+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4
Hiện kết quả từ 31 tới 35 của 35

Chủ đề: Những "ngôi trường xưa Em học" (Đoản Văn) - NhàQuê

  1. #31
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Rời: Giữ Trâu





    "....Có trâu sẳn tằm tơ lúa má
    Không trâu không hoa quả đậu mè
    Lúa gặt cắt đã có trâu xe
    Lúa chất bã để dành trâu đạp...."

    Trong Lục Súc Tranh Công



    Hồi mấy năm tản cư, Ba Má dắt chúng tôi đến ở nhờ nhà người bác ruột, sau đó cất tạm một căn nhỏ cạnh bên hàng rào theo chiều dọc của vuông đất, có mấy dây khoai lăng củ tím, tôi nhớ rõ điều nầy, vì thường hay lặt mấy dái lủng lẳng đem lùi bếp, bùi hết kể!

    Những ngày nghỉ không phải qua trường làng bên học, tôi lân la xin theo anh người giữ trâu mướn cho Bác tôi, để được cho cỡi trâu.

    Ban đầu ngồi sau lưng ôm eo ếch anh…tiến lên một bước được ngồi đàng trước cầm dây dàm, khi đã thành tài rồi mới được tự mình một con.

    Tính ra anh cũng có khiếu huấn luyện. Anh tận tâm truyền nghề cho, vì Bác tôi có cô con gái út mà anh “dòm ngó” nhưng phận ở đợ anh chưa dám “tiến xa hơn” , đây là dịp anh kết thân với tôi.

    Anh lảnh chức dài hạn nầy có lẽ từ lâu lắm, vì ba anh cứ tới lấy tiền trước mấy năm liền rồi nướng hết vô sòng bài, anh cam phận.

    Tôi trở thành thân tín của anh. Lâu về sau tôi đã lớn vào đời, nghe nói anh đi làm biển, có lưới, có ghe riêng, và đã nên gia thất con cái đầy đủ …, cũng mừng cho anh, vợ anh không phải là chị con bác tôi.

    Trâu thả ra đồng tràn lan mùa khô, chúng hợp đàn, cạp cỏ gần nhau thân thiện, nếu có hục hặc thì không lâu sau đó thế nào bầy cũng có thêm mấy nghé nữa.

    Mở dàm cho trâu tự kiếm ăn xong, đám chăn họp bày trò chơi hay bàn mưu tính kế, lục lạo hái trộm hoa quả, bắn chim hoặc gà vịt đấp bùn đem nướng,… dùng cho đỡ buồn miệng“ . Cái đáng nói là họ thảo và không tố khổ nhau ….

    Có một lần khi qua khu vũng lầy gần nhà, lũ trâu bất thần phát chạy, mất thăng bằng tôi rớt xuống nước bùn đen đó, mười phần kể tiêu tùng rồi, vậy mà khi ngoi lên được, ảnh cười bảo tôi là: Trâu không bao giờ đạp giẫm lên người chăn nó ! Chỉ có Trời mới biết !

    Sau đình chiến gia đình tôi trở về nhà cũ, có lần chú ruột tôi tới thăm và ngỏ ý xin tôi làm con, vì chú thím chỉ có hai cô con gái, tôi thì còn mấy em trai nữa, cả hai cô em nhà chú đều đến tuổi cập kê. Không lâu sau lần ấy, tôi ôm quần áo về nhà chú thím….

    Trong lúc Ba Má tôi trồng bông dệt vải thì bên gia đình chú thím trồng dâu nuôi tằm dệt lụa truyền từ nhiều đời, nghề nầy phía bên thím. Bữa cơm nhập gia và nhận chức hôm đó có món nhộng rang. Chức gì ? Thưa chăn trâu cho chú tôi, trong nhà chỉ thừa có công việc đó …ai cũng bề bộn !

    Tôi đã được đào tạo lành nghề rồi, không cần phải “tập huấn” gì lâu lắc, ban tối sau khi đã đốt un cho trâu xong, tôi còn công việc khác ngoài chòi ruộng gần rừng chà là toàn gai nhọn, tôi ngủ ở chòi một mình gần như giữa rừng, đặt và đổ bung …gần sáng mang tôm cá về cho thím hay hai cô em kịp chợ . Tôi thành người ở kiểu mới cho chú thím tôi . Tuổi thơ ngây đời tôi bắt đầu như thế đó !

    Hôm nhớ nhà quá, tôi trốn về méc lại Ba tôi. Lập tức Ba và chú thím tôi mích lòng nhau; Ba Má tôi nghèo nhưng vốn thương con…cứ ngỡ chú thím xin về nuôi và đối xử với tôi như con ruột … Ba biểu ở nhà và cuối cùng tôi được đi học trở lại.

    Đến cấp lớp nhì lớp nhất, hằng ngày tôi phải đi về khoảng năm cây số mỗi lượt để tới trường Quận, nơi đây có dạy tới hết bậc tiểu học.

    Đường dẫn về hướng Tây đó phải băng qua cánh đồng rộng, trâu đen trâu cò gặm cỏ từng đàn vào mùa khô. Đám chăn trâu luôn phục kích tấn công học trò đi học về ….Vô hình chung học trò và chăn trâu là hai thái cực !? Phần thua thiệt bao giờ cũng về phía học trò.

    Để hóa giải áp lực nầy, tôi phải nhờ mấy đứa bạn học ở cùng xóm địa phương với chúng, làm trung gian thương thuyết với mấy “cựu đồng nghiệp” của tôi bằng bữa gặp nhau có rượu đế, cá nướng trui …và cả thuốc thơm Cotab, Grand Prix nữa …Hòa bình được vãn hồi. Cổ nhân ta có câu “Mạnh Dùng Sức, Yếu Dùng Chước” là vậy.

    Khoảng hai mươi năm trước đây, tôi gặp lại một trong số người hiếp đáp tôi lúc xưa trong một bữa tiệc ở Philadelphia, Pennsylvania. Tôi nhận ra anh và vui miệng nhắc lại thời thơ ấu đó, anh có vẻ không bằng lòng vì dường như anh muốn giấu tông tích mục đồng của mình. Thôi cũng được, sau nầy lỡ cùng trong họp mặt hoặc tiêc tùng mà lý tình không tới không được … tôi phải đứng xa xa tránh chào hỏi …

    Sau mùa gặt ở thôn quê, nhất là những đêm trăng, thường hay đạp lúa. Công việc nầy cũng nhờ trâu quần cho đến khi bã chín tức hạt lúa đã rụng hết. Sau đó lúa lép bị tách ra nhờ vê hoặc là quạt.

    Cọng khô lúc đó đã thành rơm, đó là phần ăn dự trữ trả công cho trâu. Những người không có trâu riêng phải nhờ và cho không phần rơm cho người chủ trâu. Những đêm như vậy trẻ con rủ nhau chui vô đống rơm mới ngủ rất ấm....

    Nhân năm Sửu sắp đến, ghi lại chuyện thật 100% nầy như một ôn vui, hồi đó trâu ngoài đem sức trong công việc đồng áng nặng nhọc còn là tài sản của nông dân ta. Nay cơ giới hóa, có lẽ không lâu trâu bị đào thải chăng ?!
    Phần tôi phải chi cam phận chịu khổ làm con chú thím tôi; Thằng chăn trâu ấy sau nầy chắc là Bí Thư nầy Bí Thư nọ rồi. Biết đâu đó!

    Hình như tôi đã cải được số trời ....

    NhàQuê Oct 02, 2008




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  2. Thành viên dưới đây cảm ơn NhàQuê vì bài viết hữu ích này


  3. #32
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Rời : Tằm



    Câu Chuyện dẫn nhập:


    "ĐEM EM MÀ BỎ XUỐNG XUỒNG
    CHÈO RA KHÚC VINH LỘT T(ươi) EM RA "

    thì mà là : "NGHỀ ƯƠM TƠ TẰM "

    Bến Tre quê mình, Ba Tri là vùng đất rất thìch hợp cho cây Bông Vải và Cây Dâu Tằm. Có cây dâu tằm nên việc ươm tơ là công đoạn thứ hai vậy.

    Khoảng 60-70 năm về trước BaTri nổi tiếng về công việc nầy, nhất là "Tuýtxo (tussor) Batri" vang danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, SaiGon-ChợLớn cả đến Nam Vang

    Nghề dệt vải và lụa dùng khung khổ nhỏ- khoảng 40cm-gọi là "vải ta" để phân biệt với "vải tây"-khổ vải 80cm-100cm.

    Có lúc Pháp đem máy dệt khung sắt jacquart thử nghiệm, nhưng không thành công...nghề ươm tơ dệt lụa dần đi vào ... mai một .

    Về Tơ tằm, có một nghề phụ nữa là...có những nghệ nhân dùng những "cái kén" vàng ươm " bông hình" trông rất...nghệ thuật, đẹp khỏi chê , bà con ơi !
    (Phần râu ria, linh tinh về Tơ tằm nầy đến đây... là phải nhờ Anh NhàQuê phụ trợ, bổ túc thêm, cám ơn Anh lắm lắm...).

    TươiDương .



    Bác TươiDương ơi!

    Gởi yểm trợ vài tràng đây!

    Góp với ông bạn Tươi Dương, tôi xin gáy những gì tôi biết; Số là khi tôi còn nhỏ, lúc đó ở nhà tôi có dệt "vải ta" từ bông vải, nơi quê tôi lúc ấy hãy còn nhiều khung dệt và trồng rất nhiều bông nguyên liệu, có lẽ như thế nên con giồng quê tôi có tên là Giồng Bông chăng???

    Còn về dệt lụa tơ tằm, thì gia đình chú ruột tôi truyền nhau nhiều đời, chú sống bên gia đình phía thím, đến lúc tôi bự rồi, tức học xong tú tài, mà chú thím tôi cũng còn dệt lụa. Khi gặp , thím tôi thường cho mấy lon hoặc chén nhộng đem về ăn cơm.

    Lúc nhỏ tôi giữ trâu cho gia đình chú tôi, chú thím tôi không có con trai, định nuôi tôi làm con mà cực quá nên tôi trốn về và thay đổi cuộc đời từ khởi điểm đó.

    Vì vậy tôi cũng biết chút ít về nghề tằm tang....Lâu quá tôi không còn nhớ nhiều chi tiết, tôi xin kể sơ lược nha!

    ** Lá dâu là món ăn "duy nhất" của tằm, có nhiều nhà trồng dâu để bán, bán nguyên một mùa lá, chứ không phải bán lẻ.

    Đối với người nuôi tằm, nếu vườn dâu của mình không đủ phải mua thêm, phải tính trước chứ không phải đợi "Nước Tới Trôn Mới Nhảy" mà tằm phải được cho ăn đúng mức, chúng "ăn phát ham" nên tục ngữ có câu:"Ăn Như Tằm Ăn Lên" giống như ngày nay người ta nuôi tôm vậy, đến lúc rộ nhứt bán luôn...cho tôm ăn đủ sức...

    Lá dâu hái xong phải xếp ngay ngắn vào cần xé hoặc bội, che đậy cẩn thận giữ cho tươi, xắt thiệt nhuyễn nếu tằm mới nở, còn rất là nhỏ. Nhỏ đến nỗi như mắt già hiện nay khó mà nhìn thấy chúng

    ** Giống: Một số lượng kén được giữ lại để làm giống, số còn lại đem ươm để lấy tơ, tằm trong kén lúc đó đã thành Nhộng, trụi lũi màu vàng nên có tục ngữ "Truồng Như Nhộng" là vậy.

    Kén giống trong một thời gian bao lâu đó, con nhộng biến thành bướm, cắn kén ra ngoài; Bướm gieo và thụ giống giữa chúng và đẻ trứng.

    ** Trứng nở ra tằm con. Tôi không nhớ Bướm hay Tằm Con được gọi là con Ngài

    Tằm mới nở ăn dâu xắt nhỏ rức , càng lớn thêm, dâu cũng xắt lớn dần, cho đến khi chúng tự ăn thẳng lá dâu còn nguyên.

    Hình như do sức ăn của chúng hay số lần phải cho ăn trong ngày mà gọi là: Tằm ăn một, ăn hai ....Tuyệt đối giữ yên tĩnh trong khu vực các nông tằm, phải giăng mùng tránh muỗi cho chúng. Tóm lại là phải giữ cho chúng đừng mất sức lớn ....

    Tằm khi lớn đúng mức, khoảng nhỏ hoặc bằng ngón tay út đôi chút, hình dáng là một con sâu. Về màu sắc từ màu trắng, xám xanh đến đúng tuổi thì ửng vàng.
    Khi đó được đem thả lên giàn có bện rơm và nhánh cây cho chúng kéo kén, tức chúng làm tổ, nói cách khác là chúng nhả tơ để tự xây tổ KÍN riêng từ con một

    ** Hái Kén: Như đã nói, kén là tổ tự làm của một con tầm, chúng nhả tơ xây tổ, giấu kín mình trong đó " Ăn Dâu Thì Phải Nhả Tơ" mà người ta hay ví lấy từ sự kiện, hình ảnh đó

    Khi tơ đã hoàn toàn nhả hết, tằm lột xác thành Nhộng trong đó, hoàn toàn khác hẳn hình dáng của con tằm

    Tất cả kén được gỡ, hái từ giàn, tập trung chờ đem ươm sau khi chọn một số làm giống cho đợt kế tiếp ....

    ** Ươm: là công việc lấy tơ từ kén (như trái nhản, tơ vàng) thành sợi tơ, Kén được luộc trong nước nóng (Không phải nước sôi sùng sục... ???), người thợ ươm dùng đũa để kéo từng sợi tơ, quấn vào ống hoặc xa quay, trong lúc đó cũng dùng tay loại bỏ các "vướng" làm cho sợ tơ không suôn sẻ ....

    ** Kéo Chỉ: Các cuộn tơ khô được kéo thành chỉ (nhợ) đều đặn, sau đó chỉ mới được dệt thành lụa, việc nầy tương tự như dệt vải

    Người mua bán tơ,mua tơ trong giai đoạn chưa kéo chỉ hoặc đã kéo chỉ rồi. Vì số lượng một đợt tơ chưa đủ để dệt thành một tấm lụa kích thước như mong muốn. Số mua được tập trung nhiều đợt mới đủ ....Lượng tơ tính bằng cân...

    ** Nhộng mà ông Tươi Dương đố chìm và chín, ăn được, vớt ra từ TRÃ ươm, Nhộng ăn khá ngon nhưng nhiều người không ăn được vì cứ nghĩ đến hình ảnh con tằm ở dạng Sâu ....Việc ươm tơ cực lắm, đòi hỏi tỉ mỉ chứ không như các cô chít khăn mỏ quạ trên sân khấu trong điệu múa "Ươm Tơ Tằm, Ta Kéo Tơ Dệt Áo ..." đâu; Tôi thường nhìn "chết bỏ" mấy bạn nầy ....Trông Lạ Làm Sao Ấy, Chao Ôi!!!!

    *** Trong một Đặc San Xuân của Trường Trung Học Ba Tri một năm nào đó, cô Dương Thị Minh Ngọc, giáo sư của trường, người gốc Hà Đông, miền Bắc, có sưu tầm tài liệu nói về vì sao địa phương có tên là BA TRI.

    Là chữ Việt Hán, Ba có nghĩa SÓNG , ý nói VÂN trên lụa ...nhiều tài liệu biên khảo về Bến Tre, về Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng có nói tới

    Ở đây tôi muốn nêu lên là Ba Tri có thời nổi tiếng về Tơ Lụa và nghề Tằm Tang (để dâu nuôi tằm) thịnh hành như một loại công ăn việc làm...nhiều tỉnh ven biển miền Trung cũng có nghề nầy và trước hơn....có lẽ cây dâu dễ trồng, xum xuê nhiều lá trên loại đất ven biển chăng???

    Ngày nay người đông, đâu còn chỗ trống nào để trồng dâu nuôi tằm nữa....
    Có việc trùng hợp là trái dâu có hình dáng y chang con tằm, vị ngót ngót như trái trâm, nhưng chỉ lén lén hái vì chủ vườn sợ mình oằn hay leo làm gãy nhánh dâu .... Khi hái lá trên cao người ta dùng thang...

    Việc dệt Vải Ta cũng tương tự, khác là sợi từ bông vải .

    Nếu Các Bạn Không Thắng Bớt Lại Thì NHÀQUÊ tôi NỔ tiếp cho đến khi có lịnh mới à.....Như việc rình rình hái lén trái bông non, ăn cho đở buồn miệng ... dưa chua giá bông vải ... giá bông vải xào tùm lum...Tôi biết nhiều bạn chưa "thưởng thức" món nầy lần nào ....

    Tiện đây tôi xin kể một số loại dưa chua mà ở thành thị ít có bán hoặc không thấy bao giờ: Dưa môn nè, dưa bồng bồng nè, dưa giá bông vải nè, dưa củ cải con nè, dưa màng màng nè….Tất cả các loại dưa chua nầy chấm nước cá kho thì ….coi chừng thiếu cơm! Đó là chưa kể một số ở dạng làm chua cấp tốc tức bóp xổi

    Khoảng năm 1955, họa sĩ Văn Cầm ở Ba Tri có dùng kén tằm để ghép thành hình của Lãnh Tụ thời ấy, NhàQuê tôi thấy hình rất giống, vì NQ chưa thấy người thiệt!!!!! Sau hơn có lần được nhìn Long Nhan

    Tấm hình được đem trưng bày trong Hội Chợ Tỉnh năm 1957 (?), sau đó nghe nói đem treo nơi Cụ ngự, trong cái đêm Cụ kinh lý và ngủ lại BT. Không nghe nói họa sĩ có được tưởng thưởng gì không!!

    Nhiều người mướn ông họa lại hình ông bà cha mẹ để thờ, NQ thấy ông cặm cụi kẻ ô vuông trên hình cũ và vẽ hình mới theo kích thước đặt hàng.

    Cái đặc biệt là người quá cố nào cũng được ông tặng cho đôi tay búp măng, ngón tay mũi viết, chân mang hài hoa hoặc giày hàm ếch ....được người nhờ vẽ ngợi khen vì ông bà cha mẹ mình trở nên sang trọng quá .....NQ tôi biết chắc chắn quý cụ ấy, tay chai sần sùi lao động đồng áng, guốc máng cán dù vì lâu lâu đi đám cưới mới mang một lần bị phồng chân, chưa bao giờ xỏ chân vào đôi giày....

    Ba tôi cũng được vẽ trong trường hợp đó, tôi thuyết phục mãi trong gia đình mới chịu thay thế bằng tấm hình chụp mà tôi đã nhờ tiệm hình phóng to lên, lúc đầu còn để một lúc cả hai khung...

    Họa sĩ Văn Cầm còn làm thêm công việc giặt nón nỉ ....sau nầy còn thêm mở nhà trọ ....

    Đó có lẽ là Nghệ Nhân mà bác Tươi Dương muốn nói chăng???

    NhàQuê May 21, 2007




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  4. Thành viên dưới đây cảm ơn NhàQuê vì bài viết hữu ích này


  5. #33
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Những "ngôi trường xưa Em học"


    Đoản Cuối: Lời Gởi Lại



    Tôi yêu một ngày như thế, một ngày thư thả, xoa hai tay mình vào nhau trước khi bước xuống khỏi hiên nhà nắng nhẹ.

    Tôi sẽ đến công viên, nơi ấy những cây cao cho tôi cảm giác mình nhỏ lại, để thấy tôi không là gì giữa hùng vĩ của đồi núi chung quanh, để thấy đám chim chóc hợp đàn dưới triền cạnh hồ kia, chúng chuẩn bị bay xa, chuyển mùa có lẽ!

    Một ngày nào đó theo tự nhiên của tạo hóa, tôi sẽ biến mất khỏi hành tinh, như một sự công bằng bất di bất dịch để trở về cát bụi, cùng lúc ấy một hay nhiều sự sống khác bắt đầu.

    Xin hàm ơn lần tôi được làm con người trên quả đất, làm nhân loại mà không phải là gì khác, giữa bao la nầy!

    Tạ ơn Ba Má tôi nghèo nàn nhưng đã cưu mang, dưỡng nuôi tôi ngạt ngào thể tựa ca dao, để lúc gian nan lời dạy khuyên của NGƯỜI vẳng tiếng. Làm tôi thấy cuộc đời đáng yêu đáng sống, đã cho tôi hình hài lành lặn không chi mặc cảm gọi là...và muôn trùng hy sinh mà tôi ân sủng!

    Cùng anh em, họ hàng nội ngoại xa gần đã chen chúc nhau giao cành gia phả, tôi làm nhánh rẽ xa dần rồi mất hẳn trong một ngày nào; Xin tạ lỗi!

    Cúi xuống quê hương triền miên đau khổ đã vắt cằn khô cho mầm vươn khôn lớn . Xin gởi về Vạn Dặm với bao giọt mặn xót thương từ giã !

    Vẫy chào con người, đất nước thân yêu từ đây chuyện nợ vay đầy vơi đến hồi kết toán.

    Cảm ơn con cháu cho tôi niềm vui yên bề, thành tựu!

    Nụ hôn sâu gởi cho người con gái đã không ngại ngần chọn tôi đi bên; Nhà tôi ơi!

    Những ngôi trường tôi đã qua , khép lại.

    NhàQuê NOV 28, 2005


    ** Những "ngôi trường xưa Em học" như một thứ hồi ký của một người không có gì trọng đại để làm việc đó. Chuyện có thể kéo dài theo những đề tài gợi nhớ, hiện về từ ký ức. Truyện chấm dứt lúc nào cũng không làm cho toàn truyện mất liên tục; Do đó xin được giải thích vì sao Ðoản Cuối xuất hiện .




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  6. Thành viên dưới đây cảm ơn NhàQuê vì bài viết hữu ích này


  7. #34
    Avatar của NhàQuê
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    NhàQuê đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2011
    Đến từ : Connecticut - United States

    Tuổi: 80
    Bài gửi : 1.403
    Thanks
    607
    Thanked 3.506 Times in 1.159 Posts


    Đoản Rời: Chuyện Còn Nóng Hổi

    Từ ngày có vụ BenTreHome tới giờ, tôi nhiều lần làm nhiều chuyện xưa nay chưa. Đó là người tiếp chuyện chưa bao giờ biết tôi hoặc quên bẳng đi.

    Mấy tháng trước tôi gọi thầy Phan Ngọc Gia, về vài phương diện nào đó, tôi gọi thầy bằng anh cũng tiện và thân tình, tôi bắt quàng mấy thằng bạn mà thầy và tôi đều quen biết.

    Nói đủ thứ chuyện từ Đông sang Tây, vòng quanh thế giới trong môt giờ. Anh gởi tôi mười mấy CD MéKong Ký Sự gói ghém thật cẩn thận. Tôi hứa coi xong sẽ ý kiến về ký sự truyền hình nầy. Mà tôi coi ba chớp ba nháng đứt đoạn nghĩa là tôi coi ké với Tư Lịnh của tôi khi nào tôi xong công việc BenTreHome trong ngày. Thành thử tôi vẫn chưa coi liên tục bất kỳ CD nào của toàn ký sự.

    Tôi cũng không hiểu tôi bận chuyện gì mà không gọi thăm anh từ lâu, để hôm nào xin lỗi anh và luôn tiện lảnh ít bộ Truyện Tàu hôm trước anh khoe cho khỏi uổng công anh sưu tầm! Tôi thưa thớt vậy chứ tôi biết chắc có bạn khác sốt sắng làm việc đó thay anh em trong BenTreHome; Đó là Bổn Báo Đặc Phái Viên KIM NGÂN! Tạm ổn việc lễ nghĩa với thầy Gia.

    Cái cô "phóng Viên nầy cùng "HỌ" như tôi, nghĩa là cùng nhà họ HỨA, hứa chứ ít khi nhớ mình hứa gì; Cô đừng thấy tôi nói vậy rồi nói non-stop nha! Tôi thí vụ cho cô biết là những chuyện như:"Đời Sống & Con Cái Ở Mỹ", "Ký Sự Du Nam Cali", "Ký Sự Du An Nam", "Bịn Rịn ...." ....Còn một lô nữa mà đợi hoài chưa thấy cô đưa lên hay là cô đang cộng tác viết độc quyền đâu đó ????

    Nhưng không sao, bù lại cô chuyển cho tôi tin tức và hình ảnh về thầy Lâm Vĩnh Thế; vậy thì tạm tha cho cô lần nầy hỉ!!

    Tôi gọi liền thăm thầy, rất tiếc không gặp. Cảm ơn cha nội nào chế ra cái máy ghi được ID người gọi và thầy Thế đã gọi lại tôi không lâu sau đó.

    Việc đầu tiên là tôi xưng hô cấp bực số quân (Năm Học), đồng đội gồm những ai nổi tiếng, nhắc ra là thầy nhớ liền....Nhưng thầy không nhớ vì hình như phòng Giám Học lúc đó đổi tên Gs liên tục trên thời dụng biểu đưa xuống các lớp, vừa chép xong thời dụng biểu nầy là đã có thời dụng biểu mới. Tôi nhớ có tên thầy trong trường hợp nầy ....Vậy coi như có học thầy đi hay là học hụt! ...Dù sao tôi còn nhớ rất rõ là thầy dắt chiếc Mobylette đi vào bằng cửa phụ tức cửa nhìn thẳng ra nhà thủy tạ của Hồ Chung Thủy.

    Thôi thì lại búa xua bao nhiêu chuyện, chuyện nào nhớ thì nói, hỏi nhau trước, vụt nghĩ là cúp liền giành chiếm đài liền để bên kia nói xong sợ mình quên đi.

    Sau Kiến Hòa, thầy về trông coi thư viện Đại Học Sư Phạm rồi được học bổng du học Hoa Kỳ, lấy Master tại Đại Học Syracuse về ngành Thư Viện; khi hồi hương, thầy có dạy đại Học Vạn Hạnh, vì thế Đỗ Quang Hạnh, quản thủ thư viện /THKH được dịp học thầy hai lần trong hai lãnh vực khác nhau.

    Trong tương lai gần BenTreHome sẽ đưa lên Diễn Đàn các bài nghiên cứu, biên khảo của thầy. Thầy hiện đã nghỉ hưu và không xa Toronto, Canada là bao

    Cái khoái nhất là nhờ đó tìm ra được "tung tích" thầy Trương Phan Nam Minh và chị Dương Bích Liên, cựu học sinh THKH/ 1957*. * dấu nầy có nghĩa là tương đương vì chị chuyển về THKH thời chị học lớp Đệ Tứ, cùng năm với thế hệ 1957

    Chị người Cần Thơ và thầy quê Long An mà Kiến Hòa đã trở nên thân thương; tôi có hứa cho chị nhập tịch Kiến Hòa nếu các bạn đồng ý cho tôi ẩm chức HỘ TỊCH.

    Tôi mường tượng thầy và chị Bích Liên theo hình ảnh 45 năm về trước ở góc độ đứng tựa lan can dãy lầu nhìn xuống, trong khi chờ đợi chị gởi hình cũ mới. Vậy các bạn cùng tôi chờ đợi, không lâu đâu để xem DUNG NHAN MÙA .... của thầy Nam Minh nay đã Thất Thập Cổ Lai Hy mà tiếng nói vẫn còn sang sảng như đang còn trên bục giảng, vẫn đùa, vẫn tếu ... thiệt là đã!.

    Bây giờ nói chuyện với quý vị thầy xưa rất thoái mái vì mấy "Ổng" ở xa lắm,nên dẫu cúp cua cũng chẳng làm sao mà "Ê mấy trò, vô đây học Pháp Văn" như thầy Bùi Văn Mạnh cho được!!!!

    Trong một dịp khác, tới đây tôi sẽ ghi lại những dòng tâm tình, có lẽ là những xúc cảm vô bờ của thầy Nam Minh và chị Bích Liên khi tôi gọi thăm - Trước đây và ngay cả bây giờ "thầy cô" vẫn chưa biết về tôi.

    Nhưng may mắn quá có Bùi Thị Ngọc Yến đâu mà gọi thăm chị Bích Liên cũng đúng lúc ấy. Cái Bà nầy thì biết tôi quá xá! Bà Yến nầy! Ta "Xóa Bỏ Hận Thù " Với Nhà Ngươi Rồi Đó! Tuần Sau Ta Sẽ Gọi, Hôm Nay Mother's Day gọi trật vì có vẻ Ta bị tuột chức thê thảm!

    Sẽ có "Ân Oán Giang Hồ" vì thầy Thế chỉ chỗ thầy Nam Minh cho tôi- Tôi nghe thầy Minh nói "Để ổng biết tay tôi!" Chờ xem

    Cuối cùng tôi báo cho các bạn một tin là tôi nói trúng bốc về vài chi tiết cụ Thân Sinh của thầy Nam Minh. Thầy phục tôi quá xá!! Thầy nói chưa bao giờ nói với bất kỳ ai chuyện nầy! Tôi cũng tự phục tôi nhớ dai hết biết.

    Không dám thử thầy đâu!

    NhàQuê




    TuyểnTập/HànhHương/ĐiễnĐànTINHKHÔI

    Thơ: Tầm Cao Ngôn Ngữ


  8. #35
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1
    + YouTube Video
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.


    NHỮNG NGÔI TRƯỜNG XƯA EM HỌC - Tác giả: Nhà Quê - Người đọc: Mai Mơ
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  9. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 4/4 ĐầuĐầu ... 2 3 4

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình