+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 1 của 1

Chủ đề: Truyện trào phúng. /Stawomir Mrozek; Lê bá Thự dịch. - Ba Lan

  1. #1
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    Sao Hôm đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 1.046
    Thanks
    7.586
    Thanked 5.571 Times in 1.016 Posts

    Truyện trào phúng. /Stawomir Mrozek; Lê bá Thự dịch. - Ba Lan

    Diễn viên


    Đám tang người diễn viên nổi tiếng diễn ra giữa mùa đông. Bão tuyết quất mạnh vào đầu để trần của những người dự lễ mai táng. Đám đông đứng quanh huyệt chưa lấp nghe điếu văn, họ phải ráng chịu, đợi giây phút khi các bài phát biểu hoàn tất, mỗi người sẽ thả một nắm đất xuống huyệt và rồi lại có thể đội mũ.
    Lúc này chiếc mũ lông của một thân hữu của người quá cố, cũng là một diễn viên nổi tiếng, tuột khỏi tay anh ta và rơi xuống huyệt.
    Tất cả mọi người đều nhìn thấy, nhưng không một ai để lộ là mình đích mục sở thị. Ai cũng hiểu rằng, người diễn viên kia lúc này thật là khó xử.
    Bò xuống huyệt để lấy mũ chăng, không tiện. Để mũ nằm dưới đó chăng, có hoạ là đồ ngu. Chẳng những vì thế nào rồi cũng sẽ bị cảm lạnh, chẳng những vì sẽ phí mất chiếc mũ, mà cứ cho là như vậy đi. Cái chính là vì khi về đến nhà đầu óc sẽ bị ám ảnh, mình đang ở đây, còn mũ mình lại ở chỗ ấy, ở dưới mộ, cho dù là mộ người khác, rằng mũ mình nó đã đi trước mình và đang đợi mình dưới đó, thậm chí có khi nó sẽ gọi mình xuống – ôi, khủng khiếp quá.
    Mọi người nhìn với vẻ ái ngại, anh ta làm gì bây giờ đây. Nhưng người diễn viên tỏ ra không hề nao núng, còn khi đến lượt mình anh ta phát biểu như thế này:
    – Hỡi Người bạn quý mến và muôn năm thương tiếc của tôi ơi! Bạn từ giã chúng tôi vào ngày lạnh buốt như thế này. Thế mà ở nơi chín suối, một cái lạnh còn tê buốt hơn đang chờ bạn, cái lạnh Vĩnh hằng.
    Anh ta ngừng giây lát và những người có mặt không thể không thán phục tài năng của người diễn viên này.
    – Trong chuyến đi xa này tôi có thể tặng bạn cái gì được đây? Chỉ có nỗi buồn biệt ly khôn xiết của tôi, sự kìm nén không cho phép tôi nói: tuyệt vọng, còn biểu tượng cho thứ gần gũi tôi nhất, cái mũ đội đầu tôi. Phải, tôi xin tặng Bạn, tôi từ bỏ nó vì Bạn. Bởi lẽ ở đó, nơi bạn sắp đến, Bạn sẽ còn lạnh hơn chúng tôi ở nơi đây lúc này. Mong rằng dưới cõi âm chiếc mũ của tôi sẽ phục vụ bạn đắc lực như nó đã từng phục vụ tôi trên cõi trần.
    Tiếng rì rầm thán phục nổi lên.
    – Song, lạy trời! – chỗ này người diễn viên ôm đầu. – … Tôi làm như vậy có phải không? Bạn từng nổi danh là người cực kỳ khiêm tốn, sự khách sáo và mọi cái hình thức bên ngoài đều xa lạ với Bạn, mà cái mũ này làm bằng da cáo vùng Xibêri, hầu như còn mới nguyên, giá những hai ngàn năm trăm zlôty. Phải chăng thay vì cung phụng cho Bạn, điều thể hiện tấm lòng thành của tôi, tôi không làm phiền lòng bạn vì sự phung phí của trần gian, sự xa hoa của thời nay, sự hào nhoáng đáng thương mà bạn đã luôn luôn chán ghét trên cõi trần và cũng sẽ không thích hợp dưới cõi âm? Cho nên, tôi bắt đầu thấy phân vân về giá trị của hành động của tôi, dẫu rằng tôi đã làm việc đó với niềm tin sâu sắc nhất.
    Đám đông nín thở. Còn người diễn viên ra hiệu cho người thợ đào huyệt lấy chiếc mũ dưới huyệt lên đưa cho anh ta. Khi người thợ đào huyệt này làm theo yêu cầu, người nghệ sĩ cầm lấy chiếc mũ cát két cũ nát của anh ta, tay nâng chiếc mũ bên trên huyệt, ngừng một lát đoạn kết thúc:
    – Xin Bạn hãy nhận thứ Bạn khả dĩ chọn, nếu như bạn có thể chọn!
    Sau đó anh ta thả chiếc mũ cát két xuống huyệt bằng một cử chỉ hết mực thành tâm, được tính toán hết mực chính xác về thời gian và không gian, đến độ tiếng vỗ tay vang lên. Người diễn viên cúi khom người về phía mộ, nhưng chỉ một phần tư vòng quay. Ai cũng biết không được cúi chào quay mông vào khán giả.
    Chẳng biết sau đó người nghệ sĩ có đền cho người thợ đào huyệt đồng nào về chiếc mũ cát két nọ. Một số người bảo rằng, anh ta chỉ bắt tay người thợ đào huyệt, khi người này không dám len qua đám đông người hâm mộ nghệ sĩ để đến đòi tiền. Có điều, một nghệ sĩ thực thụ thì không phải trả tiền, mà anh ta đúng là một nghệ sĩ thực thụ.
    .
    Nhà bảo tàng văn học


    Nhà tôi bị mất con cún, con tôi buồn như chấu cắn, vì cháu rất yêu chó. Tôi bèn cho con đi thăm bảo tàng một nhà thơ nổi tiếng. Để cháu nó khuây khỏa và nhân tiện bồi bổ kiến thức.
    Tôi mua vé vào cửa, hai cha con đợi cho đến khi đủ một nhóm người xem, sau đó người hướng dẫn của nhà bảo tàng mới dẫn chúng tôi vào thăm các căn phòng của nhà thơ. Nhà thơ mất cách đây đã trăm năm, bảo tàng này chính là nhà ở của ông được biến thành nhà bảo tàng. Bên cạnh quầy bán vé có một quầy sách gồm các tác phẩm do nhà thơ viết. Sách thì vẫn là sách, chẳng có gì hay ho.
    Nhóm người đã đủ con số, người hướng dẫn đưa chúng tôi vào tiền sảnh.
    – Bên trái các vị là nhà tắm của thi hào, – người hướng dẫn thuyết minh. Chúng tôi thò đầu vào xem, vì cửa mở, có điều bước vào trong thì không được, một sợi dây gấm màu đỏ thắm chăng ngang chắn lối vào. Trên chậu rửa có một hộp đựng xà phòng. Trên miếng xà phòng có biển đề: “Bánh xà phòng nhà thơ ưa chuộng”.
    – Có được ngửi không ạ? – một chị hỏi.
    – Cấm ngửi, – người hướng dẫn nói. – Nhưng các nhà nghiên cứu khẳng định, hàng ngày nhà thơ vẫn rửa bằng bánh xà phòng này.
    – Rửa cả tai nữa hả chú? – con tôi ái ngại hỏi.
    – Im mồm, – tôi chặn họng thằng bé. – Đừng có mà quấy rầy người lớn khi họ đang thưởng lãm. Đương nhiên là cả tai nữa. Con mà chịu khó rửa tai thì mai kia con cũng sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng.
    Tiếp nữa là phòng khách và phòng ngủ của nhà thơ. Bàn ghế làm bằng gỗ bồ đào, khá đẹp, nhưng chẳng có gì hấp dẫn. Một chị toan sờ tay vào đệm, song cũng bị cấm, kể cả trả thêm tiền.
    – Thưa các quý vị, đây là phòng làm việc của nhà thơ, – người hướng dẫn thuyết minh, đoạn mời chúng tôi bước vào.
    Một bức tượng nhà thơ to bằng kích thước thực ngồi bên bàn làm việc. Tái dựng y như còn sống, có lẽ bằng sáp. Ông vận áo choàng. Tay cầm bút máy, trên bàn thấy có một tờ giấy có chữ viết.
    – Đây là bản thảo, vì chép tay, – người hướng dẫn giải thích. – Các nhà nghiên cứu qủa quyết như vậy. Chỗ này chúng tôi muốn giới thiệu, nhà thơ đã viết bài thơ nổi tiếng của mình như thế nào. Các vị còn nhớ bài thơ này hay không? Bài thơ có đoạn:
    Tổ quốc ơi,
    con trong cánh tay Người,
    như đứa trẻ Người ru,
    cho bú sữa hồn Người…
    – Bố ơi, nhìn kìa! – con tôi thét lớn, – nom y hệt như ở nhà ta!
    Tôi nhìn. Qủa nhiên tôi thấy dưới gầm bàn làm việc của nhà thơ có một cái vỏ chai nằm lăn quay, đã hết nhẵn rượu.
    – Mấy ông họa sĩ vứt lại hôm đến đây tu sửa, – người hướng dẫn giải thích. – Cái chai này không phải là hiện vật của nhà bảo tàng.
    Lúc này tôi phát hiện thấy trên cái đầu hói của nhà thơ có dòng chữ: “Tôi đã tới đây. Kazik”.
    Chắc là nhà thơ ghi chép ngay cả khi không có mảnh giấy nào trong tay, – tôi nghĩ bụng. – Đúng là một thi hào. Nhưng cái gì ở bên dưới thế này?
    Ngay dưới dòng chữ nói trên, một dòng chữ thứ hai:
    Mày giở trò gì vậy, đồ đểu?”. Và chữ kí: “Người bạn của Văn học”.
    Đây có lẽ không phải chữ của nhà thơ, – tôi nghĩ bụng. – Nét chữ hoàn toàn khác.
    Tôi quan sát chung quanh. Con tôi định lôi ngăn kéo ra, song người hướng dẫn không cho. Trong khi đó một chị chụp ảnh, những người khác tranh cãi với nhau, đây là nhà sở hữu hay nhà thuê. Người hướng dẫn không thể giải thích được điều gì vì bận đuổi theo đứa bé đang trượt trên nền nhà được đánh xi bóng nhoáng như ở mọi nhà bảo tàng khác.
    Tôi rút bút bi và viết dưới dòng chữ: “Người bạn của Văn học”: “Nhà tôi bị mất con cún. Ai dắt đến giùm xin hậu tạ...”.
    Hàng ngày có khá đông khách đến thăm nhà bảo tàng và rồi ai cũng sẽ đọc dòng chữ này. Biết đâu tôi lại tìm được con cún.
    .
    Tượng thi hào


    Chúng tôi được cấp một khoản ngân quỹ để dựng tượng thi hào Adam Mickiewicz(1). Song vì có nhiều nhu cầu nên chúng tôi đã mượn tạm khoản tiền này để chi cho các việc khác. Thi hào vốn yêu quý dân tộc mình, cho nên chắc ông không phản đối. Tuy nhiên, sắp đến thời hạn khánh thành tượng với sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao của địa phương. Chúng tôi bèn triệu tập một cuộc họp.
    – Thưa các quý vị! – Giám đốc khai mào. – Tình hình gay. Thi hào đã có nhiều cống hiến, tiền đã được cấp, tượng đài không. Làm sao bây giờ?
    Vấn đề cực kì nan giải. Bệ tượng thì dễ, chỉ cần một tảng đá to đặt lên vạt cỏ là xong. Nhưng hình người thì lấy đâu? Lại phải làm bằng đồng đỏ, đào đâu ra ngần ấy tiền. Còn phải thuê nghệ sĩ đúc tượng nữa chứ, khoản này cũng ngốn ối bạc.
    Trong thị trấn của chúng tôi có một ông về hưu. Chúng tôi bèn đến gặp ông ta và đề nghị:
    – Ông sẽ đứng trên bệ đá trong tư thế tượng đài và đóng vai Mickiewicz. Vinh dự cho ông mà lại được trả thù lao. Chỉ có điều, tuyệt nhiên ông không được nhúc nhích, dù chỉ là một milimét, không được nghiêng ngả, ngay cả gãi ngứa cũng không . Ông nghỉ hưu, ối thời gian, công việc nhẹ nhàng, ngoài trời, thoáng đãng, còn khoản thù lao ông sẽ được nhận cũng tốt cho ông.
    – Tôi không đứng mà nằm có được không? – ông già nói. – Dạo này chân tôi yếu lắm.
    – Ông muốn hơi bị nhiều đó. Trường hợp này là may cho ông, vì không phải là tượng Nữ thần chiến thắng. Nếu là Nữ thần chiến thắng thì ông phải đóng vai một phụ nữ, hở ngực, vác thanh kiếm nặng chịch, to đùng.
    Lễ khánh thành diễn ra suôn sẻ. Trước mắt những người dự lễ, thi hào hiện hữu như còn sống. Ngài vận y phục đuôi dài, sách cắp nách, một tay cầm bút lông, tay kia chỉ về phía xa. Đầu đội vòng nguyệt quế.
    – Đẹp – đại diện chính quyền khen – Rất thực. Phải cái nét mặt nom có vẻ không thông minh.
    Một thời gian sau mọi chuyện đều tốt đẹp. Mỗi ngày tám tiếng ông già đứng trên tảng đá theo đúng yêu cầu, lúc nào đau chân thì lão sang ngồi bên quán rượu đối diện và đợi tín hiệu khi có đoàn tham quan hoặc khách đến xem. Khi đó ông già bò trở lại và đứng trên bệ tượng, có khi đầu lão hơi lắc lư, khách tham quan cứ nghĩ đó là taị gió. Mỗi năm lão được bốn tuần nghỉ phép. Lúc đó chúng tôi treo lên bệ tượng tấm biển đề “Tượng đưa đi tu bổ ”.
    Nhưng rồi ông già bắt đầu yêu sách.
    – Trong hợp đồng không nói gì đến khoản chim bồ câu, còn bây giờ chim bồ câu thường vô lễ đối với tôi. Tôi yêu cầu tăng thù lao.
    Lão được chiều theo ý, nhưng ngần ấy với lão vẫn chưa đủ.
    – Họ viết cả lên người tôi, – lão nói, – viết bằng bút chì hoặc bút bi thì không đến nỗi nào. Đằng này hôm qua có một thằng cha dùng đinh sắt nhọn viết lên người tôi: “Tôi đã đến đây. Zbyszek”.
    Chúng tôi đành thêm cho lão một ít tiền, nhưng ngay cả như vậy cũng không xong. Yêu sách mỗi ngày một tăng.
    – Là Mickiewicz, – lão nói, – thì tôi phải được đi Paris để nghiền ngẫm nét nhớ cố hương hiện trên gương mặt. Độ hai tuần là đủ.
    Sang Paris thì quá lực tài chính của chúng tôi, rút cuộc chúng tôi đã gửi lão đi Matscơva. Lão tha hồ mà nhớ.
    .
    Sự đời


    Có thời tôi rất khoái ngự ngoài ban công quan sát sự đời. Sự đời gợi trí tò mò của tôi mà.
    Cho tới một lần tôi bắt gặp gã bộ hành đi cà nhắc một chân.
    Chuyện đó thì chẳng có chi là lạ.
    Độ một giờ sau tôi lại nhìn thấy gã, khi gã quay lại. Chân vẫn đi cà nhắc, nhưng lần này thì cà nhắc chân trái, mặc dầu lúc nãy gã cà nhắc chân phải.
    Hiếm khi thấy như vậy.
    Chẳng mấy chốc tôi nhìn thấy gã lần thứ ba, khi gã lại cuốc bộ qua chỗ phía dưới ban công tôi ngồi, lại cà nhắc chân phải.
    Tôi bắt đầu lấy làm lạ.
    Còn khi gã quay về, chân trái đi cà nhắc, thì tôi không kìm được nữa. Tôi vụt chạy xuống đường, đuổi theo gã, đoạn hỏi gã một cách lịch sự:
    – Xin lỗi, tôi làm phiền anh, nhưng tôi để ý anh và không tài nào hiểu nổi: Duyên cớ gì mà lúc anh què chân phải, lúc lại què chân trái như thế?
    – Tôi? Làm gì có chuyện đó.
    – Thì chính mắt tôi nom thấy mà.
    – Ông nom thấy tôi?
    – Chẳng lẽ tôi không có mắt hay sao?
    – Vậy ông nom thấy tôi lúc nào?
    – Lần cuối thì cách đây độ nửa giờ.
    – Thế tôi đi về phía nào?
    – Đằng kia…- và tôi chỉ tay về phía gã vừa từ đó lại đây.
    – Đích thị hắn ta rồi! – gã thét lên, đoạn lê chân quay ngược trở lại.
    Tôi đứng lặng một hồi lâu giữa phố, suy ngẫm về chuyện đánh đố của sự đời. Tôi toan bước vào cổng thì gã què lại xuất hiện từ phía gã biến vào đó lúc nãy, đi cà nhắc chân phải. Đúng, đích thị chân phải, chẳng phải chân trái, lại không phải là chân trái. Rồi gã đi ngang qua chỗ tôi đứng, ra bộ không nhìn thấy tôi, ra bộ không biết tôi, cứ như là lúc nãy chúng tôi không hề có trò chuyện với nhau gì hết.
    Tôi hết chịu nổi. Tôi xốc tới tóm lấy vai gã.
    – Ô không! Bây giờ thì ông anh hết lẩn tránh tôi rồi nhé. Cớ sao lúc này ông lại chuyển sang què chân phải và chung cục cái trò này là thế nào hả!
    – Yêu cầu buông ngay tôi ra, bằng không tôi gọi cảnh sát bây giờ.
    – Được, anh cứ đi mà gọi! Tôi là thành viên cộng đồng, tôi có quyền được thông tin! Tôi mà không được biết chuyện hư thực thế nào thì tôi phát điên lên mất và khi đã vậy anh phải gánh chịu tất thẩy! Anh sẽ phải trả phí trị bệnh! Anh sẽ phải trả lời trước công chúng.
    – Thôi, xin ông bình tĩnh lại giùm. Chắc là ông đã nom thấy thằng em sinh đôi của tôi rồi. Là hai anh em sinh đôi, cho nên chúng tôi giống nhau như hai giọt nước vậy, mà tính tình hai đứa cũng hệt như nhau. Sáng nay hai anh em tôi vừa mới choảng nhau. Hắn đá tôi một cú làm tôi què chân phải. Tôi đá hắn một cú làm hắn què chân trái. Sau đó tôi quay về nhà lấy rìu – chỗ này gã rút từ trong túi ngực ra một chiếc rìu nhỏ xinh xắn, gã cho tôi xem đoạn cất trở lại – Còn bây giờ tôi đang lùng tìm hắn, vì chúng tôi phải thanh toán nốt với nhau. Khốn nỗi, đi tới rồi lại đi lui mà tôi vẫn không tìm thấy hắn, còn hắn chắc cũng đang lùng tìm tôi, hai đứa lạc nẻo nhau. Thế ông thấy hắn đi về phía nào vậy?
    – Phía anh vừa từ đó lại đây.
    – Xin đa tạ ông.
    Và gã quay trở lại.
    Còn tôi cũng quay trở lại, về nhà. Có điều không ra ngự ngoài ban công nữa. Bây giờ thì tôi ngồi trong nhà bếp, bởi tôi chẳng còn quan tâm theo dõi bất cứ điều gì nữa. Sự đời thật giản đơn, chỉ có óc tưởng tượng của tôi cứ làm cho nó rối rắm không cần thiết.
    .
    Tên lỗ mãng


    Nhân viên văn thư vào báo cáo với tôi:
    – Ngoài phòng đợi có một người khách đang ngồi, nom lạ lắm. Gã không yêu cầu cho vào gặp giám đốc, cũng không phàn nàn tại sao chúng ta giải quyết công việc chậm chạp thế. Tôi phải làm gì bây giờ đây?
    – Gã đợi lâu chưa? – tôi hỏi.
    – Ngồi khoảng hai tiếng đồng hồ rồi, chẳng yêu cầu gì hết.
    Cứ để cho hắn ngồi thêm một tiếng nữa, rồi hắn sẽ sốt ruột. Sau một giờ nhân viên văn thư lại vào, tay anh chàng run run.
    – Chưa bao giờ lại thấy một người như vậy, – nhân viên văn thư nói. – Gã ngồi điềm tĩnh, đọc đi đọc lại tờ báo phải đến ba lần, lịch sự đến độ kinh tởm!
    Tôi thân chinh đi ra phòng đợi. Đúng là có một người đang ngồi, gã nhìn qua cửa sổ, mỉm cười. Tôi hỏi gã như chưa hề biết gì cả.
    – Anh phải đợi hơi lâu nhỉ?
    – Không sao, – gã đáp một cách thô lỗ.
    Tôi bực mình.
    – Anh muốn vào gặp giám đốc chắc? Có việc quan trọng phải không?
    – Chuyện vặt, – gã nói.
    Tôi đâm ra khó xử. Tôi chạy vào phòng giám đốc báo cáo. Giám đốc lệnh cho anh ta vào.
    Gã chần chừ, nhưng tôi cùng nhân viên văn thư nắm lấy tay gã rồi dắt vào phòng. Giám đốc nói với gã gay gắt:
    – Anh không thấy là tôi đang bận hay sao?
    – Thì tôi lại đợi tiếp, – gã đáp một cách lỗ mãng và định bước ra ngoài.
    – Đứng lại! – giám đốc hô. – Anh nộp đơn đi.
    – Muộn hơn có được không? – hắn đáp một cách vô liêm sỉ.
    – Không có muộn miếc gì hết! – giám đốc quát, mặt đỏ phừng phừng. – Hoặc là anh nộp đơn ngay, hoặc là tôi giải quyết tuốt tuột cho anh mà không cần đơn từ gì hết!
    Lúc này gã nhìn ra cửa sổ và nói:
    – Thôi, có lẽ để dịp khác vậy, vì bây giờ trời cũng đã tạnh rồi. Tôi vào đây chỉ để trú mưa. Chào các ông.
    Và gã bước ra ngoài. Đúng là một tên lỗ mãng.


    Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan


    Nguồn: Nguyễn Trọng Tạo.info


  2. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn Sao Hôm vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình