+ Trả lời chủ đề
Trang 23/23 ĐầuĐầu ... 13 21 22 23
Hiện kết quả từ 221 tới 229 của 229

Chủ đề: Sa mạc đỏ

  1. #221
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    124. TRẬN TỤY ĐỘNG -
    Vương Thông đại tướng chinh di
    Mã Anh tham tướng cấp kỳ kéo sang
    Trần Trí, Phương Chính bãi quan
    Tước luôn trật phẩm sung quân như thường
    Trần Hiệp do có tấu chương
    Giữ làm Tham tán lo đường quân binh
    Vương Thông ổn định tình hình
    Hội quân mười vạn đánh Bình Định Vương
    Khắp Thanh Oai mấy dặm đường
    Địch làm đồn lũy tựa nương liền kề
    Lý Triện, Đỗ Bí nhắm nhe
    Cho quân phục sẵn, đánh rê Mã Kỳ
    Giận vào binh pháp quên đi
    Gã dồn binh lực tiến về Tam La
    Phục binh Lý Triện đổ ra
    Giặc Minh tháo chạy liền sa đầm lầy
    Hơn ngàn sĩ tốt chết ngay
    Đuổi qua Nhân Mục bắt đầy năm trăm
    Mã Kỳ một ngựa thoát thân
    Báo cùng Phương Chính hợp cùng Vương Thông
    Thông cho trận địa bố phòng
    Nhữ quân ta đến chỗ chông sắt đầy
    Chiến tượng bèn phải dừng ngay
    Phục binh đổ đánh, Triện quày trở lui
    Rồi cho thám mã nhắn lời
    Gọi quân Đinh Lễ đến thời phản công
    Kể chi cái rét đêm đông
    Tướng quân Đinh Lễ thúc lòng ba quân
    Rồi cùng Nguyễn Xí duỗi rong
    Kéo sang Tụy Động bố phòng quân cơ
    Rồi nhân nhận được mật thơ
    “Hễ nghe tiếng súng là giờ hợp quân”
    Ban đêm vừa mới canh năm
    Lễ cho bắn súng ầm ầm làm tin
    Quả nhiên đã liệu tình hình
    Vừa nghe súng hiệu quân Minh tràn vào
    Bây giờ ta mới đánh nhào
    Thượng thư Trần Hiệp máu đào theo mưa
    Nội quan Lý Lượng chết bừa
    Có hơn năm vạn bị đưa xuống mồ
    Ta thu quân giới khí đồ
    Và hơn vạn lính thất cơ chịu hàng
    Mã Kỳ, Phương Chính …thoát thân
    Cùng Thông về lại Đông Quan giữ thành
    Đinh Lễ, Nguyễn Xí vây quanh
    Rồi sai báo tiệp cho Bình Định Vương
    Vương điều Hãn mạn hải dương
    Dẫn trăm thuyền chiến theo đường Hát Giang
    Giữ vùng Đông Bộ đồng bằng
    Lại sai Bùi Bị tiến sang Tây Kiều
    Còn Vương đốc lãnh binh liêu
    Đông Quan vây kín dựng lều chung quanh
    Gần xa các huyện châu thành
    Thảy đều thần phục uy danh của người.
    Vương bèn cắt đặt các nơi
    Cử quan văn võ trong coi khắp miền.
    VMT 22/09/2017 (còn nữa…)

  2. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  3. #222
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    125. VƯƠNG THÔNG XIN HÒA – QUÂN TA TỔN THẤT.
    Vương Thông bại trận liên miên
    Muốn về cố quốc nhưng hiềm chút danh
    Bèn đem tờ chiếu triều Minh
    Sai tìm con cháu tông linh họ Trần
    Ấy là viện cớ bãi quân
    Thư đi thư lại mấy lần bên ta
    Lê Lợi nghĩ đến sơn hà
    Chiến tranh dai dẳng cửa nhà nát tan
    Bèn theo kế ấy lo toan
    Cho người thông báo khắp toàn xứ ta
    Bấy giờ ở động Ngọc Ma
    Có người tông thất tên là Trần Cao
    Đích danh Trần Địch năm nào
    Gặp thời ly loạn đặt ào Hồ Ông
    Nhận là cháu của Nghệ Tông
    Vương bèn đón lấy lập phòng tôn Vua
    Vương Thông lại gởi thư đưa
    Triệt quân các chốn chỉ chừa Đông Quan
    Sau khi hợp đủ hoàn toàn
    Định cho ngày tháng để mang quân về
    Vương bèn ưng thuận mọi bề
    Lại cho chuẩn bị ngựa xe đàng hoàng
    Bấy giờ có bọn tướng hàng
    Trần Phong, Nhữ Hốt kêu van với Tàu
    “Mã Nhi ngày trước vong sầu
    Nhỡ đâu rút ván dưới cầu ai hay?”
    Vương Thông liền trở mặt mày
    Cài chông, đắp lũy, thư ngay Minh triều
    Báo rằng gặp trở ngại nhiều
    Hãy cho cứu viện sẽ liều tấm thân
    Phía ta bắt được bưu quân
    Vương nghe giận lắm tuyệt phần hòa binh
    Sai Lê Hưng đánh Bắc Ninh
    Trịnh Khả, Lê Khuyển đánh thành Tam Giang
    Sát, Thụ đi đánh Xương Giang
    Lê Bôi, Trần Lựu chiếm tràng Kỳ Ôn
    Chỉ vừa qua một tháng hơn
    Đều thu phục cả liền dồn Đông Quan
    Đinh Lễ đánh cửa phía Nam
    Lý Triện cửa Bắc đã dàn binh đây
    Lê Cực áp cửa phía Tây
    Trịnh Khả y kế trận bày cửa Đông
    Lại sai Nguyễn Trãi tâm đồng
    Viết thư khuyên địch kíp trông quy hàng
    Tướng Minh trấn giữ Nghệ An
    Là quan Thái Phúc thư sang nhận lời
    Diễn Châu trấn thủ ngời ngời
    Là quan Tiết Tụ cũng thời hàng ngay
    Đinh Mùi (1427) vào tiết tháng Hai
    Tướng Minh Phương Chính úp vầy Từ Liêm
    Lý Triện chết giữa trận tiền
    Nghĩa quân mất một tôi hiền tướng trung
    Tháng ba lại đến Vương Thông
    Đánh quân Lê Nguyễn bên đồng Hoàng Mai
    Lê Nguyễn cố thủ trong ngoài
    Rồi đưa tin báo nhờ bài viện binh
    Đinh Lễ, Nguyễn Xí nhận tin
    Dẫn theo chiến tượng đuổi Minh chạy dài
    Hậu quân chẳng kịp theo vai
    Ngang qua My Động còn vài trăm binh
    Vương Thông thấy được cảnh tình
    Trở lui lại đánh quân mình thua to
    Chiến voi sa xuống ao hồ
    Cả hai bị bắt trói gô giải về
    Vương Thông liền mới rủ rê
    Trăm ngày dụ dỗ ngón nghề đãi bôi
    Một đêm Xí trốn được rồi
    Lễ không khuất phục, Thông thời giết đi
    Nghĩa quân thương xót vô bì
    Công thần Triện, Lễ đáng ghi hàng đầu
    VMT 22/09/2017 (còn nữa…)

  4. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  5. #223
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    126. BÌNH ĐỊNH VƯƠNG ĐỊNH LUẬT AN DÂN
    Bao năm lo việc đánh nhau
    Nay thời chú trọng việc đầu là dân
    Trước tiên dẹp hết tà thần
    Quỷ ma dị đạo thì thân chịu đòn
    Những người lưu tán bản thôn
    Khuyên về nguyên quán lo đường làm ăn
    Những người theo giặc làm quan
    Bỏ tiền mà chuộc phục thân dân thường
    Giặc Minh hàng hoặc bị thương
    Đưa về nuôi ở Thiên Trường, Lý Nhân…
    Riêng về các tướng lẫn quan
    “Ba không” học lấy muôn phần nghiêm minh
    Một là không được vô tình
    Hai không khi mạn ngỡ mình tài nhân
    Ba không được phép gian dâm
    Cả ba điều ấy thâm tâm nhớ vào
    Hạ nhân trót có lỗi nào
    Cấm không sát hại, phải mào đúng sai
    Chỉ khi quân lệnh trên vai
    Mà không thực hiện phải nài luật binh
    Lại ban “thập thức nghiêm hình”
    Dạy cho quân lính tường minh rõ ràng:
    “Một là không được rộn ràng
    Hai không đặt chuyện hoang mang tinh thần
    Ba là chậm trễ việc quân
    Bốn xem cờ hiệu phải dừng tiến binh
    Năm nghe chiêng thúc lui mình
    Sáu không chểnh mảng, trận binh loạn nhàu
    Bảy không vợ trước con sau
    Tám không gian dối, gom thầu tiền nong
    Chín không vì lợi quên công
    Mười không trộm cắp, tư thông trái đời
    Hễ ai phạm phải đầu rơi
    Có công cứu mạng ấy thời được tha
    Từ khi luật ấy ban ra
    Toàn quân nghiêm kỷ dân đà tin yêu
    VMT 22/09/2017 (còn nữa…)

  6. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  7. #224
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    127. TRẬN CHI LĂNG – LIỄU THĂNG VONG MẠNG
    Giặc Minh đã tổn thất nhiều
    Cho người về tới Minh triều bày tâu
    Chu Đệ cử sáu tướng đầu
    Kéo theo mười vạn ngõ hầu đánh sang
    Viễn-hầu Chinh-lỗ Liễu Thăng
    Bảo-định Tham-tướng hộ tràng Lương Minh
    Thượng thư Lý Khánh bộ binh
    Thượng thư Hoàng Phúc điều hành bộ công
    Thôi Tụ đô-đốc quân phòng
    Đức Huân chính sứ văn-công nhiệm phần
    Sau điều Mộc Thạnh tướng quân
    Đàm Trung với cả Từ Hanh trợ cùng
    Cờ xe giáo mác điệp trùng
    Chia thành hai mũi đùng đùng kéo sang
    Nhiều người muốn đánh Đông Quan”
    Tuyệt đường nội ứng, Vương càng không nghe
    Rằng: “Ta hãy đợi sang hè
    Luyện rèn dưỡng sức mà đè viện binh
    Hễ như lũ ấy tan tành
    Thì quân trong ấy mở thành xin tha.”
    Liền cho dân mạn bắc ta
    Dời đi lộ khác cửa nhà để không
    Các nơi cắt đặt nghiêm phòng
    Vạn quân phục sẵn quanh vòng Chi Lăng
    Rồi sai Lê Lý, Lên An
    Dẫn binh ba vạn dềnh dàng kéo lên
    Bầy giờ giặc tới dậu phên
    Quân ta đánh nhử về miền Ai Lưu
    Liễu Thăng như sói đuổi cừu
    Thu đồn đoạt đất mắc mưu phía mình
    Vương liền gởi sớ bãi binh
    Tỏ ra khiếp sợ cầu xin nghị hòa
    Liễu Thăng chẳng nhọc xem qua
    Tràn quân xốc thẳng thật là hung hăng
    Đinh Mùi, tháng Chín qua rằm (1427)
    Đúng hôm mười tám Chi Lăng đã kề
    Trần Lựu, Lê Sát canh me
    Đem quân ra đánh rồi re chạy dài
    Liễu Thăng muốn cậy tài oai
    Dẫn trăm lính kỵ ra ngoài đuổi theo
    Qua vùng dốc núi cheo leo
    Phục binh đổ đánh ngay đèo Mã Yên
    Liễu Thăng chết giữa trận tiền
    Hai mươi tháng chín sử biên làm ngày
    Rồi từ thắng lợi ở đây
    Thừa cơ đuổi đánh giết rày vạn binh
    Hăm lăm chém được Lương Minh
    Ba hôm Lý Khánh quyên sinh trước lều
    Hoàng Phúc, Thôi Tụ hồn xiêu
    Dẫn quân còn lại chạy liều Thọ Xương
    Hay đâu đi mới nửa đường
    Bị quân Lê Sát tấp sườn đánh vô
    Thôi Tụ càng nổi hồ đồ
    Mở đường tháo thạy thẳng vô Xương thành
    Đến gần thám báo bẩm nhanh
    Thì ra Nguyên Hãn đã giành từ lâu
    Giặc Minh dạ héo tim sầu
    Giữa đồng hạ trại gió thâu bốn bề
    Vương sai Nguyên Hãn tức thì
    Chặn lương tiếp viện đoàn xe từ ngoài
    Lê Khôi, Nguyễn Xí …tướng tài
    Dẫn quân thiết đột miệt mài xông vô
    Năm vạn binh chết không mồ
    Hoàng Phúc, Thôi Tụ trói gô dẫn về
    Hàng binh ba vạn lê thê
    Tụ không chịu phục cho về tây thiên
    Vương đem ấn tín tịch biên
    Gởi cho Mộc Thạnh bên miền Lê Hoa
    Thạnh bèn định chạy từ xa
    Bị quân Trịnh Khả giết đà vạn tên
    Ngựa người mỗi thứ hơn nghìn
    Bị ta bắt được trói xiên dẫn về
    Sau khi bình định bốn bề
    Bèn đem tin tức truyền về Đông Quan
    Vương Thông lòng dạ hoang mang
    Viết thư ước hẹn đem quân về Tàu
    VMT 24/09/2017 (còn nữa…)

  8. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  9. #225
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    128. TRẦN CAO – THIÊN KHÁNH ĐẾ
    Trần Cao danh nghĩa đứng đầu
    Trú dinh Không Lộ làm màu cho sang
    Bây giờ dời xuống Ninh Giang
    Đứng tên dâng biểu gởi sang nước Tàu :
    “Kể từ Minh đế ngôi đầu
    Dụ Tông Trần Hạo đã chầu triều phiên
    Tước vương ngài đã ban liền
    Nối đời giữ cõi hai miền đẹp thay
    Họ Hồ thoán nghịch cao dày
    Thiên triều hỏi tội loạn này dẹp đi
    Tổng binh Trương Phụ chưa gì
    Đặt làm quận huyện cớ nghi bất hòa
    Tôi bèn lánh nạn Lão Qua
    Không ngờ dân nước nhớ nhà vua xưa
    Ép tôi phải nhận chức bừa
    Gây ra cái cảnh gió mưa bấy rày
    Sợ rằng vạ gió tai bay
    Chúng dân phòng bị chốn này giữ thân
    Chẳng may cho phía quan quân
    Hành binh mệt mỏi lại phần đường xa
    Bọn voi nghe tiếng chạy ra
    Ngựa thời sợ hãi, quân đà rối ren
    Thực tình gây lỗi làm phiền
    Bao nhiêu binh ngựa giữ yên trả về
    Dám xin Hoàng thượng đoái nghe
    Thể theo tiên đế giữ bề nước trên
    Hãy tha lấy tội kẻ hèn
    Người nam lại được triều phiên như thường
    Nhờ người dâng đến triều đường
    Kèm theo nhân mã, tấu chương cẩn trình”
    - Tượng vàng hai bức thay mình
    - Một lư hương bạc, đôi bình ngân hoa
    - Ba mươi tấm lượt châu sa
    - Rồi thêm mười bốn cặp ngà lâu năm
    - Mười hai bình đốt hương trầm
    - Đúng mười hai khối kỳ nam thượng thừa
    - Dó bầu hai vạn nén lưa
    - Hổ phù một cặp xin đưa trả về
    - Đài ngân hai dấu chỉnh tề
    - Quan quân, nhân mã, sổ kê…rõ ràng
    Tuyên Tông thấy vẹn đôi đàng
    Biết rằng giả đấy phong tràn Trần Cao
    Lý Kỳ bộ Lễ sang trao
    Ban cho tiết-liệt cờ mao Minh triều
    Bấy giờ các tướng một điều:
    “Cao không tài cán, giết liều là xong”
    Vương càng nghĩ ngợi trong lòng
    Thực tình hậu đãi như không chuyện gì
    Trần Cao thẹn quá trốn đi
    Quan quân bắt được đưa về Đông Quan
    Mồng mười tháng một Mậu Thân (1428)
    Uống ly rượu độc giã trần mà đi
    VMT 26/09/2017 (còn nữa…)

  10. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  11. #226
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    129. DẸP HẾT GIẶC MINH – THÁI BÌNH KHỞI TẠO
    Bãi binh đã đến hạn kỳ
    Giặc Minh chuẩn bị kéo về bên kia
    Nhớ khi phụ tử chia lìa
    Bao người chết thảm đầm đìa máu loang
    Tướng quân có kẻ mới bàn
    Hay là giết quách cưu mang làm gì?
    Vương rằng: « Xin chớ sân si
    Phục thù bản tánh thường chi của người
    Giặc Minh nay đã hàng rồi
    Chỉ vì thỏa giận miệng đời cười chê
    Hãy vì đất nước sơn khê
    Hãy vì mấy vạn phu thê tác thành
    Hãy vì muôn vạn đầu xanh
    Tránh đi cái họa chiến tranh lâu dài
    Lưu truyền thiên cổ nào phai
    Tấc lòng hào hiệp, đức tài nghĩa quân »
    Rồi cho xếp đặt mấy phần
    Mã Kỳ, Phương Chính năm trăm chiếc thuyền
    Mã Anh hai vạn binh hiền
    Đã từng bị bắt trận tiền ngày nao
    Sơn Thọ, Hoàng Phúc được giao
    Lục quân, lương thảo, khí đồ, binh trang
    Vương Thông tề chỉnh lối hàng
    Bộ binh mấy vạn theo đàng mà đi
    Đích thân Lê Lợi dõi trì
    Không còn bóng giặc mới thì trở lui
    Mậu Thân xuân đã đến rồi
    Trần Cao nay đã là người thiên cung
    Bèn cho sứ giả liên thông
    Báo rằng ngài ấy đã không giữ mình
    Tuyên Tông họp cả triều Minh
    Các quan đều muốn lập tình bang giao
    Bèn ban tiết liệt cờ mao
    Quốc vương sắc chỉ cho trào An Nam
    Nước nhà nay đã bình an
    Vương sai Nguyễn Trãi tuyên ban cáo thành
    Từ nay Ngài đã chính danh
    Là vua một nước thái bình ngàn năm
    VMT 26/09/2017 (còn nữa…)

  12. 7 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  13. #227
    Avatar của VỀ MIỀN TRUNG
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    VỀ MIỀN TRUNG đang ẩn
    Tham gia ngày : Jul 2011

    Bài gửi : 1.848
    Thanks
    5.973
    Thanked 13.000 Times in 1.851 Posts
    130. CÁO BÌNH NGÔ
    Thay trời hành hóa trăm dân
    Thượng hoàng loan chiếu xa gần lắng nghe:
    “Yên dân nhân nghĩa là lề
    Nghĩa quân điếu phạt diệt tề trừ gian
    Nước ta từ thuở Văn Lang
    Một nền văn hiến rỡ ràng đã lâu
    Núi sông bờ cõi cách nhau
    Bắc Nam phong tục muôn màu khác xa
    Triệu, Đinh rồi Lý, Trần ta
    Xây nền độc lập thực là oai nghiêm
    Hán, Đường rồi đến Tống, Nguyên
    Xứ Tàu hùng cứ hai bên khác vùng
    Tuy rằng mạnh yếu đã từng
    Kể ra hào kiệt, anh hùng nhiều thay
    Lưu Cung thất bại đã tày
    Đến như Triệu Tiết cũng rày thân vong
    Toa Đô – Hàm Tử chịu gông
    Mã Nhi – Sông Bạch máu hồng đã loang
    Chuyện xưa xem xét rõ ràng
    Tích còn lưu đó một trang sử nhà
    Họ Hồ chính sự phiền hà
    Lòng dân oán hận, nước nhà lầm than
    Giặc Minh dấy họa hung tàn
    Bọn gian bán nước giàu sang phận mình
    Dân đen chịu đủ nhục hình
    Đầu rơi, máu chảy, nướng mình lửa than
    Dối trời kế sẵn muôn ngàn
    Hai mươi năm kết nghiệt oan chất đầy
    Một nền nhân nghĩa bại thay
    Sưu cao thuế nặng vét tày núi sông
    Thương người mò ngọc giữa dòng
    Ngán thay cá mập, thuồng luồng nuốt ngang
    Khốn người đãi cát tìm vàng
    Rừng sâu nước độc võ vàng bệnh đeo
    Dò chim, lưới trải khắp đèo
    Bẫy hươu, cạm đặt cheo leo đầu nguồn
    Hại luôn cây cỏ côn trùng
    Nhóc nheo góa bụa khốn cùng chẳng tha
    Bao thằng nanh vuốt dương ra
    Mỡ màng ngập cổ thân đà còn tham
    Xây nhà, đắp đất, khai hoang
    Sức nào phục dịch lũ quan hại người
    Phu phen nặng tựa núi đồi
    Cửi canh tan tác một thời còn đâu
    Trúc Nam chẻ quyển mà xâu
    Không ghi hết tội lũ Tàu ác ôn
    Biển Đông dẫu múc cạn nguồn
    Cũng không rửa sạch được luồng máu tanh
    Lẽ nào trời đất dung tình
    Làm sao bách chúng khom mình chịu oan
    Ta đây dấy nghĩa núi Lam
    Chọn nơi hoang dã trú quân chờ thời
    Đại thù không đội chung trời
    Căm bè hại nước một đời tử sinh
    Mười năm nhức óc đau mình
    Nằm gai nếm mật lao linh mấy mùa
    Binh thư đã đạt thượng thừa
    Thay ngôi nhẽ ấy hơn thua ngẫm hoài
    Băn khoăn trằn trọc canh dài
    Một niềm vì nước không phai tấc lòng
    Phất cờ lấy lại non sông
    Là khi đối mặt thù trong giặc ngoài
    Tuấn kiệt hiếm tựa sao mai
    Mùa thu lá rụng nhân tài về đâu
    Không người giúp đỡ canh thâu
    Lấy ai bàn bạc dãi dầu khó khăn
    Trời Đông chí hướng giang san
    Cầu hiền khắp cõi, bậc sàn chờ đây
    Trông người mờ mịt trùng vây
    Dốc lòng ta phải cứu ngay lấy mình
    Phần lo vận nước điêu linh
    Phần căm lũ giặc tung hoành nhiễu nhương
    Linh Sơn mấy tháng tuyệt lương
    Lúc về Khôi Sách quân dường còn trăm
    Trời giao sứ mệnh ngàn năm
    Đành thôi khắc phục gian nan gánh gồng
    Nhân dân bốn cõi một lòng
    Dựng lên cần trúc cờ hồng tung bay
    Tướng binh ruột thịt chung tay
    Nước sông hòa rượu chén này uống chung
    Xuất quân lấy yếu địch hùng
    Chọn đường mai phục ít công với nhiều
    Bởi đem nhân nghĩa, tình yêu
    Để thay cường bạo, thắng điều tàn hung
    Bồ Đằng sét giật sấm rung
    Trà Lân trúc chẻ bụi rần tro bay
    Quân ta càng đánh càng hay
    Thanh danh sĩ khí cao dày hơn lên
    Trần Trí, Sơn Thọ mất hồn
    Lý An, Phương Chính trốn luôn một lèo
    Quân ta thừa thắng đuổi theo
    Kinh đô đất cũ thu về Tây – Đông
    Ninh Kiều máu chảy tanh sông
    Xác phơi Tụy Động đầy đồng mãi dơ
    Lấy đầu Trần Hiệp tế cờ
    Tấm thân Lý Lượng bơ vơ không hồn
    Vương Thông gỡ thế lửa dồn
    Mã Anh cứu trận, càng nôn nóng liều
    Giặc kia thúc thủ sắp tiêu
    Trí cùng lực kiệt sớm chiều mạng vong
    Ta đây mưu phạt tâm công
    Định thôi chiến sự, có lòng bãi binh
    Tưởng đâu chúng đã hối mình
    Ai hay mưu tính đoạn tình gây oan
    Nhất thời tâm địa sài lang
    Tham danh phút chốc thế gian chê cười
    Tuyên Tông binh động chưa thôi
    Thạnh, Thăng chữa cháy dầu hôi chế vào
    Đinh Mùi tháng chín hanh hao
    Thăng đưa binh lực ào ào Khâu Ôn
    Tháng mười Mộc Thạnh quân dồn
    Vân Nam ngõ ấy đã luồn tiến công
    Ta điều binh mũi tiên phong
    Lại cho tướng giỏi chặn phòng quân lương
    Chi Lăng họ Liễu cùng đường
    Mã Yên chốn ấy một gươm cụt đầu
    Lương Minh chẳng khác gì đâu
    Hăm lăm tháng chín rơi đầu chết đi
    Thượng thư Lý Khánh tu mi
    Kế cùng tự vẫn sợ vì nhục thân
    Thuận đà kiếm lộng ba quân
    Bí đường giặc phải đưa lưng chịu đòn
    Nghĩa quân bốn mặt vây dồn
    Hẹn rằm tháng tới diệt luôn giặc này
    Kén dùng dũng sĩ tài hay
    Trung quân chọn những tôi ngay giúp mình
    Gươm mài đá phải nhẵn tinh
    Chiến voi đã sẵn sóng kình nào ngăn
    Đánh cho giặc phải vỡ tan
    Đánh cho quân giặc bàng hoàng mới thôi
    Gió to thổi sạch lá rồi
    Thọc vào tổ kiến như thời chữa đê
    Thôi Tụ đầu cúi gối lê
    Thượng thư Hoàng Phúc trói rê xin hàng
    Xác người chất phủ Lạng Giang
    Máu hồng đỏ nước Bình Than bấy chày
    Sắc phong vân đổi, ghê thay !
    Trời trăng ảm đạm nỗi này thấu chăng
    Mộc Thạnh nghe chuyện Liễu Thăng
    Tiêu hồn mất vía thoát thân chạy dài
    Lãnh Câu tiếng khóc bi ai
    Dòng sông đặc máu còn hoài mùi tanh
    Cỏ hoa Đan Xá tan tành
    Xác thây quân giặc xây thành núi cao
    Viện binh hai đạo ngã nhào
    Giặc Minh khốn đốn ào ào xin thua
    Hàng binh bắt đã mấy mùa
    Cúi đầu khẩn khoản xin chừa mạng cho
    Ta đây nghĩ đến cơ đồ
    Lấy uy Thần Vũ mà lo mọi đường
    Mã Kỳ, Phương Chính viễn dương
    Năm trăm thuyền lớn mà dường còn say
    Vương Thông, Hoàng Phúc ngựa đầy
    Trở về cố quốc hồn bay mất rồi
    Giặc vì tham sống giữa đời
    Thực lòng hòa hiếu giữ lời rút quân
    Ta vì nghiệp cả nhân dân
    Nghỉ ngơi dưỡng sức muôn phần là hơn
    Diệu kỳ chiến lược chu toàn
    Ngẫm trong trời đất một đàng xưa nay
    Vững bền xã tắc từ đây
    Càn khôn tăm tối giờ này sáng trong
    Vầng dương đã rạng ánh hồng
    Ngàn năm vết nhục đã thông sạch làu
    Thái bình muôn thuở vàng thau
    Tổ tông phù hộ nhiệm mầu linh thiêng
    Tưng bừng chiến thắng mọi miền
    Ngàn năm công trạng nhãn tiền liệt oanh
    Bốn phương biển rộng thanh bình
    Xa gần bá cáo loan tin vui mừng”

    VMT 27/09/2017 (còn nữa…)
    *Bài chuyển thể dựa theo bản dịch của Ngô Tất Tố
    Lần sửa cuối bởi VỀ MIỀN TRUNG; 03-11-2017 lúc 09:10 PM

  14. 7 Thành viên dưới đây cảm ơn VỀ MIỀN TRUNG vì bài viết hữu ích này


  15. #228
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Nguyễn Ích Thông đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2016

    Tuổi: 70
    Bài gửi : 238
    Thanks
    2.209
    Thanked 1.320 Times in 236 Posts
    Blog Entries
    2
    Chú ý; Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn ngay từ đầu. Xin xem lại mục `119, câu :
    " Vương vào gặp hỏi sự tình
    Thì ra Nguyễn Trãi hay tin theo về" - lúc đó đã là năm 1420
    Thực ra ông có mặt trong 18 người cùng Lê Lợi tham gia hội thề Lũng Nhai(Mùa đông, năm Bính Thân-1416). Đó là:
    1. Lê Lai (người Dựng Tú, nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa).
    2. Nguyễn Thận (người Mục Sơn, nay là xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
    3. Lê Văn An (Người cùng quê với Nguyễn Thận).Mùa đông, năm Bính Thân (1416)
    4. Lê Văn Linh (người Hải Lịch, nay thuộc xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
    5. Trịnh Khả (người Kim Bôi, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
    6. Trương Lôi (người Thu Mệnh, sau, ông trở thành gia thần của Lê Lợi. Ông và Vũ Uy là hai người được Lê Lợi sai đi cày ruộng ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi) (1).
    7. Lê Liễu (người cùng quê với Lê Lợi) (2)
    8. Bùi Quốc Hưng (người Cống Khê, nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây)
    9. Lê Hiểm (người dân tộc Mường, quê ở thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thành Hóa).
    11. Vũ Uy (người cùng làng với Trương Lôi).
    12. Nguyễn Trãi (tổ tiên người làng Chi Ngại nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng, sau dời về làng Nhị Khê, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây).
    13. Đinh Lễ (người làng Thúy Cối, nay thuộc Lam Sơn, Thanh Hóa).
    14. Lưu Nhân Chú (người làng Vạn Yên, nay thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái).
    15. Lê Bồi người làng Nguyễn Xá, huyện Lương Giang, nay thuộc Thanh Hóa.
    16. Nguyễn Lý (người làng Dao Xá, nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
    17. Đinh Lan (người làng Thúy Cối, cùng quê với Đinh Liệt).
    18. Trương Chiến (người làng Thu Mệnh, cùng quê với Trương Lôi) (3).
    Tại Hội thề Lũng Nhai , Lê Lợi cùng các bậc hào kiệt thân tín kể trên đã long trọng thề cùng hồn thiêng sông núi rằng:
    “Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, tuy họ hàng quê quán khác nhau, nhưng nguyện kết tình thân như một tổ, liền cành, phận vinh hiển dẫu có khác nhau, nghĩa vẫn thắm như chung một họ”.
    “Quân bằng đảng xâm lấn, vượt cửa quan làm hại, cho nên, Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến, cộng cả thảy 19 người, cùng chung sức chung lòng, giữ cho đất nước được yên, khiến xóm làng được ổn, thề sống chết có nhau, không dám quên lời thề son sắt”.
    “Nếu như Lê Lợi cùng với Lê Lai, xuống đến Trương Chiến ai thay lòng đổi dạ, núp bóng quân thù để cầu lợi trước mắt, không bền chí hoặc quên lời thề ước, thì kính xin trời đất và các đấng thần linh, hãy giáng trăm tai ương, khiến bản thân cho tới họ hàng và con cháu đều bi tru diệt, chịu hết mọi hình phạt của trời” .
    Lần sửa cuối bởi Nguyễn Ích Thông; 05-11-2017 lúc 08:27 PM

  16. 4 Thành viên dưới đây cảm ơn Nguyễn Ích Thông vì bài viết hữu ích này


  17. #229
    Bạn Thâm Giao
    Hiện Đang :    Nguyễn Ích Thông đang ẩn
    Tham gia ngày : Jan 2016

    Tuổi: 70
    Bài gửi : 238
    Thanks
    2.209
    Thanked 1.320 Times in 236 Posts
    Blog Entries
    2
    Chú ý:
    1- Trần Cảnh lên ngôi đặt niên hiệu là Kiến Trung. Khi mất quần thần tôn miếu hiệu là Thái tông.Như vậy khi vua còn sống không gọi theo miếu hiệu mà gọi là Kiến Trung hoàng đế, rồi đến năm 1252 đổi niên hiệu , gọi là Nguyên Phong hoàng đế:
    (Xin xem lại câu: "Trần Cảnh lấy hiệu Thái Tông
    Phong bà Hoàng hậu tình hồng đẹp sao")
    2- Xin xem lại: "Mười năm thắm nghĩa lan đào
    Hạ sinh hoàng tử biết bao vui mừng (1233) "
    - Lấy vơ năm 1225 đến năm 1233 mới có tám năm thôi chứ thầy? (Nguyễn Ích Thông)

    - Năm 1024, Trần Cảnh theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ đã vào cung thân cận bên Lý Chiêu Hoàng. Năm 1033, hai người có con. Vậy nói tình cảm 10 năm thì không có gì là sai cả.(VỀ MIỀN TRUNG)

    Xin phép nói thêm với thầy:
    Năm 1224(chứ không phải 1024) Trần Cảnh theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ đã vào cung hầu cận bên cạnh Lý Chiêu Hoàng nên lúc đó chưa "thắm nghĩa lan đào" được đâu mà chỉ là phận chúa tôi
    Xem thêm Đại Việt sử ký toàn thư:
    "...Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?.
    Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm"
    Theo tôi nên sửa. Nguyễn Ích Thông
    Lần sửa cuối bởi Nguyễn Ích Thông; 14-01-2018 lúc 10:02 PM

  18. Thành viên dưới đây cảm ơn Nguyễn Ích Thông vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề
Trang 23/23 ĐầuĐầu ... 13 21 22 23

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình