rồi uổng thiệt!

    Cổng mở trở lại, người ta hối hả tiếp tục đi theo hướng của mình có vẻ sự chờ đợi nãy giờ làm họ bực mình chứ không vui vẻ như "Kẻ ở miền xa" tới là NhàQuê.

    Trở lại ngã tư lần nầy anh quẹo trái tức là hướng lúc đầu từ dưới bắc mới đi lên anh quẹo phải, anh hỏi vói ra phía sau: Coi xe lửa nữa hôn! Như trúng chỗ ngứa NhàQuê nói như reo: Còn nữa hả?!?!

    Anh vẫn đạp xe đều đều. Tới một chỗ đột nhiên anh dừng lại tưởng anh nhường cho đám đông băng qua đường. Không! Ðó là bến xe lửa, trạm dừng cuối cùng ở đây.
    Theo hướng tay anh chỉ, NhàQuê thấy lại NÓ đang nằm thở: Vài cọng khói đang còn quyến luyến chưa chịu bay cao! Nhìn kỹ NÓ cũng già nua rỉ sét rất nhiều.

    Thôi mình đi! Tất cả trở về thực tại là từ đây trở đi "chương trình" không còn tuỳ thuộc vào NhàQuê nữa! đi theo ảnh.
    Khỏi nhà hàng Cửu Long không xa, anh rẽ vào công viên có cây da và tìm băng đá hướng ra sông lớn ngồi, chỗ nầy gần như ngã ba sông, xe dựng dựa vào lan can bờ sông. Nơi đây có nhiều người câu cá giống như giải trí chứ thực sự không phải nhà nghề. Nhìn cách móc mồi là biết ngay!!


    Anh mua cho NhàQuê mấy trái bắp luộc và mấy xâu mía ghim căn dặn kỹ: Coi chừng xe đạp!
    Và anh đi chắc là anh đi mua mồi và cần câu. Từ phút đó NhàQuê "chiến đấu xa làng quê" một mình, đơn thân và độc xe đạp sắt dựng trước mặt!! Vài cậu nhỏ hơn NhàQuê lân la: Bộ dưới quê mới lên hả?? Ði đánh giày với tụi tao hôn?? Thì ra!!

    Ngồi nhìn ghe thuyền tấp nập mà chẳng khám phá được điều gì mới về "Nước Láng Giềng Mỹ Tho". Lâu lắm, vâng lâu lắm! Anh mới trở lại trông chút mệt mỏi nhưng vui vẻ hơn lúc nãy, lúc tách ra đi mua mồi và vẫn tay không, chẳng thấy món nào khác đính kèm. Anh ra lệnh: Thôi giờ mình về!

    Mỹ Tho chỉ thế sao!!! Trời đã bắt đầu hơn hoàng hôn đôi chút...

    Tạm biệt Mỹ Tho buổi sơ giao nhé! ... Trường Nguyễn Ðình Chiểu, Cầu Quay, Chợ Cũ, chùa Vĩnh Tràng... chắc còn xa hay đâu đây mà mình chưa biết!!

    Trở lại Cầu Bắc , anh dẫn NhàQuê vô tiệm ăn làm mỗi người một tô hủ tiếu trong lúc chờ phà qua và cũng để đủ sức đạp xe về.

    Ðã qua phần đất quê nhà, trăng cũng lên khá cao, ánh trăng làm các khu vườn mướt thêm nhưng có vẻ lành lạnh nhất là ngồi sau.

    Có ánh trăng, dừa cao hai bên đường đổ bóng đọng thành những vũng đen trên măt đường tăng thêm cảm giác rờn rợn.

    Một toán người cũng đi xe đạp tiến nhanh về cùng hướng càng lúc càng gần, họ kêu hú đợi đi chung cho vui: Chắc mấy tay nầy cũng đi coi xe lửa hay câu cá gì mới về đây!!
    Một lúc sau nữa họ lại thoát đi trước trong đoạn từ ngã ba Bình Ðại đến Phú An Hòa.
    Chập sau anh cũng thấm mệt và chuyển qua NhàQuê chở anh khi qua khỏi cầu Ba Lai. Về tới nhà gần nửa đêm. Khó ngủ, nằm thả suy nghĩ đi lại con đường đã đi ban trưa.

    Mấy ngày sau hai anh Tám Huốn và Ba Nhơn hỏi NhàQuê "Bộ mới đi Mỹ Tho câu cá hả?" với cái cười mỉm chi khó hiểu. Sau nầy NhàQuê mới biết ra tiếng lóng đó: Là đi viếng Hồng Ðăng Trấn Red Light District; Hèn chi mệt!! Không như Hòa Lan "thị trấn đèn đỏ" mở cửa công khai hợp pháp, còn xứ ta "dùng dằn" nửa muốn nửa không; Thôi vụ nầy để cho các nhà Xã Hội Học lo.

    Trong các năm có cuộc đua xe đạp Cà Mau-Bến Hải, vài lần đoạn liên tỉnh lộ 6 từ Mỹ Tho qua Bến Tre cũng được nằm trong lộ trình, dịp nầy hai bên đường đông nghẹt người xem các "cua rơ" trổ tài, những con tuấn mã sắt cũng khác chiếc xe máy đạp thường dùng: giản dị, càng gọn nhẹ càng tốt.

    Tay đua về nhất một đoạn sẽ được mặc áo vàng trong đoạn kế tiếp: Lê Thành Các được báo chí đặt tên cho là "Con Phượng Hoàng" nhiều lần thắng giải, báo hằng ngày bán sạch vì người ái mộ theo dõi tin tức cuộc đua nhất là các đoạn gay go leo dốc đổ đèo khi đoàn xe đua ra tới miền Trung.

    Ngày nay ai cũng biết cuộc đua Vòng Quanh Nước Pháp "Tour de France" khó khăn vất vả nhưng hấp dẫn các tay đua Năm Châu Bốn Biển và ai cũng biết đến anh chàng "cải số trời" Lance Amstrong thắng bảy lần liên tiếp giải Tour de France, từ người bị cancer đã thoát lưỡi hái để nay cancer-free.

    Một Amstrong khác Neil Amstrong, người đầu tiên đặt chân lên nguyệt cầu gọi về trái đất: Houston! Houston! ...(danh hiệu đài kiểm soát chuyến bay đặt tại Houston, Texas-USA; Ðó cũng là tên thành phố được nói đến đầu tiên từ mặt trăng). Phi Hành Gia Neil Amstrong đã gởi về trái đất tin vui "Ðây là những bước chân nhỏ; nhưng là bước tiến xa". TV trực tiếp truyền hình và còn hình ảnh lưu giử; Vậy mà gần đây có sự hoài nghi vì mấy cái bóng (shadows) ngược nhau sao đó! Thế sử sách còn tin được không? khi mà chúng được biên chép có lảnh lương và dựa vào những tài liệu được nhả ra theo nhu cầu của từng thời điểm. Nghi lắm thay! Dù tích xưa nói rằng có nhà chép sử thà chết chứ không chịu viết lại theo lịnh bạo chúa! Có mấy ai! Mút chỉ Cà Tha!

    Nhân nói đến TV, nói các bạn đừng cười, NhàQuê có nghe nói tới TV màu mà thực sự chỉ biết khi đến cái xứ nầy lúc 44 tuổi mấy ngày. Chuyện nầy cũng có thật trăm phần trăm em ơi! Chiều nay...!

    Bốn mươi lăm năm về trước lần đầu tiên Bến Tre tổ chức kỳ thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp, bọn NhàQuê khỏi phải qua tận Mỹ Tho như các lớp đàn anh. Các môn thi toàn viết và có vài sửa đổi trong đó môn sinh ngử 1 Pháp Văn thay vì làm bài luận (Rédaction) thay thế bằng bài Thème, trong đề thi có đoạn phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp như sau:..Chúng ta đang ở vào Thời Ðại Phản Lực, Hỏa Tiển và Nguyên Tử, nằm trên giường vói tay vặn nút Vô Tuyến Truyền Hình chúng ta có thể thấy được những sự việc xảy ra cách xa ta hằng mấy ngàn cây số... Cho đề gì ác quá vậy mấy ông!!! Trong các chữ viết hoa chỉ biết được có một là Nguyên Tử vì trong môn hóa học có học về phân tử, nguyên tử và Nhật Bản thay mặt nhân loại lảnh bom Nguyên Tử 15 năm về trước. Giám thị coi thi thương tình chạy hỏi lung tung mà cũng không khá gì hơn nhất là chữ Vô Tuyến Truyền Hình!...

    Hôm sau trên báo có in bài giải Vô Tuyến Truyền Hình là télévision viết tắt là TV, thời đó 1960 cái món nầy chưa có ở đâu hết từ Cà Mau cho tới Bến Hải, nếu có chắc cũng khối người bao xe đi xem cho biết kiểu NhàQuê xem xe lửa vậy.

    Không như ngày nay món TV bắt buộc phải có trong mọi gia đình, ngang hàng với các vật dụng cần thiết như: bếp, tủ lạnh, điện thoại, máy giặt máy sấy...

    Ðám cháu nội, ngoại chưa tới tuổi đi học, chúng học theo TV mà ra đường, vô khu thương mại chúng dạn dĩ chào hỏi khách bộ hành qua lại mua sắm, khác xa cha ông chúng tránh né dân bản xứ không phải vì họ cao lớn hơn mà sợ người ta Hello bất tử hoặc họ nói cái gì có khi đi cả buổi mới nghiệm ra, định quay lại trả lời thì "trễ rồi Băng Ðình ơi! thuyền đã ra cửa biển ..".

    Mấy anh chị trước NhàQuê một lớp vẫn còn thi luận Pháp Văn, nghe kể lại là đề thi năm 1959:... Ðang đi gặp trời mưa bạn thấy một auberge, hãy tả nó ...

    Cả phòng thi chẳng ai biết auberge là gì, giám thị hỏi dùm nhắc auberge là quán cốc, vì nhắc nho nhỏ và che miệng nên có người nghe lầm là con cóc.
    Trời mưa gặp cóc nghiến răng là phải rồi! Lập luận đúng lô gic quá đi chớ! Tới luôn bác tài bèn tả con cóc : Trật "ngàn dậm dưới đáy biển"!

    Tới Paris NhàQuê gặp và vào ăn ở auberge dưới hầm, bảng hiệu có chua thêm tiếng Hồng Mao là restaurant.
    Cũng được miễn ngon, rượu uống thả cửa không hạn chế theo mỗi món ăn dọn lên, chắc cũng thuộc loại bình dân rẻ tiền; Không sao, rượu Tây mà !

    Vài tuần rượu vào thấy tới hai, ba Paris cùng lúc, đẹp hơn duyên dáng hơn lên!! Tư Ếch chào mừng Ba Lê và Paris vui vẻ vẫy chào Tư Ếch!! Có chữ TV mà vòng vo Tam Quốc quá đi bạn NhàQuê! Vậy qua chuyện khác nha!g

    Nếu khởi đi từ ngã sáu chỗ Lộ Hàng Keo, cụm buôn bán linh tinh bên trái có hủ tiếu Ðịnh Quán ngon không thua gì hủ tiếu Mỹ Tho danh tiếng, hủ tiếu Thanh Xuân của little Sài Gòn tiếp khách như hạch, thua xa cả cây số!

    Bên phải có cây xăng mới mở, đó là cây xăng thứ ba trong tỉnh lỵ, cái lạ là cả ba đều nằm trên con đường huyết mạch nầy và cùng một bên. NhàQuê biết rõ vị trí chúng nhưng không nhớ tên chi tiết từng cây xăng một, tên mỗi cây xăng theo "phong tục" thường gọi theo tên người chủ đầu tiên cho dễ xác định, dù cho đã mua qua bán lại sang chủ đổi tớ bao lần. Tên hiệu chính thức vào thời đó thu gọn trong ba thứ sau đây: Esso, Shell và Caltex .

    Con đường từ Sài Gòn qua khỏi cầu Trịnh Minh Thế, qua khỏi các kho thương cảng, khỏi cầu Tân Thuận, bắt đầu bon bon trên đường đi Nhà Bè.
    Cuối đường là Mũi Tàu vì địa thế có hình dáng như vậy, dòng sông chánh hướng ra Vũng Tàu, Rừng Sát. Nhánh rẽ đi Cây Khô, Cần Giuộc...Chính nơi đó "Nhà Bè nước chảy chia hai-Ai dìa Gia Ðịnh Ðồng Nai thì dìa".

    Trước khi đến cùng đường mạc lộ nầy, vừa xuống dốc cầu Phú Xuân bên phải là chợ Phú Xuân Nhà Bè (có xe mực nướng cán phết tương xay ngon bá phát, ngon vì tương xay bí truyền! Ðọc đến đây xin nhớ nuốt nước miếng dằn xuống dù răng cỏ không còn đủ vững để nhai khô nữa). Bên trái lần lượt có ba con đường lớn, rộng, chúng cùng phát nguyên cách khoảng đều nhau tổng cộng độ một cây số theo chiều dài của con đường cái quan Sài Gòn Nhà Bè.
    Những con đường ấy, sau khi chạy qua mấy thủa ruộng mỏng, dẫn vào ba kho xăng cũng theo thứ tự vừa kể: Esso, Shell rồi Caltex. Ba kho xăng tựa lưng vào sông Sài Gòn. Suốt ngày các xe bồn vào đổ đầy xăng dầu, trở ra đi phân phối các trạm xăng khắp nơi từ miền Ðông cho tới Lục Tỉnh, đương nhiên ba cây xăng tỉnh lỵ Bến Tre cũng theo cách ấy. Ðặc biệt đường dẫn vào kho xăng Shell có quán "hủ tiếu lòng" ngon nhất dương chỉ, bán buổi sáng mấy nồi là xong, đi trễ nhịn!

    NhàQuê và Sếp nhiều lần cũng trong số thực khách đứng đợi, chờ chỗ ngồi đến khi có người ăn xong đứng dậy, có khi ngồi luôn trên xe cho tiện khỏi phải chờ, thế mà ngon bội phần, đợi lâu nuốt nước bọt ừng ực mau no lắm!!

    NhàQuê cũng được phép đi luồn ngang lách dọc bên trong qua lại các kho và xuống bến xem các đoàn tàu từ Nam Vang qua lấy xăng, những khi Sihanoukville bị trở ngại, họ đem theo lạp xưởng Nam Vang bán, mua thẳng với giá rẻ mà ngon hơn lạp xưởng ta nhiều.

    Nước ta trong một thời gian dài đứng đầu Thế giới là nước có nhiều cây xăng dọc mọi nẻo đường: Một cục gạch, một chai lít nút có khi là lá chuối cuộn lại, không có gì trong đó. Cây xăng đấy! Gần hết xăng bạn cứ việc tấp vào đổ cũng vui lòng khách đến vừa lòng khách đi ra phết!

    Thuở nhỏ thấy Ba Má đựng xăng trong cái ve nhỏ để dành chế hộp quẹt máy...cái gì cũng máy. Ngày nay mấy bà không cần đòi ông xã đèo chở như "ngày xưa thân ái" nữa mà tự lái rồi cạ cạ thẻ rồi tự bợ vòi đổ lấy Vô Tư!!


    Trở lại Liên tỉnh lộ 6, tới hơn chút có cái trại nhập ngũ là đáng nói, nơi đây ở đỡ ít hôm của các thanh niên bị tóm nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh, nhiều trình độ yêu nước khác nhau...Rồi mai ta lên đường. Trại ấy sau tận thế là nơi tạm trú những ai lên đường lênh đênh không suôn sẻ ghé đây sạch sẽ gác tay lên trán nghỉ tạm.
    Tiếp tới đồng trống rồi cái bờ nhỏ vào chùa, am hay miếu miễu gì đó mà cũng là đường vào xóm nghĩa địa người Tàu.

    Lại cũng nghĩa địa có phần đất trũng sâu do bị lấy đất thái quá, trước khi đến đình Phú khương nổi tiếng ma; Bạn Ẩn Hồ kể lại có anh xe lôi dù đã nghe kể nơi đó có ma, mà vì nghèo cần đong gạo cho con đã liều lĩnh đi cuốc đã quá khuya, trở về ngất xỉu bên đường trước ngôi đình khi nghe trên cây da cạnh đình có tiếng nói của ma mẹ dỗ dành ma con: Ðể mẹ bắt thằng xe lôi lên cho con chơi nhe!!

    Dọc hàng cây dầu cao ngất của ngôi đình nơi đó có trường Trúc Giang của thầy Sửu ra đời góp mặt trong hàng ngũ các trường tư thục, học sinh tư thục do nhiều hoàn cảnh khác nhau không được theo học trường công, không vì thế mà trường tư không có nhiều học sinh xuất sắc chẳng kém gì bên công lập, về sau nhiều bạn đạt học vị cao đại học: Ðường dài mới biết ngựa hay!

    Trong lúc đó bên phía trái từ ngã sáu lên có nhà máy nước đá Vĩnh Hiệp hơi sâu vào trong chút, tiếng máy chạy ì ành ngày đêm bốn mùa, tiếp đến dãy trường Khai Minh mái tôn, nhà để xe không đủ, học sinh để xe đạp lỗm ngỗm trên sân, trường tư nầy chỉ dạy hết bậc đệ nhất cấp, nhiều bạn sau đó vào được Công Lập. Trường Khai Minh đóng cửa cùng một số trường khác như: Hàn Thuyên, Cộng Hòa, Phong Châu, Trí Ðức, Phước Thiện, Riêng Bác Ái trở thành trường bán công (??)...chỉ còn lại ba trường tư có bậc đệ nhị cấp Trúc Giang, Bồ Ðề, Tân Dân là trường kỳ kháng chiến bên cạnh Trung Học Công Lập Kiến Hòa đến hơi thở khò khè...

    Qua khỏi trường có ngôi nhà lầu, tường đá mài nghe nói gia chủ trúng số độc đắc sổ số kiến thiết?? Từ đó đến xa tận ngã tư Phú Khương chỉ có cái Trung Tâm Chiêu Hồi ngang bên kia đường của trường Trúc Giang là đáng nói, cái trung tâm nầy chứa xà bần thiệt có giả có: Bỏ giò lái!!!

    Ðoạn ngã tư Phú khương đến ngã ba Tân thành hai bên xen kẻ nhà ở và nghĩa địa, hai bên đường có những cây dầu cao, trông thấy từ xa lúc vừa qua khúc quanh khỏi cầu Ba Lai đôi chút khi từ hướng Mỹ Tho về. Ðất Thánh Tây toàn mộ đá và xi măng dường như người quá cố đồng đạo nhau, có mấy cây bằng lăng hoa tím, vừa sạch sẽ vừa dấu chỉ giàu có khác hẳn bên kia đường mồ mả hổn tạp sơ sài ...giàu nghèo có khác...

    Qua thời gian, ngã ba nơi liên tỉnh lộ 6 có nhánh tách ra đi Sóc Sãi, Tiên Thủy, Cái Nứa, cái ngã ba có nhiều tên gọi: Ngã ba Tân Thành, ngã ba Giồng Dầu, ngã ba Hàm Long. ngã ba Sóc Sãi ...và nhiều nữa về sau, nhưng hãy gọi là "Ngã Rẽ Tâm Tình" cho nó có chút cải lương vọng cổ vì không xa nơi đó cánh đồng Ba Lai thoáng mát, thơ mộng, không ít cặp trai gái đưa nhau ra đấy tâm tình đêm trăng tỏ...cũng có khi sau đó đường ai nấy đi...Không cần đêm trăng, mùa ruộng lên đòng cùng nhau câu cá nhàn tản cũng đã niềm nhớ khôn nguôi!
    Nơi ấy về sau gần như đông đúc nhà vườn san sát mất đi nhiều dáng vẻ đáng yêu ngày nào.

    Bên kia tầm nhìn rừng dừa giăng ngang kéo dài từ Phú Túc qua Tam Phước đến hết Hữu Ðịnh, Khóm dừa nơi có cầu Ba Lai mà có tới ba tên khác nhau: xã Tam Phước, cầu Ba Lai, trường Thạnh Hựu và có thể còn vài tên khác nữa để chỉ có mỗi một nơi chốn nằm trên con đường liên tỉnh số 6 nầy

    NhàQuê




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  3. #33
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Ba Con Đường Tạo Thành Ngã Ba Tháp

    Nam Bắc 10



    Đường Lê Văn Duyệt






    ÐƯỜNG LÊ VĂN DUYỆT:Mời các Bạn cùng NhàQuê đi theo hướng từ Bắc xuống Nam khởi từ Ngã Sáu có Lộ Hàng Keo, phía đường nầy dù trải nhựa nhưng lởm chởm do thiếu bảo trì đúng mức hoặc đúng định kỳ, bụi mịt mù khi có xe qua lại.


    Ðoạn tới ngang Tháp có lúc cho giao thông hai chiều, có lúc chỉ một chiều về phía Tháp.

    Ðường Lê Văn Duyệt lần lượt vượt ngang qua: Hẻm Ðại Ðồng, nhà máy nước đá Lê Thành Hương, Lộ Mới, trường tư thục Cộng Hòa.

    Trước khi đến Mỹ Hòa Chay và Hẻm mang cùng tên, chúng ta ngang tư thất cụ Nguyễn Văn Trinh, vị Hiệu Trưởng đầu tiên trường Trung Học Công Lập Bến Tre liền trước khi đến chùa Phật Ân.

    NhàQuê nhìn biết Cụ từ khi chưa vào Trung Học vì Cụ nhiều lần đi thanh tra, khám lớp các trường dưới Ba Tri, mấy thầy cô bị Cụ bất ngờ dự giờ vừa dạy vừa run cầm cập, tái mét. Cụ thanh tra xong, thầy cô dạy lớp được khen cũng chưa dám cười.

    Các lần Cụ khám xét thăng thưởng còn gian nan hơn, thầy cô dịp đó khỏi cần ăn kiêng cũng xuống cân thầy rõ: Nào chuẩn bị giáo trình, học cụ, chỉnh đốn sổ sách, dặn dò học sinh ráng học thuộc bài phòng khi thình lình bị thanh tra chọn hỏi và nhất là đừng khớp, hãy bình tỉnh như thầy cô mình, nhưng xét ra trong giờ phút hồn phi phách tán đó, trò bình tỉnh hơn thầy cô nhiều, Vô Tư!!

    Mời các Bạn nghe cậu bé bên cạnh nhà đoàn thanh tra tạm nghỉ đêm: " Má ơi má! giờ con học bài nha, con học bài cách trí, cô con nói ngày mơi có mấy Ông thanh tra lận...Ờ ! học đi con!..... Rắn rắn rắn rắn rắn...Rắn là một loại bò, rắn là một loại bò, rắn là một loại bò, rắn là một loại bò......sát không chân, sát không chân, sát không chân, sát không chân......Rắn là một loại bò sát không chân, rắn là một loại bò sát không chân......Con thuộc bài rồi con tắt đèn đi ngủ nghe má? Ờ!"

    Cụ cũng giúp đỡ học sinh Trung Học Công Lập Bến Tre, khi đó Cụ kiêm nhiệm luôn chức Trưởng Ty Tiểu Học, Cụ tuyển các anh chị lớp đầu tiên đàn anh chị NhàQuê làm thầy giáo cô giáo cho nhu cầu mở mang giáo dục tới tận vùng nông thôn trong các đợt cần tuyển giáo viên tiểu học ngoại ngạch, về sau các anh chị nầy cũng dần dần nhập ngạch.

    Cụ đi xe đạp loại cao giàn vành 700 cỡ NhàQuê khó lòng đạp tới: niềng 650 NhàQuê đã vất vả rồi!

    Chị Liễu con Cụ chạy lẹ lắm nhe anh "Liễu", cẩn thận đó!, chị thi chạy đua mỗi năm.

    Nhan Khương cũng con Cụ học sau NhàQuê mấy năm, bạn nầy không chạy nhảy với đời mà chọn con đường tu tịnh, giúp người nghèo đói...

    Có nghe nói cụ hiệu trưởng Nguyễn Văn Trinh được ân thưởng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương do những cống hiến của Cụ cho Ðất Nước, cho sự nghiệp Giáo Dục, trước khi hưu Cụ đã được tưởng thưởng Chương Mỹ Bội Tinh Ðệ Nhị Hạng: Kính mừng và cũng Vĩnh Biệt Cụ!

    Chùa Phật Ân có người nói đó là chùa chánh: Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bến Tre; chuyện đó NhàQuê không rành nhưng biết chắc rằng đầu năm đến chùa hái lộc thoải mái, cây lá nhiều nên không cần hạn chế! Nói vậy chứ cũng hái tượng trưng, chừa cho người ta ... nghe mấy cha mấy mợ!


    Bên kia đường trước cửa chùa dùng làm bến xe đò đi các quận và sau là xe lam chạy đường ngắn hơn đi các xã, quận gần.

    Ðoạn kế tiếp có nhà sếp Giám cửa hướng ra sau nhà Bs Huê; Ông là giám thị chỉ huy nhóm thợ chuyên môn trong Ty Công Chánh và người ta cũng thường nói về sự đảm đang của bà Sếp.

    Anh Nguyễn Văn Ðạt con ông có xuống làm hiệu trưởng Trường Tiểu Học Ba Tri vài tháng nên kiêm nhiệm luôn Trung Học trong giai đoạn trường mới mở chưa bao lâu; Anh xuống dưới vì bị kỷ luật: Nghiện!

    Còn cái bạn Ðây em anh cũng con ông Sếp, thì NhàQuê chỉ biết chứ không quen: mấy bạn chạy vespa chưa có bằng lái khó quen quá!!

    Còn nhiều nhà nữa tất cả khang trang, cuối đoạn đó là nhà gia đình bạn Yên Thị Ngọc Ðiệp, Ngọc Yến, Cẩu Chẩy, Yên Chấn Huê nơi giao điểm Lê Văn Duyệt và Hai Bà Trưng.

    Từ đây đến gặp đường Trương Tấn Bửu (ngã ba) lần lượt qua: ngã tư Nguyễn Tri Phương, ngã tư Gia Long, ngã ba đường vào Ngân Khố đều đã có nói ít nhiều rồi.

    Duy chỉ trên đoạn còn lại nầy có lần đua xe máy dầu từ ngã ba Tân Thành về có người tử nạn do thoát đi quá nhanh, không thống nhất theo dặn dò về mục đích cuộc đua và an toàn lộ trình của thầy Nguyễn Khương Nhuận.

    Chuyện lúc đó NhàQuê chưa lên nhậm chức “học sinh Trung Học” nên nghe nói lại và biết đại khái như vậy.

    NhàQuê 2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  4. #34
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Nam Bắc 11




    Đường Lê Đại Hành



    ÐƯỜNG LÊ ĐẠI HÀNH: Ðường Lê Đại Hành khởi từ đại lộ Hùng Vương chỗ hai cầu tàu ông chánh, cặp hông dinh Tỉnh Trưởng, dọc theo dãy nhà dành cho gia đinh hầu cận và phòng thủ canh gác, lẽ ra đường đi đến trước cửa trung tâm hành chánh, nhưng vì khu vực tòa hành chánh sau nầy có xây rào nên đường Lê Đại Hành đến gặp tạo ngã ba với đường Trương Tấn Bửu là hết!

    Nếu từ bờ sông lên, Dinh Tỉnh Trưởng bên trái. Bên phải có dinh quận Châu Thành ngay góc ngã ba Trương Tấn Bửu.

    Vì vị thế đặc biệt là khu dinh thự nên ít người đi lại trên đường nầy.

    NhàQuê 2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  5. #35
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Nam Bắc 12




    Đại Lộ Đinh Tiên Hoàng



    ÐẠI LỘ ÐINH TIÊN HOÀNG: Song song với đường Lê Đại Hành, cũng tạo ngã ba với Trương Tấn Bửu hơi đối diện cổng vào Tòa Hành Chánh và cũng cặp hông dinh Tỉnh Trưởng.

    Bên phía phải đại lộ Ðinh Tiên Hoàng tính theo chiều tới mé sông có Sở Cứu Hỏa, rồi tới trường Nhà Lá: Trường gồm ba dãy hình chữ U, hướng về sở Cứu Hỏa hay đúng hơn là nơi rửa công xa.

    Trường là nơi học tạm chờ khu trường tiểu học Phan Thanh Giản xây xong.

    Trường do thầy Trần Văn Ðinh làm Hiệu Trưởng dù học ở nơi chốn tạm bợ vậy mà đến kỳ thi và thi tuyển vào đệ thất công lập tỷ số học sinh trúng tuyển rất cao.

    Gần góc ngã ba với Hùng Vương có cơ sở thứ hai của Lê Công Thuận sản suất các sản phẩm từ xi măng.

    NhàQuê 2006





    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  6. #36
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Nam Bắc 13




    Đường Thủ Khoa Huân



    ÐƯỜNG THỦ KHOA HUÂN: Vị thế cũng như hai đường Lê Đại Hành và đại lộ Ðinh Tiên Hoàng cũng tạo ngã ba với cả Trương Tấn Bửu và Hùng Vương, dù đường chỉ là gạch nối ngắn bên trái có trường Trung học Tư Thục Bác Ái, so với các trường tư không có lớp đệ nhị cấp thì trường Bác Ái thọ hơn cả. Bên phải từ giữa cho tới Hùng Vương là các cơ sở phụ thuộc nhà thờ Bến Tre trong đó có phòng cha Tỏ dạy nhạc cho ban nhạc và ban hát thánh ca giáo đường nầy. Cha Tỏ cũng thường lên trên khu sân vận động đánh tennis, lúc đó ông mặc đồ thể thao, trán ông bắt đầu hói: Ông đen thui hà!

    NhàQuê 2006


    Phần Sưu Tầm Về Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân


    Nguyễn Hữu Huân được ghi nhận là "một hiện tượng đặc sắc của văn học yêu nước thế kỷ 19 của Việt Nam: hiện tượng nhà thơ - chiến sĩ."

    Bài thơ chữ Hán dưới đây, ông làm trước khi bị chém, nay được tạc nơi bia mộ ông. Sau đây là bản dịch của Phan Bội Châu:

    Ruổi dong vó ngựa trả thù chung
    Binh bại cho nên mạng phải cùng.
    Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,
    Hơn thua xá kể với anh hùng.
    Nổi xung mất vía quân Hồ lỗ
    Quyết thác không hàng, rạng núi sông.
    Tho thuỷ ngày rày pha máu đỏ,
    Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.

    Và:

    Hai bên thiên hạ thấy hay không ?
    Một gánh cương thường, há phải gông.
    Oằn oại hai vai quân tử trúc,
    Long lay một cổ trượng phu tòng.
    Sống về đất Bắc, danh còn rạng
    Thác ở thành Nam, tiếng bỏ không
    Thắng bại, doanh thâu trời khiến chịu
    “Phản thần”,“đéo ỏa” đứa cười ông!

    Bài thơ ông làm nghe tin vợ dám đi kiện quan đầu tỉnh An Giang, và đòi Pháp thả chồng:

    Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
    Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
    Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
    Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
    Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
    Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
    Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
    Cang thường càng chuộng gánh giang san.

    Ông làm trước khi bị đày ra đảo Cayenne ở Nam Mỹ:

    Muôn việc cho hay số bởi trời
    Chiếc thân chìm nổi biết bao nơi
    Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
    Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
    Chén rượu Tân đình nào luận tiệc
    Vần thơ cố quốc chẳng ra lời.
    Cương thường bởi biết mang nên nặng,
    Hễ đứng làm trai trả nợ đời.

    Nhân nhà Tổng đốc Phương có tiệc, ông làm bài này để đọc cho mọi người nghe:

    Nghĩ thẹn râu mày với nước non
    Nhìn nay tùng, cúc bạn xưa còn.
    Miếu đường cách trở niềm tôi chúa,
    Gia thất riêng buồn nỗi vợ con.
    Áo Hán nhiều phen thay vẻ lạ,
    Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon
    Giang Đông nổi tiếng nhiều tay giỏi,
    Cuốn đất kìa ai, dám hỏi đon!

    Qua hình ảnh “cây bắp”, để tỏ bày tấm lòng cùng khát vọng của ông:

    Luống chịu ba trăng trấn cõi bờ,
    Hiềm vì thương chút chúng dân thơ.
    Nương oai tích lịch ôm con đỏ,
    Vâng lịnh nam phong phất ngọn cờ.
    Miễn đặng an nhà cùng lợi nước
    Chỉ nài dãi gió với dầm mưa.
    Biển hồ dầu lặng, tằm kình bặt
    Giải giáp một phen chúng thảy nhờ.

    Hai câu đối do Nguyễn Hữu Huân làm trước khi bị thụ hình, hiện được treo trang trọng tại bàn thờ của ông.

    Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,
    Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.

    Tạm dịch:

    Có chí khôn bày, không uổng trăm năm lời nghị chúng
    Tuy công chưa thành, cũng đành một thác báo ơn vua
    .




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  7. #37
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Nam Bắc 14



    Đường Ngô Tùng Châu



    ÐƯỜNG NGÔ TÙNG CHÂU: Khúc từ sau lưng Tòa Hành Chánh đến Gia Long tức đoạn có Ty Canh Nông sau nầy đóng, không còn là đường giao thông đi lại nữa và có cất thêm nhà tiền chế cho nhiều phòng ban mà tòa hành chánh không còn đủ chỗ.
    Từ khi trung ương tản quyền, NhàQuê nhiều lúc cũng cầm giùm giấy tờ tới xóm con ghẻ nầy để kiểm soát ước chi, trước đó phải gởi đi Sài Gòn, nhờ chỗ bạn bè cũ cùng nhau đi làm chầu cà phê đá là máy chạy nhanh hơn, thông qua dễ dàng: Nhất Thân Nhì Thế mà!.
    Nếu tính từ Gia Long đi trở đến Nguyễn Tri Phương phải kể ngôi nhà lầu của thầy Lâu thân phụ thầy Trần Công Bình (Vĩnh biệt thầy Bình).

    Nhà có nhỏ Cẩm Vân đâu bên miệt Mỏ Cày qua trọ học, chiều chiều Nhỏ ngồi trên bao lơn hong tóc dưới đường khối đứa lượn qua lượn lại, bữa nào Nhỏ không ra hoặc Nhỏ về Mỏ Cày buồn biết mấy!

    NhàQuê cho mái tóc ngang lưng của Nhỏ là "mái tóc đẹp nhất thế kỷ 20". Có đi sau lưng Nhỏ ngắm vẻ hài hòa mới thấy cả cầu Tràng Tiền, trường Ðồng Khánh, núi Ngự sông Hương đều qui tụ về đây, chảy duyên dáng kiêu sa xuống vai Nhỏ!!!! Phải không các cụ?


    Mái tóc ấy nay xiêu lạc nơi về đâu? Nhỏ có muốn lấy report card không? Liên lạc trongbtran@hotmail.com sẽ cho biết Nhỏ được bao nhiêu điểm, được nhận bộ răng giả hay chai thuốc nhuộm tóc hiệu con công theo thông cáo chui đăng trong phần hẻm Mỹ Hòa Chay.

    Bên kia đường có nhà bạn Nguyễn Bá Tải, cái chàng Goalkeeper nầy như đã nói banh đi cao thấp gì cũng bay và ưa nằm sân. Ở ngoài khán giả nơm nớp sợ Tải ta chấn thương nặng:
    Hắn tiết lộ đó là mánh lớ nhà nghề, chứ bắt hụt banh mà không giả bộ nằm vạ đồng thời đứng dậy đi cà nhắc thì có nước bị chửi la ó tơi bời. Cũng hay!!

    Cạnh đó có trường dạy đánh máy Nguyễn Tấn, trường nầy có trước trường Thái Dương trên đường Trạng Trình rất lâu, sau khi đi làm "Thế Vì Khai Sanh" ở tòa án, thấy cô tám Ðồng đánh máy lẹ hết kỵ, Ba muốn NhàQuê sau nầy cũng được như vậy.

    Làm thư ký đánh máy khó lắm nha các bạn! Bản văn có viết trật chánh tả khi qua thơ ký đánh máy phải tự sửa lỗi ấy: Ðã Tự Viên phải giỏi chánh tả, điều nầy NhàQuê bái!
    Trường đánh máy còn bán đủ loại mẫu đơn " ...ngày...tháng...năm...kính gởi:...Tôi đứng tên dưới đây...Nay tôi làm đơn nầy......Trong khi chờ đợi xin...nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi (hoặc nếu được chấp thuận tôi xin đội ơn)....nay kính...Ðương sự ký tên hoặc lăn tay..." Ðơn kêu oan lời lẽ còn thống thiết hơn nhiều.

    Ðường Ngô Tùng Châu qua khỏi đường Nguyễn Tri Phương trở thành hẻm Bảy Phát tên gọi thói quen vì nơi ấy có vựa ve chai lông vịt, đồ phế liệu của chú bảy Phát, chú cũng là nhạc phụ bạn Nguyễn Bá Tải vừa nói đoạn trước, gần đó là nơi gặp nhau của các con hẻm khác dẫn tới từ đường Hai Bà Trưng nối dài, hẻm Bà Ðốc Phủ Nhơn lò mò đến...

    NhàQuê 2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  8. #38
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Nam Bắc 15




    Đường Ngô Quyền



    * Ðoạn từ Nguyễn Tri Phương đến Trương Tấn Bửu, chạy cặp rạch Cầu Nhà Thương khi xa khi gần, khoảng giữa chỗ gần rạch nhất có cầu xi măng nhỏ xe hơi không qua được, bên kia là Cù Lao Dê.

    NhàQuê có qua đó hai lần nhưng không xác định được có đúng là cù lao không hay chỉ là "bán đảo" vì NhàQuê chưa vô sâu để nhìn thấy một dòng nước khác hợp cùng rạch Cầu Nhà Thương bao quanh hoàn toàn cái cù lao ông nhậu bà khen nầy.

    Bên ấy không nhiều nhà, cây vườn bình thường nên điển tích không biết có từ lúc nào. Bạn nào có dịp gặp thi sĩ Hoài Thi hỏi thử, Thi Sĩ có ở đó thời gian từ Mỏ Cày qua Bến Tre học.

    * Ðoạn từ Trương Tấn Bửu đến Hùng Vương (mé sông) rạch Cầu NhàThương uốn khúc đổi hướng không còn gần đường nữa.

    Tại góc ngã tư bên mặt, dường như có tiệm tạp hóa trước khi đến nhà bảo sanh Tạ Thị Hai gồm một dãy nhiều căn, mấy căn cuối cùng có các bạn Võ Thị Nga, Thinh (em Nga)...cái bạn Thinh nầy nghe nói hầm hứ mà nhìn hình thấy ốm ròm phải chống nạnh cho có bề thế.
    Biết vậy hồi đó đi qua đấy đâu có ớn cậu mà chẳng dám dòm vô...

    Có lần lang bạt đó đây NhàQuê có gặp nhỏ tên Tâm gọi bạn Nga bằng dì và theo cô ấy thì bạn về ở đâu trong vườn mà sao thấy Admin nói là vẫn ở chỗ cũ. Lạ nhỉ ? Sao không vô giường không khí trong lành ở chi ngoài chợ lắm bụi trần??

    Kế tiếp gần bên là nhà gia đình bên vợ thầy Ðào Nhường, nhà có phải nằm trong khuôn viên ngôi lâu đài lớn không? Tòa lâu đài lớn không thua gì dinh Tỉnh Trưởng, cũng rào có song sắt y chang.

    Người ta đồn rằng dự định xây lớn hơn dinh mà không được phép, cũng nghe nói có người con làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc, lại cũng tin đồn đó là nhà ông bà nhạc, thân phụ mẫu kế thất Bs Trần Quế Tử. NhàQuê không tìm hiểu thêm.

    Ðến cuối có hẻm cặp theo rào đi vào xóm bên trong, nhà chen chúc, hẻm nầy cuối tháng NhàQuê và đồng bọn thường ghé nhà thầy Võ Châu Ðầy xin lảnh lương sớm, xong ra Tín Nghĩa nhậu gần quắt mới chịu về hướng Ðông.

    Ðối diện tòa lâu đài là trường Tân Dân, trường có lầu, nằm trong khuôn viên nhà thờ, trường có bậc đệ nhị cấp, nề nếp kỷ cương đàng hoàng, do linh mục Phạm Tuấn Tri làm hiệu trưởng, nhiều thầy trong trường công được mời ra dạy thêm nên thành tích thi cử của trường cũng không thua trường công là bao, trường đứng vững tới hơi thở khò khè.

    Trong trường có thầy Ngô Ngọc Xuân từ trường Nhân Vị dưới Lương Quới lên trường Cộng Hòa rồi qua Tân Dân khi mấy trường trước đó giải tán, thầy Xuân phụ trách văn phòng nhưng mấy đứa chung nhà trọ nói thầy dạy pháp văn hay và giữ nhiều sách quý.

    NhàQuê 2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  9. #39
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "con đường xưa Em đi"

    Đoạn Kết Tùy Bút: Những "con đường xưa Em đi"



    Bên Kia Sông



    Bên kia sông không những là khúc ruột mà còn là trái tim của bên nầy sông, nơi ấy có người qua sông còn tiếc một buổi chiều, rồi nhiều buổi chiều khác quyện vào nhau còn vương mãi mấy mươi năm chưa tan hẳn.

    Cái đặc điểm của bên kia sông là những nhà cất dựa vào mé sông cửa sau quan trọng hơn.

    Hãy nhìn các bảng hiệu nhìn châu chấu qua đây vậy mà là cửa sau đấy, làm ta liên tưởng đến truyện Phong Thần:

    Có anh Tôn Ngộ Không sanh ra từ khối đá thọ khí âm dương: Dù là con khỉ đá nhưng hình hài đủ bài bản như khỉ thiên nhiên, anh ta lém rất Khỉ: Tầm sư học phép thần thông thời gian dài thầy không truyền gì cả, một hôm bị thầy gõ cho ba phát vào đầu, đúng giờ Tý canh ba anh ta lò mò vô nơi thầy ngủ, thầy sai đi đổ ống nhổ mà không được đổ lên trời cũng như xuống đất.

    Nhờ thông minh rất khỉ đã nuốt hết ống nhổ ấy, nên Khỉ ta thần thông biến hóa.
    Anh ta lên Thiên Ðình được phong chức giữ ngựa ( giải thích vì sao ngựa sợ khỉ) và sục sạo quậy tới bến: vườn cây trái mấy ngàn năm mới ra quả, ăn một quả sống ngàn năm mà anh chàng chơi luôn gần hết vườn đào tiên Nhà Trời.

    Lại còn lọt vô được lò luyện linh đơn, lọt vô cái pharmacy trên ấy anh chàng nuốt gọn không biết bao nhiêu là thuốc tiên mỗi viên đều trường sanh bất tử.

    Vậy là về căn bản anh chàng không bao giờ chết và không bao giờ bịnh. Ðã chưa!
    Bị khích tướng, anh chàng đòi Ngọc Hoàng phải phong cho Khỉ ta chức bằng với Trời: Tề Thiên Ðại Thánh, chức nầy không có trong danh mục sổ bộ nào trên đó, nên Trời cũng làm vui lòng Y.

    Càng ngày ông Tề càng quậy quá đỗi nên Ngọc Hoàng cầu Như Lai giúp, Phật Tổ thách Y nhảy qua được bàn tay Phật thì Y muốn gì được nấy.

    Lúc Y "cân đẩu vân" để qua là lúc mất điểm tựa nhất bị năm ngón tay là năm quả núi Ngũ Hành đè dí mấy ngàn năm, nằm uống sương mà sống.

    Ngày kia nhờ Tam Tạng giải cứu và theo Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Trong lần đánh nhau với yêu quỉ bị nà quá, khỉ ta biến hóa thành cái miếu để tạm thời ẩn thân, nào ngờ cũng bị khám phá vì cột phướng theo lẽ phải ở trước miếu đàng nầy lại ở phía sau vì cột phướng do cái đuôi khỉ hóa thành. Chắc các tiệm bên kia sông treo bảng hiệu cả hai cửa trước và sau!

    Người bên ấy qua đây hàng ngày, hai con đò chèo: một ở bến đò Cái Cối, một ở Bến Lở chuyến nào cũng là đà.

    Sau có cầu Cái Cối nên chỉ còn lại đò Bến Lở ở cuối đường Trương Vĩnh Ký: Tương truyền rằng nơi đây có con cá mú lớn nó vẫy đuôi làm lở sập cả dãy nhà, hang nó thả cặp dừa khô có đánh dấu và tìm thấy cặp dừa ấy tận Kinh Chẹt Sậy.

    Hai bến đò nầy hợp cùng bến đò Mỹ An gần biệt thự Bs Trần Quế Tử đưa khách qua lại từ bên nầy sang xã Mỹ Thạnh An đối diện bên kia sông.

    Còn hai con đò khác đưa khách qua xã Nhơn Thạnh: một ở bến Rạch Vông gần cầu Gò Ðàng và một ở Chợ Giữa.

    Xã Nhơn Thạnh quê Dương Văn Tươi là xã nối tiếp Mỹ Thạnh An. Xã Phú Nhuận nằm sau lưng hai xã vừa kể.

    Từ Phú Nhuận đổ đi còn hiện hữu con đường đã lâu hoang phế không sử dụng, đi từ đó dọc theo chiều dài của "cù lao" bên kia sông (nhìn tưởng là, thực ra không phải cù lao), con đường nằm hoàn toàn trong địa phận quận Giồng Trôm, có lúc phía ấy người ta tính hay đã lập quận mới Phước Hưng đặt tại ngã ba Giồng Quít.

    Phước Hưng trở thành Quận thứ 10 của tỉnh Kiến Hòa sau Ba Tri, Bình Ðại, Ðôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Mỏ Cày, Thạnh Phú và Trúc Giang.

    Sau khi qua khỏi nhà thờ La Mã, chợ Hiệp Hưng (Sơn Ðốc ) nơi nổi tiếng bánh phồng, con đường nối vào tỉnh lộ 26 tại ngã ba Sơn Ðốc nơi đây còn gọi là ngã ba Dây Thép. Từ ngã ba đó tiếp tục đi về hướng Ðông qua hai cánh đồng rộng các Bạn sẽ đến quận lỵ Ba Tri. Không xa lắm đâu, khoảng mười cây số thôi các Bạn ạ, Ráng lên!

    Làng quê ven biển, tận cùng tỉnh lộ 26, cách quận lỵ Ba Tri một cánh đồng rộng: Nơi ấy NhàQuê chào đời và cũng từ điểm xuất phát đó mời các Bạn đọc tiếp

    Những "ngôi trường xưa Em học" dưới hình thức đoản văn.


    Ðến đây NhàQuê xin được viết lời kết loạt bài Những "con đường xưa Em đi":

    Những nơi đã đi qua dù lối thuật chuyện có lạt lẽo, khô khan, không hấp dẫn lôi cuốn do thô thiển văn tài. Nhưng NhàQuê mong có chút gì cùng các bạn gợi nhớ chốn xưa cả cái xấu lẫn cái đẹp: Nay chúng không trở lại bao giờ.

    Cám ơn các bạn đã đọc chuyện.

    NhàQuê 2006


    ...................

    Trong đầu anh còn bản đồ thứ thiệt
    Những con đường chưa bị thay tên
    Có một hôm tình cờ em hỏi
    Thành phố hiền hiền đã hiện nguyên lên
    .................................................. .........

    thơ Nguyễn Nam An




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình