+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 6 của 6

Chủ đề: Cảm nhận tác phẩm văn học

  1. #1
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1

    Cảm nhận tác phẩm văn học

    ĐỌC "ĐÊM CHỜ ĐỢI" của nhà văn Quân Tấn



    ĐÊM CHỜ ĐỢI
    Truyện ngắn của Quân Tấn
    ***


    Chị đang chờ
    Chị đang chờ anh đi làm về. Thỉnh thoảng liếc mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường trước mặt nhưng chân chị vẫn đạp đều, âm thanh ro ro của chiếc máy may vẫn nhặt khoan theo nhịp chân của chị. Gần tết rồi, đồ khách nhiều, chỉ có một mình, chị phải tranh thủ may mới kịp giao cho người ta. May thêm một bộ quần áo là thêm một ít tiền, bớt phần vất vả cho anh. Trên cả điều đó, khi làm việc, thời gian đợi anh sẽ qua mau hơn, vì dù không có đồ may chị vẫn thức đợi anh về. Chị có sự chờ đợi hạnh phúc này năm năm rồi.



    ***

    Hắn đang chờ…
    Hắn đang chờ gì? Hắn cũng không biết. Cũng như không biết cái lạnh của những giọt sương đêm ướt đẫm vai hắn. Trước đây mấy phút thì hắn chờ người đàn bà đang ngồi may kia đi ngủ. Để hắn…Còn bây giờ? “Trời ơi! Mình vào đây để làm gì?” hắn tự hỏi? Đầu hắn nổ tung ra như vừa bị sét đánh. “Phải rồi! Mình vào đây để… Trời ơi! Khốn nạn!”. Ngực hắn nhói lên, mắt hắn nhòa đi, từng đoạn phim quá khứ hiện ra trong tâm trí hắn, giúp hắn nhớ lại tất cả. “Phải rồi! Mọi việc bắt đầu từ hồi chiều…”

    ***

    Tự sự của người đàn bà
    Năm năm trước, chị còn là người vợ không chồng, người mẹ hai mốt tuổi của đứa con gái lên ba. Mái ấm là căn phòng trọ tồi tàn trong hẻm nghĩa địa sâu hun hút và âm u như cái tên của nó. Chị lấy đường phố làm quầy hàng, xác thân làm vốn hành nghề và thù hận làm lẽ sống. Đối với xã hội, chị là một con điếm. Đối với hàng xóm, chị là mụ đàn bà nanh nọc với tất cả sự hung dữ của con gà mái đang nuôi con. Đối với con, chị là bà mẹ diệu hiền mà một người phụ nữ thất học làm nghề bán thân có thể có. Đối với mình, chị là… và sẽ là gì chị cũng không biết nữa, nếu không gặp được anh. Đêm đêm, khi đứa con gái say sưa trong giấc ngủ, nhìn vết sẹo trên chân nó, chị nhớ lại cái ngày định mệnh dun rủi cho chị gặp anh. Năm năm mà chị cứ ngỡ như mới hôm qua…
    Hôm đó, chị chở con trên cái ba ga nhỏ đằng trước chiếc xe đạp dùng để hành nghề. Con đường đang mở rộng còn thi công lỡ dở đầy ổ gà và đá lởm chởm. Đứa bé bị dằn xốc ngồi không yên, khóc inh ỏi. Chị chồm tới phát vào mông nó thế là loạng choạng tay lái, đâm sầm vào chiếc xe khác. Con bé rơi xuống đất. Chị chết điếng chưa biết làm sao thì người đàn ông đã ôm gọn nó trong tay kèm theo tiếng quát: “Chạy đi đâu vậy hử? Cô không lo cho mình thì cũng lo cho đứa nhỏ chớ. Nó có gì cô biết tôi!”. “Trời đất! Ăn nói cái giống… Làm như con của nó vậy!”. Chị tức tái người nhưng đôi mắt rực lửa của anh và cái chân đẫm máu của con làm cho bao nhiêu câu chửi mắng thuộc lòng bị nghẹn lại. Chị riu ríu theo người đàn ông đưa con vào bệnh viện.
    Khi chị ngồi ngắm từng giọt nước biển rơi rơi truyền nguồn sống cho con với cái băng trên chân trắng toát thì anh bước vào. Anh đưa cho chị ổ bánh mì. Lúc bấy giờ chị mới cảm giác đói. Anh vụng về xin lỗi chị về tai nạn vừa rồi, về câu nói sỗ sàng lúc đó. Không hiểu sao ý định trả đũa trong đầu chị biến mất. Có thể khi no người ta dễ thông cảm với nhau hơn. Cũng có thể vì anh nói chuyện trông rất hiền chứ không dữ dằn như khi quát chị. Rồi chị cười. Anh cũng bớt phần lúng túng. “Đối với tôi – anh nói – đứa con là tất cả cô à!”. Rồi như thanh minh, vừa lấy cái nón quạt cho đứa bé, anh vừa kể cho chị nghe anh là thương binh, một mảnh đạn của bọn Pôn-Pốt phang vào lưng anh. Hậu quả khi xuất ngũ về, người vợ anh cưới ở quê đi lấy chồng khác vì anh không còn khả năng làm chồng, làm cha. Anh bỏ quê lên thị xã làm công nhân và chuyện có một đứa con đối với anh mãi mãi chỉ còn là ước mơ…
    Hôm sau, rồi hôm sau nữa, ngoài giờ đi làm, anh lại đến bệnh viện. Anh chăm sóc con bé có phần hơn cả chị. Dĩ nhiên, với sự khéo léo của người đàn ông chưa từng có con. Đứa nhỏ bớt đau cứ bi bô nói chuyện với anh. Hết đòi cái này đến đòi cái khác làm anh chạy lăng xăng mệt nhoài nhưng niềm vui hiện rõ trên ánh mắt. Khi nó ngủ, anh chị ngồi kể chuyện đời mình cho nhau nghe. Không hiểu sao với anh, chị có cảm giác tin tưởng đến thế. Từ lâu lắm chị hầu như mất niềm tin vào con người. Bên anh, chị thấy mình như đứa em gặp lại người anh sau nhiều năm luân lạc. Được một tuần thì anh biết chị là con bé mồ côi lúc năm tuổi. Bảy tuổi có mẹ kế và năm mười hai tuổi thì người cha cũng qua đời trong một tai nạn. Chỗ dựa cuối cùng mất đi, con nhỏ mồ côi không thể sống với dì ghẻ đành bỏ quê đi rửa chén giặt đồ cho người dì họ xa, chủ một tiệm may lớn trên thị xã. Khi công việc rỗi rảnh, nó được người dì cho dòm ngó, tập tành nghề may. Tuy ít học nhưng có khiếu, lại khéo tay chăm chỉ, đến năm mười bảy tuổi nó trở thành cô thợ may tay nghề khá vững vàng và có tiền để dành. Lúc này, nó cũng ấp ủ ước mơ như bao cô gái mười bảy tuổi khác. Rồi một hôm người trong mộng đến, cô thợ may bỏ nghề cuốn gói theo chàng sau một đêm noel hạnh phúc trong đau đớn, ngọt ngào. Đôi vợ chồng son sống trong một căn phòng trọ rẻ tiền. Hạnh phúc êm đềm được ba tháng thì nàng nghe trong bụng hình thành một mầm sống. Mầm sống lớn dần trong khi túi tiền xẹp xuống đồng thời xuất hiện những trận đòn. Chàng hoàng tử bạch mã lột mặt nạ hiện nguyên hình một gã giang hồ, một tên sở khanh, một thằng ma cô dắt gái chuyên nghiệp. Vào một đêm mưa gió, hắn về nhà sực nức mùi rượu cùng hai gã đàn ông khác. Lời cầu xin của cô, đứa con trong bụng cô không lai chuyển được lòng hắn. Bão tố nổi lên trong căn phòng nhỏ và bị lấn át bởi tiếng mưa bão bên ngoài. Cô trở thành tiếp viên bia ôm từ đó…
    Mỗi ngày cô đi làm đem tiền về cho hắn. Không có thì hắn hành hạ cô bằng những trận đòn thừa sống thiếu chết. Bao lần cô định đổi mạng mình với hắn nhưng nghe đứa con đạp nhói trong bụng cô lại cắn răng chịu đựng. “Con mình không có tội”. Cô nghĩ thế. Bao hy vọng cô đặt hết vào đứa con sắp sửa ra đời. Rồi bụng cô ngày càng lớn, nhà hàng đuổi về không cho làm nữa. Không có tiền hắn đánh mãi cũng chán. Với lại gần ngày sinh nở, cô yấu lắm. Hắn sợ lỡ tay thì hắn khốn. Rồi hắn bỏ đi. Để lại cho cô đống nợ tiền nhà, tiền điện, tiền rượu… Con cô chào đời không có cha và cô gọi nó là con Hận. Không dám về nhờ vả người dì họ, nhà hàng thì coi cô là hạng gái sề không đắt khách. Thế là sinh nở chưa đầy 2 tháng, cô ra đường làn nghề không vốn để nuôi con. Bản năng sinh tồn biến cô thành người đanh đá nhất trong xóm chị em, không chịu thua ai bao giờ. Cho đến khi gặp anh, đó là lần đầu tiên người đàn bà giang hồ chịu nín thinh khi bị đàn ông mắng…
    Anh nghe chuyện của chị một cách bình thản không biểu lộ gì. Chỉ có đôi mắt rực lửa trở nên nghiêm nghị và sâu lắng hơn.
    Con Hận ra viện. Anh không nói một lời nào, cũng không cho chị nói một lời nào. Anh ôm nó về nhà tập thể nơi anh ở, rồi ngày ngày chở chị đến ông thầy đông y chữa căn bệnh chị mắc phải khi làm nghề bán phấn buôn hương.

    ***

    Tự sự của gã đàn ông
    Chiều nay, sau khi mãn hạn tù, hắn từ trại giam đi về thị xã với ý định tìm ông anh kết nghĩa nhờ giúp đỡ hắn làm lại cuộc đời. Bởi hắn biết người đàn ông ấy sẽ tha thứ cho hắn. Người đàn ông mà hắn từng cho là khờ khạo ấy sẽ lại giúp đỡ hắn, cưu mang hắn như đã từng cứu hắn cách đấy bảy năm khi hắn bị kẻ thù vây đánh bằng cây và mã tấu. Hắn còn nhớ người đàn ông đó đã tả xung hữu đột như thế nào để cứu hắn đem về. Hắn được băng bó vết thương, được nhận làm em kết nghĩa, được hứa sẽ xin việc làm ở công ty cho… Một tháng sau, khi đã hoàn toàn bình phục, hắn ra đi không một lời từ giã với đồ đạc và chiếc xe đạp duy nhất trong nhà… Khi xe đò về đến thị xã thì số tiền anh em bạn tù hùn lại cho hắn cũng cạn đến đồng cuối cùng. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào, thì hắn gặp lại thằng bạn chuyên mua bán đồ chôm chỉa mà hắn quen biết thuở xưa. Hai thằng vào quán cháo vịt ở ven đường. Thằng bạn “cốt” bao hắn một chầu gọi là mừng hắn ra khỏi “hộp”. Khi chai đế cạn, dĩa gỏi vịt vơi đi thì thằng bạn cũng biết được kế hoạch làm lại cuộc đời của hắn. Nó cười phá lên: “Ha ha ha…. Lương thiện?! Tao tin mày làm được!”. Rồi nó nheo mắt như trêu chọc: “Nhưng làm lương thiện khó lắm, làm lương thiện phải có tiền, muốn xin lỗi ông anh kết nghĩa cũng phải có tiền mua tí quà gọi là chuộc tội. Thời buổi này…”. Nó chợt hạ giọng: “Hay mày trở lại giang hồ hợp tác với tao, có thêm mày thì băng mình đâu sợ thua ai. Lương thiện làm gì, trở lại vùng vẫy giang hồ, làm vua một cõi không sướng hơn sao? Ít ra cũng mần cú chót kiếm vốn dằn túi rồi làm ăn lương thiện!”. Thằng bạn dứt lời, hắn dằn ly rượu xuống bàn đánh cốp. “Đ. Mẹ mày!”. Hắn buông câu chửi rồi đứng dậy bỏ đi. Đuổi theo hắn là tiếng nói đầy vẻ ranh của thằng bạn “Tùy mày! Có kiếm được món gì khơ khớ thì đem cho tao”.

    ***

    Tự sự của người đàn bà
    Sau ba tháng thuốc thang điều trị, cộng với sự chăm sóc của anh, chị đã rũ bỏ khỏi cơ thể căn bệnh dơ bẩn, gớm ghiếc kia. Con Hận đeo dính anh gọi tiếng “Ba” mà chị chưa một lần dạy nó. Anh chia tay nhà tập thể của mình, mướn một căn nhà nhỏ ngoài ngoại ô thị xã. Anh lôi chị ra khỏi hẻm nghĩa địa, đem chị và con về ở chung. Họ đến với nhau như những con người khốn khổ cần có nhau trong đời. Anh đưa chị đi đăng ký kết hôn và làm khai sinh cho con Hận. Anh đặt tên nó là Mai, anh muốn nó là ngày mai của anh, của chị, một ngày mai tươi sáng.
    Đêm đầu tiên sống chung, chị lo sợ xiết bao, cũng cay đắng, xót xa, tủi hổ xiết bao. Chị không biết mình phải làm gì. Nhưng mai mắn thay anh ngủ chung với con Mai và kéo dài như thế suốt sáu tháng. Đến sinh nhật của chị, lần sinh nhật đầu tiên trong đời, chị mới biết anh mất khả năng làm cha nhưng vẫn còn là một người chồng. Đây là sự lừa dối duy nhất của anh từ khi biết nhau. Chị không hỏi anh về điều này, anh cũng không giải thích. Chị thầm cảm ơn lòng nhân ái của anh, tình yêu của anh, sự tế nhị của anh biết chừng nào! Chị tự nhủ với mình sẽ cố gắng chăm sóc cho anh, chia sớt gánh nặng cùng anh và làm một người vợ tốt. Thời gian đầu cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Tiền thương binh và lương của anh không đủ chi tiêu. Anh phải thuê chiếc xe Honđa chạy xe ôm thêm buổi tối. Nhìn anh hốc hác mà chị đau xé lòng. Chị quyết định mượn tiền góp mua một chiếc máy may cũ và lao vào làm việc ngày đêm. Ban đầu khách chưa quen, đồ may không nhiều, chị nhận may thêm đồ buộc tóc, nối vải vụn làm mền, gối… Vợ chồng tằn tiện, khó khăn rồi cũng qua. Bây giờ chị cũng có chiếc máy may, anh đã có chiếc xe gắn máy cho riêng mình. Rồi con Mai đi học, cả nhà thêm được một niềm vui. Chị đã có một gia đình hạnh phúc thật sự. Hạnh phúc như mơ. Chị ngỡ ngàng đến không ngờ. Đêm đêm chị ngồi may đợi anh về và ôn lại quãng đời quá khứ đau thương…

    ***

    Tự sự của gã đàn ông
    Hắn lang thang trong đêm, như kẻ hành hương vô định, như con thuyền không bến đỗ. Đêm về khuya, ngoại ô vắng ngắt người. Chỉ còn nghe âm thanh của đôi chân hắn kéo lê trên mặt đường. Hắn dừng lại thở dốc. Hắn mệt. Chất rượu đế lâu ngày không được uống, lại uống vào lúc bụng đói muốn quất sụm hắn. Hắn cảm thấy trống trải và cô độc vô cùng. Hồi chiều, khi nhìn những người ra tù một lượt với hắn được ôm choàng trong vòng tay chờ đợi của người thân, hắn đã có cảm giác này. Nhưng không mãnh liệt và tê tái như bây giờ! Có lẽ lúc đó hắn ở giữa con người, còn bây giờ hắn ở giữa trời đất. Trời đất thì bao la. Con người thì… Hắn nhớ tới ông anh kết nghĩa. Nhưng rồi nghĩ đến đoạn đường dài dằng dặc về nhà tập thể của ông ấy thì quyết tâm của hắn chùng xuống. “Không biết anh ta có còn ở đó không? Lỡ mà…”. Hắn không dám nghĩ tiếp. “Hay là…”. Câu nói của thằng bạn vang lên trong đầu hắn. “Thôi thì…”. Hắn nguyền rủa thằng bạn, nguyền rủa sự yếu đuối của mình. Hắn gục xuống, hai tay ôm lấy đầu. Một cái gì tức uất, nghẹn ngào trong hắn. Hắn thấy mình trôi chìm vào khoảng không đen đặc, thăm thẳm. Trong tâm trạng gần vô thức đó, hắn bỗng mơ hồ nghe một âm thanh quen thuộc như từ quá khứ vọng về. Âm thanh đó, có một khoảng thời gian trong đời, ngày ngày hắn bỏ ra hàng giờ để nghe, bên cạnh cô người yêu quê mùa nhỏ bé. Như người bị thôi miên, hắn đứng dậy, đi về phía phát ra âm thanh. Đó là một ngôi nhà nhỏ, bên trong người đàn bà đang ngồi may. Hắn cố nhìn nhưng mái tóc xõa một bên trước ngực che khuất khuôn mặt. “Nhưng cần nhìn làm gì? Mình vào đây để…”. Hắn nép mình vào bụi cây cạnh nhà vừa nghe âm thanh êm ái phát ra từ chiếc máy may vừa chờ đợi.
    Thời gian trôi đi, trôi đi… Chợt âm thanh êm đềm kia dừng lại, kéo hắn ra khỏi sự chờ đợi mơ màng. Người đàn bà đứng lên đi vào bên trong, nơi có tiếng nói mơ của trẻ con. “Dáng đi quen thuộc quá!”. Và khi người đàn bà quay ra, gương mặt nàng đã khẳng định điều đó. Đúng là nàng. Tám năm trôi qua, con người có nhiều thay đổi nhưng nét thân quen hắn không thể nào quên. Như con thú bị trúng tên vào ngực. Hắn chực ngã xuống. Hắn muốn chạy đi nhưng đôi chân chôn chặt vào đất. Hắn muốn bước vào nhà nhìn nàng cho thật kỹ rồi quỳ xuống dưới chân nàng. Nàng sẽ không tha thứ cho hắn đâu. Hắn biết. Và hắn cũng không dám chờ mong một điều gì. Nhưng hắn không bỏ đi được. Có cái gì đó rất thiêng liêng mà hắn chưa từng biết, như là tình phụ tử, trỗi dậy trong hắn. Hắn muốn hỏi nàng về điều đó. Hắn muốn biết đứa bé bên trong có phải là… Sương đọng thành giọt chảy xuống. Hắn nghe ở môi vị mặn. Và hắn đứng đó, dù không biết mình chờ đợi điều gì.

    ***

    Đoạn kết
    Sự chờ đợi nào rồi cũng phải kết thúc. Ngoài đường một chiếc xe dừng lại. Người đàn ông tắt máy dắt bộ đi vào nhà, có lẽ để yên lặng cho con bé bên trong ngủ. Người đàn bà vui mừng dang tay đón chồng. Gã đàn ông sững sờ. Bây giờ gã đã biết điều muốn biết. Bởi gã rất rõ người đàn ông kia mắc bệnh gì.
    Bên trong căn nhà, những âm thanh hạnh phúc phát ra. Bên ngoài, ngọn gió đêm thổi nhè nhẹ những mầm xanh mới nhú. Gã đàn ông nhìn vào nhà cái nhìn lần cuối. Đau đớn và thanh thản. Gã bước đi.

    QUÂN TẤN






    Đôi lời cảm nhận về truyện ngắn này:



    Lối viết để nhân vật tự bộc lộ mình như thế này thường tác động mạnh mẽ đến người đọc hơn.

    Tác giả có khả năng diễn đạt tâm trạng tốt.
    Một người đàn ông đã làm rơi mất viên ngọc quí là vợ mình vào tay người khác chỉ vì gã đã không thể nào nhận ra chân giá trị của vợ. Và tất nhiên đã có người khác nhận ra. Gã trở về sau khi đã thức tỉnh thì người phụ nữ không còn là của gã nữa.
    Đây là một cốt truyện không mới. Nhưng cách thể hiện của truyện ngắn đã làm câu chuyện sinh động và hấp dẫn người đọc. Cách dàn dựng bố cục và cách bộc lộ tâm trạng của từng nhân vật đã gây trí tò mò khám phá. Vừa sâu sắc vừa chân tình vừa chia sẻ tận cùng đến từng nhân vật. Nên chuyện tự thân đã có tính chất xây dựng lay động lòng người.
    Một con người dù thế nào cũng vẫn có một tia sáng tình người. Điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện ra tia sáng đó ở đâu để mà khai thác, nói cách khác là để hiểu người hơn để có thể khoan dung, vị tha, và đồng lòng trong mọi hoàn cảnh.
    Một truyện ngắn hay là một truyện bằng cách thể hiện của mình tự thân truyện bộc lộ được cái điều mà công bằng xã hội, và khát vọng con người được bênh vực. Từ đó mỗi người đọc nó đều khát khao và thực hiện cái điều tự hoàn thiện mình.

    Ở đoạn kết, gã đang đau, và người đọc cũng đau thay gã.
    Tại sao một kẻ ác như gã mà cũng làm chúng ta mủi lòng? Đây chính là giá trị nhân văn mà tác giả đạt được. Vì nỗi đau của gã lúc này là một nỗi đau chân chính của một con người đã nhận ra chính mình, đã nhận ra giá trị của người xưa. Gã là kẻ có lỗi và tàn nhẫn. Nhưng khi đã nhận ra lỗi của mình thì lỗi không còn là lỗi nữa. Chỉ còn sự cảm thương, chính gã đang bị trả giá, và cần chúng ta chia sẻ niềm đau để làm lại cuộc đời.

    Có thể trong mỗi chúng ta cũng có một phần nào giống gã đấy. Và chúng ta khi đọc truyện này đã biết mình phải làm gì trước hoàn cảnh bản thân để có được hạnh phúc.
    Ta giống gã hay giống người đàn ông & người phụ nữ kia, ta đều nhận ra mình để biết yêu thương, biết tha thứ cho chính mình để tự tin đem niềm vui đến cho cuộc sống. Cuộc sống là hạnh phúc, hãy đừng tự chuốc lấy đau khổ. "Hạnh phúc do chính mình định đoạt" mà.

    Cuộc sống cũng có thể là một qui luật tự nhiên không cần tranh đấu. Đó là qui luật tự đào thải những gì không thể tồn tại.
    Hãy hiểu những giá trị của nhau để mà sống.
    Sống chẳng bao lâu, rồi ai ai cũng phải về trời, tại sao cứ hành hạ nhau làm gì nhỉ?Tại sao phải đố kỵ bon chen? Tại sao không đồng lòng tìm đường đi tới hạnh phúc?
    Hãy làm sao để thế giới này chỉ còn lại tình yêu thương và lòng nhân hậu?
    Đây là tất cả những câu hỏi đặt ra khi đọc truyện này.

    Đó là giá trị tư tưởng của tác phẩm, cũng là giá trị hiện thực...

    Hoàng Giao
    Lần sửa cuối bởi hoanggiao; 20-04-2014 lúc 10:09 AM
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  2. 10 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1
    Trần Dũng với "Sóng bủa Cồn Ngao"



    ĐỌC "SÓNG BỦA CỒN NGAO" CỦA NHÀ VĂN TRẦN DŨNG

    Đọc xong gấp sách lại mới thấy người viết truyện ký này đi nhiều, vất vả và gian truân đến thế! Để tìm đến ngọn nguồn cái gọi là ý nghĩa lịch sử của Trà Vinh quê mình, tác giả đã phải đi đến tận cùng từng vùng đất với những con người năm xưa một thời máu lửa.

    "Sóng bủa Cồn Ngao" là tập Ký & Truyện ký của Nhà văn Trần Dũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 9 năm 2012.

    Với sự từng trải và một ngòi bút sâu nặng nghĩa tình, giọng văn có duyên, dạt dào cảm xúc và một tình yêu quê sâu đậm ngọt ngào. Từng trang sách qua từng nơi tác giả đến đã ghi lại những dấu ấn không phai, xen lẫn tình cảm và những "cảm xúc đa chiều", chính vì vậy mà nó cuốn hút người đọc. Tôi cũng như được hòa vào những dòng cảm xúc ấy, dâng trào và dâng trào như những con sóng bủa Cồn Ngao.




    Cửa biển Cồn Ngao

    Những con người Trà Vinh Trần Dũng nhắc đến đều là những người đã từng tham gia kháng chiến, hoặc dấn thân, quên mình, đồng cam cộng khổ trong chiến tranh. Khi hòa bình lập lại họ vẫn chọn cho mình một lối sống giản dị như xưa. Hi sinh, cần lao, chia sẻ với những thân phận và những mảnh đời không may mắn. Họ âm thầm dấn thân như một bổn phận không đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Chúng ta không thể không biết đến họ. Chính vì vậy mà Trần Dũng đã phải đi tìm họ là muốn đem đến công bằng cho họ, những người hy sinh quá nhiều cho đất nước và chăm lo cho bao người khác.

    Đó là Trần Thị Mỹ Duyên (bài Người đàn bà gánh chữ vượt sông) từ chối cuộc sống an nhàn để làm nghề "bán cháo phổi", thân gái dặm trường của đất Cù lao Cổ Chiên.

    Đó là ông Năm Me (bài Dọc đường hàng me) có biệt tài leo cây 16 năm đi mây về gió trên ngọn me chót vót chỉ để nghe ngóng tình hình địch vì cách mạng.

    Đó là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (bài Màu xanh miền biên địa Đức Cơ) có già Kpuih Dom với suy nghĩ trăn trở cho cái chuyện bà con "không có thói quen tích lũy", "đồng tiền hoang phí là nguyên nhân gây ra các tệ nạn khác".

    Ở Cù lao Tân Quy huyện Cầu kè (bài đêm hội bông lau), không những là một vựa trái cây giàu có mà còn là một vựa cá lý tưởng. Chính vì vậy tại đây đã sản sinh ra những con người đánh bắt cá dũng cảm như Út Mót "bản lĩnh phi phàm" về bắt cá đuối, Tư Mến chiến thắng cá chép vàng nặng gần 1 tạ. "Chỉ khi nghe Tư Mến xuất bến thì đêm hội bông lau trên dòng sông Sau mới thực sự bắt đầu".

    Người dân Tân qui thường dặn dò con cháu làm gì cũng phải vì lẽ công bằng không lấy mạnh đè yếu. "Sự công bằng luôn là lằn danh mong manh giữa hay và dở, giữa thành và bại, giữa công và tội, giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác. Chệch một chút hiểm họa không lường".

    Đó là những con người như chị Ba Hồng (bài Người đàn bà vượt sóng), bên chị Út Tịch (nhân vật trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi). Thời kháng chiến chị xông pha hiểm nguy, tù đày với đủ hình thức tra tấn dã man tại khám lớn Cao Lãnh cùng con gái. Hiện tại Chị Ba Hồng là tấm gương vượt khó vượt qua con chữ nhọc nhằn, chọn công việc làm công tác khuyến học giúp đỡ người nghèo vận động con em đến lớp tại vùng kháng chiến cũ, chị dấn thân không mệt mỏi.

    Đó là anh Ba Công "một thư viện sống"(bài Người lính 2 lần nghỉ hưu) với hoàn cảnh bi đát tưởng chừng không còn con đường sống, nhưng hai vợ chồng anh "không xuôi tay chờ chết", để đến tuổi 60 họ đã ổn định...hạnh phúc bên nhau.



    Nhà văn Trần Dũng

    Cồn Ngao là điểm đến đầu tiên của tác giả, một địa danh độc nhất vô nhị. Lần đầu tiên tôi được nghe một Cồn Ngao như thế. Bao quanh là sông, ba bề là rừng, chỉ có một hướng nhìn ra biển đông. Cồn Ngao lọt vào giữa tạo nên một địa hình hiểm trở với nhiều thuận lợi, cũng không ít hiểm nguy. Đồng thời cũng là một cảnh quang lạ mắt diễm tình. "Cồn Ngao chỉ là con giồng đất cát chưa đầy một cây số vuông nằm sát rìa mép nước biển đông". Chú Bảy Neo xã đội trưởng là con người am hiểu về Cồn Ngao nhất, là một người đàn ông rất đỗi gần gũi thân thương đã từng chứng kiến tất cả những thành công, thất bại, những thử thách, máu xương, những đau thương mất mát của người dân Cồn Ngao. Là một người đã lớn lên và trưởng thành với Cồn Ngao. Chú Bảy Neo đã gieo vào lòng tác giả tình thương yêu cảm mến vô bờ bến với người kể chuyện cũng như với người dân Cồn Ngao. "Mấy trăm năm Cồn Ngao bị rừng biển và chiến tranh đóng cửa với bên ngoài". "Rừng Cồn Ngao vượt qua sự tàn phá của bom pháo, sự hủy diệt của chất độc khai hoang, ngày càng rậm cành kín tán". Qua biết bao năm tháng ngập chìm biển máu, Cồn Ngao ngày nay lại vươn lên xanh tươi rạng ngời sức sống.

    "Những cơn sóng bủa không chỉ đến từ thiên nhiên khắc nghiệt, không chỉ đến từ chiến tranh khốc liệt mà còn đến từ chính những gì đang tiềm ẩn trong cái bụng và cái đầu của người dân Cồn ngao hôm nay"

    Ở bài "Hồn xưa thành phố", tác giả nói về niềm tự hào một thị xã Trà Vinh đã trở danh thành phố. Từ bộ đồ dân thị nay đã chuyển sang những chiếc áo thị thành lịch lãm sang trọng. Nhưng tác giả khẳng định "Sự sinh thành lột xác nào cũng trải qua không ít đớn đau, vật vã" và "chính sông nước đã làm nên một phần cốt cách tâm hồn vùng đất con người những đô thị mà nó đi qua". "Những lưu dân người Việt đầu tiên trôi dạt về đất phương nam là những tứ cố vô thân, sảy đàn tan nghé, cầu thực tha phương"... Bên dòng Long Bình Trà Vang, tác giả đến với những truyện thơ của Sáu Trọng, Nguyễn Hữu Chánh lừng danh, Bùi Cát Vũ, Phạm Văn Phụng, Bùi Hữu Nghĩa vừa đánh giặc vừa viết văn. Mạn bờ bắc Vĩnh Hưng có cụ Trưởng Thơ là "một bậc triên tri cưỡi sóng khai phá giải cù lao Long Trị". Sức mạnh võ nghệ của cụ 200 năm lưu truyền...

    Có một hình ảnh rất cảm động (bài Những khoảng lặng của khúc tụng ca chiến thắng) khi anh hùng đại tá Võ Văn Quảng (cựu chiến binh) đi tìm liệt sĩ Võ Văn Xe hi sinh ngay giờ phút đầu xông trận năm 13 tuổi tại tiểu đoàn 307 làm liên lạc. Những con người như Nguyễn Văn Xe có nhiều, các thế hệ trẻ 3 dân tộc Việt Khmer và Hoa trên vùng đất ven sông Hậu huyện Cầu Kè, họ đã làm nên chiến thắng của chiến dịch Bacsama_CầU KÈ.

    Đó còn là bác Kim Huyên người dân tộc Khmer ở ấp Con Lọp_Trà Cú "mấy chục năm ròng chỉ làm một công việc duy nhất là đào lấp vá sửa đường tự nguyện không công (bài Người phu lục lộ nhân dân)

    Mỗi bước đi của tác giả là một niềm tự hào về quê hương sứ sở. Khiến cho đôi chân của Trần Dũng dẻo dai không biết mệt mỏi. Đi và khám phá từng vùng đất, từng con người, đi với những ân tình cho từng nơi đến.

    Ngòi bút Trần Dũng sắc bén, qua từng nhân vật đã nói lên được tất cả những gì thân thương về đất nước con người Trà Vinh, Trà Vinh như hơi thở như gan ruột của anh vậy.

    Qua những trang sách thấy rõ sự cảm phục cũng như tình yêu lớn của tác giả với mọi miền Trà Vinh quê hương. Tâm tình của tác giả chiếm trọn từng bước đi, từng ý nghĩ, từng việc làm. Đôi chân vạn dặm sẵn xả thân đã làm con người Trần Dũng trở nên thắm đượm nghĩa tình hơn với quê, quê hương là nhịp đập không thể thiếu trong trái tim đầy nhiệt tâm của tác giả. Đọc sách người ta không những cảm động cho từng nhân vật, mà còn cảm động vì chính trái tim trung hậu của người viết. Sách có giá trị cũng là vì người viết hòa cùng nhịp đập với trái tim từng nhân vật của mình, hòa cùng buồn đau sướng khổ.

    12/1/2013

    Hoàng Giao

    PS:

    "Nhà văn Trần Dũng còn có bút danh Châu Xuân Thiện, Thuỷ Hà; sinh ngày 19.02.1962 tại Hoà Thuận, Châu Thành, Trà Vinh.

    Ông viết báo, làm thơ, viết văn xuôi, biên khảo, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hoá, văn nghệ dân gian… đăng trên các báo, tạp chí trung ương, khu vực ĐBSCL, TP.HCM…

    Hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh.

    Hội viên: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Di sản văn hoá Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam"
    Lần sửa cuối bởi hoanggiao; 27-04-2014 lúc 03:25 PM
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  4. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1
    Đọc tiểu thuyết MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng


    ***
    Tiểu thuyết Mây Trời Bảng Lảng của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng do Nhà Xuất Bản Văn Học ấn hành quí III năm 2013.
    Câu chuyện trần tình góc khuất của một người đàn ông về những xúc cảm giành cho người phụ nữ mình yêu thương xưa và nay. Về tình yêu đầu đời, người vợ và những mối quan hệ ngoài luồng bất đắc dĩ, những khắc khoải, băn khoăn và tội lỗi. Đồng thời nói lên những ghen tuông của người vợ, bà không thể thoát ra khỏi những nghi ngờ hờn ghen với một người chồng đào hoa. Người đàn ông hết phương thanh minh khi ông vẫn rất chung tình với người phụ nữ, người vợ mà ông yêu.
    Cuối cùng thì ông cũng trở về trong sự chờ đợi của gia đình, vợ con.


    Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng


    Người đàn ông khi ra khỏi nhà một phần cũng do người vợ không đủ lòng tin, một phần do bản thân xao lòng trước một bóng hình mới. Là người vợ phải hết sức thấu hiểu để có cách cho người chồng đừng trật đường ray...
    Ngày xưa với mối tình tím hoa xoan thơ mộng ngọt ngào. Một cái nắm tay êm dịu...
    Ngày nay những mối tình ào ào, như cơn lốc.
    Toàn bộ câu chuyện phản ánh cuộc sống gia đình, xã hội với những mối quan hệ đan xen, hạnh phúc và đau khổ. Tình yêu và ngờ vực làm con người ta cứ rối cả lên. Mình làm khổ mình, làm khổ người.
    Tuy nhiên câu chuyện có phần phê phán người đàn bà nhiều hơn, bênh vực người đàn ông. Cũng nên thông cảm cho người đàn bà mới phải. Tác giả chỉ mới xoáy vào những tật xấu của người đàn bà mà luôn luôn biện hộ cho những thói hư trăng hoa của người đàn ông. Luôn cho rằng người đàn ông có sao...cũng do người đàn bà. Theo tôi cũng cần phải phản ánh chiều ngược lại...
    Và hình như tác giả hơi sa đà vào việc biện hộ đến cùng cho những kẻ ngoại tình.
    Tuy nhiên khi tôi đọc đến đoạn cuối hóa ra không phải vậy. Chỉ là những nhắm mắt đưa chân, những lầm lạc, mà nhiều khi phải mất cả đời con người mới nhận ra mình phải làm gì và hạnh phúc là ở đâu. Phải nói rằng trái tim con người thường mù quáng, mò mẫm mãi chẳng biết nó muốn gì?
    Người đàn ông vẫn yêu vợ nồng nàn được tác giả thể hiện rất đạt:
    "Lão nhích nữa, nhích nữa, cuối cùng bàn tay của lão đã đặt lên được cái chỗ lão cần đặt, cái chỗ mà ngày xưa, 40 năm về trước, từng tọa lạc một vồng ngực thanh xuân từng làm lão say mê đắm đuối"
    Nhân vật bà Hiền là một người đàn bà quá yêu chồng nên phải đau vì những hờn giận vô cớ mà bà không đủ khả năng, lý trí để vượt qua. Bà như đi vào một vùng sương mù không có lối ra. Chính điều đó làm bao phen bà có nguy cơ hạnh phúc vuột khỏi tầm tay: Đó là sự cấm vận và sự thường xuyên đay nghiến của bà. Ở bà không hề còn bóng dáng của lòng dịu hiền, vị tha khi xưa, thủa mới yêu ông. Người đàn bà từng được người yêu là chồng say đắm, bà có đủ lòng tin và sức mạnh vào thế lực của mình mới phải. Nhưng bà không thế. Bà luôn lầm lẫn. Đây cũng chính là sự không sáng suốt của người đời nói chung.
    Thực ra thì bà Hiền luôn có suy nghĩ xấu về giới văn chương bằng những câu nói trì triết "bàn tay dơ bẩn", là bàn tay gõ chữ dơ bẩn ấy mà. Bà cho rằng viết thì hay nhưng làm không hay. Khuyên răn người đời thì giỏi nhưng bản thân lại cứ dấm dúi ngoại tình. Cũng là vấn đề nan giải của xã hội.
    Câu chuyện xoay quanh vấn đề mổ xẻ tâm lý tình cảm, những gì sâu kín, những cảm xúc cá nhân, những dằn vặt khổ đau...Mỗi nhân vật là một khía cạnh cuộc sống, bổ sung giúp nhau làm sáng tỏ sự thật. Con người thường dễ yếu lòng, dễ đau khổ, nếu không hiểu sẽ một ly đi một dặm. Thiên đường và địa ngục, nhiều khi cũng chính ta tạo nên.
    Những cô Liên, Bé Hai, Bông Huệ Trắng, ông Cầu, bà Loan, Ông Tuệ, cô Tèo đã tạo nên nhân vật "Lão", nhào nặn lão, làm bàn tay lão dơ bẩn thêm khi nó vốn cũng có chút bẩn. Để cuối cùng lão chợt tỉnh, gia đình vẫn là nơi yên ổn nhất. Phải về thôi...Lão nhìn bàn tay mình. Mặc kệ, bẩn thì cũng bẩn rồi. Bẩn thì rửa...bằng tình thương vốn dĩ tự đáy lòng ta.
    Lão tiếp tục gõ bàn phím. Những con chữ nhảy nhót...Với những gì lão cần nói thì phải nói hết ra...
    Và tác giả đã nói được hết ý nguyện vào tiểu thuyết này. Mây trời không còn bảng lảng nữa. Trời đã quang...
    Hoàng Giao
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  6. 7 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


  7. #4
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts
    Nhân vật bà Hiền là một người đàn bà quá yêu chồng nên phải đau vì những hờn giận vô cớ mà bà không đủ khả năng, lý trí để vượt qua. Bà như đi vào một vùng sương mù không có lối ra. Chính điều đó làm bao phen bà có nguy cơ hạnh phúc vuột khỏi tầm tay: Đó là sự cấm vận và sự thường xuyên đay nghiến của bà. Ở bà không hề còn bóng dáng của lòng dịu hiền, vị tha khi xưa, thủa mới yêu ông. Người đàn bà từng được người yêu là chồng say đắm, bà có đủ lòng tin và sức mạnh vào thế lực của mình mới phải. Nhưng bà không thế. Bà luôn lầm lẫn. Đây cững ũng chính là sự không sáng suốt của người đời nói chung.


    Xem qua đoạn giới thiệu trên mình nhận thấy đây là một hiện trạng rất thực và phổ biến của người phụ nữ, đó cũng là một sự lầm lẫn dẫn đến việc người đàn ông sa đà vào những tội lỗi. Giá như người vợ sáng suốt hơn một chút nữa nhỉ!
    Cảm ơn Hoàng giao đã giới thiệu một tác phẩm văn học phản ánh những tâm lý tình cảm gia đình thật phổ biến. Thy Lan sẽ tìm đọc tác phẩm Mây Trời Bảng Lảng của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.

  8. 5 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


  9. #5
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1
    Quote Nguyên văn bởi thylan Xem bài viết

    Xem qua đoạn giới thiệu trên mình nhận thấy đây là một hiện trạng rất thực và phổ biến của người phụ nữ, đó cũng là một sự lầm lẫn dẫn đến việc người đàn ông sa đà vào những tội lỗi. Giá như người vợ sáng suốt hơn một chút nữa nhỉ!
    Cảm ơn Hoàng giao đã giới thiệu một tác phẩm văn học phản ánh những tâm lý tình cảm gia đình thật phổ biến. Thy Lan sẽ tìm đọc tác phẩm Mây Trời Bảng Lảng của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng.
    Cảm ơn Nhạc sĩ Thy Lan đã quan tâm bài viết cũng như tác phẩm. Thy Lan có thể tìm đọc tiểu thuyết MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG ở trang nguoibaochua.com của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: http://www.nguoibaochua.com/search?u...&by-date=false

    HG chúc TL vạn sự như ý.
    Lần sửa cuối bởi hoanggiao; 23-11-2014 lúc 09:34 PM
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  10. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


  11. #6
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts
    Quote Nguyên văn bởi hoanggiao Xem bài viết
    Cảm ơn Nhạc sĩ Thy Lan đã quan tâm bài viết cũng như tác phẩm. Thy Lan có thể tìm đọc tiểu thuyết MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG ở trang nguoibaochua.com của Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng: http://www.nguoibaochua.com/search?u...&by-date=false

    HG chúc TL vạn sự như ý.


    Cảm ơn Hoang Giao đã chu đáo!
    Chúc bạn luôn vui, khỏe và có thêm nhiều bài cảm nhận thật sâu sắc!
    Thy Lan


  12. 2 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình