+ Trả lời chủ đề
Trang 1/36 1 2 3 11 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 355

Chủ đề: TẢN MẠN chuyện VÕ LÂM

  1. #1
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts

    TẢN MẠN chuyện VÕ LÂM

    TRI CHI VI TRI CHI, BẤT TRI VI BẤT TRI, THỊ TRI DÃ.
    Luận ngữ


    __________________________________________________ __________


    TẢN MẠN
    CHUYỆN VÕ LÂM



    CHƯƠNG I


    PHẦN I: TẢN MẠN CHUYỆN VÕ LÂM - Huỳnh Ngọc Chiến
    PHẦN II: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - Vũ Đức Sao Biển
    PHẦN III: CHUYỆN TÌNH - Nhiều Tác giả
    PHẦN IV: NHÂN VẬT - Trần Mặc
    PHẦN V: TẠP LỤC - Nhiều Tác giả
    PHẦN VI: TƯ TƯỞNG PHẬT HỌC - Thích Chơn Thiện


    CHƯƠNG II

    1. NÓI CHUYỆN TAM QUỐC - Vũ Tài Lục
    http://vnthihuu.net/showthread.php?8...L%C3%82M/page9
    2. KHÔNG MÌNH GIA CÁT LƯỢNG - TRẦN VĂN ĐỨC
    NGUYỄN QUỐC THÁI dịch
    http://vnthihuu.net/showthread.php?8...L%C3%82M/page9






    Chào các bạn

    Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Trung Hoa là một thế giới loài người thu nhỏ, mà mỗi nhân vật trong đó - đều được xây dựng từ một hoặc nhiều nguyên mẫu ở ngoài đời - đại diện cho các nhân sinh quan đã và đang tồn tại.

    Những cảm nhận về nhân vật võ lâm, trong các tác phẩm Võ hiệp kỳ tình Trung Hoa – nhiều nhất là ở tác phẩm võ hiệp của nhà văn KIM DUNG - sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tương đối chính xác về các mặt của xã hội, của con người đang sống trong cùng một thế giới - để chiêm nghiệm về những biến ảo của cuộc đời này.

    Đây là Topic gồm những bài sưu tầm được từ Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (Phần I: Do Hansy tự đánh máy) và trên Net (Các Phần còn lại). Nhan đề Topic do Hansy chọn.

    Hoa thơm, mỗi người thưởng thức một tí, không dám hưởng một mình.

    Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

    vnthihuu.net - 06:00 AM - 05.02.2013

    HANSY
    Lần sửa cuối bởi Hansy; 10-10-2014 lúc 03:11 AM

  2. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts



    LỜI MỞ ĐẦU




    Cõi giang hồ trong tác phẩm Kim Dung có thể được xem như một thế giới thu nhỏ, mà sự tồn tại, vận động và diễn biến của nó, ở một bình diện nào đó đều được phóng chiếu từ những quy luật lịch sử. Tranh bá xưng hùng, mưu toan thống nhất giang hồ, khát vọng làm võ lâm chí tôn. Danh vọng và quyền lực mãi mãi cuốn hút các cao thủ võ lâm vào cơn lốc cuống bạo của lịch sử.

    Thỉnh thoảng có một môn phái lạ nổi lên hoặc một nhân vật tuấn kiết đột nhiên quật khởi, làm xáo động giang hồ và đem lại cho võ lâm những trận cuồng phong mới. Từ bối cảnh đó cũng nảy sinh ra ước mơ một giang hồ hết cảnh can qua. Hoặc bằng bạo lực và thủ đoạn. Hoặc bằng chân tâm và bản lĩnh.

    Người Trung Hoa thường nhìn lịch sử như một biến cố chuyển động hình sin, cứ tuần hoàn theo chu kỳ: định loạn, ly hợp, tụ tán, thịnh suy. Điều này thường được nhìn rất rõ trong các loại tiểu thuyết chương hồi. Tam Quốc Chí mở đầu bằng đoạn: “Thoạt thuyết thiên hạ đại thể, phần cừu tắc hợp, hợp cừu tắc phân. Chu mạt thất quốc phân tranh, tịnh nhập vu Tấn. Cập Tấn diệt chi hậu, Sở Hán phân tranh hựu tịnh nhập vu Hán, Hán triều tự Cao Tổ trảm xà nhi khởi nghĩa, nhất thống thiên hạ; hậu lai Quang Vũ trùng hưng truyền chí Hiến Đế, toại phân vi tam quốc”. (Nói về đại thể trong thiên hạ, phân chia lâu tác hợp lại, hợp lại lâu tác phân chia. Cuối đời Chu bảy nước tranh hùng, bị Tần thâu tóm. Sau khi Tần bị diệt, Hán Sở phân tranh, thiên hạ lại về với Hán. Từ khi Hán Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa, nhất thống thiên hạ. Đến đời Quang Vũ lại trùng hưng nhà Hán, truyền đến Hiến Đế lại chia thành ba nước).

    Lịch sử cứ thế mà diễn tiến. Thống nhất và ly loạn. Chiến tranh và hòa bình. Hai mặt đối lập đó cứ đan xen mãi để thúc đẩy dòng chảy của lịch sử. Thống nhất thiên hạ cũng là ước mơ của bao kẻ hùng tài đại lược có tài kinh bang tái thế, từ cổ chí kim.

    Tần Thủy Hoàng bình định sáu nước, mở đầu công cuộc thống nhất Trung Hoa từ khi nhà Chu suy vong. Nhưng máu đổ quá nhiều. Biết bao nhiêu âm mưu thủ đoạn đã diễn ra, biết bao nhiêu xác người đã ngã xuống, biết bao nhiêu chất xám đã tổn hao để dệt nên bức tranh thống nhất đẫm máu cuối thời Chiến Quốc. Lục vương tất, tứ hải nhất (Sáu vua chấm dứt, bốn biển thống nhất – A Phòng cung phú – Đỗ Mục).

    Thế là nguy cơ của các quốc gia đối địch không còn, Tất cả mọi binh khí được thu hết, đem nấu để đúc thành chuông đỉnh. Thế là nguy cơ binh khí không còn. Những tưởng can qua sẽ vì thế mà chấm dứt vĩnh viễn, thiên hạ sẽ bình yên và nhà Tần sẽ cai trị đến thiên thu. Đâu hay chỉ vài năm sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thiên hạ lại đại loạn và thuộc về nhà Hán.


    Những kẻ hùng tài muốn dùng ý chí để điều khiển sự vận động của lịch sử vẫn không hiểu được rằng có một trật tự kỳ lạ luôn được tái lập giữa sự hỗn loạn. Lịch sử vẩn luôn trôi chảy theo con đường đi của nó và cứ âm thầm tái lập những giá trị giữa những mưu toan hùng bá của con người. Giấc mơ thống nhất châu Âu cùa Napoléon đã tan theo bọt sóng ngoài khơi đảo Saint Hélène. Viễn tưởng đế chế ngàn năm của Tần Thủy Hoàng đã chảy thành tro trong ngọn lửa đốt cung A Phòng và trong cảnh tan hoang của cửa quan Hàm Cốc.

    Người ta mới thấy rằng lịch sử vẫn luôn lớn hơn ý chí và tham vọng của con người. Để thiên hạ thực sự thái bình thì không thề chỉ đơn thùân dựa vào bạo lực để trấn áp tất cả các lực lượng đối nghịch, mà phải có một mẫu người lý tưởng dùng đức để cảm hóa thì mới có thể cứ ung dung “thỏng tay mà trị yên thiên hạ”.

    Truyền thống Trung Hoa cho rằng, chỉ có bậc “thánh nhân” như Nghiêu Thuấn mới làm được điều đó. Nghiêu thì đại từ, Thuấn thì đại hiếu, tấm lòng từ hiếu của họ đã cảm động được cả trời đất, nên dễ dàng cảm động được lòng người. Trang Tử gọi đó là bậc: “nội thánh ngoại vương” (trong có thể làm thánh mà ngoài có thể làm vua).

    Sự yên tĩnh trong lịch sử chỉ là sự cân bằng tạm thời của một quả trứng được đặt dựng đứng trên một mặt phẳng nghiêng. Phải mất nhiều công sức mới làm được điều đó, nhưng sự cân bằng đó lại quá mong manh. Chỉ một cơn gió nhẹ là nó sẽ đổ nhào ngay, và tiếp tục lăn lông lốc. Trong suốt dòng chảy của lịch sử Trung Hoa thời phong kiến, người ta vẫn luôn mơ đến một Nghiêu Thuấn với viễn cảnh thiên hạ thống nhất. Đó phải là mẫu người nhân hậu khoan dung và tổng hợp được mọi cái hay, cái giỏi của mọi người khác. Tài phải đủ để thiên hạ bội phục, và đức phải thừa để thiên hạ nghiêng mình.

    Vua Thuấn mồ côi mẹ, cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác. Mẹ ghẻ cùng em đời sau là Tượng rất hung ác, tìm mọi cách để giết Thuấn. Mẹ ghẻ bắt Thuấn đi cày ở Lịch Sơn, Trời bèn sai voi đến cày, chim đến nhặt cỏ. Mẹ ghẻ sai Thuấn đào giếng rồi lấp giếng, rồng lại đưa Thuấn thoát nạn. Tượng đốt nhà để giết anh, Thuấn vẫn thoát thân. Bị ngược đãi tàn ác, nhưng Thuấn vẫn luôn khoan dung độ lượng tha thứ cho họ. Cuối cùng, tấm lòng đôn hậu đó đã cải hóa được cả hai mẹ con. Vua Nghiêu nghe tiếng bèn nhường ngôi cho Thuấn. Thiên hạ được hưởng thái bình. Nơi nơi đều vang tiếng âu ca.


    Lần sửa cuối bởi Hansy; 10-07-2013 lúc 02:30 AM

  4. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts

    Trương Vô Kỵ

    1

    TRƯƠNG VÔ KỴ


    Người ấp ủ giấc mơ
    thống nhất giang hồ bằng vương đạo.



    Cha là ngũ hiệp Trương Thuý Sơn, phái Võ Đang, mẹ là "ma nữ" Ân Tố Tố của Thiên Ưng Giáo. Trương Vô Kỵ là đứa con mang haì dòng máu chánh tà, ra đời trong một bối cảnh nghiệt ngã, và số phận đưa đẩy phải đảm nhận vai trò hoá giải hận thù xung đột truyến kiếp giữa Minh giáo với Lục đại môn phái.

    Sinh ra trên Băng Hoả đảo, Trương Vô Kỵ có được cái tâm đôn hậu của một "thánh nhân" kiểu vua Thuấn, có lẽ nhờ bẩm thụ được linh khí của trời đất. Về đến Trung Thổ, chứng kiến cảnh cha mẹ bị bức tử, và nhận di ngôn của mẹ là phải báo thù, trái tim trẻ thơ đó có lần thoáng lên ngọn lửa hờn căm, nhưng rồi nó dễ dàng bị dập tắt trong biển lòng nhân hậu.

    Trên Quanh Minh đỉnh, Trương Vô Kỵ lần đầu tiên hiển lộ thân thủ, dùng tuyệt thế thần công áp đảo cả hai phe chính tà, cứu nguy cho phe Minh giáo trước sự tấn công của Lục đại môn phái, khiến mọi người đều kinh hãi lẫn thán phục. Lúc đó, dù đối diện với bao kẻ thù, và quá đủ điều kiện để rửa hờn, nhưng chàng thiếu niên Trương Vô Kỵ đã biết xóa bỏ mọi tư thù để xả thân hóa giải tất cả oán cừu giữa hai khối chính tà.

    Không có ai bắt buộc, cũng không có động cơ riêng tư nào, mà chỉ đơn thuần vì tiếng gọi của lương tri muốn xóa bỏ mọi hận thù trong chốn giang hồ. Chàng thiếu niên trẻ tuổi đó tự nhiên đảm nhận sứ mệnh đem lại yên bình cho võ lâm. Phe chính giáo chấp nhận ra đi, với tâm trạng hân hoan và lá cờ sáng ngời chính nghĩa. Phe Minh giáo tránh được một thảm họa diệt vong, xung đột nội bộ chấm dứt và tất cả giáo chúng đều đồng tâm tôn Trương Vô Kỵ lên ngôi giáo chủ đời thứ ba mươi bốn.

    Đó là hình ảnh ban đầu của “vua Thuấn võ lâm”.

    Tại chùa Vạn An, Trương Vô Kỵ cũng không ngần ngại xả thân cứu tất cả các cao thủ của Lục đại môn phái thoát khỏi tháp lửa, trong đó không thiếu những kẻ đã đối xử hiểm độc và thô bỉ với mình. Dĩ đức báo oán, Trương Vô Kỵ đã thực sự chinh phục được cả hai phe chính lẫn tà.

    Có lẽ không thể có nhân vật võ lâm nào lý tưởng hơn để thiết kế công cuộc thống nhất võ lâm. Vừa khoan dung nhân hậu, vừa thông thạo y thuật, võ công lại vô địch khi tổng hợp được hai môn tuyệt học của hai phe chính tà: Cửu dương thần công của phái Thiếu Lâm và Càn khôn đại na di của Minh giáo ở mức cao nhất. Thân thế cũng quá đổi đặc biệt: Mang hai dòng máu chính tà, cháu ngoại Bạch Mi Ưng Vương, đồ tôn của Trương Tam Phong, nghĩa tử của Kim Mao Sư Vương. Và điều quan trọng bậc nhất là Trương Vô Kỵ được cả hai phe chính tà mặc nhiên xem như là minh chủ võ lâm. Một sự tổng hợp quá đổi lý tưởng, quá đổi tham lam và quá đổi cường điệu, chỉ xuất hiện một lần trong mọi tác phẩm võ hiệp.

    Cho nên, Trương Vô Kỵ chỉ là cái bóng để Kim Dung thử triển khai ý đồ của mình. Nói chung, đó là hình ảnh của một vua Thuấn chốn võ lâm, vừa sành y đạo của Kỳ Bá, vừa thấu triệt Cửu dương thần công lẫn Càn khôn đại na di!

    Nhưng hình ảnh lý tưởng đó có đem lại sự thành công như mong đợi hay không?

    Mọi mưu toan thống nhất giang hồ bằng thủ đoạn bá đạo như Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần hoặc Nhậm Ngũ Hành đều đưa đến kết cục bi thảm cho kẻ thủ ác lẫn nạn nhân. Tả Lãnh Thiền bỏ thây giữa đám loạn kiếm trong thạch động. Nhậm Ngũ Hành bỏ mạng vì Hấp Tinh đại pháp, môn võ công bá đạo mà ông ta dùng làm phương tiện để xưng bá giang hồ. Nhạc Bất Quần trở thành một quái tượng sinh lý như Đông Phương Bất Bại.

    Nhưng nếu từ bỏ con đường bá đạo để thống nhất giang hồ bằng con đường vương đạo như Trương Vô Kỵ cũng không thể thành công. Đó chỉ là giấc mơ ngàn đời của bao thế hệ phương Đông. Bởi lẽ, chắc gì Nghiêu Thuấn đã có thật, và cái xã hội “thời thái bình cửa thường bỏ ngõ” (Nguyễn Công Trứ) cũng chỉ là một “vùng đất hứa” muôn thuở của con người.

    Mạnh Tử suốt đời giong ruổi để thuyết phục các vị vua đương thời trị nước theo vương đạo, nên đành chấp nhận thất bại. Tần Thủy Hoàng biết dùng tư tưởng pháp gia bá đạo của Hàn Phi Tử nên đã thành công.

    Đó là lịch sử.


    Con người đôn hậu Trương Vô Kỵ đó hoàn toàn không có thủ đoạn và tham vọng chính trị nên dễ dàng sa bẫy Chu Nguyên Chương.

    Tên gian hùng này bày việc giết Hàn Lâm Nhi với bọn Tử Đạt và Thường Ngộ Xuân, nhưng lại âm thầm bố trí bối cảnh để Trương Vô Kỵ nghe lầm là hai vị đại ca kết nghĩa của mình đang mưu toan cùng Chu Nguyên Chương ám hại mình để mưu cầu công danh phú quý. Chỉ ngần đó cũng đủ để con người Trương Vô Kỵ trọng nghĩa quý tình kia ngán ngẫm cuộc “tranh bá đồ vương” để âm thầm mang Triệu Mẫn ra đi, nhường sân khấu chính trị lại cho tên gian hùng Chu Nguyên Chương dựng nên triều Minh.

    Một phần dòng chảy giang hồ hòa nhập vào dòng chảy của lịch sử và tan biến trong đó. Phần khác vẫn cứ âm thâm trôi theo chu kỳ muôn thuở. Trong dòng chảy đó, sẽ tiếp tục có những Trương Vô Kỵ, ngày ngày kẻ lông mày cho hiền thê để giấc mơ “thống nhất giang hồ” của Kim Dung chìm trong ánh mắt hồ thu của giai nhân, sẽ tiếp tục có những Vi Tiểu Bảo lưu manh nhưng nghĩa hiệp, cũng như sẽ tiếp tục có những lãng tử Lệnh Hồ Xung đáng yêu bên cạnh những Nghi Lâm vướng lụy. Và còn mãi những mưu toan dùng thủ đoạn cùng bạo lực để thống trị võ lâm đan xen với những hoài bão thống nhất giang hồ bằng con đường vương đạo.

    Cái nào sẽ thắng? Câu hỏi sẽ được bỏ lửng. Nhưng lịch sử giang hồ vẫn tiếp tục dòng chảy trong tác phẩm Kim Dung, dù Kim Dung đã ngừng bút từ lâu.


    Lần sửa cuối bởi Hansy; 10-07-2013 lúc 02:32 AM

  6. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Avatar của Huy Thanh
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    Huy Thanh đang ẩn
    Tham gia ngày : Apr 2012

    Bài gửi : 14.372
    Thanks
    51.087
    Thanked 71.734 Times in 14.210 Posts
    Blog Entries
    404
    VÕ LÂM NGŨ BÁ

    Hoa Sơn hội ngộ ngũ anh tài
    Sấm động vang rền ai chẳng hay
    Tây Độc mô công sương khói tỏa
    Đông Tà lạc chưởng gió mây bay
    Thất Công thập bát thần long giáng
    Nam Đế nhất dương quý tỵ say
    Tranh đấu ba ngày chưa thắng bại
    Trung Thần Thông đến sóng êm ngay

    Huy Thanh

  8. Thành viên dưới đây cảm ơn Huy Thanh vì bài viết hữu ích này


  9. #5
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts
    VÕ LÂM NGŨ BÁ

    Hoa Sơn hội ngộ ngũ anh tài
    Sấm động vang rền ai chẳng hay
    Tây Độc mô công sương khói tỏa
    Đông Tà lạc chưởng gió mây bay
    Thất Công thập bát thần long giáng
    Nam Đế nhất dương quý tỵ say
    Tranh đấu ba ngày chưa thắng bại
    Trung Thần Thông đến sóng êm ngay

    Huy Thanh


    VÕ HIỆP KỲ TÌNH

    Kỳ tình võ hiệp lắm nhân tài
    Tác giả Kim Dung thật quá hay
    Mưu mẹo giở trò mây nước rụng
    Nội công ra ngón gió hoa bay
    Tửu thi ngâm ngợi muôn tim ngớ
    Tình ái nồng nàn vạn dạ say
    Hiền dữ thấp cao đều có mặt
    Anh hùng luận chiến rõ gian ngay

    HANSY
    Lần sửa cuối bởi Hansy; 05-02-2013 lúc 10:13 PM

  10. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  11. #6
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts

    Trình Linh Tố

    2.
    TRÌNH LINH TỐ
    Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ (1)



    Trên đống đổ nát, bụi mù cuốn đi những dấu vết cuối cùng của thành Troy kiêu ngạo sừng sững phương Đông, vì người con gái đẹp nhất cõi đời Hélène mà tan thành cát bụi sau cuộc chiến vô nghĩa suốt mười năm ròng rã. Cô Tô đài trong đống tro tàn vẫn luyến lưu gót ngọc Tây Thi, những bước đi tha thướt tưởng chừng vô lực lại kéo theo sự sụp đổ của một vương triều. Giang sơn Đại Đường nghiêng ngã, Mã Ngôi pha chôn vùi cành hoa tươi thắm, sương móc đọng mùi hương “Nhất chi hồng diễm lệ ngưng hương”(2) Dương Quý Phi để Trường hận ca vang vọng mãi chốn nhân gian.

    Hóa công ưu ái tặng thêm linh khí cho những đóa hoa tươi thắm tạo ra tuyệt sắc mỹ nhân để làm công cụ đắc lực cho cuộc bày phá của mình hay để cười nhạo sự si mê của con người?

    Dù thế nhân có lạnh lùng gán cho mỹ nhân tiếng chua cay “Hồng nhan họa thủy", cái đẹp muôn đời vẫn được phụng hiến và tôn thờ trong nhạc họa thi ca.

    Dòng lịch sử tiếp tục tuôn chảy, cuốn theo nó bao nhiêu định kiến, thị phi của con người để lấy lại công bằng cho giai nhân, để tội lỗi trả về cho những kẻ say hương đắm sắc. Dáng kiều thấp thoáng dệt nên màn sương khói lung linh, tô thêm muôn phần diễm lệ cho bao tác phẩm bất hủ xưa nay.

    Tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình cuốn hút người đọc bởi bên những chén rượu nồng say khướt không thôi, võ công quán tuyệt thiên thu, hào khí ngất trời, còn bao bóng hồng kiều mỵ.

    Sự xuất hiện của mỗi giai nhân trong tác phẩm Kim Dung đều khiến ta phải xao xuyến ngẩn ngơ. Vương Ngữ Yên diễm lệ vô song như ngọc tượng cho anh đồ gàn Đoàn Dự hồn xiêu phách tán. Hoàng Dung cởi bỏ lớp áo ăn mày, xinh tươi khôn tả khiến chàng khờ Quách Tĩnh chấn động tâm thần. Nhan sắc mỹ miều của Triệu Mẫn, tú lệ của Chu Chỉ Nhược, rạng rỡ của Tiểu Chiêu đẩy Trương Vô Kỵ khốn quẫn trong vòng vây tình ái. Tiểu Long Nữ thanh thoát lướt đi với tà áo trắng tung bay trong gió, đóa hoa thiên giới hương thơm vượt lên mọi cỏ cây trần tục ấy đã xóa nhòa hết thảy khái niệm giai nhân trong kim cổ…

    Ôi, rừng hoa sắc nước hương trời mới muôn màu muôn vẻ biết chừng nào!


    Chỉ đến “Phi hồ ngoại truyện”, ta mới bắt gặp một nhân vật nữ không có dung nhan xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của bạn đọc về Trình Linh Tố chỉ là một cô bé da dẻ vàng vọt, còm cõi, ốm yếu, mãi mê chăm sóc vườn hoa. Hẳn Kim Dung cảm thấy như vậy thật bất công nên dù không tặng nàng nụ cười hàm tiếu, chân dung của Trình Linh Tố vẫn được đểm tô bởi khóe mắt thu ba.

    Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
    Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!
    Ly tao – Bùi Giáng

    Nàng tựa hồ đóa cúc dại hương thơm nhẹ nhàng tỏa khắp Động Đình Hồ. Dù màu trắng thơ ngây có bị sắc màu rực rỡ của bao loài hoa đẹp khác lấn át, đóa cúc vẫn hài lòng với những gì tạo hóa ban cho, mãn nguyện xòe tung bộ áo như vầng thái dương thu nhỏ quanh mình.

    Tại vườn hoa, gánh nước giúp nàng thôn nữ, Hồ Phỉ không biết mình vô tình khiến trái tim Trình Linh Tố rung lên những cung bậc đầu tiên của ái tình kỳ diệu. Ngay khi trao cho chàng đóa hoa Thất tâm hải đường, sợi tơ mỏng manh nhưng bền chắc của Nguyệt lão vĩnh viễn cột chặt Trình Linh Tố vào mối tình vô vọng đơn phương.

    Phải đâu Hồ Phỉ vì dung nhan Trình Linh Tố không sánh được với Viên Tử Y mà không yêu nàng. Hồ Phỉ chẳng là hạng phàm phu tục tử chỉ biết đánh giá con người qua nhan sắc, huống chi chàng đã nghiêng mình thán phục trước sự thông minh tinh tế của nàng đệ tử Độc thủ dược vương. Nếu đem mấy chữ “trọng sắc khinh hương” gói trọn tâm linh Hồ Phỉ há chẳng phải quá bất công? Trái tim chàng không thể chứa thêm ai bởi vì trước mắt chỉ phất phơ bóng hình tà áo tím. Con ngọc phụng Viên Yên Tử để lại có khác chi vết sẹo Ân Ly mang theo từ thuở thiếu thời?

    Vết thương đã liền da mà trong trái tim dạt dào một biển yêu thương, phụng hoàng tưởng vô tri lại chở theo đôi cánh ngọc một trời thương nhớ. Bên cạnh Nhậm Doanh Doanh dung nhan tuyệt tục, hết lòng yêu thương, Lệnh Hồ Xung vẫn quay quắt đớn đau, nhất dạ chung tình với Nhạc Linh San sư muội. Ân Ly ngoảnh mặt đi với Tăng A Ngưu Trương Vô Kỵ để tìm kiếm vô vọng bóng hình cậu bé bướng bĩnh ngày xưa.

    Mối tình đầu tuyệt đích đã khiến con tim si mê, cố chấp đến nhường thế sao nỡ trách Hồ Phỉ không đáp lại tình yêu của Trình Linh Tố?


    Sau này, Hồ Phỉ một lần nữa trái tim rung động trước người con gái của kẻ thù không đội trời chung Miêu Nhân Phương. Khác với mối tình đầu ngọt ngào nhưng kết thúc trong dang dở dành cho Tử Y, cảm xúc của Hồ Phỉ đối với Miêu Nhược Lan hẳn giống như một con thuyền bôn ba qua bao sóng to gió lớn chợt nhìn thấy một bến đỗ bình yên và muốn ngừng lại nương náu.

    Ngọn khói bốc lên từ mái nhà thấp thoáng, sưởi ấm cõi lòng người lữ khách dày dặn phong sương, mỏi mắt ngóng trông nơi cố quận. Giọng hát thắm thiết ân tình của Miêu Nhược Lan khiến trái tim của kẻ hành tẩu giang hồ độc vãng độc lai ngân lên những giai điệu hạnh phúc tưởng đã xa vời.

    Trước người con gái mỏng mai như khói, dịu dàng như cành liễu nương mình theo gió, có người đàn ông nào lại không động lòng, lại không muốn che chở yêu thương?

    Trong ba tri kỷ bên cạnh Hồ Phỉ, Trình Linh Tố chưa bao giờ hưởng được mật ngọt tình yêu bởi chàng vĩnh viễn dành cho nàng tình thương trọn vẹn của người anh đối với cô em gái bé bỏng.Trình Linh Tố vẫn lặng lẽ chấp nhận đóng trọn vai “Nhị muội”, giấu đi tiếng lòng thổn thức không nguôi để kề cận người yêu dấu, hoan hỉ chấp nhận tất cả để ngày ngày cùng chàng hành tẩu giang hồ.

    Nếu anh là chân trời xa xôi,
    em sẽ là một cánh chim rong ruổi.
    Nếu anh là mặt trời,
    em sẽ là muôn đời làm một kiếp hướng dương”(3).

    Trình Linh Tố không xinh đẹp nhưng tính cách tựa hồ không tỳ vết, khí chất cao nhã ấy trên đời liệu đã có mấy ai? Thông minh, cơ trí nhưng không kiêu ngạo, tính toán. Dụng độc thuần thục mà chẳng tàn ác nhẫn tâm. Sắc sảo, khôn ngoan vẫn mềm yếu, dịu dàng. Nếu người đọc chỉ vì dung mạo không cuốn hút mà quay lưng lại với nhân vật Trình Linh Tố há chẳng phài vô tình lắm ru?

    Suy nghĩ của Trình Linh Tố như chiếc hộp khóa chặt, mọi hành động đều lặng lẽ, không khoa trương, nhưng sắp đặt vô cùng chu đáo, nghiêm mật. Cả khu vườn Thất tâm hải đường bị sói lang phá hỏng, Trình Linh Tố vẫn thản nhiên. Ba vị sư huynh sư tỷ hèn hạ ích kỷ, chỉ nghĩ đến pho Dược vương thần biên mà không quan hoài đến cái chết của sư phụ, nàng khôn ngoan giáo huấn. Nàng vừa trị độc cho Tiểu Thiết bằng phương pháp lạ kỳ vừa giúp tên thợ rèn Vương Thiết Trương trả được mối thâm thù. Mọi việc tưởng chừng như nắm gọn trong lòng bàn tay, mặc ý nàng sắp đặt, đùa bỡn, đưa người đọc đi hết bất ngờ này sang thú vị khác. Tư chất thông minh, Trình Linh Tố kế thừa toàn bộ kiến thức của Độc Thủ dược vương Tăng Vô Sân chữa bệnh cứu người.

    Dụng độc tài tình, nàng nghĩ ra bao thủ pháp độc khéo léo khiến không ai đoán trước được mà đề phòng hay né tránh. Kề vai sát cánh bên Hồ Phỉ, nhiều phen ra tử vào sinh, không biết bao lần cứu chàng ra khỏi tử huyệt. Sự hiện diện của Trình Linh Tố tạo cho ta một sự an tâm kỳ lạ, có sự cơ trí của nàng hẳn Hồ Phỉ sẽ chẳng lúc nào bị dồn vào ngõ cụt.

    Trong trang phục mới, đỏ mặt khi nghe Hồ Phỉ trêu mình giống như nương từ, trông thấy ngọc phụng sinh ra mối ghen tuông, hờn giận vu vơ… Trình Linh Tố giữ vẹn nguyên tính cách ngây thơ của người thiếu nữ.

    Phải chăng Kim Dung sợ rằng nếu ưu ái thêm nhan sắc diễm tuyệt, Trình Linh Tố sẽ trở thành con người quá hoàn hảo?

    Bánh xe số phận vẫn vô tình lăn những vòng quay nghiệt ngã nghiến nát hạnh phúc nhỏ nhoi của con người. Người con gái đáng yêu dù thông minh đến mấy cũng đành cúi đầu khuất phục trước số mệnh tàn nhẫn. Đứng trước mọi sự lựa chọn, kiều nữ đành phải dành lấy phần thiệt về bản thân mình, như A Châu ra đi tức tưởi, như Tiểu Chiêu ngậm ngùi gạt lệ đến xứ sở Ba Tư, như Kỷ Hiểu Phù chấp nhận cái chết, bất phục mệnh lệnh tôn sư, như Công Tôn Lục Ngạc đỡ cho Dương Quá nhát dao trí mạng…

    Hồ Phỉ vì muốn cứu mạng của Trình Linh Tố khỏi bàn tay tàn ác của Thạch Vạn Sân không ngại lãnh lấy ba thứ độc dược đầu thiên hạ, nàng sao đành đoạn nhìn người mình yêu thương nhất ra đi? Chất độc các lang y trên thế gian lắc đầu bất lực nay đã tìm ra thuốc chữa bởi cuối cùng đã có một người dám hy sinh tính mệnh cho bệnh nhân. Hành động của Trình Linh Tố bí hiểm khiến người ta khó đoán cũng như tình yêu của nàng hệt dòng sông ít ai hiểu nông sâu.

    Chỉ đến khi nàng kề môi hút độc trên tay Hồ Phỉ, người ta mới vỡ lẽ dòng sông ấy hóa ra mênh mông như biển. Chất độc ngấm vào cơ thể cũng chính là lúc nàng đặt chân lên bến bờ tình yêu đích thực sau cuộc lữ hành ngắn ngủi chốn trần gian.

    Thanh Thạch Kiều ra tay ngộ sát, Tiêu Phong ôm xác A Châu gào khóc trong trận mưa phủ nhòa thân thể, nỗi khổ đau vô hạn tưởng ta tác đất trời. Trong miếu hoang, thuốc giải chưa tan, Hồ Phỉ bất lực bên xác Trình Linh Tố giữa màn đêm u tối, niềm thê lương cực điểm đến tái tê cây cỏ.

    Thời gian chậm rãi rơi từng giọt thánh thót, ngọn nến Thất tâm hải đường leo lắt cháy, dường nhỏ lệ khôn nguôi xót thương người thiếu nữ đốt cháy sinh mệnh hiến dâng cho mối tình đầu. Trình Linh Tố thanh thản ra đi nhưng vẫn lo lắng chu toàn cho ý trung nhân, một lần nữa cứu chàng thoát khỏi bàn tay hung dữ của Độc thủ thần kiêu. Mối tình đằm thắm của nàng có khác chi con tằm đến chết mà tơ tình vẫn còn vương vấn, ngọn nến kia tàn rồi lệ đã hẳn khô chưa?

    Xuân tâm đáo tử ti phương tận
    Lạp chúc thành hôi lệ thủy can.
    Vô đề - Lý Thương Ẩn

    (Mùa xuân con tằm rút mãi đường tơ đến khi ruột tằm khô héo, ngọn nến cứ rỏ mãi bao nhiêu hàng lệ đến bao giờ nến cạn thành tro thì dòng lệ mới khô)

    Viên Tử Y nhúng chân vào vũng bùn tục lụy, vì lời trọng thệ đành dứt bỏ tơ tình. Hóa công thật khéo trêu người, đẩy những người trong cõi thanh tu vào mê cung lẩn quẩn của tình duyên luyến ái. Mối tình của Viên Tử Y thiết tha, da diết chứ không man mác “hồn bướm mơ tiên” như Nghi Lâm, cô tiểu ni đáng yêu ngày ngày ở phái Hằng Sơn cầu nguyện cho Lệnh Hồ đại ca và người chàng yêu hạnh phúc.

    Nàng và Hồ Phỉ trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào cùng cay đắng, trái tim nàng đã giương cờ trắng nhưng lý trí không dám quy hàng. Tử Y không đủ can đảm vì chàng mà rũ bỏ lớp áo ni cô dù một khi vướng vào lớp bụi trần ai, áo kia khó lòng thanh sạch như ngày trước. Đến khi biết sự hy sinh không oán than của Trình Linh Tố, Tử Y chỉ biết ngậm ngùi thương cảm và tự trách mình không thể bằng nàng.

    Vẻ đẹp sáng trong thanh nhã của Miêu Nhược Lan làm mọi người choáng ngợp nhưng dần dần tính cách mờ nhạt khiến ta nhàm chán, và sinh lòng hoài cảm Trình Linh Tố. Thế giới nội tâm của Trình Linh Tố đến lúc ra đi không ai hiểu hết, độc giả thán phục sự thông minh, dũng cảm, thích thú trước mưu mẹo khôn ngoan để bảo vệ ý trung nhân, thương cảm cho tình yêu đơn phương tuyệt vọng và xót xa cùng cực vì cái chết nhẹ tựa lông hồng.

    Một chiếc áo thêu rồng đính ngọc, ai nhìn cũng thích nhưng có làm ấm áp lòng người, có giúp người ta qua được cái giá rét của mùa đông như áo bông giản dị đơn sơ?

    Sự hy sinh của Trình Linh Tố gần với Công Tôn Lục Ngạn biết mấy! Một đóa cúc trắng trong, một đài hoa xanh biếc, hỡi ôi, hy sinh cho người yêu dấu mà nhụy nát hương tàn, Lục Ngạn lớn lên trong thế giới khắc nghiệt chốn Tuyệt Tình cốc, chịu đựng sự nhẫn tâm, độc ác của người cha, trái tim vĩnh viễn trong suốt như pha lê, vì Dương Quá hân hoan rời xa cõi thế. Trình Linh Tố từ bé sống giữa muôn vàn chất độc nơi Dược Vương trang, chấp nhận sự ích kỷ, hẹp hòi của các sư huynh sư tỷ, tấm lòng vẫn là “nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” vì Hồ Phỉ bước vào cõi vĩnh hằng.

    Người đời khi mê mãi ngắm dòng sông mênh mông sông nước sẽ quên đi con suối nhỏ âm thầm chảy dưới chân, khi say sưa với hoa hồng, hoa huệ xinh tươi khoe sắc sẽ quên đi những bông hoa dại ngát hương nơi vệ đường, có vầng trăng vằng vặc chiếu soi sẽ quên mất những ngôi sao nhạt nhòa ánh sáng…

    Ôi, trước sự vô tình của con người, sao tinh tú vẫn cố sức tỏa ánh sáng lung linh, suối lặng lẽ tuôn dòng nước mát, hoa dại miệt mài tỏa hương cho đời? Đâu phải sao muốn đua cùng nhật nguyệt, suối muốn tranh với giang hà, hoa sẽ mong mỏi có kẻ đoái thương?

    Chúng vì thiên tính mà tự nguyện hiến dâng.

    Và hy sinh vì người yêu không hề nuối tiếc phải chăng chính là thiên tính của bao kẻ si tình tự thiên cổ?
    ______
    (1) Một tấm lòng băng tại hồ ngọc (Phù Dung lâu tống Tân Tiệm – Vương Xương Linh)
    (2) Thanh bình điệu – Lý Bạch
    (2) Muợn ý bài “Gọi em” của Nguyên Sa
    “Nếu em là chân trời xa,
    tôi sẽ là một cánh chim bằng rong ruổi.
    Nếu em là mặt trời thì trên đường xích đạo,
    tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương”.





  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  13. #7
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts

    Đoàn Nam Đế

    3.
    ĐOÀN NAM ĐẾ
    Lụy phù danh



    Thố tủy vị hoàn tân đại dược
    Báo bì nhưng lụy cựu phù danh

    Nguyễn Du
    (Tủy thỏ chưa xong liều thuốc mới
    Da beo còn lụy chút danh hờ)

    Tương truyền, khi vi hành vùng Giang Nam, có lần vua Càn Long cùng viên cận thần đứng ngắm cảnh trên một bến sông tấp nập, ông bảo: “Nhà người thấy có bao nhiêu thuyền bè qua lại trên sông?”. Viên cận thần tâu: “Tâu bệ hạ, thuyền bè qua lại nhiều quá, vi thần làm sao đến cho xuể”. Ông cười bảo: “Trong mắt ta, ta chỉ thấy có hai chiếc mà thôi!”. Viên cận thần ngơ ngác hỏi: “Vi thần ngu dốt không hiểu”. Nhà vua bèn giải thích: “Cả trăm ngàn con thuyền xuôi ngược nhưng thật ra chỉ có hai chiếc, một chiếc tên Danh, đó là thuyền của các quan lại, một chiếc tên Lợi, đó là thuyền của các con buôn!”.

    Nếu giai thoại đó đúng thì ông vua nhà Thanh kia quả là người cực kỳ minh triết. Có thể nói hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các con thuyền đó đều vì Danh hoặc vì Lợi mà ngược xuôi trên sông nước. Thậm chí những kẻ thả thuyền trôi nổi trên sông để ngâm phong vịnh nguyệt, khinh thường quan chức biết đâu trong thâm tâm cũng vì chữ danh: “muốn mua được tiếng “cuồng sỹ” hoặc chữ “thanh cao”.

    Câu nói không chỉ đúng cho bến sông lúc đó mà chắc chắn mãi mãi còn đúng cho khắp “cõi người ta”! Con người ta xuôi ngược lao lướt cả đời cũng chỉ vì hai chữ lợi danh. Lợi, nếu thực tình muốn tránh còn có thể tránh được, nhưng muốn tránh được chữ Danh thì quả thực đó là vấn đề vô cùng vi tế.

    Tên gọi (danh) là cái phù hiệu để gọi và xác minh sự tồn tại của một đối tượng. Chữ danh trong tiếng Hán được cấu tạo bởi hai chữ “tịch” (buổi chiều) và chữ khẩu (cái miệng), nghĩa đen là “cái được gọi khi chiều tối”. Theo Thuyết văn giải tự của Hứa Thận thì: “Tên để tự xác định mình, từ miệng mà gọi. Gọi khi chiều tối, chiều tối thì không thấy nhau, nên mới dùng miệng để gọi tên”. Người ta khi chiều tối gặp nhau nhưng không thấy rõ mặt nhau, thì cần phải “dùng miệng để xưng tên”. Như vậy, xưng tên có nghĩa là xác định sự tồn tại, bằng thanh sắc hay bằng ý niệm, của một đối tượng.

    Lợi được dùng để bảo đảm và xác định sự tồn tại đã đành, mà Danh cũng vậy. Nhà cao cửa rộng, của cải đầy kho hiển nhiên là những yếu tố cơ bản để đem lại cảm giác bình yên cho sự tồn tại. Nhưng bên cạnh đó, con người ta muốn được nhiều người biết đến, nghĩa là muốn được “gọi nhiều”. Sự ham muốn đó ngẫm ra từ căn để chỉ là muốn tìm thêm cảm giác bình yên để xác định sự tồn tại của mình.

    Không hiểu sao chữ danh trong một vài ngôn ngữ Đông Tây lại có điểm trùng hợp khi vừa có nghĩa là tên gọi (name) lại vừa được chuyển dần thành danh tiếng (fame; reputation). Nổi tiếng, có nghĩa là được nhiều người nhắc đến, điều đó củng cố ý thức bình yên về sự tồn tại của bản thân, từ đó con người tự cảm thấy một sự thỏa mãn và ổn định tâm lý.

    Con người vẫn luôn sợ hãi cái trống rỗng hư vô vì sợ phải đối diện với sự đớn hèn, nhỏ nhoi, vô nghĩa của chính mình. Muốn nổi tiếng suy cho cùng cũng chỉ là cảm thức đớn hèn, muốn chạy trốn sự thực trần trụi và sự cô đơn. Càng muốn nổi tiếng là càng cảm nhận được sự đớn hèn của mình một cách vô thức, nên phải tìm cách khỏa lấp.

    Xứ châu Phi có câu chuyện cổ rất đơn giản nhưng ý nghĩa lại vô cùng sâu sắc. Có một người thợ săn vào rừng rồi mất tích, để lại người vợ và ba đứa con trai còn nhỏ dại. Dân làng cho rằng anh ta đã bị sư tử ăn thịt, câu chuyện lâu rồi cũng bị lãng quên.

    Đứa con đầu lớn lên và học thành nghề nặn tượng như thật, người con thứ hai học nghề phù thủy và có phép biến một vật chết thành một vật sống, người con út chỉ ở nhà làm lụng chăm lo cho mẹ.

    Một hôm, cả nhà đang ăn cơm người con út bỗng hỏi: “Bố mất tích đã lâu, sao anh em ta không đi tìm bố?”. Ba anh em bèn vào rừng. Người con út tìm thấy một bộ xương và biết đó là xương của bố mình. Người con cả bèn lấy đất sét nặn lại thành người bố trông giống như thật. Cuối cùng, người con thứ hai làm phép cho bố sống lại. Bốn cha con ôm nhau mừng rỡ và cùng về nhà.

    Cả nhà đoàn tụ, hai người con đầu tranh công với nhau về việc đã cứu bố sống lại, nhưng người bố ôn tồn bảo: “Chính con út mới có công lớn nhất vì đã nhắc đến bố. Khi ta còn nhớ đến ai thì người ấy vẫn còn sống!”.

    Câu kết luận quả đầy minh triết và đẹp như một bài thơ. Chỉ có trí tuệ dân gian mới có thể đúc kết được ý nghĩa sâu sắc như thế trong một câu nói cùng cực giản đơn. Cỏ cây, sỏi đá… đều có thể tồn tại độc lập với ý thức con người, trừ chính con người, có lẽ bởi chỉ có con người mới có cảm thức về cô đơn, và xao xuyến trước cõi hư vô!

    Con người chỉ cảm nhận một cách thỏa mãn về sự tồn tại của mình khi con-người-tồn-tại-trong-thân-xác tồn tại đồng thời với con-người-tồn-tại-trong-sự-nhớ-tưởng-của-người-khác . Bị lãng quên có nghĩa là không còn tồn tại trong ý thức của người khác, điều đó quả là một nỗi kinh hoàng, nhất là đối với những người đã “lỡ” nổi tiếng.

    Tránh được hệ lụy từ cái danh là vấn đề vô cùng vi tế. Và chỉ có các bậc chân nhân mới có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng mênh mông trong cõi vô danh, nghĩa là trong sự quên lãng của người đời.

    Cụ Nguyễn Du nhà ta viết về ngôi chùa của Giác Duyên bằng hai câu bí hiểm, mà ngoài nhà thơ Bùi Giáng ra, chưa thấy ai quan tâm đến: “Chùa đâu trông thấy nẻo xa. Rành rành Chiêu Ẩn am ba chữ bài”.

    Nghĩ cũng lạ, đã một mực “Chiêu ẩn” rồi, nghĩa là đã muốn gọi con người lánh xa cõi hồng trần rồi nhưng lại vẫn cứ phải mang cái sự “Chiêu ẩn” để “rành rành” bày ra đấy, cho cả bàn dân thiên hạ, dù ở thật xa cũng đều trông cho rõ! Tại sao cụ không viết là “Lờ mờ Chiêu Ẩn am ba chữ bài” hoặc “Chiêu Ẩn am thấp thoáng ba chữ bài”… hoặc những câu đại loại như thế để phù hợp với ý nghĩa của hai chữ Chiêu ẩn?

    Câu thơ đó dĩ nhiên mang nhiều ý nghĩa mênh mông trên bình diện ontologique, mà chỉ có những tâm hồn thượng đạt không bị vướng víu vào cái trò tranh luận rối rắm và vô ích về ngôn ngữ truyện Kiều, như Bùi Giáng, mới cảm nhận ra. Ở đây chỉ mạn phép thiên tài Nguyễn Du xin dời hai câu lục bát kỳ diệu đó xuống bình diện ngữ ngôn.

    Cõi người ta có biết bao nhiêu kẻ muốn sống bất cần đời, nhưng trong thâm tâm lại muốn đời cần đến mình. Rất cần nữa là khác. Lại có không ít kẻ luôn luôn muốn đám đông kia phải biết rằng mình là kẻ đang sống cô đơn, xa lánh đám đông để đắm chìm trong những nỗi cô liêu trầm mặc! Những kẻ đó thường phải “triển lãm” sự cô đơn vì e ngại rằng không có ai biết rằng mình đang cần cô đơn!

    Đó cũng là loại: “Rành rành Chiêu Ẩn am ba chữ bài” vì ba chữ “lụy phù danh”


    Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng, vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người hiền nên cho người mời đến bàn chuyện truyền ngôi. Hứa Do nghe xong bèn đi xuống suối rửa tai vì cho rằng những lời đó làm bẩn tai mình. Sào Phủ đang cho trâu uống nước, thấy vậy bèn hỏi. Sau khi nghe chuyện, Sào Phủ lặng lẽ dẫn trâu lên vùng nước cao hơn để uống vì cho rằng nước rửa tai đó làm “ô nhiễm” cho cả trâu mình!

    Hứa Do, ngay ngôi vua cũng không màng, có lẽ tự cho rằng mình đã thoát khỏi danh lợi, nhưng thực ra vẫn còn vướng víu ở chữ danh một cách vô cùng vi tế. Không màng danh lợi nhưng vẫn để cho vua Nghiêu biết được rằng mình là người thanh cao không màng danh lợi (mà một ông vua biết có nghĩa là phải qua rất nhiều người trung gian!), há chẳng phải trong thâm tâm vẫn còn lụy vì danh hay sao?

    Sào Phủ còn “chơi” cao hơn một bậc theo kiểu người nông dân chân chính bằng cách dắt trâu đi chơi chỗ khác.

    Đoàn Nam đế trong Xạ điêu anh hùng truyện lại là một điển hình cho ba chữ lụy phù danh.

    Trước kỳ Hoa sơn luận kiếm giữa các đại cao thủ võ lâm để chọn ra vị Thiên hạ đệ nhất nhân, bang chủ Thiết chưởng bang là Cừu Thiên Nhận đã lén dùng thiết chưởng, đánh tử thương đứa con tư sinh của Châu Bá Thông và Anh Cô, một ái phi của Đoàn Nam đế, với ý đồ buộc Anh Cô đem đứa bé đến nhờ Đoàn Nam đế cứu chữa. Như thế y sẽ loại bỏ được một tay kình địch vì vị vương gia kia sẽ phải tổn hao nội lực và không thể tham gia kỳ luận kiếm. Vị vương gia kia, do còn chút ghen và hận nhưng cũng chính là vì lòng háo danh còn quá bồng bột, nên đã kiên quyết khước từ khi người mẹ khốn khổ kia ôm đứa con sơ sinh đến khóc lóc xin ông cứu chữa. Kết quả là, Anh Cô như người điên loạn, rút kiếm đâm chết đứa bé với lời nguyền khủng khiếp sẽ trả thù.

    Nếu tiếng khóc của hài nhi giữa đêm khuya thanh vắng trên Băng Hỏa đảo đã đánh thức lương tri của con hùng sư Tạ Tốn trong cơn túy sát, thì cái chết của một hài nhi vô tội khác đã “khai ngộ” cho vị vương gia họ Đoàn nhận chân ra thực tướng của chút hư danh mà xuống tóc quy y thành Nhất Đăng đại sư! Một kẻ cố sát hài nhi, một kẻ ngộ sát hài nhi cũng chỉ vì một chữ danh. Than ôi, lụy phù danh gây nên tội lỗi cho bao con người đâu khác gươm đao. Biết đâu, số người chềt vì chữ danh còn nhiều hơn số người chết vì gươm đao trên chốn giang hồ!

    Cái chết của một hài nhi để trả giá cho cơn mê muội chữ danh chắc chắn có giá trị “khai ngộ” gấp ngàn lần những lời thuyết giảng của các bậc chân sư đông tây kim cổ. Hoát nhiên ngộ được chữ danh, phiêu nhiên thành vị chân tăng giữa đời, Nhất Đăng – Nam Đế mấy người? Đâu là đại sư Nhất Đăng, đâu là đấng vương gia Đoàn Nam đế? Hay tất cả cũng chỉ là cái hư ảo của phù danh? Hãy thử tĩnh tâm ngồi yên lặng mà ngẫm chữ danh đến chỗ rốt ráo, ta sẽ thấy nó cũng chỉ là cái hư không phù phiếm. Danh dùng để xác định cái thực, nhưng nếu cái thực đã thực-sự-là-thực rồi thì đâu cần gì đến cái danh nữa?

    Cừu Thiên Nhận cũng được Nhất Đăng đại sư điểm hóa để quy y thành Từ Ân đại sư, nhưng vì nghiệp chướng quá nặng nên con đường đi đến giác ngộ còn tiệm tiến. Chỉ đến khi sắp chết thì vị đại sư đó mới tìm đến được những gì mà vị Nhất Đăng đại sư đã cảm thấy ngay sau cái chết của một hài nhi vô tội.

    Trong tác phẩm Kim kiếm điêu linh của Ngọa Long Sinh (*), ba vị cao nhân Võ Đang là Trang Sơn Bối, Nam Dật Công và Liễu Tiên Tử tự ẩn mình tuyệt tích trong núi hoang, tu tập võ công để hàng năm lại tỷ thí tranh chức vô địch. Họ là những bậc cao nhân thực sự không muốn biết đến đời và cũng không cần ai biết đến mình, nhưng vẫn tranh giành nhau ngôi thứ chốn hoang sơn, bởi vì họ cũng còn bị hệ lụy bởi chữ danh, dù đó là cái danh không được một ai nhắc đến và không có kẻ tung hô.

    Cái danh đã bủa một cái luới vô hình vây chặt bọn họ từ thuở tráng niên, cho đến khi tro tàn thời gian bay bạc trắng cả mái đầu. Chính cơ duyên đã đưa cậu bé Tiêu Linh (**) đến chốn hoang sơn để “khai ngộ” cho ba vị cao nhân tuyệt tục. Tiếng thở dài của Nam Dật Công chốn hoang sơn khi giật mình ngẫm lại, nghe thê lương như cơn gió lạnh thổi suốt cõi biển dâu.

    Con báo vì lớp da mà bị chết, con người vì cái danh mà bị lụy. Những bậc tài hoa như Nguyễn Du muốn tĩnh tâm ẩn dật phải luôn hối tiếc vì đã lỡ bị đời khoác lên người “tấm da báo”, để phải than thở “Báo bì nhưng lụy cựu phù danh”. Nhưng lại có những kẻ bản chất là giun dế vẫn cố khoác lên người “tấm da báo”, ngẫm cũng đáng thương!

    Chỉ khi nào con người có cơ duyên thấu triệt được thực tướng của chữ danh như Đoàn Nam đế thì có lẽ ngày đó cõi người ta mới thực sự là chốn lạc phúc trong cõi vô danh.

    _____________

    (*) Bản Việt dịch là Xác chết loạn giang hồ
    (**) Bản Việt dịch là Tiêu Lĩnh Vu



    Lần sửa cuối bởi Hansy; 07-02-2013 lúc 02:51 AM

  14. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  15. #8
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts

    Tiểu Chiêu

    4.
    TIỂU CHIÊU

    Nàng Iphigenia của Kim Dung



    Phái mày râu thường chê phụ nữ là hẹp hòi, nông cạn: “Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Nhưng lịch sử nhân loại, và ngay trong cuộc sống đời thường, cho chúng ta thấy những khi đại cuộc gặp cơn khốn quẫn hay gia đình gặp cảnh ba đào cần đến sự hy sinh để cứu vãn tình thế bế tắc, thì chính người phụ nữ mới là người tiên phong tự nguyện. Dường như Thượng đế đã ban cho họ lòng vị tha nhẫn nhục để hướng đến hy sinh, nếu điều đó đem lại bình yên cho người mà họ yêu thương. Phái nam cứ bốc phét huênh hoang về phận mày râu, mà không bao giờ lường hết được tầm mênh mông trong những sự hy sinh thầm lặng đó.

    Nguyễn Du đã vì Thúy Kiều mà đem hết tài hoa để dựng lên một tòa tân thanh lặng lẽ giữa bể dâu. Và mười lăm năm luân lạc của nàng đã đem lại cho đời hằng sa ẩn ngữ. Hơn hai ngàn năm trước, nàng Chiêu Quân Trung Hoa ôm tâm sự hận sầu ngược về phương Bắc để gá nghĩa với Hung Nô, và hơn một ngàn năm sau công chúa Huyền Trân nước Việt lại âm thầm giọt lệ để xuôi về phương Nam ngàn dặm. Hai phương trời, hai tâm sự và cách biệt nhau hơn cả ngàn năm, nhưng cái thê lương đau xót chỉ là một.

    Đâu phương cố hương? Nào trời cố quận? Quay đầu nhìn lại chỉ thấy mênh mông mây trắng, và ở chốn xa xôi kia là quê hương vĩnh viễn không thể quay về. Mây nước mịt mùng, ngàn dặm tha hương, kẻ anh hùng còn chết điếng cả ruột gan, huống chi phận đào tơ liễu yếu? Rượu có thể tạm đốt cháy đi nổi sầu cô lữ, nhưng lấy gì để an ủi khách má hồng?

    Thần thoại Hy Lạp kể rằng, vua Agamemnon đem đại binh tham gia cuộc viễn chinh đánh thành Troie, đoàn chiến thuyền bị gió bắc đánh dạt vào một bến cảng. Nghe lời một nhà tiên tri, nhà vua buộc lòng phải hiến đứa con gái yêu của mình là Iphigenia cho nữ thần Artemis, làm người hầu hòng cứu vãn tình thế.

    Thần lại cho gió nổi lên, đoàn quân lại hân hoan giương buồm thẳng tiến, nàng Iphigenia kiều diễm đành một mình ở lại vùng Aulis xa lạ để làm trinh nữ thờ phượng thần linh.

    Vì đại cuộc, vâng lại vì đại cuộc (!), phận nữ nhi lại phải hy sinh. Chiến binh các người hay cứ huênh hoang cùng máu lửa nơi chiến trận, và không bao giờ nghĩ đến nỗi se sắt lạnh của lòng ta. Từ đây, ngày ngày ta sẽ là nữ tư tế để chăm sóc đền thờ của Nữ Thần bất tử. Được bao người kính trọng, được gần gũi với cõi bất tử, nhưng đó là cõi bất tử không có tình yêu đôi lứa và sẽ cực hình cho người con gái đang sống với những “reo ái tình trong nhịp máu phân vân" (Xuân Diệu).

    Cho nên Nguyễn Triệu, Lưu Thần phải bỏ cảnh thần tiên để quay về với trần giới. Cõi trần gian bụi bặm không thể sánh bằng chốn Bồng Lai, nhưng giữa cõi tam thiên đại thiên thế giới, đây là nơi duy nhất ta được sống trọn vẹn với bi hoan ly hợp của tình yêu, trong tủi nhục ta tìm thấy vinh quang và trong đau khổ ta tìm ra hạnh phúc.

    Cái tâm sự hận sầu đau đớn đó của một trinh nữ của trời xưa Hy Lạp lại hiện ra một lần nữa trong tâm sự của Tiểu Chiêu. Hồn Hy Lạp xưa lại về vây phủ Ỷ Thiên Đồ Long Ký! Nếu có ai hỏi trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, người con gái nào xuất hiện ít nhất nhưng mang tâm sự thê lương nhiều nhất, thì chúng ta có thể trả lời không ngần ngại rằng đó là Tiểu Chiêu.

    Mẹ nàng – Kim Hoa bà bà – là trinh nữ được Minh giáo Ba Tư cử sang Trung Quốc để tìm cho ra bí cấp trấn giáo là Càn khôn đại nã di tâm pháp. Người đàn bà được giang hồ tôn xưng là đệ nhất mỹ nhân đó đã nửa đường vướng lụy, nhiệm vụ lớn chưa thành thì đứa con gái là Tiểu Chiêu đã ra đời. Và như thế là phạm tội chết đối với luật lệ nghiêm khắc của Minh giáo Ba Tư. Đứa con gái xinh đẹp kia vừa lớn lên đã phải thay mẹ nối tiếp nhiệm vụ thiêng liêng, để mong chuộc lỗi lầm (?) cho mẹ, chỉ có thế mới mong tìm được một con đường quay về cố quốc.

    Nàng phải hóa trang gương mặt xấu xí và vờ lạc giữa vùng hoang mạc để cho Quang Minh tả sứ của Minh giáo là Dương Tiêu đem về làm người hầu cho con ông. Chỉ có thế nàng mới đặt chân vào được Quang Minh đỉnh – vùng thánh địa của Minh giáo – để âm thâm dò xét chỗ giấu bí cấp.

    Một cô gái xinh đẹp, giòng dõi quyền quý mà phải đóng vai một con hầu để người ta sai khiến mắng chửi nghĩ cũng não lòng lắm thay. Cơ duyên run rủi cho nàng và Trương Vô Kỵ tìm được bí cấp Càn khôn đại nã di viết trên một tấm da dê, trong một đường hầm. Nàng phải dùng máu mình thấm vào tấm da dê cho chữ hiện ra và dịch bản tâm pháp đó ra tiếng Trung Quốc để giúp Vô Kỵ, phối hợp với Cửu dương thần công, luyện thành bản lĩnh vô địch.

    Người con trai chân chất vô tâm về từ Băng Hỏa đảo đó đã gieo vào lòng nàng bao ước mơ thầm kín, sau những tháng ngày chỉ biết chịu tủi nhục vì trách nhiệm và bổn phận. Mang tâm pháp về cố quốc Ba Tư để được tôn vinh là nữ thần giữ gìn Lửa Thiêng, hay để tâm pháp lại nơi Trung thổ? Xưa kia, mẹ đã nửa đường đứt gánh, thì giờ đây con cũng xin đứt gánh nửa đường cho trọn nghiệp chữ yêu.

    Người con gái đã cúi đầu quy phục tiếng nói của trái tim, và dĩ vãng lại bắt đầu! Quê hương Ba Tư đành xem như đã ngàn trùng sương khói. Thôi thì ta xin chọn quê hương là đây, là nơi có người mà ta yêu đang sống. Làm thê thiếp không được thì làm người hầu cũng tốt, làm tôi tớ cũng xong, miễn sao được trọn vẹn gần gũi chàng để sửa túi nâng khăn.

    Cho dù nước chảy có vô tình, nhưng hoa rơi lại hữu ý, cho nên hoa cứ hân hoan đợi chờ đến ngày nước cảm nhận được lòng hoa.


    “Thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần, làm tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng không thành… Đường về quê xa lắc lê thê trót nghe theo lời u mê” (Tình khúc thứ nhất – Nguyễn Đình Toàn). Đúng là đường về quê xa lắc lê thê, nhưng không có lời nào khiến ta u mê cả, mà ta chỉ u mê bởi tiếng lòng đang say đắm mà thôi. Làm thần tiên mà chi nếu như người yêu còn ở nơi hạ giới? Tấm lòng đó trong thiên hạ có được bao người, và đã tô điểm thêm cho cõi đời biết bao là hương sắc?

    Minh giáo Ba Tư lại phái sứ giả đi tìm người trinh nữ ngày xưa, giờ đây đã là Tỷ sam Long Vương, một trong tứ đại hộ pháp của Minh giáo Trung Quốc. Người con gái phải thay mẹ để chuộc lại lỗi lầm (?) xưa với bản giáo, với quê hương và chính là để giải cứu nhóm Trương Vô Kỵ đang bị đoàn tàu của sứ giả Ba Tư vây khốn giữa đại dương. Nàng quyết tâm hy sinh mối tình đầu vừa chớm nở để theo đoàn sứ giả quay về quê cũ làm thánh nữ của Bái hỏa giáo Ba Tư. Nếu được chết để giải cứu chàng ư? Điều đó quá dễ và hạnh phúc biết ngần nào. Người sẽ vì người yêu mà hân hoan chịu chết, để mộng đầu thành tựu trong kiếp lai sinh. Nếu như có chút ích kỷ thì nàng sẽ cùng Trương Vô Kỵ chống cự quyết liệt đến cùng để đại dương sẽ là nấm mồ cho tất cả. Như vậy là thành toàn tâm nguyện: được chết chung bên cạnh người yêu.

    Nhưng không, tình chân chính đầu đời luôn khiến con người hướng thượng. Vì sao Thúy Kiều sẵn sàng hy sinh trong khi Thúy Vân vẫn hồn nhiên đến mức ù lì vô cảm? Đặt ra câu hỏi là đã tự tìm được lời giải đáp. Cho nên nàng Iphigenia của Kim Dung đã quyết định hy sinh là phải sống để cứu bạn tình chung. Sống, nhưng còn thê lương hơn cả chết. Bước lên ngôi thánh nữ là bước vào cõi địa ngục của thanh xuân. Về lại chính quê hương nhưng lại mang nặng nỗi sầu viễn xứ! Quay về cố quốc lại chính là cuộc ra đi biền biệt trong đời. Biển sóng mênh mông có chứng minh được tấm lòng kiều nữ?

    Đi là đi mãi không em?
    Ước nguyện mai sau có vẹn tuyền?
    Nước có ngân lời hoài vọng cũ?
    Gởi về cây bóng lá sơ nguyên?

    Bùi Giáng

    Vâng, kể từ đây là đi mãi, Nàng không được hạnh phúc như A Châu là gục chết trong tay người yêu để hình ảnh trở thành bất tử. Kể từ đây, nơi phương trời Ba Tư xa xôi ấy, suốt đời nàng, lửa sẽ bừng reo trong nghi lễ trang nghiêm. Và sẽ có vạn ngàn tín đồ cúi đầu trước nàng để tôn vinh vị nữ thần của Lửa.

    Thần Lửa cần đến trinh nữ để giữ gìn cho ngọn lửa được thánh khiết đến thiên thu. Lửa muôn kiếp bừng reo. Lửa ngàn đời bùng cháy. Nàng phải đốt cháy cả tuổi xuân say đắm bên ngọn lửa thiêng, trong khi chỉ muốn làm một nữ tỳ thấp hèn để được trọn đời sống một đời bình dị.

    Ngọn lửa thiêng thanh khiết kia có làm mờ nỗi hình ảnh ngậm ngùi của buổi chia ly trên sóng nước? Nước có ngân lời hoài vọng cũ? Hỏi phương nào còn xanh mãi bóng lá nguyên sơ? Thôi thì xin gởi lời ca vào trong mây nước để dư âm còn đồng vọng ngàn đời trên sóng gió trùng khơi. Gió sẽ mang lời ca lên Quang Minh đỉnh để “gởi về cây bóng lá nguyên sơ”. Dẫu nơi đó không còn màu nguyên sơ của bóng lá, thì nơi đó màu xanh của thời gian đã ngưng kết trong tâm tưởng. Dường như tiếng hát là lời kinh siêu độ cho những người phụ nữ chết trong sầu hận. Cho nên trước khi chết vì lưỡi gươm tàn nhẫn của Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San vẫn hát bài Phúc Kiến sơn ca, trước khi chết dưới đôi tay oan nghiệt của Othello, Desdemona của Shakespeare vẫn cất tiếng hát bài ca thủy liễu. Lời ca thay cho tiếng lòng nên quá đỗi thiết tha:

    The poor soul sat sighing by a sycamore tree
    Sing all a green willow
    Her hand on her bossom, her head on her knee
    Sing willow, willow, willow
    The fresh streams ran by her, and murmur’d her moans
    Sing willow, willow, willow
    Her salt tear fell from her and softn’ed the stones
    Sing willow, willow, willow

    (Shakespeare, Othello, Act 4, Scence 3)

    (Mảnh linh hồn đau khổ ngồi thở than bên gốc tiêu huyền. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, ngàn liễu rũ xanh reo. Tay ôm ngực, nàng gục đầu trên gối. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Những giòng suối mát chảy bên cạnh nàng, và thì thầm lời than van. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo. Giòng nước mắt mặn đắng kia đã làm mềm sỏi đá. Liễu rũ ơi, liễu rũ ơi, liễu rũ xanh reo)

    Đó chẳng phải là nỗi lòng Tiểu Chiêu đấy ư? Không liễu rũ xanh reo mà là lửa hồng reo rực cháy, không là tử biệt nhưng phải sinh ly. Chia tay để vĩnh viễn đi vào cõi cô đơn giá buốt. Những giọt nước mắt nàng rơi giữa đại dương có làm mềm sỏi đá?

    Và thử hỏi cái nào mặn hơn: nước đại dương hay nước mắt Tiểu Chiêu?



  16. Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


  17. #9
    Avatar của phamanhoa
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    phamanhoa đang ẩn
    Tham gia ngày : Aug 2012
    Đến từ : HCM City

    Tuổi: 74
    Bài gửi : 3.016
    Thanks
    13.179
    Thanked 13.956 Times in 2.980 Posts
    Blog Entries
    19
    Quote Nguyên văn bởi Hansy Xem bài viết
    VÕ LÂM NGŨ BÁ

    Hoa Sơn hội ngộ ngũ anh tài
    Sấm động vang rền ai chẳng hay
    Tây Độc mô công sương khói tỏa
    Đông Tà lạc chưởng gió mây bay
    Thất Công thập bát thần long giáng
    Nam Đế nhất dương quý tỵ say
    Tranh đấu ba ngày chưa thắng bại
    Trung Thần Thông đến sóng êm ngay

    Huy Thanh


    VÕ HIỆP KỲ TÌNH

    Kỳ tình võ hiệp lắm nhân tài
    Tác giả Kim Dung thật quá hay
    Mưu mẹo giở trò mây nước rụng
    Nội công ra ngón gió hoa bay
    Tửu thi ngâm ngợi muôn tim ngớ
    Tình ái nồng nàn vạn dạ say
    Hiền dữ thấp cao đều có mặt
    Anh hùng luận chiến rõ gian ngay

    HANSY
    TIẾU NGẠO GIANG HỒ

    Thuở võ công chưa luyện đủ tài,
    Oan khiên ập xuống dạ nào hay.
    Trông sư muội hát lòng đau quặn,
    Nghe thánh cô đàn bệnh khổ bay.
    Cửu kiếm phiêu diêu xui trí tỉnh,
    Tịch tà ma m
    khiến hồn say.
    Phấn son ngụy trá rồi trơ mặt,
    Tà chánh đôi đường hiển lộ ngay.

    phamanhoa

    Lần sửa cuối bởi phamanhoa; 07-02-2013 lúc 06:44 AM

  18. Thành viên dưới đây cảm ơn phamanhoa vì bài viết hữu ích này


  19. #10
    Banned
    Hiện Đang :    Hansy đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2012

    Bài gửi : 0
    Thanks
    5.759
    Thanked 6.595 Times in 1.818 Posts
    VÕ LÂM NGŨ BÁ

    Hoa Sơn hội ngộ ngũ anh tài
    Sấm động vang rền ai chẳng hay
    Tây Độc mô công sương khói tỏa
    Đông Tà lạc chưởng gió mây bay
    Thất Công thập bát thần long giáng
    Nam Đế nhất dương quý tỵ say
    Tranh đấu ba ngày chưa thắng bại
    Trung Thần Thông đến sóng êm ngay

    Huy Thanh


    VÕ HIỆP KỲ TÌNH

    Kỳ tình võ hiệp lắm nhân tài
    Tác giả Kim Dung thật quá hay
    Mưu mẹo giở trò mây nước rụng
    Nội công ra ngón gió hoa bay
    Tửu thi ngâm ngợi muôn tim ngớ
    Tình ái nồng nàn vạn dạ say
    Hiền dữ thấp cao đều có mặt
    Anh hùng luận chiến rõ gian ngay

    HANSY


    TIẾU NGẠO GIANG HỒ

    Thuở võ công chưa luyện đủ tài,
    Oan khiên ập xuống dạ nào hay.
    Trông sư muội hát lòng đau quặn,
    Nghe thánh cô đàn bệnh khổ bay.
    Chiêu kiếm Độc Cô xui trí tỉnh,
    Đuòng gươm Bảo Điển khiến hồn say.
    Phấn son ngụy trá rồi trơ mặt,
    Tà chánh đôi đường hiển lộ ngay.

    phamanhoa


    ĐỒ LONG ĐAO

    Văn ôn võ luyện hãy phô tài
    Thập nhị huyền công ấy mới hay
    Vô Kỵ nhân từ thu dạ lại
    Ngoan Đồng diệu thủ cuốn mây bay
    Đồ Long đao hiếm tung tăng lượn
    Tạ Tốn sư hùng ngất ngưỡng say
    Chiêu thế giang hồ muôn thức trạng
    Khó lòng phân biệt giả cùng ngay

    HANSY


  20. Thành viên dưới đây cảm ơn Hansy vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 1/36 1 2 3 11 ... CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình