+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 35

Chủ đề: Những "ngôi trường xưa Em học" (Đoản Văn) - NhàQuê

  1. #11
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"



    Đoản 11: Monsieur RICHARD

    Tây Tới, Tây Tới!!
    Chạy, Chạy Bà Con Ơi !!!



    "Ông Cụ" trạc năm mươi, gầy, đi hơi ngã về phía trước, mặc "côm bờ lê", thắt cà vạt đường hoàng, nách một đống giấy tờ bọc trong các bìa cứng, thường đi bộ đến trường. Đó là thầy hiệu trưởng thứ tư của trường tôi theo học: Thầy Bùi Văn Mạnh, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Kiến Hòa.

    Thuở ấy những năm 1960-1963, tôi qua các lớp đệ tam, đệ nhị rồi đệ nhất. Tôi không nhớ rõ Thầy từ Mỹ Tho sang nhậm chức vào tháng nào của niên khóa 1960-1961, có lẽ những tháng cuối của niên khóa nầy.
    Tôi chưa thấy Thầy mặc áo sơ mi khác hơn màu trắng và để cổ hở bao giờ, "côm bờ lê" của thầy màu nhạt, thường là màu mỡ gà hay xanh bông phấn.

    Đôi lần Thầy lái xe Traction màu đen đến trường, làm thầy "oai" ra phết: Đi làm bằng xế hộp! Tôi không nghĩ Thầy muốn "chơi nổi" như nhiều người đương thời, lối sinh hoạt trong trường của một nhà giáo mẫu mực hổ trợ cho sự suy nghiệm nầy của tôi. Những lần như vậy có thể là Thầy từ nhà bên Mỹ Tho sang trễ đôi chút nên đến thẳng cho kịp công việc. Cũng có thể vì giấy tờ hồ sơ quá nhiều không thể ôm đi bộ như hàng ngày, giờ hành chánh ở văn phòng không đủ cho Thầy giải quyết phải mang về làm thêm. Lại cũng có thể là sau khi rời văn phòng Thầy phải đi đâu đó gấp, không kịp trở về công xá dành cho để lấy xe.

    Công xá vừa nói nằm trên đường Hai Bà Trưng, khoảng giữa đại lộ Phan Thanh Giản và đường Lê Văn Duyệt, ngôi công ốc nầy nhìn ra hướng Nhà Đèn, trong đó có cả phần của ông Quận Trưởng Trúc Giang.

    Nhiều năm trước đọc trong Website Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho được biết sau nầy Thầy sống bên Cali. Tháng trước trong lúc phụ đưa danh sách Thầy Cô và Cựu Học Sinh vào trang Trung Học Kiến Hòa mới hay rằng Thầy đã qua đời.


    Mấy ngày nay đọc đi đọc lại mấy lần bài "Thầy Bùi Văn Mạnh và Tôi" của Giáo Sư Huỳnh Chiếu Đẳng có thêm được vài chuyện xưa nay về Thầy, trong đó có chuyện về dạy tiếng Tây.
    Nếu bài viết nầy có gì thất lễ, xin được tha thứ, tôi chỉ muốn gợi về một kỷ niệm vẫn còn hiện diện một cách rõ ràng trong trí nhớ ngày càng thất thoát của tôi, nhưng kỷ niệm ấy về Thầy thì không phai chút nào.

    Là học trò, ai chẳng khoái các giờ trống (giờ permanent) hoặc giờ giáo sư thình lình vắng mặt, nếu được hai giờ liền nhau thì tuyệt vời. Dùng giờ "tự do" vàng ngọc ấy đi lang thang ra phố rửa mắt, rề rà quán nước nhả khói triết gia, đấu láo thiên hạ sự ở quán cà phê hay ít ra tụm năm tụm ba ngoài Bờ Hồ, cô nào đi ngang đúng giờ "hoàng đạo" đó coi như không cóng giò cũng rệu khóc.
    Nhưng nếu nhìn thấy Thầy từ xa đi tới, tức thời "đơn vị" phân tán mỏng liền tù tì, sợ Thầy thì ít mà sợ Thầy kéo vô trở lại có được bao nhiêu đứa hay bấy nhiêu: Cho Thầy dạy tiếng Tây.

    Thường thì Thầy dặn trước thầy cô giám thị nói lại trưởng lớp, bảo cả lớp chờ Thầy lên dạy, những lần như vậy không thoát được. Còn dịp bất ngờ giáo sư không đến, cả lớp còn đang lóng ngóng chờ người xuống văn phòng hỏi, sứ giả đi giữa đường gặp Thầy đang ôm một đống bài in ronéo đi lên, là được "Ê Trò" quay lại cùng Thầy.



    (Dãy Lầu Thường Bị TÂY Ruồng Nhất)

    Có đứa nào đó tinh mắt thấy trước la vang động cả hành lang: Tây Tới, Tây Tới, Tụi Bây Ơi, Chạy! Y như trong làng quê khi xưa báo động nhau khi lính Tây đi ruồng.
    Thầy Cô đang dạy lớp bên cạnh lấy làm lạ ra cửa lớp nhìn, sau quen dần mỉm cười lắc đầu...

    Có khi chúng tôi cũng chạy "gió", xộ!, vì tin tức do cảm tình viên cung cấp không đúng sự thật
    :
    Thầy cũng ôm xấp bìa cứng như hàng ngày, cũng đi ra khỏi văn phòng; nhưng lại đi họp với các cơ quan khác hay đi công việc gì đó ngoài trường.

    Tóm lại Thầy ra khỏi văn phòng là có "báo động đỏ", mức thấp nhất cũng "báo động màu da cam".

    Vậy mà có lần cả đám bị tóm mang trở lại, còn giả lả phụ ôm dùm bài cho Thầy rất ư ngoan học, chắc lâu ngày Thầy biết "mánh" đi lên bằng cầu thang chúng tôi thường chạy xuống.

    Đoạn trên có nói về bài in ronéo, tôi xin nói với các bạn trẻ về chuyện nầy: Những năm tháng đó nhà trường chưa có máy photocopy, khi cần in nhiều bản phải dùng máy ronéo, nói là máy chứ thường quay bằng tay, sau có máy tự động quay bằng điện.
    Tờ giấy sáp (stencil ??) được quýnh máy trực tiếp qua máy đánh chữ đã tháo ru-băng, những chữ được gõ vào đó làm cho giấy sáp bị lủng lỗ, nhờ vậy mực in xuyên qua được giấy sáp in thành chữ trên giấy, thường là loại giấy tái chế rẻ tiền màu vàng đất, tờ giấy sáp được móc cuốn tròn vào trục máy ronéo hình trụ nằm ngang và mực in đã được nạp vào máy.
    Vậy là sang lắm rồi đó, chứ tụi tôi có khi phải dùng bàn chải phết mực in rồi quét qua giấy sáp cho mực xuyên qua và in xuống tờ giấy đặt bên dưới, cách thủ công nầy làm bản in không đều, chỗ đậm chỗ lợt...
    Về máy đánh chữ, các bạn có tưởng tượng được rằng ngày đó và cho mãi đến năm 1975, ở một nước thuộc Thế Giới Tự Do như nước ta, vậy mà tư nhân muốn mua một máy đánh chữ phải xin phép chờ điều tra, thuận mới được mua và có máy rồi phải nạp bản chữ mẫu cho nhà chức trách Cảnh Sát Công An... Họ lượm được truyền đơn giống loại chữ máy của mình, người sở hữu gặp rắc rối không nhỏ... Không có máy chữ, chúng tôi có khi phải viết vào giấy sáp bằng cây viết có kim nhọn ở đầu, vẽ hình nhất là về Toán phải theo cách nầy....

    Lúc đầu, cấp lớp nào Thầy cũng dạy một bài in sẳn y như nhau. Sau Thầy cho lớp tôi mượn mỗi đứa một quyển "Le Livre Unique", quyển sách bìa cứng màu rêu nhạt, chính gốc sách in bên Tây, người ta nói khỏi lo vụ in trật chính tả, sách in bên Tây không bao giờ có phụ bản đính chính.
    Tôi nhớ nhất lần Thầy dạy bài "La Rentrée" trích của Anatone France, mở đầu: Je vais vous dire tout ce que.... khi đọc tới Le ciel agité de l'Automme, Thầy đang tìm chữ tiếng Việt cho từ agité, có đứa nào đó nói lớn "Trời Thu xao xuyến" Thầy ơi! Thầy ờ ờ khen giỏi có vẻ đắc ý....
    Sau bài học nầy, tôi đâm ngờ bài "Tôi đi Học: Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều, trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức,...." của Thanh Tịnh có thể là phóng tác???



    (Trong Vườn Luxembourg)

    Le sac au dos, Je traverse au jardin du luxembourg en sautigent comme un oiseau(moineau ??) dans le premier jour d'Octobre ....Les feuilles tombent une à une sur les épaules nues des statues...(Xin tha lỗi chánh tả vì lâu ngày quá viết lại không đúng văn phạm và ngữ vựng). Chính bài nầy đã là nguyên nhân tôi bỏ ra một ngày thay vì đi xem lâu đài Versailles bên ngoài thủ đô nước Pháp, tôi đi riêng viếng vườn Lục Xâm Bảo mò cho được bảng tên vườn nầy dịp tôi đến Paris.



    (Rờ Bảng Tên Vườn Luxembourg)

    Quyển sách Thầy cho mượn, không thấy kêu trả lại nên tôi giữ đến mãi sau 1975 bị toán truy quét Văn Hóa đến nhà bắt vợ con tôi nộp, vét hết sách tôi quý, Họ thu đem làm giấy đi đồng chắc!?!?

    Bán niên thứ nhì của năm đệ nhị, chúng tôi không còn bị "Tây Ruồng" nữa, có ruồng chắc ai cũng trốn.
    Và Thầy cũng biết "tụi nó" đang đứng trước ranh giới hoặc "Thượng Sĩ Gân" hoặc "Cánh Gà": Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ..., và ước mơ " Tiến Xa Hơn" có nguy cơ tan vỡ. Thầy dạy nhiều lần vậy mà Thầy không nhớ cũng chẳng hỏi tên đứa nào hết, khi truy bài Thầy chỉ tay: Trò! Vous!

    Lớp chúng tôi đàn anh thoát rồi, nhưng các lớp sau "áp lực vẫn còn nặng nề" và học loạt bài mới hơn được đưa vào; Đó là chuyện về gia đình Richard: Monsieur RICHARD s'habite à Paris....
    Nếu chúng tôi ám chỉ Thầy là Tây thì các bạn các năm sau đặt "bí danh" cho Thầy là Monsieur RICHARD.
    Với Thầy đọc tiếng Tây mà đọc chậm là không được à nha! Thầy rầy làm líu lưỡi luôn! "Ngu Như Cá" là thành ngữ nghe các bạn trọ chung nhà nói lại vào lúc thầy giận nhứt (Thay vì thường nói Ngu Như Bò trong tiếng Việt).

    Tôi xin ghép bí danh Monsieur RICHARD và TÂY TỚI ám chỉ Thầy Hiệu Trưởng Bùi Văn Mạnh của thời chúng tôi còn là học sinh "quần kaki xanh nước biển, áo sơ mi trắng ngắn tay cổ hở", làm tựa đề bài nầy. Những từ danh ấy có lẽ Thầy chưa hề hay biết!

    Vĩnh biệt muộn màng Thầy: Vị Tướng Soái phương vị cao cả không muốn quên những ngày dẫn đại đội tấn công!

    NhàQuê 2005





    (Paris Có Gì Lạ Không Em)



    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  2. #12
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản12: Khung Cửa Sổ



    Lần cuối cùng chúng tôi khép các cửa sổ lại và rời trường. Việc đóng các cửa sổ lớp học ra về, hằng ngày gần như không còn ai để ý hay có sự xúc động nào, vì nó nằm trong việc qui định cho toán trực mỗi lớp.

    Các bạn có còn nhớ cửa sổ lớp mình màu gì không? Tôi tin rằng tất cả đều nhớ đúng!
    Trường học nào cũng sơn cửa và cửa sổ màu xanh, màu của hy vọng ...! Qua bao nắng mưa, chúng được tu bổ, sơn phết lại nhiều lần, lớp sơn có mới cũ. Điều đó không xao động nhiều trong trí mỗi người khi chợt nhớ về.

    Cửa sổ được đóng mở có ích lợi gì ai cũng biết, riêng chúng tôi việc ấy như dấu chỉ cứ lớn dần theo nhịp thể chất phát triển lên.

    Ngày mới thành học sinh trung học, nhiều đứa trong chúng tôi đã không dễ dàng trong việc đóng mở bốn cánh lá sách ấy, vậy mà có tới hai khung như thế, có khi còn nhiều hơn tùy vị trí lớp dưới trệt hay trên lầu, ở khu trường cũ hay lúc đã dời về trường mới....

    Tôi chưa bao giờ ngồi gần cửa sổ, lẽ dễ hiểu là tôi thuộc nhóm nhỏ con phải ngồi mấy bàn đầu, nơi các bạn gái thường chiếm trong các lớp hỗn hợp. Cũng không biết ai đặt ra qui luật như vậy, chưa chắc gì lúc đó chúng tôi đã biết "nịnh đầm" An Nam.
    Ngồi mấy bàn đầu có lợi nhìn rõ những gì thầy cô ghi vẽ trên ấy, tai hoạt đông ít căng thẳng hơn, .... nhưng thường bị chiếu tướng, bị truy bài thường hơn, không rỉ tai nhau được khi tình cờ có ý nghĩ vui chợt đến!

    Nếu các bạn có thử lần nào, thì rõ ràng ngồi cạnh cửa sổ nóng hơn, lảnh đủ sức nóng của nắng hắt vào; Nên chi các anh lớn như anh Triệu văn Hoa chẳng hạn, thường bị ngủ gật. Ngày chúng tôi vào đệ thất còn nhỏ xíu mà anh lấy vợ được rồi đó, chênh lệch rất xa! Anh và anh Tươi lớp trên hơn cũng cao lớn như vậy, được xếp trong đội hầu kỳ. Thầy Nho đặt tên là toán gỡ bóng đèn khỏi cần thang.

    Cửa sổ chốc chốc lại mở ra, làm chúng tôi ngồi mấy bàn đầu bị lóa không đọc được chữ thầy biên trên bảng. Khiếu nại lại đóng, lại mở ... nhiều lần. Sau nầy khi đã bể giọng, đám nhỏ chúng tôi mới rõ lý do tại sao, bên cạnh lý do bị hắt nắng còn có một lý do "quan trọng" hơn; Ấy là tiếng tu huýt re rét của cô Liên đang dạy thể dục bên dưới sân.

    Tôi mường tượng viết đến đây, khi các bạn đọc, thế nào cũng vỗ đùi mình một phát, đúng rồi! thằng NhàQuê nói đúng tim đen quá trời. Có đứa hông mắc mớ gì tới cửa sổ, ngồi tận đâu đâu cũng lò mò qua mở dùm...thấy thương.

    Dưới sân bầy tiên nga đang tắm nắng, cánh trắng, quần đùi đen túm ống đang trong cuộc thi đoán hào hứng, trừ tóc ngoài ra trắng bốc đủ size, đủ code ... thôi thì đủ thứ ...Thôi tôi cũng không dài dòng chi cho lắm! (Vũ Trọng Phụng). Làm sao đóng cửa sổ cho đành!

    Tôi không hoan nghinh cô Liên tí nào, cô ưa méc với phòng giám thị và chúng tôi lại nghe các thông cáo không được vui vẻ gì hết. Chán ngắt như thao diễn nghỉ, nghiêm, nhật lịnh...ở giai đoạn sau nầy kaki...
    Cô ơi! Cô không thông cảm tụi em chút nào cả, tại cô chưa từng làm con trai mà ! Cô lại cứ méc: Monsieur Thắng, rầy học trò nghe, tụi nó chọc phá học trò "Mõa" đó nha! Và thầy Thắng của chúng tôi "Oui" lấy lệ.


    Khung cửa sổ thuở hoa niên, thuở trái tim rung mãnh liệt của những tháng năm dưới mái trường Trung Học Kiến Hòa khép lại sau lưng, nhiều khung cửa sổ khác liên tiếp mở đóng: Những khung trời mới quang đãng có, u buồn có, mây đen vần vũ có...lần luợt đến đi; Nhưng có một ai hỏi những gì còn ghi đậm rõ trong trí nhớ, thì xin thưa đó là...

    NhàQuê 2005






    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  3. #13
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"





    Đoản 13: Bảng Tên Trường



    Gần đây có bạn thắc mắc là không biết trường mình có lúc nào có tên thật sự là Trường Trung Học Công Lập Bến Tre hay không, tôi cũng có dẫn chứng để làm sáng tỏ chuyện nầy rồi, dù rằng tôi không có thẩm quyền gì để bảo đảm việc có tính cách hành chánh đó; chỉ hoàn toàn dựa theo trí nhớ của mình, tôi tự tin như vậy!

    Làm thơ ký cho cô Chung Thủy trong việc lập danh sách cựu Giáo Chức và cựu Học Sinh trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa, đọc các tài liệu và hình ảnh do cô và nhóm bạn thiện chí của cô sưu tập được, sau đó chuyển Email hoặc Bưu Điện sang cho tôi. Thú thật tôi hân hạnh và xúc cảm mãnh liệt khi lần đầu nhìn, đọc các tài liệu tưởng chừng không cách nào tìm được.

    Những điều tôi viết trước đây, gần như phù khớp, độ chính xác rất lớn. Rồi từ đó tôi nhớ lại một điều làm tôi mủi lòng, các bạn cùng khoảng tôi khi đọc bài nầy chắc có cùng cảm tưởng như tôi, tôi tin vậy!

    Các bạn ơi, thế hệ học sinh 1956 chúng tôi là đợt học sinh đầu tiên học suốt liên tục bậc Đệ Nhất Cấp và Đệ Nhị Cấp tại chỉ một trường thân yêu Trung Học Công Lập Bến Tre rồi cải danh theo tên tỉnh trở thành Trung Học Công Lập Kiến Hòa. Về sau trường còn có tên Lạc Long Quân và cả Nguyễn Đình Chiểu nữa. Hai tên gọi về sau nầy, do tôi đọc được trong số tài liệu tôi có nói bên trên.

    Dù danh xưng có là gì đi nữa, trong thâm sâu "Người" vẫn là một, mẫu số chung của chúng ta đó các bạn ta ạ!

    Cái mủi lòng của thế hệ chúng tôi là từ năm 1954 đến 1964, khoảng 10 năm lịch sử ngôi trường chúng ta nhắc đến là thương ấy; Chúng Tôi bước qua mấy chiếc cổng khác nhau mà không có treo bảng tên. Không có bảng tên trường trong 10 năm đằng đẵng...Không có bảng tên trường...Không có bảng tên trường!!!


    Những tấm ảnh các bạn tìm thấy rải rác trong BenTreHome có cổng và bảng tên trường đều được ghi lại sau năm 1964.

    Thực ra có một lần có bảng tên trường, nhưng lần ấy bảng được treo ở cổng vào văn phòng, tọa lạc tại góc ngã tư đường Nguyễn Tri Phương và đại lộ Phan Thanh Giản.

    Không có bảng tên trường cũng đồng nghĩa, chúng tôi học nhờ trường sở của trường khác, có thể so sánh với hình ảnh một người đã trưởng thành rồi mà chưa có nhà ở


    . Không như các bạn về sau có được trường ốc khang trang, cổng thay đổi mấy lần, càng về sau càng uy nghi bệ vệ ...Tôi nghĩ nếu các bạn mường tượng lại chắc sẽ thông cảm với hồi cảm của chúng tôi.

    Thời gian học nhờ trường Tiểu Học Phan Thanh Giản (trường Nam Tỉnh Lỵ), và trường Cộng Đồng Dẫn Đạo, trường không treo bảng tên đã đành! Khi dời về trường mới, khu vực Sở Thú cũ, trường có tới 2 cổng ra vào, do vì trụ cổng tạm quá thấp; Đó là lý do vì sao trong suốt 7 năm, chúng tôi mỗi ngày đi học ra vào không được đi ngang dưới bảng tên trường mình.

    Nhưng tôi nhớ rất rõ tên trường và các con dấu ấn (mộc):

    Trường Trung Học Công Lập Bến Tre có con dấu to hình tròn, trên vành khăn ngoài cùng có tên trường và tên tỉnh, chính giữa có huy hiệu Bụi Trúc. Thời kỳ nầy phù hiệu chúng tôi mang là miếng nỉ hình Oval, có thêu kim tuyến vàng hai bông lúa bao nâng niu 3 chữ THB viết tắt tên trường, bên dưới ba chữ đó có một hoặc nhiều dấu chấm tùy theo năm đang học (Đệ Thất, năm đầu có 1 chấm). Đồng phục áo bà ba trắng, nam quần trắng, nữ quần đen (phân biệt Giới Tính à ha !!!)

    Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa có con dấu cũng in ra thành vòng tròn, vành khăn lớn ghi Quốc Hiệu và Bộ Quốc Gia Giáo Dục, vòng tròn giữa viết theo hàng ngang Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa . Về sau để thống nhất chung toàn quốc, con dấu được làm cùng khuôn khổ và cách trình bày. Phù hiệu kim loại có hình dáng chữ nhật 3 cạnh, cạnh thứ tư cong đều, nhọn phía dưới của dáng hình quả tim, nền xanh có hình quyển sách mở ra và chính giữa hơn cả có cây đuốc lửa đỏ đang cháy. Thời gian nầy, về đoàn ngũ học sinh nhà trường có tên là Hiệu Đoàn Trương Tấn Bửu và có bản nhạc làm Hành Khúc, đồng phục học sinh giống như trước 1975.
    Như vậy tôi đã viết xong phần dang dở về phù hiệu Kim Loại rồi đó nghe các bạn, Huề nha!

    Sau nữa là phù hiệu vải có tên trường, tên học sinh (tự viết lấy), đáng lẽ may hẳn vào ngực áo; nhưng phần đông chỉ kẹp, ra khỏi cổng trường tháo bỏ túi cho thành người lớn!!!

    Xin xem đây là bài viết kỷ niệm chúng tôi vào trường hơn năm mươi năm, hơn nửa Thế Kỷ về trước! Ô Hô!!

    NhàQuê 2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  4. #14
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản 14- Tầng Thứ 11



    Sau hai năm tôi ra trường, cái bằng cấp mỏng te, con dấu đỏ chói. Nhờ nó tôi "kiếm ăn" khấm khá sau nầy, không những cho bản thân tôi mà cho cả gia đình gồm vợ và các con cháu tôi nữa!

    Ra trường rồi cuộc đời tôi thay đổi hẳn, bà con tôi ít tới lui chuyện vãn đã đành, trong đám giỗ đám cưới tôi ít thân mật với họ mà hình như họ cũng muốn xa cách tôi chẳng khác nào ý nghĩa thực của hai tiếng kỳ thị, phải khác nhau chứ vì tôi là người duy nhất học trường ấy mà! Có ai như tôi đâu!

    Nói thật các bạn là ngay trong đám cưới thằng cháu tôi là đứa có chức vụ quan trọng không kém gì cha nó, anh rể tôi, tôi cũng chỉ đến gởi quà rồi ra về chẳng chờ tiệc và cũng trước khi lễ cử hành, tôi biết rằng chờ tới phần chánh nầy e rằng tôi phải lưỡng lự không biết đứng chỗ nào cho hợp.

    Có nhiều đám cưới lãng nhách, tới rồi gia chủ không biết tôi là ai, nhưng tôi phải đi, không đi sau nầy sẽ gặp nhiều chuyện lãng nhách, như khi đêm họ bất chợt một cách cố tình ngang qua mà không nghe tôi ngáy. Có đám đòi tôi quà món nầy món nọ lạ lắm so với thời tôi cưới vợ.

    Có khi ngồi gần nghe những người trẻ chung quanh nói chuyện mà tôi ngớ ngẩn không hiểu họ nói gì. Chẳng lẽ học trường đó ra tôi ngu đần vậy sao cà!

    Với bạn bè thân xưa, tụi tôi đứa nào cũng kênh kiệu thấy rõ, đi ngang giữa đám đông hai đứa giả đò cố ý "chẳng thèm nhìn mặt nhau" nhìn đi nơi khác như chưa lần nào quen biết.

    Thôi, không nói dong dài chi nữa, đó là trường tập trung cải tạo, nhờ có cái mà tôi gọi là bằng cấp thực sự nó là cái giấy chứng nhận (certificate), cái giấy ra trại, có cái ấy, cái "dài chỉ một gang thôi" đó, tôi chứng minh được rằng tôi không phải là tỵ nạn kinh tế với Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, cả thế giới lúc đó ai cũng biết người sở hữu cái bằng cấp ấy có cuộc đời "sung sướng, hạnh phúc" đến dường nào.

    Tôi gọi là bằng cấp theo truyền thống chuộng học vấn từ nhiều đời ông cha ta vẫn vậy, chứ theo đúng nghĩa trường đó là nhà tù, hãy nhìn bảng hiệu người canh gác có chữ "Quản Lý Trại Giam" thì rõ. Và từ ấy chúng tôi thuộc về một sắc tộc mới gọi là Người Việt Gốc Trái Trắng, duy lụy nhiều đời sau.

    Trong nhà tù kiểu mới, tôi được xếp ở tầng thứ mười một trong số mười ba tầng, đừng hiểu theo nghĩa nhà lầu mà hãy hình dung nó là địa ngục nên số càng lớn càng ở sâu không dễ gì thở nổi, kể như "muôn đời Lục Quân Việt Nam" rồi, trừ khi có phép lạ ngoài biển khơi theo tay chỉ của Ðức Thánh Trần.


    Thế giải thích một trong muôn ngàn lý do đớn đau, vì sao cha con tôi gạt nước mắt nhào ra đại dương. Chúng tôi những người mang tên Ðối Tượng 11. Tôi chẳng còn chọn lựa nào khác sau hơn 11 năm cứ tưởng mình có thể lam lủ nông dân như ba má tôi đã là.

    Bên kia bờ cuối hiểm nguy, tôi đã gặp tình nhân loại. Cái mà chẳng làm sao tìm được nơi tôi vừa bỏ ra đi, bỏ lại mọi thứ thiêng liêng.

    Một ngày kia có dịp đi đó đi đây đôi chỗ, lần qua "cửa khẩu" Tân Sơn Nhất tận mắt thấy các lớp người gọi là có ăn có học hạch sách moi tiền, tự nhiên tôi buồn và thương hại họ một cách thành thật tự tâm tôi.

    Gần đây một người quen khoe với tôi có con tốt nghiệp đại học vài năm rồi và đang xác minh chờ được kết nạp, bàn đạp để có phương vị chỉ huy dễ kiếm ăn hơn. Lớp trí thức thế sao, chẳng lẽ tôi "chúc mừng" cho anh.


    Tôi thương đất nước tôi vô hạn: Mẹ Việt Nam ơi, giấc mơ bình thường còn xa!

    NhàQuê Nov 28, 2005




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  5. #15
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Rời: B Ế N X E N G Ự A


    Từ khi có xe lam ba bánh rồi sau đó xe Daihatsu, loại xe có động cơ chạy bằng xăng dầu làm phương tiện chuyên chở khách đường ngắn, đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của xe ngựa hay ít ra xe ngựa không còn được dành riêng cho bến bãi để đưa rước khách như trước đó.

    Như quê của NhàQuê cũng chỉ còn hai chiếc xe ngựa là cùng, mà xe cũng đã cải tiến dùng để chở nên không có mui và hai bánh bằng bánh xe Jeep có bạc đạn, đồng thời có nhíp nâng thùng xe lên vừa tầm ngựa, giúp cho công việc kéo xe của ngựa nhẹ nhàng hơn.


    Khoảng năm 1961, NhàQuê được đứa bạn rủ đi SàiGòn thăm bà Ngoại của nó ở đường Bùi Hữu Nghĩa gần chợ Bà Chiểu Gia Ðịnh. Ðó lần thứ nhất NhàQuê đến Thủ Ðô và lần đầu tiên và duy nhất đi xe thổ mộ từ trước lăng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt đến ngả tư Phú Nhuận, nhưng một đứa phải đứng đeo phía sau và một đứa ngồi vì chuyến xe chỉ còn có một chỗ.

    Khi NhàQuê bắt đầu lên tỉnh học, nơi đây còn nhiều xe ngựa và có bến hẳn hòi. Bến xe ngựa là con đường ngắn nằm giữa chùa Viên Minh và đình An Hội, chùa và đình cùng quay cửa chánh ra cùng một con đường tấp nập bậc nhất tỉnh lỵ.

    Ðình và nhà lồng chợ đối diện nhau qua con đường Nguyễn Ðình Chiểu tấp nập vừa nói. Từ hướng nhà lồng nhìn qua đình, chùa nằm về phía phải, về sau chùa Viên Minh có xây trường Trung Học Bồ Ðề quay cửa ra bến xe ngựa cũng là lúc xe ngựa lui vào quá khứ.
    Riêng đình An Hội vì hùng cứ ở đô thị đầu não của tỉnh nên thần đình thế lực rất mạnh, được giao cho nắm hết lý lịch của mọi con dân trong tỉnh; Vì vậy toán căn cước bọc nhựa trú đóng ngay trong đình dưới sự bảo hộ của thần và ngày nay nghe nói còn lo luôn vụ xuất nhập cảnh nữa không biết có thật vậy không.
    Ðình nào cũng có sắc phong của Vua cho vị thần được thờ.


    Vào thời đó, nói bến xe ngựa thì ai cũng biết nó ở đâu, nơi chốn quýnh quá thì vén ống quần bà ba, mặt ngoảnh nhìn hai bên cho chắc ăn, trút xong nhẹ nhàng có khi huýt sáo như xong phận sự, mấy cây bã đậu rũ dần ai cũng đổ thừa tại ngựa, chỉ có ngựa biết mình hàm oan là mang tiếng đái bậy….
    Ngẫm buồn nhớ thuở xa xưa:

    Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa.…
    Tuy rằng thú cũng hai giống thú
    Thú như ta ai dám phen lê
    Ta đã từng đi quán về quê
    Ðã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc
    Mỏi gối nương phò xã tắc
    Mòn lưng cúi đội vương công
    Ngày ngày chầu chực Sân Rồng
    Bữa bữa tựa kề Loan Giá
    Hán Cao Tổ năm năm thượng mã
    Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu Gia
    Ông Quan Công sáu ải thoát qua
    Nhờ cậy có Thanh Long, Xích Thố…

    (trong Lục Súc Tranh Công)

    Bác xà ích là người đánh xe ngựa, trong các chuyện kể thường gặp cô gái mặc áo dài trắng đón xe quá giang, nói chuyện một quảng tự nhiên cô khách dễ mến biến mất hoặc trả tiền mà sáng hôm sau xem lại toàn giấy tiền hàng mã. Ði chơi đêm qua các địa danh có mấy chuyện như vậy: Lạnh nổi da gà!

    Thầy cảnh sát Paul bụng phệ nổi tiếng trấn thủ Bến Xe Ngựa nầy: Trong lúc mấy bác xà ích lo vô trong nhà lồng chợ phụ đem hàng hóa của bạn hàng mình ra xe, thầy tháo cương cho ngựa nhảy đực; Ngựa lỏng cốt thì làm sao kéo xe??? Mấy bác xà ích ớn thầy vụ nầy lắm!! Ðúng là thầy Paul, không hiền lành như tướng tá ục ịch đâu!!


    Bến xe ngựa nầy đã cho NhàQuê một món quà quý giá tặng các bạn thời thơ ấu của mình, những người đã bao ngày chia xẻ buồn vui, chia nhau từng củ khoai cho đến vịt đấp bùn đem nướng, cùng lang thang chăn trâu cắt cỏ ở quê nhà của NhàQuê: Món quà đó là lông đuôi ngựa!
    Chắc các bạn cho rằng món đó mà quý nỗi gì! Quý lắm đấy, không phải để làm hàm râu giả cho kép hát mang, khi thủ vai quan tướng trong các tuồng hát bộ vào mùa cúng kỳ yên của các đình miễu miền quê. Mà quý là dùng lông ngựa nầy vào việc bắt cá…

    Quê của NhàQuê tận dưới Ba Tri lận! Dưới đó ít ngựa lắm! Lâu lâu mới thấy một con!

    Nghe Ba kể khi xưa mỗi lần bà Cố (bà ngoại của Ba) sai đi công chuyện cho Bà, Ba đều cỡi ngựa đi cho mau, thuở đó còn hoang vu, các con đường ngày nay là hương lộ xe chạy thoải mái, ngày ấy còn là đường mòn quanh co những gai và trâm bầu. Nghe nói đi đâu mà được cỡi ngựa bắt ham! Ba là cháu ngoại nên hèn chi từ đó ….nghèo!

    Lần đầu tiên NhàQuê thấy ngựa thiệt khi được lũ bạn rủ qua tận nhà ông Hù Ðê ở xã lân cận coi cho biết. Ông nầy lúc rảnh rỗi kiêm luôn thợ hớt tóc nên có tên kèm HÙ; Thầy hù là thợ hớt tóc, vậy là ông chuyên đè đầu thiên hạ vừa là thợ, vừa là thầy. Chứ không như ngày nay nhiều người làm thầy trước mới được làm thợ sau mà lại là thợ vịn chớ chưa được thợ chánh.

    Mà mấy đứa bạn lớn rủ đi coi ngựa là có ý đồ sắp đặt sẳn, đứa nào muốn mấy con nhỏ bạn chú ý thì vô hớt tóc, chỉnh trang lại cái phần có cùng thành phần hóa học với sừng…an vị trên cái ghế đóng bằng cây tạp, quay được; Thế đã là khoa học kỹ thuật lắm rồi!
    Ổng choàng cho một miếng vải trắng, thực ra nó màu cháo lòng! Không được giãy giụa à nha, dù có bị rệp lạ hơi bò ra cắn xả giao.
    Kể từ đây muốn gãi hay chỉnh đổi thế ngồi phải “báo động” cho ổng trước vì món nào, món nấy của ổng cũng bén ngót. Trong lúc đó bọn còn lại ra chuồng ngựa của ông để coi ngựa.

    Ðứa nào có đi học tới lớp ba mới biết được chuồng ngựa còn có tên đẹp hơn là TÀO, nhờ thầy cho tập viết và giải nghĩa thành ngữ: Một Con Ngựa Ðau, Cả Tào Không Ăn Cỏ. Giải nghĩa gì mà khó quá trời! Bịnh không chịu nói mà nói là đau, rồi tào không biết có phải cùng loại với ghe xuồng không đây hè!

    Ra chuồng ngựa là thực hiện ý đồ đen tối, hớt tóc chỉ là cái cớ chứ gần nhà cũng có tới mấy thầy hù. Ý đồ đó là lén nhổ lông đuôi ngựa, có dám nhổ trực tiếp đâu! Nó đá giò lái có mà giập dái, dùng bửu bối nhánh tre tước đầu, quấn lông đuôi giựt. Con ngựa đau hí vang. Ổng bỏ tông đơ, kéo, dao cạo, kiếng lão, thằng đang thọ hình và gạt phăng thằng giả bộ chàng ràng chậm bước tiến…Rượt và chạy….

    NhàQuê chưa hớt tóc ở nhà ông lần nào, ở nhà Má có dao cạo và viên đá bùn, Má liếc sơ là làm Hù ngay, cạo cho NhàQuê trắng bóc chừa chút xíu đàng trước cho ấm mỏ ác.

    Lâu lâu có lạc loài chú ngựa “đường trường xa vó câu” tới, chú nầy lục lạc đồng đen hẳn hòi, còn được che mắt không được liếc ngang liếc dọc, chỉ thẳng một đàng mà đi, không được phát huy sáng kiến sáng tạo gì hết!


    Vì ở xa tới nên không rành "phong tục", dịp đó tụi NhàQuê mới tha hồ. Xong, khi xe gần chạy mới cho xóm khác hay, ăn ké không được tiếc hùi hụi: Phải chi tụi bây cho hay sớm, bữa nào đám giỗ, tao lén cho cái bánh ích! Thôi lỡ rồi, bữa nào gánh hát Sơn Ðông lại tụi tao kêu liền đi coi voi ăn mía.

    Không ai để ý đến “giá trị” và công dụng của lông đuôi ngựa nên NhàQuê đi ngang qua là chíp bụng liền, quay lại quả thật vô số, mặc sức chọn lựa thứ hảo hạng đen mướt dài phải trên hai tấc trở lên mới được chiếu cố, loại màu hoe đã bị loại rồi đừng nói chi đến lông ngựa bạch, muốn lượm bao nhiêu cũng có.

    Kỳ về quê gần nhất NhàQuê đem về phân phát, mấy đứa bạn nhận quà cảm động, cục mịch hỏi: Chừng nào mầy dìa nữa? Chớ tụi nó đâu biết NhàQuê nhớ nhà khóc quá trời, nhất là đêm mưa nghe ếch, nhái, ễnh ương kêu, nhớ nhà muốn bỏ học về luôn.

    Tụi bạn còn được vểnh tai đi tỉnh thành hàm thụ một cách say sưa, thỉnh thoảng có đứa dừng lại chất vấn rồi cuối cùng cũng phải công nhận: Trên đó cái gì cũng có, đã quá hén! Ðâu biết rằng NhàQuê có pha mắm muối, gáy nổ và chế thêm trong đó.

    Chuyện có thể tin được là nếu không có chiến tranh, không bị bắt quân dịch thì nhiều bạn thuở nhỏ của NhàQuê tới nay chưa qua tới tỉnh lân cận, các cụ thế hệ trước NhàQuê nhiều người đã như thế.

    Lông ngựa dùng để vòng các loại cá có đầu lớn hơn cái mình như cá kèo, cá bóng sao, cá thòi lòi….phổ thông nhất là vòng cá kèo.

    Sau mùa gặt gần nát rạ, đám cá kèo cựu niên nổi đầu trông thấy phát ghét, Má cứ việc nấu cơm trước, NhàQuê xách cần đi vòng cá một chút là đem về kho ăn mệt nghỉ. Cần vòng cá là một cây trúc dài phơi héo và được đốt lửa để uốn chỉnh cho cây trúc thành thiệt thẳng băng, cắt bỏ một phần ngắn của ngọn to xù, chỗ đó được cắm vào một que tre chuốt nhỏ và thanh để cá nhìn thấy không hoảng sợ, nối vào bên dưới que tre là cọng nhợ màu càng trong càng tốt, cuối cùng mới tới sợi lông ngựa được làm thòng lọng.

    Các chú cá vừa kể, nếu chưa bị giật hụt trở nên nhát, thì khi bị NhàQuê từ xa tròng thòng lọng vào cổ, chúng có khuynh hướng ngóc cổ thêm cho NhàQuê dễ "làm ăn" , tình hình rất thuận lợi. Chỉ cần gật nhẹ một cái đưa lên khô cho vào giỏ. Chú cá bị dính vùng vẫy thoát thân quyết liệt, nên đừng giật mạnh tay.

    Cá thòi lòi có hai con mắt lộ ra, nên những người mang kiếng mát bị dân quê kêu là thòi lòi lên bờ. Cá nầy nhát hơn nhưng không phải là không vòng được, nếu nó chun xuống hang sâu rồi thì dùng tay hoặc chân phá bể nồi gọ là nơi nó trồi lên để thở, xong đặt vào miệng hang một cái xà di, thường làm bằng trúc kín một đầu, đầu còn lại mở lớn có một cái hom là độc đạo vô rồi ra không được. Cá ngộp trồi lên thở hoặc thấy yên tịnh ra khỏi hang phải chui qua hom, vào xà di và kẹt ở đó: Chào bạn thòi lòi, chờ bạn đây!

    Cá thòi lòi kho sả ớt thì khỏi chê, lá gan và cặp trứng ngon độc nhất vô nhị. Thấy chưa việc bắt cá đơn giản như đang giỡn, làm chơi mà ăn thiệt! Tuy nhiên có khi trời gió, nước bị xao động cá đều vô hang không vòng được: Tổ trát, lèo, về không!

    Có một lần NhàQuê lấy làm lạ, là một quân nhân thuộc cấp sao đêm nào cũng dùng đèn cầy hơ khắp mình kỹ lưỡng rất lâu trước khi đi ngủ, hỏi ra mới biết anh vốn là nài ngựa đua, tiếp tục giữ cho thân thể luôn gầy, ít ra không lên cân, một trong những yếu tố để thắng cuộc. Lúc đó trường đua Phú Thọ đã đóng cửa dùng làm nơi trú đóng của Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân; Thế mà anh tiếp tục chuẩn bị trong hy vọng chờ ngày, anh cũng cho biết kỹ thuật nuôi ngựa đua rất phức tạp.

    Nhiều môn thể thao có ngựa đã được thi tài trong các kỳ thế vận hội. Cỡi ngựa, đua ngựa hiện là môn thể thao được yêu chuông rộng rãi ở các nước không riêng gì Âu Mỹ: Từ trong trại Sungei Besi, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, NhàQuê thấy xe đủ màu đủ loại, đậu kín mít bãi xe trong những ngày có cuộc đua của trường ngựa lân cận, vang vội tiếng hò reo. Ðất nước thanh bình có khác!

    Các danh tướng xưa tên tuổi sáng chói cũng được góp phần nhờ những chiến mã trở thành điển tích: Xích Thố, Long Câu, Ô Chùy ...Ngày nay các nhà bình luận thể thao trên các đài truyền hình không hết lời về các tuấn mã chuẩn bị ra sân đua. Dù không trực tiếp theo dõi, breaking news liền sau đó cũng cho ta sốt dẻo tin tức kết quả cuộc đua được chuẩn bị chu đáo trong sự mong đợi của giới mộ điệu lẫn dân “ghiền” cá độ.

    Ngựa cũng được dùng trong các nghi lễ truyền thống của nhiều quốc gia, nhất là ở Anh quốc có cả nơi diễn tập hàng ngày cho đội ngự lâm quân, kỵ sĩ. Thao trường diễn tập có khán đài cho khách dự khán chỉ cách một khu vườn rộng là tới điện Buckingham, gần dinh Thủ Tướng hơn.
    Ði từ Cambridge vào London, NhàQuê thấy nhiều đồng cỏ ngựa đang ăn mà lúc chưa nhìn kỹ, ngỡ là đàn bò: Nhiều đến như vậy!

    Trong vùng Lancaster, Pennsylvania Hoa Kỳ có khu vực người Hòa Lan di cư, họ sinh sống chung, biệt lập với các sắc dân khác, không dùng các tiện nghi văn minh nên ngựa giúp ích cho họ rất nhiều. Ban đêm lỡ gặp họ đi ngựa chậm rãi trước mặt, bạn cần lái gấp. Bạn nghĩ sao nè??? NhàQuê chờ đến nơi gần nhất có chỗ là quẹo liền!
    Nếu bài nầy kết thúc ở đây các bạn có phiền gì không? NhàQuê đã đưa các bạn từ quê ra tỉnh và viễn du bằng ngựa rồi đó. Chúc khi nào phát tài ngon lành, bạn sắm "xế hộp"để đi đó đây cũng đừng quên chọn nó bao nhiêu mã lực (HP,Horse Power)

    NhàQuê chỉ trừ chưa chiêu đãi bạn món thịt ngựa mỡ ngà vàng chạy dọc từng thớ thịt; Ngon lắm! Ðã lắm!

    NhàQuê 2005




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  6. #16
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Bài nầy viết năm 2005, dựng sườn từ bài: Những "con đường xưa Em đi"(Lộ Lạc Hồng)/Forum Tùy Bút/bentrehome.net

    In vào Tuyển Tập nầy để:

    - Tưởng Nhớ Má Tôi và kính Dâng Tặng các Bà Mẹ miền quê chỉ nhớ mang máng ngày sanh Âm Lịch của con mình.

    - Thân mến tặng các bạn có lời chúc sinh nhật của NhàQuê.

    - Tặng Nhà Tôi và các Con Tôi năm nào cũng tổ chức sinh nhật cho, theo kiểu hiện nay vào cuối tuần gần nhứt.

    - Tặng chính tôi cho có ngày sinh nhật như mọi ngườị


    Tác Giả



    Những "ngôi trường xưa Em học"



    Đoản rời: Cầu Bà Mụ

    Hãy tưởng tượng tỉnh lỵ quê của NhàQuê hình vuông, cầu Bà Mụ nằm góc Ðông Bắc hình vuông đó, cầu ván nhỏ không lan can bắt ngang cùng một con rạch Cầu Cá Lóc, con rạch nầy chạy uốn éo từ sông vào đến đây tóp nhỏ lại sắp cùng. Ngày nay có lẽ cầu Bà Mụ đã được xây lại vì góc Ðông Bắc vốn là ngoại ô đó, đất còn rộng rãi, hấp dẫn lớp người mới phất lên, nhất là chiến tranh đã chấm dứt. Cái hình vuông tưởng tượng cũng lớn thêm lên theo tất cả các cạnh của nó; nên cầu Bà Mụ không còn là vùng ven, người xóm cầu Bà Mụ không còn là "Người Ven Ðô" nữa.

    Theo như tên cây cầu thì ai cũng đoán ra được nơi đây trước kia có Bà danh tiếng giúp đỡ đẻ, tiếng bình dân là Bà Mụ. Rất lâu về trước, ở cấp Quận mới có trạm y tế và một nhà bảo sanh vài giường, sản phụ thường là cư dân lân cận.

    Trong các vùng sâu hẻo lánh, hầu như nhà nào cũng sanh con năm một, đứa thôi nôi đứa đầy tháng mà chẳng có cái nhà sanh công tư nào; mỗi nhà tự làm nhà sanh lấy, một xóm ba mươi nhà dù ọp ẹp đi nữa cũng có ba chục cái nhà bảo sanh. Tiêu chuẩn nầy chưa nước nào đạt được!
    Cưới vợ vài ba năm chưa có con, trong nhà bắt đầu lục đục. Mẹ chồng thấy con dâu lén giấu đồ chua trong kẹt khóe đã không còn rầy la, mừng là đàng khác, có khi lại cưng chìu. Anh chàng sắp làm cha hoặc sắp làm cha thêm bắt đầu lo lần cây lá chuẩn bị lợp vại: Vại như một cái chòi, cất nối thêm ra với nhà chánh, có tính cách tạm thời sẽ dẹp bỏ khi đứa con tròn tháng tuổi. Vại ngoài phần che chắn vách phên bốn bề tránh "gió mái", cửa vào hẹp vừa đủ ra vô quạt lửa, lợp lá hoặc tranh. Ðặc biệt cái "giường cữ”thời trang hơn bất cứ món nào trong mái nhà tranh có hai quả tim vàng tổ ấm ấy. Cái giường không có bản sao, chỉ giống với chính nó mà thôi. Thiết kế duy nhất!

    Trong một tháng "nằm chỗ" bà mẹ dù sanh con so hay con rạ, phải nằm lửa, xông, tắm, ăn uống…trong phạm vi "Nhà Bảo Sanh" ấy. Vài ngày sau khi sanh có khi tự mình lo cơm nước vì ai cũng bận đồng áng. Nước uống nấu trong có “cây chó đẻ” luôn cả lá rễ gốc: Ðắng nghét!….Tới "bữa ngự thiện khô lân chã phụng" chỉ có muối tiêu nện dẽ nướng than; vậy mà "đàn bà đẻ" vét hết nồi cơm hai lon gạo, vượt chỉ tiêu bình thường: Ăn trung gian cho bé mà!

    Mà Bé cũng tội nghiệp lắm: cùng chia cái giường gồ ghề và cái biệt thự um khói hừng hực trong tháng đầu tiên cuộc đời với mẹ và cùng chia sức nóng mẻ than kê dưới lưng của mẹ nữa, nên mấy ngày sau Bé "rỏ" lại nhỏ xíu đỏ hỏm! Bé có được nằm nôi như các bé thị thành đâu dù đã đầy tháng "lên trên".
    Trước khi lên trên, bé được tắm tươm tất…để thực sự chào mừng một thế giới mới mà tháng trước đây vì kiêng cử nhiều người không vào chốn ô uế thăm Bé, nên chưa biết mặt Bé, chỉ nghe nói bé giống cha cái nầy, giống mẹ cái kia….Giờ đây “Mụ Bà Dạy" Bé cười chào mọi người trong cái gia đình đông đúc: Chào tất cả, Tôi đây!(Hello everybody, I am here! Nói theo cách trẻ sơ sinh Mỹ khi lần đầu từ bịnh viện về nhà).

    Giáp năm theo cách tính gái bớt hai trai bớt một gì đó, Bé được “Tôi Tôi” chứ không phải thôi nôi vì Bé có nằm nôi bao giờ đâu. Dịp nầy Bé chọn nghề nghiệp tương lai cho mình: Bắt cây viết, gom cái kiếng tròn bọc cạnh đẹp đẽ, cạp miếng chè hay vắt xôi và lết về phía có tiếng cười reo của mọi người có mặt, Bé cười thấy đủ mấy cái răng sữa mới nhú. Tiệc thôi nôi có chè xôi, cháo vịt…bắt đầu bàn luận quanh đề tài các món đồ mà Bé hân hoan gom lúc nãy.

    Ngày nay khó hình dung ra một loại nhà bảo sanh như vậy, khi mà trẻ con bây giờ được chăm sóc từ trong bụng mẹ cho đến lúc thai phụ có triệu chứng và lâm bồn bởi Bác Sĩ và Nữ Hộ Sinh là những người có trình độ và được huấn luyện chuyên môn trong lãnh vực nầy với tất cả tiện nghi y khoa không ngừng cải tiến.

    Ngày xưa đó, Bà Mụ không xem đó là nghề mà tự Bà coi như được Ơn Trên sắp đặt sẳn cho bà nhận lảnh thiên chức ấy, bà không quản ngại đêm khuya, đường xa đã đến tận “Chòi Bảo Sanh” khi gia đình sản phụ đến nhờ Bà.

    Khi ‘Bà Bầu" trệ và đau ngầm ngầm, người nhà sắp xếp cho người đi rước Mụ, thường thì hai hoặc ba người khỏe mạnh đến nhà Bà, mô tả tình hình và đốt nhang xin Tổ. Bà huỡn đãi ăn trầu xỉa thuốc ngồi nghe báo cáo. Nếu bà thấy "chưa có gì", Bà biểu: "dìa đi, ba bữa nữa qua".
    Nhưng cũng có khi vừa thấy mặt Bà hô: "tới rồi hả!" và nhanh chóng gom góp vật dụng cần thiết, không quên giỏ xách trầu cau, leo lên võng nằm hoặc ngồi, có khi còn hối mấy người khiêng "lẹ lên, lẹ lên" ba người thay phiên gần như chạy lúp súp. Khi không "khẩn trương" lắm Bà kể chuyện nầy chuyện nọ xưa nay cho người khiêng quên đường xa.

    Không những một xóm, một xã mà nhiều xã gần nhau đều thọ công ơn của Bà. Dưới bàn tay nâng ấy, các hài nhi cất tiếng khóc chào đời, chào biển khổ: "…Trót sanh ra miệng đà khóc chóe - Trần thế vui sao chẳng cười khì…"

    Trước khi được võng đưa về, Bà dặn dò đủ thứ, đủ điều kiêng cữ từ ăn uống đi đứng, khăn choàng, nón đội, tai nhét chân guốc…Tuyệt đối bà không nhận tiền bạc gì của ai!….

    Sau khi rụng rún, phần rún khô được bà mẹ gói kỹ nhét mái nhà, mé vách, cất trong hộc tủ…sau nầy đốt hòa chung cho anh em uống mỗi đứa một chút cho chúng thương yêu, hòa thuận lẫn nhau.

    NhàQuê cũng trong trường hợp các bé ấy, lại còn thê thảm hơn, theo Má nói lại là NhàQuê lúc ra đời chưa nằm trong lòng mẹ được chín tháng mười ngày, sanh non ngày tháng, èo uột, thấy cả mấy khoanh ruột dưới làn da bụng, khóc mấy tiếng đầu thua mèo đói kêu ngao. Không ai kể là NhàQuê qua được ít con trăng. Xin cám ơn Thượng Ðế!

    Vì trường hợp đặc biệt như vậy nên mỗi lần Bà Mụ có dịp ngang qua nhà, thấy Má đang lui cui, lần nào từ ngoài đường Bà cũng hỏi vọng vào "Tư à! Nó chơi hả?": Tư là thứ của Ba, Má theo thứ nầy khi về nhà chồng. Về quê bên vợ, Ba được gọi là dượng theo thứ của Má. Nó ám chỉ NhàQuê. Chơi ý nói mạnh giỏi, bình thường.

    Bà quan tâm đến trường hợp sống sót kể là hy hữu của NhàQuê. Má bắt NhàQuê gọi Bà Mụ là bà ngoại, tới mấy năm sau má dắt NhàQuê đi "Giỗ Mụ Bà", vừa tới cửa NhàQuê khoanh tay thưa bà ngoại, Bà hỏi Má: Nó đó hả ? Ý nói thằng nhỏ tưởng đâu “xí lắt léo” rồi mà giờ còn sống nổi đi đám giỗ mụ. Má biểu NhàQuê lạy trang thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Tổ Mụ, trang thờ bà tiên khói hương nghi ngút. NhàQuê lạy búa xua theo Má.

    Có một điều NhàQuê biết chắc rằng bà ngoại nầy không phải bà ngoại thiệt của NhàQuê, vì năm nào Má hoặc Ba cũng gánh anh em NhàQuê đi đám giỗ bà ngoại ở tận nơi xa. Mỗi anh, em một đầu thúng, đứa nào cũng được phết chút lọ bếp lên trán xin phép Ông Táo đi xa vắng nhà, đầu thúng NhàQuê phải thêm cục gạch hoặc khoai, bí, trái, củ gì đó, do em của NhàQuê sanh đủ ngày tháng nặng hơn, cồ lự hơn. Ðường về quê ngoại phải qua con đê, cũng có cầu bằng thân cây bắt ngang dòng nước chảy, qua đó ngồi trong thúng nhìn thấy rõ mấy con cá nhỏ bơi lội "vô tư" bên dưới.

    Như bao trẻ khác trong hoàn cảnh đó làm sao mà NhàQuê có giấy khai sanh được, học đến lớp tư thầy đòi phải có khai sanh mới chuyển qua lớp ba trường Tổng ở xã lân cận, cả lớp bốn năm chục đứa như nhau, cuối năm nhiều đứa phải bỏ học.
    Khoảng chục đứa may mắn được gia đình quan tâm, dắt lên tỉnh cùng lúc để làm thế vì khai sanh; đó là lần đầu tiên NhàQuê được ngồi trong lòng Ba "Ði Xe Hơi", mà mấy đứa cùng chuyến chắc cũng vậy thôi.

    Ðợi tới lượt kêu tên vào đứng trước ông Tòa, người lớn đưa tay lên thề thốt sao đó, mấy người thơ ký, lục sự ghi ghi chép chép….Mấy gia đình thay phiên làm chứng cho nhau; Có lần ông Tòa hỏi thử xem đám dân quê nầy đối đáp ra sao “ Sao ông biết thằng nhỏ nầy sanh ngày tháng năm đó?- Ðáp: Bẩm quan Tà, tui có đi đám đầy tháng của nó!”. Ông tòa biết là phịa nhưng cũng thông cảm cho nhóm dân quê nghèo nàn làm chứng vần công cho nhau, thay vì phải mướn người đang thậm thụt chờ sẳn bên ngoài. Chuyện có thật là vào thời đó tại tòa án có hai nghề lạ đời: Làm đơn mướn và làm chứng mướn. Dưới quê của NhàQuê đâu có như vậy, việc gì giúp được người ta giúp thiệt tình!

    Cái ông Tòa năm đó ngồi trong mát mà đen thui hà! Sau nầy lên tỉnh học, ông Tòa khác có hai cô con gái Quỳnh Dao và Minh Trân học chung trường với NhàQuê, cô nào cũng yểu điệu dễ thương mà không đứa nào dám hó hé, ngán ông Tòa lắm, Cụ đọc: Nay tuyên án…là bà cố hú!

    Thế vì khai sanh dành cho những người sanh trước ngày "Nhật Ðảo Chánh và Việt Minh Cướp Chánh Quyền" vì trong biến động nầy có nơi tất cả giây tờ sổ bộ đã bị thiêu hủy, nay làm lại giấy khai sanh khác thay thế. Do không phải phần lỗi về mình, nên lần làm lại nầy không phải đóng phạt, miễn phí; nhưng chánh quyền địa phương phải xác nhận không còn sổ hộ tịch lưu trử.

    Lên án thế vì khai sanh dành cho những ai sanh sau ngày Nhật Ðảo Chánh mà không làm khai sanh, lỗi do chểnh mảng, do đó phải đóng tiền phạt án phí.

    Tên trong giấy khai sanh cũng trở thành một câu chuyện vì có đứa “Xấu Háy” khó nuôi bị đặt cho cái tên rất tục, phải sửa lại na ná như: Các, Lớn, Cử, Ðủ…NhàQuê may mắn nhờ Ba có học chữ Nho và Quốc Ngữ đủ đọc truyện Tàu và truyện xưa tích cũ nên ngoài không phải mướn làm đơn, tên anh em NhàQuê toàn tên tốt. NhàQuê được mang tên vị anh hùng mà Ba ngưỡng phục, đến nay xét cho cùng NhàQuê không xứng đáng làm cọng râu của Ngài.

    Không như các bạn thành thị và ngày nay, khi sanh ra đã được ghi tên vào sổ bộ, còn dưới quê phải mấy ngày sau gia đình hội ý rồi mới đặt tên cho đừng trùng với tên người lớn trong thân tộc. Vậy mà chưa xong, cả hai ba năm sau có vợ chồng nọ ở cuối ấp, đến nói một cách nghiêm chỉnh, xin Ba Má đặt NhàQuê tên khác vì tên vị anh hùng trùng với tên ông cố ngoại vợ của ông, mà ông cố đó đã qua đời từ lâu, quê đâu tận Bình Ðại, Lục Tiên hay Hồ Cỏ, Cồn Rừng, Thạnh Phong, Thạnh Phú gì đó xa lắm! Ba Má cũng giữ hòa khí thôn lân, bèn đặt thêm cho NhàQuê tên gọi ở nhà; Chỉ ở nhà và trong xóm mà thôi. Do đó có bạn nào tình cờ tới xóm NhàQuê hỏi tên theo giấy tờ đi học thì không ai biết cả.

    Chuyện về tên của NhàQuê là chuyện có thật 100% đó các bạn! Má cũng biết đọc biết viết qua xóa mù chữ Cóc a sa, cóc á sá, cóc ớ sớ, cóc e se vài bậc (Cóc Ếch gì cũng vậy mà thầy giáo!), nên Má cũng không chịu đặt tên xấu cho con.

    Về ngày sanh cũng nhiều chuyện lạ bốn phương: Anh em sanh cùng ngày tháng khác nhau đúng một năm; Chuyện nầy chấp nhận được. trẻ nào cũng sanh ngày 30, 01, 15 hoặc sanh ngày 5 tháng 6 hay ngày 10 tháng 11…. tất cả phải cho dễ nhớ khi đứng trước tòa: Khớp lắm! Cũng có chuyện sanh ngày 30 tháng 2…tháng 2 làm gì có ngày 30, vì vô ý tòa cũng cho qua nhưng rắc rối về sau. Có tờ báo NhàQuê đặt mua, trong đó có bài khảo cứu của một cây viết lừng lẫy đã nghiên cứu được rằng ông hoàng Rainer xứ Monaco sanh ngày 31 tháng 4. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chưa ai quên cả hai miền Nam Bắc. Tháng 4 bên Congo cũng chẳng có ngày 31. Xin chào thua và nghỉ mua luôn!

    Má chỉ nhớ mang máng ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sanh NhàQuê, nên lấy ngày đó làm dương lịch trên khai sanh, chắc vì vậy mà mấy lần đem lá số tử vi nhờ thầy xem thấy không đúng về những việc quá khứ, suy ra làm sao đúng tương lai được. Tờ “Quy Kỳ” bỏ trong túi đến khi rách dần, mất cái góc có cung thiên di nên không thể nhờ giải đoán cầu may xem tốt xấu khi chuẩn bị ra đi khi trời vừa tối:

    " Thùng thùng trống ngực ngũ liên…
    Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa".

    NhàQuê 2005




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  7. #17
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"




    Đoản Rời: Dục Mỹ! À! Chợt Nhớ



    Với tôi, Dục Mỹ nơi chốn đầu tiên xa nhất của miền Trung mà tôi có đến và ở đó bốn tháng; Tôi là người miền đồng bằng sông Cửu Long, chính xác hơn tôi là người Kiến Hòa.

    Nhân đọc thơ Quan Dương thấy có nét gì lạ lạ và truyện của ông gần gũi với xúc cảm thời học sinh và thời ngủ rừng, tôi bèn phăng tới và tìm ra Website Ninh Hòa. Cũng qua đó tôi đọc bài của cô Hà Thị Thu Thủy và bạn Phó Ðức Lâm nói về Dục Mỹ, cái Thành Phố Nhà Tranh Vách Ðất mà từ 19-08-1967 đến 05-01-1968 tôi đã thụ huấn pháo binh ở Huấn Khu đó.

    * * *

    Tôi trong số 36 mạng Khóa 25/SQTB Thủ Ðức được chọn đi học Pháo Binh, khóa trước đó không có người nào. Nằm vật nằm dựa ở phi trường Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay, cuối cùng rồi cũng được leo lên chiếc C-130 của Mỹ, phi cơ đáp xuống phi trường Nha Trang đã nửa đêm, lần đầu tiên đi máy bay lại là phi cơ quân sự, ngồi bẹp xuống sàn lổm ngổm quân trang, lại đi ban đêm: Cũng như không! Kể như chưa biết đi máy bay là gì.

    Phải thêm lo vì trước khi cất cánh, mỗi người được phát cho một miếng giấy nhỏ nói về ưu điểm của chiếc Hercule nầy cùng hướng dẫn an toàn: Nào là khi khẩn cấp sẽ đáp xuống biển và có 30 phút chưa chìm hẳn để mọi người thoát ra ngoài: Lạnh ót!

    Thành phố "Thùy Dương Cát Trắng" tiếp đón chúng tôi ở khách sạn ngàn sao một góc nào đó trong khu quân sự phi trường. Rà hết băng tần duy nhất của cái radio bỏ túi không nghe được đài nào: “Buồn ơi là buồn!” Vậy là “Nước trôi ly biệt nguồn”.

    Sáng hôm sau được GMC bỏ xuõng cuối đường Ðộc Lập chờ xe trường Pháo Binh đến rước. Chúng tôi cắt phiên canh giữ quân trang, thay nhau đi phố, có đứa mua mang về cuốn Ðời Pháo Thủ của Nguyên Vũ (K16/PB), chuyền tay nhau đọc; Thấm thía về tương lai nhà pháo của mình!

    Mấy ông tài xế nhà binh lái xe thì phải biết, mấy Ổng leo và đổ dốc đèo Rù Rì không cho chúng tôi phút nào "xa quê hương nhớ mẹ hiền" được cả! Xón thật! Hai xe ngược chiều cơ hồ đâm vào nhau. Cuối dốc mới được thở ra, ngắm nhìn phong cảnh.

    Trời về chiều, núi ngã màu xanh sẫm, mây xuống thấp la đà, xa hơn cái nhà ga xe lửa đứng đơn độc, là xóm làng gần giáp chân núi sương khói giăng giăng, con đường dẫn tới trông hiu hắt làm sao; Chúng tôi không còn pha trò nhau, im lặng, mỗi người chìm vào thế giới riêng.
    Không biết do đâu, tự tôi đặt tên ga phía trái trước khi leo đèo Rọ Tượng là ga Diên.

    Vậy là bây giờ tôi mới biết xóm nhà cuối khu rừng nước mặn thưa thớt toàn cây mắm trắng và ô rô về phía phải của Quốc Lộ 1 trước khi đến đèo là làng Tân Thủy, cùng tên với quê tôi và cũng sinh sống bằng nghề biển. Trước khi qua đèo, nghe nói Rọ Tượng nguy hiểm hơn Rù Rì làm tôi lo một phen nữa lên ruột , nhưng không chẳng có gì: An toàn trên xa lộ!

    Có lẽ tôi ngồi bên băng phía lề mặt nên tôi nhìn thấy rõ trường Trung Học Trần Bình Trọng với hàng chữ tên trường màu đỏ, trường trệt không nằm cạnh đường mà xa bên trong, phía trái từ hướng Nha Trang tới.
    Tôi lầm lẫn, tưởng rằng trường Pháo Binh gần trường Ðồng Ðế tức ngoại ô Nha Trang.
    Khi đến ngã ba Ninh Hòa xe ngừng, tôi lại tưởng trường ở lòng vòng gần đây; Lại lầm! Ðường trường xa...

    Ngừng ở ngã ba Ninh Hòa gần như thông lệ hay sao của mấy bác tài xế nhà binh, tôi khám phá ra điều nầy vì sau đó lần nào cũng vậy mấy ảnh bỏ đi đâu mất tiêu, tụi tôi biến thành người trông chừng xe cho mấy trự nầy.

    Ở ngã ba đó, tiệm nem nướng Thái Thị Trực hấp dẫn tôi khiến sau đó mấy lần tôi trở lại có khi phải đi về trường bằng xe lam; Vậy mà có đứa lại nói có tiệm khác ngon hơn mà nó không chịu chỉ trước: Thế có ức không?

    Mấy năm sau tôi trở về trường làm giám khảo kỳ thi mãn khóa, tôi lại có dịp cùng mấy sĩ quan giám khảo khác dùng chiếc Dodge 24 của trường để thăm Ninh Hòa. Lại đến Thái Thị Trực làm nem nướng rồi lái lòng vòng dọc Quốc Lộ.
    Đám xe sư đoàn Mãnh Hổ hay Bạch Mã gì đó của Củ Sâm, gần như chẳng buồn tránh ai dù trục lộ khúc đó chẳng rộng rãi gì. Ninh Hòa tôi chỉ biết thế!

    * * *


    Trường Pháo Binh Dục Mỹ nằm sau lưng Trung Tâm Huấn Luyên Biệt Ðộng Quân, dẫn vào bằng con đường cặp hông hướng từ Ninh Hòa tới, ngăn bằng hàng rào kẻm gai đơn sơ.

    Thế mà đấy là lằn ranh thiên đường địa ngục, chúng tôi cho là vậy: Ai có qua các khóa Rừng Núi Sình Lầy, Viễn Thám thì sẽ biết mức gian truân của Lò Luyện Thép nầy, trong lúc chúng tôi mỗi bước lên xe hơi, không uổng phí cuộc đời .

    Ðã đi xe mà còn thêm ghế bố xếp xách tay. Thực ra chúng tôi không thể cuốc bộ vì đồ nghề lỉnh kỉnh, nào là: Bàn chân xếp đặt xạ bảng, GB là dụng cụ gióng hướng súng, ống dòm, la bàn, bản đồ, họa xạ biểu, họa tà biểu, quạt hướng tầm, cả lô kim mục tiêu và viết chì phải học cách chuốt từ ngày đầu tiên, chúng tôi giống như anh họa sĩ đi tìm cảnh đặt giá vẽ, móc thêm chú 105 hoặc 155 tùy theo buổi học.

    Không sung sướng đâu các bạn ơi! Tụi tôi bù đầu vật lộn với các môn: Chiến Thuật, Ðịa Hình, Trung Ương Tác Xạ, Chiến Cụ & Ðạn Dược, Khẩu Ðội Vụ, Quân Xa, Truyền Tin và cả Chiến Tranh Chánh Trị nữa.

    Bao nhiêu quyển Binh Thư có mã số riêng nặng chình chịch, từng quân trang quân dụng vũ khí chiến cụ phải nhớ một lô danh số và đặc tính, cách sử dụng và hiệu quả của chúng, rồi sử dụng bảng Lô Ga Rích giải địa hình .. và giải toán tác xạ chuẩn định chính xác, chuẩn định thời nổ, giải khí tượng, : Nhức đầu lắm! Nếu không thì rớt!

    Bù lại, chúng tôi chiều nào cũng ra phố Dục Mỹ tự do trừ những khi dã trại đêm. Cuối tuần có xe đưa đi Nha Trang, chiều Chúa Nhật ruớc về.
    Người thân một đứa bạn tôi, vốn là thầu khoán đó đây, có biệt thự bỏ hờ do một quản gia trông coi trên đường Biệt Thự, hai đứa tôi cuối tuần ra đó, được lo chăm sóc như ông chủ nhỏ.

    Từ biệt thự đó lội bộ băng qua đường với khăn tắm vắt vai, là đã tới biển khu vực gần nhà hàng Kim Sơn có rào kẻm gai, nghe nói dành riêng cho Phó Tổng Thống Kỳ, chán về đã có cơm dọn sẳn sàng.
    Đôi lần xuống tận chợ Chụt làm vài quả Phở, lại cũng nghe nói Phó Tổng Thống Kỳ ưa tới đây: Tôi cho phở Chụt đạt điểm A!; Nhưng tụi tôi vẫn thích khu vực đường Ðộc Lập hơn hẩu xực mì xào dòn đồ biển , đớp bún bò huế đường Hoàng Tử Cảnh và vài chuyện ai cũng biết .

    Càng về sau chuyện đi Nha Trang thưa thớt dần vì tiền lính tính liền.
    Ðầu tháng lảnh lương, bà Ðô chủ câu lạc bộ trường Pháo Binh, bắt ghế ngồi gần nơi phát ngân viên làm việc, bà thu không sót một xu các anh nào trong tháng Gô Sĩ Ghi Sổ ăn chịu bà ta. Con nhỏ Ngân Thủy con bà, thường gọi Ngân, đẹp không có chỗ nào chê được, nhỏ cười liếc ai cũng có cảm tưởng cô ta đang để ý tới mình. Lầm to! Nhỏ đi về đã có người đưa đón.

    Có cái câu lạc bộ đó cũng đỡ lắm, mỗi sáng chúng tôi đến uống cà phê và xin một bi đông nước đun sôi chống sốt rét. Việc nầy nhỏ Thủy tử tế có thừa, chắc Nhỏ cũng sợ dùm các Quan tương lai dính chấu bệnh chưa chi đã run.

    Phòng ăn dành cho SVSQ chúng tôi bàn ghế đóng bằng gỗ thông: Pháo Binh mà! Mỗi bàn bốn đứa bốn cạnh, trước mặt một dĩa ớt hiểm tươi rói, một gói thuốc nâu có, đỏ có, hai ba thứ ngừa sốt rét, món ăn có thịt, cá, bò thay đổi, nhưng món măng bao giờ cũng hiện diện mỗi ngày chưa có triệu chứng nào đào ngũ dù có khác cách chế biến.
    Từ đó tôi bắt đầu ăn ớt nhất là hôm nào có món cá biển, cá tương đối còn tươi, nghe nói từ Vạn Giã chở lên.

    Trừ những khi trời mưa, chiều nào chúng tôi cũng có mặt ở các quán cà phê Dục Mỹ, có khi đi lang thang chẳng có mục đích gì. Nay đọc lại các bài viết trong ninh-hoa.com mới nhớ ra rằng: À ! Ở Dục Mỹ các con đường mang số 1, 2, 3 ...

    Lần đó tôi đến tiệm Tân An rửa hình , đúng lúc con nhỏ Yến con chủ tiệm bí toán, tôi thấy Nhỏ loay hoay quên cả hỏi tôi, khách hàng mới vào. Nhìn qua tôi ngứa nghề giải sơ cho Nhỏ, không biết Nhỏ có hiểu không? Nhưng lần đến lấy hình , Ba Má của Nhỏ mời uống nước và ngỏ ý nhờ dạy kèm cho Nhỏ. Tôi nhận lời và bảo Nhỏ tìm thêm vài người nữa.

    Khi lớp bắt đầu tôi mới biết rằng họ mất căn bản rất nhiều, tôi phải ôn lại từ đầu cho họ. Tôi dạy giúp họ không nhận thù lao. Mỗi ngày học sinh ở đó có xe của các quân trường đưa đón tận Ninh Hòa, học sinh phần đông là con em của quân nhân của Huấn Khu.

    Lúc ấy tôi vẫn tưởng ở Ninh Hòa chỉ có trường Trần Bình Trọng mà thôi. Gia đình tiệm hình Tân An có nói họ từ Diên Khánh ra. Ở đây người ta gọi đi Diên Khánh là đi Thành, tên gọi tắt. Cô Hà Thị Thu Thủy có nhớ tiệm hình Tân An và nhỏ Yến nầy không?

    Có những đêm kéo súng lên Lam Sơn trực, tụi tôi cũng mò về chợ Dục Mỹ uống cà phê cho ấm lòng chiến sĩ, từ đó lên trung tâm huấn luyện Lam Sơn phải ngang qua phi trường Dục Mỹ, mà phía đối diện là bãi tập Ðịa hình và Chiến Thuật, cũng như nơi diễn tập và thao dượt cuối khóa chúng tôi.

    Trong mé rừng bãi tập ấy, có cả một chợ nhỏ đủ loại thức ăn thức uống và đặc biệt mấy chị bán cháo gà chờ chúng tôi giờ xả hơi. Phải nói gà ở đây ngon tuyệt, tôi thường mua thêm một quarter leg mới đã! Mỗi lần tôi mua là chị hỏi: Nguyên đùi gà phải hôn? Trả lời: Yếu tố cũ, một tràng! Không biết nồi cháo còn lại chị bán làm sao đây? Thực khách đến sau chắc phải dùng loại không người lái.

    Khi học các bài về Khẩu Ðội Vụ, có khi súng phải được kéo vào tận xạ trường xa trong núi, nơi đó nhìn rõ đỉnh Vọng Phu không cần phải dùng ống dòm. Trên đường đi, về xe ngang qua Buôn Sim, Buôn Lác lô nhô nhà sàn và mùi hăng gia súc, có những tối trên đoạn ấy, gặp các bạn bên Biệt Ðộng Quân lặng lẽ di chuyển trong đêm.
    Còn trên quốc lộ 21 từ hướng Ninh Hòa đến, trước khi leo dốc Núi Ðeo, ai cũng thấy bảng to tướng "Nơi Ðây Lò Luyện Thép" , bao giờ cũng nghe tiếng la hét xung phong về phía có dây tử thần.

    Cái đáng nhớ nhất là có một sáng chúng tôi ra chợ uống cà phê về, chuẩn bị hay đã ăn cơm xong, vì chúng tôi cứ đủ bốn người là mời các Quan cầm đũa chứ không cần đông đủ. Bỗng có kẻng báo động, mấy đứa về trễ hơn nói ngoài chợ đã lụt tới đầu gối rồi.
    Tôi chưa tin vì trời chỉ lâm râm chứ không có trận nào mưa lớn từ mấy ngày qua và tôi cũng mới về từ ngoài ấy. Hướng núi có lẽ mưa mấy hôm nay, trời mù không nhìn thấy đỉnh Vọng Phu. Tôi cũng theo đoàn người đi, thực ra do hiếu kỳ chứ tôi không có nhiệm vụ gì.


    Lụt thật! Lụt gì mà dễ vậy! Ðứng ở trụ cây số có chữ Nha Trang 47 Km, bên kia đường trước Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Ðộng Quân nhìn nước

    đục ngầu đang chảy cuồn cuộn từ nguồn suối Dục Mỹ xuống, ngập mất lan can cầu, giòng nước hung hãn mang theo cây khô, nhánh to. Các bạn sau nầy thấy thành cầu Dục Mỹ có gãy một đoạn hay được vá lại là do trận lụt năm ấy. Các nhà vách đất rệu rã thãm hại. Dòng suối hàng ngày nước tận lòng lạch, đứng trên cầu nhìn xuống mấy cô ra lấy nước, giặt giũ ngồi trên mấy tảng đá trông nhỏ xíu, sâu bên dưới. Phút chốc con suối hiền hòa trở nên kẻ hung bạo.

    Khí hậu Dục Mỹ rất bất thường, ban trưa nóng ngủ dậy không nổi, uống hai trái dừa lạnh do các anh quân nhân cơ hữu trường mang bán dạo, cũng chưa đã khát, dừa Ninh Hòa nhỏ và ngọt hơn dừa Bến Tre.
    Ban tối lạnh khó lòng tắm được, từ đó tụi tôi sáng chế ra kiểu tắm rất Pháo Binh: Tắm trên miền (dựa theo tên một loại tác xạ: Tác xạ trên miền), tức chỉ tắm những phần cần tắm. Vậy chứ vẫn cứ tán nhỏ Ngân Thủy thơm tho dài dài, không thuyên giảm .

    * * *

    Ðầu năm 1968 tôi mãn khóa, sáng 06 tháng 01 năm 1968 tôi rời trường về Nam, lần nầy tôi mua vé hàng không Việt Nam: Nhớ nhà quá! Không chờ phương tiện nhà binh được. Dù có trở lại một lần vài năm sau đó, nhưng mấy chục năm qua tôi chưa gặp lại một ai kể cả các bạn cùng khóa ít ỏi chỉ có 36 người tính luôn tôi đã được rải ra khắp bốn vùng chiến thuật.

    Nay đọc trong ninh-hoa.com gợi cho tôi nhớ một khoảng thời gian trong đời rằng có lần tôi đã đến đó: Vùng đất xem ra nghèo nhưng dễ thương!

    NhàQuê

    Connecticut Oct 06,2005



    ><><><><><


    Kính anh NhàQuê,

    Rất vui khi được biết anh gia nhập vào trang Ninh Hòa đồng hương của chúng tôi. Nhân dịp đọc bài viết của anh trên trang Web ninh-hoa.com về Dục Mỹ thật hay, gây cho tôi nhiều cảm xúc và xin có đôi lời nhờ trang Web gởi về anh .

    Dù chỉ một thời gian ngắn nhưng anh đã có những kỷ niệm và yêu mến xứ nhỏ của chúng tôi vùng đất xem ra nghèo nhưng dễ thương. Cuộc sống nơi đó sau 1975 đã không còn được như trước vì chiến tranh tàn phá một phần nào và sự sinh sống của những người dân nơi đó xưa kia sống nhờ vào 3 trung tâm quân đội giờ đây cũng không còn nữa nên quang cảnh sinh hoạt hoang vắng hơn trước nhiều. Những hình ảnh cũ đã mất hết cả rồi. Nay được một người là quân nhân xưa kia, dù chỉ ghé qua một thời gian ngắn nhắc đến, tôi thật sự cảm động, thế mới biết những người đã sống từ thuở bé trong vùng quê nhỏ đó dành sự yêu thương cho nó nhiều biết dường nào. Cám ơn anh đã dành tình cảm cho quê nhỏ chúng tôi.

    Qua lời hỏi thăm của anh về chị Yến con của bác Tân An tiệm chụp hình, tôi được biết ba má của chị vẫn còn ở Dục Mỹ tại căn nhà xưa, chị Yến đã lập gia đình và có 3 cháu, hiện chị đang sống tại Quảng Ngãi quê chồng, chị lớn hơn tôi hai lớp. Chị có người em gái tên Oanh đang sống tại Mỹ là bạn học với em gái của tôi, Oanh có về VN và ghé thăm chúng tôi vào tháng 9/2004.

    Kính chúc anh và gia đình vui khỏe, hạnh phúc. Mong được đọc nhiều bài viết của anh gởi qua trang Web ninh-hoa.com, chúc anh sáng tác nhiều.

    Kính thư.
    Thu Thủy

    ><><><><

    Vịnh Đỉnh Vọng Phu

    Dặm tiễn lên đường nhắm hướng Đông
    Người về chót đỉnh đứng chờ trông
    Non thương giúp nhón … nâng tầng đá
    Biển cảm dùm loang … dịu nắng hồng
    Biểu tượng kiên trinh trong ngữ ngạn
    Hình trưng tiết liệt giữa thinh không
    Mây trôi vướng núi dừng lưu luyến
    Hóa thạch "Vọng Phu" mãi đợi chồng

    NhàQuê
    (Được họa từ bài xướng Vọng Phu Thạch bên dưới)


    Vọng Phu Thạch

    Ngóng đợi phu quân cuối bể đông
    Đăm chiêu thiếu phụ mỏi mòn trông
    Bồng con rủ rượi hai hồn đá
    Dẩm núi trơ vơ một bóng hồng
    Đếm bước kim ô trầm đỉnh ngạn
    Đong gương ngọc thổ ngự tầng không
    Thoi đưa tạc dấu trang tình luyến
    Khắc giữa nhân gian khổ vọng chồng

    Đồng Lão



    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  8. #18
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Rời: Viên Sỏi



    Tôi rời Ninh Hòa, quê hương các bạn, nơi có đủ núi non, sông ngòi, ruộng đồng và biển cả. Nơi đó xóm làng đồng ruộng làm tôi đỡ nhớ quê xa, nhưng núi non đem mây xuống thấp như gần, tôi dễ buồn hơn.

    Tôi mong ngày về Nam, nên lần từ giã quê hương các bạn lòng tôi mừng, không giống như các bạn lúc khăn gói rời xa. Chắc ai cũng có lần xao động như thế!

    Từ khi còn đi học, ao ước khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi nơi nầy, nơi nọ khi có dịp. Thế mà tôi đã bỏ nhiều cơ hội trong thời gian lưu ngụ nơi quê hương các bạn. Tôi đã không biết Vạn Giã, Vạn Ninh, Thành Diên Khánh, Suối Nước Nóng.

    Xa hơn như Ban Mê Thuột phía Tây, Tuy Hòa phía Bắc, Cam Ranh Ba Ngòi phía Nam. Những nơi ấy bạn tôi có đến trong thời gian bốn tháng quân trường, tôi thì không. Họ về kể lại làm tôi ấm ách khi tôi hỏi Ðèo Cả cao thế nào, bị chúng trả lời: Ðã nói là Cả thì phải biết nó như thế nào rồi!

    Nhủ thầm thôi để sau nầy! Cái sau nầy tôi chờ đợi, nuôi dưỡng khác xa cái sau nầy tôi nhận được, nên ước muốn đi đó đi đây cơ hồ không thực hiện được.

    Ngày nay có dịp đi nhiều nơi, nhưng tôi biết rằng những nơi tôi ao ước ngày nào, giờ chỉ là phấn son. Cái hồn nhiên mộc mạc tôi yêu, ước muốn một lần được gặp đã vĩnh viễn của quá khứ. Cái háo hức ngày xưa thôi giờ để lại con cháu tôi mấy dịp chúng về thăm đất Tổ. Thế cũng đủ!

    Khi đến nơi nào hay rời xa tôi đều mang về theo một vật kỷ niệm, vật kỷ niệm có khi cũng tức cười, vì đó là tờ thực đơn của nơi tôi đã ghé ăn.

    Không phải chỉ có kẻ phàm phu như tôi mới có cái thú sưu tập vật kỷ niệm xem ra tầm thường như vậy. Ngay đến những tài tử, minh tinh, ca nhạc sĩ nổi tiếng khi được mời lên AirForce One, mấy vị nầy cũng đã xếp mấy tờ napkin có in huy hiệu cho vào túi làm kỷ niệm.

    Xét ra từ quân tử chí ư thứ dân cũng vậy thôi!

    Nhà tôi thỉnh thoảng phàn nàn tìm thấy trong túi tôi mấy vỏ sò vỏ ốc.

    Theo thói quen đó, tôi cúi xuống nhặt viên sỏi nhỏ còn ấm quê hương Ninh Hòa các bạn, viên sỏi có thể không phải từ trong lòng đất nơi đó, nhưng nó đã hiện diện ở đây trước tôi.

    Nó đã chứng kiến hôm qua, chúng tôi quỳ xuống dâng lời thề cùng sông núi:

    TUYỆT ĐỐI TRUNG THÀNH VỚI TỔ QUỐC VIỆT NAM ! XIN THỀ!


    NhàQuê Dec 04, 2005


    ><><><><><


    Nếu Lại Có Lần

    Tôi thuộc tên Ninh Hòa quê bạn
    Con Sông Dinh ,Xóm Rượu, Đường Luồng
    Thành phiên bản in đầy trí tưởng
    Một mai kia có dịp đến cùng
    Sẽ rất quen không gì bỡ ngỡ

    Nơi ngã ba bồi hồi tưởng nhớ
    Bốn mươi năm dấu tích đổi thay
    Lần đầu tiên dừng lại nơi đây
    Thêm thiện cảm ghi lòng từ đó
    Giữ trong sâu bước mỗi dần xa

    Rời Bùng Binh bóng chiều đã ngả
    Màu núi lam càng lúc một gần
    Mười bánh xe dừng hẳn vòng lăn
    Tôi đứng giữa núi rừng Dục Mỹ
    Bao nhiêu mới bắt đầu từ đấy

    Chuyện kể ấy về xa xưa lắm
    Chứ bây giờ tôi khách hành hương
    Về nhìn lại dấu chân xuống núi
    Trả chiếc gùi nay đã rách bương
    Chỉ viên sỏi vẫn còn nguyên dạng

    Mấy tảng đá dưới lòng suối cạn
    Đấm vai nhau cười khách đứng nhìn
    Chưa nhận ra hai bên cứ ngó
    Cây cầu xưa chứng kiến lặng thinh
    Tóc tôi bạc mà rong vẫn vậy

    Hồi tưởng nhớ từng viên đá ấy
    Dáng ai ngồi giặt giũ khoan thai
    Nước từ nguồn miệt mài xuôi chảy
    Như tôi xa biền biệt năm dài
    Nay trở lại chung quanh đều lạ

    Từ trên cầu tay buông hòn đá
    Trả về lòng viên sỏi tôi vay
    Đã đi theo gần suốt đời nầy
    Cùng lạc bước theo dòng nghiệt ngã
    Gợn sóng tăn như đã vẫy tay

    Tôi còn muốn ghé thêm nhiều chỗ
    Từng hàng dương vẫy gió đong đưa
    Hương cà phê và làn khói quyện
    Đưa tôi về cổ tích giăng mưa
    Cài áo che … lạnh từ hướng núi

    Sắp rời xa tôi gắng gượng cười
    Chia tay nhé đã là phút cuối
    Kỷ niệm xưa nầy dịp ghé thăm
    Đỉnh núi cao cũng dường xúc cảm
    Nhạt nhòa mây qua đó tần ngần



    NhàQuê





    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  9. #19
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"



    Đoản Rời: Đại Bác Cướp Cò


    Tưởng là chuyện giỡn chơi, có thiệt đó các bạn à! Bản thân NhàQuê tui trải qua ba trường hợp xin kể tặng người bạn tuy xa lại gần của tôi, dịp bạn quyết định nghỉ hưu cuối tuần nầy: Tôi nói xa là chúng tôi xa nhau ba mươi năm mới gặp lại, gần là nay trong số bạn cùng năm vào trung học chỉ có hai đứa tôi gần nhau nhất, cũng phải mất một giờ rưởi lái xe.

    Tôi ra trường Pháo Binh sau bạn tôi ba khóa, thuộc đàn em, kể như lội mút chỉ, vì các phương vị chỉ huy có chử THỌ đã được hàng hàng lớp lớp đàn anh nắm giữ rồi.
    Không biết do đâu, vì sao, tôi lại được về Tiểu Đoàn Pháo Binh Hoàng Gia, gọi như vậy vì nó ở sát nách Nhà Vua tức Biệt Khu Thủ Đô, chứ đơn vị tôi có tên có số riêng như mọi đơn vị khác.

    Xin nhớ tôi là một tên nhà quê mốc thít nhiều đời không có "gốc gác" gì cả! Chắc bản mệnh tôi "an tại Thiên Phủ Cung" nên phải ở gần Nhà Trời, mà đơn vị tôi cũng mới tinh, huấn luyện chưa xong, đại bác còn chưa lảnh hết bên Quân Cụ.

    Tôi trình diện đơn vị trưởng đúng hai tuần là gặp trận Mậu Thân liền, quân số tại hàng lúc đó rất ít vì đang đi phép Tết và một số "dù" về thăm gia đình chung quanh SàiGòn.

    Tiếng súng nổ vang mà tôi tưởng pháo tết hay phe ta bắn súng thay pháo, cứ tiếp tục ngủ một mình trong dãy phòng dành cho sĩ quan độc thân, may là tôi không nghe radio kiểu vừa nghe vừa ngủ.

    Đến khi Đài Chỉ Huy cho người lên ruồng xem có còn ai trong phòng ngủ hay không, mới khám phá ra tôi là quân nhân gương mẫu không "dù", mà có "dù" cũng đâu biết đi đâu!

    TĐT tôi bảo Kiến Hòa mất rồi! vì trên hệ thống Liên Quân báo như vậy, khi ông hỏi tôi quê ở đâu.

    Không đầy mười phút sau đơn vị tôi bị tấn công trực tiếp, sau nầy tù binh khai là họ đã vào sát rào cả giờ rồi, nên tôi nói tôi ngủ không mở radio là may!

    Dĩ nhiên là đơn vị tôi có tổn thất nhưng làm sao "Xơi" chúng tôi được! Trại Phù Đổng của Bộ Chỉ Huy Thiết Giáp gần đó bị chiếm, Họ đã gây nhiều khó khăn tiếp tế đạn dược cho chúng tôi trong mấy ngày.

    Đến khi đường đã giải tỏa, tôi được đưa đến trại Thiên Hộ Dương (căn cứ 30 Quân Cụ) nơi một pháo đội Đại Bác mới lảnh còn mùi dầu mỡ, trú đóng vị trí hành quân ngay bên trong căn cứ Quân Cụ nầy, trên khoảng trống gần Trường Quân Y, cạnh sân banh sau lưng "Lò Bát Quái" khám Chí Hòa và yểm trợ liền cho lực lượng bạn đang chạm địch nặng....

    Khi được giao điều khiển cho pháo đội thi hành tác xạ, tôi vẫn hô khẩu lịnh y chang như những gì học trong quân trường không sai sót một chữ, làm ai cũng cười (lính mới mà em!):



    ** Pháo Đội điều chỉnh!
    ** Đạn nổ!
    ** Lô XXX!
    ** Đầu Nổ nhanh!
    ** Trung Tâm một quả!
    ** Pháo Độ 5 quả, Đầu nổ CVT khi bắn hiệu quả!
    ** Nạp...! ngưng ít giây, hô tiếp

    ** Độ Giạt ....!
    ** Góc Thăng Bằng...!

    Chưa đầy phút sau khẩu đội báo cáo:

    Khẩu 3 sẳn sàng!
    Khẩu 4 sẳn sàng!

    Tôi phất tay đồng thời ra lịnh:

    Bắn! .....

    Đến khi chuẩn bị bắn hiệu quả thì ngoài mặt trận xin ngưng tác xạ để họ chiếm mục tiêu.

    Thay vì hô khẩu lịnh Ngưng Tác Xạ! hoặc Chấm Dứt Tác Xạ! Đàng nầy tôi "một cánh tay đưa lên" lại âm thầm bỏ cánh tay ấy xuống.

    Các khẩu đội nhìn tưởng lệnh Bắn, họ chơi hết 30 quả.

    Tôi xanh mặt! Chân đứng không vững nghe khẩu đội thứ tự báo cáo:

    Khẩu 1 bắn xong!
    Khẩu 2 bán xong!
    Khẩu 3 bắn xong!
    Khẩu 4 bắn xong!
    Khẩu 5 bắn xong!
    Khẩu 6 bắn xong!

    Tôi uể oải ra lịnh: Chấm dứt tác xạ!

    Ngoài mặt trận vừa định tiến lên phải dội lại, chửi thề ỏm tỏi trên hệ thống truyền tin. Kể như Đại Bác Cướp Cò "sĩ quan sữa" mới ra lò mà!....

    ***

    Sau ba tháng nằm trong tiền đồn mật khu Lý Văn Mạnh nay là khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, tôi trở về vị trí Pháo Ðội đang đóng tại quận Bình Chánh Gia Ðịnh, đi phép 24 giờ xong, cũng chưa có việc gì làm.

    Trưa tà tà ra chợ thả dê tán dóc, tối không trực thì nằm nghe "đại bác ru đêm". Thời điểm ấy Bình Chánh bị pháo kích dài dài có khi cả ban ngày. Nơi đây Họ có lợi thế là ranh hai tỉnh thuộc hai khu chiến thuật khác nhau, nên mỗi lần xin Clear lãnh thổ rất nhiêu khê, rồi vụ đó cũng được khắc phục.

    Riêng về phản pháo thì chúng tôi có toa bổ hẳn hòi cho những chỗ nào thường là vị trí súng.

    Hai khẩu đội nào tới phiên đêm trực thì ghi yếu tố sẳn trên súng, nạp đạn vào nòng, kéo dây giật vào tận trong phòng ngủ.

    Khi nghe Bên Kia "đề pa" là cứ vừa nằm vừa giật dây phản pháo, cả hai quả hai hướng gần như một lượt: Đơn vị bạn khen nhanh ơi là nhanh!!!

    Thế mới có chuyện là một đêm nọ khi không mà tự nhiên "phản pháo" một mình: Gì vậy Bây?? Em đi tiểu máng dây Ông Thầy ơi!!! Ðại Bác cướp cò!.......

    ***

    Nhờ có số sống dai, trong lính rất cần cái số đó lắm!!! Nên đúng ngày tháng cũng được thăng cấp. Tiệc liên hoan cho các Sĩ Quan tân thăng trong lần có tôi, cũng được TĐ tổ chức trong Hội Quán Sĩ Quan của đơn vị như những lần khác.
    Hội quán nầy không do Kiến Trúc Sư nào vẽ kiểu cả, do "lính thợ" có tay nghề được giữ lại hậu cứ xây nên.

    Đây là hội quán rất đẹp nghe nói chỉ kém " Mây Bốn Phương Trời" Huỳnh Hữu Bạc bên Không Quân trong Tân Sơn Nhất, nên gần như được cho mượn rất thường.

    Nói là cho mượn chứ chỉ cần cú điện thoại là TĐT tôi lo từ A đến Z và thuộc cấp chạy bắn khói từ Z trở lại A...



    Khách mời lần đó Sao có, Trưởng có....về ca sĩ có Kim Loan, Giáng Thu, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Anh Khoa, Phương Nga, Phương Khanh,... hú được một số bên TĐ50CTCT và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương... ca sĩ tới ca vài bản rồi chạy SÔ, Phương Hồng Quế thủ suốt, thân như ca sĩ cơ hữu...

    Ban nhạc của đơn vị tôi tuần nào không ở nhà thì được mượn đi, ban nhạc rất khá vì qui tụ thành phần lính kiểng nhiều người gốc nhạc công...; Từ đó tôi nghĩ ra rằng: tôi ở đơn vị nầy từ ra trường cho đến ra khỏi lính mà không bị thuyên chuyển trong các đợt "bị" qua Pháo Binh Dù, là vì để những người như tôi dùng "Xỉ" đi mấy chỗ nguy hiểm, chứ còn lại đều là con ông cháu cha gốc to nhánh bự.....dễ mích lòng!!

    Càng khuya chương trình càng hấp dẫn khi khách Lớn tới dự tiệc,


    "nhảy" rồi về sớm hay đi "công vụ".
    Phải nói rằng thằng bạn tôi quả là hay! Nó xứng đáng được rút về lo ban 5, nhờ vậy tôi trám chỗ của nó và khỏi lội nữa.

    Nó và con bồ ca sĩ của nó "vận động ngoại giao" sao mà được một màn "thoát y" vào giờ chót. Tôi không nhớ rõ là do Xuân Trang hay Thu Thủy trình diễn. Hai cô tài danh đương thời đã từng làm cả khóa 25/SQTBTĐ chúng tôi suýt bị cúp phép, trong lần cả hai cô trình diễn ở Đại Giảng Đường dịp gắn Alpha.

    Lúc màn nầy diễn ra, không còn ai ngồi ở các bàn, mà tất cả tập trung bao quanh kín cả piste. Cái làm ngạc nhiên là phía nữ lại ầm ĩ hơn bên mấy ông vốn háo hức.

    Cô nàng diễn điệu nghệ kéo dài đứng ...tim, cởi từ từ...

    cuối cùng 100% em ơi, đêm nay 100%! Nàng tỉnh bơ chậm chạp đi vào phòng thay đồ, nhìn từ sau cũng không biết diễn tả sao cho đúng những gì mắt thấy. Ước gì tôi là họa sĩ!! Đẹp vậy mới thoát y chứ!!

    Suốt buổi cho đến hết màn vừa qua, kéo dài đến nghẹt thở, tôi "đành" vào phòng rửa mặt cho hạ hỏa. Lại gặp nàng chưa mặc lại gì trong đó. Thấy tôi vào nàng hỏi rất...: bộ Đại Bác Cướp Cò rồi sao mà vô đây vậy Quan?? Cưng làm tình hình Cuba căng thẳng quá đi!!
    ............................


    NhàQuê March 17,2006




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  10. #20
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Rời: Tôi Làm Mụ



    Giờ đã hai mươi mấy năm rồi, thôi thì thời gian đã đủ, tôi tiết lộ cùng các bạn chuyện tôi làm mụ.

    Chuyện bắt đầu là tôi bị liệt thành phần theo chánh sách khỉ khô gì đó, không cho ở thị trấn, phải về nông thôn. Nhà cửa phải bán gấp dứt nọc, không còn gì để nấn ná ... Không bán thì họ mượn làm văn phòng...chơi cha thiên hạ ... Bán cả nhà đất chưa bằng một phần ba số tiền tôi xây cầu tiêu khi vừa mua nhà!

    Về nông thôn rồi mà hai năm liên tiếp không được “Tập Đoàn” cấp ruộng đất kinh tế phụ, kinh tế mẫu gì hết, không giống như mọi gia đình trong hàng xóm, thành ra tôi thuộc lưng chừng giữa “Người Cày Không Có Ruộng” và “Cà Nhỗng Chống Xâm Lăng”.

    Bây giờ nói chuyện trồng sắn: Anh tôi cho mượn gần một công đất để trồng sắn (loại củ người ta làm nhưn bò bía). Các bạn có tưởng tượng được tôi gánh tưới mỗi ngày hai cữ, mỗi cữ một trăm đôi nước không?? Tôi làm được đó!
    Không kể sắn vụn, tôi thuê ghe chở cả mấy tấn thành quả của mình lên tỉnh bán, bị cửa hàng nông sản ở nơi đây định giá rẻ mạt, không chịu họ đòi kêu thuế vụ tới đánh thuế. Chơi cha thiên hạ! Bán xong huề vốn, lỗ công.

    Kế tiếp tôi từng bước tiến vững chắc lên nuôi heo song song. Nuôi heo nái, không phải một mà ba con. Vụ nầy nhiều chuyện tức cười lắm nghe!

    Trước hết lựa giống to con, tướng tá ngon lành, quan trọng là nhiều vú, cho ăn đúng mức. Mỗi sáng tôi ra chợ xã uống cà phê chờ mấy bà bán rau muống ế, mua mảo, bao nhiêu cũng gom về bằm trộn với tấm nấu và cám làm thức ăn cho “ba em nái”.

    Cái tức cười là khi nuôi heo nái thì lời ăn tiếng nói của mình phải điều chỉnh, nói sao cho tục thành thanh và kiêng cữ không được nói gở, vụ nầy tôi gặp khó khăn nhiều !!

    Tôi phải hỏi bà con hàng xóm đã từng có kinh nghiệm để nái và được chỉ dẫn tận tình. Riêng chuyện “Bỏ Nọc” cũng có bí quyết, nào là chờ “Hoa Héo”, nào là không cho Nọc ăn quá no, nào là số lần bỏ nọc ….(Sau nầy tôi thường cười thầm vụ Hoa Héo nầy lắm)

    Đi “rước”nọc vừa về tới nhà còn đang cho nó nghỉ mệt là bà chủ nọc đã có mặt, canh chừng sợ mình “tận dụng quá mức” và không chịu tẩm bổ cho Nọc của bà ta; Do vậy cũng đỡ vất vả khi dắt nọc đi trả, chính bà dắt về. Cái anh nọc nầy đánh hơi có nái là kéo miết, ghì muốn không lại với tiếng gọi tình yêu của anh ta.

    Sau đó tính ngày tháng chờ và chuẩn bị heo đẻ và đúng là có nhiều chuyện đến bây giờ mới biết: Nào là mấy cần xé lót rơm đựng heo con, biết cách nâng đẻ, cho heo con bú… Tôi đã làm Mụ đỡ đẻ cho mấy bầy heo rồi đó ….Thiên Hạ ơi!

    Phải có ổ rơm vì mấy chú nhỏ nầy cần ấm khi vừa lọt lòng, nâng lau phải nhẹ nhàng, chú nào bị đau, chú é lên là mẹ chú bênh vực tức thì, dù còn đang tiếp tục sắp đẻ con kế tiếp. Và cũng biết thêm là bầy nào cũng có con ngoẻo ngay; gọi là con lót ổ.

    Bầy đầu tiên tôi có tám cô cậu, mấy lần sau mười. Thế được xem là có tay nuôi nái rồi đó!

    Xong xuôi nái nằm nghỉ một hồi và “ịch, ịch” kêu đám con bú. Khi nghe tín hiệu màu xanh ấy, mấy cô chú nhôn nhao, chỉ cần nghiêng cần xé là chúng chạy ùa đi tìm nguồn sữa đầu tiên, những lần sau đó chúng trở lại đúng vị trí vú mà chúng dành riêng từ lần đầu (bà con kinh nghiệm nói rằng chúng tìm đúng vú mà nhao đã nuôi nó từ trong bụng).
    Hai mươi bốn giờ đầu phải chăm sóc chúng không rời cữ sữa nào cả. Những ngày kế tiếp không cần gom chúng vô cần xé nữa mà cũng không đủ sức chứa vì chúng lớn nhanh…chúng tự gom nhau vào một góc chuồng

    Thiến heo con và phá bầy là giai đoạn chót trước khi heo mẹ được bỏ nọc lần kế tiếp. Đêm trước khi thiến, chúng làm như vui mừng bước qua cuộc đời mới và thời kỳ dứt sữa tự mẹ chúng hất chúng ra ….

    Tới ngày phá bầy, bà con hân hoan đến bắt heo con mình dặn mang về nuôi và hình như khi ai cũng nói để ít bữa đem tiền lại nghe “Thầy Giáo”. Ít bữa ở thôn quê là khi họ thu hoạch và bán xong nông sản hay bán được heo thịt…
    Có một người quen hỏi nài tôi để lại con nái khi biết tôi có ý định không nuôi heo đẻ nữa. Tôi hiểu sai, tưởng ông ta muốn mua, ai dè ông ta mượn mà không biết đến bao giờ ông ta mới trả tiền lại. Bây giờ tôi quên chi tiết, hình như ông trả làm nhiều kỳ, trong lúc ông đã bán nhiều bầy heo con và con nái mà ông nói để lại, ông đã bán đâu mất từ lâu. Lại chơi cha! Hơn cả mượn đầu heo nấu cháo!

    Tôi lại huề vốn nữa. Đã là may! Huề vốn thật vì thời giá thay đổi liên tục

    Tôi viết bài nầy vì năm Hợi sắp đến chứ chính tôi đọc nghe chán quá, văn chẳng ra văn, chẳng ra kể chuyện. Người bạn thân của tôi đề nghị viết thành thơ vui. Tôi đầu hàng, thà rằng khi nào bí đề, tôi sẽ kể chuyện tôi nuôi bò cái đẻ bò con, nuôi đã đời bán mẹ và con trước khi tẩu thoát và vẫn tiếp tục huề vốn!

    Tôi hả! Tôi “làm kinh tế” vĩ đại nhất thế kỷ trước vì tôi huề vốn, mấy ông nhà nước thì luôn lỗ thâm thủng.

    NhàQuê 2006






    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


+ Trả lời chủ đề
Trang 2/4 ĐầuĐầu 1 2 3 4 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình