+ Trả lời chủ đề
Hiện kết quả từ 1 tới 3 của 3

Chủ đề: Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và Lễ hội Đền Hùng

  1. #1
    Avatar của thylan
    Điều Hành Viên Chính
    Hiện Đang :    thylan đang ẩn
    Tham gia ngày : May 2011

    Bài gửi : 4.479
    Thanks
    52.347
    Thanked 29.668 Times in 4.450 Posts

    Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và Lễ hội Đền Hùng

    Về với nguồn cội
    Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng


    “Dù ai đi ngược về xuôi
    Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
    Khắp miền truyền mãi câu ca
    Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm...”



    Câu ca dao trên đã khắc họa đầy đủ đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam, truyền thống ấy được đúc kết từ ngàn đời, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của cha ông ta. Câu ca dao ấy cũng nói lên rằng: trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, muôn người như một, tới ngày Giỗ Tổ luôn thành kính hướng về Đền Hùng - biểu tượng linh thiêng của cội nguồn dân tộc.

    Ngày Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Đền Hùng, Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Về mặt lịch sử, ngày Giỗ Tổ đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông (đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm) để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày quốc tế (quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) đặt ở Đền Thượng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

    Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

    Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư (khóa VII) ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 02/4/2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hằng năm đã trở thành quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

    Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO khi xem xét hồ sơ của Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Ngày 06/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

    Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam, trong đó Phú Thọ có 326 di tích, Vĩnh Phúc có 62 di tích, Hà Nội có 525 di tích, Hưng Yên có 60 di tích, Hải Dương có 40 di tích, Hà Nam có 143 di tích, Hải Phòng có 14 di tích, Thừa Thiên Huế có 1 di tích, thành phố Hồ Chí Minh có 14 di tích, Lâm Đồng có 2 di tích, Đồng Nai có 2 di tích. Riêng tại địa bàn An Giang, theo ngành chuyên môn, nghi thức cúng Tổ Hùng Vương chỉ duy nhất diễn ra trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Tại đây, cúng Tổ được gắn với lễ Kỳ yên của đình thần Thoại Sơn, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.

    Bên cạnh ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Hùng còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản văn hóa vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hằng nghìn năm; khắc sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi, và quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

    Nguồn Internet

  2. 7 Thành viên dưới đây cảm ơn thylan vì bài viết hữu ích này


  3. #2
    Avatar của Tran Xuan Sinh
    Bạn Tri Kỷ
    Hiện Đang :    Tran Xuan Sinh đang ẩn
    Tham gia ngày : Oct 2012

    Tuổi: 78
    Bài gửi : 10.801
    Thanks
    51.743
    Thanked 56.645 Times in 10.887 Posts
    Blog Entries
    3

    NHỚ VỀ GIỖ TỔ

    Ai về Phú Thọ giỗ Hùng Vương
    Giúp chuyển vần thơ đặng tỏ tường
    Một dạ trung thành yêu nước Việt
    Bao điều tốt đẹp gửi làn hương
    Mong cầu quốc thái muôn đời kiếp
    Thỉnh nguyện dân an mọi nẻo đường
    Biển lặng trời yên bền vững mãi
    Ơn người tỏa rạng ánh vầng dương./.

    TXS 13/04/2016

  4. 6 Thành viên dưới đây cảm ơn Tran Xuan Sinh vì bài viết hữu ích này


  5. #3
    Điều Hành Viên
    Hiện Đang :    hoanggiao đang ẩn
    Tham gia ngày : Feb 2014

    Tuổi: 63
    Bài gửi : 4.458
    Thanks
    30.429
    Thanked 29.986 Times in 4.483 Posts
    Blog Entries
    1



    GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

    Ngày Giỗ nao lòng những áng thơ
    Lâm Thao đón lấy một màu cờ
    Bệ Rồng Phú Thọ trao điều ước
    Châu Thổ Sông Hồng gửi khúc mơ
    Nghĩa Lĩnh hào quang ngời bốn biển
    Sơn Tây dũng khí rạng trăm bờ
    Cái nôi Đất Tổ danh nhân kiệt
    Lịch sử trang vàng đẹp óng tơ

    Lịch sử trang vàng đẹp óng tơ
    Quê hương tiếng trống lộng đôi bờ
    Muôn người nhộn nhịp trông ngày lễ
    Vạn kẻ tưng bừng đón cảnh mơ
    Rộn rã muôn phương hồng ngọn bút
    Xôn xao tứ chốn đỏ màu cờ
    Phong Châu lộng lẫy vườn hoa ngát
    Nhiệt huyết dâng trào vạn tiếng thơ

    Hoàng Giao
    Lần sửa cuối bởi hoanggiao; 13-04-2016 lúc 09:14 PM
    http://vnthihuu.net/image.php?type=sigpic&userid=60789&dateline=140742  1116

  6. 3 Thành viên dưới đây cảm ơn hoanggiao vì bài viết hữu ích này


+ Trả lời chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình