+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Thơ dịch nga việt

  1. #1
    Avatar của TRẦN THỊ THANH LIÊM
    Điều Hành Viên Chính - Tr.Ban Đại Diện KVMB
    Hiện Đang :    TRẦN THỊ THANH LIÊM đang online
    Tham gia ngày : May 2011
    Đến từ : Đại học Đại Nam Hà Nội

    Tuổi: 73
    Bài gửi : 3.829
    Thanks
    63.208
    Thanked 39.164 Times in 3.821 Posts
    Blog Entries
    6

    Thơ dịch nga việt

    SERGEI AFONIN VÀ VIỆT NAM

    Lời người dịch

    Ngày thứ Sáu 11 tháng Năm 2012 tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam đã ra mắt cuốn sách “Marian Tkachev – Người bạn tài hoa và chí tình”, trong đó bao gồm những công trình nghiên cứu của một nhà văn – dịch giả - nhà nghiên cứu của nước Nga đã suốt đời tận tụy vì nền văn học Việt Nam. Những con người tận tụy với Việt Nam như thế ở Nga nhiều lắm, mỗi người hoạt động trên một mặt trận, trong đó phải kể đến Sergei Afonin.
    Về Sergei Afonin chúng ta chưa biết nhiều lắm, bởi lẽ ông làm việc trong lĩnh vực thông tin. Tuy nhiên, ông vẫn làm thơ, viết bài, viết sách về Việt Nam và đã công bố trên nhiều dạng báo chí.
    Theo thông tin trên mạng internet thì Sergei Afonin là phóng viên của Hãng Thông tấn TASS và báo "Sự thật thanh niên cộng sản" ở Việt Nam những năm 1967 - 1970. Từ 1975 - 1988 ông là cán bộ của Vụ Các nước XHCN thuộc UBTƯ Ðảng Cộng sản Liên Xô. Ông được nhiều lần gặp Bác Hồ. Trong cuốn sách "Người Nga nói về Hồ Chí Minh" (xuất bản ở Mát-xcơ-va 2010) ông có bài viết "Những cuộc gặp mặt thân tình". Cuối bài viết ông kết: "Kỷ niệm không thể nào quên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã viết một "câu chuyện bằng thơ" về những mốc chính của cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người".
    Cho đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn còn tiếp tục viết về Việt Nam. Đối với ông, đề tài Việt Nam là đề tài suốt đời và không bao giờ cạn. Ông đã đã sống cùng chúng ta những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất, đã chia sẻ với chúng ta mọi buồn vui trong mọi giai đoạn lịch sử mà ông được chứng kiến. Một người như thế thật xứng đáng được chúng ta kính trọng, tin yêu. Những suy nghĩ và sáng tạo của ông thật xứng đáng được chúng ta quảng bá và lưu giữ trong tâm hồn mình.

    VIỆT NAM

    Máy bay địch ngày đêm dội bom
    Xuống trái tim Việt Nam – Hà Nội.
    Tên lửa ta gắn hình cờ đỏ chói
    Với sao vàng diệt địch ngày đêm.

    Hoa sen hồng và trái bom đen,
    Những năm chiến tranh tàn khốc thế,
    Hầm du kích nối trong lòng đất mẹ,
    Không gì quý hơn độc lập, tự do!

    Người Việt Nam nếm đủ mọi buồn lo,
    Nhưng làm trọn điều tổ tiên mong mỏi,
    Giờ tiến công đã vang lên bốn cõi,
    Và Việt Nam giành thắng lợi huy hoàng!

    Tre thành rừng xanh biếc mọc hiên ngang.
    Mưa nhiệt đới hả hê đùa tắm gội.
    Trong mắt người có niềm vui sáng chói,
    Nhưng chiến tranh không quên được bao giờ.

    Xếp lại rồi cây súng hôm xưa,
    Người Việt Nam đổ mồ hôi xây đắp,
    Biến ước mơ thành màu xanh hiện thực.
    Lịch sử sang trang, cuộc sống thay đường.

    Sóng Hồng Hà và nước Cửu Long
    Đang mở rộng hồn mình cho thế giới.
    Người Việt biết giá cuộc đời biến đổi,
    Tiếng cồng chiêng mừng thắng vẫn ngân vang!

    S. Afonin Lê Đức Mẫn dịch

    TRƯỜNG CA VỀ HỒ CHÍ MINH

    Tôi đã nhiều lần gặp Hồ Chí Minh,
    Nhà cách mạng Việt Nam nhiệt huyết,
    Đôi mắt Người thẳm sâu tôi nhớ nhất.
    Người làm gương về đức độ khiêm nhường.
    Người sinh ra nơi xứ Nghệ, làng Sen –
    Hoa biểu tượng của chân thành, cao khiết.
    Người hấp thụ được tinh hoa đất Việt
    Sáng long lanh như hạt ngọc diệu kỳ.
    Người đi tìm chân lý phương trời kia,
    Trời Tháng Mười từ chân mây sáng rực.
    Người toàn tâm làm một người yêu nước,
    Người luôn đấu tranh gan dạ, kiên cường.
    Người hằng đêm mơ đến ngọn tre non,
    Nhớ mẹ cha, nhớ Sài Gòn, cầu cảng.
    Tim khắc khoải nỗi chia lìa, trống vắng,
    Nhưng cắn răng xua mọi vấn vương.
    Người lập ra Đảng Cộng sản vinh quang,
    Trao cho đảng la bàn đi cứu nước.
    Trong đấu tranh Người kiên cường, bất khuất,
    Nhịp bước cùng thời đại, chẳng dừng chân.
    Sau bao năm chốn quê người phiêu bạt,
    Năm bốn mốt Người quay về Việt Bắc.
    Với cái tên là “Bác” rất thân thương.
    Người giúp nhân dân đứng dậy quật cường,
    Bị lao tù, Người làm thơ Nhật ký.
    Cuốn nhật ký đượm ánh trời lặng lẽ
    Được gió quê hương tãi khắp nơi nơi
    Thấm vào hồn người như muối biển khơi.
    Rồi đến năm bốn lăm lịch sử
    Sấm tháng Tám gầm vang tứ xứ,
    Mọi gông xiềng sụp đổ Bắc Nam.
    Đồng bào khắp nơi bừng tỉnh vùng lên,
    Quảng trường Ba Đình hô vang Độc Lập!
    Lời Hồ Chí Minh vang lên đanh thép
    Cả dân tộc Việt Nam là một, quyết đồng tâm
    Thề bảo vệ đến cùng Tổ quốc, non sông.
    Nhưng kẻ địch đã thổi bùng chiến trận
    Toàn dân Việt đi theo lời Bác dặn,
    Trái tim Người tỏa sức nóng bao la,
    Soi sáng mọi con đường chiến thắng gần xa
    Với chiến dịch “Hồ Chí Minh” oanh liệt –
    Bản hùng ca của mùa xuân bất diệt.
    Kể từ đây Nam – Bắc một nhà,
    Sống sum vầy trong độc lập, tự do.
    Người dương cao tình kết đoàn quốc tế,
    Được bạn bè lúc gian nan giúp đỡ.
    Cả nước Việt Nam thành kính dâng hương,
    Nhớ về Người – Bác Hồ Chí Minh.
    Nước Việt Nam lại băng mình lên phía trước.
    Đổi mới cả non sông – niềm tin bất diệt,
    Nước Việt Nam quyết đạt mọi tầm cao,
    Giờ đây hồn Người đã bay giữa trăng sao,
    Nhưng lăng mộ Người luôn đầy hoa thắm
    Bạn bè năm châu vẫn tới đây đứng lặng.
    Hình ảnh Người còn mãi đọng trong tim.
    Những lời Người di huấn có ai quên,
    Nơi làng Sen đất đang mùa trái ngọt.
    Bản hùng ca đã vang lên dõng dạc
    Ca ngợi con người mãi mãi quang vinh –
    Con người vĩ đại – Hồ Chí Minh!

    S. Afonov 2008 Lê Đức Mẫn dịch

    Tâm hồn thống nhất

    Sao lấp lánh và thiên hà rộng mở,
    Mặt Trăng cười tỏa sáng khắp không gian.
    Cảnh vật ấy khiến lòng mong gặp gỡ
    Với bạn hiền tâm sự chuyện nhân gian.

    Thảo nguyên Nga và đồng ruộng Việt Nam
    Trên đời này có xa nhau mấy nỗi,
    Tâm hồn chúng ta thanh cao vời vợi,
    Cả hai bên chung một mái nhà..

    Những cái tên Kulikovo, Poltava,
    Borodino và Stalingrad –
    Những địa danh đã tạo thành bước ngoặt,
    Nơi chúng tôi diệt trừ cái ác,
    Cả loài người hoan lạc ngợi ca.

    Thủ đô Việt Nam trên sóng Hồng Hà,
    Sừng sững đứng nơi đây ngàn tuổi,
    Vẫn dang tay đón bạn bè vẫy gọi,
    Nhưng kẻ thù dữ dội cũng vây quanh.

    Những cái tên Đống Đa, Bạch Đằng,
    Những cái tên Sài Gòn, Điện Biên Phủ -
    Những chiến thắng hào hùng, rạng rỡ -
    Một Việt Nam lừng danh thế đó
    Lại cần cù xây đất nước phồn vinh.

    Lính năm xưa, nay lại hóa dân lành,
    Nhưng vẫn thề giữ yên bờ cõi,
    Rùa Hồ Gươm mấy trăm năm huyền thoại
    Vẫn mang bên mình gươm cũ linh thiêng.

    Nhân dân Nga và đồng bào Việt Nam
    Thân thiết như anh em cùng nguồn cùng cội.
    Sức mạnh mùa xuân – Moskva, Hà Nội,
    Chúng ta cùng mãi mãi bên nhau!

    Thiên hà rộng mở và trời đầy sao,
    Mặt Trăng cười khắp không gian tỏa sáng

    (Thơ viết đêm Rằm tháng Giêng)
    Sergei Afonin, 2009 Lê Đức Mẫn dịch

    NHỮNG LOÀI CHIM THÂN YÊU

    Chim cuốc tôi chưa thấy bao giờ, (*)
    Nhưng đã nghe chuyện thần kỳ về chúng,
    Chim cúc cu bên Nga tôi nghe nhiều lắm,
    Nhưng loài họa mi làm tôi đắm say –.

    Tiếng họa mi khiến tâm hồn lung lay,
    Khiến khối óc ta cũng bồi hồi, xao động.
    Ai cũng hiểu thấu lời chim vang vọng,
    Và trung thành với tiếng họa mi ca.

    Chim xây tổ làm nơi được sống yên hòa,
    Mong không ai đến san bằng,phá hoại,
    Chim như ta, chỉ cần ca hát mãi,
    Và như thế nghĩa là muốn sống yên vui.

    Trên đất Việt Nam trời đã sáng rồi,
    Mặt trời Moskva lên chậm hơn chút nữa.
    Nhưng điều cốt lõi giờ đây đã rõ
    Là hai Tổ quốc mình chung sống thật yên vui.

    (*) Biểu tượng Tổ quốc ở Việt Nam.
    Tháng Sáu 2009.
    S. Afonin Lê Đức Mẫn dịch


    VỚI NIỀM THƯƠNG YÊU

    Đất nước Việt Nam xưa nay
    Thấm mồ hôi và máu đổ,
    Mỗi gia đình sống nơi đây
    Đã chịu bao nhiêu đau khổ.

    Nhưng dân tộc này xứng đáng
    Được khắp mọi miền ngợi ca,
    Vì giành độc lập, tự do,
    Mở đường tương lai hạnh phúc.

    Tôi luôn say mê vẻ đẹp
    Cánh đồng, sông núi Việt Nam.
    Tôi dành một phần trái tim
    Cho Việt Nam này mãi mãi.

    Hai dân tộc mình thế đấy –
    Cần cù, dũng cảm, hiên ngang,
    Tâm hồn dành cho nhân gian
    Hệt như ruộng mỳ, ruộng lúa.

    Tháng bảy 2009
    S. Afonin Lê Đức Mẫn dịch

    MÔ-TÍP VIỆT NAM

    Đất nước hàng ngàn ngôi chùa,
    Cầu vồng khắp nơi bảy sắc,
    Biển vỗ ngày đêm ca hát,
    Cuộc chiến ngừng, đời lại yên.

    Quá khứ nào ai có quên
    Hầm hào Củ Chi vẫn đó,
    Cuộc đời đã yên súng nổ,
    Trẻ thơ lại ngủ êm đềm.

    Đại bác đã thôi gầm lên,
    Lời ca ngân vang bát ngát.
    Những bàn tay sần cuốc đất,
    Bờ tre – biểu tượng quê mình.

    Vẫn nhớ lời Hồ Chí Minh –
    Dân tộc Việt Nam là một.
    Muôn năm quảng trường Ba Đình!
    Muôn năm trời xanh chót vót!

    Việt Nam – chủ nghĩa anh hùng,
    Nguồn lạc quan đầy ánh nắng
    Khiến cả bạn bè sung sướng,
    Và được bạn bè tin yêu.
    Tháng Tám 2009
    S. Afonin Lê Đức Mẫn dịch

    SERGEI AFONIN. VIỆT NAM
    “Ký ức về Việt Nam là tài sản quí giá nhất đời tôi”.
    Nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết sang nước Nga từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Mười, cựu phóng viên chiến tranh của hãng thông tấn TASS tại Việt Nam là Sergei Afonin đã công bố cuốn sách hồi ký của mình “Những năm nóng bỏng”, trong đó ông kể về những năm tháng mà ông đã cùng sống với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Trong những ký ức đó có nhiều trang ông dành cho các bạn đồng nghiệp của Hãng Thông Tấn Việt Nam.

    Báo ảnh Việt Nam đã giới thiệu với các bạn đọc một số trích đoạn trong sách “Những năm nóng bỏng” của ông.

    “Nhiều con phố của thủ đô nước Việt Nam mang tên các anh hùng dân tộc đã đi vào ký ức của nhân dân và vào lịch sử đất nước… Trong số đó có con phố giữ nguyên kỷ niệm về vị nguyên soái thế kỷ XI là Lý Thường Kiệt, người đã chiến đấu vì tự do của Tổ quốc chống lại bọn xâm lước đến từ phương Bắc. Con phố này rộng, nhiều cây xanh, bắt đầu từ chỗ gần trường Đại học Tổng hợp và chạy thẳng như mũi tên về các quận phía Tây thành phố. Nhiều ngôi nhà ở đây được xây dựng từ thời thực dân. Khu nhà biệt thự ba tầng mang số 5 có một lịch sử riêng. Đã có một thời đây là nơi làm việc của cảnh sát Pháp. Không bao lâu sau chiến thắng của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam và sau ngày Tuyên ngôn Đọc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đây là Nha Bưu chính của nước Cộng hòa non trẻ. Trong những năm chiến tranh do bọn thực dân Pháp khởi xướng nhằm bóp chết nước VNDCCH đây lại là trụ sở các cơ quan thông tin của chế độ bù nhìn, sau đó ngôi biệt thự này là Ban chỉ huy các lực lượng không quân Pháp ở Đông dương. Từ năm 1954, sau khi nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến, cho đến hôm nay đây là nơi làm việc của Thông Tấn Xã Việt Nam.


    Ngày 2 tháng Chín 1945 trên quảng trường Ba Đình ở Hà Nội là cả một biển người xao động. Nhưng biển người bỗng yên lăng khi đồng chí Hồ Chí Minh bắt đầu phát biểu. Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử.

    Sau đó bản Tuyên ngôn này được cả thế giới biết đến, Việc thông báo về bản Tuyên ngôn “cho mọi người, cho mọi người” được giao phó cho Ban thông tin Bộ Tuyên truyền. Bộ này mới được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.

    Ngày 15 tháng Chín ngồi bên máy điện tín là anh hiệu thính viên Vũ Đình Tạ. Anh thận trọng nhấn nút, đưa vào không trung những tín hiệu ngắn gọn của hệ thống Morse chứa đựng toàn văn Tuyên ngôn và những tín hiệu ấy đã đưa đến cho toàn thế giới thông tin đầy vui sướng rằng lại có thêm một đất nước nữa được tự do, rằng nhân dân ở đó đã trút bỏ xiềng xích thực dân, rằng bạn bè và cả quân thù phải biết rằng họ sẽ chiến đấu vì nền tự do đó. Ban thông tin của Bộ tuyên truyền ấy đã trở thành Thông Tấn Xã Việt Nam, và ngày 15 tháng Chín, ngày phát tin đầu tiên, được lấy làm ngày sinh của Hãng. Anh hiệu thính viên tên Tạ nay đã về hưu. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy. Thời gian vùn vụt trôi, biết làm sao được. Thế nhưng thời gian cũng không xóa được ký ức về ngày đưa tin Việt Nam độc lập.

    Tôi đã có dịp được làm việc ở Việt Nam khi đất nước kiên cường chống trả không quân của bọn xâm lược Mỹ. Chúng tôi vẫn nhớ mãi những ngày đêm báo động của Hà Nội. Tiếng còi báo động rít lên tới mươi mười lăm lần mỗi ngày đêm, những con phố chốc lát vắng tanh, cái cảnh không người ấy thật là kỳ lạ.


    Chúng tôi lại vẫn nhớ rằng giữa tiếng gầm rít của pháo phòng không và tiếng bom nổ gầm gào lại vang lên tiếng động cơ xe máy và tiếng ô tô, và trong cảnh đường phố vắng tanh ấy đã xuất hiện một chiếc xe “GAZ” hoặc một chiếc xe máy được cắm cờ vàng. Trong lúc báo động Hà Nội cấm mọi người đi lại trên đường. Được phép đi lại phải là những người và xe có việc gấp rút, đặc biệt là các nhà báo của Thông Tấn Xã Việt Nam. Lá cờ vàng là hiệu lệnh mở đường cho họ đi trong thành phố, nơi cũng là điểm lao tới của bầy cướp trời Mỹ quốc. Các anh phóng viên viết bài và phóng viên nhiếp ảnh đều vội vã xâm nhập vào vùng vừa có bom nổ hoặc có máy bay hải ngoại vừa rơi, họ vội vã kể cho mọi người về một tội ác mới của kẻ xâm lược và về lòng dũng cảm của nhân dân.. các anh chị phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam ở các địa phương khác cũng đều làm việc quên mình như vậy.

    Từ những khu vực bom rơi đạn nổ ấy các phóng viên VNTTX đã truyền đi thông tin qua đường truyền thanh và đó chính là các tin tức mặt trận. Cũng hệt như ngoài chiến tuyến TTXVN cũng phải chịu nhiều tổn thất. Một vài phóng viên đã hy sinh. Mười nhà báo bị thương.

    Trong những năm giặc Mỹ dùng không quân đánh Việt Nam thì ngành thông tin cũng đã được cải tổ. Điều kiện chiến tranh bắt buộc phải xây hầm chuyên dụng để bảo vệ thiết bị và hầm trú ẩn cho người. Nếu như máy móc bị hỏng hóc thì phải luôn luôn sẵn sàng có xe chở thiết bị và máy phát sóng túc trực, sao cho không một phút giây nào không có tiếng nói của Hãng Thông Tấn Việt Nam.

    Ngàn ngàn những thông tin và hình ảnh mà anh em phóng viên tạo ra trong những năm tháng đó đã xuất hiện trên các trang báo chí khắp thế giới. TTXVN đã góp phần to lớn vào việc vạch trần bộ mặt man rợ của bọn xâm lược, nói với thế giới về lòng dũng cảm và gan dạ của những người bảo vệ đất nước, về tính chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đấu tranh cho độc lập, tự do của mình. Những thông tin của TTXVN có tính cập nhật cao độ và mỗi thông tin là một mũi tên bắn vào quân thù.

    Nước Việt Nam đã đứng vững, bọn Mỹ đã thất bại trong cuộc không chiến. Đều bước cùng với các chiến sĩ tên lửa và pháo binh, với công nhân và nông dân là các nhà báo của TTXVN, những người chiến đấu chống giặc bằng vũ khí riêng - ngôn ngữ”.

    Ngày hôm nay người phóng viên chiến tranh xưa kia của TASS vẫn đang sống cùng vợ anh con trai út trong căn hộ nhỏ khu ngoại ô phía Nam Moskva. Căn hộ ấy không có đồ đạc sang trọng, nhưng lại đầy kỷ vật mang ở Việt Nam về: đó là những bức trang sơn mài, những tranh dân gian của làng quê Đông Hồ, những chiếc hộp khảm xà cừ, những con rối và những bưu ảnh… Bà Lutmila Afonina không biết nói tiếng Việt, nhưng bà yêu Việt Nam bằng tình yêu nhiệt huyết như chồng. Những năm tháng hạnh phúc thời thanh xuân của họ đã trôi qua tại Hà Nội. Một lần nữa bà đã nhắc lại với phóng viên VNTTX lời nói của chồng mình: “Đúng thế, ký ức về Việt Nam là tài sản quý giá nhất của chúng tôi”

    Trần Quang Vinh (Moskva) (bài viết bằng tiếng Nga) Lê Đức Mẫn dịch

    HẠT GẠO VIỆT NAM

    “Mỗi bát mồ hôi một bát cơm”. Câu tục ngữ ấy ở Việt Nam tôi nghe đã lâu, khi bắt đầu nghiên cứu đất nước này, nghiên cứu lịch sử và văn hóa lâu đời của đất nước đó.

    Quốc huy của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hình những bông lúa vàng, bởi đó là một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu nhất của đất nước.

    Năm ngoái Việt Nam đã xuất khẩu tới 7,1 triệu tấn lúa, giữ một trong những vị trí hàng đầu trên thế giới.

    Thời kỳ đói nghèo xưa cũ đã qua đi rồi.









    Một thời gian dài nạn đói tràn ngập đất nước, Những kẻ ngoại bang cướp bóc Việt Nam, cướp đi hàng triệu tấn lúa và các tài nguyên khác.

    Năm 1945 nạn đói đã làm chết 2 triệu người Việt. Nguyên nhân của nó không phải là những thảm họa thiên nhiên. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đương đầu với thách thức ghê gớm. Tháng Chín năm ấy theo lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh người dân đã tiết kiệm từng hạt gạo, gom góp lại để cứu giúp những người nghèo khổ nhất. Cuối năm ấy cả nước thu được vụ màu cao sản (khoai, sắn, đậu). Nạn đói đã được thanh toán.



    Trong suốt những năm chiến tranh tiếp theo vì độc lập và tự do nhân dân Việt Nam đã lập được những chiến công thật sự không những là trên chiến tuyến, mà còn trên cánh đồng lúa, trên các nương rãy trong rừng. Lúc đó bắt đầu có sự viện trợ lương thực, đặc biệt là từ đất nước chúng ta (tức Liên Xô – ND).

    Năm 1968 trong những ngày tiến công dũng mãnh ở miền Nam Việt Nam một đơn vị chiến sĩ quân giải phóng đánh chiếm đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Những người anh dũng ấy đã tiến hành cuộc chiến không cân sức. Họ đã hy sinh. Trong ba lô của họ có các khẩu phần ăn.

    Sau chiến thắng cuối cùng năm 1975 nước Việt Nam tuyên bố là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được các bạn bè tự hào. Các bạn bè được đón tiếp bằng cơm và bằng nước trà.

    Những dấu ấn về hạt gạo màu trắng vẫn được thấy trong những văn bản xưa cũ của Việt Nam, trong thi ca, trong văn chương của các thời đại, trong đó có cả lịch sử hiện đại. Mọi người chia ngọt sẻ bùi với Việt Nam. Điều này được thể hiện trong các tác phẩm của các tác giả nước ngoài.
    Chẳng hạn, đây là lời của nhà thơ Mông Cổ Bokhiin Baast:

    “Tôi biết được rằng
    Nước Việt nam gần lắm.
    Vì sao?
    Đất nước ấy cỏ cây xanh thắm
    Quanh năm nở hoa
    Những thảm cỏ xanh bao la
    Bao trùm cả núi
    Những cánh đồng lúa vời vợi
    Trải dài trải rộng tít xa.
    Một làn gió nhẹ thoảng qua
    Sóng lúa bồng bềnh xao động…”

    Dưới đây xin trích dẫn các nhà văn chúng ta:

    “Trên những cánh đồng trải dai bên các bến phà trọng yếu và đầy nước các em nhỏ đem vợt đến không phải để đánh bắt cá, mà là đi vớt những trái bom bi chưa kịp nổ”- đó là trích đoạn trong bút ký của Vil Dorofeev.

    Còn Yuli Drunin thì nhớ về những người phụ nữ Việt Nam:

    “Khi trên đồng ruộng Việt Nam
    Trống báo động đổ hồi dục dã
    (Ở nước ta thời chiến tranh nghiệt ngã
    Cũng báo động bằng trống khua).
    Tất cả trẻ em bị lùa
    Xuống hầm sâu trừ các mẹ.
    Họ vội vàng cầm vũ khí
    Chạy lên chốt gác của mình…
    Giặc đi, lại chạy thật nhanh
    Nghiến chặt răng về ruộng lúa.
    Biết làm sao? Đành gian khổ
    Miệt mài giữa hai trận bom.
    Con mình không thể nhịn cơm,
    Lúa chín làm sao không gặt!”

    Evgheni Evtushenko trong bài thơ “Bom thế đủ rồi!” đã đưa ra một hình tượng đẹp:

    “Đàn ông góa vợ kĩu kịt
    Gánh lúa hai đầu nặng vai
    Đàn bà góa chồng cài lược
    Bằng nhôm trên tóc mượt dài *…”

    (* Lược làm bằng mảnh máy bay Mỹ rơi – chú thích của người viết bài này).


    “… Ở tỉnh Hưng Yên, - Ivan Kuprianov nhận xét,- chúng tôi đã được nếm thử bánh của Việt Nam làm bằng gạo. Một loại có hình vuông tượng trưng cho trái đất, một loại hình tròn tượng trưng cho bầu trời”.


    Nhà thơ Mikhail Lukonin có những vần thơ như sau:

    “Người đàn bà một tay múc nước
    Một tay mạnh mẽ giữ nguyên
    Chiếc cối.
    Người đàn ông đầu cúi
    Vung tay đập lúa nhịp nhàng.
    Một cô gái kịp đưa bó lúa.
    Công việc ngàn năm là thế đó –
    Hạt lúa vàng văng đi
    Như hạt mồ hôi lóng lánh diệu kỳ”.

    Tỉnh Cao Bằng… mọi người ở đây làm việc căng thẳng,- Yuri Rưtkhêu đã viết, - và điều quan trọng đối với họ là chăm bón vụ mùa lúa bội thu…”.

    Konstantin Simonov trong bản trường ca “Tin từ phóng viên của các bạn” đã nhớ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và cuộc chiến tranh Về quốc Vĩ đại trên đất nước chúng ta.

    Nước Việt Nam đứng trên thao trường
    Có những cảm nhận gì đặc biệt?
    Điều ấy tôi không hỏi ai mà vẫn biết.
    Tôi hiểu dễ thôi. Tôi hiểu một mình!
    Trên màn ảnh kia, trên mỗi tấm hình
    Không phải là người tôi đang khóc mướn,
    Mà chính là tôi tự mình nằm xuống,
    Tự mình thay thế chỗ ai kia.
    Tôi nằm trên cánh đồng, nằm dưới bom bi,
    Tôi nằm đó, vẫn tròn hai mươi tuổi,
    Giống hệt ở vùng Bô-rit năm bốn mốt
    Trong cuộc chiến xưa, cứ tưởng cuối cùng…”

    Và cũng chính ông viết về phi công Việt Nam:

    “… Cũng là chở quá sức,
    Cũng là máy bay MIG,
    Chỉ có điều không không viết bằng tiếng Nga
    Chỉ có điều thay cho lúa mì
    Người ta cắt lúa nước,
    Bầu trời cũng khác
    Và chiến tranh cũng khác”.

    Phải rồi, cuộc chiến ấy đã ngưng tiếng súng một cách toàn thắng. Và cũng như lúa mì vàng rộm trên đất Nga, ở Việt Nam lúa đang nặng hạt. Tôi cứ nghĩ như thế mà thấy tâm hồn xao xuyến!
    Nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân kể rằng khi ông bay trên nước mình, ông nhìn thấy biển cả, đất nước nở hoa và hình dung mình đang đứng đó trên cánh đồng lúa.
    Các nhà chọn giống có kinh nghiệm của Việt Nam đang miệt mài tìm ra những giống cây ngũ cốc ngắn ngày, cao sản và có sức chịu đựng cao.
    Khi ở Việt Nam có lần tôi đã được nghe một bậc cao niên kể lại một câu chuyện đầy chất hiền triết và hóm hỉnh dân gian: “Ngày xưa có một vị vua mời vào cung những đầu bếp tài hoa nhất nước và hứa thưởng cho ai có món ăn khiến ngài phải kinh ngạc. Cuộc thi kéo dài mãi mà nhà vua vẫn không ưng ý, nên đã sai người đuổi đi hết lũ đầu bếp bất tài kia. Lúc đó có một bác nông dân nghèo xin vào và nói rằng nhà vua phải nhịn ăn ba ngày rồi sẽ được nếm hưởng một “món đặc biệt”.
    Đến ngày thứ tư người nông dân mở vung một chiếc nồi bốc khói nghi ngút rồi mời vua vào bàn.
    Nhà vua đói quá thấy hết sức ngon miệnghăm hở ăn ngay một bát cơm thường. Sau đó ngài khen ngợi người nông dân kia và người nông dân được hưởng phần thưởng mà ngài đã hứa.
    Ngày nay trong dân gian món ăn đó vẫn được mang tên “Mầm đá”.
    Cho đến ngày nay tôi cũng vẫn còn nhớ một câu thành ngữ của Việt Nam “Có cá đổ vạ cho cơm!”
    Xin nói thêm rằng các món ăn của Việt Nam rất đa dạng và rất ngon, đó là những món quà hào phóng của đất đai, rừng núi, sông ngòi, biển cả, là những sản vật ngon miệng của các ngành gia cầm, gia súc, là các sản phẩm mía đường các loại và các đồ uống truyền thống.
    Còn lúa gạo được nói ở đây thì đúng là mồ hôi, là tâm hồn, là duyên kiếp của nhân dân Việt Nam vinh quang.

    Sergei Afonov, tháng Tư 2012 Lê Đức Mẫn dịch



    Hoạt động của các nhà Việt Nam học người Nga

    Hiện nay ở Nga đang khẩn trương tiến hành công việc xuất bản toàn tập hàn lâm lịch sử Việt Nam gồm sáu tập. Nước Nga đã thu hút vào đây những lực lượng ưu tú nhất các nhà nghiên cứu Việt Nam của Nga, trong đó có các cộng sự của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

    Trung tâm này được thành lập ngày 1 tháng Mười hai 2008. Trong các hướng đi nghiên cứu khoa học của Trung tâm có các đề tài như nghiên cứu và dự báo đồng bộ sự phát triển chính trị và kinh tế xã hội của Việt Nam ngày nay, nghiên cứu lịch sử đất nước, quan hệ đối tác chiến lược Nga Việt, những kinh nghiệm lịch sử phát triển mối quan hệ của Liên bang Xô viết, nước Nga và Việt Nam, những khuynh hướng phát triển và hình thành ASEAN như một trong những tổ chức khu vực lớn nhất về kinh tế chính trị, đối thoại ở Đông Nam Á và sự tham gia của nước Nga vào đó, các quá trình hội nhập khu vực ở Đông Nam Á, những con đường tối ưu hóa phương thức can dự của nước Nga, trước hết là những vùng phía Đông của nước Nga vào các quá trình nói trên vân vân…

    Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Mikhail Titarenko, giám độc Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã nhận định rằng Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN đang giải quyết xuất sắc nhiệm vụ của mình và “đang thu được không phải là một số lượng cán bộ mà là những kinh nghiệm và những kỹ năng”.
    Trung tâm có bốn cán bộ. Lãnh đạo Trung tâm là Evgeni Kobelev (sinh năm 1938). Ông là người cùng học với tôi từ năm 1956 tại lớp Việt ngữ Viện các ngôn ngữ phương Đông của trường Đại học tổng hợp Lomonosov. Chúng tôi có nhiều đợt sang thực tập ở Đại học tổng hợp Hà Nội. Những năm 1964-1967 ông làm phóng viên hãng TASS ở Việt Nam và tôi đã thay ông trên cương vị này vào tháng Năm 1967. E. Kobelev là phó Chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Nga Việt, là Phó tiến sĩ khoa học lịch sử, là tác giả của gần một trăm công trình khoa học và khoa học thường thức. Tác phẩm chính của ông là cuốn sách “Hồ Chí Minh” xuất bản tại Moskva năm 1979 trong tủ sách “Danh nhân thế giới” (tái bản năm 1983).
    Khi cùng làm việc với nhau trong cơ cấu BCHTW đảng CSLX hai chúng tôi đã là đồng tác giả hai cuốn sách “Đồng chí Hồ Chí Minh” (1980) và “Trò chuyện với Hồ Chí Minh” (1987).
    Khi làm việc ở Trung tâm ông đã viết những bài báo thú vị “Hồ Chí Minh với nước Nga và Trung quốc”, “Trung quóc – Việt Nam” v. v…
    Nghiên cứu viên chính của Trung tâm là Grigori Lokshin (sinh năm 1938). Năm 1961 ông tốt nghiệp Đại học quốc gia Moskva các quan hệ quốc tế. Ông là phó tiến sĩ khoa học lịch sử. Những năm 1964-1973 ông đảm nhiệm các chức vụ Bí thư và Bí thư đảm trách Ủy ban xô viết ủng hộ Việt Nam. Từ năm 1994 ông là Bí thư Ban chấp hành Liên hiệp quốc tế các Quỹ Hòa bình và là Tổng thư ký Viện nghiên cứu Hòa bình ở Viên.


    G. Lokshin là tác giả nhiều ấn phẩm và các công trình chính luận về các vấn đề phong trào giải phóng dân tộc ở miền Nam Việt Nam, chính sách của Hoa kỳ và Liên Xô cũ ở Đông Nam Á và là đồng tác giả của nhiều công trình chuyên khảo tập thể về lịch sử hiện đại Việt Nam, các nước ASEAN, các nước châu Á Thái Bình Dương. Khi nói chuyện với tôi ông thổ lộ rằng ông yêu Việt Nam bằng cả tâm hồn, một đất nước hữu nghị, một dân tộc tuyệt vời đã giành được bao nhiêu chiến công lừng lẫy.
    Nghiên cứu viên trưởng của trung tâm là Anatoli Voronin (sinh năm 1941). Ông tốt nghiệp
    Đại học quốc gia Moskva các quan hệ quốc tế năm 1966. Ông có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong Bộ Ngoại giao Liên Xô, trong các cơ cấu BCHTW đảng CSLX, Hội đồng Liên bang của Liên bang Nga, là tác giả của mấy trăm bài báo về các vấn đề quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Đông Nam Á và nước Việt Nam hiện đại. Đặc biệt ông đã cùng với E. Kobelev viết cuốn sách có ý nghĩa giáo dục “Liên Xô / Nga và Việt Nam bên nhau”.
    Cuối cùng, xin nói về nghiên cứu viên chính của Trung tâm Vladimir Mazyrin (sinh năm 1949). Sau khi tốt nghiệp Viện các ngôn ngữ phương Đông thuộc ĐHTH Lomonosov ông làm việc ở Việt Nam trong Thương vụ rồi sau trong Đại sứ quán Liên Xô và trong các viện của nước Nga. Ông là Phó giáo sư trường ĐHTH Lomonosov, giảng dạy trong Viện Á Phi ĐHTH Lomonosov thuộc bộ môn kinh tế và địa kinh tế. Sắp tới ông sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ. Ông là tác giả trên 50 công trình nghiên cứu khoa học về các nước trong khu vực.
    Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN ngày càng có nhiều uy tín.

    S. Afonin, tháng Ba 2012 Lê Đức Mẫn dịch


    Tư tưởng quốc gia của Việt Nam bất khả chiến bại

    Trong lúc nhiều nước, kể cả nước Nga, đang đi tìm tư tưởng dân tộc, thì ở Việt Nam tư tưởng ấy đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Nó được thể hiện trong khái niệm “Đoàn kết”.
    Quả thật là nếu không có cái tư tưởng đơn giản này thì chắc gì nhân dân Việt Nam đã có thể thoát hiểm, nếu họ phải tính đến cuộc đấu tranh nhiều thế kỷ chống xâm lược ngoại bang và những thảm họa thiên nhiên xảy ra hầu như năm nào cũng có.
    Và chính là nhờ tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu lao động mà nhân dân đất nước chịu nhiều đau thương này có thể chứng minh được sức mạnh của mình, đứng vững được và giành chiến thắng trong mọi thử thách.
    Cùng với việc thành lập đảng cộng sản thống nhất của Việt Nam (3 tháng Hai 1930) tư tưởng dân tộc đã được ghi nhận trong các văn kiện của đảng, trong các tác phẩm của đồng chí Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Chúng tôi vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – thành công, thành công, đại thành công”.
    Tính đúng đắn của luận điểm này được chính cuộc sống chứng minh, mọi chiến công của nước Việt Nam anh hùng đều được giải thích bằng tinh thần đoàn kết vững chắc của các chiến sĩ vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
    Chủ tịch thông thái Hồ Chí Minh trong di chúc của mình đã chỉ ra rằng: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta…”. Truyền thống vinh quang này cũng là chủ đề của các tác phẩm văn xuôi, thơ ca, hội họa, phim ảnh, sân khấu của các tác giả Việt Nam. Các tác giả đã cổ vũ người đọc, người xem tiến lên giành những chiến công mới.







    Tôi có một số ấn tượng riêng như sau: Trong những năm hòa bình, rồi chiến tranh, rồi lại hòa bình ở Việt Nam, nơi tôi được đến nhiều lần làm nhà báo, thì khái niệm “Đoàn kết” đã trở thành bộ phận không thể tách rời được của cuộc sống.
    Tôi vẫn còn nhớ rằng vươn cao trên đầu đoàn quân thanh niên xung phong đi vào mặt trận miền Nam là lá cờ phất phới với hai chữ “Đoàn kết”.
    Tôi lại nhớ năm 1967, một đêm chúng tôi vượt sông Bạch Đằng, khi sắp có cuộc không kích mới của máy bay địch. Chiếc ca nô dẫn phà được gọi bằng cái tên ngắn ngủi “Đoàn kết”.
    Tháng Sáu 1973 nhóm nhà báo xô viết đi qua cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải để vào khu giải phóng Quảng Trị và chúng tôi nhìn thấy câu khẩu hiệu chiến đấu “Tình đoàn kết Bắc Nam muôn năm!”
    Chính vì thế mà ngày chiến thắng 30 tháng Tư 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rồi sau đó được thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – là chiến công của tư tưởng dân tộc!
    Ngày nay nhân dân Việt nam đang vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cương lĩnh được nêu lên tại Đại hội XI ĐCSVN.
    Liệu chúng ta có thể quên được hay không rằng trong những thời kỳ chiến tranh khó khăn nhất thì Liên Xô cùng các lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới trên thực tế đã thể hiện tinh thần đoàn kết của mình với nhân dân Việt Nam, thể hiện sự đoàn kết không gì lay chuyển nổi với sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam?! Cho nên khái niệm “Đoàn kết” đã có ý nghĩa quốc tế to lớn và có tiếng vang trên toàn thế giới.
    Tôi muốn được kết thúc những nhận xét này bằng hai câu thơ của chính tôi:
    Đoàn kết là sức mạnh Việt Nam,
    Là ngọn cờ chung của chúng ta”.

    Sergei Afonin
    1 tháng Hai 2012 Lê Đức Mẫn dịch


    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 35 TUỔI !

    Tuần này chúng tôi, những người bạn Nga, cùng với các đồng chí Việt Nam kỷ niệm một ngày trọng đại.
    Ngày hôm ấy, một ngày rất xúc động và trang trọng đã mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam. Buổi sáng ngày 2 tháng Bảy 1976 ở Hà Nội diễn ra kỳ họp đầu tiên Quốc hội thống nhất, thông qua quyết định thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau việc tuyên bố ngày 2 tháng Chín 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử thì sự kiện lớn lao này đã trở thành
    Đỉnh cao của cuộc đấu tranh nhiều thế kỷ của nhân dân Việt Nam anh hùng nhằm xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất. Những kẻ thù nhan nhản của đất nước này hăm hở bằng mọi cách chinh phục và chia cắt Việt Nam. Điều này đã từng xảy ra trong nhiều thế kỷ qua, rồi cả trong những thế kỷ XIX, XX. Chúng ta không cần phải liệt kê biên niên sử những cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mà bao giờ cũng có kết thúc thắng lợi hợp quy luật của một đất nước không gì khuất phục được..
    Không biết bao nhiêu đạo quân của bọn xâm lược ngoại bang mong muốn áp đặt ý chí và quyền lực của mình đều vấp phải chí nguyện bất di bất dịch của nhân dân Việt Nam và đã phải chịu những thất bại ê chề trên mảnh đất Việt Nam đầy máu và mồ hôi.
    Tôi vẫn thường nghĩ đến nguyên nhân những chiến công của chiến sĩ Việt nam và đã đi đến một kết luận đơn nhất: nguyên nhân ấy nằm trong tính cách sâu kín của người Việt, cho nên, cũng như tất cả mọi người bạn khác của Việt Nam, chúng tôi nhiệt thành chào mừng chiến thắng của chiến dịch quân sự “Hồ Chí Minh” tháng Tư 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam và dọn sạch con đường thống nhất đất nước. Đến năm sau tôi lại được sang đất nước anh em, nơi gắn bó cả cuộc đời tôi. Quốc hội thống nhất được nhân dân Việt Nam bầu ra vào tháng Tư 1976 trong cuộc bầu cử dân chủ của toàn dân đã khẳng định lời tiên tri của chủ tịch Hồ Chí Minh “Đất nước ta nhất định thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định chung sống trong một mái nhà”.


    35 năm qua đã là những thử thách mới đối với nhân dân và lãnh đạo đất nước. Cần phải hội nhập thành một chỉnh thể hai miền đất nước, vốn trước đây đã phát triển theo hai hướng khác nhau (miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và bộ phận còn lại theo chế độ Sài Gòn thân Mỹ). Chúng ta có thể hình dung được bao nhiêu khó khăn và bao nhiêu vấn đề nảy sinh trên con đường đó!
    Trong nhiều thập kỷ qua cơ cấu kinh tế xã hội, khoa học, kỹ thuật, văn hóa của nước CHXHCNVN đã có một bước đột phá thật sự. Đó là kết quả hoạt động có định hướng của đảng Cộng sản VN, các cơ quan chính phủ và địa phương, là kết quả lao động siêng năng của một đất nước đa dân tộc và đa tôn giáo luôn ngày đêm suy nghĩ và làm mọi việc vì sự phồn vinh của Việt Nam.
    Uy tín quốc tế của nước CHXHCNVN không ngừng được tăng lên. Hai nước Việt Nga đã gắn bó với nhau trong quan hệ đối tác chiến lược. Đang hoạt động có hiệu quả là xí nghiệp liên doanh khai thác dầu khí “Vietsovpetro”, nhà máy thủy điện Hòa Bình và nhiều công trình hợp tác khác.
    Sức mạnh quốc phòng của đất nước vẫn vững mạnh như trước, mặc dù phải đối mặt với biết bao nhiêu vụ khiêu khích. Nước CHXHCNVN có thể là tấm gương xây dựng một xã hội mới hiện đại và công bằng. Nhưng nhiều vấn đề chưa giải quyết được, và điều đó cũng không thể làm được trong một giai đoạn ngắn ngủi. Điều này cũng đã được nói đến trong Đại hội XI đảng CSVN (tháng Giêng 2011). Các đại biểu đã chung sức phân tích những thành tích đạt được (những thành tích này nhiều lắm!) và những khó khăn tồn tại, và đã đưa ra một cương lĩnh cụ thể xây dựng hòa bình.
    Đại hội đã cho thấy sức mạnh đoàn kết vững như bàn thạch giữa đảng với dân . Đó chính là đảm bảo cho những thắng lợi sau này của Việt Nam tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội..
    Tất nhiên, sức năng động của quá trình này phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Họ được hấp thụ tinh hoa của đất nước, truyền thống anh hùng, kinh nghiệm và di huấn của cha ông, của thế hệ đàn anh. Những nhành cây non trẻ ấy mai ngày sẽ là những cây đa cây đề hùng mạnh rợp trời với những bộ rễ củng cố cho nền đất nước Việt Nam cổ kính.
    Tôi đã cảm nhận được tất cả những điều đó với một sức mạnh mới khi đứng giữa những người bạn Việt Nam trên đất nước đang đổi mới của họ.
    Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày kỷ niệm của mình đang đứng trên một tầm cao. Các bạn bè Nga và toàn thế giới chúc nhân dân Việt Nam đạt được những thành tích mới trong việc phát triển và củng cố Tổ quốc tuyệt vời của mình.


    1 tháng Bảy 2011 S. Afonin
    Lê Đức Mẫn dịch




  2. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn TRẦN THỊ THANH LIÊM vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình